Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

SONG HỈ LÂM MÔN

Thầy Mạnh song hỉ lâm môn
Có ngôi nhà mới, có con dâu hiền
Nhóm Tri Ân được một phen
Cùng nhau chén bát say mềm thật vui




                 Sao Đỏ 18-12-2011
                  Vũ Thị Song Thu

LẠI DỰ ĐỐI VUI

MỜI ĐỐI:
1, Về làng Hóp, uống rượu Hóp, nhắm măng tre hóp, thở hí hóp
2, Qua bến tranh, bán tranh tết, mải uống nước chanh, người tranh nhau lấy hết
                                    Tạ Anh Ngôi (mời đối)
3, Phật thánh độ trì tâm thành kính
                                     Xuân Thảo (mời đối)

ĐỐI LẠI
1, Đến suối Mơ, xem hoa mơ, làm chén rượu mơ, say lơ mơ
2, Vào hàng chả,mua chả chìa, lần tìm tiền trả, tiền trả mãi vẫn còn
3,Tổ tiên phù trợ nghiệp hanh thông
                                         Vũ Thị Song Thu ( đối lại)

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

LẠI NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI

                      
            Gần đây, cư dân xóm Trian rộn ràng đối đáp câu đối và xướng họa thơ Đường . Tôi không giỏi về lĩnh vực này nên chỉ tham gia in ít thôi và vẫn thấy mình đối đáp còn ngô nghê, gượng gạo lắm . Tìm đọc câu đối của các bậc tiền nhân, tôi thấy nhiều câu đối rất thú vị. Xin sưu tầm, giới thiệu để những ai yêu thích món này cùng thưởng thức cho vui
Tương truyền rằng, Mạc Đĩnh Chi, người đỗ Trạng nguyên đời vua Trần Anh Tông và sau đó còn được vua Nguyên phong “Lưỡng quốc Trang nguyên” là một người có biệt tài ứng đối. Một lần đi sứ sang Trung quốc, gặp khi mưa to gió lớn nước ngập trắng băng cả một vùng châu thổ sông Hồng. Đoàn sứ thần đến cửa ải muộn, viên quan trấn giữ cửa ải không chịu mở cửa lại muốn thử tài của Mạc Đĩnh Chi bèn ra vế đối:
 “QUÁ QUAN TRÌ, QUAN QUAN BẾ, NGUYỆN QUÁ KHÁCH QUÁ QUAN”.(Qua cửa ải muộn, cửa ải đóng mời quá khách qua cửa ải). Cái hiểm hóc của vế đối không chỉ bởi việc sử dụng rất nhiều từ đồng âm khác nghĩa mà còn bởi cái cách không mở cửa nhưng vẫn mời quá khách qua cửa. Mạc Đĩnh Chi đã thoát hiểm bằng một vế đối lại không thể tuyệt vời hơn: “ XUẤT ĐỐI DỊ, ĐỐI ĐỐI NAN, THỈNH TIÊN SINH TIÊN ĐỐI”( Ra đối dễ, đối lại khó, mời tiên sinh đối trước). Cái tài trong vế đối này là không chỉ đối lại  rất chỉnh mà còn vừa đối lại rồi vừa thách đối. Phục tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi, viên quan trấn ải liền mở cửa để đoàn sứ thần đi qua.
Khi sang yết kiến vua Nguyên, nhà vua cậy thế nước lớn lại muốn áp đảo nước nhỏ và cũng là áp đảo tinh thần sứ giả đã ra đối : “NHẬT HỎA, VÂN YÊN, BẠCH ĐÁN THIÊU TÀN NGỌC THỎ”( Mặt trời là lửa, mây là khói, giữa ban ngày thiêu rụi mặt trăng). Mạc Đĩnh Chi đã ung dung đối lại:
“NGUYỆT CUNG, TINH ĐẠN, HOÀNG HÔN XẠ LẠC KIM Ô” ( Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời). Vế đối   lại  thật tuyệt ! Bởi nó vừa khắc họa thật đúng, thật sống động hiện tượng tự nhiên rất hùng tráng, mỹ lệ, vừa thể hiện khí phách tự tin, cứng cỏi, bất khuất,hào sảng của người đứng đối lại vừa thể hiện tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc khiến vua Nguyên và cả triều thần đều nể phục.
Lại kể chuyện cụ Tam nguyên Yên Đổ, Nguyễn Khuyến, một bậc học rộng tài cao (ba lần đỗ đầu trong các kì thi:thi hương, thi hội, thi đình) rồi ra làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược đầu hàng, cụ cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Cụ không chỉ là một ông quan thanh liêm giàu tình yêu quê hương đất nước mà còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của nước ta. Trong sự nghiệp thơ văn đó, phần câu đối của cụ cũng thật sự tài hoa và kì thú.
Đây là câu đối cụ làm khi cụ bà qua đời:
 “NHÀ CHỈN CŨNG NGHÈO THAY, MAY ĐƯỢC BÀ HAY LAM HAY LÀM THẮT LƯNG BÓ QUE,XẮN VÁY QUAI CỒNG, TẤT TƯỞI CHÂN ĐĂM ĐÁ CHÂN CHIÊU VÌ TỚ ĐỠ ĐẦN TRONG MỌI NỖI
BÀ ĐI ĐÂU VỘI MẤY, ĐỂ CHO LÃO VẤT VƠ, VẤT VƯỞNG, BÚI TÓC CỦ HÀNH, BUÔNG QUẦN LÁ TỌA GẬT GÙ TAY ĐŨA CHẠM TAY CHÉN, CÙNG AI KỂ LỂ CHUYỆN TRĂM NĂM”
Câu đối không chỉ hài hòa về thanh điệu ,chỉnh về ngôn từ mà còn giàu tính nghệ thuật và đậm tính nhân văn. Nó gợi rất sinh động hình ảnh một bà vợ lam lũ, tảo tần, xăm xắn, hay lam hay làm, hết lòng gánh vác mọi việc gia đinh, hết lòng vì chồng,con; Gợi hình ảnh một ông già góa vợ sống lay lắt vật vờ , chông chênh, trống trải, cô đơn, buồn thương đến tội nghiệp. Đó cũng chính là tình yêu thương, lòng tri ân, là tiếng khóc vợ chân tình cảm động vô cùng của cụ.Một ông quan viết câu đối khóc vợ bằng tình yêu thương , niềm trân trọng đến thế trong thời phong kiến thật là hiếm có nếu chưa dám nói là có một không hai.
Đây lại là những câu đối mà cụ Nguyễn Khuyến làm cho  bà vợ ông thợ nhuộm khi chồng bà qua đời:
 THIẾP TỪ KHI LÁ THẮM SE DUYÊN; KHI VẬN TÍA, LÚC CƠN ĐEN; ĐIỀU DẠI ĐIỀU KHÔN NHỜ BỐ ĐỎ
CHÀNG Ở DƯỚI SUỐI VÀNG NGHĨ CẢNH; VỢ MÁ HỒNG, CON RĂNG TRẮNG, TÍM GAN, TÍM RUỘT VỚI TRỜI XANH
Còn câu đối cho vợ người thợ rèn khóc chồng,cụ lại viết:
NHÀ CỬA ĐỂ LẦM THAN, CON THƠ DẠI LẤY AI RÈN CẶP
CƠ ĐỒ ĐÀNH BỎ BỄ, VỢ TRẺ TRUNG LẮM KẺ ĐE NOI.
Cái tài của các câu đối trên là ở chỗ, cụ Nguyễn Khuyến đã dùng toàn những từ chỉ màu sắc(Thắm,tía, đen điều,đỏ, vàng ,hồng, trắng, tím, xanh) để khóc ông thợ nhuộm và dùng toàn những từ chỉ các vật dụng của nghề rèn:(lầm than, bỏ bễ,rèn cặp, đe noi) để tỏ bày lòng tiếc thương cũng như gợi gia cảnh bác thợ rèn.
Lại được biết, vào năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, lúc đó Chủ tịch Mao Trạch Đông đã rất yếu không thể sang viếng được, ông đã gửi viếng đôi câu đối như sau:
CHÍ KHÍ TRÁNG SƠN HÀ, KIM CỔ ANH HÙNG DUY HỮU NHẤT
MINH TINH QUANG NHẬT NGUYỆT, Á ÂU HÀO KIỆT THỊ VÔ SONG.
Tạm dịch là: Chí khí trùm sông núi, xưa nay, anh hùng(như thế) chỉ có một
Ngôi sao sáng át cả mặt trời, mặt trăng, khắp Á, Âu, hào kiệt( thế này) hẳn không có hai.
Câu đối đã thể hiện sự tôn sùng, ngưỡng mộ dứt mực; sự khẳng định, đánh giá  cao của Mao Chủ Tịch với Bác Hồ bằng lời lẽ thật chắc nịch, hình ảnh tráng lệ đăng đối rất chỉnh. Đọc thật thích.!
Ngày nay, thú chơi câu đối không còn thịnh hành như xưa nữa. Tuy nhiên, mỗi dịp tết đến, xuân về, ta vẫn thấy trên các trang báo đều đăng khá nhiều câu đối.Trong đó có nhiều câu khá hay. Mặt khác, trong cuộc sống đời thường chốn dân gian cũng thường lưu truyền khá nhiều câu đối rất thú vị, vừa vui, vừa hóm và nhiều khi còn rất hóc búa và khá sâu sắc nữa. Trong quá trình lưu truyền những câu đối này, giáo giới chúng ta cũng góp phần đáng kể.
Tôi xin dẫn ra đây một vài ví dụ. Một lần , cách đây dăm bảy năm gì đó, một số giáo viên của hai trường THPT Chí Linh và Phả Lại, tụ tập ở nhà tôi. Trong lúc chuyện trò có đề cập đến câu đối. Một thầy giáo người miền trung nói: “Ở quê em, lưu truyền một vế đối NỎ CẦN CHI, CHỈ CẦN NO mà em vẫn chưa đối được. Mời các bác đối xem sao. Mỗi người mỗi vế đối lại. Tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ duy nhất một vế đối CÒ KHÔNG TIẾN, TIỀN KHÔNG CÓ. Lại một thầy khác sướng lên: trong vùng Củ Chi có vế đối hiểm lắm CÔ GÁI CỦ CHI, CHỈ CU HỎI CỦ CHI? Mọi người xúm vào đối. Vì ở vùng đất Chí Linh đã có dốc Ba Đèo lại có cả Đèo Trê, nên tôi nhớ được hai vế đối như sau: ÔNG LÃO BA ĐÈO, ĐEO BÀ VƯỢT BA ĐÈO và ÔNG GIÀ ĐÈO TRÊ,TRÈO ĐÊ BẢO ĐÈO TRÊ. Có lẽ vì đối ngay nên những vế đối lại này đều phạm luật bằng trắc. Nhưng lúc đó, rượu đã ngà ngà nên  chẳng ai băn bẻ gì. Thầy Ngô Quang Lắm, Hiệu trưởng trường THPT Chí Linh thì kể về một câu đối vẫn được lưu truyền trong ngành :
THÀY GIÁO TRỌNG NGỒI TRÊN CHÕNG ĐỂ QUAN TRỌNG RA NGOÀI
            CÔ GIÁO THƯỜNG NẰM GIỮA GIƯỜNG ÚP BÌNH THƯỜNG XUỐNG DƯỚI. Nghe xong mọi người đều cười ồ thoải mái. Lúc này, thầy Hạm, giáo viên văn trường Phả Lại mới thủ thỉ kể rằng: Hôm vừa rồi, tôi và thầy Hạ, giáo viên toán của trương ra thăm vịnh Hạ Long , tôi tức cảnh ra vế đối thế này, mời các thày đối lại:
ME SỪ HẠ XUỐNG VỊNH HẠ LONG THẤY CON RỒNG LỘN HOẢNG HỒN CO CẲNG THƯỢNG. Vì là cuối buổi nên vế đối đó chưa được ai đối lại. Mấy hôm sau, tôi có đối lại là :
MA ĐAM DƯƠNG, LÊN RỪNG BẠCH DƯƠNG GẶP CHÚ VOI CƯỜNG HÍ HỬNG VỚI TAY SỜ. Rất tiếc là tôi và mọi người chẳng bao giờ gặp lại thầy Hạm nữa để  mà đọc cho thầy nghe những vế đối của mình. Vì thầy đã đột ngột lìa xa thế giới này bởi một tai nạn giao thông trong một buổi chiều đi dạy về.
Nhìn chung các câu đối lưu truyền trong dân gian thường ngắn gọn, có tính hài hước,dí dỏm rất dễ nhớ. Vế ra thường rất hay, rất hiểm. Có rất nhiều vế đối lại nhưng có lẽ ít có vế đối nào ngang tầm với vế ra. Một đặc điểm nữa của loại câu đối này là thường có yếu tố tục. Nhưng tục mà không thô, tục vẫn thanh và vẫn hướng tới cái nhã, cái đẹp, cái văn hóa. Hoặc chí ít cũng là chỉ những câu như thế mới còn lại và được truyền tụng.
Có thể nói, chơi câu đối là một thú chơi ngôn ngữ rất công phu và cũng vô cùng thú vị. Dẫu là câu đối của các bậc túc nho hay câu đối dân gian; dẫu đối thơ(7 âm tiết trở xuống) hay đối phú( 7 âm tiết trở lên) thì ta thấy nó vẫn  rất chuẩn mực về luật đối.Nó không hề dễ dãi nhưng cũng không quá khó đến mức bất khả tri. Chỉ cần ta chịu đọc, chịu học hỏi thì mọi người trong xóm Trian nhà mình ai cũng có thể làm được những câu đối đúng luật. Còn có đạt đến độ hay, đến độ xuất sắc không thì không thể khẳng định được.Tuy nhiên do cư dân xóm mình chủ yếu là đang tập đối nên rất mong các vị ra đối chỉ ra khó vừa vừa thôi. Rồi dần dà nâng cao độ khó lên . Nếu ra khó quá ngay từ đầu thì ít người tham gia được. Hơn nữa là mong các bác ra đối có nhiều tính văn nghệ để cuộc đối đáp thêm rôm rả và lý thú hơn.
                                    Sao Đỏ 17-12-2011
                                    Vũ Thị Song Thu

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

LẠI DỰ ĐỐI VUI

Vế mời đối
        Tết tung tăng,xuân xúng xính hội hè...sum họp
Xin đối lại:
       1,Xuân xao xuyến, phố phởn phơ hớn hở...hát ca
        2,Xuân xao xuyến, hạ hẹn hò rạo rực...sóng đôi
                                 Sao Đỏ 16/12/2011
                                 Vũ Thị Song Thu

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

DỰ ĐỐI VUI

Vế mời đối:

Tết Thìn tới, trời trong trẻo thắm tươi, toàn tuổi trẻ tâm tình thủ thỉ

Vế đự đối:

Chồng chị chuồn, chị chán chường chua chát, các con còm cầu cứu kêu ca

Vế mời đối:

Tết  túng tiền tiêu tìm tớn tác

Vế dự đối:

1, Nhà nhiều nho nhũn nhá nhôi nhai
2,Đường đầy điếm đón đứng đong đưa

13/12/2011
Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

TẤM SỰ NÀNG THÚY VÂN

                       
            Nghĩ thương lời chị dặn dò
            Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
            Chị yêu lệ chảy đã đành
            Chứ em nước mắt đâu giành chàng Kim

            Ơ kìa sao chị ngồi im
            Máu còn biết chảy về tim để hồng
            Lấy người yêu chị làm chồng
            Đời em thể thắt một vòng oan khiên

            Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
            Chị thương kẻ mất đừng quên người còn
            Mấp mô số phận vuông tròn
            Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

            Là em nói vậy thôi Kiều
            Sánh sao đời chị bao chiều bão giông
             Con đò đời chị về không
            Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường

            Chị nhiều hờn giận yêu thương
            Vầng trăng còn lắm mùi hương hẹn hò
            Em chưa được thế bao giờ
            Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim

            Em thành vợ của chàng Kim
            Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
            Giấu đầy đêm nỗi khát khao
            Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu
                        ( Trương Nam Hương)
Bao đời nay, bàn luận về nỗi đau của Thúy Kiều thì dễ có mấy nghìn trang. Nhưng bàn luận về nỗi đau của Thúy Vân thì tôi mới chỉ gặp ở bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” của Trương Nam Hương
Bài thơ được viết theo thể lục bát tự sự, mang đậm âm hưởng của ngôn ngữ Truyện Kiều, đậm đặc tính trữ tình và có khá nhiều nhãn tự.
Mười lăm năm trời bặt vô âm tín. Ngờ đâu có ngày hội ngộ.Hai chị em được dịp tâm sự với nhau. Tác giả đã để cho Thúy Vân đối diện với chị và tự bộc bạch nỗi lòng của mình. “ Nghĩ thương lời chị dặn dò/Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh/ Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu giành chàng Kim…/ Lấy người yêu chị làm chồng/ Đời em thể thắt một vòng oan khiên”.
Chỉ có Thúy Vân mới hiểu được nỗi đau đó của mình. Nhưng nàng đã giấu kín điều đó “Giấu đầy đêm nỗi khát khao”. Giấu kín nỗi đau của mình cũng là để thực hiện trọn vẹn lời dặn dò của chị. Cho đến ngày sóng yên bể lặng mới nói ra. Nói ra không phải để kể công với chị mà là để mong được chị chia sẻ với mình. Chị đã biết thương Đạm Tiên, người đã nằm yên dưới mộ, lẽ nào lại không biết thương người đang sống. Em đau khổ vì em chưa được yêu. Mà sức mạnh tình yêu thì như chị biết đấy “Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu”.
Người đọc bỗng nhận ra một điều. Nỗi đau của Thúy Vân là nỗi đau của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một cuộc hôn nhân chỉ nhằm thực hiện một mục đích đạo lý.
Mà đúng thế thật! Từ khi Kim Trọng kết hôn với Thúy Vân, suốt 15 năm trời, người đọc đâu có được chứng kiến những giây phút âu yêm hạnh phúc của hai người. Trái lại, tâm tưởng Kim Trọng, lúc nào cũng nghĩ đến Thúy Kiều. Hình ảnh Thúy Kiều luôn ngự trị trong trái tim Kim Trọng. Có lúc như một sự đồng hiện vừa thực vừa mơ “Dường như trên nóc trước thềm/Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng/Bởi lòng tạc đá ghi vàng/ Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây”. Quả thật, trong trái tim Kim Trọng không có chỗ đứng cho Thúy Vân. Với chàng, Thúy Kiều là người yêu duy nhất. Thúy Vân nhận biết được điều đó, nên càng nghĩ, càng thấy chua chát, cô đơn, kể cả lúc đã con dắt, con bồng. Hóa ra mình chỉ là người thay chị làm vợ, thay chị sinh con, như một cái máy sinh học, chứ có tình cảm gì đâu. “Em thành vợ của chàng Kim/ Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao”. Thật là dễ sợ! Và cũng thật là xót xa cay đắng!
Ngồi kể khổ với chị nhưng lại sợ chị phật ý vì Vân biết, chị còn khổ hơn mình nhiều nên như đánh bài hòa: “Là em nói vậy thôi Kiều/Sánh sao đời chị bao chiều bão giông/Con đò đời chị về không/ Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường”. Mấy câu thơ thật hay, khái quát được số phận cay đắng của nàng Kiều.
Dẫu thế, chị vẫn có được niềm hạnh phúc mà em chưa hề có. Đó là tình yêu của chàng Kim đối với chị. Chị đã được yêu, được nhớ thương, hờn giận, được âu yếm, hẹn hò “Chị nhiều hờn giận yêu thương/Vầng trăng còn lắm mùi hương hẹn hò/Em chưa được thế bao giờ/Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim”
Một sự so sánh thật chí lý nhưng cũng thật chua xót. Chị quá khổ, nhưng em cũng có sướng gì đâu. Đến đây ta mới thật sự nhận ra một điều nữa. Thế là cái xã hội phong kiến mục nát ấy không chỉ làm cho Kiều khổ mà Vân cũng phải khổ lây. Có điều, nỗi khổ của Kiều thì xưa nay mọi người đều biết, còn nỗi khổ của Thúy Vân thì không phải ai cũng nhận ra, phải đợi đến Trương Nam Hương. Anh đã có một cách tiếp cận truyện Kiều thật độc đáo, một sự đồng sáng tạo cùng thi hào Nguyễn Du, một cách nhìn rất hiện đại về hạnh phúc và tình yêu. Anh đã phát hiện được một điều mới mẻ đầy thú vị.
Tâm sự nàng Thúy Vân, có thể coi như một đoạn thơ bổ sung cho truyện Kiều ở phần tái ngộ. Nó có một sự liên kết rất logic với nội dung truyện Kiều. Trong truyện Kiều, Thúy Vân rất ít bộc lộ tính cách của mình. Có người cho Thúy Vân là cô gái vô tư, đơn giản, kể cả khi Thúy Kiều nhờ thay chị kết duyên với Kim Trọng, một việc hệ trọng như vậy mà vẫn không thấy Vân nói gì. Thái độ im lặng lúc ấy là đúng, chị còn dám bán mình chuộc cha, hy sinh cả mối tình đầu, lẽ nào mình lại khước từ. Nhưng im lặng không có nghĩa là ưng thuận.
Phải đến ngày tái ngộ, Vân mới nói thực lòng mình: “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào cho em”. “Buộc vào” là áp đặt, chứ còn gì nữa. Và cũng chính vì áp đặt nên em phải “Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh”. Phải chi cụ Nguyễn Du sống lại, cụ cũng không thể không chia sẻ nỗi đau này.
Toàn bộ câu chữ của truyện Kiều như đã được thẩm thấu qua tâm hồn của Trương Nam Hương để anh có được những câu thơ như sinh ra từ truyện Kiều, như là hơi thở của Nguyễn Du.
Rồi  những “lệ”và “sụt sùi”; những “oan khiên” và “máu chảy”; những “số phận vuông tròn” … là những ngôn từ tạo nên sự liên kết giữa bài thơ và truyện Kiều một cách nhuần nhuyễn.
Chỉ có 12 cặp lục bát mà nói được tâm sự éo le của Thúy Vân,  một người phụ nữ đã đi được quá nửa cuộc đời mình mà vẫn còn khát khao: “Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu”. Chắc chắn Trương Nam Hương đã phải thai nghén bằng nỗi đau của Thúy Vân nên mới sinh thành được một đứa con tinh thần đầy ấn tượng như vậy
            Lời bình của Nguyễn Quang Tuyên.
                 Vũ Thị Song Thu (Sưu tầm)

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

BIẾT BAO LẦN

        (Họa nguyên vận bài THA THIẾT TÌNH AI- Tạ Anh Ngôi)
    Tri ân mở cửa đón thi nhân
     Nam, Bắc chung vui tới họa vần
    Gom nắng dệt vàng bao tháng hạ
    Góp hoa tô thắm những ngày xuân
     Niềm thương xao xuyến miền duyên hải
    Nỗi nhớ thẫn thờ áng bạch vân
    Xin gửi cả vào thơ với nhạc
     Làm nên tha thiết biết bao lần
                Sao Đỏ 30-11-2011
                     Vũ Thị Song Thu

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Phát sốt với cây sanh "mâm xôi con gà" giá hàng chục tỷ đồng



Đây được cho là cây sanh “mâm xôi con gà” tự nhiên đẹp nhất Việt Nam. Hiện đang có rất nhiều đại gia cây cảnh có tiếng ‘lăm le’ bỏ hàng chục tỷ đồng tìm mọi cách để sở hữu “tác phẩm tuyệt mỹ” này.
Chúng tôi đã có một ngày băng rừng, vượt suối để tìm đến xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), tận mắt chứng kiến một “tác phẩm” tự nhiên hàng ngàn năm tuổi và 'có một không hai' giữa núi rừng hùng vĩ.


Toàn cảnh khối đá, thân cây, ngọn cây sanh bao bọc nằm uy nghi giữa núi rừng. 

Chúng tôi đã nhờ anh Dần, một người dân bản địa sành đường đi nước bước dẫn đường. Cây xanh đứng hiên ngang, bao bọc cánh đồng mía bạt ngàn.

Cây sanh toả bóng ôm tròn lên 2 khối đá quý, một tảng đá lớn ở phía dưới nứt làm đôi và một khối đá hình tròn phía trên có hàng trăm rễ cây bao bọc chằng chịt.

Đứng ngắm mấy phút, anh Dần liền leo lên tảng đá bám từ rễ cây, không hết lời trầm trồ: “Tui ở Tân Kỳ mấy chục năm rồi mà không nghĩ là ở vùng đất này lại có cây sanh đẹp như thế. Không trách gì dân chơi cây cảnh đang muốn bỏ tiền tỷ ra để sở hữu. Cây này mà đưa được ra ngoài thị trấn chắc là vô giá…”.


Năm tháng lớn lên trong sự già nua của thân và rễ cây sanh ngàn tuổi 

Cũng theo anh Dần, là một người làm xây dựng và cũng thường xuyên đi ‘săn’ cây cảnh về trồng, anh đánh giá cây sanh này phải đến hàng ngàn năm tuổi và khối đá bao bọc xung quanh là đá hoa cương (garanít) hạt nhỏ.

Khối đá phía dưới được tách ra làm 2 tảng lớn, ước chừng nặng khoảng 160 tấn và hòn đá trên giống như viên ngọc có trọng lượng khoảng 25 tấn. Chiều rộng tán lá của cây khoảng 40m và chiều cao của thân cây khoảng 38m.

Theo anh Dần thì đặc thù cây sanh bao giờ tán lá cũng toả dài hơn độ cao của thân cây.

Ngoài thân cây chính bao bọc lấy hòn “đá ngọc”, xung quanh có hàng trăm rễ lớn bao bọc, tạo nên sự vững chắc cho toàn thân cây. Rễ và đá bám chặt lấy nhau, cuộn tròn như một “con rồng đang ngậm ngọc”, tua tủa từ gốc lên ngọn cây như “phượng múa rồng bay”.

Quanh thân cây bám lấy khối đá hoa cương còn có 4 rễ lớn chùng từ trên ngọn cây cao vút xuống mặt đất, giống như chiếc ghế 4 chống trụ xung quanh tảng đá và thân cây lớn.



Quan sát khu vực xung quanh cây sanh, trong bán kính 100m có hàng trăm hòn đá hoa cương to, nhỏ nằm rãi rác bao quanh. Không những thế, dưới chân cây sanh không xa, một dòng suối nhỏ chảy hiền hoà, nước trong veo và mát lạnh.

Những kết cấu đặc biệt này khiến cây sanh càng trở nên huyền bí và lạ lẫm, cuốn hút nhiều người đến xem.

Được biết, hiện nay có rất nhiều đại gia cây cảnh do chưa mua được cây sanh “độc nhất vô nhị” này nên đang có ý định mua cả khu đất bao quanh để làm sở hữu riêng.

Mang những thông tin trên lên hỏi Phòng văn hoá huyện Tân Kỳ thì họ không hề hay biết và còn rất ngạc nhiên là trên địa bàn xã Giai Xuân lại có một cây sanh cổ thụ và quý giá.

Trông bức ảnh, anh Đinh Xuân Công, cán bộ văn hoá huyện Tân Kỳ ngạc nhiên nói: “Khi xem những hình ảnh này thì không thể tin được là có cây sanh đẹp đến vậy. So với cây sanh “mâm xôi con gà” hay “con gà mâm xôi” của ông Nguyễn Trung Thành mà báo chí đăng tải nhiều lần thì phải gọi cây này là bằng... cụ. Cây sanh này mới gọi là “mâm xôi con gà thật”.

Cây sanh quý nằm trên hòn đá ngọc hoa cương, một tài sản vô giá của thiên nhiên ban tặng đang được rất nhiều đại gia cây cảnh dòm ngó.

Trước khi nó trở thành của riêng một ai đó, các cơ quan chức năng nên có biện pháp bảo vệ, gìn giữ...

Những hình ảnh tuyệt đẹp về cây sanh độc nhất vô nhị:





Theo Quốc Huy

BÁC HỒ ĐỐI ĐÁP CÂU ĐỐI VÀ HỌA THƠ


         

       Vào khoảng tháng 12 năm 1943, Hồ Chí Minh tham dự bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Tại bữa tiệc này,Nguyễn Hải Thần , vốn tự phụ về vốn Hán học của mình nên vừa có ý tự đắc vừa muốn lấy lòng quan trên  đã buông ra một vế đối ngụ ý so sánh Hầu Chí Minh với Hồ Chí Minh để thách đối:
 “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, nhị vị đông chí , chí giai minh”(Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị là đồng chí, chí đều sáng)
          Mọi người trong bữa tiệc còn đang suy nghĩ tìm cách đối  thì Hồ Chí Minh đã ung dung đối lại như sau:
          “Nhĩ cách mạng, ngã cách mạng, đại gia cách mạng, mạng tất cách”(Ông cách mạng, tôi cách mạng, tất cả đều cách mạng thì cách mạng tất thành công).
          Vế đối của Bác rất chỉnh cả về ý tứ lẫn ngôn từ lại có tầm tư tưởng cao, có tính cách mạng triệt để. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh không ngớt lời ca ngợi : “Đối hay lắm, hay lắm”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ Chí Minh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.
          Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Hải Thần cùng một số người Việt Nam nữa như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh theo đoàn quân Tiêu Văn của Tưởng Giới Thạch về nước. Để thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng, nhằm tập trung lực lượng kháng chiến ở Nam bộ, ngày 01/01/1946 Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó được bổ sung vào Quốc hội (không qua bầu cử) đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Liên hiệp chính thức. Nhân dịp này, Nguyễn Hải Thần đã làm thơ gửi Hồ Chủ tịch:
                   “Gánh vác việc đời ông với tôi
                   Con đường gai góc sẻ làm đôi
                   Cùng chung đất nước chung bờ cõi
                   Cũng một ông cha, một giống nòi
                   Đành chịu nước cờ thua nửa ngựa
                   Còn hơn miệng thế chế mười voi
                   Mấy lời nhắn nhủ cùng ông biết
                   Nước ngược buông câu phải lựa mồi”
          Thâm ý của Nguyễn Hải Thần là muốn khuyên Hồ Chủ tịch đành chịu phần thua, lựa chiều lòng Trung Hoa Quốc dân đảng. Biết rõ ý đồ ấy, Hồ Chủ tịch đã họa lại như sau:
                   “Ông biết phần ông, tôi biết tôi
                   Quyết giành thắng lợi chẳng chia đôi
                   Đã sinh đầu óc, sinh tai mắt
                   Nỡ bỏ ông cha, bỏ giống nòi
                   Họ trót sa chân vào miệng cọp
                   Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi
                   Cờ tàn mới biết tay cao thấp
                   Há phải như ai cá đớp mồi”
          Bài thơ họa lại, lời lẽ thật đanh thép, vừa thể hiện tinh thần quyết vượt mọi khó khăn, hiểm nguy giành thắng lợi vừa phê phán mạnh mẽ thái độ hèn hạ của bọn người cam tâm làm tay sai ôm chân Quốc dân đảng Trung Hoa, bỏ ông cha, bỏ giống nòi.
          Bài họa thật sắc sảo, tài tình!
                                      Vũ thị Song thu (sưu tầm)
                                      Nguồn Báo Sức khỏe và Đời sống  

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

HỌA THƠ THANH DẠ


          SỐ NHÀN
(Họa bài:Cứ ngỡ về hưu...của Thanh Dạ)

Số hắn sinh ra gặp chữ nhàn
Công to việc nhỏ có người toan
Tiền tiêu rủng rỉnh không cần hỏi
Rượu nhắm tì tì chẳng phải han
Quả ngọt rau xanh ơn đất phát
Con ngoan cháu thảo lộc trời ban
Bốn mùa đủng đỉnh thơ và nhạc
Mặc kệ mưa dầm với nắng chan
          Sao Đỏ :22-11-2011
          Vũ Thị Song Thu

VỀ HƯU


         

Xa rồi phấn trắng bảng đen
Ta về vui thú điền viên cùng người
Thảnh thơi sống đoạn cuối đời
Ngoài vòng danh lợi, ngoài lời thị phi
Vàng thoi, bạc tỷ màng gì
Vườn rau, ao cá mình thì cứ vui
Gà ngon, rau sạch, quả tươi
Mùa nào thức ấy tứ thời phong lưu
Cháu con ríu rít sớm chiều
Thành công, hiếu nghĩa là điều ta mong
Trò xưa, bạn cũ đồng lòng
Câu thơ, chén rượu ta cùng sẻ chia
Làng trên, xóm dưới đi về
Tắt đèn, tối lửa mọi bề có nhau
Họ hàng nội ngoại trước sau
Buồn vui ấm lạnh bên nhau tận tình
Vợ chồng duyên nợ ba sinh
Càng già càng  vẹn nghĩa tình mình ơi
Khi nao trời gọi lên trời
Chúng mình vẫn cứ là đôi vợ chồng
                   Sao Đỏ 22-11-2011
                   Vũ Thị Song Thu

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

NGHE TIẾNG CUỐC KÊU

Cuối thu nghe tiếng cuốc kêu
Tiếng kêu gọi bạn hay kêu lạc bầy
Mà sao ai oán thế này
Khi da diết nhớ khi ngầy ngật thương
Khi như nức nở đoạn trường
Không nơi trú ngụ không đường sinh nhai
Bờ tre đống ốc hết rồi
Góc ao nhỏ cũng bị người lấn sang
Đêm đêm tiếng cuốc mênh mang
Hỏi trời cao có bàng hoàng hay không?
              Sao Đỏ: 4-11-2011
             Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

VUI VỚI TRI ÂN


                           

Mấy hôm vừa rồi tham gia làm vườn cùng ông chủ, mệt quá, khi giải lao mở blog trian ra đọc, gặp được mấy bài thơ vui, cứ sướng âm ỉ mãi. Nhiều lúc nhẩm đọc lại rồi cười một mình ra chiều thú vị lắm. Cái niềm sung sướng ấy đã định bụng giữ cho riêng mình tận hưởng chứ quyết không chia sẻ cùng ai. Nhưng đến hôm nay thì không giữ nổi nữa rồi vì nó đã bật ra thành bài viết này đây, xin chiềng ra để cả xóm cùng rung rinh cho vui.
          Gớm cứ úp úp mở mở mãi làm mọi người tưởng điều gì to tát hay bí mật lắm. Thực tình đó là bài thơ : “ Hỏi em-Cô gái hái trầu” của bác Thanh Dạ và một vài ý kiến nhận xét ý mà. Có thể với mọi người nó chẳng đến nỗi làm cho sung sướng rung rinh, âm ỉ đến thế. Nhưng với tôi thì tôi rất khoái. Có lẽ tại cái tạng của tôi cứ thích những cái gì vui vui hom hóm chăng? Chẳng thế mà ngay từ thưở mới ra trường, lần đầu tiên thao giảng trong tổ văn, tôi cũng chọn giảng truyện cười : Tam đại con gà và Đến chết vẫn hà tiện. Tôi nhớ chị Lan cùng tổ khuyên tôi : “Em chọn bài khác đi, con gái giảng truyện cười khó hay lắm” Tôi cám ơn chị nhưng vẫn làm theo ý mình. Trời xui đất khiến thế nào mà bài giảng đó của tôi được mọi người trong tổ thích lắm và nhất trí bình loại giỏi.Duy có một ông tổ trưởng chẳng hiểu vì lý do gì mà hôm tôi giảng không đi dự được nhưng đến khi bình xét thì lại phán: “ đồng chí mới ra trường nên xếp loại khá để còn phấn đấu vươn lên hơn nữa”. Thế là cả tổ nhất trí thông qua. Tôi ấm ức lắm nhưng chẳng dám nói gì (vì lính mới tò te mà lại). Tuy vậy trong lòng thì  cứ nghĩ rằng cái ông tổ trưởng này gàn thế mà lại có uy tín với tổ vậy sao? Ấy cái ông gàn đó bây giờ đã “đồng tịch đồng sàng” với tôi gần 30 năm rồi đấy và tôi thấy ông ấy càng ngày càng gàn hơn thì phải. Nhưng tôi đã ăn phải bùa rồi nên vẫn thích cái gàn gàn, ngang ngang đó. Thế thì có sướng thân tôi không cơ chứ? Rõ là, cái sướng cái khổ với mỗi người mỗi khác thật. Cũng như bài thơ  của bác Thanh Dạ  mà tôi thú lắm ấy, nguyên văn nó thế này:
                             Nhìn tay em hái trầu không
                             Tự dưng anh thấy trong lòng nhói đau
                             Trầu này em định bán đâu
                             Cho anh gửi một buồng cau bán cùng
                             Hay là hãy để lại dùng
                             Biết đâu mai có việc chung hai nhà
                             Xin cho anh hỏi thật thà
                             Trầu này trầu có hay là trầu không?!
 Quả là bác Thanh Dạ nhà ta đa cảm thật. Mới thấy con nhà người ta hái trầu không mà đã “Tự dưng anh thấy trong lòng nhói đau”. Rồi lại còn đa tình nữa chứ. Cho nên mới lân la làm quen và ỡm ờ ướm hỏi: “Trầu này em định bán đâu” rồi thủ thỉ gửi gắm “Cho anh gửi một buồng cau bán cùng” rồi lại băn khoăn gợi mở:”Hay là hãy để lại dùng/ Biết đâu mai có việc chung hai nhà” và cuối cùng là thật thà nhưng cũng rất tế nhị ngỏ lời rằng: “Trầu này trầu có hay là trầu không”. Gớm vòng vo Tam quốc mãi thì ra là bác ấy muốn “tỉnh tò” với cô gái hái trầu kia, mà “tỉnh tò” kín đáo tinh tế và văn hóa ra phết đấy chứ. Có lẽ bác ý đã vận dụng thật nhuần nhuyễn cách ngỏ lời của văn học dân gian Việt Nam để biến thành cách ngỏ lời rất hóm , rất Thanh Dạ, một cách ngỏ lời khiến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Và đây rồi, có những con kiến ở tận đâu chắc là xa lắm và lại có cái bút danh cũng lạ lắm đã phải lòng bác Thanh Dạ nhà ta mà trả lời rằng:
                             Trầu em em ứ bán đâu
                             Lá đang bánh tẻ còn lâu mới già
                             Cau anh vỏ đã chớm ngà
                             Đem phơi lấy hạt âu là còn may
                             Thương anh em nói câu này
                             Hai cau đổi lá trầu này chịu không?
     ( Những thành viên của CLB Vòng tay trianserco)
Cũng là một tay đáo để ra phết cho nên lời thơ rất quyết đoán và đầy tự tin về bản thân mình nhưng lại không thô cứng mà rất nũng nịu rất nữ tính: “Trầu em em ứ bán đâu/ Lá đang bánh tẻ còn lâu mới già”. Có lẽ chính từ “Ứ” và từ “CÒN LÂU” đã tạo nên nét duyên dáng mà cao giá trong lời thơ chăng? Chưa hết, cái cô gái đáo để này còn thẳng thừng bóc mẽ bác Thanh Dạ, mà lại bóc mẽ trúng phóc nữa mới gớm chứ: “Cau anh vỏ đã chớm ngà/ Đem phơi lấy hạt âu là còn may”. Đọc đến câu này, tôi cứ ngậm ngùi thương bác Thanh Dạ vì nghĩ rằng điệu này thì lời ngỏ ý của bác dứt khoát bị chối từ rồi. Thật tội thân ông lão đa tình. Nhưng không, con người đáo để kia đã hạ giọng thế này: “Thương anh em nói câu này/Hai cau đổi lá trầu này chịu không?” Thật tình tứ, thật dí dỏm và vì thế mà thật thú vị!
           “Đựoc lời như cởi tấm lòng”, bác Thanh Dạ nhà ta mới gật đầu cái rụp mà thốt lên rằng: “Hai cau đổi lấy một trầu/ Thế là ngang giá-Còn cầu gì hơn”
          Thưa xóm Tri ân, tôi đã trình bày xong nỗi niềm sung sướng rung rinh của tôi với xóm chẳng biết có được ai đó trong xóm chia sẻ không? Qua xóm tôi gửi lời cám ơn bác Thanh Dạ và người làm thơ trả lời bác, người mà tôi lờ mờ đoán rằng “có tâm hồn trẻ nhất làng” chẳng biết có đúng không? Mong các bác viết thêm thật nhiều bài thơ vui và đẹp như thế này để mọi người lãm thưởng.
                                      Sao Đỏ 2-11-2011
                                      Vũ Thị Song Thu
                            

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

LỜI YÊU

Lời yêu mình gửi cho nhau
Hòa vào trời đất một màu đắm say
Nồng nàn tay nắm chặt tay
Xôn xao thương mến dâng đầy con tim
Đường quê ngan ngát hương đêm
Hương hoa bưởi quyện hương rơm ngọt ngào
Bầu trời lóng lánh ngàn sao
Trăng ngà nghiêng xuống thơm vào hoa cau
Bồng bềnh mây gió rỡn nhau
Muôn cây ngàn lá rì rào thiết tha
Sáo diều vi vút ngân nga
Cả không gian cứ chan hòa niềm yêu
Tiếng ai cười nói trong veo
Chắc là đang ngỏ lời yêu như mình
                Sao Đỏ : 23-10-2011
               Vũ Thị Song Thu

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011


          TÌNH EM
         
          Khi mà em nhõng nhẽo
          Tựa đầu vào vai anh
          Là tin tưởng yên bình
          Trong tình anh vững chãi

          Khi mà em giận dỗi
          Đùng đùng đòi bỏ đi
          Là muốn anh tức thì
          Níu giữ em ở lại
         
          Khi em im lặng mãi
Là muốn anh làm lành
Để tình yêu chúng mình
Thêm một lần thi vị

Khi  gục đầu nức nở
Nước mắt chạy vòng quanh
Là muốn anh dỗ dành
Cho an lành bão tố

Đừng trách em rắc rối
Đừng chê em phiền hà
Tình em dẫu có là
Chua cay hay mặn nhạt
Ngọt bùi hay đắng chát
Vẫn trong lành nơi anh
Vẫn chỉ dành riêng anh

          Sao Đỏ 17-10-2011
          Vũ Thị Song Thu

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

HOÀI NIÊM


Chiều buông thả ánh thu vàng chuếnh choáng
Làm  xao lòng những kẻ xa quê
Bao kỉ niệm cứ chập chờn thấp thoáng
Giữa thực hư miền kí ức đi về

Ôi tuổi trẻ một thời mê mải thế
Nào học hành nào công việc ruộng nương
Và tối đến lại hát hò tập thể
Tan cuộc vui về mái tóc đẫm hơi sương

  Lúc trưởng thành mỗi đứa một phương
Lăn lộn mưu sinh ít khi hội tụ
Nhưng kỉ niệm của một thời lam lũ
Cứ trở về làm sống mũi cay cay
Nhớ những trưa hè nắng gắt, nắng gay
Vừa chăn trâu vừa tranh thủ kiếm thêm con cua con cá
Nắng cháy lưng, lá lúa cào rát má
Chân bết bùn, tay đen nhẻm, khẳng khiu
Vẫn  rộn ràng cười nói trong veo                           

Lại nhớ khi vượt núi băng đèo
Nhặt hạt dẻ hoặc lần măng, hái nấm
Kiếm quả trám và tìm trái gắm
Có chát chua đắng đót ở trong đời



Nhớ những lần vác nứa mệt đứt hơi
Đang sắp khóc bỗng có người vác đỡ
Ngước nhìn lên  má như bừng đỏ
Hai ánh nhìn có lửa chạm vào nhau...
Rồi lặng thầm chẳng biết nói chi đâu
Hai đứa bên nhau như đi vào cổ tích
Lại nhớ cảnh mùa đông giá rét
Sương muối như hoa tuyết bên đường
sáng tinh mơ mình cắp sách đến trường
Áo một manh, chân không giầy buốt thót
Đi quãng dài lại  đốt giấy để hơ
Vẫn là mình nhường giầy vải cho ta
Chân đỡ buốt lòng ta ấm mãi...

Nhưng thực tế đâu phải là huyền thoại
Mình ra đi rồi mãi mãi không về
Mảnh hồn quê lỗi một lời thề
Mọi con đường bỗng trở nên vắng vẻ
Mọi ngọn núi cũng  thành cô lẻ
Giữa bầu trời quạnh quẽ tới ngàn xa
Nơi quê nhà ta bỗng thấy bơ vơ
Lần tìm thẩn thơ
Bước chân đời năm ấy
Lối ngày xưa cỏ xóa tự bao giờ
Sương chiều rơi chậm rãi bơ thờ
Gió sớm lạnh hững hờ xao xác
Đêm ướt áo mưa rơi xào xạc
Trăng rụng
Sao sa
Tận phía chân trời
Nỗi đau chiến tranh còn lẩn khuất mãi trong đời

Sao Đỏ 14-10-2011
Vũ Thị Song Thu
                              
                            

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

TRẦN TÌNH

Một tuần qua hỏng đường truyền
Không vô thăm được bạn hiền "Tri ân"
Ra vào ngơ ngẩn bần thần
Ngó trời chỉ thấy mây vần vũ trôi
Hôm nay đường lại thông rồi
Tha hồ lên mạng thăm người mến thân
" Nỗi mừng biết lấy chi cân"*
Trời thu như bỗng trong ngần tiếng ca
                    Sao Đỏ2-10 -2011
                       Vũ Thị Song Thu

Chú thích:* Câu thơ trích trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du