Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

NGÔI ĐỀN THỜ LIỆT SĨ CỔ NHẤT Ở CHÍ LINH


Dân địa phương vẫn gọi là Nghè Cao San. Ngôi nghè thuộc thôn Hòa Bình, xã Cổ Thành, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Dân làng và khách thập phương đến thăm quan dự hội hàng năm vẫn thành kính khói hương nhưng ít ai biết rằng thực chất đây là một ngôi đền thờ liệt sĩ cổ nhất ở Chí Linh
Dân địa phương thường kể lại truyền thuyết về ngôi nghè ấy, tinh thần tóm tắt như sau: Khi Cao Sơn Đại Vương, cầm quân đi đánh giặc Đông Di (?) đến địa phận thôn Chí Linh, ngài đồn trú ba quân giữa cánh đồng để tuyển thêm quân lính,. Tại bản xá, có hai anh em nhà kia, khôi ngô tuấn tủ, dũng lược hơn người, bèn ra ứng thí. Kết quả là cả hai anh em đều trúng tuyển và được Cao Sơn Đại Vương cử làm tướng tiên phong. Trước khi ra trận, Cao Sơn Đại vương có hỏi nguyện vọng của hai chàng trai, hai chàng thưa rằng: Chúng tôi dốc lòng theo Đại vương giết giặc quyết không sợ hiểm nguy không tiếc máu xương. Nếu chẳng may mà chết chỉ xin với Đại vương được đem thi thể về chôn tại quê nhà.
Trong trận chiến, hai anh em chàng trai đã chiến đấu vô cùng quả cảm và anh dũng hi sinh. Thể theo nguyện vọng của hai chàng trai, Cao Sơn Đại Vương đã mang thi thể họ về chôn cất tại quê hương.
Đời sau, dân địa phương mới xây nghè lên trên hai ngôi mộ để thờ cúng tri ân. Trong nghè vẫn thờ ba bài vị: Giữa là bài vị Cao Sơn Đại Vương và hai bên là hai bài vị thờ theo của hai anh em – hai liệt sĩ – tiểu tướng của Cao Sơn Đại Vương. Trước đây, Hàng năm mở hội, dân làng lại ra nghè rước các bài vị về đình làng cúng tế linh đình. Kết thúc hội, làng lại rước trả lại nghè.
Ngày nay, ngôi nghè đã được dân địa phương nâng cấp thành một ngôi đền khang trang, bề thế và khói hương thành kính quanh năm. Nhưng thiết nghĩ nếu mọi người đều hiểu được về bản chất đây là một ngôi đền thờ liệt sĩ thì ý nghĩa của di tích càng thêm phần văn hóa và thú vị biết bao.
Vũ Thị Song Thu

(Bài đã đăng báo Quân khu 3 số tháng 7 năm 2010)

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

NỖI LO ĐỜI THƯỜNG

Mở mắt ra là đã lo
Mua sao táo đẹp, cam to, quýt vàng...
Mua rồi lại lo bán hàng
Gánh rong khắp cả phố phường, bến xe
Nắng mưa, gió rét dám nề
Chân đi, vai gánh, tai nghe, mắt nhìn...
Đằng kia xe đậu, nhanh lên
Lại đây người gọi, có liền dám lâu
Suốt ngày xuôi trước ngược sau
Gánh hàng rồi cũng dần lâu bớt đầy
Chiều buông, nhẹ gánh vai gầy
Lại lo tiền lãi hôm nay ít nhiều?
Bần thần chẳng được bao nhiêu
Mà sao lắm thứ cần tiêu, cần dùng
Gạo ngày mai hết chưa đong
Tiền con nộp học chưa xong, con vòi
Lại thêm mấy cái thiếp mời
Lại còn đám héo của người xóm bên...
Bời bời gan ruột rối lên
Cổng nhà mình đã đến bên lúc nào
Hai con bỏ nghịch reo chào
Mình đang vun tưới ngoắt vào, ngừng tay
Rì rào khóm trúc lung lay
Gà con lích tích, quất đầy quả tươi
Hai con nét mặt rạng ngời
Con ơi mẹ muốn trọn đời... được lo...
V.T.S.T


Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

TUÂN THU XƯỚNG HỌA (2)

BÀI XƯỚNG :

Ngỡ là xuân

Tuân –xuân chung một cái đuôi « uân »
Mà cách biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Xuân chừng « cốc vũ » 1 đà « nên nhạc »
Tuân mãi « sang thu » mới « ghép vần »
Từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân.
Đỗ Đình Tuân




BÀI HỌA :

Mãi mãi xuân

Mặc kệ Tuân-Xuân chung chữ « uân »
Hay là khác biết mấy mươi lần
Gạo thơm nấu khéo xơi vài bát
Chân nghé ninh nhừ chén cả gân
Bát tiết tứ thời vui xướng họa
Quanh năm suốt tháng thú hòa vần
Ngao du sơn thủy cùng bầu bạn
Là thấy cuộc đời mãi mãi xuân.
Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

HOA DỨA ÔNG


Dứa ông ai chặt gốc rồi
Vứt lăn lóc giữa nắng trời mùa đông
Gốc teo: đen nhẻm, khô còng
Lá xanh quằn quại... nhưng lòng vẫn xanh...
Mưa xuân... dứa bỗng hồi sinh
Một mầm măng thẳng cất mình vươn lên
Tầng tầng hoa trổ bốn bên
Ngỡ như bông pháo giữa nền trời trong
Chắt chiu từng giọt nhựa nồng
Để hôm nay trổ những tầng hoa thơm
Ngày xem hoa dứa bên đường
Đêm mơ còn thấy ngát hương một vùng

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

TRẺ THƠ

Trẻ thơ tuổi của thiên thần
Miệng thơm hơi sữa trong ngần mắt đen
Bi bô cười nói hồn nhiên
Ai nghe cũng thích, ai nhìn cũng yêu.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

TUÂN-THU XƯỚNG HỌA(1)

BÀI XƯỚNG:

GIAO HẸN

Con cái lớn rồi công tác xa
Ở nhà chòng chọc chỉ hai ta
Sớm nămg thể dục rèn gân cốt
Chiều gắng chăm cây đẹp cửa nhà
Tối ngỏ ti vi nhìn thế cuộc
Đêm nằm nuôi mộng đón thơ ra
Bạn bè xóm láng cùng vui sống
Đâu kể hơn thua mới gọi là.
Đỗ Đình Tuân

Bài họa:

Ơn trời

Nhớ lại một thời chưa quá xa
Một mình ta với một mình ta
Hết than trăng lạnh trong hồ nước
Lại khóc hoa phai trước ngõ nhà
Cảnh đẹp không buồn đưa mắt ngắm
Hội vui chẳng thiết bước chân ra
Thế rồi Trời-Phật đưa ai đến
Từ đó đời ta mới thật là...
Vũ Thị Song Thu

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH

CẦN ĐƯA MÔN TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH
VÀO GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG QUÂN SỰ QUÂN KHU
TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Vũ Thị Song Thu
Giáo viên Khoa văn hoá TQSQK

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, là phương tiện để biểu đạt tư tưởng tình cảm của con người, để giao tiếp trao đổi mọi vấn đề trong cuộc sống xã hội giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các tổ chức với nhau… Mỗi quốc gia dân tộc lại có một ngôn ngữ riêng gắn liền với quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc đó. Ngôn ngữ chung của dân tộc Viêt Nam ta là Tiếng Việt.Trải bao thăng trầm của lịch sử, vượt lên âm mưu đồng hoá của phong kiến phương Bắc và thực dân đế quốc, Tiếng Việt vẫn tồn tại phát triển và đạt được phẩm chất trong sáng. Tuy vậy, trong thời kỳ mở cửa hội nhập hiện nay tình trạng pha tạp lai căng do lạm dụng tiếng nước ngoài (nhất là Tiếng Anh) trong giao tiếp đang diễn ra ngày càng nhiều nên hơn bao giờ hết, vấn dề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt cần được đặt ra. Bởi vì, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong giao tiếp không chỉ giúp cho việc diễn đạt các vấn đề được rõ ràng, mạch lạc, dễ tiếp thu mà xét đến cùng, đó còn là tình yêu đối với ngôn ngữ dân tộc, là một mặt quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.”*
Như vậy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, làm cho Tiếng Việt được phổ biến ngày càng rộng khắp là trách nhiệm, tình cảm của mỗi người Việt Nam, trong đó có “Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng ta cần học tập cách giao tiếp ngắn gọn, súc tích và trong sáng đến mẫu mực của Bác. Đồng thời phát động phong trào sâu rộng trong toàn quân học hỏi nâng cao tầm hiểu biết và sử dụng chuẩn xác ngôn ngữ Tiếng Việt, góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ nước nhà.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong giao tiếp nghĩa là giữ cho lời nói, câu viết sáng rõ về ý nghĩa, trong trẻo về ngôn từ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng chỉ ra rằng: (“Trong” nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục; “sáng” nghĩa là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái “trong” nhờ đó phản ánh được tư tưởng, tình cảm (…) diễn tả trung thành những điều chúng ta muốn nói)**. Còn nhà thơ Xuân Diệu thì cho rằng: “Sự trong sáng của ngôn ngữ là kết quả của một cuộc phấn đấu. Trong và sáng dính liền nhau.(…) chữ “sáng” là nặng về nói nội dung, nói tư duy và chữ “trong” là nặng nói về hình thức, nói diễn đạt (và cố nhiên là nội dung và hình thức gắn liền). Cho nên phải phấn đấu cho được sáng nghĩa, đồng thời lại phải phấn đấu cho được trong lời”***.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong giao tiếp được biểu hiện cụ thể như sau:

Nói và viết tuân thủ đúng các chuẩn mực, các quy tắc của Tiếng Việt trên các phương diện: phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản, tiến hành giao tiếp. Nghĩa là, phát âm và viết phải đúng chính tả; dùng từ có chọn lọc để đạt độ chính xác cao, không dùng từ tuỳ tiện chưa đúng ý hoặc sai ý định giao tiếp; lời nói, câu viết phải đúng quy tắc ngữ pháp, tránh rườm rà, lủng củng, cộc lốc, không trọn nghĩa; tạo lập văn bản đúng phong cách giao tiếp và tiến hành giao tiếp phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể.
Nói và viết không pha tạp, lai căng. Nghĩa là trong quá trình nói và viết không được tuỳ tiện sử dụng không cần thiết những yếu tố ngôn ngữ nước ngoài khi mà ngôn ngữ nước ta hoàn toàn có khả năng diễn đạt ý nghĩa đó. Việc lạm dụng tiếng nước ngoài sẽ làm tổn hại sự trong sáng của Tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ nước ta không thể diễn đạt thật chính xác hoặc chưa có để diễn đạt một khái niệm nào đó thì ta cần phải vay mượn tiếng nước ngoài. Sự vay mượn này sẽ làm phong phú thêm ngôn ngữ nước nhà. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng làm như vậy. Thậm chí có những từ ngữ mà ngôn ngữ nước ta cũng có nhưng trong những trường hợp cụ thể nhất định vần cần phải vay mượn. Chẳng hạn như từ “phụ nữ” và từ “đàn bà” là hai từ đều chỉ khái niệm về phái nữ. Nhưng trong giao tiếp, ta dùng “Đại hội phụ nữ” chứ không dùng “Đại hội đàn bà”, mặc dù từ “đàn bà” mới là từ thuần Việt, còn từ “phụ nữ” là từ Hán-Việt.
Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt còn được biểu hiện ở tính lịch sự, văn hoá trong lời nói. Nói năng thô tục, thiếu văn hoá không chỉ làm mất đi vẻ đẹp, sự trong sáng của Tiếng Việt mà còn làm mất đi cả phong thái lịch thiệp, nhã nhặn, thậm chí làm mất đi nhân cách, phẩm hạnh của người giao tiếp và gây phản cảm với những người xung quanh. Các cụ xưa từng nói: “Người thanh tiếng nói cũng thanh” và truyền dạy con cháu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Như vậy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong nói và viết không chỉ đạt được mục đích trong giao tiếp mà còn thể hiện nét văn hoá, thanh lịch của con người.
Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, ở những nơi công cộng, ta còn thấy một số người nói năng, khiếm nhã, văng tục, chửi thề, hoặc nói năng cộc lốc, thô thiển, pha tạp, hổ lốn, giở tầu, giở ta, giở Anh, giở Việt, nghe rất khó chiụ. Thảng hoặc, trong quá trình đọc sách báo, ta vẫn gặp một vài câu văn do người viết chen vào những yếu tố ngôn ngữ nước ngoài không cần thiết, khiến người đọc bực mình.
Ngay trong học đường, việc nói và viết của học sinh cũng còn nhiều điều đáng bàn. Có những học sinh đang học Trung học phổ thông mà viết giấy xin phép nghỉ học cũng chưa đúng. Một số sinh viên đại học vừa tốt nghiệp mà viết đơn xin việc làm cũng loay hoay, lúng túng, mãi không xong…
Trong Quân đội, một số học viên được chọn đi luyện thi vào các học viện, trường sỹ quan, nhưng khi viết một bài văn nghị luận vẫn chưa biết bố cục ; có học viên viết liền mạch không chấm, phảy gì; có học viên lại viết các mục, phần như trong bài giảng của giáo viên. Đó là chưa nói đến khá nhiều học viên trong viết chữ, tạo câu, diễn đạt ý còn mắc nhiều sai sót đến mức sơ đẳng. Ngay cả một số sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ, trong nói và viết cũng còn nhiều bất cập. Một số cán bộ lãnh đạo phàn nàn rằng, cấp dưới trình lên một bản kế hoạch, hoặc bản báo cáo còn mắc nhiều lỗi chính tả, kết cấu văn bản thiếu rõ ràng, mạch lạc; trong giao tiếp bằng lời nói thì vụng về, lúng túng, quanh quẩn mãi không diễn đạt được rõ ý định của mình. Một số ít đứng trước hàng quân nhận xét tình hình hoặc thông báo một vấn đề gì đó cũng còn rất lộn xộn, chưa thoát ý, khiến cho người nghe không lĩnh hội được tinh thần, nội dung cần truyền đạt.
Điều này có nguyên nhân chủ quan là do bản thân những cá nhân đó thiếu tinh thần chủ động học hỏi, rèn luyện trước khi nói hoặc viết. Có nguyên nhân khách quan từ việc dạy và học môn Tiếng Việt thực hành ở các cấp học chưa được quan tâm đúng mức.
Trong Trường Quân sự Quân khu, trước năm 2000, vẫn còn giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành cho một số đối tượng học viên. Mặc dù thời lượng giảng dạy không nhiều, nhưng hiệu quả rất đáng quan tâm. Trong các giờ học môn Tiếng Việt thực hành, học viên rất hào hứng. Nhiều học viên tâm sự, qua học tập vỡ ra nhiều điều và thấy có tác dụng rất thiết thực trong quá trình học tập công tác. Nhưng từ năm 2000 đến nay, môn Tiếng Việt thực hành không còn trong chương trình giảng dạy tại Trường. Có lẽ điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến thực trạng nói và viết còn nhiều bất cập của một số cán bộ và học viên như hiện nay chăng?
Từ thực tế nêu trên, là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn trong Trường quân sự Quân khu, tôi thấy cần đưa môn Tiếng Việt thực hành vào chương trình giảng dạy các đối tượng học viên trong nhà trường như những năm trước đây. Trong đó nên tập trung vào các lớp: Đào tạo Cao đẳng quân sự, Đào tạo Cao đẳng Quân sự địa phương (QSĐP), Bổ túc trợ lý QSĐP Huyện, Bồi dưỡng kiến thức QSĐP cho Phó Trung đội trưởng (Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng) là QNCN, Bồi dưỡng kiến thức quân sự theo chương trình đào tạo Trung đội trưởng Bộ binh 801, Đào tạo Sỹ quan dự bị, Đào tạo Tiểu (khẩu) đội trưởng… Làm được như vậy, không chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt giúp các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp có ý thức nói và viết đúng theo quy chuẩn ngôn ngữ Tiếng Việt, mà sâu xa hơn là góp phần rất quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, giữ gìn tinh hoa văn hoá Việt Nam, tô thắm thêm hình ảnh người quân nhân vừa hồng vừa chuyên vừa mẫu mực trong văn hoá giao tiếp.
Để phù hợp với chương trình đào tạo trong nhà trường và đạt được hiệu quả thiết thực, chúng tôi xin đề nghị giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành với thời lượng và hình thức hợp lý. Nội dung môn học cho mỗi đối tượng nên tập trung vào 3 phần:
- Nguồn gốc và đặc điểm ngôn ngữ Tiếng Việt.
- Ngữ pháp Tiếng Việt.
- Phong cách giao tiếp.
Ý kiến đề nghị của chúng tôi không phải khẳng định rằng chỉ bằng vài chục tiết giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành là ta đã hoàn toàn giúp cho học viên biết dùng từ, đặt câu, tạo lập văn bản một cách chuẩn mực, mà qua giảng dạy, giáo viên vừa kích thích hứng thú học tập, vừa định hướng giúp học viên tự tìm tòi, suy nghĩ học hỏi thêm trong quá trình giao tiếp để sử dụng Tiếng Việt ngày càng hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho cuộc sống, công tác. Và như vậy tác dụng của việc giảng dạy môn Tiếng Việt thực hành thật không nhỏ chút nào!
Hiện nay trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế để kế thừa và phát huy vốn ngôn ngữ giàu đẹp của cha ông truyền lại, chúng ta kiên quyết “hoà nhập”, chứ không “hoà tan”, sẵn sàng tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, học hỏi thêm nhiều ngôn ngữ nước ngoài để mở rộng tầm hiểu biết về thế giới. Nhưng không phải từ đó mà lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài, làm lu mờ ngôn ngữ nước ta, khiến nó trở nên lai căng, pha tạp, mất trong sáng. Ngược lại, qua học hỏi, chúng ta càng nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam, làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng phát triển và được phổ biến rộng rãi. Trong quá trình đó, mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải là những người đi đầu, gương mẫu.
Vũ Thị Song Thu
(Bài đã đăng ở "Tạp chí nghiên cứu khoa học quân sự Quân khu 3", số1(47) tháng 3 năm 2011