Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Chào thua



Nhịn quách cho xong nhà cửa êm
Dẫu rằng Thanh Dạ có bênh em
Cũng không thắng nổi tên gàn ấy
Cục tức đành trôi dưới cổ mềm.
                            24/3/2012
                       Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Lại e


( họa nguyên vận “Nửa đêm tức hứng 2” của Đỗ Đình Tuân

Về hưu nhớ lớp cứ tần ngần
Hết ở trong nhà lại xuống sân
Những muốn giở trò làm bánh khúc
Lại e cãi cọ với Đình Tuân.

21/3/2012
Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

QUÀ TẶNG VÔ GIÁ

                        

            Sắp đến ngày 8-3, bác Tạ Anh Ngôi đã gửi tặng vợ mình một món quà vô giá- thi phẩm “ Nợ em”. Chẳng biết bá Sâm khi thưởng thức bài thơ này đã mát dạ hả lòng đến cỡ nào? Chứ tôi thì tôi cứ đoan chắc rằng nếu có đến bao nhiêu kiếp nữa thì bá Sâm cũng nguyện gắn bó vĩnh hằng cùng bác Tạ Anh Ngôi, cho dù trong cuộc gắn bó ấy có phải lên thác xuống ghềnh đến mức nào đi nữa.Chẳng thế thì sao ngày xưa cụ Nguyễn Du lại để cho nhân vật Từ Hải nói với Thúy Kiều rằng:
                                    Một lời đã biết đến ta
                        Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.
            Thì ra cái biết đến nhau nó mới quan trọng làm sao, đáng quý biết bao. Đấng mày râu “ Chọc trời khuấy nước” như Từ Hải mà còn thế  huống hồ phận nữ nhi “chân yếu tay mềm”.
            Cái đáng quý nhất trong bài thơ Nợ em của Tạ Anh Ngôi chính là lời dãi bày rất tự nhiên, chân mộc của người chồng với vợ mình. Xuyên suốt bài thơ là hai hình tượng anh và em. Hai hình tượng ấy song hành , đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau, tôn tạo nhau để cả hai đều trở nên đẹp hơn .
            Trước hết là hình tượng anh- một chàng thi sĩ rất hay ngao du “ Ban ngày tung tẩy nơi nơi” và khá mải mê thơ phú “Đêm về đóng cửa lặng ngồi làm thơ”. Chưa hết, chàng còn rất lãng đãng, rất nhạy cảm và luôn đau nỗi đau của cuộc đời hay của kiếp người nữa chứ:
                                    Bơ phờ như hớp mất hồn
                        Anh lang thang tận cội nguồn đớn đau
            Tôi thích hai câu thơ này lắm vì nó không chỉ gợi hình ảnh chàng thi sĩ mà còn gợi cả tâm hồn tư tưởng tình cảm của chàng với cuộc đời. Chàng có lơ mơ, ngơ ngẩn nhưng không phải là để “Tâm hồn treo ngược trên cành cây” mà để gắn bó sâu sắc hơn với cuộc đời, với con người , sẵn sàng sẻ chia mọi nỗi đau nơi trần thế. Cứ đắm đuối như vậy, chàng đâu còn thì giờ giành cho vợ, cho con:
                                    Giúp gì được vợ con đâu
            Không giúp được về việc làm đã đành mà về kinh tế có lẽ chàng cũng không đỡ đần được nốt. Bởi chàng có là ông nọ bà kia gì đâu, chàng chỉ là một trong muôn vàn số đông thường dân thấp cổ bé họng giữa cuộc đời dâu bể đa đoan
                                    Anh như cái kiến con sâu ngoài đời
            Biết rõ mình như vậy mà không làm sao khác được vì đã “ Trót mang lấy nghiệp vào thân” mất rồi nên chàng buồn lắm. Chàng luôn cảm thấy mình mắc nợ vợ thật nhiều. Nợ từ bữa ăn vợ phải đợi chờ đến nguội ngơ nguội ngắt; Nợ cả những buổi đón đưa khi “ đêm đông đường vắng gió lùa chợ xa”. Chàng giận mình lắm, thấy mình chẳng được tích sự gì. Người ta lấy chồng là để tìm cho mình nửa kia của cuộc đời thì chàng lại nợ nguyên vợ mình  “ một nửa cuộc đời” cho nên chàng thấy mình: “ Là chồng anh chỉ như người bỏ thôi”.Chàng chỉ biết:
                                    Mượn vần lục bát tặng nhau
                                    Nợ em anh hẹn kiếp sau đáp đền
            Bên cạnh đức ông chồng thi sĩ mê đắm thơ ca là hình ảnh người vợ vất vả trăm bề, tảo tần bươn trải, vật lộn với cuộc mưu sinh:
                                    Để em tất tả ngược xuôi
                                    Sáng lê la chợ chiều ngồi dầm mưa
Rồi lại còn phải : “Mỏi mồm mời mọc người ta”. Là người đã từng sống bằng nghề buôn thúng bán bưng, tôi rất chia sẻ với nỗi vất vả này.Giữa thời buổi vạn người bán mới có trăm người mua, khách hàng đích thị là thượng đế. Người bán hàng phải mời mọc ngọt ngào, phải phục vụ tận tình mới mong bán được hàng, kiếm chút lãi mọn. Thế mà, trong chút lãi mọn ấy, vợ thi sĩ Tạ Anh Ngôi đã không chỉ lo cho chồng con có cơm dẻo, canh ngọt mà còn chắt chiu  để : “Lãi mua báo cũ làm quà tặng anh”. Câu thơ này rất cụ thể mà vẫn rất gợi. Có thể là chị chẳng đủ tiền và cũng chẳng có thời gian để mua tặng anh những số báo mới phát hành; cũng có thể là một số báo cũ cụ thể nào đó có bài anh thích lắm, cần lắm nhưng anh chưa kiếm được, chị đã lần tìm mua bằng được để tặng anh. Dù trong bất kì trường hợp nào thì chị đã làm anh cảm động, nhớ mãi mà viết ra thành thơ để rồi câu thơ đó lại làm xúc động lòng ta.
            Cả bài thơ không có một từ yêu thương nào thế mà tình yêu niềm thương cứ lắng đọng trong từng con chữ và có sức lay động, lan tỏa đến lạ. Ta tìm thấy ở đây một tình yêu chân mộc, giản dị mà thật đằm thắm, tận tụy hết lòng của chị đối với anh. Ta cũng cảm nhận rất đầy đủ  niềm thương vợ thật sâu sắc của anh với chị. Niềm thương ấy không chỉ chứa đựng trong sự biết đến, thấu hiểu những vất vả nhọc nhằn, những yêu thương thầm kín, những đợi chờ của chị với anh mà nó còn ẩn chứa trong những băn khoăn những mặc cảm mắc nợ rất chân thành và day dứt của anh với chị. Có thể vì thế chăng mà dẫu anh chẳng giúp đỡ được gì cho chị, chị vẫn không chút phàn nàn, vẫn rất yêu thương chăm chút anh? Âu đó cũng là nét tâm lý chung của mọi người phụ nữ Việt Nam, họ luôn hết lòng vì chồng, vì con và nếu được chồng biết đến thì họ đã vui vẻ và toại nguyện lắm rồi. Rất mong các đấng mày râu hãy lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với phụ nữ chúng tôi như bác Tạ Anh Ngôi. Và sẽ thật tuyệt vời hơn nếu các bác chia sẻ với chúng tôi mọi việc trong cuộc sống đời thường.                   
                                                Sao Đỏ 7-3-2012
                                                Vũ Thị Song Thu

           

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Ưa nịnh


                       
       (Nhân đọc bài “Nợ em” của Tạ Anh Ngôi)

Thương thay cái phận đàn bà
Nghe vài câu nịnh thế là còng lưng
Thế là lại nấu, lại bưng
Thế là xuống biển lên rừng cũng cam.

                        4/3/2012
                 Vũ Thị Song Thu

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Cảm Xuân

           

Xuân chi ảm đạm thế này
Gió se sắt lạnh, mưa lay lắt buồn
Hàng cây ủ rũ lệ buông
Ngoài xa xa một cánh chuồn lẻ loi
Bên đường một kẻ đơn côi
Thẫn thờ nhặt hạt mưa rơi thẫn thờ
Ngày nào những ước cùng mơ
Đến nay còn biết bao giờ mà mong
Tìm đâu cho thấy xuân hồng
Giữa vùng trời đất mịt mùng âm u?
                        Sao Đỏ  3/3/2012
                        Vũ Thị Song Thu




Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

LẠI CHUYỆN BÁNH KHÚC


            Vừa rồi vào trang Tri ân, thấy bài viết của Đỗ Đình Tuân nói về bánh khúc, mình buồn lắm. Bởi chính mình là tác giả của bữa “ xôi bọc cháo khúc” ấy đấy. Nói ra thì sợ bị mọi người cười chê nhưng không nói ra thì ấm ức lắm. Làm sao mà chịu được khi làm bánh bằng tất cả tình yêu thương lại bị chồng chê ngay trong bữa ăn. Nhưng nếu chỉ có vậy thì còn cắn răng mà chịu. Đằng này hắn lại còn mang quảng bá lên mạng cho khắp bàn dân thiên hạ biết nữa thì cái mặt tôi còn biết dấu đi đâu cho được bây giờ. Cho nên đành “ lành làm gáo, vỡ làm muôi” với hắn một phen vậy
            Thưa toàn thể cư dân xóm Tri ân!
            Bản tính của phụ nữ chúng mình là luôn muốn làm vui lòng chồng con, chắc tôi cũng mang trong mình điều đó. Vì vậy mà thấy chồng muốn ăn bánh khúc, thì trong lòng khắc khoải lắm. Những muốn làm đãi chồng một bữa nhưng lại nghĩ rằng làm ít thì không bõ công mà làm nhiều thì để cho ai ăn đây. Tôi đã định nếu chợ bán thì sẽ mua về mời chồng . Nhưng bao lần đi chợ mà chẳng thấy . Hỏi bà bán bánh hấp thì bà ấy bảo rằng “Làm bánh khúc kích rich lắm mà bán cũng chẳng chạy hơn bánh hấp nên tôi không làm” Thế là cái ý định mua bánh cho chồng của tôi không thực hiện được. Đang băn khoăn lắm lắm thì may mắn làm sao, con trai lại đưa bạn gái về chơi. Tôi mới nêu ý định làm bánh khúc ra, các cháu hưởng ứng ghê lắm. Nhưng than ôi, nói bao giờ chả dễ hơn làm. Tôi đã ăn bánh khúc vài lần nhưng chưa làm và cũng chưa được xem ai làm bánh khúc bao giờ nên thật là bí quá. Song thời buổi công nghệ thông tin này cái gì mà chả có trên mạng. Hai bác cháu tôi mở mạng ra xem. Thấy có rất nhiều cách nhưng đều na ná giống nhau cả. Lạ lùng hơn là thấy trên mạng người ta nói có thể  thay lá khúc bằng lá su hào, bắp cải nữa. Tôi nghĩ thế thì còn gì gọi là bánh khúc nữa
Bởi vậy, dù đã tìm trên mạng rồi, vẫn không yên tâm, tôi lại tìm hỏi cả chuyên gia làm bánh khúc, bánh gai của xóm tôi nữa. May mắn làm sao, bác ấy rất nhiệt tình sang tận nơi nhào bột giúp rồi lại chỉ bảo cặn kẽ cách nhặt lá, luộc, giã, trộn rồi đồ xôi ra sao. Duy chỉ có bột thì bác ấy nói rằng nếu xay bột nước thì bánh sẽ dẻo hơn. Nhưng tôi lại chót xay bột khô mất rồi nên bác ấy bảo phải nhào bột rồi ủ vài tiếng cho nó hút nước và nở đủ độ thì bánh mới dẻo, ngon chứ không thì nó sẽ cứng ngăng ngắc ấy, ăn chán lắm. Hai bác cháu tôi làm đúng quy trình. Vì vậy, bữa bánh khúc định ăn vào buổi chiều, chuyển thành ăn đêm. Tôi tự nghĩ chờ đợi càng lâu ăn càng ngon. Ngày xưa nhà Chúa ăn món “ Mầm đá” của quan trạng cũng thấy rất ngon còn gì.
Bánh chin vào lúc 10 giờ đêm, khi đó bác Đỗ đã ngủ được một giấc rồi. Ai chứ bác Đỗ thì dễ ngủ lắm, cứ đặt mình nằm là ngáy pho pho. Nồi bánh được bắc lên, hơi bốc ngùn ngụt. Mùi thơm nồng nàn của gạo nếp quện với mùi thơm đặc trưng của lá khúc và mùi thơm ngầy ngậy của đỗ xanh, hành mỡ trong đêm lạnh mới quyến rũ làm sao! Chỉ ngửi thôi đã thấy chảy nước miếng. Mọi ngưới ai cũng háo hức lắm. Bác Đỗ được trịnh trọng mời vào bữa. Con trai, con rể ai cũng suýt soa khen ngon hơn bánh mua ở chợ nhiều. Tôi cũng thấy rất tuyệt! Lớp xôi bọc ngoài bánh trắng ngần khô ráo, lớp vỏ bánh xanh mịn màng mềm mại rất dẻo chứ không hề nhão, nhân đỗ mỡ vàng óng thật thơm tho. Duy chỉ có một nhược điểm là bánh nặn chưa được đều lắm và có lẽ hơi to hơn bánh bán ngoài chợ một chút.
Vì làm bánh đáp ứng nguyện vọng của chồng lại thích được chồng khen, nên tôi vừa ăn vừa theo dõi mọi biểu hiện của hắn ta. Mặt hắn lạnh te, không bộc lộ chút cảm xúc nào. Tôi đã hơi thất vọng. Khi ăn xong, hắn còn buông mấy câu chết người như sau:
“ Đây là bữa xôi cháo khúc, không giống bánh khúc ngày xưa mẹ làm. Bánh khúc mẹ làm nó mỏng như cái lưỡi lợn ấy, ăn vẫn còn thấy lá khúc, cuộng khúc dai dai và bánh thì cứng chứ không nhão như thế này. Gạo nếp thì dẻo mà thơm lắm” Chao ôi, cái mũi hắn từ khi bị cắt pô líp tới nay, hắn có còn ngửi thấy mùi thơm bao giờ đâu. Nghe hắn phán như vậy, tôi buồn lắm chẳng còn biết nói sao. Bọn trẻ thì chẳng chịu lép một bề như tôi. Chúng nhao nhao lên rằng, bố ăn bánh từ năm 1946, 1947 khi vừa thoát nạn đói chết người làm gì mà chẳng ngon. Bây giờ làm bánh như ngày xưa thì ăn làm sao được. Ngày xưa bố ăn cá lẹp kho dưa, ăn sắn luộc còn ngon nữa là bánh khúc. Có đứa cụ thể hơn thì bảo, ngày xưa ông ngoại còn nhắc mẹ với các dì các cậu rằng ai ăn riêu cà chua gặp miếng tóp mỡ thì nhường cho cậu út đấy thôi. Ngày nay làm gì còn người ăn tóp mỡ nữa.Nguyên Lượng thì cười tủm và nói rằng : Bố thì cái gì cũng ngày xưa. Ngày xưa, con được bạn cho cắn một miếng quéo chin còn thơm ngon mãi đến giờ đây này. Mỗi người một câu cứ loạn hết cả lên. Tôi chẳng biết nói gì chỉ buông độc một câu: “ Thất vọng tràn trề”! Vâng tôi thất vọng thật sự, không phải vì mình làm bánh khúc không thành công mà vì chồng mình chẳng tâm lý chút nào. Ít ra cũng biết nói câu gì động viên vợ và bạn gái của con trai chứ ai lại chê bỉ chê bôi như thế bao giờ…???
Chao ôi ! Tôi đã từng yêu cái tính trung thực , cái cách ăn ngay nói thẳng của hắn biết bao. Thế mà giờ đây, nghe hắn nói (dù biết là hắn đã nói rất thật lòng về cảm nhận của mình) tôi vẫn thấy rằng không thể chấp nhận được và cứ dứt khoát cho rằng đó là cái sự thật thà hư. Rồi cứ nghĩ giá mà hắn khéo hơn một chút, công bằng hơn một chút trong cách nói hẳn là hắn đã không làm tôi tổn thương. Thế mới biết, yêu sự trung thực quả là dễ hơn nhiều lần khi phải tiếp nhận lời trung thực nhất là khi lời nói thực đó không phải là lời tốt đẹp về mình. Các cụ xưa quả đã rất sâu sắc khi tổng kết rằng :” Trung ngôn nghịch nhĩ”
Ngày xưa, tôi cũng từng yêu thích cái máu văn thơ của hắn lắm lắm. Có những lúc tôi thấy mình như được bay trên chin tầng mây khi nghe hắn đọc thơ : “ Cùng em về thăm Côn Sơn” hay : “ Tình yêu và thượng đế”. Tôi cứ hình dung ra một cuộc sống đầy thơ, chỉ có những yêu thương dạt dào bay bổng, chỉ có những niềm đam mê ngây ngất, những đẹp đẽ tuyệt vời.Giờ thì tôi lại thấy thấm thía làm sao với câu thơ mà thi sĩ Nguyễn Bính dặn con:
            Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
            Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con
Thì đấy, tôi mới lấy một nhà thơ vườn thôi đã không chỉ nghèo mà còn bị hắn chiềng cái xấu của mình ra cho mọi người biết đấy thôi. Thế thì có khổ thân tôi không cơ chứ. Hu ! Hu! Hu! Làng xóm Tri ân ơi có ai khổ như thân tôi không?
Nhưng bản tính tôi vốn không thích buồn lâu và càng không thích kêu gào khóc lóc. Vì thế, ngay lúc này đây, tôi bỗng nghĩ đến triết lý của A Q . Thế là tôi lại thầm reo lên rằng: May quá, từ nay sẽ không phải làm bánh cho hắn ăn nữa. Và tôi còn nhất quyết cho rằng: Hắn không có năng khiếu ẩm thực. Hắn đã vô tình giết chết hai tài năng làm bánh cỡ bự. Không biết, bạn gái của con trai tôi có cùng ý nghĩ đó không? Còn tôi, sau những suy nghĩ đó, tôi lấy làm đắc ý lắm!
Sao Đỏ 2/3/2012
Vũ Thị Song Thu