Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

CHỚM THU


          
( Họa nguyên vận bài “Nỗi nhớ mùa sen” của Cẩm Tú)

Đã chớm thu rồi bạn nhớ không
Hương sen còn thoảng ở trên đồng
Dẫu tàn hoa đỏ theo mùa hạ
Vẫn thắm lá xanh trước rạng đông
Chút đỉnh heo may luồn phố nhỏ
Một vài khóm cúc chợt vàng bông
Cuốc kêu gọi bạn dường thưa vắng
Gợi chút tình riêng thổn thức lòng
                   25-8-2012
                   Song Thu

LÒNG DÂN


                
Giữ yên bờ cõi nước non nhà
Từ chốn rừng xanh đến đảo xa
Muôn vạn hiểm nguy không oán thán
Trăm ngàn gian khó chẳng kêu ca
Cho nơi đồng ruộng xanh màu lúa
Để chốn phố phường thắm sắc hoa
Nếu kẻ thù nào mà lấn chiếm
Toàn dân vùng dậy quyết không tha
                25-8-2012
                Song Thu

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

THƯƠNG TÌNH CHỨC NỮ- NGƯU LANG




( Họa đảo vận bài “Ngồi mơ…” của Đỗ Đình Tuân)

Thương tình Chức Nữ với Ngưu Lang
Tháng bảy trăng treo nhạt sắc vàng
Lơ lửng sông Ngân đò chạy dọc
Bùi ngùi ô thước bắc cầu ngang
Mỗi năm đến dịp cô thăm cậu
Cả tháng mưa tuôn hàng nối hàng
Khắp chốn nhân gian ai cũng bảo
Thương tình Chức Nữ với Ngưu Lang
                        20-8-2012
                        Song Thu

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

"CHỌI"


                                    
 Đó là tên một bài thơ của Nguyễn Xuân Hiểu mà tôi đã đọc được từ trang Weblog nguoichilinh.com trong mục Người Chí Linh viết, được đăng tải ngày: 7-8-2012 cùng với lời giới thiệu của quý báo: “Chỉ là những trò chơi song cũng để lại cho tác giả Nguyễn Xuân Hiểu những suy ngẫm sâu sắc. Xin chia sẻ cùng quý vị”. Tôi thích bài thơ này ngay và rất thích  tên bài thơ. Vì vậy, viết cảm nhận của mình về bài thơ này tôi xin mượn nguyên tên bài của tác giả:
                                   
CHỌI

            1, Choi Dế:
                        Thấp bé như con Dế
                        Cũng nhảy vào chọi nhau
                        Trẻ được phen tít mắt
                        Dế long càng gãy râu
            2, Chọi Gà:
                        Có điều chi cay cú
                        Mà “ Đỏ mặt tía tai”
                        Cả hai cùng tóe máu
                        Gà chọi ganh nhau tài
            3, Chọi Trâu:
                        Cứ lao đầu vào húc
                        Các chú Trâu tranh hùng
                        Thắng thua đều thịt tất
                        Tan đời vì vui chung
            4, Chọi Người:
                        Cứ nhằm mặt mà đấm
                        Gục xuống sàn là thua
                        “ Chọi Người”. Ôi! Ghê quá
                        Sao lắm người vẫn đua
                                    Lời kết
                        Thôi thì các con vật
                        Cứ để chúng chọi nhau
                        Riêng “ Chọi Người” nên bỏ
                        Bởi: Thiếu trò chơi đâu
                                    Nguyễn Xuân Hiểu
                                    Nguồn: nguoichilinh.com
Tôi biết Nguyễn Xuân Hiểu từ khi ông còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Văn An huyện Chí Linh ( nay là phường Văn An thị xã Chí Linh). Ngày đó, ông cùng ông xã tôi chơi trong Câu lạc bộ Các nhà giáo yêu thơ. Tuy nhiên, hồi ấy tôi đang còn đi làm nên cũng không có thời gian đọc thơ của các vị. Bây giờ, ông đã về hưu và tôi cũng thế, tôi lại thấy thơ ông xuất hiện nhiều lần trên nguoichilinh.com. Đọc thơ ông, tôi có cảm nhận ông khá đa tình và đa cảm. Bởi vì tôi bắt gặp trong thơ ông những rung động tinh tế có sức lay động và khơi gợi tình yêu thương trong tâm hồn con người. Những bài thơ: “ Quan họ muộn về”  hay “ Có một kiếp người” của ông đã để lại nhiều dư ba trong lòng tôi về một kiếp người nhỏ nhoi, bơ vơ, nổi lênh, đầy bất trắc hoặc một mối tình muộn màng rất nồng nàn nhưng cũng lắm băn khoăn.
Riêng bài thơ “Chọi” lại cuốn hút tôi bởi cách kết cấu chặt chẽ, chi tiết chọn lọc, ý tứ sâu sắc và cách mô tả cô đọng nhưng vẫn rất sinh động và nhiều cảm xúc. Bài thơ có năm khổ, mỗi khổ bồn câu rất ngắn gọn. Trong đó bốn khổ miêu tả cảnh “ chọi” nhau của bốn loài là: Dế, Gà, Trâu và Người. Cảnh chọi nào cũng được ông khắc họa rất thú. Ví như để mô tả cảnh chọi nhau của các chú Dế, ông viết:
                                    Thấp bé như con Dế
                                    Cũng nhảy vào chọi nhau
                                    Trẻ được phen tít mắt
                                    Dế long càng gãy râu
Đọc khổ thơ trên, kí ức  tuổi thơ chợt hiện về rõ mồn một trong tôi. Đó là tuổi chăn trâu cắt cỏ trên đồng. Đám con gái thì thi nhau đi tìm cỏ gà chơi chọi. Còn bọn con trai lại hì hụi đào Dế rồi cho chúng chọi nhau. Có đứa bắt Dế từ mấy hôm trước, chăm bẵm cẩn thận lắm và theo lời chúng nói thì chúng còn rèn luyện cho Dế nữa, chẳng biết có đúng không. Chỉ biết rằng khi cuộc chọi Dế bắt đầu thì chúng chăm chú lắm. Rồi chúng reo hò, cười ầm ĩ. Có đứa còn bật khóc khi con Dế của chúng bị thua hoặc bị gãy càng. Ban đầu bọn con gài chơi chọi cỏ gà riêng một góc nhưng thấy trò chơi của bọn con trai rôm rả quá thì bỏ trò chơi của mình và sán vào xem. Rồi cũng hồi hộp, cũng reo hò, cũng cười tít y chang bọn con trai vậy.
Nếu viết về cảnh “ Chọi Dế”, Xuân Hiểu chú trọng tới hai chi tiết, hai cái thần của cuộc chọi là hình ảnh bọn trẻ cười “ tít mắt” với hình ảnh những chú “ Dế long càng gãy râu” sau trận đua tài thì viết về cảnh “ Chọi Gà”, ông lại khắc họa:
                                    Có điều chi cay cú
                                    Mà “Đỏ mặt tía tai”
                                    Cả hai cùng tóe máu
                                    Gà chọi nhau ganh tài
Ở đây  cụm từ “Đỏ mặt tía tai” gợi rất sống động về thần thái của các chú Gà Chọi còn từ “cay cú” và câu “Cả hai cùng tóe máu” lại thể hiện thật tài tình tính chất quyết liệt nảy lửa của cuộc chọi Gà. Miêu tả gọn mà sinh động và gợi cảm như vậy là tác giả đã không chỉ quan sát tinh tế mà còn rất chắt lọc ngôn ngữ .
Đến khi miêu tả cuộc tranh hùng nhanh, mạnh, dữ dội của các chú Trâu tác giả cũng chỉ dùng đúng một câu thơ năm chữ:
                                    “Cứ lao đầu vào húc”
Đặc biệt trong khổ thơ “Chọi Trâu” này, Xuân Hiểu lại muốn nhấn mạnh vào cái kết cục bi tráng của các chú Trâu :
                                    “Thắng thua đều thịt tất
                                    Tan đời vì vui chung”
Có chút gì như xót xa như tiếc nuối và thương cảm đọng trong những câu thơ trên.
Nhưng có lẽ đặc sắc và giàu cảm xúc nhất vẫn là khổ thơ miêu tả cuộc « Chọi Người » :
                                    Cứ nhằm mặt mà đấm
                                    Gục xuống sàn là thua
                                    « Chọi Người ». Ôi ! Ghê quá
                                    Sao lắm người vẫn đua
Trong khổ thơ này, tôi thấy tác giả đã rất sáng tạo khi đặt tên cuộc  thi « đấm bốc » của con Người là cuộc « Chọi Người ». Cuộc chọi này diễn ra không náo nức như « chọi Dế », không tưng bừng vô thức như « chọi Gà », không bi tráng như « chọi Trâu » mà lạnh lùng, lầm lũi và có ý thức, có chủ đích hẳn hoi. Vì vậy mà tính chất ghê rợn, man rợ cũng bộc lộ rõ hơn khi giữa con Người với nhau lại :
                                    Cứ nhằm mặt mà đấm
                                    Gục xuống sàn là thua
Trước cảnh tượng ấy, tác giả dường như không thể kìm nén lòng mình mà phải bật thốt lên :
                                    « Chọi Người ». Ôi ! Ghê quá
                                    Sao lắm người vẫn đua.
Tôi cũng có chung cảm giác này với Xuân Hiểu vì thế, mỗi khi bật ti vi lên mà thấy cuộc « Chọi Người » là tôi tắt đi ngay. Cho nên, tôi cũng rất đòng tình với ý kiến của Xuân Hiểu trong khổ kết bài thơ :
                                    Thôi thì các con vật
                                    Cứ để chúng chọi nhau
                                    Riêng « Chọi Người » nên bỏ
                                    Bởi : Thiếu trò chơi đâu
Đánh nhau để sinh tồn, để khẳng định thế mạnh, để chiếm lĩnh lãnh thổ kiếm ăn vốn là bản năng của con vật.Con Người có ý thức, có tri thức nên đã tạo ra được bao nhiêu trò chơi trí tuệ để bộc lộ tài năng, sức mạnh mà vẫn rất giàu tính văn hóa vẫn đậm chất nhân văn. Sao còn phải tạo ra trò chọi nhau thậm vũ phu và rất man rợ kia làm gì ? Tôi cứ nghĩ rằng nếu bớt đi những trò chơi mang tính bạo lực thô thiển kia, có lẽ con Người sẽ sống với nhau ôn hòa hơn, nhân ái hơn và cuộc sống chung của loài người sẽ yên bình, đẹp tươi biết mấy.
Sao Đỏ : 15-8-2012
Vũ Thị Song Thu .      

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

ƯỚC MUỐN

  ( Nhân đọc thơ về động Phong Nha của Thanh Dạ và T. A. N)

Tôi chưa được đến động Phong Nha
Chỉ đọc thơ thôi đã mặn mà
Ước muốn một lần thăm động ấy
Để cùng bầu bạn họa thơ ca
                        12-8-2012
                        Song Thu

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

" RIÊNG MÌNH ĐÁ ĐĨA", MỘT CẢM QUAN NGHỆ THUẬT ĐẸP



             

            Từ lâu, trang blog Triancuocđơi đã thành quen thuộc, thân  thiết với mỗi thành viên trong xóm Tri ân. Không phải vì đây là nơi tập trung những cây bút tầm cỡ, viết những bài tầm cỡ, đủ sức cuốn hút bất kì ai có máu văn thơ. Mà chỉ vì đó là nơi gặp gỡ, hội tụ của tình thầy trò, bầu bạn giữa những người thân thiết, quý mến, trân trọng nhau. Họ có thể chia sẻ với nhau những cảm xúc, những vần thơ, những câu chuyện do mình viết ra. Cũng có thể là những tác phẩm của ai đó mà họ đọc được thấy thú vị rồi đưa lên cho mọi người cùng thích thú với mình. Tôi đã đọc được bài thơ “ Riêng mình Đá Đĩa” của Huỳnh Văn Quốc do Nguyễn Tô Quang, một thành viên trong xóm Tri ân sưu tầm và thấy rất thích thi phẩm này. Có thể nói, đó là một bài thơ ngắn gọn không chút màu mè, hoa mĩ chỉ giản dị chân mộc, nhỏ nhẹ mà ý nghĩa vẫn rất sâu sắc
                        RIÊNG MÌNH ĐÁ ĐĨA
            Bãi đá hoang sơ nép mình ven biển
            Nhỏ nhoi một góc riêng mình
            Không ai buộc phải Hạ Long tráng lệ
            Không ai đòi phải huyền thoại Phong Nha

            Đây Đá Đĩa khiêm nhường bên bến vắng
            Vẫn mê người không bởi nét kiêu sa
            Ai đặt chân một lần lên bãi đá
            Sẽ nhiều lần nhớ lại lúc đi xa

            Những bức ảnh chụp từ gành Đá Đĩa
            Không ai lo từa tựa cảnh nơi nào
            Người đã đến và cả người chưa đến
            Vẫn ngạc nhiên một cảm xúc dâng trào

            Xin cảm ơn những bàn tay tạo hóa
            Đã nhắc tôi bài học thưở ban đầu
            Dẫu không mới nhưng muôn đời chẳng cũ
            Sáng tạo nào cũng không thể giống nhau
                                    Huỳnh Văn Quốc

            Ở đây, tác giả không nhằm mục đích tả lại gành Đá Đĩa cho mọi người lãm thưởng. Vì thế, ta không hề thấy rõ chiều kích, hình dáng, màu sắc hay đường nét của gành đá thế nào. Ta chỉ  thấy hình ảnh một gành Đá Đĩa đã được lọc  qua cảm quan nghệ thuật của thi nhân:
            “ Bãi đá hoang sơ nép mình ven biển
               Nhỏ nhoi một góc riêng mình”

Chỉ vậy thôi, hoang sơ, nhỏ nhoi mà gợi cảm lắm chứ!
            Dẫu cho, ngay sau đó, tác giả có dùng  thủ pháp nghệ thuật so sánh khá độc đáo: “ Không ai buộc phải Hạ Long tráng lệ / Không ai đòi phải huyền thoại Phong Nha ” thì cũng quyết không phải để đặc tả làm cho gành Đá Đĩa trở nên hoành tráng,hùng vĩ hay long lanh mĩ lệ hơn mà chỉ nhằm khắc sâu, nhấn mạnh vẻ bình dị, khiêm nhường của gành Đá Đĩa: “Đây Đá Đĩa khiêm nhường bên bến vắng”. Một điều đặc biệt nữa  là khi tác giả đặt Đá Đĩa cạnh “ Hạ Long tráng lệ” và “ Phong Nha huyền thoại” dường như cũng không có ngầm ý muốn sánh ngang hàng Đá Đĩa với hai danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước nhà. Nhưng cũng không vì thế mà Đá Đĩa  bị khuất lấp hoặc bị chìm đi trước hai danh thắng kì vĩ. Ngược lại, Đá Đĩa dẫu nhỏ nhoi, khiêm nhường vẫn dư sức cuốn hút hồn người; vẫn mãi mãi lưu lại những ấn tượng không thể mờ phai với những ai đã một lần đặt chân đến đó
“Đây Đá Đĩa khiêm nhường bên bến vắng
Vẫn mê người không bởi nét kiêu sa
Ai đặt chân một lần lên bãi đá
Sẽ nhiều lần nhớ lại lúc đi xa”

 Vì sao vậy? Đơn giản thôi, vì Đá Đĩa đặc biệt độc đáo,chỉ là chính nó, riêng nó, không hề lẫn với bất cứ sự vật, hiện tượng nào. Thậm chí nó cũng hoàn toàn riêng một vẻ chứ không hề giống với bất kì vỉa đá nào khác:
“ Những bức ảnh chụp từ gành Đá Đĩa
Không ai lo từa tựa cảnh nơi nào”

Bởi vậy Đá Đĩa không chỉ mê hồn những ai đã đến mà cả những người chỉ được nghe nói đến thôi hay chỉ được chiêm ngưỡng nó qua những bức ảnh chụp thôi vẫn khát khao muốn đến, vẫn trào dâng cảm xúc trước vẻ riêng biệt, độc đáo cũa nó.:
“ Người đã đến và cả người chưa đến
Vẫn ngạc nhiên một cảm xúc dâng trào”
Từ một hiện tượng thiên nhiên cụ thể đó, tác giả Huỳnh Văn Quốc đã rút ra một bài học sâu sắc về quy luật muôn đời của sáng tạo nghệ thuật:
“ Xin cám ơn những bàn tay tạo hóa
Đã nhắc tôi bài học thuở ban đầu
Dẫu không mới nhưng muôn đời chẳng cũ
Sáng tạo nào cũng không thể giống nhau”

Cũng có thể là tác giả đã ngộ ra vấn đề đó từ rất lâu rồi. Nhưng  hiện tượng tự nhiên này lại như một lời nhắc nhở , một kiểm nghiệm thực tế có tác dụng  củng cố vững chắc thêm trong ông về những đòi hỏi khắt khe mà tất yếu  của quá trình sáng tạo.Thế rồi, từ đó, ông muốn gửi gắm cảm nhận của mình vào thi phẩm “ Riêng mình Đá Đĩa” để chia sẻ với mọi người  bài học thuở ban đầu cho bất kì ai muốn bước chân vào con đường sáng tạo, nhất là sáng tạo nghệ thuật. Nếu muốn tác phẩm của mình sống được với thời gian hoặc neo đậu được chút ít nào đó trong lòng người đọc thì trước hết phải có những khám phá riêng, cảm nhận riêng trước mỗi sự việc, hiện tượng cụ thể; phải tạo ra được nét riêng mang dấu ấn cá nhân mình chứ không thể na ná ở đâu đó, từa tựa của ai đó được. Dẫu có thô mộc vụng dại nhưng là của chính mình của riêng mình thì vẫn quý hơn ngàn lần mềm mại mượt mà nhưng là bắt chước. Tôi nhớ một nhà văn Mỹ đã phát biểu về điều này trong một tác phẩm của mình là: “ Thất bại trong việc sáng tạo ra cái độc đáo vẫn tốt hơn là thành công trong việc bắt chước” ( Herman Melville) . Có thể thấy rằng, yếu tố riêng biệt độc đáo là đòi hỏi ban đầu đối với người sáng tạo tuy nhiên đó không phải là tất cả của thành công trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi vì một tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian, ngoài yếu tố riêng biệt, độc đáo còn phải có tính nghệ thuật, tính nhân văn sâu sắc…
            Đọc bài thơ của Huỳnh Văn Quốc, nhìn lại trang blog Triancuocdoi của xóm ta, tôi cứ lâng lâng một niềm tự hào và thích thú. Tôi thấy blog của xóm mình dẫu không hoành tráng, tầm cỡ như trăm nghìn blog khác nhưng đã thật sự là một gành Đá Đĩa nhỏ nhoi, khiêm nhường mà in đậm dấu ấn riêng. Mỗi thành viên trong xóm lại là một mảnh nhỏ trong gành Đá chung ấy.Ai cũng cố gắng đóng góp những tiếng nói của riêng mình, cảm nhận của chính mình để làm nên một gành Đá Đĩa đa sắc mà vẫn thống nhất trong một nét chung của tình yêu thương, niềm tri ân  cuộc đời. Dẫu rằng cách viết của chúng ta còn đơn giản, thơ ca của chúng ta còn phần lớn là “ Thơ tươi”, là văn vần và không phải không còn những bài na ná ở đâu đó hoặc lặp lại chính mình. Song chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để làm sao mỗi tác phẩm của chúng ta  đều là một cá thể riêng biệt . Chúng ta hãy cùng nhau hi vọng rằng  sẽ có một tác phẩm nào đó hoặc một vài câu thơ nào đó đủ sức vượt thời gian và được nhiều người yêu thích. Nếu không được như vậy thì chúng ta vẫn được giao lưu với nhau, được chia sẻ cùng nhau mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Cứ thế, chúng ta thêm yêu thương gắn bó với nhau hơn và càng thêm yêu cuộc sống, càng muốn sống ngày một tốt đẹp hơn. Điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!
                                                9-8-2012
                                                 Song Thu

   

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

TỪ HAI BÀI THƠ XƯỚNG HỌA...


     

          Hồi ấy, một lần, chàng với tay vào chum để lấy thóc cho gà ăn. Không may, hoặc do tư thế với quá hay sao đó  mà bị sún lưng. Đau đến hàng tuần liền, vận động rất khó khăn. Vì thế, chàng mới làm một bài thơ như sau:
                             SÚN LƯNG
          Ốm đau, bệnh tật thật vô chừng
          Bốc thóc cho gà cũng sún lưng
          Đi đứng nằm ngồi ra ngượng ngập
          Cúi quay nghiêng ngửa hóa lừng khừng
          Chạy vung xích chó thôi đành chịu
          Nằm cạnh nhân tình cũng dửng dưng
          Chỉ ước mong sao lưng dẻo lại
          Chẳng dê thì chó cũng ăn mừng
         
Khi bạn bè đến thăm, chàng  đọc bài thơ đó. Ai nghe xong cũng bảo là : “ Ông chỉ giỏi bao biện thôi, chắc là lại ham hố quá đây”. Thấy vậy,nàng mới nảy ra bài thơ họa lại rằng:
                   SẼ MỪNG
Bệnh tật tại mi chẳng có chừng
            Quá đà một chút hóa đau lưng
Đêm dăm bảy trận la đà lả
Ngày một vài ca lửng lửng khừng
Lưng sún đâu chừa tình tính tính
Gối long nào chịu dửng dừng dưng
Này này tớ bảo cho mà biết
Bỏ tính kia đi, tớ sẽ mừng

Làm xong bài thơ, nàng đọc cho chàng nghe. Chàng cười và bảo : “ Em chỉ giỏi bịa”. Nàng nói: “ Đã đành là thế! Nhưng rồi anh xem, thế nào mọi người cũng sẽ cho là em nói đúng”.
Quả nhiên, hôm sau, khi mọi người sang chơi, trong lúc vui vẻ, chàng và nàng đọc hai bài thơ đó, ai cũng cười ồ và phán rằng: “ Đấy, bà ấy đã nói đúng, nói thật, còn ông chỉ né tránh, bao biện thôi”.
Từ thực tế trên, tôi cứ suy ngẫm mãi và chợt ngộ ra rằng, ở đời, ai cũng muốn biết sự thật, nhưng không phải ai cũng tiếp thu được sự thật một cách khách quan. Nhất là khi người ta đã sẵn trong đầu một định kiến, một thói quen tư duy máy móc. Mỗi con người đều thế và nhiều khi cả xã hội cũng thế.
Nhìn vào lịch sử xa xưa trong thế giới, ta sẽ thấy câu nói bất hủ của Ga Li Lê: “ Dẫu sao trái đất vẫn quay” khi đã bước lên giàn hỏa thiêu vẫn còn như một minh chứng hùng hồn cho tinh thần quả cảm của một con người trí tuệ hơn đời đã không chỉ tìm ra sự thật, dám nói lên sự thật mà còn quyết tâm bảo vệ đến cùng sự thật dẫu có phải hi sinh cả tính mạng của mình. Đồng thời sự kiện đó mãi mãi là một bản án đanh thép kết tội Giáo hội vì  ngu xuẩn, ấu trĩ và tàn ác đã không nhận thức được chân lý mà còn sát hại người tài hoa, dũng cảm một cách dã man.
Nhìn vào lịch sử nước nhà, ta lại thấy, trong suốt một thời gian thật dài, chúng ta đã quen với thời bao cấp nên rất bằng lòng với chế độ bình quân chủ nghĩa, với thói quen xếp hàng mất bao nhiêu là thời gian chỉ để mua vài lạng thịt, chai nước mắm hoặc mấy lạng đường. Trong hoàn cảnh ấy, nếu ai đó nói rằng mọi người hãy tích cực chăn nuôi, sản xuất tạo ra thật nhiều sản phẩm rồi tự do bán, tự do mua  sẽ chẳng có ai dám tin. Thậm chí người ta còn nhìn nhận người vỡ vạc chút ít thùng vũng để tự cấy lúa kiếm thêm chút lương thực trong lúc cuộc sống còn thiếu đói như một kẻ tự tư, tự lợi. Chính tôi đã chứng kiến người ta đang tâm nhổ lúa của một bác nông dân trong hoàn cảnh vỡ hoang thêm như thế. Một bằng chứng hiển nhiên nữa là chính sách “ Khoán mười” mới mẻ của bác Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc dẫu đã mang lại đời sống ấm no hơn nhiều lần cho nông dân so với việc tập trung hợp tác hóa ruộng đất  nhưng không những không được chấp nhận mà bản thân bác còn bị một phen khốn đốn. Tất cả những điều đó giúp ta hiểu sâu sắc hơn rằng: nhiều khi, sự thật và nhất là những sự thật tiến bộ không dễ dàng được công nhận. Nếu nhà cầm quyền không có cái nhìn tiến bộ, không đủ tầm bao dung chấp nhận những mới mẻ, những ý kiến trái chiều mà bảo thủ cố chấp thì còn gây ra nhiều thảm họa khôn lường cho cá nhân con người và kéo lùi cả sự tiến bộ của xã hội nữa chứ chẳng chơi. Cho nên trong bất cứ thời đại nào,đất nước nào cũng cần lắm thay những người “ cầm cân nảy mực”  có tài, có tâm, có dũng khí và có tư tưởng dân chủ tiến bộ, luôn lắng nghe, thấu hiểu thì mới phát huy được nhiều nhất khả năng của nhân dân để xây dựng đất nước phát triển, phồn thịnh.
Cũng cần xem xét việc không chấp nhận sự thật ở nhiều cấp độ khác nhau. Nếu chỉ là do chưa hiểu, chưa tin ở sự thật ấy mà dẫn đến việc không chấp nhận, không thực hiện theo sự thật đó thì những người ấy đáng thương hơn là đáng giận, đáng trách. Nếu không hiểu không tin theo sự thật mà dẫn tới hành động quy chụp thậm chí là đàn áp người dám nói lên sự thật thì tùy theo tính chất của việc đàn áp mà kết tội kẻ đàn áp ngu xuẩn dã man kia. Còn nếu đã biết sự thật đó là đúng nhưng vì lý do tư lợi mà chối bỏ sự thật, khống chế, đàn áp người dám nói lên sự thật, hoặc bất chấp dư luận, tìm mọi thủ đoạn quyết làm theo ý mình thì đó đích thị là những kẻ vô liêm sỉ, đã mất hết lương tri cần phải bị trừng trị đích đáng. Hành động cố tình lấn chiếm biên giới biển đảo hiện nay của nhà cầm quyền Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho kiểu  bất chấp nói trên.
Tôi luôn tâm niệm và tin tưởng rằng: Việt Nam nói riêng và một số nước khác nói chung đang bị Trung Quốc lấn chiếm đã nhận rõ điều này. Chắc chắn là họ không thể không thực thi công lý và chính nghĩa.
                                      6-8-2012
                                   Vũ Thị Song Thu

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

CHẲNG QUẢN



             ( Họa bài: “Giữ” trong chùm thơ:
             Thơ về biên giới và biển đông của Thanh Dạ)

Em ở biên cương vẫn ngóng trông
Anh nơi hải đảo thiết tha lòng
Trường Sa bão tố thêm thương vợ
Biên giới heo may đậm nhớ chồng
Chung sức giữ yên vùng biển đảo
Góp công bảo vệ vững non sông
Ngăn quân bành chướng sang xâm lấn
Đâu quản mưa hè với rét đông
                   5-8-2012
                   Song Thu

   
 BÚT BI HẾT MỰC

Trang giấy hồng mở ra
Cây bút bi chính hiệu
Viết bài thơ huyền diệu
Của tình yêu nồng nàn

Cảm xúc đang dâng tràn
Lời yêu đang tha thiết
Bỗng dưng bút hết mực
Rõ thật là bực mình

 Mua xa thì mất hứng
Mượn gần lại sượng sùng
Thuê mướn cũng chẳng ổn
Còn biết làm gì hơn?
                   5-8-2012
                   Song Thu