Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

LẶNG LẼ BÊN NHAU


Song Thu, Tô Hà, 26-10-2013








Tiện dịp Tô Hà mới ghé qua
Không bia, không rượu cũng không quà
Lòng buồn, thương nhớ không ca hát
Lặng lẽ bên nhau vẫn đậm đà
            28-10-2013
            Song Thu

ĐỌC BÀI THƠ "CẢNH KHUYA" CỦA HỒ CHÍ MINH

Cảnh Khuya
 
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
                                      Hồ Chí Minh      
Việt Bắc 1947

     Cảnh Khuya được sáng tác ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1947, thời điểm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc tình hình đất nước  rất  khó khăn, gian khổ, cam go.
     Bài  thơ nhiều năm nay được giảng dạy trong trường phổ thông nên có rất nhiều bài  phân tích, cảm nhận, bình giảng... về nó. Ở đây, chúng tôi thử tiếp thụ bài thơ theo một hướng khác: men theo từng khúc đoạn trên con đường cảm xúc của nhân vật trữ tình mà tiếp nhận tác phẩm.
  
    Về nghệ thuật, bài thơ có nhiều đặc sắc: ngôn ngữ bình dị, kết tứ bất ngờ, khác lạ mà tự nhiên..., nhưng có 2 mặt có thể coi là cách tân  trong thơ tứ tuyệt hiện đại: tiết tấu (nhịp) thơ và kết cấu (bố cục) bài thơ. Không theo nhịp truyền thống (4/3), câu 1 theo nhịp 3/4: Tiếng suối trong/ như tiếng hát xa và câu cuối có nhịp 2/5: Chưa ngủ/  vì lo nỗi nước nhà...  để biểu hiện diễn biến tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Và so với bố cục thơ tứ tuyệt truyền thống: Khởi (khai), Thừa, Chuyển, Hợp, bài thơ này có nét mới: Bài thơ có 2 phần: 2 câu đầu và nửa câu 3 (Cảnh khuya như vẽ): tả cảnh thiên nhiên; phần  còn lại: biểu  hiện tâm trạng. Cụ thể: câu 1: nghe  âm thanh; câu 2: ngắm nhìn cảnh; nửa câu 3: cảm nhận về cảnh vật; nửa sau câu 3: sự thao thức; câu 4: nguyên nhân (nỗi lo nước).
   
      Câu 1: Tiếng suối trong như tiếng hát xa
    Tác giả nghe "tiếng suối" mà liên tưởng đến "tiếng hát..". , nghe tiếng thiên nhiên như nghe tiếng con người, xem thiên nhiên cũng có sự sống như con người. "Tiếng suối trong": "Trong" là tính từ chỉ màu sắc (thị giác) lại được dùng để chỉ âm thanh (thính  giác); Nhà thơ đã chuyển đổi cảm giác khi thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Chỉ câu thơ đầu đã thể hiện tâm hồn giàu cảm xúc và tình yêu thiên nhiên nồng nàn của nhà thơ.
    Tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, nên câu thơ có âm thanh mà vắng lặng, tĩnh mịch, vừa có chiều rộng, chiều sâu thẵm của không gian (xa), vừa gợi lên thời gian im ắng của cảnh khuya. 

    Câu 2:  Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
    Nhà thơ nhìn sự vật ở 3 tầng khối, vị trí khác nhau: trăng, cổ thụ, hoa_ xa lớn, đồ sộ, bé nhỏ_  hòa quyện vào nhau. Cái nhìn như bao quát cả đất trời. Điệp từ "lồng" làm cho các sự vật vốn cách xa nhau ấy trở  nên   quấn quýt, lồng gắn vào nhau, tạo một cảm giác ấm áp. Câu thơ bộc lộ tâm hồn ấm áp của nhà thơ khi nhìn ngắm thiên nhiên đất trời.
   
       Cảnh khuya như vẽ...
      Đây là một nhận xét trực tiếp, thiên về tư duy sau khi lắng nghe, ngắm nhìn thiên nhiên, nhưng là sự rung động sâu sắc trước vẻ đẹp  thiên nhiên của một tâm hồn thi sĩ .
   
     Như vậy, Việt Bắc hiện lên huyền diệu, nên thơ, lung linh, huyền ảo mà không ghê rợn , tối tăm. Bức tranh khuya Việt Bắc biểu hiện tình yêu thiên nhiên , đất nước vô cùng và tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm của nhà thơ.
     
      Cảnh khuya như vẽ/ người chưa ngủ
      Đọc đến câu 3, người đọc tưởng nhà thơ vì say đắm cảnh vật mà không ngủ được, nhưng đến câu 4:
      Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
        Người đọc mới hay rằng 2 vế trong câu 3 không có quan hệ nhân quả. Câu nầy là điểm đỉnh của bài thơ, kết tứ một cách bất ngờ mà tự nhiên và có sức nặng. Từ tả cảnh tác giả chuyển sang biểu hiện tâm trạng: thao thức thức chưa ngủ (ở câu 3), bồn chồn chưa ngủ (câu 4), bài  thơ dừng lại ở "nỗi nước nhà". Qua từ "nỗi", người đọc liên tưởng đến tình hình kháng chiến khó khăn, gay go ở thời điểm 1947  và nỗi niềm day dứt non nước của nhà thơ- chiến sĩ, người lảnh tụ của cuộc kháng chiến chống Pháp trong hoàn cảnh đó.
   Cảnh khuya  là một bài thơ  hay, xuất sắc trong thơ tứ tuyệt  hiện đại Việt Nam.  Bài thơ là tâm hồn giaù cảm xúc của một nghệ sĩ tài hoa, đồng thời là  tấm lòng yêu nước thiết tha của một người chiến sĩ hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc.

BTV Minh Thu 
( Song Thu sưu tầm)

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

LIÊN KHÚC: VĂN NGHỆ XÓM TA



( Viết khi xem xong clip: Văn nghệ xóm ta)

  KHÚC 1: NGOÁY CÁM

Văn nghệ xóm nhà rõ thật vui
Kim Thư múa hát quả không tồi
Song Thu, Thanh Dạ và Xuân Hiểu
Bốc hứng nhảy vào ngoáy cám chơi
  
   KHÚC 2: BUỒN CƯỜI

Tuân Đỗ đánh đàn có vẻ xuôi
Anh Ngôi ư ử đến buồn cười
Xin mời hai bác về hâm lại
Để hát với đàn khỏi lạc đôi

  KHÚC 3: NGHIÊNG HẾT

Người tình Xuân Hiểu đến chung vui
Góp hát, góp thơ, góp tiếng cười
" Nắng đốt mưa quây" cao hứng quá
Một lòng nghiêng hết phía anh thôi
      
 KHÚC 4 : CHẲNG NỠ RỜI

Mời bạn vào nghe thơ xóm tôi
Nghe " Đêm không ngủ" lắm bồi hồi
"Em đi về phía..." bâng khuâng lạ
" Tha thiết tình ai" chẳng nỡ rời
              Sao Đỏ: 27-10-2013
               Song Thu




    

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Hài

Hài ... Chẳng phải vì đi xem show Chí Tài, Hoài Linh Hay tếu táo Tự Long, Vân Dung, Xuân Bắc Chẳng phải chuyện hề chèo sân khấu Chẳng phải VTV gặp nhau cuối năm hay cuối tuần




Hài ...
Là chả mấy ai làm việc nhưng ai cũng có lương
Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống
Không ai đủ sống nhưng ai cũng sống
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng
Không ai hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý

Hài ...
Bệnh tim cũng không sợ bằng bệnh sỹ
GDP tỉnh thành nào cũng tăng
Kỷ lục, di sản ra đời sòn sòn
Học sinh tốt nghiệp toàn khá với giỏi
Cử nhân tốt nghiệp không có việc làm
Thạc sỹ , tiến sỹ nhiều như lợn con

Hài ...
Thế kỷ này người thủ đô vẫn ăn phở xếp hàng
Bún mắng, cháo chửi góp thêm phần thanh lịch
Người Sài Gòn mỗi lần loay hoay trong nước ngập
Lại nhớ ông sếp thoát nước lương vài tỷ mỗi năm
Là ăn lương Việt Nam
Nhưng giá điện-ga-xăng phải đồng hành cùng thế giới

Hài ...
Là ngày quốc tang trọng đại
Ti-vi vẫn chúc " quốc tang nhiều niềm vui ... "

Hài ...
Xứ sở mâu thuẫn chứa đầy
Nghịch lý lên ngôi
Lắm chuyện tréo ngoe cười ra nước mắt
Niềm vui thường là mong manh, vụn vặt
Nước mắt thay vì trào ra ngoài
Lại chảy ngược vào trong


                                               15.10.2013
                                           VÕ TRUNG HIẾU
                                         ( Song Thu sưu tầm)

TÙNG VÀ NGUYỄN TRÃI



                                    
Sáng nay, vừa tỉnh giấc, tôi mở tung cửa bước ra sân hít thở khí trời. Chợt nhìn thấy cây tường vi mới hôm nào  hoa hồng rực rỡ một góc sân lá xanh thắm như tăng thêm vẻ đẹp sung mãn, tràn trề  sức sống. Thế mà hôm nay  hoa đã hết và lớp lá xanh kia đã chuyển màu vàng đỏ, rụng đầy sân bay bay trong gió sớm. Bỗng dâng lên trong lòng một cảm giác nao nao khó tả rồi tự dưng lại nhẩm đọc câu thơ : “Thu đến cây nao chẳng lạ lùng” trong bài “Tùng” của Nguyễn Trãi. Và cứ thế đọc hết cả bài thơ để rồi càng yêu thêm vẻ đẹp của Tùng, vẻ đẹp của bản lĩnh anh hùng cứng cỏi cũng như tâm hồn thi nhân tinh tế nhạy cảm và tấm lòng dứt mực vì dân của “danh nhân văn hóa thế giới”, Nguyễn Trãi
Vâng thu đến muôn cây đều đổi thay theo quy luật của tạo hóa “ Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn”. Chỉ có mình cây tùng là bất tuân quy luật ấy. Nó vẫn ngạo nghễ xanh thẫm coi thường cái rét cắt da cắt thịt của ba tháng mùa đông:
                     Một mình lạt thuở ba đông
 “ Lạt” là một từ cổ có nghĩa là coi thường nhưng âm hưởng trầm bình chắc khỏe của nó tạo ấn tượng mạnh hơn.  Vì thế tự nhiên ý thơ được nhấn mạnh nổi bật hơn và hình tượng cây tùng cũng trở nên cứng cỏi, mạnh mẽ , hiên ngang hơn.
Nhưng: ai ( dám) bảo rằng tùng chỉ làm khách chốn sơn lâm? ( Lâm tuyền ai rặng già làm khách?) Vẻ đẹp của tùng đâu phải chỉ đơn thuần là vẻ đẹp vì chính bản thân nó hay là góp phần trang hoàng cho núi rừng thêm kì vĩ tráng lệ? Không, tùng thiết thực hơn, hữu ích hơn bởi “ tài lương đống” của nó.
                     Tài đống lương cao ắt cả dùng
                      Đống lương tài có mấy bằng mày
                      Nhà cả đòi phen chống khỏe thay
                      Cội rễ bền dời chẳng động
                      Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày

                      Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày
                       Có thuốc trường sinh càng khỏe thay
                       Hổ phách phục linh nhìn mấy biết
                       Dành còn để trợ dân này
Cách dùng điệp ngữ, điệp cú pháp trong các câu thơ trên tạo giá trị thẩm mỹ cao cho đoạn thơ. Nó có tác dụng nhấn mạnh, khẳng định giá trị đích thực to lớn của cây tùng là dùng vào việc lớn, việc trọng đại có ích cho đời, là dành tất cả những gì tinh túy nhất, quý giá nhất để trợ giúp cho dân !
Bài thơ thất ngôn chen lục ngôn rất tự nhiên nhuần nhị và dường như sức nặng của ý thơ lại dồn vào những câu lục thì phải. Này nhé:
               Một mình lạt thuở ba đông
                Cội dễ bền dời chẳng động
                 Dành còn để trợ dân này.
Nếu hai câu lục trên nhằm lột tả tư thế vững chãi, sức sống bất diệt trước mọi thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt của cây tùng thì câu lục kết bài lại khẳng định lợi ích của tùng một cách rất chắc chắn, rất dứt khoát: “ Dành còn để trợ dân này” .
Nên nhớ rằng, trong quan niệm của người xưa, tùng, trúc là vẻ đẹp ngay thẳng cứng cỏi, khỏe khoắn tượng trưng cho  bản lĩnh, khí phách của người quân tử. Song đọc  bài thơ này, ta không chỉ nghĩ tới hình ảnh một người quân tử, một đấng trượng phu chung chung nào đó mà liên tưởng ngay đến cuộc đời Nguyễn Trãi, tinh thần,khí phách và tư tưởng “ nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi. Với tôi, hình ảnh cây tùng “ lạt thuở ba đông” và trải mấy tuyết sương  vẫn sâu rễ bền cội “ dời chẳng động” cũng chính là hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi luôn vững vàng, bản lĩnh trước bao nhiêu giông gió cuộc đời;Từng “ nếm mật nằm gai “ với nghĩa quân Lam Sơn để đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước nhà, làm nên chiến thắng vang dội hào hùng của dân tộc Việt thế kỷ XV khiến muôn đời sau nhìn lại còn thấy tưng bừng sảng khoái và biết mấy tự hào
Gươm mài đá đá núi cũng mòn
Voi uống nước nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”
     ( Cáo bình Ngô)
Dốc lòng trong thời loạn, đến thời bình, Nguyễn Trãi vẫn một mực thẳng ngay, bất khuất kiên trung chống lại cường quyền bạo ngược bảo vệ chân lý: “ Vườn quỳnh dầu chim kêu hót / cõi trần có trúc đứng ngăn” (Tự thán- bài 40).
Song điều đáng quý nhất ở Nguyễn Trãi chính là tư tưởng nhân nghĩa hết sức tân tiến . Ngay sau chiến thắng giặc Minh, thác lời Lê Lợi, viết “Cáo Bình Ngô”, Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Đến thời bình ông vẫn tâu với nhà vua rằng: “Dám mong bệ hạ rủ lòng thương yêu và chăn nuôi muôn dân để cho khắp thôn cùng ngõ vắng không đâu còn tiếng hờn giận oán sầu”. Cái nỗi niềm đau đáu trong suốt cuộc đời Nguyễn Trãi chính là mơ ước xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị để người dân được  sống vui vẻ yên bình no đủ như thời Nghiêu Thuấn: “ Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn / Chừng ấy ta đà phỉ sở nguyền”
Thương thay, con người toàn tài hiếm có và tâm đức sáng ngời đó lại bị bọn xu nịnh, bất tài, mượn cớ vụ án " Lệ chi viên"  vu oan giá họa đến mức phải chịu án chu di ba họ. Mãi đến năm 1464, thời trị vì của vị minh quân Lê Thánh Tông  thì  Nguyễn trãi mới được minh oan, được đánh giá  đúng với tài năng đức độ của mình “ Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” ( lòng Ức Trai sáng tựa sao khuê). Cũng chính vua Lê Thánh Tông đã cho sưu tầm lại thơ văn của Nguyễn Trãi và tìm con cháu còn sống sót của ông để bổ làm quan. Năm 1980 Nguyễn Trãi đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Còn với nhân dân Việt Nam, Nguyễn Trãi mãi mãi là anh hùng dân tộc, là nhà văn hóa lớn. Nhất là tư tưởng “ nhân nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi sẽ được muôn đời  tôn vinh, ngưỡng mộ, truyền tụng.
                              20-10-2013
                              Song Thu

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

TIỄN NGƯỜI VỀ VỚI "QUÊ CHOA"


( Họa nguyên vận bài NGƯỜI VỀ NÚI THỌ của Đỗ Đình Tuân)










Chinh chiến bao năm đã trải qua
Quy tiên yên nghỉ với sơn hà
Tháp chuông ngân mãi niềm thương tiếc
Sóng biển âm vang khúc ngợi ca
Chí lớn anh tài còn vọng mãi
Lòng trong gương sáng chẳng phai nhòa
Muôn dân vĩnh biệt đều rơi lệ
Đưa tiễn Người về với đất choa
                    15-10-2013
                     Song Thu

 ( Phụ chép bài: NGƯỜI VỀ NÚI THỌ )

 Trăm năm chinh chiến đã đi qua
Người trở về đây với hải hà
Núi Thọ vi vu thông tấu nhạc
Vũng Chùa rào rạt sóng reo ca
Nghìn năm đàm tiếu dù xuôi ngược
Một tấm gương trong chẳng ố nhòa
Nước mắt nhân dân chia sẻ vợi
Nhẹ lòng Danh Tướng giữa quê choa.


14/10/2013
Đỗ Đình Tuân

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

DÂN ĐÃ THỜ AI THÌ KHÔNG BAO GIỜ NHẦM CẢ

“Em gái Mường Phăng”, năm nay tròn 100 tuổi, đã bật khóc trước di ảnh Đại tướng. Những giọt nước mắt đục mờ lăn dài trên đôi má nhăn nheo, của một người đã sống đến trăm tuổi, nếm đủ đắng cay vinh nhục được mất của cuộc đời, tưởng chừng chẳng còn gì khiến bà rơi nước mắt. Những chàng trai áo đỏ của đội tuyển U19 quốc gia, băng tang đính ngay dưới lá cờ tổ quốc bên ngực trái đứng lặng yên 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước một trận đấu  vòng loại U-19 châu Á ở Kuala Lampur, Malaysia. Người lính già Phàng Sao Vàng quân phục bạc thếch bụi thời gian, ngực đỏ huy chương, ống thấp ống cao, giơ tay ngang vành mũ chào người “Anh Cả”. Một phụ nữ nhà quê vượt hàng ngàn cây số từ Bình Dương ra Hà Nội, chỉ để đặt bên tường một đóa hoa huệ trắng. Cô gái trẻ đứng bần thần mắt đẫm lệ. Giai điệu trầm hùng bi ai của bản “hồn tử sĩ” được người nghệ sĩ đường phố tấu lên trong cảnh đoàn người miên man trầm mặc bước trong ánh nắng vàng vọt cuối thu. Một cậu bé tựa lưng vào vai người cha, mệt mỏi vì chờ đợi nhưng tay vẫn nắm chặt tấm ảnh của vị đại tướng nhân dân. Nhân dân đã tổ chức “Quốc tang” cho ông ngay từ tối ngày 4.10, và trắng đêm, với tràn ngập những hình ảnh, những dòng vĩnh biệt trên mạng xã hội. Đến nỗi không ai nỡ viết một điều gì khác.
Nếu còn cần có thêm một con số thì đó là 11 ngàn người đã đến bái biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 11 ngàn người trong chỉ một buổi chiều.
Chúng ta đang chứng kiến điều gì vậy?
48h qua, biết bao nhiêu từ ngữ nói về ông, viết về ông đã xuất hiện. Một huyền thoại, một biểu tượng…Với vô vàn những tính từ: Kiệt xuất, lẫy lừng…Nhưng nói về tướng Giáp, không có gì ngắn gọn, súc tích và đầy đủ hơn đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu đã tặng ông “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm”. Nói về tướng Giáp, không gì giản dị và cao quý hơn hai chữ “Anh Cả” mà những người lính dùng để gọi vị tư lệnh của mình. Và nói về tướng Giáp, đồng bào các dân tộc Điện Biên gọi ông là “Ải pú tạp xấc” (ông nội đánh giặc). Còn nhân dân, nói về ông bằng một chữ NGƯỜI.
Những giọt nước mắt của cả dân tộc đang cho thấy đó không chỉ là niềm tiếc thương, ngưỡng mộ, tự hào về một vị tướng tài đã đi vào sử sách như Alexander Đại Đế, như Napoleon, một vị tướng mà ngay kẻ thất trận cũng cúi đầu bái phục.
Chúng ta đang được chứng kiến những gì đẹp đẽ nhất của lòng dân khi cả dân tộc đang xích lại gần nhau trong một nỗi đau chung. Tướng Giáp có lẽ sẽ ngậm cười nơi chín suối khi chính ông một lần nữa chứng minh tinh thần dân tộc nằm trong chính mỗi người Việt Nam, một tinh thần dân tộc chỉ có thể nghiêng mình trước một nhân cách lớn chứ không bao giờ quỳ gối trước bất cứ kẻ thù nào.
Sau gần nửa thế kỷ, đất mẹ mới thêm một lần chứng kiến những giọt nước mắt dân tộc khi “Bao nhiêu nước mắt khóc bác Hồ, giờ khóc bác Giáp”- Lời GS Vũ Khiêu.
Cả dân tộc đang lặng lẽ khóc chung một giọt nước mắt tiếc thương, tự hào. Hình như dân đã thờ ai thì không bao giờ nhầm cả.
                                             
                                         ĐÀO TUẤN
                                     (Song Thu, sưu tầm)

VĂN TẾ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP









Hỡi ơi,

Quá trăm năm xuôi ngược bôn ba
Nửa đời người xông pha trận mạc
Lòng trăng thu vằng vặc
Dẫu xếp súng gươm vẫn đĩnh đạc tướng quân
Nay thác xuống lòng muôn dân lệ đổ


Nhớ linh xưa,

Giáng sinh vùng quê Lệ Thủy
Ngày ngày soi bóng Kiến Giang

Vốn dòng dõi Cần Vương thủa trước
Lại thêm nghề bốc thuốc cứu dân

Từ buổi ấu thơ, đọc chữ thánh hiền đã hiểu thấu nghĩa nhân
Trong cơn mộng lành, nghe chuyện giặc Tây đã thấm nhuần khí tiết

Sinh trong buổi nước nhà đổ nát, thiếu cột chống trời nên nghiêng ngả
liêu xiêu


Lớn lên thấy dân chúng lầm than, vắng bóng anh hùng nên bơ vơ tan tác

Ngó xuống đường thấy lưỡi lê giặc Pháp
Những sĩ phu thân nát đầu rơi
Nhìn lên trên thấy võng lọng con trời
Những xe pháo im hơi lặng tiếng

Chẳng tham chi miếng bả công danh, trường Quốc học đã nhiều phen bãi khóa

Há sợ chi tù gông xiềng xích, lao Thừa Thiên từng một thuở dấn thân

Duyên kì ngộ chốn hồng trần gió bụi
Ai ngờ đâu có buổi trùng phùng
Anh thư lại gặp anh hùng
Tình riêng cũng thể tình chung sơn hà
Hận thay nợ nước thù nhà
Nữ nhi sớm bỏ trăng ngà trôi xuôi

Ôi,

Bước vào đời bằng nghề dạy sử, đem tích xưa mà ôn cố tri tân
Chẳng quen thân với nghiệp nhà binh, nghĩ trận mạc như mây bay gió thoảng


Có ai ngờ trong bóng tối ngọc kia vụt sáng
Bậc minh quân chọn tướng giữa trần gian

Từ mấy mươi chiến sĩ chốn cùng cốc thâm sơn
Thành ức vạn dân binh khắp xóm thôn thành phố

Tiến theo cờ đỏ
Đồn bốt đập tan
Đánh đuổi bạo tàn
Dựng nền dân chủ

Công tích ấy kể bao nhiêu cho đủ
Ngàn năm sau đã có sử sách ghi

Chỉ thương vì,

Mộng thanh bình như sương tan buổi sớm
Giặc cuồng điên lại muốn nổi đao binh

Bỏ thành đô, bắt đầu chín năm kháng chiến gian nan
Lên rừng núi, thi triển trăm ngàn mưu cơ thao lược

Những trận đánh như thế cờ lật ngược
Đổ máu xương để giành lấy chiến công
Đánh Pháp bằng giáo mác hầm chông
Quân với tướng nâng niu từng viên đạn

Trên với dưới một lòng, nguyện đuổi sạch kẻ thù cha ông từng thất bại
Trước với sau son sắt, mộng dựng xây đất nước mà thời đại ước mơ

Ôi Việt Bắc, Biên Giới, Trung Du
Những chiến dịch khiến quân thù mất ngủ

Núi rừng rực sáng trong ánh lửa
Đất trời chờ lệnh Võ tướng quân
Điều binh khiển tướng xuất thần
Tính kế bày mưu ảo diệu

Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ triều dâng thác đổ
Trái tim triệu người một khúc khải hoàn ca
Võ Nguyên Giáp từ đó là huyền thoại

Nhưng cũng bởi,

Có những kẻ chưa nếm mùi thất bại
Chưa sợ danh của bậc đại anh hùng

Nên hết Mỹ rồi Trung
Lần lượt kéo sang chuốc bại vong dưới tay Đại tướng

Than ôi,

Một ngày sung sướng là một ngày Người nghĩ về dân
Trận chiến thời bình còn đắng cay gấp vạn lần
Người chỉ nguyện lấy dân làm gốc

Thân là bậc công thần khai quốc
Đòi phen bị làm nhơ nhuốc ô danh

Những thói đời nhơ bẩn hôi tanh
Toan khỏa lấp uy danh lừng lẫy

Dẫu cho đôi mắt đã mờ, đôi tay run rẩy
Vẫn đau đáu với đời, đòi quét sạch tham ô
Tha thiết giữ gìn những chứng tích xưa
Không im tiếng trước kẻ làm bừa hại nước (*)

Tiếng nói của vị tướng một thời xa khuất
Nay vẫn như tiếng sét giữa trời quang
Dẫu rằng sử đã sang trang

Hỡi ôi,

Dẫu biết nước mắt anh hùng lau không ráo (**)
Chỉ thấy xót xa tiết tháo chẳng phai nhòa

Một đời chói lòa
Một đời nghĩa khí

Sống mà người bốn biển tung hô
Thác mà dân hai mắt lệ mờ

Mặc thế gian có mắt như mù
Chốn tuyền đài ngàn thu yên giấc

Hỡi ôi thương thay
Có linh xin hưởng!


Hà Nội 8.10.2013

                                 KHƯƠNG DUY
 Chú thích:
(*) Ba việc cuối đời Đại tướng làm: góp ý về vụ PMU 18, phản đối phá bỏ
Hội trường Ba Đình và phản đối dự án bauxite Tây Nguyên
(**) Ý của Nguyễn Đình Chiểu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
                                

                              ( Song Thu, sưu tầm)

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

COI CHỪNG


  ( Họa nguyên vận bài TỰ VẤN của Tạ Anh Ngôi)

Đã tròn bảy chục tuổi rồi ư
Mọi thứ nhung nhăng sao chẳng từ?
Sáng sáng mơ màng chờ mỹ nữ
Chiều chiều ngơ ngẩn đợi anh thư
Rượu ngon phố Hóp luôn hăng hái
Hoa ế chợ Đêm chẳng ứ hừ
Xe máy vè vè chơi tít mít
Coi chừng vợ lão khử khừ khư

            11-10-2013
           Song Thu
(Phụ chép bài TỰ VẤN của Tạ Anh Ngôi)
Xuân này tớ đã bảy mươi ư

Sao tớ còn ham chửa muốn từ?

Ham viết,ham đi,ham ngắm vuốt

Thích người,thích cảnh,thích thi thư

Thấy bông hoa lạ thèm nghiêng ngó

Nghe tiếng đàn xa muốn hự hừ !

Thanh Dạ sỹ mồm chê:Trống bỏi

Tảng lờ mặc Dạ tớ khư khư!
                    Nhân Hưng,ngày 9-10-2013
                                Tạ Anh Ngôi
             

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

KỈ NIỆM NHỎ VỀ VÕ ĐẠI TƯỚNG

NQL: Mình được bạn bè và người nhà cụ Võ báo tin: cụ đã về trời lúc 18h9 phút ngày 04/10/2013, hưởng thọ 103 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm. Tiếc thương cụ vô hạn, mình không biết làm gì hơn, xin đăng lại bài viết của mình năm cụ tròn 100 tuổi, tưởng là cụ đi lúc đó, cầu cho cụ được bình an nơi cõi Phật.



Dân Quảng Bình ở Hà Nội hầu hết đã gặp cụ Võ, dân làm báo viết văn Quảng Bình hầu hết đã đến nhà cụ chơi, thế mà mình thì không.


 Bữa trước ngồi nhậu với Trần Quang Đạo, Bảo Ninh, Nguyễn Hữu Quí, chúng nó hẹn đến chơi nhà cụ, mình không đi.


 Anh Mĩ rất gần gũi cụ, xưa đã từng theo cụ cả năm trời vào cái thời lấy Tây Nguyên làm thủ đô kinh tế, với cô Hà lại là chỗ thân thiết, anh bảo mình đến chơi mấy lần, nhưng mình ngại, không đến.


Chẳng phải vì sợ mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ, chỉ vì mình ngưỡng mộ từ lâu rồi, ngưỡng mộ thấm tận xương tủy, bây giờ gặp chẳng may vì lí do gì đó làm mình thất vọng thì chán lắm.


Đã có đôi ba người ở xa thì yêu quí kính trọng vô cùng, khi gặp cái là chán ngoét, đôi khi vì chuyện đó mà buồn cả tháng. Thành ra mình quyết định ở xa ngưỡng mộ cụ thôi.


Dân Quảng Bình, là nói dân sở tại, ai cũng có thể chê bai, kể cả bố mẹ, nhưng cụ Võ thì không, tuyệt nhiên không. Thế gian có ba người dân Quảng Bình thờ phụng đó là Chúa, Phật và cụ Võ.


Họp hội đồng hương năm nào cụ cũng đến, hễ cụ đến trễ tí là lại xôn xao, thì thào không biết có chuyện chi mà giờ này cụ chưa đến. Cụ nói nhỏ, người nghe thì đông, hầu hết chẳng nghe gì nhưng hễ cụ nói xong ai nấy đều hân hoan như vừa nghe xong thánh chỉ.


Chẳng phải thời cụ làm quan cụ lo lót được cho dân Quảng Bình. Mình hỏi nhiều ông quan to Quảng Bình, nói cụ Giáp có bố trí được ghế này ghế nọ không,?  Ai cũng thở hắt ra, nói è he.. có mô. Hễ có việc gì của tỉnh người ta chạy đến chỗ nọ chỗ kia chứ chẳng bao giờ chạy đến cụ.


Thì Phật, Chúa tóm lại có lo được cho dân chút gì đâu nhưng có đánh chết dân vẫn không thôi thờ phụng. Cụ Võ cũng thế thôi.


 Quý Doãn nói cụ đánh hai đế quốc to đã trợt mặt rồi, mình còn đòi hỏi cụ cái chi nữa.


Thời xưa các ông bộ chính trị đều có ảnh phóng to, lồng khung treo tường cả. Mình còn bé chẳng biết ông nào ra ông nào, chỉ duy nhất cụ là mình biết, bởi vì cụ là Đại tướng. Con nít thì Đại tướng là nhất, còn mấy cái chức khác thì mặc kệ, chẳng quan tâm.


Sáu, bảy tuổi ngồi há mồm nghe anh Chanh, anh Út kể chuyện cụ, sướng rêm người.


Anh Chanh kể tướng Đờ Cát gọi điện cho Cụ Hồ xin tha. Cụ Hồ hỏi Đại tướng ý kiến chú ra răng? Đại tướng nói thưa Bác thằng mô tha thì tha chứ Đờ Cát thì dứt khoát không tha. Tụi mình vỗ tay rào rào, nói đúng đúng không tha! Không tha!


Anh Út kể đội bóng đá nước mình đá với đội Trung Quốc, bị sút quả 11m, nếu bắt thì thủ môn sẽ vỡ ngực chết, không bắt thì thua. Trưởng đoàn gọi điện cho cụ Hồ hỏi thưa Bác có bắt không, cụ Hồ thương thủ môn chết tội, định nói thôi không bắt. Đại tướng ưỡn ngực rập chân, nói thưa Bác... dù chết Tổ quốc mình cũng không thể thua. Cả lũ nhảy lên reo hò, nói đúng đúng! Dù chết cũng không thua!


Rồi xúm lại hỏi anh Út cuối cùng mình có thắng không. Anh Út vênh mặt lên, nói thắng chơ răng. Sướng muốn ngất luôn.


Đại khái cái gì Cụ Hồ cũng hỏi Đại tướng, cái gì Đại tướng cũng quyết định ngon lành, toàn trúng không thôi. Tâm hồn bé thơ của mình đầy ắp những chuyện như thế.


Mấy chục năm sau, hình như năm 1980, đang ăn cơm bỗng nghe tin cụ đựơc phân làm trưởng ban Sinh đẻ có kế hoạch, bỏ cơm nằm khóc rưng rức suốt cả buổi chiều. Tâm hồn bị tổn thương trầm trọng giống như thấy người ta đang làm nhục bố mình.


Năm sau, kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đài ngâm bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, mình ngồi phục xem người ta có ngâm câu Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp hay không. Hoá ra không.


Điên tiết mình đập tan cái đài của anh Đuya, sau phải vay tiền gần chết mua cái đài mới đền anh.


Năm 1984, đoàn kịch Quân đội dựng vở Bài ca Điện Biên, hình như kịch bản của Sĩ Hanh, Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Nghĩ bụng chắc người ta chẳng mời cụ đến dự đâu. Hóa ra cụ đến. Bụng phục thầm quân đội quá xá, chỉ có quân đội gan mới to thế chứ chẳng ai dám đâu.


Mình đứng cuối hội trường hồi hộp chờ xem cái đoạn kết. Đoạn kết có chi tiết chính uỷ mặt trận báo cáo chiến dịch thắng lợi, chỉ mỗi câu báo cáo Đại tướng hay báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cãi nhau ỏm tỏi.


Anh Giang thì cứ tủm tỉm cười nói rồi mày xem anh xử lí thế nào.


Vở kịch quá dài, hơn hai tiếng, xem mệt cả người, rồi cũng đến hồi kết. Khi tập thì anh Đoàn Dũng, trong vai chính uỷ mặt trận, chỉ quay điện thoại về chỉ huy sở mặt trận báo cáo với Đại tướng. Nhưng khi đó, anh Đoàn Dũng chạy vụt xuống đứng trước mặt cụ, rập chân ưỡi ngực chào.


Cụ bị bất ngờ, lúng túng đứng lên.


 Anh Đoàn Dũng nói to, dõng dạc từng tiếng một: Báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh mặt trận, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng Đờ Cát đang ở trước mặt chúng ta!


Cả ngàn người vụt đứng dậy vỗ tay như sầm rền, kéo dài hơn 10 phút, nhiều người khóc oà.


Mình bật khóc nức nở, chạy ra khỏi hội trường đứng khóc, hét to ôi sướng quá trời ơi!


Tối đó về nhà nằm lúc lúc lại bật khóc. Đang viết những dòng này cũng nước mắt như mưa.
                                   Nguyễn Quang Lập
                                   ( Song Thu, sưu tầm)