Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

TỰ CẢM NGÀY CUỐI NĂM



Bóc đi tờ lịch cuối cùng
Bỗng dưng lại thấy trong lòng chơi vơi
Đời người như bóng câu trôi
Vừa sương sớm đã ngậm ngùi hoàng hôn
Trải bao đắng ngọt vui buồn
Mưa tuôn nắng dội đã mòn thân côi
Chạy theo ảo ảnh một thời
Tỉnh ra chiều xế bóng rồi còn đâu
Bến đời cạn, bến sông sâu*
Muốn qua chẳng bắc nổi cầu mà qua
Đành ngồi ôm nỗi xót xa
Buông xuôi sau trước cũng là buông xuôi
                        31 - 12 - 2014
                         Song Thu
Chú thích: * Mượn tứ thơ của Nonkhongquai. HP

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

MỪNG BÁC TÁM MƯƠI XUÂN



( Họa nguyên vận bài: TUỔI TÁM MƯƠI )

Tết này bác đã tám mươi xuân
Thơ phú vẫn ham ghép mấy vần
Công tác đã lo toàn nghiệp giáo
Về hưu còn giữ vẹn lề dân
Gái trai hiếu thuận tròn tình nghĩa
Dâu rể thảo hiền đủ lễ nhân
Nội ngoại tử tôn đều mạnh giỏi
Phúc nhà thêm sáng, đẹp muôn phần
                       27-12-2014
                       Song Thu

( Phụ chép bài mời họa)

Kính gửi các thi huynh thi đệ trong CLB.

Tết năm nay tôi được mừng thọ tuổi 80, tôi viết bài TUỔI TÁM MƯƠI mới các thi huynh thi đệ cùng họa mừng cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

                                                    Nguyễn Văn Huy


                 TUỔI TÁM MƯƠI
Tám mươi tuy vậy hãy còn xuân
Tôi vẫn làm thơ vẫn ghép vần 
Xưa trẻ xông pha trung với nước
Nay già mẫu mực hiếu cùng dân
Con ngoan tài trí vun công đức
Trò giỏi khiêm nhương trọn nghĩa nhân
Đoàn thể hôm nay mừng chúc thọ
Người thân đông đủ các thành phần
               Nguyễn Văn Huy
            Tháng 12 năm 2014

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

32 NĂM BỊ " CẦM TÙ"

           Chiều qua, vào mạng, tôi thấy một người bạn mới trên blog là Toan Hoàng làm tặng vợ chồng tôi một bức ảnh lịch với lời nhắn là: " Cháu muốn tặng cô chú một tấm ảnh lịch". Tôi vội theo chân đến trang của cháu và thấy tấm ảnh chụp kỉ niệm 30 năm chung sống của chúng tôi đã được cháu làm thành một bìa lịch khá ấn tượng. Mừng quá, tôi định còm lời cám ơn cháu và tiết lộ với cháu rằng ngày mai là 32 năm ngày cưới của chúng tôi, tôi nhất định sẽ dùng tấm ảnh đó. Nhưng trang blog của cháu không dễ viết lời còm như các trang blog thông thường, mà tôi vốn dốt cái khoản này lắm nên loay hoay một hồi vẫn không viết được. Đành về viết lời cám ơn ở tai trang nhà, ngay dưới lời nhắn gửi của cháu. Chẳng biết cháu đã đọc chưa? Hôm nay tôi xin đưa tấm ảnh đó lên đây trình làng blog và thay cho lời cám ơn tới người bạn mới, người cháu Toan Hoàng đã làm tặng chúng tôi. Cùng với một bài lục bát têu tếu để kỉ niệm 32 năm chung sống mà tôi thường nói đùa với ông xã là 32 năm bị " cầm tù"



Kính Tặng Cô Chú
Songtoan1 Blogspot. com

Ba hai năm bị xích xiềng
Tôi đâm nghiện cảnh mất quyền công dân
Người xui phá cũi một lân
Ra xem biển rộng trời xanh vô cùng
Nhưng tôi nhất quyết rằng: " Không
Vì quen cá chậu chim lồng bấy nay"
Người răng: "Trời cũng bó tay!"
                   (  24-12-1982 / 24-12-2014)
                                 Song Thu

           Sáng sớm hôm nay, hai chúng tôi vừa ôn lại một vài kỉ niệm của 32 năm chung sống xong thì chàng dậy bật máy tính và mở mạng ra xem. Rất tình cờ lại thấy ai đó đang đọc bài : " BỨC THƯ CŨ". Thế là chàng mở luôn bài đó ra và đọc lại. Một bài ngắn thôi nhưng nó đã bao gồm cả thời yêu nhớ , thời đã kết duyên và trải qua những khốn khó của cuộc sống áo cơm. Nhân dịp kỉ niệm 32 năm chung sống này tôi xin đăng lại bài đó lên đây để bầu bạn hiểu hơn phần nào về cuộc sống và tình cảm của chúng tôi. BỨC THƯ CŨ đó được đăng trên trang blog của chàng vào ngày 2-8-2012. Nguyên văn nó đây ạ:

Bức thư cũ

Hôm nọ, trong khi ngồi đun nước, Thị  vừa ngồi trông bếp vừa nhặt những tờ giấy thải loại có chữ viết của Hắn ra đọc. Chẳng hiểu là có dụng tâm dò xét gì không hay chỉ là một sự tò mò tự nhiên. Bỗng thị tìm thấy một bức thư cũ.  Thị đọc lại và thấy lòng rưng rưng. Thị đem lên dí vào mũi Hắn khoe. Hắn đọc thấy gợi lại nhiều kỷ niệm cũ đã bị vùi lấp đi. Hắn thấy rất quý vội ghi lại đây giữ làm kỷ niệm:
                                     Chí Linh 31 tháng 12 năm 1990
                                              (15 tháng 11 âm lịch)
                                           Em Song Thu yêu thương
Mấy ngày nay tâm trạng anh rất phức tạp: khi thì buồn bã, khi thì bâng khuâng. Biết em không về nhưng lúc nào cũng mong ngóng em. Khi thổi cơm, lúc lúc anh lại nhìn ra cổng. Khi cõng con đi chơi dạo vườn, thỉnh thoảng anh cũng nhìn lên dốc. Tắt đèn đi ngủ mong em về gõ cửa gọi anh…Biết đâu đấy em chẳng dành cho anh một niềm vui đột ngột ?
Chỉ có hai đứa con của chúng mình là vô tư thôi. Suốt ngày chúng nó đòi ăn, nô nghịch. Tối nay anh buồn, định mua rượu uống mà không mua được, chỉ nước trắng và thuốc lào vã.
Trưa nay Thương chi xin 1000 đồng để đóng tiền học thêm. Anh đưa tiền cho con. Lúc con về, anh đang thổi cơm, anh hỏi: “Con đã nộp tiền cho cô giáo chưa?”. Thương chi trả lời: “Con nộp rồi nhưng cô giáo bớt cho 500”. Con nó mở cặp và đưa tiền cho anh. Anh hỏi: “Thế cô giáo bảo thế nào?” Con nó kể: Cô giáo hỏi mẹ em về chưa, em lấy tiền đâu mà nộp? Con bảo: mẹ em chưa về, tiền em bắt được thì em nộp. Thế là cô giáo bớt cho 500…
Sắp đến ngày sinh Nguyên Lượng rồi. Tối nay anh đọc lại nhật ký của em để tìm một lần nữa những đoạn mà em nhắc đến Nguyên Lượng. Nhưng chính vì mải tìm Nguyên Lượng trong nhật ký, mà Nguyên Lượng trong thực tế lại bị ăn đòn. Chẳng là anh mải đọc thì Nguyên Lượng chạy vào buồng nghịch làm đổ mâm. Anh bực quá cầm ngay quyển nhật ký ném cho một cái. Rồi vớ cuống chổi quật cho một cái nữa. Nguyên Lượng độ này đổi khác. Nó không khóc đâu, cứ im lặng chạy ra nhà ngoài.
Anh trích lại đây, những đoạn mà em đã nghĩ và nhắc tới Nguyên Lượng:
11/5/1981(Đúng cái ngày anh lên bàn mổ)
Từ độ xuống đây (1) hầu như sống hoàn toàn tách biệt với thế giới trẻ thơ. Tối nay có một giáo viên mang con nhỏ đến chơi phòng Thạch.(2) Tiếng trẻ reo cười bi bô khiến trong em thổn thức một nhịp đập thiết tha khó tả. Một sự khát khao tràn ngập tâm hồn. Bỗng dưng em nghĩ đến một ngày nào đấy chúng mình sẽ có một Nguyên Lượng ra đời. Nó sẽ nói bi bô trong căn nhà bé nhỏ đầm ấm. Nguyên Lượng sẽ lớn lên trong sự thương yêu dạy dỗ của anh, trong sự ân cần chăm sóc của em. Nguyên Lượng kháu khỉnh sẽ có cả cái sâu lắng, đằm thắm của anh, cái thiết tha mãnh liệt của em…Thế rồi Nguyên Lượng sẽ vào đời làm cái gì đó cho đời. Nguyên Lượng sẽ là niềm vui, nguồn hy vọng và là một phần lớn trong hạnh phúc của hai đứa chúng mình, đúng không anh?
25/7/1981
Lại một thứ 7 nữa buồn nhớ trôi đi!
Sáng nay mình đang thẫn thờ ngoài giếng thì anh Thản (3)hỏi thăm sức khỏe của anh. Không hiểu sao mình bật khóc nức nở. Anh ấy hoảng quá tưởng anh nguy rồi. Mình vừa khóc vừa nói “Anh đỡ hơn nhiều rồi”. Anh ấy không tin và hỏi “Sao cô rơi lệ?”. “Em nhớ nhà”. “Cô này lại có nỗi buồn riêng rồi”. Mình ngượng muốn chết nhưng vẫn không ngăn nổi nước mắt. Chẳng hiểu sao mình yếu đuối quá thế nữa?
Tối nay ngồi nghĩ lại càng buồn hơn. Nhà bên Nhâm (4)đang hỏi chuyện con. Thắng bé mập và kháu thật. Đột nhiên mình tự hỏi mình sẽ có Nguyên Lượng thật không. Sự đời thật lắm cái éo le rắc rối
Anh Tuân ơi có hiểu em buồn không?
Sống lại những kỷ niệm của tình yêu, lòng anh thanh thản trở lại. Anh không thấy tiếc tiền tiếc bạc, không thấy bực bội với em nữa. Anh thấy chúng mình cần phải giữ gìn tất cả những gì là thành tựu của tình yêu và công sức của chúng mình. Đúng không em? (5)                                        
Ghi chú
1. Từ ngày xuống đây: Trường cấp 3 Ninh Thanh, nay là Trường PTTH Quang Trung huyện Ninh Giang, Hải Dương (Thị từ Chí Linh chuyển xuống đây từ 30/4/1981)
2.Thạch: tên một cô giáo dạy Vật Lý.
3.Thản: tên một thày giáo dạy thể dục, bạn dạy của Hắn ở Trường cấp 3 Nam Sách từ 1965 đến 1968; bạn dạy của Thị ở trương cấp 3 Ninh Thanh từ năm 1981-1982 (khi Thị xin thôi việc).
4.Nhâm: tên một cô giáo dạy kỹ thuật. Sau đó theo chồng vào công tác trong Nam và đã mất.
5.Những dòng cuối của bức thư phải ghi xoay ngang lên lề giấy, nên bức thư cụt, không có lời chào cuối thư.
3/8/2012
Đỗ Đình Tuân
 

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

TRÓT DẠI



Tình cờ, Song Thu nghe được tâm sự về cái sự " trót dại" của hai đấng tu mi nam tử xóm nhà. Nên mới tức hứng viết ra bài thất ngôn tứ tuyệt này đây để thân tặng hai chàng quân tử đó và phô bày cùng anh chị em và bạn bè blog đấy ạ

Của nhà trót dại vác đi cho
Nên nỗi hôm nay phải diễn trò
Trống đã mất dùi không thể gõ
Nàng càng hoan hỉ hắn càng lo
             22-12-2014
             Song Thu

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

6 VÀ 3 – MỘT BÀI THƠ RẤT LẠ


6 va 3







6 người....giờ có 3 còn lại
Ngơ ngác, bơ vơ... khúc đường dài
Mất em mà ngỡ như lạc mẹ....
Bao giờ đến được.....cái nguôi ngoai????
                          Nguyễn Vân Anh
Cách nay không lâu, khi đưa bài thơ này lên trang triancuocdoi, tôi đã thấy ấn tượng bởi cách dùng từ rất lạ  “cái nguôi ngoai” của Vân Anh nên mới viết lời nhận xét. Nhưng quên chưa nhấp chuột xuất bản thì Minh Hương mượn máy đọc cái gì đó thế là mất luôn. Tuy không nhận xét lại nữa song bài thơ cứ ám ảnh tôi.

Hôm nay, đọc lại trong tâm thế thư thái hơn, tôi thấy bài thơ không chỉ có cái lạ ở mấy từ trong câu kết mà còn có nhiều cái lạ khác nữa. Lạ ngay trong nhan đề bài thơ:  “6 và 3”. Nó không giống với nhan đề một thi phẩm mà như một luận đề toán học vậy khiến ai đọc cũng phải chú ý. Và tác giả đã triển khai thi đề đó ngay câu thơ mở đầu:

“ 6 người…giờ có 3 còn lại”

Không viết bằng chữ như lệ thường , tác giả viết số ở cả  nhan đề và  trong câu thơ mở đầu. Chắc hẳn, một cô giáo dạy văn trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang như Vân Anh không thể viết cho tiện mà  là một chủ ý nghệ thuật hẳn hoi. Bởi vì những con số ấy như chạm như khắc vào nhãn giới và  tâm khảm người đọc về một sự mất mát quá lớn ( 6 người…giờ có 3 còn lại). .  Đúng là, những con số biết nói. Nó gói trọn cả niềm thương , nỗi đau trong lòng tác giả và truyền đến người đọc vẹn nguyên cám xúc đau xót về sự mất mát không gì bù đắp nổi ấy

Tôi được biết ba, má Vân Anh đã về với tiên tổ từ năm 1991 vì mắc bệnh hiểm nghèo. Cụ bà ra đi sau cụ ông chỉ vẻn vẹn 6 ngày.  Dẫu rằng cụ ông là sĩ quan cao cấp và cụ bà cũng là cán bộ về hưu nhưng kinh tế gia đình vẫn còn eo hẹp như phần lớn gia đình Việt Nam trong thời khốn khó ấy. Khi đó, ba chị em gái là Tô Hà, Minh Hương và Vân Anh  đều có gia đình riêng cả rồi. Duy chỉ có út Trung dẫu đã 27 tuổi và đứng vị thế trưởng nam là chưa lập gia đình. Tuy cuộc sống  còn lắm khó khăn song các chị gái vẫn quan tâm bao bọc em trai rất chu đáo và sau đó bốn năm đã tổ chức hôn lễ cho út Trung tươm tất lắm. Với truyền thống tốt đẹp của gia đình giàu tình yêu thương, bốn chị em đã đùm bọc nhau vượt qua nỗi đau mất ba má và những khó khăn thiếu thốn để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy chẳng giàu có gì nhưng cũng đủ ăn đủ tiêu, con cái đề huề. Ba chị em gái và một cậu em trai út, trưởng nam, hội tụ cùng nhau, chia sẻ mọi vui buồn. Cậu em út ấy là trung tâm, là nơi chốn đi về để phụng thờ cha mẹ tiên tổ, là điểm tựa, là trụ cột trong đại gia đình của bốn chị em. Thế mà đột nhiên, cậu út mắc bệnh hiểm nghèo và ra đi vĩnh viễn, bỏ lại hai con thơ, người vợ trẻ và ba người chị gái bơ vơ giữa cõi đời. Có lẽ trong tình cảnh ấy họ thấy đất trời như sụp xuống, cuộc sống như tan ra trong bàng hoàng đau xót đến khôn cùng. Cho nên lời thơ của Vân Anh mới bật lên với xiết bao ngơ ngác hoảng hốt
            Ngơ ngác bơ vơ… khúc đường dài

Mất em mà ngỡ như lạc mẹ…

Câu thơ:  “Mất em mà ngỡ như lạc mẹ…”  có cách so sánh rất lạ mà lại rất đúng trong tình cảnh này. Bởi vì với mỗi người con, mẹ vô cùng thiêng liêng cao cả; Mẹ là nơi êm ấm bình yên nhất trong suốt cả cuộc đời. Nhất là trong tuổi ấu thơ, mẹ không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm yêu vô bờ bến , là những ôm ấp chở che cho ta tin tưởng đến không cùng. Ta sẽ hốt hoảng bơ vơ biết chừng nào khi bỗng dưng lạc mẹ giữa chừng trong cuộc đi chơi miền đất lạ? Hiểu thấu điều đó, ta sẽ hiểu được nỗi niềm của chị em Vân Anh khi cậu út Trung ra đi vĩnh viễn. Đúng là họ thấy chông chênh, chới với, ngơ ngác, bàng hoàng, hoảng hốt không biết bấu víu vào đâu. Cho nên, dù bài thơ này được viết sau giỗ đầu em Trung thì trong tâm thức của Vân Anh vẫn nguyên vẹn sự bàng hoàng thảng thốt ấy.

Trong tâm trạng đó, câu thơ kết bật ra, tự nhiên, giản dị như một lời than mà thấm đẫm xót đau:

 Bao giờ đến được…Cái nguôi ngoai???

Nếu những dấu chấm lửng giữa dòng thơ góp phần diễn tả nỗi đau nức nở đến nghẹn thở, đứt ruột và sự ngơ ngác bàng hoàng không cùng thì những dấu chấm hỏi lại như vọng tới trời cao và gieo vào lòng người  những nỗi niềm tiếc thương không thể hóa giải, những câu hỏi không thể trả lời, những đau đớn  không thể nguôi ngoai. Nỗi đau ấy nén lại trĩu nặng. Nó vón vào, tích tụ như một vật thể hữu hình đè nặng tâm can không thể tan đi. Cũng chính vì thế, sự nguôi ngoai vốn là một cảm nhận của cảm giác đã biến thành: “ Cái nguôi ngoai”  trong nhận thức cụ thể của vật chất hữu hình có thể cầm nắm được . Nó hiển hiện rõ ràng lắm , nó chẳng hề vơi bớt một chút nào và càng bất khả hóa giải.

 “ Bao giờ đến được … Cái nguôi ngoai???”

Một bài thơ tự do, không vần điệu thậm chí khá trúc trắc, khó đọc nhưng vì rất nặng tình và có cách dùng từ, so sánh tự nhiên mộc mạc mà vẫn rất lạ nên đã có sức neo đậu và ám ảnh hồn tôi
Bài thơ hết rồi nhưng nỗi đau xót, tiếc thương, sự bơ vơ, bàng hoàng, ngơ ngẩn  vì mất em của Vân Anh nói riêng và cả ba chị em nàng nói chung thì còn mãi. Tôi đọc bài thơ này mà thấy mình bất lực vì chẳng biết phải động viên chia sẻ cùng các em thế nào. Chỉ biết nguyện cầu Trời Phật hãy độ trì cho các em giúp các em thanh tâm tĩnh trí để cuộc sống sớm được an bình. Hy vọng rằng thời gian sẽ là phương thuốc nhiệm màu giúp các em đến được “Cái nguôi ngoai” . Tôi nghĩ, những lúc như thế này ta hãy vịn vào triết lý của nhà Phật “ Sống gửi thác về” để bình tâm mà sống và tin tưởng rằng ta có bình tâm thì người ra đi mới sớm siêu thoát để trở về nơi PHẬT QUỐC AN QUY
                      17-12-2014
                       Song Thu

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

XEM MỘT MÌNH

Hôm nay, Song Thu được bạn Thu Yến Vũ tặng một tấm ảnh lịch. Công nhận là Thu yến ghép ảnh rất tài. Nhưng vì Song Thu ứ phải hoa hậu hoa khôi gì mà chỉ là hoa ôi thôi nên đành đưa bài lên đây còn ảnh thì  để ngắm một mình vậy. Mong các anh, chị em và bầu bạn ghé qua  thông cảm nha.
Vừa đưa bài xong, Niềm Tin và anh Quang Thứ đã sang chia sẻ rồi yêu cầu treo ảnh lên đi . Thôi thì cung kính không bằng tuân lệnh, ST cứ treo lên đây nè. Ai không thích thì nhắm mắt bỏ qua cho nha

 
Người ta hoa hậu hoa khôi
Đưa ảnh lên lịch bao người đến xem
Thật buồn cho cái thân em
Đưa ảnh lên lịch để xem một mình
          14-12-2014
           Song Thu

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

BÀ CHỦ TỊCH XÃ CỦA CHÚNG TÔI

 

( Ảnh được lấy từ mạng và chỉ có tính chất minh họa)

      Hò hẹn mãi, thế rồi, sau ngót chục năm trời rời xa mái trường Đại học, tôi mới quyết định dứt ra khỏi công việc để đến chơi với Hà. Từ mấy ngày trước khi đi, tôi đã phải lo toan thu xếp mọi công việc gia đình, nào kho nồi cá, nhặt mấy thứ rau cho từng bữa, làm ít chả chìa rồi lại còn mua các thứ hoa quả để chồng con ăn bữa phụ cho đủ mấy ngày. Mọi việc tưởng như đã hoàn tất, đâu vào đấy. Thế mà, tối hôm trước ngày đi tôi vẫn cứ loay hoay cất cái nọ, bỏ cái kia, dặn dò chồng con hết thứ này đến thứ khác khiến ông xã tôi phải phì cười rồi bắt chước cụ cố Hồng trong SỐ ĐỎ của Vũ Trọng Phụng mà rằng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Sáng sớm hôm sau, tôi khăn gói lên đường để đến thăm người bạn từng “con chấy cắn đôi” trong suốt bốn năm Đại học. Tôi với Hà cùng là nữ sinh  tỉnh lẻ, lại con nhà nghèo nên dễ gần gũi, đồng cảm với nhau hơn. Tôi  ở vùng chiêm trũng Hưng Yên còn Hà ở tận vùng rừng núi Sơn Động Bắc Giang xa ngái . Ra trường, tôi ở lại Hà Nội tìm việc làm rồi lập gia đình. Riêng Hà, dù tốt nghiệp  vào loại khá cứng nhưng không ở lại Hà Nội bươn chải và chờ cơ hội tìm việc làm như nhiều bạn cùng trang lứa mà  xin về công tác tại quê hương. Về quê, Hà cũng không tìm việc ở một cơ quan nào trong huyện mà lại về công tác tại xã mình.

Tuy xa cách nhau hàng trăm cây số lại bộn bề công việc nhưng chúng tôi vẫn thông tin thăm hỏi nhau thường xuyên nên ít nhiều cũng nắm được tình hình của nhau. Có lần Hà kể, mình về làm việc ở xã, nhiều người trong làng, trong xóm xì xào bàn tán:  “Tưởng học xong đại học thì đi làm ông nọ bà kia chứ lại về làm cái chân phụ nữ xã thì cần gì phải học cao thế”. Ngay cả  mẹ mình cũng phàn nàn : “ Con không xin được việc ở đâu hay sao mà lại về làm thế này”?

 Tôi bảo: “ sao cậu không giải thích cho mẹ hiểu”? Hà nói, “ có giải thích thêm mẹ cũng không chấp nhận được đâu, cho nên mình cứ lặng lẽ mà quyết tâm làm theo ý của riêng mình. Mình tin rằng rồi mọi người sẽ hiểu”.

Giờ thì Hà đã trở thành bà Chủ tich xã được mọi người tin yêu quý mến lắm. Càng nghĩ tôi càng thấy cảm phục trước ý chí, nghị lực và cả sự lựa chọn không giống ai ấy của bạn mình. Cho nên suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe tôi cứ cố mường tượng ra cảnh gặp bạn cũ, gặp một bà chủ tịch xã mà chẳng thể hiểu nó sẽ diễn ra như thế nào? Liệu Hà có cứng nhắc, lạnh lùng như những bà Chủ tịch phường mỗi lần tôi cần gặp không? Hay bạn sẽ vẫn điềm đạm mà thân tình, nghiêm túc mà cởi mở, lặng lẽ mà chu đáo như chúng tôi đã từng sống bên nhau suốt thời sinh viên?

Vừa xuống xe, đang ngơ ngác ngóng nhìn thì Hà đã xuất hiện, ôm chầm lấy tôi và nhỏ nhẹ: “ Lan lên đây thật rồi, vẫn trắng trẻo và trẻ trung quá”!  Tôi cũng ôm chặt bạn rồi lại đẩy ra nhìn ngắm như cố tìm cái nét oai oai lành lạnh của bà Chủ tịch như tôi vẫn nghĩ, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Vẫn một cô bạn mộc mạc như ngày nào. Có khác chăng là trông chững chạc hơn, chắc lẳn hơn và nước da cũng săn chắc khỏe khoắn hơn thời sinh viên. Hà nhấc chiếc va ly du lịch của tôi đặt lên trước xe rồi bảo tôi lên xe để ra quán ăn chút gì đã. Tôi giãy nảy, “ mình đã ăn sáng rồi, giờ sắp tới nhà cậu  còn ăn uông chi nữa, về nhà ăn một thể đi”. Hà vẫn nhẹ nhàng: “ Không đơn giản vậy đâu bạn ơi, phải mấy tiếng nữa mới tới nhà đấy, không nạp đủ năng lượng thì không về đến nhà được đâu”. Tôi ngơ ngác: “ Sao bảo nhà cậu cách bến xe có mười lăm , mười sáu km thôi mà đi chậm cũng chỉ mất ba mươi phút chứ mấy nỗi”?

- Đúng là chỉ cách đây 16 cây số thôi nhưng đường rừng chứ có phải đường thành phố đâu bạn ơi

Ăn xong, Hà chở tôi về. Đường rừng vừa ngoằn ngoèo, đèo dốc lại vừa lầy lội, chiếc xe cứ nhích từng chút chậm như rùa bò. Nếu không vững tay lái chắc đổ kềnh luôn. Tôi ngồi sau cứ ôm chặt lấy lưng Hà và chẳng dám trò chuyện vì sợ Hà mất tập trung. Phải hơn hai tiếng sau mới về đến nhà Hà, tôi thở phào nhẹ nhõm sau những giờ căng thẳng vừa qua. Hai đứa nhỏ nhà Hà reo ầm lên : “ A mẹ về rồi” và chào tôi rõ to: “ Cháu chào cô Lan ạ” . Chồng Hà ở nhà trong bước ra thân mật: “ Hai chị em đi  vất vả lắm đúng không. Anh bảo để anh đi đón cô nhưng Hà không chịu, cứ giành đi bằng được. Thôi hai chị em vào tắm táp đi”. Tự nhiên tôi có cảm giác thân tình, ấm cúng đến lạ, dù lần đầu tiên đến nhà bạn. Tôi chắc chắn là Hà đã kể nhiều về tôi với chồng con nên mới gặp mặt mọi người đã xem tôi như người nhà rồi.

Đêm đó, Hà để hai con ngủ với bố chúng còn tôi và Hà nằm cùng nhau. Hà ôm chặt tôi vào lòng và rủ rỉ,” mình sống lại một đêm sinh viên nhé”. Hai đứa cứ ôm nhau, thầm thì to nhỏ gần hết đêm luôn. Chúng tôi  kể  cho nhau nghe về những gì mình đã nếm trải  trong hơn chục năm qua. Hà vẫn nhỏ nhẹ và thân mật như ngày nào. Nhưng cũng từ cái giọng nhỏ nhẹ đến thân thuộc  ấy tôi đã  nhìn thấy từng trang đời của Hà được mở ra, thấy rõ cái động cơ nào đã kéo Hà về với vùng quê xa xôi hẻo lánh này. Chả là, mẹ Hà gầy yếu lắm nhưng phải cố sinh đến bốn mặt con mà vẫn không tòi ra được một cậu ấm để nối dõi tông đường. Bố Hà buồn rồi lao vào cờ bạc, rượu chè và thường xuyên mắng mỏ, đánh đập vợ con. Chị em Hà hãi bố cứ nen nét như rắn mồng năm đã đành mà mẹ Hà cũng không dám hé răng điều gì vì bà luôn mặc cảm mình là người có lỗi do không sinh được con trai cho chồng. Cứ như vậy, những trận đòn tăng dần theo năm tháng và theo sự nhẫn nhịn của bà, làm cho sức bà đã yếu càng yếu thêm. Những vết bầm tím trên mặt, trên lưng bà ngày càng nhiều hơn. Chị em Hà  thương mẹ lắm nhưng chẳng  dám nói gì  vì hãi bố. Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn. Một lần, thấy bố quấn tóc mẹ vào tay rồi cứ thế dập đầu bà vào tường, Hà xông ra giằng tay bố, đẩy ra rồi thét lên: “Con ghét bố, bố ác lắm”. Ông ngớ ra vì bất ngờ, rồi lao vào tát Hà túi bụi. Thương con, mẹ Hà đã dang tay ra đỡ đòn cho Hà và hét lên: “ con  chạy đi mau lên không thì chết đòn đấy”!Đang hăng máu và tức tối, bố Hà vớ thanh củi gộc vụt xuống trúng cánh tay đang dang ra của mẹ Hà làm bà gãy tay. Mấy mẹ con kêu khóc ầm ĩ. Hàng xóm chạy sang và đưa bà đi viện. Sau lần ấy, chị em Hà càng xa lánh bố hơn. Còn mẹ Hà càng  lầm lũi lạnh lùng và không bắt chuyện cùng bố nữa. Bố ít quát tháo hơn và hầu như không đánh mắng mẹ con Hà như trước nhưng không khí gia đình cứ nặng nề đến nghẹt thở. Rồi do chán cảnh sống gia đình hay do khát con trai nối dõi sao đó, bố Hà đã cùng với một người lỡ thì bỏ làng vào tận miền Nam sinh sống. Năm mẹ con đùm dúm cùng nhau và cuộc sống cũng ổn định, khấm khá dần lên cùng với sự trưởng thành khôn lớn của bốn chị em Hà.

 Càng lớn, Hà càng hiểu ra rằng những người phụ nữ ở quê Hà nhẫn nhịn giỏi lắm và cũng chính vì sự nhẫn nhịn ấy mà họ khổ lắm. Không chỉ có mẹ Hà bị chồng hành hạ mà nhiều người khác cũng luôn bị chồng mắng mỏ, đánh đập mà họ vẫn cắn răng chịu đựng. Họ thường bảo nhau: “ xấu chàng hổ ai”. Có lần Hà còn nghe họ nói: Thôi thì nhịn đi cho mọi sự êm xuôi chứ làm vỡ lở mọi chuyện ra rồi chồng lại bỏ đi như nhà bà Hoan ( tên mẹ Hà) ấy chứ ích gì. Cái kiếp đàn bà như hạt mưa sa, phải sao chịu vậy âm thầm rồi mọi sự cũng qua ấy mà”. Hà không chấp nhận được những suy nghĩ ấy nhưng lại không đủ lý lẽ để phản bác và cũng chẳng dám phản bác. Thế rồi , ngày tháng thoi đưa, Hà học hết cấp 3 và là người đầu tiên của xã đỗ vào đại học. Học Đại học luật đã giúp Hà hiểu rõ hơn về luật hôn nhân và gia đình, về quyền bình đẳng giới …Từ đấy, Hà đã nuôi một quyết tâm phải về công tác tại quê nhà để giúp cho những người phụ nữ của quê hương làm chủ cuộc đời mình, sống bình đẳng thật sự với chồng, với nam giới nói chung. Vì thế, Hà hào hứng trở về quê hương và xin hoạt động cho phong trào phụ nữ của xã nhà. Các cán bộ xã mừng rơn và chấp nhận ngay.Một phần vì thấy có con em của quê hương học đại học lại về công tác ở xã, một mặt họ cũng muốn xem xem cái con bé “ngựa non háu đá này sẽ làm việc ra sao?” Hà bắt tay vào việc  với ý nghĩ “ nói phải củ cải cũng nghe”. Với tâm lý tự tin  mình chỉ làm điều tốt cho những người phụ nữ thôi chứ có làm gì sai quấy đâu nên chắc chắn là sẽ được mọi người ủng hộ và công việc sẽ thuận lợi lắm.   Nhưng mọi việc không đơn giản như Hà Nghĩ. Những người phụ nữ bị chồng bạo hành lại chẳng ai muốn nói ra. Thậm chí bị đánh sưng tím chân tay, mặt mũi, cán bộ phụ nữ muốn họ hợp tác để phê phán người chồng thì họ không dám phê phán đã đành lại còn không dám nhận là bị chồng đánh mà cứ đổ thừa do mình sơ ý nên bị ngã mới khổ chứ. Không lẽ bó tay. Hà ngày đêm suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ. Bước đầu là Hà tìm đến những phụ nữ có uy tín trong từng thôn xóm rồi những phụ nữ trẻ có học vấn hết cấp 2 hoặc đã học dở cấp 3 rồi ở nhà làm ruộng và lập gia đình, nhất là những chị em có gia cảnh tương đối thuận hòa đầm ấm để tâm sự với họ, nhờ họ góp ý kiến về cách làm sao để mọi phụ nữ trong thôn trong xã biết cách xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau đó Hà thành lập các tổ phụ nữ thôn, tạo ra những sinh hoạt nền nếp, vui vẻ. Dần dần đưa những tài liệu về luật hôn nhân và gia đình, luật bình đẳng giới đến với chị em để nâng cao nhận thức cho mọi người. Rồi tổ chức những buổi nói chuyên, trao đổi về cách tổ chức gia đình bình đẳng hạnh phúc. Từng chút từng chút một như kiểu mưa dầm thấm lâu. Dần dà mọi người đã hiểu ra, hạnh phúc là do mình xây đắp nên. Họ đã biết cách sống nhẹ nhàng ngọt ngào nhưng cũng kiên quyết hơn với chồng. Mặt khác, Hà cũng phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể khác như :đoàn thanh niên, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh… để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các bậc tu my nam tử về trách nhiệm của người chồng, người cha, người ông trong gia đình; giúp họ từ bỏ dần  những thói quen có hại như cờ bạc, rượu chè quá đà. Đối với những người đang ở độ tuổi lao động, Hà lại kết hợp với bên chính quyền giúp họ học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất vườn đồi, kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm từ những nơi khác để nâng cao kinh tế gia đình…Cứ từng bước như thế. Cứ gắn bó với mọi người, sâu sát với công việc, cứ mềm mỏng hòa giải từng vụ việc trong các gia đình còn mâu thuẫn Hà đã chiếm được niềm tin yêu nể trọng của mọi người dân trong từng thôn xóm và với cả các cấp lãnh đạo của xã, của huyện nữa.

Giờ thì phong trào phụ nữ của xã Hà đã đứng đầu trong toàn huyện, toàn tỉnh không chỉ về văn nghệ, văn hóa dưỡng sinh mà nhất là việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Còn Hà thì đã trở thành bà Chủ tịch xã trong cách gọi thân thương và nể trọng của mọi người dân: “bà Chủ tịch xã của chúng tôi”. Ở chơi với bạn mấy ngày, thấy cách làm việc của bạn, cách đối xử thân tình và trân trọng của mọi người trong họ ngoài làng đối với bạn, tôi càng yêu quý bạn hơn và tôi ngộ ra rằng, làm bất cứ việc gì nếu có tâm, có tầm thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Tôi nể trọng , tin tưởng Hà hơn và tôi hiểu rằng bạn đã lựa chọn đúng.
Sao Đỏ: 4-12-2014
Song Thu