Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

TRĂNG THU


Lâu lắm rồi tôi mới lại có một đêm trăng đẹp và lãng mạn như đêm nay. Khuya, làng xóm bình yên trong giấc ngủ ngon, mình tôi ngồi giữa vườn cây cảnh ngắm trăng. Hòn non bộ hiện lên sừng sững giữa vườn. Cả vườn cây lênh láng ánh trăng.



Đang giữa thị thành, quen đèn điện đủ các màu thâu đêm suốt sáng, tôi gần như quên mất ánh trăng. Đêm nay, về lại quê nhà, thao thức không ngủ được, mở tung cánh cửa tôi bước ra vườn thì bỗng nhiên gặp trăng. Ánh trăng chảy đến, tràn khắp người tôi, khiến cả người tôi đẫm ướt. Sững sờ nhìn trăng rồi rất tự nhiên tôi thốt lên: Đẹp quá! Trăng thu! Phải rồi, trăng thu - mùa trăng mà tôi mê nhất, thích nhất, những năm tháng còn ở quê nhà.
Với tôi, trăng thu là mùa trăng đẹp nhất, ấn tượng nhất. Khi hoàng hôn buông xuống, lúc lưng đồi xa xa và quanh các rặng tre cuối xóm, sương buông xuống và khói bếp lam chiều tỏa lên quyện vào nhau thành những dải khăn voan mờ ảo, ấy là lúc ngôi sao ban chiều cũng đang lấp ló đầu thôn. Tiếng trẻ con gọi nhau í ới. Tiếng bát đũa nhà ai lạch cạch chuẩn bị bữa tối. Tiếng vợ gọi chồng, cha giục con sau một ngày mưu sinh về đoàn tụ quây quần bên mâm cơm tối. Mọi tiếng động ồn ã ban ngày dần tắt nhường chỗ cho sự bình yên. Và, khi hoàng hôn sẫm lại, mặt trời khuất hẳn sau rặng núi phía xa, cánh cửa ngày chính thức khép lại, thì bất ngờ trên cao kia là một chiếc lưỡi liềm hoặc một múi bưởi trắng nuột nà ai bỏ quên dần dần hiện lên rõ nét. Trăng đầu tháng non tơ. Vào những ngày giữa tháng, khi mặt trời đi ngủ ở đằng tây thì cũng là lúc đằng đông một quầng sáng khác hiện lên. Phía tây là sắc tím dần dần yếu ớt, phía đông là sắc vàng, sắc bạc ngày một rạng ngời. Còn tôi ở giữa, ngây người ngắm nhìn cả hai phía cái sắc màu kỳ ảo lung linh đó. Vầng trăng tròn như cái đĩa dần dần nhô lên. Rồi sau đó, chỉ còn trăng ngự trị đêm thanh bình yên ả quê tôi.

Bốn mùa trăng trong năm có những sắc thái khác nhau. Mùa xuân đẹp thật nhưng trăng xuân thường buồn và chưa rõ nét, chỉ có những đêm trăng suông mờ ảo với tiếng dế nỉ non, tiếng côn trùng rỉ rả gọi nhau mùa sinh nở. Hiếm có những đêm trăng sáng bởi mùa này trời còn bậm bực đợi những cơn mưa. Ít người dạo chơi những đêm trăng xuân. Mùa hạ, trăng đẹp hơn, phóng khoáng hơn. Đã có những đêm trăng sáng vằng vặc, sao giăng đầy trời. Những đôi lứa dập dìu bên nhau dưới trăng tình tự. Trẻ già, trai gái dắt nhau vui đùa, trò chuyện dưới trăng. Chuyện cày cấy, làm ăn, chuyện học hành, bè bạn cứ ồn ã. Thi thoảng, tiếng điếu cày rít lên rong róc của ai đó cùng với tiếng cười giòn giã của đám thanh niên làng bỗng vút lên làm cho đêm trăng nghiêng ngả, ánh trăng như vỡ òa ra. Mùa hạ oi bức nên đêm trăng thường xô bồ, lẫn nhiều “tạp chất”. Mùa đông thì ngược lại, đêm trăng buồn trong cái rét tái tê. Hiếm lắm những đêm trăng sáng. Ít người dạo chơi dưới đêm trăng mùa đông.

Mùa thu, trăng mới đích thực là trăng của nghệ sĩ. Và mọi người lúc này thưởng thức trăng cũng đúng phong thái của người nghệ sĩ. Trăng thu trôi trong heo may, sương thu lành lạnh. Trời thu trong văn vắt đến nỗi chỉ còn vài vì sao li ti điểm xuyết cho cái màu xanh huyền diệu đó. Lứa đôi dập dìu thì thầm tình tự dưới trăng. Trung niên ngắm trăng mà giật mình về tuổi tác, mà nuối tiếc về một thời đã qua. Người già trầm tư ngắm hoa quỳnh nở, đợi chờ trăng lên, ngẫm về thế sự. Ngoài vườn kia thi thoảng lại một chiếc lá vàng rơi trong đêm. Gió thu dù nhè nhẹ nhưng ta vẫn nghe được tiếng xào xạc của chiếc lá lìa cành. Không có tiếng rỉ rả của côn trùng. Đêm vắng lặng đến khôn cùng đủ để cho ta thả hồn về không không sắc sắc. Man mác heo may, man mác buồn. Trên trời kia, trăng cứ vô tư trôi, vắt kiệt mình tỏa sáng. Trời cứ trong văn vắt để rồi trong cái không gian vũ trụ bao la đó chỉ còn lại có trăng.

Mùa thu là mùa trái chín. Xuân nở hoa, hạ kết quả và thu trái chín. Có phải thế không mà đêm trăng thu thường viên mãn đến vậy? Trẻ con yêu trăng thu bởi có Rằm Trung thu. Người lớn khoan khoái trăng thu bởi thành quả lao động của mình.

Ngày nay, nhịp sống công nghiệp xô bồ, đô thị hóa nhanh quá, khu công nghiệp mở nhiều khiến cho cả không gian và thời gian bị thu hẹp lấn át. Bởi vậy, có được đêm trăng thu như đêm nay với tôi thật không gì bằng. Được sống lại bao kỷ niệm quê nhà, được thả hồn lâng lâng với trăng, được thăng hoa với những vần thơ vừa lóe lên chấp chới và được tĩnh lặng về miền em xa xôi riêng tôi…

Ơi trăng thu! Ơi mùa thu! Tôi gọi mãi tên em cùng trăng thu huyền ảo. Tôi bồng bềnh trôi trong mơ mắt em trăng miên man, miên man...

 
                                            PHI ĐÔNG HẠ 
                        Song Thu sưu tầm ( Nguồn nguoichilinh.com )

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Cỏ

Trên trái đất này có lẽ không cây gì nhiều bằng cỏ, không cây gì tái sinh nhanh như cỏ. Cỏ làm cho trái đất xanh, trái đất mát, cho không khí trong lành, con người khỏe mạnh.




Tôi làm sao quên được trận lụt năm 1971. Toàn bộ làng mạc, ruộng đồng quê tôi chìm sâu trong nước hàng mét. Hơn một tháng nước mới rút. Tôi kinh ngạc nhìn những bờ ruộng bị bào mòn chỉ còn bằng vế đùi người lớn, rỗ như tổ ong. Nắng bừng lên. Ruộng trắng, bờ trắng, một màu trắng bạc phếch, khô xác, mênh mông, lóa mắt, không một mầm xanh. Tôi nghĩ thế là hết. Đồng làng thành sa mạc rồi. Hơn một tháng ngâm trong nước thì còn loại hạt cây nào sống được. Vậy mà chỉ hơn một tháng sau, như thần thoại, tất cả những bờ ruộng kia, cỏ đã xanh màu. Chẳng ai gieo. Chẳng ai trồng. Hạt cỏ ở đâu rắc xuống mà lắm thế? Chả lẽ mầm cỏ ngâm trong nước hàng tháng mà không hủy sao? Lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra bài học về sức sống của cỏ. Lúa chưa lên, hoa màu chưa trồng thì cỏ đã mọc. Cỏ - người lính xung kích khẳng định sức sống của đất. Đến khi vào chiến trường, tôi lại được học bài học ấy lần thứ hai. Ấy là sau những trận giặc Mỹ rải chất độc hủy diệt rừng xanh. Bạt ngàn rừng cây chết đứng, khô đi. Vậy mà một thời gian sau, cỏ lại mang màu xanh phủ kín mặt đất. Đấy là màu xanh chiến thắng, màu xanh quý hơn nghìn lần vàng bạc, châu báu.
Cỏ mọc ở khắp nơi. Từ mép giếng trong thơ Hồ Xuân Hương đã thấy “Cỏ gà lún phún leo quanh mép” đến ngoài bãi rộng trong thơ Nguyễn Du “Cỏ non xanh rợn chân trời”; cho đến ngôi nhà gia đình Kiều ở nhờ khi hoạn nạn cũng thấy cỏ mọc đầy sân: “Một sân đất cỏ dầm mưa”... Cỏ mọc trên đồi, mọc ở khe đá, ở bờ sông, bãi hoang, chân tường, khe vách. Cỏ mọc trên đồng khô, mọc dưới ruộng nước... Không cần gieo, không cần chăm bón. Cỏ mọc như thần thoại, như cổ tích. Cỏ thách thức với thời gian, chấp mọi khắc nghiệt để trường tồn, bất diệt.

Sức sống của cỏ là vô địch nhưng đời cỏ, phận cỏ, dáng cỏ và cả tên cỏ nữa lại đơn giản đến bất ngờ. Những người chân lấm tay bùn, cả đời sống với đất, với cỏ cũng chỉ biết được mươi tên cỏ là cùng: cỏ chỉ, cỏ gừng, cỏ lác, cỏ gấu, cỏ mật, cỏ may, cỏ tranh, cỏ gà, cỏ môi, cỏ mỡ... toàn những cái tên mộc mạc như đất, thô sơ như đất, đâu có đẹp đẽ kiêu sa như tên hoa lan, hoa huệ, hoa hồng, hoa nhài, hoa dạ hương, hoa quỳnh...

Phận cỏ thấp, dáng cỏ mềm, vóc cỏ nhỏ. Cỏ đâu có được vóc dáng sum suê, đời sống dài trăm nghìn tuổi như cây đa, cây đề. Cỏ không có độ cao chọc trời như cây gạo, cây kơ nia; cũng không có thân hình rắn chắc sánh ngang sắt thép như đinh, lim, sến, táu để con người dựng đình dựng chùa, chạm rồng, đục phượng dâng thờ nơi tôn nghiêm. Cỏ chỉ là cỏ thôi. Cỏ ở dưới thấp, ăn của đất, uống của trời, chịu mọi dầu dãi nắng mưa, dẫm đạp, không một lời kêu ca oán thán, vẫn hết lòng với con người. Con trâu chỉ ăn cỏ thôi vẫn cho ta sức kéo dẻo dai để cày bừa hết vụ này sang vụ khác. Con bò chỉ ăn cỏ thôi mà cho ta thịt ngon, sữa ngọt. Cây cỏ tranh dâng cho đời thân và lá lợp nhà, che nắng che mưa cho bao gia đình mái ấm sum họp. Than cỏ tranh cho người chút mặn mòi thay muối lúc khó khăn cơ nhỡ. Cây cỏ mật lúc héo tỏa hương thơm ngọt, quyến rũ để bao chàng trai, cô gái quê nhờ chút hương ấy mà nên vợ nên chồng. Cỏ thành áo giáp bọc lấy bờ đê ngăn nước lụt. Cỏ ngăn nước lũ bảo vệ vùng xuôi. Cỏ xanh trên nóc hầm bí mật chặn con mắt soi mói của kẻ thù. Bè cỏ trên sông lững lờ trôi che cho bao chiến sĩ qua sông đi đánh giặc. Kiếp người từng sống với cỏ, đến khi về với đất, cỏ lại làm tấm vải xanh phủ kín nấm mồ cho hồn cốt đỡ phần lạnh giá nơi cõi âm.

Trên trái đất này có lẽ không cây gì nhiều bằng cỏ, không cây gì tái sinh nhanh như cỏ. Cỏ làm cho trái đất xanh, trái đất mát, cho không khí trong lành, con người khỏe mạnh. Giả sử trái đất này không còn cỏ thì sẽ ra sao? Giả sử vùng quê nào cũng bê-tông hóa thì sẽ ra sao? Khoa học tạo ra cỏ giả có thể giống với cỏ thật nhưng vẫn chỉ là thứ cỏ chết. Lúc ấy con người sẽ ao ước có một bờ đê cỏ xanh, lộng gió để chạy nhảy, để lăn lê bò toài trên cái xanh mát và hương ngai ngái, thơm thơm của cỏ.

Sống với cỏ, tôi càng thấy cỏ đẹp, cỏ quý và trong dáng cỏ tôi nhận ra dáng tôi, dáng bà con làng xóm thân thương của tôi.
                                                           VĂN DUY
                                                  Song Thu Sưu tầm
                                            ( Nguồn nguoichilinh.com)