Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

TÌNH YÊU TRÊN MẠNG

( Thân tặng T.A.N & N.D)

Tình yêu trên mạng vui thay
Thơ thơ thẩn thẩn suốt ngày đổi trao
Rất nhiều nhung nhớ khát khao
Rất nhiều tha thiết cồn cào đắm say
Mơ màng gặp mặt cầm tay
Thỏa lòng mong ngóng bấy nay một lần
Tỉnh ra thân vẫn một thân
Tình yêu trên mạng được vần thơ hay
                   27-2-2014
                   Song Thu

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

HOA ĐÀO TRƯỚC NGÕ






Cuối tháng giêng âm lịch
Vườn đào vẫn sai hoa
Đào phai màu hồng phấn
Bừng sáng trong chiều tà
Sắc bích đào đỏ thắm
Rạng rỡ và kiêu sa
Mang niềm vui, may mắn
Đến tặng cho cả nhà
        25-2-2014
        Song Thu

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

LỆ THUỘC TINH THẦN

( Vừa rồi đọc bài này trên báo Nhân Dân cuối tuần, tôi thấy đây là một quan điểm rất thực tế và tích cực của người phụ nữ hiện đại trong việc giữ gìn thế chủ động, tự do trong quan hệ hôn nhân và gia đình để tránh cho mình những buồn khổ, sầu não không đáng có. Vì vậy, tôi đưa bài này lên mạng để chia sẻ với các con cháu của mình nói riêng và với những ai quan tâm tới vấn đề này nói chung. Tuy nhiên tôi cũng muốn nói thêm rằng: Trước khi quyết định những việc như đi du lịch hay về thăm quê chẳng hạn, phụ nữ cũng nên đề xuất và bàn bạc với chồng. Nếu chồng cùng tham gia được thì tốt. Nhược bằng không cũng mong chồng tạo điều kiện và ủng hộ việc tự đi của vợ con. Mặt khác, các ông chồng cũng đừng vì vợ đã tự chủ mà ỷ lại. Hãy bố trí đi cùng vợ con khi có thể và hãy thể hiện tình cảm cũng như sự quan tâm và ý thức trách nhiệm của mình trong cuộc sống gia đình. Có như thế thì hạnh phúc mới thật sự trọn vẹn)


           Chồng tôi quá bận rộn. Công việc mỗi ngày cuốn anh đi. Đó là lý do vì sao tôi rất thích du lịch nhưng ba năm rồi không tham gia được chuyến nào. Tôi cứ mòn mỏi chờ đợi anh thu xếp được thời gian. Anh thì áy náy vì mãi không thực hiện được ước ao của vợ.
            Không chỉ du lịch, ngay cả việc về thăm quê cũng vậy. Kế hoạch đưa con về quê chơi hè, thậm chí về quê ăn tết cũng cứ gác vì một việc đột xuất nào đó của chồng.
            Tôi thấy bực bội và chán nản. Anh đã làm tôi thất vọng hết lần này đến lần khác. Tôi đem phiền não này chia sẻ với người bạn. Cô bạn ngạc nhiên. Không phải vì sự bận rộn của chồng tôi mà vì thái độ của tôi. Tại sao tôi không tự làm những điều mình mong muốn ? Tôi ngớ người. Ờ tại sao nhỉ ?
            Tại tôi vốn đã quen chờ chồng làm việc nọ việc kia cho mình
                                    Anh Phương
                            ( Hà Đông – Hà Nội)

                        Bạn Anh Phương thân mến !
            Bạn của bạn đã nói đúng. Nhớ lại thời mới yêu nhau và cho đến tận bây giờ, chính người đang chia sẻ với bạn đây cũng chợt đỏ mặt vì đã không chủ động làm bất cứ việc gì. Chồng tôi luôn là người tặng quà còn tôi là người nhận, anh là người mang niềm vui đến còn tôi là người thụ hưởng. Không chỉ những việc lớn như đi du lịch, về quê mà ngay cả những việc nho nhỏ thường nhật như đi siêu thị, ra quán cà phê, thăm thú bạn bè loanh quanh, tôi cũng luôn yêu cầu anh đưa đi. Nếu anh bận không đi được là tôi lại buồn bã và trách móc anh không quan tâm.
            Cuộc sống vợ chồng vì thế mà thiếu sự nhẹ nhàng vui vẻ, thậm chí còn nặng nề gò bó và tôi thì luôn bị ấm ức khó chịu, buồn khổ. Đến mệt. Khi đọc được bài chia sẻ của bạn, tôi đã bừng tỉnh và hiểu rằng, mình hãy tự bắt tay vào làm những việc mình thích thay vì cứ chờ đợi dựa dẫm vào chồng.
            Và tôi vừa trở về sau một chuyến du lịch đầy hứng thú. Tôi cảm thấy mình tràn đầy cảm hứng và hạnh phúc khi tự đi thăm các cảnh quan, đi mua sắm hay chụp ảnh…Hóa ra không phải cứ có đầy đủ cả vợ chồng đi mới vui. Mình thật vô lý khi bao lâu nay cứ tự giam cầm mình trong suy nghĩ làm gì cũng phải có chồng mới thích. Thụ động chờ đợi vậy thật mệt mỏi.
            Tôi dần thoát khỏi sự lệ thuộc từ sau chuyến đi đó. Sinh nhật tôi anh không nhớ. Nếu trước đây tôi đã buồn bã và trách móc nhiều lắm thì lần này, tôi tự mua hoa về cắm, chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn rồi gọi điện mời anh về cùng chung vui. Anh về, bất ngờ và phấn khởi vì sự thay đổi tích cực của vợ. Anh nói, nếu trước giờ tôi cứ « thoáng » thế này, cuộc sống vợ chồng có phải vui vẻ nhẹ nhàng hơn không ? Và anh thú thật, những đòi hỏi, chờ đợi của tôi khiến anh nhiều khi thấy bị áp lực mệt mỏi và mặc cảm. Mặc cảm vì không thể đáp ứng được hết.
            Tự điều chỉnh những mong muốn của mình bằng cách trên, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, chủ động hơn trong cuộc sống . Tôi dần hiểu ra rằng anh cũng có công việc của anh và tôi cũng có cách cân bằng tinh thần, tìm kiếm niềm vui của riêng mình. Thoát khỏi sự lệ thuộc về tinh thần, tôi được tự do và cảm nhận đầy đủ, đúng đắn hơn về hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.
            Vậy đấy bạn ạ. Và tôi muốn nói thêm rằng : Những người vợ, chúng ta không thể ích kỉ đòi hỏi chồng phải đáp ứng hết mọi mong muốn của mình và tỏ ra không hài lòng khi không được thỏa mãn. Chúng ta cần biết điều chỉnh bản thân. Một trong những cách đó là tự mình thực hiện các sở thích, mong muốn của chính mình. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta thấu hiểu, quan tâm đến mong muốn của bạn đời chắc chắn chúng ta cũng được bạn đời quan tâm, dù không phải là đáp ứng mọi yêu cầu. Tình yêu chân thành không tồn tại sự lệ thuộc.
            Chúc bạn vui khi đọc xong những dòng chia sẻ của tôi !
                          Nguyễn Hạnh
( Song Thu sưu tầm, Nguồn báo Nhân Dân cuối tuần, Mục chia sẻ, số 6, ngày 9-2-2014)

THIÊN DIỄM TÌNH


 

          Lu-i-gi - Mô-kry-na tái ngộ sau sáu chục năm.

 

Trong dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng phát-xít 9-5-2013, tại công viên Ma-ri-in-xky ở trung tâm thủ đô Ki-ép (U-crai-na), tượng đài Thiên diễm tình đã được khánh thành. Tượng đài có nguyên mẫu một ông già người I-ta-li-a và một bà già người U-crai-na...


  
Ông là Lu-i-gi Pê-đút-tô, bà là Mô-kryna Yu-rơ-dúc. Cách đây đúng 70 năm, ở tuổi ngoài 20, chàng lính trẻ I-ta-li-a gặp nàng trong một trại tù binh ở Áo. Khi ấy, quân Đức chiếm đất của những nước gia nhập Liên Xô, bắt lao động trẻ "đi phu" sang Đức, Áo... Do Mô-kry-na đang mang thai nên cô được "làm phúc", chuyển công việc từ lao động cưỡng bức sang nhà máy tơ. Sinh con gái Na-đi-a trong trại tù binh, Mô-kry-na một mình xoay trở, vừa phải làm lụng vất vả, vừa phải chăm đứa trẻ sơ sinh và may mắn gặp được Lu-i-gi. Ngay cái nhìn đầu tiên đã bắc nhịp cầu giao cảm giữa hai thân phận, từ chỗ hoàn toàn không quen biết sẵn, hai người bắt đầu trò chuyện, không chung ngôn ngữ thì dùng cử chỉ âu yếm, rồi tay trong tay, bất chấp cảnh tù đày trong hai năm trời. Chính Lu-i-gi đã chủ động đến vỗ về an ủi hai mẹ con trong cảnh thân cô thế cô, đã bồng đã ru đứa trẻ bằng những khúc ca cổ xưa thương cảm.
Năm 1945, quân Đồng minh oanh tạc dữ dội nhà máy tơ, Lu-i-gi đã dìu mẹ con Mô-kry-na trốn thoát... Ba sinh mạng ẩn nấp ngoài cánh đồng, bới đất lấy khoai, vặt bắp ngô non độ nhật. Ngày ngày, chính người đàn ông đã kiếm ngô, khoai về nhai nhuyễn, mớm cho đứa trẻ sống qua mùa xuân.
Chiến tranh đã kéo hai thân phận vào một cặp tình nhân, ấy thế mà hòa bình lại khiến họ phải ly biệt. Hồng quân Liên Xô giải phóng nước Áo và trả lại ai về chỗ nấy: Lu-i-gi về I-tali- a, nhưng không được phép mang theo mẹ con Mô-kry-na! Khi người yêu ôm đứa con thơ nức nở lên tàu trở về U-crai-na, Lu-i-gi chỉ còn biết giữ kỹ lọn tóc của nàng mà chàng có lần lén cắt và mẩu giấy nàng ghi địa chỉ của mình, mong một ngày có vật làm tin để tìm lại người bạn đời lý tưởng. Song, suốt mấy chục năm, Lu-i-gi không có cơ hội đặt chân đến đất nước Liên Xô.
Trở về quê cũ Khơ-men-nhít-xca, nơi bị chiến tranh tàn phá tan hoang và chỉ còn đúng hai người đàn ông, Mô-kry-na cùng những người đàn bà khác lao vào làm lụng. Công việc đầu tắt mặt tối khiến cô phải gạt sang một bên mọi ý nghĩ về Lu-i-gi, không dám nuôi hy vọng sẽ có ngày người yêu tìm đến mình. Ít lâu sau, cô chuyển sang Kri-vôi Rô-gơ - một địa phương nhỏ đến nỗi không có tên trên bản đồ U-crai-na - làm việc trong một hầm mỏ và lấy chồng, sinh hạ thêm hai người con. Cách đây hai chục năm, người chồng qua đời, các con đã ra ở riêng, Mô-kry-na lại sống một mình vò võ.
Trong khi đó, ở I-ta-li-a, Lu-i-gi cũng nhiều lần gửi thư sang Liên Xô tìm kiếm Mô-kry-na mà chẳng lần nào nhận được hồi âm, nên đành lấy vợ, có được một người con trai, rồi góa vợ đã 15 năm... Lu-i-gi chìm trong nỗi ngậm ngùi số phận, chỉ biết trang trải nỗi niềm với rừng ô-liu, và, trong cơn tuyệt vọng, ông viết thư cầu may cho chương trình tìm kiếm thân nhân của truyền hình Nga. Cánh phóng viên của dự án này đã gấp rút lần tìm và sớm có kết quả: Mô-kry-na vẫn còn sống tại làng Go-nhi-ắc Đỏ thuộc vùng Đơ-nhép-prơ-pê-trốp-xky, dẫn tới cuộc phát sóng trực tiếp năm 2004, cặp tình nhân tái ngộ sau sáu chục năm trước sự chứng kiến của hơn hai triệu khán giả. Hoàn toàn rõ ràng: trải bấy nhiêu năm, ông già I-ta-li-a vẫn cứ là chàng Rô-mê-ô đang yêu, bất chấp mọi cách ngăn về không gian và tuổi tác.
Từ phòng quay truyền hình trở về, bà lão Mô-kry-na hào hứng tự tay sơn trắng lại toàn bộ ngôi nhà, dọn dẹp mọi ngóc ngách, sân sướng, mua sắm nhiều thực phẩm. Bà nói cười chạy nhảy hoạt bát như trẻ lại ba chục tuổi, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Ông Lu-i-gi đều đều sang Go-nhi-ắc Đỏ thăm người yêu: đáp máy bay xuống Ki-ép, rồi lên tàu hỏa và bám xe khách, để được tự tay dọn cỏ hoang và làm mọi việc như người chồng thực thụ trong nhà bà Mô-kry-na. Tối tối, ông soạn món mì ống với pho-mát đặc sản dân tộc I-ta-li-a, cùng người yêu vừa ăn vừa ngắm hoàng hôn U-craina, xong, thể nào cũng mở nhạc khiêu vũ... Đáp lại, bà cũng mang con gái lớn Na-đi-a sang Xan Lo-ren-xô thăm ông và biết: người tình của mình nhà cửa tiện nghi, hiện là chủ tịch hội cựu chiến binh, thuộc những người có ảnh hưởng lớn nhất ở địa phương. Ông tự tay lái xe đón đưa hai mẹ con trong ánh mắt ngưỡng mộ của già trẻ gái trai, khiến bà xúc động khóc òa như một cô bé. Lần đó, dưới tán lá ô-liu, ông chính thức cầu hôn và đề nghị bà chung sống với mình tại I-ta-li-a. Nhưng bà khước từ - bà không thể rời xa con cháu, vườn tược và bao thứ gắn bó hằng ngày với mình trong suốt chặng đời gian khó. Ông không nản, khuyên bà nghĩ lại, và hẹn hằng năm, cứ vào tháng tám là sang với bà. Trong khi đó, ở U-crai-na, dân tình xao xuyến bởi câu chuyện tình Lu-i-gi - Mô-kry-na và quyết định dựng tượng họ. Theo sáng kiến của kênh truyền hình "Inter", hai nhà tạc tượng A-lếch-xan-đrơ Mo-gát-xky và Gri-go-ri Kô- chiu-cốp đã hoàn thành tượng đài Thiên diễm tình khắc họa cuộc tái ngộ cảm động sau nhiều năm ly hợp giữa bà lão người U-crai-na với ông lão người I-ta-li-a. Hai nguyên mẫu được mời đến dự lễ khánh thành tượng đài tình yêu bất diệt, song, bà Mô-kry-na đang đau ốm nên đành vắng mặt, chỉ có ông Lu-i-gi. Ông cắt băng khánh thành và run giọng phát biểu: "Từ hồi học trò, tôi đã được thầy giáo dạy rằng: Nếu như trong cuộc sống có gặp những thời buổi nặng nề thì sau đó thể nào cũng được thưởng lại. Hôm nay tôi đã được nhận phần thưởng đó".
Theo hẹn, vào tháng tám thăm người yêu. Song, ông Lu-i-gi đã không giữ được lời hứa: ngày 10-8-2013, ông đã từ giã cõi đời... Bên cạnh giường ông, còn đó hai túi mì ống với pho-mát, còn đó tấm vé bay sang Ki-ép với hộp nhẫn cưới - hình như ông vẫn không hết hy vọng rồi bà sẽ nhận lời cầu hôn của mình.
Đến khi được con cháu cho hay tin dữ, bà Mô-kry-na yêu cầu các con đưa ngay đến tượng đài Thiên diễm tình, để khóc!
Từ ngày khánh thành đến nay, tượng đài Thiên diễm tình không ngày nào ngớt du khách và các cặp tân hôn. Người ta tin: chạm tay vào cặp tình nhân già đang ôm nhau thì mình chẳng bao giờ phải xa người yêu dấu! Đó là nguyên mẫu tượng đài Thiên diễm tình ở Ki-ép.

                                                                       Đăng Bẩy
                                                               
( Song Thu sưu tầm, nguồn báo Nhân Dân cuối tuần,số 6 (1306),9-2-2014 )

 

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

BỒNG BỘT VÀ ÂN HẬN

( Nhân ngày lễ tình nhân, kể về một cuộc tỏ tình thời chống Mỹ)

   
           
        






 Nó vốn chẳng xinh đẹp gì. Nếu theo tiêu chuẩn hiện nay thì Nó vào diện thấp bé nhẹ cân. Đã thế, nước da lại “Ngăm ngăm quá”. Cái miệng thì tươi cười ngay cả khi dự lễ chào cờ hay truy điệu nữa mới khổ chứ. Thế nhưng chẳng biết do “ âm phù, dương trợ” ra sao mà thủa đang thì Nó được nhiều người cưa đáo để!

         Tuy nhiên, Nó không phải là kẻ lăng nhăng hoặc tham lam. Nó đã nhận lời yêu một chàng trai bình thường nhất trong số các chàng cưa cẩm Nó. Và Nó từ chối rất khéo các chàng kia khiến không chàng nào giận Nó, thậm chí họ vẫn là bạn tốt với Nó nữa mới lạ chứ. Thế mà Nó vẫn phải ân hận lắm bởi cách cư xử của Nó với một chàng. Nỗi ân hận ấy còn đeo đẳng Nó đến suốt cuộc đời. Thật tội.
          Số là thế này. Sắp vào dịp tòng quân, một chàng đã trao vào tận tay Nó một bài thơ viết khá nắn nót. Thơ rằng:

                          Anh ra biển vào mùa bão tố

                          Biển mang hồn của ngàn vạn dòng sông

                          Tình biển đẹp, đẹp vì sóng gió

                           Em có ưng làm cánh buồm không?

            Nó đã làm một bài thơ đáp lại để từ chối chàng như sau:

                           Em tắm biển chiều hè êm ả

                           Sóng nhẹ nhàng hôn gót chân son

                            Ngắm thuyền lớn chở đầy ắp cá

                           Yêu vô vàn bờ bến bình yên

           Nhận bài thơ Nó trao, chàng buồn lắm. Nỗi buồn khiến chàng thật não nề ủ rũ. Đến cả hôm nhập ngũ, chàng vẫn chẳng buồn ngẩng mặt nhìn ai và hầu như chẳng nói một lời tạm biệt nào với người nhà và bạn bè đưa tiễn. Nó cứ vô tâm cười nói hồn nhiên cùng đám bạn bè nghịch như quỷ sứ vừa trêu đùa vừa đấm nhau thùm thụp. Rồi lại còn gửi theo cả những cái hôn gió cho các chàng tòng quân kèm theo lời nhắn “ Nhớ gửi thư cho em nhé!” Dù đã nhìn thấy chàng lén lau nước mắt Nó vẫn vẫy tay tạm biệt chàng rối rít. Nó muốn dành riêng cái vẫy tay ấy cho chàng chẳng biết chàng có nhận ra không? Chỉ biết rằng, chàng ra đi và mãi mãi không về. Sau này gia đình chàng có nhận được những kỉ vật của chàng, trong đó có một cuốn nhật kí mà người em gái của chàng kể với nó rằng “ Chẳng biết anh tao yêu ai mà không được đáp lại nên anh ấy buồn lắm, buồn đến nỗi chẳng muốn trở về, chỉ muốn được chiến đấu và hy sinh tại chiến trường thôi”

             Nó giật mình và chợt nhận ra hình như mình là người có lỗi trong chuyện này. Nó gạ em chàng mang nhật kí cho nó đọc với. Em chàng cũng đồng ý. Càng đọc Nó càng như chết đứng vì không thể ngờ rằng chàng lại yêu Nó đến thế và cũng lụy vì tình như vậy. Tuy nhiên cho đên tận bây giờ Nó vẫn chẳng dám nói chuyện này với ai và càng không dám thừa nhận với em chàng. Dù lòng Nó nặng nề lắm. Ân hận lắm! Nó muốn tạ lỗi với chàng không biết chàng có chấp nhận và tha thứ cho Nó không? Ôi tuổi trẻ thật là bồng bột, ngốc nghếch và dại khờ!
                                                              14-2-2014
                                                               Song Thu

NHỮNG BÔNG HOA KHÔNG CẦN CHỈ THỊ

Thơ Lê Đức Dục
Theo FB Lê Đức Dục













NQL:Mình chọn đây là bài thơ hay nhất mùa giỗ 17/2/1979 năm nay


Mặc ai cấm rằng không được nhắc
 bạn vàng Trung Hoa từng thảm sát dân mình
Nhưng làm sao cấm hoa đào hoa mận
Nở rưng rưng rụng xuống những mộ phần




Kệ báo chí cứ phập phồng chờ đợi
Nói hay im? Ngồi nghe ngóng công văn

 Những bông hoa không cần chỉ thị
Cứ ra Giêng, rụng thắm đất anh nằm…

 ( Song Thu sưu tầm, nguồn: blog QUECHOA)


Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Mừng thọ bác Hà Ngọc Đàm

( Họa nguyên vận bài:Tuổi 80 vui tếu của bác Hà Ngọc Đàm)

Năm nay bác đã tám mươi xuân
Phong thái như đang độ lục tuần
Đọc sách thánh hiền chưa mỏi mắt
Leo đèo ba dọi chẳng chồn chân
Đề thơ vịnh cảnh, thơ nên tứ
Đặt bút khai xuân, bút có thần
Xướng họa giao lưu vui hể hả
Tám mươi mà vẫn rất thanh xuân
          12-2-2014
           Song Thu

(Phụ chép bài : Tuổi 80 vui tếu)

Lão đang vui sống lão đang xuân
Giáp Ngọ(2014) mừng ta tuổi bát tuần
Còn được nhìn đời qua bốn mắt
Lại đang rảo bước với đôi chân
Khi vui khói thuốc bay theo mộng
Lúc hứng câu thơ vẫn xuất thần
Ai bảo đồ già hay lẩm cẩm
Lão đang vui sống lão đang xuân
           Ninh Hà

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

MỪNG LÃO TÁM MƯƠI

( Họa nguyên vận bài: Mời họa tuối 80 của bác Hà Ngọc Đàm)
Chỉ thập niên sau lão cửu tuần
Xem ra chưa kém lớp trai tân
Rượu bia tung tẩy bay vài cốc
Thơ phú phởn phơ ghép mấy vần
Thấy Lựu còn ham mê mẩn hạ
Gặp Lan vẫn thích tính tình xuân
Cầu trời giúp lão luôn vui khỏe
Cửu thập như đang độ thất tuần
        11-2-2014
         Song Thu

Phụ chép bài: Mời họa tuổi 80

Thấm thoắt xuân nay đã bát tuần
Tâm hồn phơi phới ngỡ thanh tân
Rượu cùng tri kỉ nâng nâng chén
Thơ với tri âm nảy nảy vần
Bình dị mai bừng tươi sắc tết
Cao sang lan tỏa ngát hương xuân
Đội ơn Tiên Tổ Trời ban lộc
Phúc thọ an khang ngoại cửu tuần
            Ninh Hà

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

ĐÀO QUẤT NHÀ TA


Cành đào, chậu quất thật lung linh
Hoa trái đua nhau thắm hết mình
Lộc biếc sáng bừng đôi mắt lạ
Nụ hồng e ấp cặp môi xinh
Quả vàng, quả ửng phô màu nắng
Hoa trắng lá xanh đượm vẻ tình
Mang cả mùa xuân vàò gõ cửa
Cành đào, chậu quất thật lung linh 
         3-2-2014
          Song Thu