Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

XIN ĐỪNG...


            
(Họa nguyên vận bài : « Bán áo chơi thơ »- T.A.N)

Hỡi người bán áo để vì thơ
Dại dột như ông thật khó ngờ
Có phải ngắm hoa nên lẩn thẩn
Hay là tìm tứ hóa lơ ngơ
Dẫu không tạo thế cho con cậy
Cũng chẳng xây dinh để vợ nhờ
Thì cứ ngồi chơi mà uống nước
Xin đừng bán áo để vì thơ
                        29-6-2012
                        Song Thu

Phụ chép bài BÁN ÁO CHƠI THƠ

Ông rằng: "Bán áo để chơi thơ"
Bạn hữu nghe xong thật bất ngờ
Người bảo lão này nhiều dại dột
Kẻ chê ông ấy lắm ngu ngơ
Chẳng ham quyền chức con còn cậy
Lại hám văn thơ vợ mất nhờ
Trong lúc mọi người đều kiếm lợi
Sao mình "Bán áo để chơi thơ"
                    T.A.N

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

CHIỀU QUÊ THĂM MẸ



Ta về thăm mẹ chiều quê
Bâng khuâng đứng ở con đê ven làng
Ngắm dòng sông bát ngát vàng
Đôi bờ ngô đỗ mỡ màng rung rinh
Lúa đồng làng sóng sánh xanh
Các cô thôn nữ long lanh mắt cười
Áo hoa quần bó xinh tươi
Ngồi xe máy đẹp dạo chơi chiều tà
Chạnh lòng nghĩ đến mẹ ta
Bao ngày lặn lội thân cò bến sông
Quần thâm đất áo nâu sồng
Mà vẫn vá đụp vá chằng tội chưa
Oằn mình gánh nắng, gánh mưa
Áo đơn chẳng mấy khi khô lưng Người
Bát cơm độn sắn độn khoai
Lời ru buồn cả cuộc đời chênh vênh
Đã từng mệnh phụ phu nhân
Một phen trời đất xoay vần-bơ vơ
Bây giờ tuổi mẹ đã già
Bão giông một thưở  cũng qua lâu rồi
Nhưng lòng mẹ chẳng thể vui
Giọt đắng một thời đắng mãi tâm can
                        26-6-2012
                        Song Thu

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

TA VỀ_ ĐẸP MÃI VỚI LÒNG TA


                                    

            Thường lệ, hôm nào khi tôi dậy nấu ăn sáng thì ông xã cũng ngồi máy tính, nếu đọc được cái gì hay hoặc sáng tác được thi phẩm nào là lại khoe ngay với vợ. Hôm nay thấy ông xã ư ử ngâm thơ, tôi nghĩ chắc là một tác phẩm mới ra lò đây nên cố ý lắng nghe. Khi nghe đến câu :
                        « Đã vào vòng xoáy bon chen
                        Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao »
thì thích thú vô cùng và buột miệng thốt lên :  « Tuyệt ! Anh mới viết à ?’
-          Đâu có, đây là bài thơ Ta về của ông Phạm Thế Minh đấy.
-          Em chưa nghe danh nhà thơ này bao giờ ?
-          Ông ấy không phải nhà thơ chuyên nghiệp mà là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
-          Thế mà làm thơ hay nhỉ ? Có thể đây là lời gan ruột đây ! Anh lần ở đâu ra vậy ? In ra cho em một bản nhé.
-    Anh nghe đọc bài này cách đây khá lâu rồi nhưng chưa có nguyên bản. Hôm qua đi họp lớp, một ông bạn có nguyên bản đăng ở báo Người Hà Nội, anh bảo hắn gửi mail cho anh đấy. Nói vậy rồi ông xã in ngay cho tôi một bản.
      Ăn sáng xong, tôi ngồi đọc lại bài thơ và càng thấy thích thú hơn. Vội vào mạng tìm hiểu về tiểu sử và con người tác giả. Nhưng không tìm được gì. Chỉ được biết về mấy cuộc trả lời phỏng vấn của ông thôi. Vì vậy ý định giới thiệu về tác giả và bình bài thơ này của tôi không thực hiện ngay được.
Song bài thơ cứ bám riết vào tâm trí tôi, thúc giục tôi chia sẻ. Tôi xin đưa nguyên văn bài thơ mà tôi có trong tay lên blog và viết đôi dòng cảm nhận của mình về thi phẩm này để chia sẻ với mọi người
                                    TA VỀ
            Thế là hết nợ công danh
            Ta về gặp lại chính mình từ đây
            Mặc trời cao kệ đất dầy
            Ta về làm gió làm mây riêng mình
            Đã ăn nhầm bả hư vinh
            Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen
            Đã vào vòng xoáy bon chen
            Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao
            Ta về bạn với trăng sao
            Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay
            Ta về vui giữa tỉnh say
            Để quên đi những tháng ngày đáng quên
            Để quên đi những tị hiềm
            Và quên đi những nỗi niềm được thua
            Sáng nay thanh thản vãn chùa
            Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa
           
Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu chuyện kể về một người “ không quen ở nhà mình” cho nên dù đã về hưu, ông ta vẫn hàng ngày cắp cặp đến cơ quan; ghé chỗ này một tý, chỗ kia một tẹo; thậm chí vẫn  ngồi vào bàn làm việc của mình và phán này phán nọ khiến cho mọi người thật khó xử và khó chịu. Lại nghe nhiều lãnh đạo sắp phải về hưu thì chạy đôn chạy đáo mong kéo dài thêm thời gian công tác. Khi không thể kéo dài được thì buồn lắm, tiếc lắm, hụt hẫng lắm…Chỉ có những công chức bình thường hoặc những người lao động nặng nhọc hay trong môi trường độc hại, được nghỉ hưu là thấy vui sướng thoải mái thôi.
Vậy mà, Phạm Thế Minh, một Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi về hưu lại reo lên: “ Thế là hết nợ công danh”. Nhưng hình như đây không phải là tiếng reo vui viên mãn, thoải mái của một người đã công thành danh toại, đã bằng lòng với tất cả mà giống như sự trút bỏ một ràng buộc, một vướng mắc chi đó. Cho nên những câu thơ tiếp theo mới là:
Ta về gặp lại chính mình từ đây
Mặc trời cao kệ đất dầy
Ta về làm gió làm mây riêng mình

Có lẽ, với ông, về hưu là trở về với con người thực của chính mình, là trở về với sự tự do tự tại, sự thanh thản ung dung mà lúc còn tại vị không thể có được. Nhưng dường như ẩn trong những câu thơ trên còn có một cái gì đó như là buông xuôi như là phó mặc của một người lực bất tòng tâm : “Mặc trời cao kệ đất dầy”. Vì ta chẳng thể làm gì khác được, ta chỉ có thể “ làm gió làm mây riêng mình”thôi. Nhưng muốn vậy, cần phải thoát ra khỏi cái “bả hư vinh”, cái “ vòng xoáy bon chen” trong vòng tục lụy mà bao kẻ hám danh mưu lợi cố lấn vào
Đã ăn nhầm bả hư vinh
Nào đâu còn biết lòng mình trắng đen
Đã vào vòng xoáy bon chen
Phẩm ham cao sự thấp hèn càng cao

Xưa nay, ta vẫn quen nghĩ tới một phía  tốt đẹp rằng danh vọng, địa vị là một cái gì rất đỗi cao quý. Muốn vươn tới được là phải trau dồi phấn đấu không ngừng    danh vọng càng cao thì tài càng cao và đức càng lớn. Nhưng Thứ trưởng Phạm Thế Minh lại chỉ ra mặt trái củả nó  như một  nghịch lý «  Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao » Liệu có phải, Ở nơi ấy, ông đã  thấy được những bon chen, những mưu cầu lợi danh  làm cho không ít kẻ bất chấp mọi thủ đoạn, đánh mất cả nhân phẩm , đánh mất chính mình ? Liệu có phải ông đã muốn chống đối lại những thói tật xấu xa đê hèn đó nhưng chống không nổi ? Và liệu có phải ông đã mơ hồ nhận ra rằng nếu còn tại vị, chưa chắc ông đã thoát khỏi cái « bả hư vinh », cái « vòng xoáy bon chen » ấy ? Tất cả mới chỉ  là giả định, thật khó mà phân tích cho  cụ thể rõ ràng được Bởi vì, xưa nay, với mỗi áng thơ,  mọi sự bóc tách, khám phá nếu không khéo rất có thể làm cho nó vốn tinh tế trở nên thô thiển chăng ? Song dẫu sao, đọc bài thơ trên, tôi vẫn  thấy, đó không chỉ  là sự khám phá, phê phán mặt trái chốn công quyền mà nó giống như một niềm xót xa, một sự  thức tỉnh bừng ngộ. Thì ra, công danh, quyền lực, địa vị cũng chính là cái bẫy, cái bả đối với những ai không biết giữ mình. Và chắc chắn là muốn giữ được mình ở nơi ấy cũng khó lắm thay ! Liệu có bao nhiêu người giữ được mình trong sạch để thật sự  trở thành nhà lãnh đạo của dân, vì dân ? Và còn bao nhiêu kẻ bị cuốn vào cái « vòng xoáy bon chen » kia để thành ra « Phẩm hàm cao sự thấp hèn càng cao » ? Dẫu bây giờ ta chưa thể thấy hết được, nhưng ta tin rằng lịch sử sẽ phán xét công bằng và nhân dân cũng  rất công tâm. Ta hãy đọc lại câu ca dao sau để hiểu rõ sự công tâm ấy :
Thương dân, dân lập đền thờ
Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương

Hay nhìn lại lịch sử nước nhà, chúng ta sẽ thấy rõ những ông vua sáng, những bậc quan hiền đều được vinh danh và ngược lại, những bạo chúa, những quan tham đều bị muôn đời nguyền rủa. Hiểu thấu đạo lý ấy, nên Phạm Thế Minh mới muốn «  quên đi những nỗi niềm được thua » trong chốn bon chen để giữ cho lòng mình thanh sạch
Ta về bạn với trăng sao
Quên xe máy lạnh bỏ chào bắt tay
Ta về vui giữa tỉnh say
Để quên đi những tháng ngày đáng quên
Để quên đi những tị hiềm
Và quên đi những nỗi niềm được thua

Thế rồi, sau khi đã quên những( bon chen, tị hiềm, được thua) thì tâm hồn thật thanh thản, thanh sạch và cuộc sống hiện ra trước mắt mới đẹp đẽ, trong trẻo, tinh khiết và đáng yêu làm sao
Sáng nay thanh thản vãn chùa
Gặp cây mai trắng cũng vừa nở hoa

Tôi chưa hề biết một ông  Phạm Thế Minh trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và nếu có biết đi nữa, chưa chắc tôi đã cảm phục, ngưỡng mộ ông. Nhưng đọc bài thơ này của ông, tự nhiên tôi thấy ông thật đáng kính, đáng nể. Với tôi, ông không chỉ là một nhà thơ đích thực ( dù cho tôi mới chỉ biết mỗi bài thơ trên của ông) mà ông còn là một con NGƯỜI viết hoa trang trọng. Ông đã bước qua những hỗn tạp của thói đời để đến được sự thanh sạch của tâm hồn, đã vượt qua phần “con” để đến được phần “ NGƯỜI” thuần hậu tinh khiết. Nói theo triết lý của nhà Phật thì ông đã chiến thắng kẻ thù lớn nhất của mình- chiến thắng chính mình. Vượt qua cái ý nói với mình, bài thơ đã chạm tới một vấn đề lớn lao và nhạy cảm chốn công đường. Vì thế, với tôi, bài thơ vừa cô đúc, khái quát như một châm ngôn về lẽ đời muôn thuở lại vừa đượm chất trữ tình sâu lắng của một con người có tâm, có tầm, có nhãn quan tinh tế.
                                    Sao Đỏ: 20-6-2012
                                    Vũ Thị Song Thu

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012


NỖI NIỀM KHI TẮC MẠNG

Cổng làng ta bị khóa
Ta thành đứa con hoang
Có nhà không vào được
Nỗi niềm thật thê lương
Giận mình sức mọn tài hèn
Làm sao bẻ khóa vượt tường được đây
Muốn hét to một tiếng
Thấu trời cao đất dầy
Nhưng trời xa xa quá
Và đất dầy trầm u
Ta thành một kẻ ngất ngư
Bơ vơ tàn lạnh thẫn thờ giữa quê
                        16-6-2012
                        Song Thu

\
CẢM ƠN CON TRAI

Hôm nay vào được mạng rồi
Tiếng con chim hót bồi hồi thêm yêu
Vườn ta hoa nở thêm nhiều
Cây xanh như cũng mỹ miều xanh hơn
Nồi cơm thơm lại thêm thơm
Bát canh ngọt ngỡ ngọt hơn mọi ngày
Cám ơn nhiều nhé con trai
Đã mang tặng mẹ niềm vui thế này
                        18-6-2012
                        Vũ Thị Song Thu

            THĂM VƯỜN

Sớm nay ra vườn bắt sâu
Thấy đôi chim cuốc bên nhau tự tình
Mướp vàng hoa dưới tre xanh
Chập chờn  bướm trắng rung rinh cánh mềm
Hồng tươi là hoa đỗ quyên
Tím xanh đỗ đũa, tím êm hoa cà
Ngọc nữ trong ngọc trắng ngà
Đăng tiêu rực rỡ như là đèn đêm
Nâng niu từng cánh hoa lên
Bắt sâu, đuổi kiến lẩn trên hoa này
Chim chuyền ngơ ngác lạ thay
Ơ kìa, hoa nở trên tay con người
                        11-6-2012
                        Vũ Thị Song Thu


            ƯỚC NGUYỆN NÔNG PHU

Thóc vàng căng hạt dưới sân phơi
Thanh thản nông phu nhoẻn miệng cười
Một nắng hai sương chân bấm đất
Trăm thương ngàn khó dạ ơn trời
Chẳng màng danh lợi nơi quyền quý
Xa lánh phồn hoa chốn chịu chơi
Chỉ ước trời yên và biển lặng
Được quyền sở hữu đất đai thôi
                        13-6-2012
                        Song Thu


            KHOẢNH KHẮC VÔ THƯỜNG
 





 










Hoàng hôn tím nhạt chân trời
Bỗng dưng lòng lại thấy chơi vơi lòng
Cái gì như nhớ như mong
Cái gì như có như không thế này
Thoảng như một cánh chuồn bay
Xa như tiếng sáo lung lay gió chiều
Mơ hồ như chợt phiêu diêu
Bồng bềnh lơ lửng như diều đứt dây
Phải chăng trong cõi hôm nay
Hồn ta xao động những ngày hôm qua?
                        14-6-2012
                        Song Thu

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

ĐỪNG TIẾC


                               

                        Cây khế mấy mươi năm
                        Thân to như cột cái
                        Cành vươn dài thoải mái
                        Lá xanh tốt sum suê
                        Quả sai lúc sai lỉu
                        Chín vàng ai cũng mê

                        Rồi ngày tháng qua đi
                        Quả cọc còi, vặn vẹo
                        Lá rụng cành khô héo
                        Cây chết đứng giữa vườn
                        Đành chặt làm củi đun
                        Dù lòng bao nuối tiếc

                         Chặt ra mình mới biết
                        Một đàn sâu đục thân
                       Béo múp ma múp míp
                       Thân mềm răng nhọn ghê
                       Đục khoét rất lành nghề
                       Toàn thân cây rỗng tuếch
                       


                       Giận lũ sâu khốn kiếp
                       Nhưng lại càng giận ta
                      Không phát hiện chúng sớm
                      Để tiêu diệt từ đầu
                       Giờ chúng thành bầy sâu
                      Đục cây mình đến chết
                     

                      
Cần giết hết chúng đi
                        Và trồng ngay cây khác
                        Rồi tháng ngày chăm sóc
                        Năng tưới nước bắt sâu
                        Chắc hẳn sẽ không lâu
                        Cây này lại xanh tốt
                        Vườn mình thêm râm mát
                        Thoải mái mà vui chơi
                        Con cháu mừng phải biết
                       

                        Thôi đừng tiếc, đừng tiếc
                        Cái cây chết làm gì.
                       
                                    Sao Đỏ 9-6-2012
                                    Vũ Thị Song Thu
                       



Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

ĐÂU RỒI " THẰNG KHỔ NHỚ QUÊ"?


                                    

Xuân Thảo xuất hiện trên trang blog Triancuocdoi không sớm nhưng anh đã kịp để lại rất nhiều ấn tượng với mọi người , được mọi người chia sẻ và đánh giá cao. Đặc biệt là anh được nhiều cư dân trong xóm Trian biết đến và quý mến từ thưở còn cắp sách đến trường nơi quê nhà yêu dấu. Riêng tôi, tuy chưa một lần gặp anh nhưng tôi cũng kịp biết anh từ khi anh chưa có bài và ảnh trên blog Trian nhờ tác phẩm “Chuyện bạn bè tôi” của Nguyễn Khắc Nguyệt. Trong đầu tôi luôn hình dung ra anh là một con người phong trần, từng trải khắc khổ và kiên nghị mặc dầu hình như trong truyện, Khắc Nguyệt cũng có lần phác họa hình ảnh anh vui vẻ vô tư khi gặp bạn bè nhưng vẫn không làm tôi hình dung khác đi được. Cho đến khi có ảnh Xuân Thảo trên blog thì tôi mới ngã người ra. Ôi con người tôi hình dung là khắc khổ kia lại có một phong thái thật thoải mái, một gương mặt thật tươi tắn trong trẻo và hình như rất vô tư như chưa hề có sự khổ hạnh nào chạm tới vậy. Nhất là khi ai đó đưa hình ảnh phái “ chân dài” nhà Xuân Thảo lên blog thì tôi càng ngạc nhiên hơn và cũng vui mừng hơn vì nghĩ rằng gia đình anh đã đến thời thái lai, hưng thịnh. Riêng về thơ văn của Xuân Thảo thì tôi có cảm xúc nhất với bài thơ : “ Thằng khổ nhớ quê” do anh viết vào ngày 27-12-2011. Nguyên văn bài thơ như sau:
Cuối năm mèo- vẫn hoàn mèo
Cuộc đời thằng khổ hết trèo lại xoay
Già rồi còn cứ loay hoay
Lo làm kinh tế cả ngày lẫn đêm
Những mong sớm được ấm êm
Gia đình hạnh phúc có thêm gạo tiền
Lại cày lại cuốc triền miên
Quên cả khó nhọc lẫn miền Tri ân
Mở ra mới thấy tinh thần
Của thầy của bạn nơi gần nơi xa
Rưng rưng nhớ đến quê nhà
Nhớ bờ đê nhớ gốc đa giếng làng
Xuân về lòng dạ xốn xang
Mừng mừng tủi tủi hai hàng lệ rơi
Kiếp sau có được làm người
Xin thề đói chết chẳng rời quê hương
Vâng! Quê hương là chùm khế ngọt, là nơi ta sinh ra và lớn lên, là nơi có cha mẹ, ông bà, bầu bạn, có biết bao kỷ niệm thân thương cho nên ai xa quê mà chả nhớ, chả thương. Nhớ từ con đường ta đi học, nhớ bờ tre gắn với tuổi thơ đánh chắt đánh chuyền, chơi khăng chơi đáo; Nhớ từ con ngõ nhỏ có hàng dâm bụt mấy anh chị em ngóng đợi mẹ về chợ để được chia nhau miếng bánh đa vừng, cái kẹo bột hay tấm mía de mà xuýt xoa ngon ngọt ngậy bùi. Nhớ gốc đa, giếng nước sân đình nơi gắn với hội hè đình đám, nơi in dấu những cuộc hẹn hò dưới trăng khuya hay chứng kiến những cuộc chia tay mong ngày gặp lại. Nỗi nhớ quê ấy nó không hề bị thời gian không gian hay tuổi tác làm lu mờ đi mà ngược lại, cùng với thời gian nó làm lòng người thêm khắc khoải da diết hơn. Tôi có quen một ông bạn già sống xa quê . Gia đình hiện tại của ông khá giả, con cháu đều phương trưởng thành đạt. Mặc dù bậc sinh thành ra ông đã về nơi chín suối, ông vẫn năng về thăm quê lắm. Vậy mà, cứ mỗi khi con cháu tụ họp hay có miếng ăn ngon ông lại rưng rưng nước mắt, lại sụt sùi vì thương nhớ quê nghèo , thương cha mẹ khổ cực chẳng được biết miếng ngon. May một tấm áo mới ông lại bảo ngày xưa mẹ tôi chỉ có một bộ cánh nâu rung rúc để mặc vào những ngày trọng thôi còn quanh năm quần chằng áo đụp, một nắng hai sương. Quê tôi nghèo lắm ai cũng khốn khó như thế cả chị ạ. Dưng mà sống thì tình nghĩa lắm. Có ấm nước chè với rổ khoai lang luộc là í ới mời gọi xóm làng đến chơi vui lắm cơ. Rồi ông lại khóc. Đấy, những người khấm khá như ông, có điều kiện về quê luôn mà còn nhớ quê đến thế thì những người hoàn cảnh eo hẹp ít có điều kiện thăm quê thì nỗi nhớ quê còn khắc khoải biết chừng nào? Cho nên, đọc bài thơ Thằng khổ nhớ quê của Xuân Thảo, tôi thực sự chia sẻ với anh nỗi niềm này.
 Trước hết ta gặp ở bài thơ một hình ảnh Xuân Thảo lăn lộn, xoay xỏa trong cuộc mưu sinh nhưng hình như vẫn chưa được thành công như anh mong đợi:
Cuối năm mèo -  vẫn hoàn mèo
Cuộc đời thằng khổ hết trèo lại xoay
Già rồi còn cứ loay hoay
            Lo làm kinh tế cả ngày lẫn đêm
Câu thơ mở đầu có cách chơi chữ khá hóm tạo nên một sự tinh tế và đa nghĩa. Nó vừa muốn chỉ một cái chung lớn lao hơn là hết năm  tân mão rồi vẫn không có gì khác biệt,  lại vừa ám chỉ cảnh ngộ riêng của tác giả, một con người luôn loay hoay để thay đổi cho cuộc sống khấm khá hơn mà vẫn chẳng thay đổi được gì. Mà cái mong ước của anh có quá to tát, quá lớn lao gì đâu. Nó chỉ bình thường, dung dị như mong ước ngàn đời nay của những người lao động một nắng hai sương thôi:
Những mong sớm được ấm êm
Gia đình hạnh phúc có thêm gạo tiền.
Và thực tình anh đã lao động quên mình vì cái mong ước ấy:
Lại lo cày cuốc triền miên
Quên cả khó nhọc lẫn miền Tri ân
Từng đọc “ Chuyện bạn bè tôi” của Nguyễn Khắc Nguyệt nên tôi hiểu, trước đây quê Xuân Thảo nghèo lắm và gia đình anh lại càng nghèo hơn. Cho nên sau giải phóng miền Nam và vừa thoát khỏi đời binh nghiệp, anh đã ba lô khăn gói vào Nam mong làm kinh tế để thoát ra khỏi cái nghèo đeo đẳng bấy lâu nay. Cũng từ đó, anh đã trải qua cuộc sống tha hương với năm chìm chín nổi và mười mấy cái lênh đênh cơ chứ không chỉ là ba chìm bảy nổi chín lênh đênh như nhiều người cơ khổ khác. Đến nay dù cuộc sống đã khá hơn nhiều rồi nhưng có lẽ do ám ảnh về cái nghèo thưở trước và do bản chất của con người cần cù chịu khó chịu thương nên anh vẫn không ngừng lao động, lao động đến không còn thời gian thư giãn. Nhưng rồi, một lúc nào đó, anh tự thưởng cho mình những phút giây thư thái, mở máy tính ra và vào blog Trian. Anh chợt nhận thấy các thầy cô rồi bầu bạn gần xa giành cho anh biết bao niềm thương mến:
            Mở ra mới thấy tinh thần
            Của thầy, của bạn nơi gần nơi xa
Thế là sống mũi cay cay, mắt rưng rưng lệ, Xuân Thảo nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ quê đến quặn lòng:
Rưng rưng nhớ đến quê nhà
Nhớ bờ đê nhớ gốc đa giếng làng
Xuân về lòng dạ xốn xang
Mừng mừng tủi tủi hai hàng lệ rơi
Kiếp sau có được làm người
Xin thề đói chết chẳng rời quê hương
Đọc những câu thơ trên, tôi thấy đó không còn là những con chữ, những lời thơ nữa mà đó chính là hình ảnh chàng Xuân Thảo đang đau đáu một niềm thương nỗi nhớ quê nhà. Anh muốn nói to lên, hét to lên để bảo với lòng mình và có thể là với cả vợ con rằng:kiếp sau, nếu còn được làm người thì dẫu đói chết  cũng không thể rời xa quê hương yêu dấu của mình.
Cả bài thơ, hầu như Xuân Thảo không sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, những cách thể hiện vẽ mây nẩy trăng hay kiến tạo tứ thơ mà anh chỉ miêu tả trực tiếp, bộc lộ trực tiếp mọi suy nghĩ và việc làm của mình. Vậy mà người đọc vẫn cứ rưng rưng. Có phải sức cảm hóa của bài thơ này chính bởi Xuân Thảo đã đi đến tận cùng cảm xúc của riêng mình và thể hiện nó một cách thành thực nhất, cụ thể nhất, chân mộc nhất cho nên cái cảm xúc của riêng anh ấy đã  chạm đến cảm xúc chung của nhiều người và tạo nên một hiệu ứng lan tỏa chăng? Nếu đúng vậy thì quả là sự rung động chân mộc, trung thực vẫn có sức cảm hóa hơn nhiều lân so với những màu mè, làm duyên trong câu chữ mà cảm xúc thì hời hợt thoáng qua.
Tôi viết bài này, một mặt muốn chia sẻ cảm xúc của mình với bài thơ “ Thằng khổ nhớ quê” của Xuân Thảo, một mặt muốn hỏi xem tại sao sau “ Thằng khổ nhớ quê”, Xuân Thảo đi đâu mà im lặng thế? Mong anh hãy giành nhiều thì giờ hơn nữa cho blog Trian để chia sẻ  buồn vui với mọi người và nhận từ mọi người sự sẻ chia cho vơi bớt nỗi nhớ quê. Đừng mải làm quá như vậy. Bây giờ đời sống thế là tạm ổn rồi. Hãy bằng lòng với những gì mình đang có thì cuộc sống sẽ thư thái hơn đúng không?
                                    Sao Đỏ: 5-6-2012
                                    Vũ Thị Song Thu

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

MÌNH EM RA BIỂN


Mình em ra biển chiều nay
Gió xao xuyến gió mây rây rây buồn
Nhạt nhòa sợi nắng hoàng hôn
Chân trời tim tím cánh buồm đơn côi
Hình như có hạt mưa rơi
Hình như đâu đó ai mời gọi ai
Hình như chỉ hình như thôi
Ngoài xa xăm ấy có người đợi em
Thẩn thơ em bước đi tìm
Chiều tàn bỗng chạm bóng đêm mơ hồ
                        3-6-2012
                        Song Thu