Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

GHI CHÉP NGÀY CUỐI NĂM?



          

        




Gần hết năm 2017, mọi cơ quan đoàn thể cứ rộn ràng hết cả lên vì họp hành tổng kết. Những nhà kinh doanh lặt vặt cũng lắng lại suy tư trăn trở xem năm qua đã làm được những gì, còn điều gì chưa được để sang năm rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Thị nghỉ hưu rồi lại tài hèn sức mọn nên chẳng làm thêm được việc chi, thậm chí trông cháu cũng không đến lượt Thị vì các con biết Thị đã yếu lại nhanh quá sên bò nên chúng thuê người giúp việc cho lành. Thế là Thị chỉ còn mỗi việc: “ Sớm hôm chăm sóc mỗi ông còm” và chơi thôi . Nhưng mà thấy người ta tổng kết thì Thị cũng phải tổng kết chứ. Kém miếng khó chịu mà.


Nhưng tổng kết cái gì đây? Không lẽ lại đi ghi chép là năm qua Thị đã nấu được bao nhiêu bữa cơm hay quét dọn được bao nhiêu lần nhà cửa sân ngõ à? Thế có mà hâm. Hâm tỷ độ chứ chẳng chơi. Vắt tay lên trán nghĩ mãi Thị cũng nghĩ ra cách tổng kết của riêng Thị. Đó là ghi chép lại những cuộc du ngoạn của Thị trong năm qua. Gọi thế cho lịch sự chứ chẳng nhẽ lại nói toẹt ra là những lần đi chơi của Thị. Mà thực chất nó đúng là những lần đi chơi thật . Thế là Thị hí húi tổng kết việc đi chơi của chính mình.


Người ta lắm bạc nhiều tiền và dồi dào sức khoẻ lại có máu me du lịch thì thăm thú Đông Tây, Âu Á tung hoành. Còn Thị: Tiền ít, sức yếu và máu ngao du cũng gần như bằng không nên dù là bản tổng kết một năm đi chơi của Thị cũng nghèo nàn lắm lắm. Cứ tính cả những lần đi chợ hoặc ra thăm thú phố phường quanh nơi Thị cư trú cũng chỉ đếm đủ trên mười ngón tay thôi. Cái việc ấy Thị cũng ghi chép lại trong bài : “ Từ nhà, ra phố , lên chùa” rồi. Bây giờ Thị chỉ kể ra đây những chuyến ngao du xa xa một chút thôi. Nghĩ đến đây, Thị mỉm cười một mình và rung đùi ra chiều đắc ý lắm. Chả đắc ý thì sao khi mà cái kẻ ít ngao du như Thị năm nay cũng có vài ba lần đi xa hẳn hoi chứ kém cạnh gì?


Lần đầu là Thị về quê thăm thân mẫu của Thị vào một ngày cuối mùa hè. Thị đi cùng với chồng. Vợ chồng Thị thuê hẳn một chuyến xe con kia đấy. (Chả là hồi vợ chồng con trai út nghỉ hè có mời vợ chồng Thị đi du lịch nhưng Thị và chàng không đi. Chúng biếu ít tiền để bố mẹ thích đi đâu thì đi. Ban đầu vợ chồng Thị bàn nhau là nhân dịp 35 năm sống chung với lũ này chúng ta sẽ đạp xe đạp đi các nơi mà cái thuở hẹn hò mình đã từng đi như: Hưng Yên quê gốc của Thị rồi Lục Ngạn là nơi thân mẫu và anh chị em của Thị đang sinh sống. Lại cả Ninh Thanh, nơi trường cũ Thị từng công tác, nơi có những con đường quê đã từng ghi dấu bao kỉ niệm giữa Thị và chàng. Rồi còn cả Hà Nội Hồ Tây, nơi Thị cùng chàng đã ngao du. Cái sự bàn bạc cho chuyên đi này vào những ngày đầu xuân kia đấy.Nhưng khi cái nắng tháng 3 bắt đầu làm cho con người mệt mỏi “lừ đừ cơm chẳng buồn ăn”thì Thị và chàng tự thấy không thể đủ sức đạp xe như vậy được. Hơn nữa năm nay chàng lại bị sao Thái Bạch chiếu mạng nhỡ xảy ra chuyện gì thì nguy. Thế là cái ý định lãng mạn ban đầu ấy bị dẹp bỏ ngay tức khắc.) Thị bàn với chàng là về quê thăm mẹ. Chàng nhất trí cao. Thế là lên đường. Thân mẫu của Thị đã ngoài chín chục rồi lại nặng tai lắm nên không còn nhanh nhẹn như mấy năm trước nữa. Song ơn giời cụ vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Thấy vợ chồng Thị về, cụ mừng lòng nên gọi cả các con trai gái dâu dể đến tụ họp và làm một bữa ra trò. Mẹ con anh chị em tíu tít chuyện trò cứ nở như gạo vàng. Sau vài tiếng đồng hồ, vợ chồng Thị chào tạm biệt mọi người rồi ra về. Mọi người ai cũng lưu luyến bịn rịn mẹ Thị thì chỉ nói: “Thỉnh thoảng nhớ về chơi với mẹ nhé.” Thị vâng dạ rồi rưng rưng bước lên xe. Các em mang cho bao nhiêu là vải thiều rồi gà quê nữa chứ. Chuyến đi ấy chỉ là sáng đi chiều về thôi.


Lần thứ hai là Thị đi thăm gia đình bạn cũ ở Hà Nội. Lần này Thị đi xe máy, do một cô bạn chở chứ Thị có biết đi xe máy bao giờ. Đến cả cái xe đạp điện mà Thị còn chả đi nổi nữa là. Chuyến đi này, Thị chỉ định thăm lại thân mẫu ( Thị vưỡn gọi là U) của người bạn thân nhất với Thị thời sinh viên chút thôi. Nhưng biết tin này, bạn Thị và các em tập hợp đông đủ đón tiếp Thị niềm nở lắm. Mừng nhất là: dù đã ngoài chín chục tuổi rồi, lại mấy chục năm qua không gặp Thị, thế mà khi Thị vừa đến U đã hỏi: Cái Thu hở? Thị tròn mắt ngạc nhiên: U vẫn nhận ra con sao? Các em bảo: Từ hôm qua, biết tin chị sẽ về chơi, U cứ ngóng mãi và còn bảo : Con bé Thu thời sinh viên vẫn về nhà mình vét cơm nguội đấy. Giờ nó nhớ cơm nguôi nên lại về hả? Thị ôm lấy U thỏ thẻ:

-U vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn thế này thích thật.

U bảo : "chả khoẻ đâu, ốm đau luôn đấy. Được cái các em nó chăm lắm, thích ăn gì cũng có, chả khổ như ngày xưa." Sau màn hàn huyên là tổ chức ăn uống. Các em làm phở rồi nướng chả nữa chứ. Một đống củi to được đốt lên để lấy than nướng chả. Bọn Thị thi nhau chụp ảnh. Nào là chụp chung với U, chụp toàn thể. Nào là chụp đôi, chụp ba, chụp tuỳ hứng. Lửa cháy rừng rực, ai nấy thi nhau nhảy múa quanh đống lửa để chụp ảnh. Rồi lại chụp trong vườn bưởi với đủ các kiểu nâng bưởi, hứng bòng hoặc lấp ló trong các nhành bưởi, cứ loạn hết cả lên. Ai ai cũng tưng bừng hớn hở như con nít đi hội vậy. Vui quá trời vui luôn! Tối đó Thị và cô bạn đi cùng ngủ lại một đêm rồi sáng mai ra chợ Mỗ lượn một vòng mua bán cái này cái nọ . Trưa hôm đó, Thị chào U và các em rồi cùng cô bạn qua nhà con gái Thị ở Hà Đông.Cơm nước xong và nghỉ ngơi đến chiều mới trở về Sao Đỏ.

Chuyến đi gần đây nhất của Thị là sang thành phố Hải Dương thăm bạn, cũng là bạn cùng lớp thời sinh viên. Tuy Hải Dương cách nhà Thị chưa đến bốn chục km và đường xá đi lại cũng rất thuận tiên; Chỉ cần ra đầu đường bước lên xe buýt là vài chục phút sau sẽ có mặt tại nhà bạn rồi. Thế nhưng Thị và bạn cũng hơn chục năm nay chưa gặp nhau. Chẳng phải các Thị không thân yêu quý mến nhau mà là rất thân rất quý và thậm chí trong thâm tâm ,Thị còn hàm ơn cô bạn này vì bạn đã giúp Thị lúc Thị khó khăn nhất. " Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là thế đấy. Lý do mà bọn Thị ít gặp nhau là vì Thị bị say xe còn bạn Thị thì bận chăm chồng, chăm cháu nên không dứt ra mà đi được. Cách đây chừng hơn tháng, có mấy bạn cùng lớp thời đại học ghé thăm nhà Thị, Thị có gọi điện mời bạn về tụ tập cho vui. Nhưng bạn than là: ốm đau, bệnh tật đầy mình nên chả đi được. Thị thương bạn lắm, muốn sang chơi ngay song chưa có điều kiện. Vì thế lần này khi nhờ được người chở, Thị quyết tâm đi ngay, dù trời hôm đó vừa mưa vừa rét buốt ghê gớm. Sợ Thị không nhớ lối vào nhà, bạn Thị che ô ra tận đường lớn đón. Gặp vợ chồng bạn Thị vừa mừng vừa tưng tức lạ. Mừng vì thấy bạn Thị vẫn mạnh khoẻ, trẻ trung và nhanh nhẹn. Tưng tức vì gọi điện lần nào bạn cũng than vãn về bệnh tật. Cứ ngỡ là bạn yếu ớt xụng xịu cơ. Vốn "ruột để ngoài da" Thị vừa ôm chầm lấy bạn vừa đấm thùm thụp vào lưng bạn mà nói ra cái suy nghĩ ấy của mình. Bạn phân bua rồi đem cả đống thuốc men ra trình bày và nói: trông mẽ ngoài thế thôi chứ bệnh đầy mình đây này, nào tim, nào huyết áp lại còn dạ dày và thoát vị đĩa đệm nữa Đi đâu cũng phải mang thuốc đi theo đến khổ. Bạn đưa Thị vào nhà, lấy máy sấy ra cho Thị hơ chân, hơ tay rồi rót nước nóng cho Thị uống. Chồng bạn là một Đại Tá về hưu nhưng hiền khô thấy bọn Thị tíu tít thì chỉ cười rồi nói: Thôi mời các nàng ra dùng bữa. Ối trời, một mâm cơm thịnh soạn đã bày sẵn rồi: Nào thịt gà, thịt bò, gan lơn, trưng chim cút, giò, đậu, nào rau cải, rau ngải...và một nồi lẩu đang sôi sình sịch chỉ chờ khách cùng chủ thưởng thức. Ăn xong, nghỉ ngơi trò chuyện trên trời dưới biển rồi chiều hôm đó Thị rút quân. Bạn cho bao nhiêu là quà và hứa sẽ đến nhà Thị chơi.

Một chuyến đi đem lại cho Thị nhiều trải nghiệm thú vị và những ấn tượng khó quên nhất là chuyến đi Sài Gòn dự đám cưới con một cô trò cưng của Thị. Đó không chỉ là chuyến đi xa nhất trong đời Thị từ trước đến nay mà còn là một chuyến đi thật vui thật lạ và thắm thiết tình nghĩa cô trò. Thực lòng, chưa bao giờ Thị nghĩ tới việc sẽ có một chuyến đi như thế. Khi nhận được thiệp mời qua mạng và lời mời qua điện thoại Thị đã từ chối ngay với lý do Thị vốn say xe và chẳng dám đi đâu xa như thế bao giờ. Thị còn viện cả cái lý rằng các con đưa đi du lich Nha Trang Thị cũng không dám đi kia mà. Nhưng cái cô trò cưng đó đã nói với Thị thế này: " Cô ơi...các em mời cô đi, cô không đi lần này thì còn có lần khác, không đi nơi này thì sẽ đến nơi kia. Nhưng em chỉ có một niềm vui lớn lao, niềm hạnh phúc duy nhất này trong đời thôi nên em muốn được chia sẻ với những người quan trọng nhất, thân thương nhất của em.Mà trong số những người đó, cô là người đầu tiên em nghĩ tới. Cô đừng từ chối em nha cô. (Chả là vợ chồng em ý chỉ có duy nhất một cô con gái thôi mà). Em còn nói: Em đã nhờ mấy bạn lớp mình đến đón cô đi cùng và em cũng đã mua vé máy bay rồi cô ạ. Thị suy nghĩ nhiều lắm: Không đi thì phụ tấm chân tình của trò mà đi thì lại làm phiền trò phải tốn kém thêm. Thị đem suy nghĩ ấy nói lại với ông xã, chàng khuyên Thị nên đi. Các trò ở đây cũng động viên và mong muốn Thị đi cùng. Thế là Thị quyết định lên đường. Xe đón tận nhà để đưa Thị lên sân bay Nội Bài; Bài thuốc chống say xe cũng được các trò chuẩn bị chu đáo. Thị lên xe đi Nội Bài và lạ chưa Thị chẳng hề say xe chi hết. Còn máy bay thì Thị đã đi một lần và không say rồi nên Thị yên tâm lắm. Khoảng 22h thì đến sân bay Tân Sơn Nhất, trò đã bố trí xe ra đón rồi. Nhanh thật đấy, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ Thị đã đi dọc cả chiều dài đất nước mới khiếp chứ và người Thị vẫn khoẻ khoè khoe đây này. Trò cưng của Thị là một cô nàng xinh đẹp, dáng chuẩn như người mẫu, rất điệu đà nhưng cũng rất đảm đang, vừa dịu ngọt nhu mì lại vừa rất mạnh mẽ, cứng cỏi. Chả thế mà vẫn phải đảm đương công việc quản lý nhà nghỉ em vẫn tự tay nấu nướng mấy mâm cơm khách với các khẩu vị của khách Bắc, khách Nam khiến ai thưởng thức cũng phải công nhận là thơm ngon, nóng sốt và hợp khẩu vị vô cùng. Đêm đó cũng là đêm đầu tiên Thị được ngủ chung với các trò. Cô trò rì rầm hết chuyện nọ đến chuyện kia chừng độ gần 3h sáng mới chợp mắt. Thế mà ngay sáng hôm sau cô trò Thị lại cùng đi ngoạn cảnh luôn. Chỉ 3 ngày ở Sài Gòn mà cô trò Thị vừa dự lễ đính hôn, lễ cưới lại vừa thăm thú được rất nhiều nơi của Hòn ngọc viễn đông. Nào là chợ bến Thành, nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ, hầm Thủ Thiêm, cảng nhà Rồng lại còn cả dinh độc lập và công viên Đầm Sen nữa chứ. Ấn tượng của Thị về thành phố Sài Gòn là những con đường rợp bóng cây cổ thụ to và thẳng tắp, những con người Sài Gòn phóng khoáng thẳng thắn vui vẻ nhiệt tình và cả cái văn hoá bán hàng của con người nơi đây cũng nhẹ nhàng thanh lịch hơn ngoài Bắc. Song có thể nói điều thú vị nhất với Thị trong chuyến đi này là lần đầu tiên Thị được dự một lễ đính hôn và lễ cưới lộng lẫy, sang trọng đến nhường ấy. Cái sang trọng đến choáng ngợp không chỉ ở hàng trăm triệu tiền hoa tươi màu sắc thanh nhã, đẹp đẽ, hay ở các món ăn ngon, lạ ; ở những người phục vụ chuyên nghiệp, ở cách tổ chức lễ cưới nhịp nhàng, trang trọng vừa đủ các nghi thức vừa rất hấp dẫn mà còn ở trang phục của cô dâu chú rể cùng gia đình cô dâu thì càng tuyệt vời hơn. Có thể nói những trang phục ấy vừa trang nhã lại vừa rất kiêu sa sang trọng.            

Từ tận đáy lòng Thị thầm cảm ơn các trò đã thiết kế cho Thị có một chuyến đi thú vị này. Trong nghề giáo của Thị liệu đã mấy ai có được niềm hạnh phúc to lớn như thế. Âu đó cũng là cái duyên với nghề , với trò mà Trời Phật đã ưu ái ban cho Thị chăng? Thị chỉ biết cầu mong cho các trò của mình luôn vui khoẻ, hạnh phúc và gặp nhiều điều tốt lành trong cuộc sống. Thị sẽ bên các trò trong suốt cuộc đời này để yêu thương chúng và được chúng yêu thương




Sao Đỏ 31-12-2017

Song Thu



Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

GẶP MẶT ANH EM RỂ





Nhà Thị có 5 chị em gái, chỉ mình Thị lấy chồng xa . Năm anh em rể bàn nhau cứ mỗi năm một người đăng cai tổ chức gặp mặt anh em rể một lần vào đúng ngày cưới của mình. Lần này tổ chức ở nhà Thị vào đúng dịp kỉ niệm 35 năm Thị sống chung với lũ rồi.
Mấy hôm trước, con dâu út điện về nói: Năm nay chúng con dự định tổ chức lễ kỉ niêm của bố mẹ ở khách sạn, có đặt phông trang trí nữa mẹ nhé. Thị rưng rưng cảm động: " Hoành tráng thế cơ à. Được các con lo chu tất như vậy bố mẹ rất vui" Tuy nhiên sau đó, vợ chồng Thị bàn nhau và thấy không cần thiết phải tổ chức hoành tráng thế làm gì, cứ gọn nhẹ giản dị như mọi năm thôi. Thị lại gọi cho con dâu truyền đạt ý kiến đó. Con dâu nói rằng: Tuỳ bố mẹ quyết định như thế nào thì chúng con sẽ lo chu tất như thế đó ạ. Thế rồi hai mẹ con thị bàn bạc cụ thể chi tiết lắm. Nào là sẽ tuỳ theo số người tham dự và sở thích chung của mọi người rồi sẽ tính xem làm bao nhiêu mâm hoặc ăn những món gì. Cố nhiên là đặt ở nhà hàng hoặc gọi nhà hàng mang đến nhà...
Sau khi nắm được quân số tới dự, tối hôm trước, Thị đã sửa soạn mâm bàn bát đĩa đủ cho ba mâm và yên trí làm một giấc ngon lành
Sáng nay, khi vừa mở mắt ra chứ chưa kịp rời chăn ấm nệm êm thì chợt nghe chuông điện thoại reo. Ngó vô thấy số lạ hoắc thì thoáng chút ngỡ ngàng. Nhưng rồi cũng nghe máy. Tiếng một nam nhân rất trẻ hỏi: " Chị là chị Thu đúng không ạ? Có người gửi quà cho chị, nhờ em mang giùm, chị chỉ đường cụ thể để em chuyển tới ngay đây ạ. Hồi hộp. Rung rinh. Thị run run chỉ đường rồi quay ra nói với chàng: "Chẳng biết ai gửi quà cho mình anh ra nhận cùng em rồi chụp ảnh người tặng quà đi". Chàng bảo : "Biết là quà gì mà chụp ảnh. Thôi em tự ra nhận đi" Thị mặc quần áo rồi ra đầu ngõ đón. Sau vài phút chờ đợi, bỗng có một chiếc xe con 4 chỗ màu đen biển số 19 đỗ sịch lại và một thanh niên khá trẻ bước xuống giọng từ tốn:
- Cô là cô Thu ạ?
- Vâng, tôi đây
Thế rồi chàng trao cho Thị một hộp bánh sinh nhật.
Thị hỏi:
- Ai gửi quà cho tôi vậy?
- Người đó không muốn cháu nói tên ạ.
Thị nhận quà và cám ơn. Tuy chưa mở ra nhưng Thị cũng đã lờ mờ đoán ra là ai gửi quà rồi. Thị thầm cám ơn cô em tinh tế, chu đáo luôn biết quan tâm và tạo cho Thị những bất ngờ thú vị. Thị mang bánh vô nhà và gọi điện cho nàng nhưng nàng không bắt máy. Ngay sau đó Thị lại nhận được lẵng hoa chúc mừng của con gái và con rể gửi về. Thị hớn hở ra mặt. Mọi việc chuẩn bị như thế là hoàn tất, chỉ còn chờ đón khách nữa thôi. Bất chợt chồng Thị cầm đàn và đàn luôn BẢN TÌNH CA của Hoàng Việt. Thị tức hứng nảy ra mấy câu văn vần, khoe với chàng và mặc cả: " Lát nữa sau khi em đọc bài này thì anh đàn bản tình ca này nhé. Chàng đồng ý ngay.
Ít phút sau, nghĩa là mới hơn 7h khách đã tới. Ban đầu là mấy anh em rể, chị em gái, rồi tiếp đó là cả thân mẫu của Thị cùng mấy cậu em trai nữa chứ. Thị mừng quýnh lên. Ôi trời , các em Thị lại còn mang tới cho Thị bao nhiêu là cam Vinh và cam canh nữa chứ. Thị vừa tíu tít tiếp đón vừa chia quà cho con cháu và mấy bà bạn hàng xóm. Vui thật là vui luôn.
Bi giờ, Thị sẽ khoe cả bài văn vần đó và một vài hình ảnh buổi gặp mặt anh em rể nhân dịp 35 năm Thị sống chung vỡi lũ đây:

KỈ NIỆM 35 NĂM CHUNG SỐNG
Ba nhăm năm chẵn mình ơi
Đắng cay đã trải ngọt bùi đã qua
Vẫn là mình vẫn là ta
Tình yêu mãi mãi không già đâu anh
Các con đã có gia đình
Ta cùng mình sống yên bình bên nhau
Gió sương gội trắng mái đầu
Nắm tay cùng hát một câu chung tình

Sao Đỏ: 24-12-2017
Song Thu

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

TỪ NHÀ - RA PHỐ - LÊN CHÙA

(Chiều nay, ông xã về quê xây nhà thờ họ, một mình ở nhà, mở máy tính ra định viết cái gì đó. Chợt thấy bài viết này từ dịp lễ Vu lan, cách nay mấy tháng rồi. Chỉnh sửa lại một vài câu từ rồi đưa lên mạng. Coi như một minh chứng cho sự "cầm tinh cụ Kim Quy" của tôi đây.)


Tôi mắc một căn bệnh trầm kha là: yêu nhà tôi quá thể. Chẳng thế mà, tôi chả thích đi đâu bao giờ, chỉ thích quanh quẩn ở nhà thôi. Nếu có việc gì đó phải về bên nội hay bên ngoại, tôi chỉ muốn mau mau chóng chóng để trở về nhà mình. Xa nhà một vài hôm là tôi đã nhớ quay nhớ quắt, đến nỗi ăn không ngon ngủ không yên. Lần xa nhà lâu nhất của tôi là hơn một tháng lên trông cháu trên Hà Nội. Tôi buồn nhớ ngẩn ngơ và sút mất mấy kg luôn dù các con rất hiếu thuận và công việc chăm cháu cũng chẳng vất vả gì. Có lần con dâu nói với tôi: “ Bây giờ bố mẹ cao tuổi rồi hãy lên đây ở với chúng con để chúng con chăm sóc”. Tôi giẫy nảy lên ngay: “ Bố, mẹ chỉ thỉnh thoảng lên thăm các con thôi còn lên ở hẳn thì không đâu. Khi nào nằm liệt rồi thì các con muốn đưa đi đâu cũng được chứ còn tự phục vụ được thì bố mẹ chỉ ở nhà mình thôi” Tệ hại hơn nữa là vì yêu ngôi nhà và nơi ở hiện tại của mình mà tôi chẳng màng đến chuyện tham quan du lịch chi hết. Các con mời đi du lịch nơi đâu tôi cũng không đi. Trong thâm tâm tôi luôn cho rằng chẳng ở đâu bằng ở nhà mình.
Hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng : Nhà của tôi chắc đẹp lắm. Xin thưa rằng 100 lần không, 1000 lần không phải vậy. Nhà tôi không phải là biệt phủ cũng không phải cao ốc và càng không phải là một khuôn viên sang trọng gì. Nó nguyên vẹn là một căn nhà cấp bốn mái chảy, lợp ngói xi măng. Tuy cũng có sân gạch, vườn cây nhưng sân không quá rộng và cây cối cũng không có cây gì quý hiếm cả. Cách đây vài năm, tôi đã làm một bài văn vần tả về ngôi nhà của mình như sau:
Nhà ta nằm trong thị xã
Vẫn có tre xanh vườn ao
Sớm bắt ốc bươu thỏa thích
Chiều nghe chim hót xôn xao

Nhà ta nằm trong thị xã
Nhưng không cao ốc tầng tầng
Giản dị tường vôi mái chảy
Tiện nghi tạm đủ vừa dùng
Vài ba chậu hoa cây cảnh
Không hề uốn phụng tỉa long
Cứ để tự nhiên dân dã
Mà tươi tốt suốt năm ròng…
Ngoài “căn bệnh yêu nhà tôi quá thể”, tôi còn mắc một căn bệnh nữa cũng không kém phần trầm trọng, đó là: ẩn tinh cụ rùa. Vì thế mà chỉ có việc quét dọn nhà cửa sân ngõ với nấu ăn ba bữa cho hai vợ chồng thôi, tôi cũng hì hụi suốt ngày rồi, chẳng còn đi đến đâu được nữa. Thậm chí cả năm tôi cũng chẳng ra đến chợ to Sao Đỏ mấy khi. Dù chợ đó chỉ cách nhà tôi hơn 1km. Ngay cả cái chợ con gần nhà, tôi cũng hiếm khi lui tới. Tôi chỉ mua đồ ăn qua điện thoại là chính. Đến cái siêu thị cách nhà dăm bảy trăm mét mở hàng năm rồi, tôi cũng mới ghé qua một đôi lần gần đây. Con dâu chưa có ý kiến gì nhưng con gái thì bảo: “ Mẹ phải đi chợ, ra phố thường xuyên cho nó nhanh nhạy hơn chứ cứ ở nhà thế này thì trì trệ mất thôi”. Tôi nghe vậy và biết vậy chứ cũng không có ý định thay đổi nếp sống của mình.
Ấy thế mà, ba ngày nay, ngày nào tôi cũng đi từ sáng sớm đến tận trưa rặt ra mới về thì có lạ không kia chứ. Đến tôi còn thấy lạ về chính tôi nữa là. Nhưng thực ra, sự thay đổi nào cũng đều có lý do của nó cả chứ chẳng phải bỗng dưng bỗng deo gì. Chả là thế này: Có một ngôi đền thờ Liệt sỹ cách nhà tôi vài ba trăm mét, mới khánh thành cách đây mấy tháng, nghe mọi người nói là đẹp lắm, bề thế lắm. Tôi cũng lăm le định ra tham quan mấy lần rồi nhưng chưa đi được. Một hôm, ông xã về nói rằng bà bạn bên hàng xóm báo là mai có buổi cầu siêu cho các vong hồn liệt sĩ ở đền thờ. Nếu em đi cùng Hội “ Bát cháo cửa thiền” thì 7h sáng mai có mặt tại đó. Nếu không đi sớm được thì 8h ra cũng không sao. Gớm, “nhanh” như tôi mà đòi xong công việc buổi sáng để ra cùng hội có mà trời sập. Thôi tôi cứ cố gắng ra vào lúc 8 h vậy. Nhưng lại nghĩ, ra một mình vào lúc đó thì cũng dơ, tôi bèn điện thoại rủ cô bạn vong niên đi cùng. May quá, em ấy hưởng ứng nhiệt tình luôn. Thế là sáng hôm sau, cũng phải hơn 8h, tôi và em mới khởi hành.
Chúng tôi đến cổng đền thờ và thấy vắng hoe. Nghĩ rằng họ tổ chức bên cung văn hóa cạnh đấy nên rẽ sang. Gặp các bà trong Hội “ Bát cháo cửa thiền” đang lau dọn, quét tước thì ngại quá. Vì mình cứ nghĩ là đi dự lễ cầu siêu nên ăm mặc chỉnh tề lắm lại còn đi dép cao gót thời trang nữa chứ. Chúng tôi bèn đi thẳng vào hội trường, gặp ngay một cô học sinh cũ phụ trách phần lễ hội trong các di tích đang ỏ đó. Hỏi ra mới biết sáng nay mọi người đi dọn dẹp để chuẩn bị cho buổi chiều tổ chức lễ hội Phật giáo tại đây. May mà cô trò cũ của tôi cũng tế nhị để chữa thẹn cho chúng tôi, em nói: “ Mời cô và chị sang đền thờ Liệt sỹ thắp hương và chiều về đây dự lễ hội Phật giáo ạ". Chúng tôi bắt tay em rồi sang bên đền tham quan và thắp hương.
Ngôi đền tọa lạc ngay sát mặt đường 18, với một khuôn viên rộng chừng hơn mẫu Bắc bộ. Cửa đền quay ra phía quảng trường và hồ Mật Sơn rất thoáng đãng. Cổng đền cũng được kiến trúc mái cong rất đồng bộ với kiến trúc ngôi đền. Bước qua cổng đền là đến một khoảng đất khá rộng rồi lên tiếp mấy bậc nữa thì mới tới sân trước cửa đền. Bên trái sân là một ngôi nhà để khánh, bên phải tương xứng có một ngôi nhà để chuông, ngay cửa đền là một lư hương lớn. Dẫu mới khánh thành nhưng hai bên cạnh đền đã được trồng những cây đại khá lớn, nở hoa trắng muốt với nhụy vàng tươi . Xung quanh đền là hàng cây tường vi còn loáng thoáng mấy bông hoa màu hồng rất đẹp. Lại lên tiếp những bậc đá hoa nữa mới vào đến trong đền. Gian chính giữa là một hậu cung, có ban thờ lớn với đầy đủ đồ thờ bằng đồng sáng bóng. Trong cùng ban thờ là tượng Hồ Chủ tịch cũng bằng đồng, phía trên tượng Bác là câu nói của Người: “ KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠI ĐỘC LẬP TỰ DO”. Hai bên cạnh ban thờ là một dãy bia ghi danh sách các liệt sĩ của từng xã, phường. Nền bia bằng đá hoa cương màu đen xám và bóng. Họ tên, năm sinh và năm mất của từng liệt sĩ được ghi bằng màu vàng rất trang trọng và nổi bật. Tuy vậy tôi cứ thắc mắc mãi mà chưa hiểu vì sao khi ghi danh sách các liệt sĩ trên bia người ta lại phân ra thành các mục: Chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ Quốc. (Gia đình tôi cũng có hai liệt sĩ được ghi trong phần bảo vệ Tổ Quốc. Đó là chú em ruột của ông xã tôi và thằng cháu con ông anh họ. Cả hai đều hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1978 và 1979). Tôi nghĩ đã phân chia theo tiêu chí chống kẻ thù thì cứ chống kẻ thù nào là ghi rõ kẻ thù đó chứ phân chia thế này chẳng lẽ những người chống Pháp và chống Mỹ không phải là bảo vệ Tổ Quốc sao? Hay là những người hy sinh trong mục bảo vệ Tổ Quốc ấy chẳng chống lại kẻ thù cụ thể nào? Thật không sao lý giải nổi! Rõ là ngày đầu ra phố của tôi đã có cái để phải suy nghĩ rồi. Tối đó tôi đang mang những suy nghĩ của tôi ra kể với ông xã thì cô bạn vong niên gọi điện đến bảo rằng: “ Nhân dịp lễ Vu Lan này, ngày mai trong chùa Côn Sơn tổ chức làm lễ cầu siêu đấy, chị có đi thì em sẽ chở đi” . Tôi bằng lòng ngay. Vì từ bé đến giờ tôi chưa đi dự lễ cầu siêu bao giờ. Với lại, nhân dịp này tôi cũng muốn vô chùa thành tâm lễ Phật và cầu cho vong linh gia tiên tiền tổ.
Sáng hôm sau khoảng gần 8h, tôi với em lại lên đường. Chùa Côn Sơn, tức chùa Hun, cách nhà tôi chừng 6 km. Ngôi chùa tọa lạc ở vùng rừng núi Côn Sơn, nơi có hồ nước trong xanh, rộng mênh mông, lại có thông reo vi vút, suối chảy rì rầm, nơi Anh Hùng dân tộc, danh nhân Văn hóa, Nguyễn Trãi từng về ở ẩn thuở xưa. Đang từ nơi phố thị ồn ã, bụi bặm, vô tới đây cảm thấy yên lành thư thái lạ. Tôi hít căng lồng ngực bầu không khí của núi rừng và mở rộng tầm mắt để ngắm cảnh non xanh nước biếc mà thấy như mình đang trở về ngày xửa ngày xưa. Vào tới sát cổng chùa mới thấy những hàng quán cũng khá phong phú. Nào quán ăn, quán giải khát, hàng bán quần áo tạp hóa, lại còn có cả hàng bán sách nữa. Tuy nhiên các hàng quán cũng không ồn ào tấp nập như ở phố và người bán hàng cũng chỉ mời mọc khách mua rất nhẹ nhàng từ tốn chứ không chèo kéo gì. Tôi ghé vào mua một bộ quần áo dài màu gụ để mặc trong những dịp đi lễ bái đâu đó và một bộ quần trắng áo dài vàng in hoa sen cùng chiếc váy hoa đỏ về cho cô cháu nội ba tuổi, giá cả ở đây cũng rất phải chăng thậm chí là khá rẻ nữa.
Sau đó chúng tôi vào một khu nhà ngang của chùa để nộp tiền làm lễ cầu siêu. Một bà thu tiền, một cháu gái chừng dưới 30 tuổi, giúp chúng tôi ghi danh sách, ngày tháng năm mất của những vong linh trong gia đình. Rồi bà thu tiền bảo: Mai các bà vào dự lễ chứ? Chúng tôi cùng đáp: Vâng ạ. Tôi thấy rất nhiều bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo và mọi người đều tay dọn dẹp ai vào việc ấy rất nhịp nhàng lặng lẽ chứ không ồn ào xô bồ. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi cô bạn đi cùng:
- Sao ở đây cứ như chuẩn bị tiệc vậy em?
- Thì mai mời các phật tử cơm chay mà chị?
Thế rồi hai chị em tôi dạo một lượt để tham quan và chụp ảnh và trở về nhà. Qua bãi lấy xe, trở ra một đoạn nữa, tôi thấy một chiếc ô tô đậu sát barie và mấy chiếc xe máy nữa. Mọi người xuống mua vé vào cổng, mỗi vé 15000đồng. Có bao nhiêu hành khách trên ô tô hoặc trên xe máy thì phải mua bấy nhiêu vé. Ngạc nhiên quá, tôi lại hỏi cô bạn đi cùng:
-Sao hồi sáng chị em mình vào không phải mua vé nhỉ?
- Chị không nghe em nói với người gác cổng là chúng tôi vào nộp tiền làm lễ cầu siêu à?
- Có. Nhưng sao?
- Vì đi làm lễ thì không phải mua vé còn đến tham quan thì phải mua. Chị lạ lẫm vậy sao?
- Thế ở nơi tham quan nào cũng vậy ư?
- Không, em đi nhiều nơi rồi nhưng chỉ thấy ở đây bán vé vậy thôi.
Trên đường về tôi cứ miên man suy nghĩ mãi về vấn đề này mà quên cả ngắm bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của rừng Côn Sơn và đập rừng Sành, nơi mà ban sáng khi vưa tới đây tôi đã thấy khoan khoái biết bao nhiêu.
Tới cổng nhà, cô bạn bảo: “ Chị về nhé, em bận chút việc nên không vào chơi nữa đâu. Mai chuẩn bị sớm, khoảng 7h em đến đón đấy”. Tôi vô nhà, ngó đồng hồ đã thấy 12h30 rồi.Không biết do ông xã tôi vốn dễ tính hay tại tôi ít đi mà thấy tôi về muộn vậy chàng cũng chẳng khằn khò gì. Tôi bảo, “ muộn rồi, em không nấu cơm nữa, nấu mì ăn tạm nhé”. Chàng cũng chỉ gật đầu và nói: “Tùy em, anh thế nào cũng được”.
Y hẹn, hôm sau em lại đến đón tôi. Hôm nay chúng tôi mặc bộ đồ nhà chùa hẳn hoi. Khi chuẩn bị lên đường, ông xã còn bảo đứng bên cổng để ghi hình làm kỉ niệm. Lùng tùng mãi cũng phải khoảng 8h hơn chúng tôi mới xuất hành nên khi tới nơi thì lễ cầu siêu đã xong, chỉ còn dự lễ Vu Lan thôi. Nếu lễ cầu siêu làm ở trong chùa thì lễ Vu Lan lại tổ chức ở sân chùa, có trang trí phông nền, loa đài , bắc rạp và có ghế ngồi đàng hoàng. Lễ được tổ chức long trọng, có cả cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ quản lý các di tích trong vùng tới dự. Lại có cả các cháu thiếu nhi đến làm lễ dâng hoa và cả các ca sĩ đến hát những bài hát với nội dung của lễ Vu Lan báo hiếu. Người dự lễ đông lắm, phải đến năm,sáu trăm kia đấy. Một điều đặc biệt nữa là ai ai cũng trật tự, thành kính. Mỗi người tới dự đều được trao một bông hồng cài ngực, tùy theo cảnh ngộ của từng người mà họ tự chọn hoa cho phù hợp. Tôi lớ ngớ nên cô bạn đi cùng phải chọn giúp rồi giảng giải cho nghe, cài hoa trắng là sao, hoa đỏ là sao và hoa hồng nơ trắng là sao…Đúng là “ đi một ngày đàng học một sàng khôn” thật!
Sau những màn dạo đầu như giới thiệu đại biểu, lễ dâng hoa và ca hát là đến phần chính. Một vị sư thầy lên truyền giảng về ý nghĩa ngày lễ vu lan. Nội dung bài giảng khá phong phú và sâu sắc. Mọi người lặng phắc lắng nghe ra chiều tâm đắc lắm. Ấy vậy mà tôi thì lại cứ thất vọng mới lạ chứ. Chả là tôi luôn hình dung ra các nhà truyền giáo thường điềm đạm, sâu lắng; ngôn từ nhỏ nhẹ mà thấm thía, lời giảng bình dị mà cao siêu, cái nhìn hiền dịu mà xa xăm bao quát, dáng đi khoan thả mà đường hoàng từ tốn. Thế nhưng thầy giảng ở đây phong thái đi lại có gì đó như vội vã mạnh mẽ quá, giọng nói to và cứng đã thế phát âm lại ngọng giữa l và n rất trầm trọng nên tôi thấy thất vọng và buồn lắm . Chắc là tại tôi khó tính quá chăng? Kết thúc buổi lễ mà lòng cứ băn khoăn sao sao ấy. Nhìn đồng hồ đã 10h 30’rồi. Nhà chùa mời mọi người lưu lại dùng cơm chay vào lúc 11h. Phần vì hơi muộn, phần vì trời mưa nên tôi và em quyết định ở lại dùng bữa. Tôi gọi điện về để ông xã tự biên tự diễn. Chàng cũng vui vẻ bằng lòng ngay. Chúng tôi vào chùa thắp hương lễ Phật rồi ra trú mưa nơi một Phật Tử cho mọi người mượn mâm, đĩa đựng đồ thờ cúng và sắp lễ giúp họ. Có lần tôi nghe mọi người kể rằng những người sắp lễ ấy chặt chém đắt lắm. Nhưng hôm nay, tôi lại thấy bà này chẳng thu tiền của bất kì ai. Một số người sau khi thụ lễ xong mang trả mâm, đĩa có biếu bà gói bánh, kẹo hoặc chút hoa quả, bà đều xin và cám ơn rất nhẹ nhàng rồi để tất cả vào một cái thúng. Tôi nghĩ chắc hẳn bà sẽ đem lộc ấy về nhà để chia cho con cháu. Nhưng không, bà nộp hết lại nhà chùa để chia lộc cho mọi người. Bà kể, “ bà đã chấp pháp tại chùa này hơn hai chục năm rồi. Mùa lễ hội nào bà cũng vào đây dọn dẹp và cho khách thập phương mượn đồ đựng lễ. Tất cả các vật dụng này đều do bà tích cóp và sắm dần mỗi năm một ít”. Thấy tôi ngạc nhiên bà lại bảo: “Nhiều Phật tử cũng như vậy cả, mỗi người mỗi việc nên nhà chùa mới sạch đẹp như vầy đấy. Bác nhìn xem, những bà nấu cơm rửa bát kia cũng là tự nguyện cả mà”. Trời đất, thế mà tôi cứ nghĩ đó là những người nấu ăn thuê kia đấy. Vì họ làm việc khá thành thạo và chuyên nghiệp. Có đến hàng trăm mâm cơm chay chứ chẳng ít ỏi gì. Thế mà khoảng 11h là tươm tất cả. Mọi người lục tục tự bưng mâm ra ăn ( 6 người một mâm) không bàn ghế chi hết mà trải chiếu xung quanh sân, thềm nhà chùa.Ăn xong lại tự rửa ráy bát đĩa. Mọi việc cứ đâu vào đấy không chút ồn ã chen lấn xô bồ .
Hay thật đấy! Đúng là những con người có đạo nên sống hiền lương và tận tâm một cách tự nhiên, tự nguyện hơn.

Sao Đỏ : 14-7 năm Đinh Dậu ( 2017)
Song Thu