Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

GIẤU ANH VÀO NỖI NHỚ CỦA EM

( Một bạn nào đó đã gửi cho Song Thu bài thơ này. Song Thu thấy hay, nên mang về đây. Rất tiếc là bạn ý cũng không biết tác giả thi phẩm này là ai. Nếu ai biết xin mách giùm Song Thu nhé)

Có một ngày anh thôi đi về phía em
Ánh mắt, bờ môi không còn da diết cháy
Em sẽ không trách anh đâu. Anh hãy tin là vậy
Chỉ xin một điều được giấu anh vào nỗi nhớ của em.
Chỉ xin một điều được giấu anh vào nỗi nhớ của em
Khi cơn mưa nửa đêm chợt ào qua ngõ
Khoé mắt em cay cay nỗi niềm vô cớ
Con dế trở mình run rẩy gọi người thương.
Sẽ giấu anh vào trăm ngả vấn vương
Rằng gừng cay sao vẫn còn muối mặn
Nơi hạnh phúc bỗng mọc nhành cay đắng
Những ngậm ngùi lại khe khẽ cất lên.
Giấu anh vào khắc khoải trái tim em
Thoảng một cái tên cũng giật mình thổn thức
Nghe tiếng cười quen đã nhói đau lồng ngực
Giấu anh vào nơi không thể nguôi quên,
Cho anh chạm vào thăm thẳm của đêm
Lạnh giá của băng. Cháy lòng của lửa
Buốt nhói sương khuya. Mịt mù giấc ngủ
Cho anh chạm vào nức nở gió mùa đông.
Có những con thuyền không cùng neo đậu một dòng sông
Những hàng cây không chung mùa lá rụng
Những chiếc giường không cùng chung giấc mộng
Chẳng thể chạm vào da diết cõi lòng nhau.
Chẳng thể chạm vào. Nên lặng lẽ mà đau
Xin được giấu anh vào tận cùng nỗi nhớ.
Em vẫn cứ yêu anh dù chỉ còn một hơi thở,
Nhắc suốt đời này cũng chỉ bấy nhiêu thôi...
(Sưu tầm, không rõ tên tác giả)



Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

XƯỚNG HỌA VỚI PHẠM KHẮC UYÊN

 



Trên mạng, nhiều người thích làm thơ Đường luật dạng ngũ độ thanh, bát vận đồng âm. Tôi vốn không thích loại thơ gò bó này nên ít làm. Vì vậy đọc thấy thể loại này thì ngơ ngác lắm. Suy nghĩ mãi chỉ lý giải được bát vận đồng âm, nghĩa là tám từ cuối của 8 câu thơ trong bài đều cùng âm với nhau. Còn ngũ độ thanh là gì thì nghĩ mãi chẳng ra. Bèn đi hỏi bác google và được biết nó là thế này đây:
" Luật riêng của thơ ĐL Ngũ độ thanh như sau:
1) Chỉ viết CHÍNH LUẬT không viết THỨ LUẬT
2) Hai chữ liền kề luôn khác dấu nhau
- Trong mỗi câu (7 chữ) phải chứa ít nhất 5 dấu thanh. Những thanh trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng) không được lặp lại dấu.
- Những thanh bằng liền kề nhau không lặp lại dấu.
1 câu thơ thất ngôn bát cú có 4 thanh bằng 3 thanh trắc hoặc 4 trắc 3 bằng, trong đó:
+ 1 câu thất ngôn bát cú 4 thanh bằng 3 thanh trắc: thì 2 thanh bằng có cùng dấu (không dấu hoặc dấu huyền) không được đứng liền kề nhau, 3 thanh trắc thì tùy nghi mà sắp xếp Sắc – Hỏi – Ngã – Nặng sao cho phù hợp với câu thơ.
+ 1 câu thất ngôn bát cú 4 thanh trắc 3 thanh bằng: thì câu thơ đó phải đầy đủ 4 thanh Sắc – Hỏi – Ngã – Nặng, 3 thanh bằng thì 2 thanh Không hoặc thanh Huyền không được đứng liền kề nhau.
Tóm lại là Ngũ độ thanh đặc biệt chú trọng đảo thanh trong từng câu thơ."
(Thấy bài xướng của
Khac Uyen Pham
làm theo dạng này và nhiều người họa lắm, Song Thu mới nhẩm đọc rồi đối chiếu với luật trên và ngộ ra rằng: bài xướng đúng luật nhưng đa số các bài họa lại không đúng luật. Thế là Song Thu nổi hứng lên thử họa xem sao.
Chao ôi, sau bao nhiêu gạch, gạch, xóa xóa, cuối cùng thì bài họa cũng hình thành. Dung nhan nó đây, mời mọi người xem giúp. Vì lần đầu làm loại bài này, nếu có dở cũng mong độc giả châm chước)
Bài xướng: THẾ THÁI NHÂN TÌNH
(Pham Khắc Uyên )
Quán trọ trần gian huyễn ảo đời
Giăng mù khói tỏa tận trùng khơi
Tiền duyên thổn thức mòn trông đợi
Nghiệp chướng trầm luân mãi chẳng rời
Rải nghĩa chìm tan vào vạn giới
Gieo tình trải rộng đến ngàn nơi
Thu về cảnh vật thay màu mới
Tỏ ngộ hòa không giữa đất trời
Bài họa: TA SỐNG
(
Nguyễn Vũ Song Thu
họa đảo vận bài THẾ THÁI NHÂN TÌNH của Phạm Khắc Uyên)
Ta sống điềm nhiên ở mọi nơi
Vẫy vùng tung sóng biển ngoài khơi
Giao tình tứ hải hằng mong đợi
Kết bạn cùng quê chẳng nỡ rời
Trải vạn nồng cay còn giữ giới
Qua ngàn mặn chát nỏ than trời
Bao người ham thích tu miền Phật
Ta hứng hòa ca tại cõi đời Sao Đỏ :10-10-2020 Song Thu