Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

GẶP LẠI LỚP CHỦ NHIỆM CUỐI CÙNG

Hôm nay, dự buổi gặp mặt kỉ niệm 31 năm ra trường của lớp chủ nhiệm cuối cùng, tôi có mang theo máy ảnh định chụp vài kiểu làm kỉ niệm. Vậy mà khi đưa ảnh lên blog cá nhân xong, bao nhiêu kỉ niệm với các trò chợt ùa về khiến tôi lập tức muốn ghi lại những cảm xúc không mạch lạc, rất xáo trộn nhưng lại vô cùng nồng nàn thân thiết này.
Có lẽ là số phận chăng, mà trong cuộc đời dạy học phổ thông ngắn ngủi của tôi, hai lần làm chủ nhiệm thì cả hai lần đều không được theo lớp đến hết khóa. Lần một, khi học sinh hết lớp 9 ( tương đương với lớp 11) hiện nay thì tôi phải bàn giao cho người khác để quay lại tiếp nhận một lớp chọn văn của nhà trường. Những tưởng lần này cô trò chúng tôi sẽ kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật đến cùng. Nào ngờ, trò mới học gần  hết lớp chín thì cô đã gặp phải một vụ “ Oa- tơ – ghết về tình yêu” nên bị điều chuyển sang trường Ninh Thanh I mãi tận huyện Ninh Giang xa xôi. Cả đời tôi, tôi sẽ không thể quên buổi chia tay đẫm nước mắt ấy. Cô và trò chẳng ai nói một lời nào. Chỉ khóc thôi !
 Sau buổi chia tay đó, tôi có ghi vào nhật kí cá nhân :
Xa rồi ! Ơi lớp 9D
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.
Lại nhớ, cách đây khoảng sáu, bảy năm gì đó, khi lần đầu tiên lớp tổ chức gặp mặt sau 25 năm ra trường, chúng mời tôi tới dự. Lúc đó, em Trần Thị Dung làm trưởng ban liên lạc của lớp.Sau khi tuyên bố lý do, em nói rằng: “ Cuộc đời học sinh của chúng em có rất nhiều các thầy các cô nhưng chúng em đã cùng nhau thống nhất chọn mời cô là chỗ dựa tinh thần cho tổ chức lớp thời  cấp 3 . Mong cô luôn theo dõi, động viên, nhắc nhở chúng em trong cuộc sống từ nay về sau và mong cô năm nào cũng tham dự cuộc gặp mặt của lớp để chúng em thêm vui vẻ và tự tin hơn”. Rồi em mời tôi phát biểu ý kiến.
Nghe vậy, tôi thật sự bối rối. Các em tin yêu, kì vọng vào tôi nhiều đến như vậy ư? Tôi có giúp gì được các em đâu. Thậm chí cuộc sống của riêng tôi, tôi cũng chưa lo trọn vẹn kia mà. Tôi đứng lên phát biểu mà thực tình là tâm sự với các em và nói với chính lòng mình. Tôi xin lỗi các em vì tôi đã không thể theo các em đến hết ba năm học cấp 3, tôi luôn nghĩ rằng nếu lớp mình có ai đó chưa thành đạt là lỗi của tôi. Tôi chỉ mong các em dù ở cương vị nào cũng là một con người tử tế. Tôi muốn làm một thành viên của lớp và muốn các em thật sự coi tôi là bạn để cùng sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống ngay từ giờ phút này.
Thế rồi cuộc gặp mặt lần ấy đã đúng là một buổi tâm tình thật sự. Các em cứ thế nói lên cảm xúc của mình về lớp cũ. Em thì bảo rằng sau khi cô chuyển trường chúng em cứ có cảm giác như mình bị bỏ rơi. Em lại bảo sau đó em chán học lắm. Em khác thì nói hình như có thầy cô còn ghét lớp mình ấy nhỉ? Một em khác thêm vào, ghét là phải vì hồi đó lớp mình cứ như gà lạc mẹ ấy, tan tác rã rời có ai chịu học đâu…Thấy thế, tôi càng ân hận và hình như sắp bật khóc.
Các em nháy nhau rồi chuyển đề tài sang tâm sự chuyện gia đình hiện nay của mình và bàn luận luôn cả về chuyện tình yêu của cô nữa mới chết chứ. Tôi cứ nghĩ là chúng sẽ phê phán tôi, nào ngờ chúng lại bầy tỏ niềm cảm phục về mối tình oan nghiệt và đầy ngang trái của tôi mới lạ chứ. Có em còn nói xanh rờn rằng: Chẳng phải bây giờ mới đủ lớn để hiểu đâu, ngay ngày đó, dù rất nhiều người phê phán cô nhưng chúng em vẫn rất trân trọng và ngưỡng mộ tình yêu của thầy cô.Có em còn cho rằng tình yêu của thầy cô đẹp và lãng mạn như trong tiểu thuyết ấy. Thậm chí có em còn bảo nhất định sẽ viết về chuyện tình đó. Tôi xúc động quá, chỉ biết cám ơn các em về những cảm thông và sẻ chia đó.
 Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những cô cậu học trò bé nhỏ ngày nào nay đã có nhều người trở thành ông ngoại, bà nội, đầu đã hai thứ tóc cả rồi. Có những em đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh hiểm nghèo hoặc vì tai nạn nào đó. Có em cuộc sống khá suôn sẻ, có em lại lận đận gian nan cả trong đời tư lẫn trong công việc. Nhưng rất mừng vì các em đều cố gắng vượt lên chính mình để sống tốt hơn.
Từ độ ấy, mỗi năm các em đều tổ chức gặp mặt nhau vào chủ nhật cuối cùng của tháng ba. Năm nào cũng rất vui vẻ nhộn nhịp. Có những em ở tận bên Đức rồi ở miền Nam hoặc Thái Nguyên mà đều tham gia đầy đủ.
Chung vui cùng các em, tôi mới biết rằng các trò của mình ngày đó cũng ghê gớm ra phết chứ chẳng phải bé bỏng ngu ngơ như thời đang dạy mình nghĩ về chúng đâu. Thì đấy, hôm nay chúng chẳng kể vanh vách rằng bấy giờ chúng đã trồng cây si về nhau như thế nào là gì. Hóa ra lớp mình cũng nhiều tên thích nhau ra trò đấy chứ. Nhưng đúng là tình yêu thủa học trò thật ngây thơ, trong sáng. Như cậu P đấy quá yêu A nhưng cũng chỉ dám vào nhổ lạc giúp để được nhìn cho đỡ nhớ trong kì nghỉ hè. Còn H yêu H vì bạn ở thị trấn làm gì có việc để đến làm giúp nên tối nào cũng đến chơi dù chẳng biết nói chi. Hay C yêu N thì lại vì thấy bạn đẹp quá nên chỉ dám nhìn trộm thôi không dám ngỏ lời vì sợ bị từ chối. Lại còn C thích T lắm mà khi đèo nhau đi thăm nhà bạn, gặp cơn mưa bất chợt, áo T mỏng dính bết vào cũng khiến C vừa thích vừa ngượng ngùng, bối rối đến run cả người lên không thể tả được để rồi đến tận bây giờ nhiều lúc cái hình ảnh và cảm xúc ngày ấy vẫn trở về nguyên vẹn v…v…Bây giờ thì các chàng bạo dạn lắm. Thú tội hết. Còn các nàng cũng chẳng vừa. Khi C thổ lộ điều thầm kín ngày xưa của mình thì N cũng nổ luôn:
- Ngày xưa mi thích ta thế bây giờ còn thích không?
- Bây giờ không những thích mà còn rất thèm nữa cơ
Mấy cô cậu khác nhao nhao xen vào :
-          Đấy C nói vậy, ý N thế nào?
-          N chỉ đỏ mặt lên và cười chứ biết nói sao.
Một nữ quái của lớp đề nghị:
-          Thôi mỗi năm mới gặp nhau một ngày ai thủa trước thích nhau giờ cứ việc khuấy cho đục lầm lên rồi về nhà lại trong veo ngay ấy mà.
-          Tất cả đều cười vui có vẻ tán thưởng. Tuy nhiên sau đó bọn chúng lại bảo nhau rằng:
-          Nói cho vui vậy thôi, mình phải giữ tình cảm trong sạch thì hội lớp mới bền và vui được chứ. Đúng không? Ai nhất trí thì cạn ly
-          Tất cả đều nâng ly lên và đồng thanh hô: Một, hai, ba zô; Một, hai, ba uống!
Tiệc rượu kết thúc,tôi tạm biệt các em, ra về và hẹn năm sau gặp lại. Các trò cứ mời tôi ở thêm chút nữa để đi uống cà phê và hát ka-ra-ô-kê. Tôi vẫn nhất quyết ra về vì muốn trả lại một bầu không khí hoàn toàn bè bạn cho riêng chúng.
                                         Sao Đỏ: 31-3-2013
                                         Song Thu

Một số hình ảnh lớp trong buổi gặp mặt ( sau 31 năm ra trường)

           
















Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

THƯ NGỎ GỬI NGƯỜI THAY ẢNH



Mấy hôm rồi bận chút việc, hôm nay mới vào mạng, chợt thấy ảnh chân dung của mình trên trang trian đã bị thay thế bằng một tấm ảnh ( mình ) khác. Chẳng hiểu ai đá làm việc này? Vẫn biết rằng, người thay ảnh có dụng ý tốt vì muốn đưa lên một tấm ảnh đẹp hơn. Nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi và thấy rằng tấm ảnh sau chỉ là ảnh chụp chơi thôi. Nó có thể đẹp hơn ảnh cũ nhưng là cái đẹp đã qua chỉnh sửa nên độ chân thực không cao. Vì vậy, theo ý riêng tôi  nên dùng tấm ảnh cũ để giới thiệu có lẽ hợp hơn chăng?
            Tôi mong người thay ảnh có thể đổi lại giúp. Tôi trân trọng cám ơn
                                                Vũ Thị Song Thu

           

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

XUÂN PHÂN


        
Ngọt ngào thay tiết xuân phân
Nắng phơn phớt nắng, mây tần ngần trôi
Muôn cây biếc lộc tươi chồi
“ Cỏ non xanh rợn chân trời” thắm xanh
Ngàn hoa khoe sắc long lanh
Đàn bươm bướm trắng lượn vành ngẩn ngơ
Nồm nam êm ả như thơ
Cánh chuồn chuồn chở ước mơ thủa nào
Lưng trời chim én liệng chao
Sáo diều vi vút hòa vào mênh mông
Vẳng trong trời đất vô cùng
Một làn quan họ cho lòng thêm say!
            21 – 3 – 2013
            Song Thu

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

HỌC KHOE



      
Thầy Tuân có cô vợ xoàng
Mà khoe cả xóm, cả làng đấy thôi
Thầy Tuân nhậm chức quan ôi
Mà khoe khắp chốn cùng nơi còn gì
Vườn ao nào có ra chi
Nay khoe cái nọ mai bì cái kia
Su su, mít, ổi, cải thìa
Quả xoài, ngọn bí chụp khoe ầm ầm
Minh Hương cặm cụi, âm thầm
“ Ngăn ô, đổ đất, gieo trồng, tưới vun”
Sáng tạo ra một mảnh vườn
Đẹp như trong mộng khoe làng Tri Ân
Thế mà thầy Đỗ Đình Tuân
Không khen trò được một lần – Còn chê!
Trò ngoan chẳng dám cãi chi
Bất bình tôi mới sẻ chia đôi lời
Học Văn, Hương xuất sắc rồi
Học khoe chỉ xứng trò tồi thầy Tuân
                   Sao Đỏ 14-3-2013
                   Song Thu

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

VỢ LÀ...MẶT TRỜI DỊU ÊM


Lại một ngày nữa của phái đẹp. Hãy cười lên hỡi chị em!
Trước hết cho tôi xin được tạ lỗi trước vợ tôi, vợ bạn và tất cả các bà, các chị phụ nữ... trên thế gian này. Tôi thành thật kính trọng vợ mình và yêu mến vợ thiên hạ. Vì vậy, xin tất cả hãy nhận trước một lời tạ tội của tôi.
... Cứ theo các giáo sư, tiến sỹ mũ cao áo dài,  chữ nghĩa đầy bồ, văn chương đầy sọt  thì nhiều dòng văn học và chẳng có một cái xó xỉnh nào của văn chương mà các vị bỏ qua. Thế nên tôi thật sự ngạc nhiên bởi không hiểu tại sao các vị lại không để ý, lại bỏ quên một dòng văn học  đang hiện hữu trong dòng văn học dân gian với những áng văn nhiều khi còn rộng rãi , quy mô hơn những dòng văn chính thống.
 Cụ Nguyễn Du ngày xưa đã viết « người buồn cảnh có vui đâu bao giờ » để tả về một nỗi lòng trống vắng nào đấy, còn bây giờ ý thơ rõ ràng hơn:
                                    Anh đi nhà cửa lặng yên
                                     Anh về chăn chiếu reo lên ầm ầm .
    Chỉ với hai câu thật hay này đã lột tả được một hình ánh về một người vợ gối chiếc, giường lạnh khi vắng chồng, chồng v, cái chăn, cái chiếu cũng muốn  được chia sẻ niền vui rạo rực của bà chủ.
 Trong dòng văn học nói về vợ không thể không kể đến sự  nể vợ  của đấng mày râu nước nhà :
                                     Ngày xưa sợ vợ là sai
                                     Bây giờ sợ vợ là oai nhất vùng.
         Hay : 
                                     Ngày xưa sợ vợ là đần
                                     Bây giờ sợ vợ muôn phần vẻ vang
 Còn đây nữa , bài thơ  được coi là « Đệ nhất nghe lời vợ » :
                                      Vợ bảo ra đường – ra đường
                                      Vợ bảo lên gường – lên gường
                                     Vợ bảo nằm yên – nằm yên
                            Và cứ thế sống triền miên kiếp chồng
Thật tuyệt ! vợ bảo ra đường, đàn ông chúng ta ai cũng có thể ra đường, vợ bảo lên giường, chúng ta ai cũng có thể lên giường. Thế nhưng khi nào vợ bảo« động đậy» chúng ta mới được « động đậy » thì có lẽ chỉ có nhà thơ        « đệ nhất nghe lời vợ » này mới làm được thôi.
 Không hề nói quá trong những áng thơ văn vì đối với đàn ông, đàn bà bao giờ cũng có một sức hút mãnh liệt  bởi  những nét  xinh đẹp rất dịu dàng cuốn hút :
                                    Tóc vàng mỏ đỏ mắt xanh
                        Gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng
Quả vậy. Nàng chỉ « hòa nhập chứ đâu có hòa đồng » với mùi bia rượu, mùi mồ hôi chua loét của chồng.  Lúc ấy- người nàng vẫn thơm ngào ngạt, ngây ngát vị hương.
  Nàng còn là người giữ  kỷ cương gia tộc. Một nhà thơ đã từng viết về vợ mình như thế này:  
                                    Là trọng tài... mặc váy
                                     Tay lăm lăm cái còi
                                    Ta chưa kịp phạm luật
                                    Y đã...toét lên rồi.
   Đấy, nhất là vào buổi tối,  sau khi quần áo chỉnh tề mà bạn lén đi giầy vào xem, nàng sẽ...toét lên « anh đi đâu đấy? »
Đi mà vung phí cho thiên hạ à. Nộp thuế hẵng, nộp hết. Về khoản thuế khóa các bà vợ chúng ta cũng cực kỳ mềm dẻo nhưng cương quyết
                                     Vợ là cán bộ thuế
                                     Thường đi thu về đêm
                                      Chưa thu quan điểm cứng
                                     Thu xong lập trường mềm .
 Vâng, khi thuế khóa chưa đủ cần phải có quan điểm cực kỳ  cứng rắn để thu, đủ rồi tất phải mềm đi mà chẳng sợ sai lập trường – đó là một điều dễ hiểu nên chúng ta muốn vụng trộm dành để tiêu ngoài thì chớ dại  bất tuân  việc này bởi ngoài cái việc đòi quyền làm chủ... , nàng cũng là người cảm thông và biết chia sẻ, tha thứ. Vợ là tất cả, vợ là muôn năm.
                                      Vợ ơi ! Vợ ở trên đầu
                            Cho nên hiểu hết nỗi sầu lòng ta
Bạn thân mến. Thế là đã có bức chân dung khá đầy đủ về những bà vợ, đó là những người về nhan sắc thì cực kỳ xinh đẹp, về trí tuệ thì ngời ngời như vầng thái dương, về quyền uy -  oai phong như một vị tướng. Cách ứng xử như một chính khách ngoại giao. Chăm sóc chồng như một bảo mẫu với mùi thơm như hoa huệ hoa hồng, về vị thì ngọt như nước cốt dừa khi cánh mày râu đang háo rượu.
            Nhân ngày phụ nữ Việt Nam. Xin được nâng cốc vì các bà vợ của chúng ta :                                 
                                    Vợ ơi ! vợ ơi
                                    Vợ là tất cả
                                    Là mặt trời..dịu... êm
    Song Thu ( Sưu tầm , nguồn: nguoichilinh.com, mục giải trí, thư giãn )

   
 

XEM ẢNH ĐỀ THƠ



  
Khi sang hồ đã hết bèo
Tiếc không được đá, Ngôi trèo lên chơi
Lên chơi vừa được một hồi
Sểnh chân xuýt nữa Ngôi rơi xuống hồ
                   Song Thu

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

NHẬN QUÀ



Sắp ngày mồng tám tháng ba
Lão Ngôi tặng cà ( phê), lão Dự tặng keo ( kẹo)
Kẹo ăn mát họng bao nhiêu
Cà phê uống sáng, cả chiều vẫn thơm
Vòi quà cái lão Tuân còm
Chúm môi lão bảo:  Tặng “ hòm” – Ưng không?
                        6-3-2013
                        Song Thu

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Câu chuyện về ngày hôm nay, hôm qua và ngày mai

Các phương tiện truyền thông VN thời gian nay hay kể chuyện chiến tranh, chuyện “Once upon a time” quá, nói cách khác là “Ăn mày dĩ vãng”. Đọc câu chuyện này thấy rất thú vị, quá khứ dù có đẹp đến đâu cũng không thể thay thế hiện tại và tương lai.

"Một lớp của trường tiểu học Mỹ có 26 học sinh đặc biệt vì chúng đều có những quá khứ tội lỗi: em thì đã từng tiêm chích, em thì đã vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ trong một năm đã phá thai ba lần.

Gia đình đã từ bỏ chúng, các thầy cô giáo và nhà trường cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Cuối cùng, lớp học được giao cho cô giáo Phila chủ nhiệm.

Ngay ngày đầu tiên của năm học, Phila đã không dọa nạt, ra oai với chúng như những giáo viên trước mà cô nêu ra cho cả lớp một câu hỏi sau: “Cô kể cho các em một số điểm trong quá khứ của 3 ứng cử viên như sau:

Người thứ nhất luôn tin vào y thuật của thầy cúng. Ông ấy từng có hai người tình, ông ta hút thuốc và nghiện rượu trong nhiều năm liền.

Người thứ hai đã từng bị đuổi việc hai lần. Ngày nào ông ta cũng ngủ đến trưa, tối nào cũng uống một lít rượu brandy và cũng từng hút thuốc phiện.

Người thứ ba từng là anh hùng trong chiến đấu. Ông ta luôn giữ thói quen ăn kiêng, không hút thuốc, thỉnh thoảng mới uống rượu, thường uống bia nhưng không uống nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp”.

Cô hỏi cả lớp trong 3 người, ai sau này sẽ cống hiến nhiều nhất cho nhân loại. Các em học sinh đồng thanh chọn người thứ 3, nhưng cô giáo làm cho cả lớp kinh ngạc khi trả lời:

Các em thân mến, cô biết chắc chắn các em sẽ cho rằng chỉ có người thứ ba mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy.

Ba người này là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2:

Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường, ông đảm nhận chức vụ tổng thống Mỹ trong bốn nhiểm kỳ liên tiếp.

Người thứ hai là Winston Churchill, thủ tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Anh.

Người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.

Khi cô nói xong, tất cả học sinh đều ngây người nhìn cô và như không tin nổi những gì chúng vừa nghe thấy. Cô giáo nói tiếp:
Các em có biết không, những điều mà cô nói về ba nhân vật này là quá khứ của họ. Còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi họ thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu, vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ. Cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước Ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm nhất trong cuộc đời mình, các em sẽ trở thành những người xuất chúng… “.

Sau khi những học sinh này trưởng thành, rất nhiều người trên cương vị công tác của mình đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào: Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người trở thành nhà du hành vũ trụ. Điều đáng nói là, Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, giờ đây trở thành giám đốc tài chính trẻ nhất của phố Wall".

Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ và hướng thiện, những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều trở thành dĩ vãng. Chỉ cần bạn thực sự chịu trách nhiệm với bản thân, chịu trách nhiệm với tương lai, tích cực nỗ lực để gia nhập vào đội ngũ những người cầu tiến, ngày mai chắc chắn bạn sẽ thành công.
                                     Vũ Thị Song Thu ( Sưu tầm)
                                     Nguồn nguoichilinh.com