Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

NHÂN DỊP KỶ NIỆM 100 NĂM SINH NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ



Bao năm giảng thơ Hàn Mặc Tử, trong tôi đều nảy sinh hai nét cảm xúc đối lập nhau: thích thú và lo sợ. Thích vì mỗi lần soạn bài, tôi lại khám phá ra một điều gì đó khác trước, lại có một cách nhìn hình như mới hơn,lạ hơn về thơ ông. Nhưng lo sợ vì  cách tiếp cận của mình như thế liệu có ổn không và mình phải cắt nghĩa thế nào đây để học trò đồng cảm. Quả là vấn đề không đơn giản chút nào. Có lúc tưởng như đã nắm bắt được rồi lại thấy vẫn hư không. Có lúc chỉ cảm thấy thế mà không thể cắt nghĩa ra được thế. Bởi thơ ông vừa nhòe mờ , biến ảo, vừa sâu thẳm không cùng; đã thấm đẫm hơi ấm nơi  trần thế mà vẫn bâng khuâng vạn sắc chốn thiên đường.
Tôi tìm đọc những bài viết về thơ Hàn Mặc Tử. Khen đã nhiều mà chê cũng không ít. Nhưng vẫn có cảm giác chưa thỏa mãn. Thật khó vô cùng. Duy chỉ có một điều trong tôi bao giờ cũng vẫn đậm sâu một suy nghĩ thơ của Hàn Mặc Tử thật lạ, thật hay và sẽ còn sống mãi với thời gian. Vì thế, tôi rất thích cách đánh giá của nhà thơ Chế Lan Viên về thơ Hàn Mặc Tử:
 “ Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình…Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi và còn lại của cái thời kì này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử” ( Người mới, số 5, ngày 23-11-1940).
Vừa rồi, ngày 21-9-2012, Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã phối hợp tổ chức hội thảo về thân thế sự nghiệp của nhà thơ Hàn Mặc Tử, một hiện tượng độc đáo, đặc biệt của văn học Việt Nam, nhân kỉ niệm 100 năm sinh của ông (1912-2012). Tôi lại có dịp được đọc một số bài tham luận của các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình về thơ Hàn Mặc Tử, đăng trên báo Văn nghệ số 39 (29-9-2012), xin sưu tầm lại đây mấy bài và đưa dần lên blog cá nhân để lưu giữ lại và  để mọi người tham khảo, nếu có hứng thú.
 Bài I :
HÀN MẶC TỬ VÀ MỸ HỌC CỦA KHÁT VỌNG
                             ( Nguyễn Đăng Điệp)   

            Sẽ khó lòng đo ướm và cắt nghĩa thơ Hàn từ những kinh nghiệm thông thường đậm màu lý tính và thiếu vắng đức tin.
            Ảnh hưởng Thiên Chúa giáo đối với thơ Hàn Mặc Tử là một sự thật, có ý nghĩa như một nét trội trong tư duy nghệ thuật thơ ông và là nhân tố quan trọng tạo nên sự mê hoặc và vẻ sang trọng của một cõi thơ rộng rinh không bờ bến (Đỗ Lai Thúy). Nhìn về ảnh hưởng và tư duy tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử một cách rộng hơn, nhiều nhà nghiên cứu lại khẳng định trong thơ Hàn Mặc Tử có sự dung hòa, tích hợp tôn giáo và những tôn giáo ấy, suy cho cùng cũng là để phụng sự và làm giàu cho một tôn giáo khác là thi ca. Thơ là mục đích sống cao nhất của Hàn Mặc Tử, mang đặc tính cứu rỗi và cũng là phương thức để Hàn giao cảm với Thượng Đế. Nhưng hướng về Thượng Đế, Hàn Mặc Tử vẫn “ ngông cuồng” so bì với đấng Tối Cao: “Ta chắp hai tay lạy quý hoàn hảo/ Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian/ Để vừa dâng vừa hợp bốn mùa xuân/ Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế” (Đêm xuân cầu nguyện). Đây chính là chỗ phi thường của Hàn Mặc Tử khiến ông trở thành giáo chủ của Trường thơ Loạn Quy Nhơn và trở thành người “ lạ nhất” của thời đại Thơ Mới.
            Một ai đó đã nói, ám ảnh lớn nhất của con người có lẽ là ám ảnh về cái chết và sự tàn phai. Về thể xác, cơ thể Hàn Mặc Tử đang dần mục ruỗng vì chứng bệnh nan y, nhưng ông lại luôn hướng về cuộc sống bằng cả sức mạnh tinh thần và tình yêu mãnh liệt. Ông đã xây dựng mĩ học khát vọng chính ngay trong trời sâu tuyệt vọng. Mỹ học ấy xuất phát từ niềm yêu sống: “ Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế”. Tất cả những cung bậc cảm xúc, những hoang tưởng nghệ thuật ấy, Hàn Mặc Tử không hề giấu diếm. Ta hiểu vì sao Vũ Ngọc Phan lại có cơ sở để khẳng định: “ Về sự thành thật, có lẽ Hàn Mặc Tử hơn hết cả các nhà thơ hiện đại”
            Bầu khí quyển tượng trưng, siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tử gắn liền ảo giác kì diệu và sự phân thân của chủ thể trữ tình. Cũng như Rimbaud, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ thấu thị mà phẩm chất cơ bản của nó chính là: “ Trong khổ đau không xiết tả, thi sĩ cần có tất cả lòng tin, tất cả sức mạnh siêu phàm, thi sĩ trở thành bệnh nhân lớn, tội nhân lớn, kẻ bị nguyền rủa và đấng uyên thâm tối thượng!- Bởi vì thi sĩ đã trở thành người lạ”. Nhưng khác Rimbaud và cả Baudeaire, tổ sư của chủ nghĩa tượng trưng, Hàn Mặc Tử coi thi sĩ là “ loài thứ ba”, là “ người khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”.
            Đến với Hàn Mặc Tử không nên lệ thuộc quá nhiều vào hệ quy chiếu của các isme nghệ thuật. Bởi lẽ nói như Chế Lan Viên, siêu thực trong thơ Hàn không phải là thứ siêu thực lý tính của châu Âu mà vì “ Anh bị xô vào giữa trận bão , cơn giông, đám cháy, giữa chết chóc, cô đơn, máu lệ nên còn cách nào hơn?”
            Một khi chất liệu vơi cạn, cường độ cảm xúc phai giảm, thơ sẽ hết rung rinh: “ Máu đã khô rồi thơ cũng khô”. Đúng như nhiều người nhận thấy rằng: trăng- hồn- máu là ba kí hiệu “tam vị nhất thể” của đau thương. Sự tranh chấp giữa bóng đêm và ánh sáng, giữa hư vô và ý nghĩa, giữa lực chết và lực sống, cuối cùng đã ngã ngũ. Chiến thắng đã thuộc về người giàu khát vọng và chống chọi đến cùng với nỗi tuyệt vọng. Thời gian định mệnh ngắn ngủi và hữu hạn. Hàn đã mở rộng nó bằng việc xuyên qua các giới hạn không gian mở ra cõi vô cùng. Những tầng không gian ấy có thể cao xa đến tận miền Thượng thanh khí: “ Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc / Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay” ( Trường thọ), có thể là những vẻ đẹp trần thế tinh khôi như là mật ngọt của chốn đau thương. Tại đây, niềm đam mê sự sống hiện lên rất rõ qua màu sắc dục tính và những biến thể của nó trong thơ. Màu sắc ấy từng xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử thời lãng mạn: “ Vô tình để gió hôn lên má/ ta vội kề môi cắn kẻo thèm”, tiếp tục trong Hàn Mặc Tử thời tượng trưng: Em tôi thì hổn hển / Áo xiêm lấm tấm vàng… Hẳn là vẻ đẹp của xuân chín sẽ kém đi nhiều nếu không có nhân lõi bên trong là tình đang chín; nỗi khát khao yêu đương sẽ nghèo đi nếu không có “ hơi thở nhẹ” của tình đời: “ Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió / Tưởng chừng như trong đó có hương” (Muôn năm sầu thảm). Có lẽ,Hàn Mặc Tử là người đầu tiên có những so sánh táo bạo, bất ngờ mà vẫn giữ được sự tinh tế trang nhã theo kiểu: “ Mới lớn lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của ni cô… Những màu sắc dục tinh trong thơ Hàn rạo rực, say đắm nhưng không hề vẩn đục vì nó được Người khách lạ “ dừng lại để hái những tinh hoa”. Tài năng của Hàn Mặc Tử là ở đấy, thanh khiết, cao xa mà vẫn mang hơi ấm trần thế; trần thế nhưng lại có cả vạn sắc thiên đường.
                                                30-9-2012
                                                Vũ Thị Song Thu ( Sưu tầm và giới thiệu)

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

ĐÔI DÒNG PHI LỘ


          Bữa trước, “ lãng tử” Tô Quang “ Vượt lên Lũng Cú- Hà Giang với tình”, mua rượu Bảo Sơn về biếu thày Mạnh và thày Tuân. Cảm tấm tình ấy của trò cũ, thầy Mạnh làm bài thơ “ Gửi Tô Quang”. Nhưng vì lâu nay, thày Mạnh mắt kém không lên mạng được. Bởi thế tôi mạn phép thày Mạnh đưa bài thơ lên trang blog của tôi.

                                       GỬI TÔ QUANG
Trò xưa biếu rượu Bảo Sơn
Rung đùi nhấp chén thơm thơm đậm đà
Còn ai sung sướng hơn ta
Chén tình chén nghĩa mặn mà tình thâm
                                                         27-9-2012
                                                         Đỗ Đức Mạnh
                                     

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

NHÀNH LAN VŨ NỮ


 
Cám ơn bác Tạ Anh Ngôi
Tặng “ Lan Vũ Nữ” xinh tươi lạ lùng
Gió đưa cánh mỏng lâng lâng
Đẹp như thiếu nữ múa rung nắng vàng
                        23-9-2012
                        Song Thu

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

NHÀ TA


                  
Nhà ta ở ngay thị xã
Vẫn có tre xanh, vườn, ao
Sớm bắt ốc bươu thỏa thích
Chiều nghe chim hót xôn xao
Hoa vườn quanh năm rực rỡ
Chủ vườn cần mẫn vun trồng
Luống vừng sai như bện quả
Ổi, xoài chín mọng vàng ong

Nhà ta nằm trong thị xã
Nhưng không cao ốc tầng tầng
Giản dị tường vôi mái chảy
Tiện nghi tạm đủ vừa dùng
Vài ba chậu hoa cây cảnh
Không hề uốn phụng tỉa long
Cứ để tự nhiên dân dã
Mà tươi tốt suốt năm ròng

Nhà ta nằm trong thị xã
Nhưng luôn mở cửa suốt ngày
Chẳng phải bán buôn chi cả
Chỉ là đón khách viếng thăm
Người thân, bạn bè, trò cũ
Rượu, thơ, chia sẻ buồn vui
Chủ khách chan hòa làm một
Râm ran tiếng nói, tiếng cười

Nhà ta nằm trong thị xã
Các con vẫn chẳng đua đòi
Chăm chỉ học hành lao động
Ăn tiêu tạm đủ là thôi
Dù đi đến bốn phương trời
Thì các con ơi hãy nhớ
Ngôi nhà đơn sơ bé nhỏ
Chở che con lớn thành Người
                   Sao Đỏ : 17-9-2012
                   Vũ Thị Song Thu

    
                               



         

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

"BÈO"- MỘT BÀI THƠ ĐẬM ĐÀ Ý VỊ



            Ngay sau nhà tôi có một cái đập lớn. Trước đây, khi còn hợp tác xã nông nghiệp, người ta cho đắp  con đập này để giữ nước nhằm cung cấp cho nhiều héc ta lúa của hợp tác. Đến khi  khoán Mười, con đập vẫn còn thực hiện đúng chức năng của mình. Nhưng từ ngày “ Mở cửa”, diện tích đất nông nghiệp phải thu hẹp lại. Nhiều héc ta lúa của nơi này bị quy hoạch hóa thành khu đô thị. Thế là con đập mất chức năng tưới nước cho ruộng đồng. Người ta lại cho đấu thầu nuôi cá. Nông dân khốn đốn vì mất ruộng còn mọi người ở xung quanh bờ đập thì nhiều phen cơ khổ vì phi vụ đấu thầu này. Bởi người trúng thầu giữ nước quanh năm nên nếu gặp trận mưa lớn là nước không tiêu kịp làm cho vườn tược ngập úng, không cây nào chịu được. Lại còn cảnh ô nhiễm nặng nề, mỗi khi cá chết hàng loạt thì mùi xú uế bốc lên nồng nặc thật kinh khủng. Năm nay  lại khổ vì nạn bèo. Bởi cái giống bèo tây (miền Nam gọi là lục bình ấy) sinh sản nhanh vô cùng. Mới hôm nào, trên đập nước mênh mông chỉ lơ thơ mấy đám bèo xanh ngắt, trông cũng đáng yêu. Sau vài trận mưa, bèo ken kín mặt nước, lá xanh, bông tím, đẹp ra trò. Nhưng người thả cá lại không thích cái đẹp đó của bèo vì nó phủ kín mít như thế thì còn đâu ô xy cho cá thở nữa. Thế là họ thuê người vớt bèo lên. Chao ôi, bèo chất như núi trên đường đi. Thật khổ cho người qua kẻ lại. Nhiều xe máy phải quay đầu tìm lối khác. Chính tôi cũng phải gửi xe ở nhà bên cạnh chứ không thể mang xe qua những núi bèo chết tiệt kia. Thế đã yên đâu. Còn cái mùi hôi của bèo và nước chảy qua cổng vào sân nữa mới thật là khó chịu. Vì thế, mấy hôm nay tôi ghét cay ghét đắng lũ bèo. Cho nên, hôm nay, vào blog Đỗ Đình Tuân, thấy bài “ Bèo”, tôi chắc mẩm là thể nào bác Đỗ cũng sẽ viết về nỗi bực mình với bèo như cảm giác tôi đang phải mang đây. Nào ngờ không đúng. Đó là một bài thơ ca ngợi nhiều vẻ đẹp của bèo rất chân thực nhưng lại tiềm ẩn nhiều ý nghĩa khá lý thú  Bài thơ ấy đây:
                                    BÈO…
                        Hồ nước sau nhà nay hóa sang
                        Hoa bèo phủ kín đẹp miên man
                        Kéo bè kết cánh nhanh hơn muống
                        Sắc thắm vẻ mềm chả kém lan
                        Gà mổ lợn ăn cho thỏa thích
                        Gió dồn sóng dập vẫn hiên ngang
                        Một lòng một dạ theo cùng nước
                        Còn nước còn tươi chẳng thấy tàn
                                                14-9-2012
                                                Đỗ Đình Tuân
            Quả là một bài thơ đường luật, thất ngôn bát cú đã chuẩn về niêm luật lại  không chút gò bó, cầu kì mà dân dã trong ngôn từ, tự nhiên trôi chảy trong mạch thơ. Tác giả  miêu tả chân thật, cụ thể về “Bèo”. Nào là sinh sôi nảy nở nhanh, gắn kết với nhau thật bền chặt “Kéo bè kết cánh nhanh hơn muống”; Lại có  sức sống mãnh liệt, chẳng hề khuất phục trước sóng cả gió to và còn là nguồn thức ăn vô tận cho lũ lợn đàn gà “Gà mổ lợn ăn cho thỏa thích/ Gió dồn sóng dập vẫn hiên ngang”;  Đã có dáng vẻ mềm mại lại có hoa đẹp  mê hồn “Sắc thắm vẻ mềm chả kém lan”  “Hoa bèo phủ kín đẹp miên man”. Tôi rất thích cụm từ “đẹp miên man” trong câu thơ trên. Vì nó không chỉ gợi  vẻ đẹp trải rộng ra mênh mông, kéo dài đến bất tận, một vẻ đẹp tưởng đến không cùng không dứt của bèo mà còn gợi cảm xúc thật thiết tha, thật mê đắm của thi nhân trước vẻ đẹp đó. Cứ tưởng như tác giả đang sà xuống mà ôm ấp, nâng niu rồi xuýt xoa thích thú vậy. Đúng là một cụm từ vừa chân thực, vừa mới lạ lại rất giàu sức biểu cảm!
            Một đặc điểm nữa của bèo được tác giả miêu tả rất giỏi trong hai câu kết bài :
                        Một lòng một dạ theo cùng nước
                        Còn nước còn tươi chẳng thấy tàn
            Đúng là loại bèo tây này sống chết cùng với nước thật. Nếu cứ ở dưới nước thì chúng chẳng bao giờ chết. Nhưng chỉ cần tách khỏi môi trường nước là chúng: hoặc chết khô héo tóp, khi bị tản ra, phơi ra; hoặc sẽ thối nhũn nếu bị ấp lại, ủ vào. Nghĩa đen là như vậy, cố nhiên rồi. Nhưng tôi muốn nói đến cái nghĩa bóng, ẩn đằng sau câu chữ của bài thơ, cái ý nghĩa mà khi đọc bài thơ khiến ta liên tưởng tới. Đó là hình tượng nhân dân, hình tượng đất nước. Liệu có đúng chăng, khi đọc bài thơ này, tôi cứ thấy vẻ đẹp của nhân dân, sức sống của nhân dân, sức mạnh của nhân dân cũng như sự gắn bó sống chết của nhân dân với đất nước non sông?
            Trong thơ văn xưa nay, đã nhiều người sử dụng hình ảnh bèo để nói tới thân phận nổi trôi, lênh đênh, phiêu dạt của con người:
                        Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
                        Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân
                                                ( Kiều- Nguyễn Du)
            Hay:
                        Lênh đênh muôn dặm nước non
                        Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh
                                                ( Bèo- Phùng Cung)
            Nhưng tôi chưa  thấy ai ca ngợi vẻ đẹp của bèo như tác giả Đỗ Đình Tuân. Vì thế, với tôi, bài thơ trên của bác Đỗ đúng là một khám phá mới lạ. Rất chân thực và rất đậm đà ý vị.
                                    Sao Đỏ: 15-9-2012
                                    Vũ Thị Song Thu




   

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Xin kiếu



                                    
            Anh bảo theo anh sướng tuyệt vời
            Nào ngờ cơ cực tấm thân tôi
            Ấm no, hạnh phúc tìm đâu thấy
            Chỉ thấy xiềng gông suốt cuộc đời

            Chỉ thấy xiềng gông suốt cuộc đời
            Vì anh độc đoán quá đi thôi
            Tháng ngày áp đặt và o ép
            Nếu trái ý anh phải “ngậm cười”

            Nếu trái ý anh phải “ ngậm cười”
            Tôi thành cái bóng nhờ nhờ trôi
            Quanh năm lầm lũi câm như hến
            Đi gửi về thưa phải lựa  lời

            Đi gửi về thưa phải lựa lời
            Lưng còng chở nặng tựa lưng voi
            Để anh thỏa sức vung tiền bạc
            Gái gú ăn chơi đặc cụ Giời

            Gái gú ăn chơi đặc cụ Giời
            Nào anh có mất chút mồ hôi
            Nên anh chẳng tiếc dù bạc vạn
            Cứ quẳng bừa vào những cuộc vui

            Cứ quẳng bừa vào những cuộc vui
            Mặc cho thiên hạ họ chê cười
            Nếu còn kiếp khác đành xin kiếu
            Trời buộc thì tôi cũng cởi thôi
                                    13-9-2012
                                    Song Thu


Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Chạnh lòng







Một chiếc đò tàn dạt bến không
Lạnh lòng thiếu nữ lúc sang sông
Liệu mình có gặp con đò mộng
Hay lại chông chênh nát giữa dòng ?
                               12/9/2012
                          Vũ Thị Song Thu

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Cảm thu





Thu đến heo may rải khắp đồng
Cúc vàng cúc tím đứng ken bông
Trời trong nắng nhẹ sao thanh vắng
Nước biếc mây lồng vẫn trống không
Mờ sáng sương buông dường ướt má
Đêm khuya hơi lạnh chợt se lòng
Nhắn ai ở chốn xa xăm ấy
Gửi tới cho mình chút gió đông.
                          11/9/2012
                    Vũ Thị Song Thu

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Chiều muộn trên sông




(Họa đảo vận bài “Sông thu” của Tạ Anh Ngôi)

Một dải sông vàng lãng đãng trôi
Vài ba chiếc lá nhẹ nhàng rơi
Ánh chiều chếnh choáng vương vương nắng
Mặt nước long lanh sóng sánh trời
Lưới vẳng theo dòng ken cá bạc
Thuyền câu xuôi gió lỏng tay bơi
Thong dong về bến khi chiều tối
Thấp thoáng trăng ngà lóng lánh tươi.
                         10/9/2012
                    Vũ Thị Song Thu

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

THƯ NGỎ GỬI BAN QUẢN TRỊ TRANG BLOG TRIANCUOCDOI



                                    Sao Đỏ ngày 8 tháng 9 năm 2012
                                    Kính gửi Ban quản trị Triancuocdoi!

            Mấy hôm trước, Văn Nhã và Xuân Hiểu có ghé thăm gia đình tôi. Xuân Hiểu ngỏ ý mong muốn được tham gia vào trang blog của xóm mình nhưng chưa biết phải đặt vấn đề với ai và thủ tục thế nào nên nhờ chúng tôi tư vấn giúp.
 Tôi nhận lời hỏi giùm nhưng mấy lần gọi điện cho Tô Hà đều không liên lạc được. Đến hôm nay gọi cho Minh Hương thì lại thấy máy nói là bạn không thực hiện được cuộc gọi này. Chẳng biết vì sao nữa. Bởi thế, tôi đành viết đôi dòng thư ngỏ này gửi tới Ban Quản trị Blog, mong mọi người giúp đỡ. Tôi cũng xin nói qua về Xuân Hiểu để mọi người nắm được. Anh ấy là Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Văn An huyện Chí Linh cũ, nay đã nghỉ hưu; Cũng là người đã có nhiều bài thơ đăng trên Blog nguoichilinh.com. Một số bài thơ của Xuân Hiểu đã được Minh Hương tuyển từ trang nguoichilinh sang blog Triancuocdoi, trong đó có bài  thơ “ Chọi” mà tôi đã viết đôi dòng cảm nhận. Xuân Hiểu mong muốn vào xóm mình để được giao lưu thơ phú cùng mọi người.
 Nếu được tiếp nhận, xin Ban Quản trị Blog thông tin trên mạng. Hiện nay, Xuân Hiểu vẫn thường xuyên vào đọc trang blog của xóm mình.
                                                Kính thư
                                                Vũ Thị Song Thu

   

VỚI CON


Ơn trời mình được nhờ con
Sửa nhà, làm cổng lại còn tặng xe
Biếu tiền tiết kiệm dưỡng già
Sớm thăm, tối hỏi thiết tha bội phần
Ốm đau chăm sóc đỡ đần
Thuốc thang bổ dưỡng ân cần chỉn chu
Khi nắng hạ, lúc mưa thu
Phận mình như thế chẳng lo nghĩ gì
Chỉ ưu phiền chút Thương Chi
Long đong lận đận mọi bề chưa xong
Qua mưa hè đến rét đông
Một thân con gái biết trông hướng nào
Lại thương Nguyên Lượng làm sao
Gầy gò, non nớt  lo bao nhiêu bề
Mẹ cha nghèo giúp được gì
Chỉ mong Trời Phật độ trì các con
Riêng chung vạn sự vuông tròn
Mẹ dù thịt nát xương mòn vẫn vui
                 Sao Đỏ:8-9-2012
                 Song Thu