Bao năm giảng thơ Hàn Mặc Tử, trong tôi đều
nảy sinh hai nét cảm xúc đối lập nhau: thích thú và lo sợ. Thích vì mỗi lần
soạn bài, tôi lại khám phá ra một điều gì đó khác trước, lại có một cách nhìn
hình như mới hơn,lạ hơn về thơ ông. Nhưng lo sợ vì cách tiếp cận của mình như thế liệu có ổn
không và mình phải cắt nghĩa thế nào đây để học trò đồng cảm. Quả là vấn đề
không đơn giản chút nào. Có lúc tưởng như đã nắm bắt được rồi lại thấy vẫn hư
không. Có lúc chỉ cảm thấy thế mà không thể cắt nghĩa ra được thế. Bởi thơ ông
vừa nhòe mờ , biến ảo, vừa sâu thẳm không cùng; đã thấm đẫm hơi ấm nơi trần thế mà vẫn bâng khuâng vạn sắc chốn
thiên đường.
Tôi tìm đọc những bài viết về thơ Hàn Mặc
Tử. Khen đã nhiều mà chê cũng không ít. Nhưng vẫn có cảm giác chưa thỏa mãn.
Thật khó vô cùng. Duy chỉ có một điều trong tôi bao giờ cũng vẫn đậm sâu một
suy nghĩ thơ của Hàn Mặc Tử thật lạ, thật hay và sẽ còn sống mãi với thời gian.
Vì thế, tôi rất thích cách đánh giá của nhà thơ Chế Lan Viên về thơ Hàn Mặc Tử:
“
Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua
bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình…Tôi xin hứa hẹn với các
người rằng, mai sau những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến đi và còn lại
của cái thời kì này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử” ( Người mới, số 5, ngày
23-11-1940).
Vừa rồi, ngày 21-9-2012, Hội Nhà văn Việt
Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã phối hợp tổ chức hội thảo về thân thế sự
nghiệp của nhà thơ Hàn Mặc Tử, một hiện tượng độc đáo, đặc biệt của văn học
Việt Nam, nhân kỉ niệm 100 năm sinh của ông (1912-2012). Tôi lại có dịp được
đọc một số bài tham luận của các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình về thơ
Hàn Mặc Tử, đăng trên báo Văn nghệ số 39 (29-9-2012), xin sưu tầm lại đây mấy
bài và đưa dần lên blog cá nhân để lưu giữ lại và để mọi người tham khảo, nếu có hứng thú.
Bài
I :
HÀN MẶC TỬ VÀ MỸ HỌC CỦA KHÁT VỌNG
(
Nguyễn Đăng Điệp)
Sẽ
khó lòng đo ướm và cắt nghĩa thơ Hàn từ những kinh nghiệm thông thường đậm màu
lý tính và thiếu vắng đức tin.
Ảnh hưởng Thiên Chúa giáo đối với
thơ Hàn Mặc Tử là một sự thật, có ý nghĩa như một nét trội trong tư duy nghệ
thuật thơ ông và là nhân tố quan trọng tạo nên sự mê hoặc và vẻ sang trọng của
một cõi thơ rộng rinh không bờ bến (Đỗ Lai Thúy). Nhìn về ảnh hưởng và tư duy
tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử một cách rộng hơn, nhiều nhà nghiên cứu lại khẳng
định trong thơ Hàn Mặc Tử có sự dung hòa, tích hợp tôn giáo và những tôn giáo
ấy, suy cho cùng cũng là để phụng sự và làm giàu cho một tôn giáo khác là thi
ca. Thơ là mục đích sống cao nhất của Hàn Mặc Tử, mang đặc tính cứu rỗi và cũng
là phương thức để Hàn giao cảm với Thượng Đế. Nhưng hướng về Thượng Đế, Hàn Mặc
Tử vẫn “ ngông cuồng” so bì với đấng Tối Cao: “Ta chắp hai tay lạy quý hoàn
hảo/ Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian/ Để vừa dâng vừa hợp bốn mùa
xuân/ Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế” (Đêm xuân cầu nguyện). Đây chính là
chỗ phi thường của Hàn Mặc Tử khiến ông trở thành giáo chủ của Trường thơ Loạn
Quy Nhơn và trở thành người “ lạ nhất” của thời đại Thơ Mới.
Một ai đó đã nói, ám ảnh lớn nhất
của con người có lẽ là ám ảnh về cái chết và sự tàn phai. Về thể xác, cơ thể
Hàn Mặc Tử đang dần mục ruỗng vì chứng bệnh nan y, nhưng ông lại luôn hướng về
cuộc sống bằng cả sức mạnh tinh thần và tình yêu mãnh liệt. Ông đã xây dựng mĩ
học khát vọng chính ngay trong trời sâu tuyệt vọng. Mỹ học ấy xuất phát từ niềm
yêu sống: “ Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế”. Tất cả những cung bậc cảm xúc,
những hoang tưởng nghệ thuật ấy, Hàn Mặc Tử không hề giấu diếm. Ta hiểu vì sao
Vũ Ngọc Phan lại có cơ sở để khẳng định: “ Về sự thành thật, có lẽ Hàn Mặc Tử
hơn hết cả các nhà thơ hiện đại”
Bầu khí quyển tượng trưng, siêu thực
trong thơ Hàn Mặc Tử gắn liền ảo giác kì diệu và sự phân thân của chủ thể trữ
tình. Cũng như Rimbaud, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ thấu thị mà phẩm chất cơ bản
của nó chính là: “ Trong khổ đau không xiết tả, thi sĩ cần có tất cả lòng tin,
tất cả sức mạnh siêu phàm, thi sĩ trở thành bệnh nhân lớn, tội nhân lớn, kẻ bị
nguyền rủa và đấng uyên thâm tối thượng!- Bởi vì thi sĩ đã trở thành người lạ”.
Nhưng khác Rimbaud và cả Baudeaire, tổ sư của chủ nghĩa tượng trưng, Hàn Mặc Tử
coi thi sĩ là “ loài thứ ba”, là “ người khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”.
Đến với Hàn Mặc Tử không nên lệ
thuộc quá nhiều vào hệ quy chiếu của các isme nghệ thuật. Bởi lẽ nói như Chế
Lan Viên, siêu thực trong thơ Hàn không phải là thứ siêu thực lý tính của châu
Âu mà vì “ Anh bị xô vào giữa trận bão , cơn giông, đám cháy, giữa chết chóc,
cô đơn, máu lệ nên còn cách nào hơn?”
Một khi chất liệu vơi cạn, cường độ
cảm xúc phai giảm, thơ sẽ hết rung rinh: “ Máu đã khô rồi thơ cũng khô”. Đúng
như nhiều người nhận thấy rằng: trăng- hồn- máu là ba kí hiệu “tam vị nhất thể”
của đau thương. Sự tranh chấp giữa bóng đêm và ánh sáng, giữa hư vô và ý nghĩa,
giữa lực chết và lực sống, cuối cùng đã ngã ngũ. Chiến thắng đã thuộc về người
giàu khát vọng và chống chọi đến cùng với nỗi tuyệt vọng. Thời gian định mệnh
ngắn ngủi và hữu hạn. Hàn đã mở rộng nó bằng việc xuyên qua các giới hạn không
gian mở ra cõi vô cùng. Những tầng không gian ấy có thể cao xa đến tận miền
Thượng thanh khí: “ Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc / Trong nắng thơm, trong
tiếng nhạc thần bay” ( Trường thọ), có thể là những vẻ đẹp trần thế tinh khôi
như là mật ngọt của chốn đau thương. Tại đây, niềm đam mê sự sống hiện lên rất
rõ qua màu sắc dục tính và những biến thể của nó trong thơ. Màu sắc ấy từng
xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử thời lãng mạn: “ Vô tình để gió hôn lên má/ ta
vội kề môi cắn kẻo thèm”, tiếp tục trong Hàn Mặc Tử thời tượng trưng: Em tôi
thì hổn hển / Áo xiêm lấm tấm vàng… Hẳn là vẻ đẹp của xuân chín sẽ kém đi nhiều
nếu không có nhân lõi bên trong là tình đang chín; nỗi khát khao yêu đương sẽ
nghèo đi nếu không có “ hơi thở nhẹ” của tình đời: “ Nghe hơi gió ôm ngang lấy
gió / Tưởng chừng như trong đó có hương” (Muôn năm sầu thảm). Có lẽ,Hàn Mặc Tử
là người đầu tiên có những so sánh táo bạo, bất ngờ mà vẫn giữ được sự tinh tế
trang nhã theo kiểu: “ Mới lớn lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của ni
cô… Những màu sắc dục tinh trong thơ Hàn rạo rực, say đắm nhưng không hề vẩn
đục vì nó được Người khách lạ “ dừng lại để hái những tinh hoa”. Tài năng của
Hàn Mặc Tử là ở đấy, thanh khiết, cao xa mà vẫn mang hơi ấm trần thế; trần thế
nhưng lại có cả vạn sắc thiên đường.
30-9-2012
Vũ
Thị Song Thu ( Sưu tầm và giới thiệu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét