Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

KHÉO Ế CHỒNG

                  Họa bài KÉN CHỒNG của Đoàn Tiếu

    Nghe Tiếu đăng tin tuyển chọn chồng
    Mình xin tìm giúp, được hay không
    Này người nức tiếng trong văn giới
    Nọ kẻ thao tài chốn võ công
    Ngán nỗi sinh nhầm ngày tận lộc
    Thương thay đẻ đúng tháng tàn đông
    Xưa nay ngọc quý đang còn vết
    Kén thế, cưng ơi khéo ế chồng
               Sao Đỏ: 20-1-2012
                 Vũ Thị Song Thu

             ( Phụ chép bài KÉN CHỒNG của Đoàn Tiếu )


            Kén chồng

Đoàn Tiếu Hạ Long muốn kén chồng
Hỏi người quân tử có ưng không
Phải văn lão luyện lời ngân vịnh
Có võ cao cường thế tiến công
Ngày tháng an nhàn giờ phát lộc
Năm sinh quý phái tránh mùa đông
Sang xuân sắm lễ trăm mâm chẵn
Ngựa đón xe đưa Tiếu cưới chồng.
                               Đoàn Thị Tiếu

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

LẠI DỰ ĐỐI VUI

Hôm trước, bác Tạ Anh Ngôi mời đối, em chưa tìm được vế đối chỉnh nên mới chỉ tương đối đối với bác thôi. Hôm qua sang nhà cháu bên Hải Dương chơi, nó rủ đi chợ Mát. Thế là nảy ra vế đối, tự cho là chỉnh. Vậy hôm nay, em xin đối với bác.
Vế ra:
         Chồng tê, vợ cũng tê, rủ nhau ra phố tê, ăn cháo tê tê, nóng tê cả lưỡi ( T. A. N )
Vế đối:
         Ả mát, anh cũng mát, đèo nhau sang chợ Mát, nhậu đồ mát mát, nghe mát cả lòng ( V. T. S. T )
Hôm nay, vừa mở trang blog Tri ân thấy bác Đỗ Đình Tuân mời đối vui cuối năm, nghe cũng hay hay, em lại xin đối luôn.
 Vế ra:
        Đến Đông Triều gặp cô Luyến tương tư ( Đỗ Đình Tuân)
  Các vế đối:
      1,  Sang phố Hóp thấy chị Kim do dự
      2, Ra Sao Đỏ thấy bá Hường khỏe mạnh
                                    Vũ Thị Song Thu

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

THƠ MỜI HỌA

                                     

        Mình quen 2 cô bạn, một ở tỉnh Đông, một ở Hạ Long. Tính cách mỗi người mỗi vẻ: Người kiêu kì, mạnh mẽ; người ủy mỵ nhu mỳ. Tuy nhiên họ đều khá xinh đẹp, kinh tế vững vàng và rất thích xướng họa Đường thi. Cả hai đã “ ngoại tứ tuần” nhưng vẫn một đèn một bóng, đang muốn tìm ý trung nhân và khát bạn thơ. Họ gửi 2 bài thơ nhờ mình mời xóm Tri ân họa và nếu có thể thì tìm giúp họ nửa kia cuộc đời. Mình xin gửi lên blog Tri ân, mong các thành viên trong xóm nhà hưởng ứng. Hai bạn ấy gửi lời cám ơn chân thành nhất tới xóm mình: Nguyên văn hai bài thơ đó như sau :

Kén chồng
Đoàn Tiếu Hạ Long muốn kén chồng
Hỏi người quân tử có ưng không
Phải văn lão luyện lời ngân vịnh
Có võ cao cường thế tiến công
Ngày tháng an nhàn giờ phát lộc
Năm sinh quý phái tránh mùa đông
Sang xuân sắm lễ trăm mâm chẵn
Ngựa đón xe đưa Tiếu cưới chồng.
                               Đoàn Thị Tiếu
Lại kén chồng
Em gái thành Đông lại kén chồng
Mấy năm chọn bạn giữ phòng không
Cúc thơm chiều vắng mơ người mộng
Nhụy thắm trăng khuya đợi bạn lòng
Phong độ đàng hoàng yêu hết mực
Tính tình nhân ái sức tương đồng
Biết bao xuân đã đi qua ngõ
Quân tử xa gần có cảm thông.
                              Trương Thị Xuân Hồng
15/1/2012
Vũ Thị Song Thu

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

TƯƠNG ĐỐI ĐỐI VỚI BÁC TẠ ANH NGÔI

- Bác Tạ Anh Ngôi ơi, bác ra đối rắn quá! Em Song Thu vốn tài hèn, trí mọn nên đối mãi không thành. Nhưng vì bác đã mời đích danh, nếu em không đối sẽ thành bất nhã. Bởi vậy, em đành bắt chước bác Minh Tư xin phép được tương đối đối với bác vậy. Mong bác thông cảm cho.
    Vế ra:
             Chồng tê, vợ cũng tê, rủ nhau ra phố tê, ăn cháo tê tê, nóng tê đầu lưỡi ( Tạ Anh Ngôi )
     Các vế đối lại:
             1, Vợ chôm, chồng cũng chôm, đưa nhau vào Giồng Trôm, buôn quả chôm chôm, bị chôm lắc vàng.
             2, Vợ bé, chồng cũng bé, dắt nhau vào Sông Bé, dựng nhà bé bé, gần bé nhất làng
                                                                               ( Vũ Thị Song Thu )
- Tự nhận xét :
             Vế 1, đối không chỉnh về thanh điệu. Vì các từ  "chôm" trong vế đối đều mang thanh bằng , không dấu giống như thanh điệu của từ " tê" trong vế ra.
              Vế 2, mệnh đề cuối :" gần bé nhất làng" của vế đối lại không chỉnh với :"nóng tê đầu lưỡi" trong vế ra

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

ĐỐI VỚI ĐỖ ĐÌNH TUÂN

Vế ra:
           Nhìn sung thấy sướng  ( Đỗ Đình Tuân )
Các vế đối lại:
           1, Ngắm chán lại chê
            2, Lấy chồng hóa chềnh
                                 ( Vũ Thị Song Thu )

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

LẠI DỰ ĐỐI VUI

Câu 1:
Vế ra: Dùng đầu tết bóng trong trận tết ( Thanh Dạ)
Vế đối: Nhặt đá kì chân ở suối Kì  ( Song Thu )

Câu 2:
Vế ra : Thăm Khánh Hòa, anh Phong huýt gió vang rừng gió ( Vân Anh)
Vế đối: Về phủ Khoái, chú Sửu mua trâu  ở Khoái Châu   ( Song Thu )

Câu 3:
Vế ra:Anh Phong, chị Mát hóng gió mát ngoài hiên ( Hữu Trung)
Vế đối: Anh Thế, chị Lan  xem thế lan trước ngõ    ( Song Thu )

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

TRUYỆN VUI TỤC NGỮ

      Bốn người khách vốn thuộc hạng văn thi sĩ ... vào một quán nhậu.  Trong khi chọn món ăn, cô hầu bàn đến cười duyên :
-“Em rót bia cho mấy anh nhé?”
Anh A liền tán :
-“Xin lỗi, em mỹ danh là gì, ở đâu ?”
Cô cười dịu dàng:
-“Hỏi quê… rằng biển xanh dâu, Hỏi tên… rằng mộng ban đầu đã xa”.
Anh B vỗ đùi:
-“Úi chà ! Giỏi thơ thiệt ! Tuyệt vời. Rót bia đi”.
-“Dạ . Cảm ơn quí anh”.
Anh C đon đả :
-“Lấy thêm ly. mời Em cùng ngồi uống cho vui”.
-“Dạ”.
Thế là bàn có một bông hồng giữa đám sỏi đá.
Anh D mời tất cả cụng ly :
-“Coi bộ em giỏi thơ văn nhỉ !”.
Cô cười rất duyên :
-“Em cũng học mót chút ít để góp chuyện cho vui mà.Quí anh không thấy phiền chứ ? Chắc quí anh giỏi văn thơ lắm thì phải?”
Anh A xoa bụng, ưỡn ngực :
-“Cũng đủ xài. Ai hỏi gì nói nấy. Nhất là lãnh vực văn học. Không bao giờ bị kẹt”.
-“Thế là quá giỏi rồi. Vậy, em đố các anh về lĩnh vực văn học nhé?”
Cả bàn nhốn nháo hẳn lên, vui như cá gặp nước. Họ là nhà giáo, nhà thơ , nhà văn cả … hớn hở cụng ly chờ đợi cuộc vui .
Cô gái cười, cất giọng oanh vàng :
-“Nếu có một ông khỏa thân” (trần truồng) cõng một ông cũng khỏa thân… Câu tục ngữ nào tả được cảnh này ?”.
Bốn vị khách không tìm ra câu tục ngữ nói về trường hợp hy hữu này … Anh C thẳng thắn : -“Chúng tôi thua. Cô giảng đi. Cô bình tĩnh giải thích:
-Này, một ông khỏa thân, cõng trên lưng một ông cũng khỏa thân… Lúc ấy sẽ có tình trạng mà tục ngữ nói: “Gậy ông đập lưng ông”.
-“Úi trời! Đúng quá” Cả bàn cười rộ . Vừa rót thêm bia, cô vừa đố tiếp:
-“Cũng cái ông khỏa thân ấy, ông ta nhảy tõm xuống ao, tục ngữ nói sao nào?”
Bốn vị khách lại bí … Họ lại yêu cầu cô giải đáp. Cô cười tủm tỉm :
-“Ông khỏa thân mà nhảy xuống ao sẽ gây nên cảnh: “Chim sa cá lặn”.
Cả bàn cười vang như pháo tết.
-“ Úi trời ! Đúng quá đi. Cá trông thấy chim hãi quá phải lặn là cái chắc !”
Thừa thắng xông lên, cô ta đố tiếp:
-“Thưa quí anh, cũng cái ông khỏa thân ấy, ông ta ngồi lên hòn đá, tục ngữ bảo sao nào ?”
Bốn khuôn mặt thông minh kia lại đờ đẫn. Cô gái thong thả giải thích :
-“Ông khỏa thân ngồi lên hòn đá, lúc ấy tục ngữ phán rằng: “Trứng chọi đá !”
Cả bàn cười vang. Ông D hăm hở :
-“Đúng quá đi chớ . Trứng này không bể được ! Còn nữa không ?
Cô gái tiếp :
-Cũng cái ông khỏa thân đó nữa, nay lại ngồi bệt xuống đất không chịu đứng dậy thì theo «tục ngữ» các ông nói sao ?
Bốn khuôn mặt sáng láng trông thật thảm thương, bí rị. Cô gái tiếp :
-Cái ông khỏa thân ngồi bệt xuống đất diễn ra cảnh mà «tục ngữ» gọi là «Đất lành chim đậu» .
Đúng chưa ? Cả bọn phục sát đất

                                    Vũ Thị Song Thu (Sưu tầm)

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012


                        LẠM BÀN VỀ MỘT CUỘC ĐỐI VUI

            Vào cuối năm 2010, trong một hoàn cảnh cụ thể, như đã trần tình khi mời đối, tôi nảy ra một vế đối : “ Mua chả, chả muốn ăn, đành mang trả cô hàng chả”. Thế rồi tôi cứ mò mẫm tìm vế đối lại. Rất nhiều vế đối được tôi cho ra đời nhưng chẳng có vế nào chỉnh với vế ra cả. Bí quá, tôi nhờ Đỗ Đình Tuân đối giùm. Sau ít phút suy nghĩ , ông Đỗ đã bảo rằng : “Chịu, khó quá, không đối được”. Năm nay, xóm tri ân nhộn nhịp đối đáp, tôi mới mang vế đối đó ra nhờ đối giùm. May mắn làm sao,  các thi hữu tham gia đối rất nhiệt tình. Điều đó làm tôi  rất vui. Nhân đây, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới mọi người. Xin kính chúc các thi hữu một năm mới vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn,  làm thơ, viết truyện và câu đối thật hay.
            Thực tình vế ra đối  của tôi không hay. Vì nó chẳng có  hình tượng, không mang tính tư tưởng, không có tính phổ quát và cũng không  chứa đựng chút thân phận hay cảm xúc gì. Nó chỉ đơn thuần là một sự việc rất cụ thể và hi hữu thôi. Tuy nhiên nó cũng khá hiểm hóc bởi việc sử dụng từ đồng âm, khác nghĩa. Vế đối  có 4 từ đồng âm, nằm trong 4 mệnh đề, trong đó có 2 từ “chả” là danh từ và cùng một ý nghĩa chỉ món ăn (Mua chả…cô hàng chả); 2 từ là động từ lại khác nghĩa và khác cả âm viết: “ chả muốn ăn”, “đành mang trả”. (Một từ có nghĩa là không, một từ có nghĩa là trao trả, trả lại.). Nếu coi việc chơi câu đối là một thú chơi ngôn ngữ thì vế ra đối tuy không hay nhưng vẫn chấp nhận được.
            Vì vế ra khó nên tham gia đối là một việc nhưng đối chỉnh lại là một việc khác. Ví như vế đối mà bác Tạ Anh Ngôi ra hôm trước: “ Đến bến Tranh, bán tranh tết, mải uống nước chanh, người tranh nhau lấy hết”, một vế ra không chỉ khó mà còn hay nữa.Rất nhiều người tham gia đối lại, nhưng tôi thấy chẳng vế nào đối chỉnh cả chứ nói gì đến hay nữa. Song dù sao cứ tham gia nhiệt tình là vui rồi. Xưa nay vốn : “Xuất đối dị, đối đối nan” mà.
            Những vế đối lại vế ra đối của tôi( trong đó có cả những vế tự đối) hầu như chưa chỉnh về từ loại. Nghĩa là chưa trả đúng các động từ, danh từ và những từ gần âm như vế ra. Thậm chí còn có vài vế đối lại chưa chỉnh cả về thanh điệu. Vì những từ đồng âm trong vế ra mang thanh trắc(chả) thì những vế đối lại vẫn mang thanh trắc. Có đôi vế đối lại chỉnh về từ loại và thanh điệu nhưng còn khiên cưỡng, thiếu tự nhiên và chưa sáng nghĩa lắm. Duy nhất có vế đối của Nguyễn Khắc Nguyệt : “ LẤY CHỒNG, CHỒNG THÊM NỢ, LO CẤY TRỒNG NUÔI MẸ CHỒNG” là không chỉ chỉnh tuyệt đối mà còn rất hay nữa. Chỉnh thì rõ quá rồi. Nhưng tôi thú nhất bởi cái hay trong vế đối lại này. Có thể nói, vế đối giống như một truyện ngắn. Nó gợi ra thân phận của một cô gái nghèo, lấy chồng lại gặp phải nhà chồng cũng rất hoàn cảnh. Do đó cô không thể thanh thản hưởng tuần tháng mật mà  chồng chất những toan lo cảnh nợ nần ( lấy chồng, chồng thêm nợ). Quý nhất là cô không buông xuôi, phó mặc hay than vãn chối bỏ mà lại ghé vai gánh vác, toan lo, chia sẻ mọi khó khăn của gia đình nhà chồng bằng một ý thức trách nhiệm và tình cảm tự nhiên của dâu con trong nhà : “ lo cấy trồng nuôi mẹ chồng”.Một thân phận làm ta rưng rưng cảm động và khâm phục biết bao!
            Thú thực là sau nhiều ngày tháng mầy mò tìm cách đối lại nhưng không thành, đọc được vế đối lại của Khắc Nguyệt, tôi xúc động thật sự và sung sướng vô cùng. Một lần nữa cám ơn Khắc Nguyệt!
            Đang định đưa  bài viết này lên blog, tôi lại đọc được mấy câu đối mới của xóm tri ân, thấy thật thú vị nên lại viết thêm đoạn nữa.
Câu thứ nhất là của Thanh Dạ và Minh Hương:
            Dùng đầu tết bóng trong trận tết ( Thanh Dạ, ra)
            Mượn mắt canh trời suốt năm canh ( Minh Hương, đối)
Vế ra có từ TẾT trong TẾT BÓNG thật sáng tạo, mới lạ vừa gợi ra một cú đánh đầu ngoạn mục vừa tạo nên một từ đồng âm khác nghĩa với từ TẾT trong TRẬN TẾT. Người đối lại đã bắt rất trúng ý định đó của người ra và đối lại rất chỉnh và rất sắc sảo. Vế đối lại tạo cho người đọc nhiều liên tưởng khác nhau và rất lý thú. Đó có thể là hình ảnh những người lính gác thay nhau thức suốt năm canh để canh giữ vùng trời, vùng biển hay vùng biên của Tổ quốc thân yêu. Đó cũng có thể là một con người ưu tư hoặc buồn đau mà thức suốt năm canh! Thật đầy tâm trạng
Câu thứ hai là của Tạ Anh Ngôi và Đỗ Đình Tuân:
Ép mía nấu mật bán cho anh hàng đường nợ dai đòi như kẹo kéo( T.A.N, ra)
Vò nếp đồ xôi,hở ra đôi oản bụt, trông xa ngỡ cặp bánh giầy ( Đ. Đ. T, đối)
Vế ra khá hiểm và rất hay. Vì tác giả đã dùng một loạt từ chỉ mọi sản phẩm có nguồn gốc từ mía như: MÍA, MẬT, ĐƯỜNG, KẸO KÉO đồng thời còn tạo ra sự đa nghĩa ở cuối vế đối (NỢ DAI ĐỒI NHƯ KẸO KÉO).
Người đối lại đã trả đúng ý định đó của người ra bằng cách dùng một loạt từ có cùng nguồn gốc như : NẾP, XÔI, OẢN, BÁNH GIẦY và cũng tạo ra một sự đa nghĩa rất hài và rất hóm qua hình tượng ĐÔI OẢN BỤT và CẶP BÁNH GIẦY. Chẳng biết cô gái nào vo nếp đồ xôi mà hớ hênh thế làm cho bác Đỗ vớ được tạo thành vế đối hay.Cô gái ấy hãy coi chừng vì vợ bác Đỗ gớm ghê lắm đấy!
Nhưng có khi vì thích chơi đối đáp mà mụ ấy cũng cho qua. Điểm một vài câu đối như thế để thấy rằng cuộc chơi câu đối của xóm Tri ân thật là càng ngày càng vui và càng thú vị đấy chứ.
Sao Đỏ 8-1-2012
Vũ Thị Song Thu.

           
           

 

MÃI NHẮC TÊN

       (Họa bài TỚ ĐÃ BẢY MƯƠI của Thanh Dạ)
Kính chúc hiền huynh thất thập niên
Khỏe vui, hạnh phúc lại nhiều tiền
Phở xào đủng đỉnh vơi đôi bát
Chả nướng nhâm nhi hết mấy xiên
Vợ đảm, con ngoan càng phấn khởi
Trò xưa, bạn cũ nhớ không quên
Thơ văn đối đáp thêm hương sắc
Trong xóm, ngoài làng mãi nhắc tên
               Sao Đỏ 6-1-2012
               Vũ Thị Song Thu

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

KHÔNG THỂ SỐT RUỘT KIỂU NÀY

  (Truyện ngắn ngắn)

Cậu con trai nhỏ, ngồi xem mẹ làm thịt gà. Nhìn thấy mẹ bóc mật vứt đi, hỏi:
    - Mẹ vứt gì đi thế?
    - Mật gà con ạ.
    - Sao mẹ vứt mật nó đi?
    - Vì mật nó đắng, không ăn được.
    - Thế mật cá có đắng không?
    - Đắng.
    - Còn mật thỏ?
    - Cũng đắng.
    - Mật mèo?
    -  Cũng đắng.
    - Mật chó cũng đắng hả mẹ?
    Mẹ sốt ruột quá gắt lên:
    - Ừ. Mật gì cũng đắng hết!
    Con vặn lại:
    - Sao mật ong lại ngọt?
    Mẹ !!!
               Sao Đỏ ngày 3-1-2012
                 Vũ Thị Song Thu

LẠI DỰ ĐỐI VUI LĨNH THƯỞNG

Vế ra đối:
            Vợ ông Ba, bà Ba là bà cả
                     Đỗ Đình Tuân
Các vế đối:
          1,  Con bác trưởng, anh Trưởng tận thứ tư
          2,Nhà cụ Thứ, bà thứ tức bà hai
                        Vũ Thị Song Thu
        

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

TỰ ĐỐI LẠI VÀ TỰ NHẬN XÉT

Vế ra:
            Mua chả, chả muốn ăn, đành mang trả cô hàng chả.
Các vế tự đối:
          1,Con nuôi, nuôi chẳng được, đành nhận nuôi đứa cháu nuôi.
          2, Bắn cò, cò không chết, được bóp cò trong đảo cò.
  Tự nhận thấy vế 1 không chỉnh, vì từ con nuôi là một danh từ ghép, không đối được với "mua chả " vốn là hai từ đơn:một động từ, một danh từ.
          Vế 2 lại không chỉnh vì 2 từ cò ở giữa(cò không chết, được bóp cò) đều là danh từ không thể đối được với 2 động từ của vế ra (chả muốn ăn, đành mang trả). Biết vậy mà không sửa được.
                                           2 - 1 - 2012
                                             Vũ Thị Song Thu

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

MỜI ĐỐI

Một hôm, ra chợ, định mua chả về ăn. Nhưng cậu con trai không thích nên lại thôi. Tự dưng nảy ra một vế đối:
          Mua chả, chả muốn ăn, đành mang trả cô hàng chả.
  Thế rồi loay hoay tìm cách đối lại.Mãi mà đối không chỉnh. Vì vậy hôm nay mình cứ mạnh dạn đưa lên blog, mong các thi huynh, thi muội đối giúp. Mình xin cám ơn
                                       Sao Đỏ 01-1-2012
                                          Vũ Thị Song Thu

Lại dự đối vui

Thấy thầy Tuân mời đối lĩnh nhuận bút, thích quá mình tham dự ngay. Cầu trời trúng thưởng để khao các bạn nhân dịp năm mới.
       Vế ra:
                       Vợ ông Ba, bà Ba là bà cả
       Các vế đối lại là :
                        1, Chồng bá cả, bác cả tức bác hai
                         2, Chồng thím Bốn , chú Bốn là chú ba