Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

CHÙM THƠ LỤC BÁT BÙI HỮU THIỀM

Từ lâu Nhà thơ Bùi Hữu Thiềm- được mệnh danh là "cây lục bát tình" ở Quảng Ninh. Trang này tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số những vần tứ tuyệt của ông mà tôi thích.

1- Ngõ xưa

Chắc gì hai đã là đôi
Gần còn chưa bén, xa xôi thế này
Em giờ theo bạn sang Tây
Bên nhà sung chín rụng đầy ngõ xưa! 


2- Đợi
Tưởng chờ chỉ nửa mùa trăng
Càng ngong ngóng nhớ càng dằng dặc xa
Thương em canh cánh quê nhà
Vịn xiêu cả ánh chiều tà đợi nhau!

3- Vớt bóng

Nước trong văn vắt thế kia
Em tắm suối trắng cả tia nắng chiều
Sóng vờn trôi bóng khăn Piêu
Có người theo vớt bước liêu xiêu bờ! 


4- Nói với dòng sông
Đừng trôi theo biển nữa sông
Ngoài xa xăm ấy chỉ mông mênh trời
Cạn dòng là hết là thôi
Là bơ vơ giữa một nơi không bờ! 


5- Sắc đẹp

Em ngồi chéo váy chờ ai
Tóc mềm thả xuống bờ vai nõn nà
Chao ôi! Sắc đẹp đàn bà
Vua còn ngất ngưởng nữa là thần dân!
  
6- Bếp đời
Em là bếp của đời anh
Đói no cay mặn ngọt lành có nhau
Trăm năm dù bạc mái đầu
Lửa anh vẫn cháy cạn dầu bếp em!
              28-12-2012
              Song Thu (Sưu tầm)
            (Nguồn: Lục bát.com)


Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

TẠ ƠN TRỜI PHẬT



Ba chục năm qua giữa chúng mình
Đã nên hạnh phúc một gia đình
Trai hiền, gái thảo đều phương trưởng
Cảm tạ Trời xanh, đức Phật lành
                   10-12-2012
                    Song Thu

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Chùm thơ xem ảnh kỉ niệm 30 năm chung sống




Bài 1: SỐNG CHUNG VỚI LŨ
Ba mươi năm sống chung với lũ
Mà không hề bị lũ cuốn trôi
Vẫn nguyên vẹn nét vui cười
Tràn trề sinh lực như thời thanh tân

Bài 2: RUNG RINH
Qua tay thợ ảnh thật là kinh
Ngắm mãi mà chưa nhận rõ mình
Đen nhẻm bỗng thành da trắng trẻo
Lùn tè lại hóa dáng thanh thanh
Răng long má hóp nên bầu bĩnh
Tóc bạc thân còm vẫn xỉnh xinh
Dẫu biết ta mình không đẹp thế
Nhưng trong lòng Thị cứ rung rinh
                  9-12-2012
                   Song Thu

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

CÓ MỘT CHIỀU NHƯ THẾ

Bỗng dưng có một buổi chiều
Vẩn vơ nhớ, vẩn vơ yêu thẫn thờ
Như là cái thuở ngày xưa
Ta từng tắm nắng gội mưa với tình
                 5-12-2012
                 Song thu

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

ĐA NGHI

Một lần anh đến thăm em
Gặp con bướm trắng lượn bên cành hồng
Bước vào cười nói như không
Mà sao cứ thấy trong lòng xót xa
Biết đâu lại chẳng như là
Hoa thơm bướm lượn đã và bốn phen
Liệu hoa còn được vẹn tuyền?
            4-12-2012
            Song thu

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

BUỒN


    
( Họa đảo vận bài : SAY của Tạ Anh Ngôi)     

Muôn thủa đất tròn vẫn cứ xoay
Sao mình uống mãi mà không say
Chén lưng chén vực đều vơi sạch
Chai nhỏ chai vừa cũng cạn bay
Ngơ ngẩn dõi nhìn vào huyễn hoặc
Hững hờ đưa bước đến đâu đây
Mượn cay vẫn chẳng quên phiền muộn
Biết ngỏ cùng ai cái nỗi này!?
                   28-11-2012
                          Song Thu
Phu chép bài : SAY
Lạ quá chiều nay sao thế này
Rượu bia không uống thế mà say
Liêu xiêu chân bước đường cao thấp
Vung vẩy tay giơ thế liệng bay
Những muốn vá trời muôn lỗ thủng
Lại lo vác đá chốn nào đây?
Góc nhà thôi cứ yên nằm đã
Mặc trái đất già - kệ nó xoay
              Tạ Anh Ngôi
   

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

DỰ ĐỐI VUI



Hôm trước thày Đỗ Đình Tuân có mời dự đối vui lĩnh thưởng, nhân kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2012). Phần thưởng khá thú vị là một bó hoa tươi. Nhưng rất tiếc thày lại nhờ ban biên tập trang Trian làm trọng tài. Do vậy dù tôi rất thích được tặng hoa song lại vướng vào chân biên tập nên không dám dự thi. Chỉ xin đối để góp vui với cư dân xóm nhà.
      I, Đối cả câu:

          Câu mời đối  « cải tiến » là :
           Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi, nhẩn nha nhấm nháp
           Nhúc nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhúc nhắc nhâm nhi
          Các câu « đối giả » là :
         
             1, Chan chứa thương, chan chứa nhớ, chan chứa chán chường     
               Chòng chành sống, chòng chành yêu, chòng chành chếnh choáng
            2, Đủng đỉnh đi, đủng đỉnh đến, đủng đỉnh đong đưa
                Đong đưa nói, đong đưa cười, đong đưa đỏng đảnh
              II, Đối riêng vế 1:
           Vế ra:
            Nhẩn nha đọc, nhẩn nha chơi,nhẩn nha nhấm nháp
            Các vế đối lại:
            1,Hào hứng ăn, hào hứng uống, hào hứng hát hò
             2,Hí hửng xem, hí hửng viết, hí hửng hão huyền
              III, Đối riêng vế 2:
             Vế ra:
              Nhúc nhắc trồng, nhúc nhắc hái, nhúc nhắc nhâm nhi 
              Vế đối lại:
               Nhởn nhơ nói, nhởn nhơ cười, nhởn nhơ nhóp nhép
               Thung thăng cấy, thung thăng trồng, thung thăng thưởng thức
                                                                15-11-2012
                                                              Vũ Thị Song Thu
   
              
            
             
                                             

    
                               



         

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

CHÙM THƠ NHỎ


BẤT CHỢT

Qua con đường cũ gặp hoa
Ngỡ như nắng đẹp ùa ra đón mình
Ghé sang định hái cho tình
Giật mình chỉ có một mình lại thôi
                        8-11-2012
                        Song Thu

            TRỚ TRÊU
Hoa xuân nở phải mùa hè
Mưa dầu nắng lửa não nề hoa ơi
Sức hoa chịu được mấy mươi
Nhìn hoa rã cánh ai người xót thương?!
                        9-11-2012
                        Song Thu

LỚP CHỦ NHIỆM ĐẦU TIÊN



           
Từ lâu, mảnh đất Chí Linh đã thực sự trở thành quê hương của tôi rồi. Không chỉ vì nơi đây, tôi có một gia đình, có nhiều thế hệ học trò trưởng thành và tình nghĩa mà còn vì đó là nơi  lưu giữ biết bao nhiêu kỉ niệm không thể nào quên.
            Nhớ lại cách đây 35 năm, khi đó tôi mới tốt nghiệp Đại học sư phạm, vừa nhận quyết định phân công công tác thì gặp cậu em con bà cô ruột . Biết tôi được phân về tỉnh Hải Dương, cậu em liền bảo : “ Chị được phân về Hải Dương là tốt rồi. Chỉ trừ huyện Chí Linh ra, còn về huyện nào cũng được cả” Tôi vốn quê gốc ở Hưng Yên, lại theo gia đình lên khai hoang tận miền Lục ngạn Bắc Giang từ nhỏ, nên chẳng biết mô tê gì về tỉnh Hải Dương cả. Nghe cậu em nói vậy thì biết vậy thôi chứ thực tình tôi chẳng quan tâm mấy. Với tôi khi đó về đâu cũng chẳng sao. Trời xui, đất khiến thế nào, tôi lại được Ty giáo dục phân  về đúng huyện Chí Linh. Tôi hăm hở đạp xe đạp từ Ty về trường nộp quyết định. Vừa đi vừa hỏi thăm cũng phải mất vài tiếng đồng hồ mới tới nơi. Đường xá ngày đó đâu có hiện đại như bây giờ . Tôi nhớ khi qua phà Bình là rẽ trái và đi dọc theo đường đê, đến Kinh Trung lại rẽ phải rồi đi theo đường làng đến dốc Mật  đi một thôi đường nữa là đến trường. Với những người ở đồng bằng thì Chí Linh là vùng rừng núi, đèo heo hút gió, lên dốc xuống khe. Còn với tôi, người đã từng quen với núi rừng Lục Ngạn thì Chí Linh chẳng có gì là ghê gớm cả. Không những thế, từ Chí Linh về nhà tôi còn gần hơn rất nhiều so với từ các huyện khác trong tỉnh Hải Dương nên tôi  rất vui.
            Tôi được nhà trường phân cho một căn phòng tập thể là nửa gian nhà trát vách lợp rạ (đối diện với tư dinh của gia đình Hiệu trưởng); một  giường gỗ cá nhân, một  bàn thồi và một ghế tựa. Lần đầu tiên trong đời có một phòng riêng, dù rất nhỏ nhưng tôi vẫn thú lắm. Tôi bắt tay ngay vào việc trang hoàng cho căn phòng của mình. Nào dán giấy xung quanh, dán một vài bức tranh trang trí,đóng mắc áo, kê giường,bàn, chọn chỗ dặt va ly, đặt giá sách… rồi lùi ra tiến vào ngắm nghía mãi.và tự thấy căn phòng mới xinh xắn làm sao
.           Sáng hôm sau, Hiệu trưởng bảo tôi lên gặp tổ trưởng tổ văn để nhận nhiệm vụ. Tôi lập tức lên ngay Cứ tưởng tổ trưởng sẽ hỏi han tình hình, quê quán rồi phân công lịch dạy. Nào ngờ, ông ấy chẳng hỏi han gì đã phân công lớp dạy ngay rồi lại còn hướng dẫn một thôi, một hồi về cách soạn giáo án nữa chứ. Tôi nghĩ, ông này bị làm sao thế không biết người ta đã tốt nghiệp Đại học sư phạm, đã đi thực tập mấy tháng trời chẳng lẽ không biết soạn giáo án ư? Thật đáng ghét! Lạ lùng hơn nữa là ngay sau khi cái ý nghĩ đó xuất hiện thì cũng là lúc tôi chợt có một linh cảm mơ hồ rằng có lẽ sau này mình sẽ lấy ông ta đấy.rồi lại tự cười về cái ý nghĩ vớ vẩn của mình..
            Ấn tượng đầu tiên của tôi về học sinh Chí Linh không được tốt đẹp cho lắm. Bởi vì ngày đầu đi trên sân trường, tôi gặp một tốp học sinh nam chắc là vừa đi đá bóng về cậu nào cậu ấy,chỉ vận độc chiếc quần xà lỏn, mình trần trùng trục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Gặp tôi, chúng không chào hỏi chi hết mà còn nhìn trân trân rồi một cậu  nháy mắt với các bạn và cất tiếng hát: “ Đất này đất tốt súp lơ su hào”. Cả bọn cười vang. Tôi biết chúng chế nhạo cái đầu phi rê của tôi (vì thời đó mọi người thường gọi những người uốn tóc bằng cụm từ không mấy thiện cảm là đầu súp lơ) Tôi bực và ngượng lắm nhưng chẳng biết làm sao đành coi như không có chuyện gì và điềm nhiên bước đi. Bụng bảo dạ rằng học sinh ở đây chắc là bướng bỉnh và nghịch ngợm lắm đây.
 Cái ấn tượng ấy càng được củng cố hơn khi buổi đầu lên lớp, một cậu học trò nghịch ngợm nào đó, biết cô giáo có chiều cao khiêm tốn đã giắt giẻ lau lên tận đỉnh bảng. Phát hiện ra thói tinh nghịch của chúng nên nghe lớp trưởng báo cáo  xong, tôi gọi một học sinh cao nhất lớp lên viết sĩ số vào góc bảng và lấy giẻ lau để xuống bàn giáo viên, rồi tự nhiên , bình thản dùng vài phút làm quen và bắt đầu giảng bài ngay. Bài giảng được tôi chuẩn bị khá kĩ lưỡng nên có lẽ đã cuốn hút được học sinh. Tôi bằng lòng với giờ giảng của mình và thú vị hơn là cái trò treo giẻ lau bảng lên cao trong các buổi học sau không còn tiếp diễn nữa.
            Tôi dạy văn 3 lớp 8 (H,I, K) và chủ nhiệm lớp 8I, một lớp đa phần là học sinh thuộc thị trấn Phả Lại. Để nắm bắt phần nào tâm tư tình cảm của các em, tôi ra bài viết về một kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình rồi gợi ý các em cứ viết thật chân thực là được. Lạ lùng thay, hầu hết học sinh nam lớp tôi chủ nhiệm đều viết về những trận đánh nhau rất quyết liệt giữa học sinh Phả Lại và Phao Sơn còn các em nữ thì lại viết nhiều về những buổi trông hàng hoặc mang cơm ra chợ cho mẹ. Qua những bài viết đó và qua tâm sự trực tiếp, tôi đã có thể hiểu và chia sẻ được với các em. Dần dần cô trò chúng tôi trở nên rất thân thiết. Có chuyện gì vui buồn các em đều tâm sự với tôi. Học sinh thị trấn thường hiếu động, hay mất trật tự nhưng các em lại tự tin, mạnh bạo hơn các em học sinh nông thôn. Vì thế nếu biết cách khích lệ động viên thì các em học tập rất hăng hái. Đặc biệt là các em khá tinh tế và rất biết cách quan tâm đến mọi người Nhiều việc làm của các em khiến tôi vô cùng xúc động.
 Thuở đó, mọi thứ đều rất khan hiếm, phấn viết của giáo viên  rất bụi mà vẫn thiếu. Có phấn Vạn Tường để viết là đã hạnh phúc lắm. Còn  phấn Côn Sơn thì vừa mủn vừa bụi. Thế nhưng vẫn chẳng có đủ để mà viết. Nhiều khi còn phải đập cả tượng thạch cao ra để dùng tạm( dù nó cứng quèo quèo và  mờ tìn tịt) đến khổ.Một hôm, các em mang đến biếu tôi một bọc giấy, gói cẩn thận và vuông vắn lắm. Tôi đang ngỡ ngàng và chưa kịp phản ứng thế nào thì một em nữ đã nhanh nhảu nói ngay: “ Hôm qua, ba đứa chúng em đi Hải Dương thấy cửa hàng bách hóa bán phấn, chỉ bán cho mỗi người hai hào thôi; thế là chúng em bảo nhau xếp hàng, vòng đi vòng lại hai lần mua được chừng này phấn về biếu cô giáo”. Tôi chợt hiểu ra, chỉ biết đỡ lấy bọc phấn từ tay các em, nói lời cảm ơn mà dường như mắt đã rưng rưng thì phải. Rồi tôi lại bị cuốn ngay vào sự vô tư và ngây thơ của các em, khi nghe các em tíu tít kể tội nhau. Nào là hôm qua em bảo xếp hàng vòng nữa thì thằng này lại bảo là ngại quá, đứa kia lại bảo là về thôi không thì tối mất; nào là nếu nó nghe em vào bách hóa sớm hơn thì đã mua được nhiều hơn…Rồi cứ thế chúng nhao nhao kể hết chuyện nọ đến chuyện kia về chuyến đi tỉnh của chúng. Loáng cái đã hết cả buổi chiều và chúng  chào tôi rồi ùa ra khỏi phòng như những chú chim non ríu ra ríu rít thật đáng yêu.
            Tôi mang phấn cho mấy cô bạn thân trong trường, mỗi người một ít. Số còn lại đem đựng vào một cái hộp phấn Vạn Tường cũ để viết dần. Thú thật là sau này dù được viết nhiều loại phấn khác nhau( có cả phấn Mỹ nữa) nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc vừa thích thú vừa yêu thương như những viên phấn các em xếp hàng mua tặng tôi ngày đó. Mỗi hôm, tôi gói vào giấy một vài viên cho vào trong cặp, lên lớp viết thừa dù một mẩu nhỏ tôi vẫn gói lại mang về. Không phải vì tiết kiệm mà vì một điều gì đó thiêng liêng, cảm động rất tự nhiên từ sâu thẳm hồn tôi. Thấy tôi gói phấn vào giấy như vậy, mấy hôm sau, một học sinh đã mang tặng tôi cái hộp nhỏ xinh xắn. Cầm chiếc hộp vẫn còn hăng mùi sơn, em nói nhỏ: “Em tặng cô để đựng phấn. Em tự gò lấy không được đẹp, cô thông cảm nhé.” Tôi chỉ biết trân trọng đón nhận và cám ơn cậu học trò bé nhỏ mà tinh tế của mình. Tình cảm của các em đã giúp tôi thêm yêu nghề và có trách nhiệm hơn nhiều trong mỗi giờ giảng. Như một thói quen cố hữu, sau mỗi tiết dạy tôi đều tự kiểm điểm lại xem còn chỗ nào chưa ổn . Nếu tiết dạy nào thiếu cảm xúc hoặc khai thác sơ sài thì tôi rất buồn và tự trách mình nhiều lắm.
            Thoắng một cái đã đến ngày 20-11( ngày đại lễ của giáo giới). Sau bao nhiêu năm làm trò, giờ tôi mới được làm thày. Vì thế,  kỉ niệm về ngày nhà giáo hồi đó thật đáng nhớ với tôi. Cũng là ngồi dự lễ kỉ niệm nhưng tôi không còn phải ngồi xếp hàng dưới sân nữa mà là ngồi trên dãy ghế dành cho giáo viên. Một cảm giác thích thú, tự hào thấy mình oai oai chợt dâng lên trong tôi. Tôi muốn buổi lễ kéo dài mãi. Nhưng khi nhìn xuông học sinh, thấy các em phải ngồi nắng giữa sân trong tư thế không được thoải mái, đã có một số em quay lung tung nói chuyện riêng hoặc tỏ vẻ khó chịu. Chợt nhớ đến cảm giác của mình khi còn là học trò, tôi lại muốn buổi lễ kết thúc nhanh; lại thấy những diễn văn kia thật dài dòng, vô lý và vô duyên quá. Rồi buổi lễ kỉ niệm ấy cũng kết thúc . Các trò chạy ùa về lớp học, còn cánh giáo viên ai có giờ tiếp theo thì vào phòng chờ, ai không có giờ thì về phòng riêng. Tôi có giờ sau đó đúng vào lớp mình chủ nhiệm nên không vào phòng chờ mà tranh thủ vào lớp để chơi với học sinh. Nhìn các em mồ hôi chỉ vừa đủ làm mềm da trong cái hanh hao của buổi đầu đông, khiến cho những cặp má căng tròn ửng hồng thêm mỡ màng, non tơ và sáng láng, chợt thấy các em thật đẹp và đáng yêu. Các em ngồi quây quanh tôi râm ran chúc mừng, ríu rít chuyện trò. Nhìn quanh thấy thiếu hai em nữ, một lớp phó học tập, một quản ca. Tôi đang định hỏi thì các em xuất hiện. Một bưng lọ hoa tươi, một cầm chiếc khăn phủ bàn tiến vào. Các em chào tôi rồi tiếp tục làm nhiệm vụ trải khăn phủ bàn và đặt bình hoa ngay ngắn trên bàn giáo viên. Công việc vừa xong thì cũng là lúc trống vào lớp vang lên. Cô trò tôi cùng bước vào tiết học. Thay vì việc lớp trưởng báo cáo sĩ số như mọi ngày, hôm đó cả lớp đứng nghiêm và đồng thanh : “ Chúc mừng cô giáo nhân ngày 20 tháng 11”. Tôi thật sự bất ngờ và vô cùng cảm động. Thể theo nguyện vọng của các em, hôm đó tôi không giảng bài mà nghe các em tâm sự và kể chuyện cho các em nghe- truyện : “ Nhà thờ đức bà Pa Ri” của V. Huy Gô. Chẳng biết tôi kể có hay không, nhưng các trò thì thích thú lắm. Im phắc lắng nghe , khi kết thúc thì xuýt xoa thích thú và có em còn thốt lên : “ Tiếc quá đã hết rồi” Từ đó, chúng rất hay yêu cầu tôi kể chuyện. Tôi hứa với chúng là nếu tuần nào lớp được toàn giờ tốt thì tiết sinh hoạt lớp cuối tuần, tôi sẽ kể chuyện. Tôi không ngờ là việc đó đã có kết quả thật tốt đẹp. Lớp tôi ngoan hẳn lên, giờ học tốt nhiều hơn và tình cảm cô trò càng thêm thân thiện gắn bó. Nhiều tuần dù bị mất vài giờ học tốt , tôi cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng và vẫn kể chuyện hoặc bình những bài thơ ngoài chương trình học cho các em nghe. Đến nay, nhiều khi gặp lại, các em vẫn thường nhắc đến những câu chuyện, những bài thơ bình tự do đó và nhắc nhiều nhất đến truyện “ Nhà thờ đức bà Pa Ri”, “ Ô TEN LÔ” hay bài thơ  “Đánh thức trầu” của Trần Đăng Khoa.
            Hồi đó,  ngày 20-11, không nghỉ học như bây giờ. Vì thế cũng không có hiện tượng học sinh lũ lượt kéo nhau đi chúc các thầy cô giáo như hiện nay.Mà thường là các cán bộ lớp đại diện  hoặc một nhóm học sinh đến chúc mừng vào buổi tối. Thỉnh thoảng cũng có một vài phụ huynh ( thường là  những gia đình đã thật thân tình với giáo viên) mới đến. Quà cáp cũng chỉ mang ý nghĩa tương trưng, tình cảm thôi chứ không nặng về giá trị vật chất và tuyệt đối không có chuyện phong bao như ngày nay.Tôi nhớ như in, năm đầu tiên dạy học của mình, tôi đã nhận được một bọc khoai lang của một bác phụ huynh ở Thái Học. Vợ chồng bác  khá cao tuổi lại chỉ có ba cô con gái đã yên bề gia thất, một cậu con trai út đang học lớp tôi. Cậu chàng được chiều nên lười học lại hay đi học muộn. Tôi đã xuống thăm nhà cậu vài lần và cùng với các trò trong lớp giúp cậu học tập tiến bộ nhiều. Vì thế, gia đình cậu quý tôi lắm. Mùa nào thức ấy, bác gái thường mang quà cho tôi, khi bọc ổi, lúc đùm na… Quan hệ giữa tôi với gia đình bác, bề ngoài thì là phụ huynh với giáo viên nhưng thực chất thân thiết như người nhà vậy.
Tối hôm đó, tôi đang soạn bài thì nghe một tràng pháo nổ ngay trước cửa. Giật minh, quay ra, hóa ra các trò lại đến thăm. Chúng mang theo một bánh pháo tép, đên khoảng sân trước cửa phòng tôi thì đốt rồi chạy ùa vào phòng. Tôi hơi bất ngờ vì cứ nghĩ ban sáng cô trò đã hàn huyên chúc tụng cả rồi. Chúng tặng tôi một bó hoa và một bức tượng thiếu nữ làm bằng thạch cao nhỏ nhắn và xinh xắn lắm rồi chúng hát tặng tôi những bài hát quen thuộc ca ngợi nghề giáo. Tôi không biết hát, nhưng lớp tôi hồi đó nhiều em hát hay lắm. Liên hoan văn nghệ  do Đoàn trường tổ chức  nhân dịp chào mừng ngày thành lập đoàn và ngày sinh nhật Bác cuối năm học đó, các tiết mục của lớp tôi đều được cổ vũ nồng nhiệt và được xếp thứ hạng cao. Tôi rất thích tiết mục đơn ca bài “ Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long" của em Trần Thị Thúy và bài đồng ca “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Chẳng biết các em học lỏm ở đâu mà dàn dựng rất công phu và hát thì đều lắm, truyền cảm lắm. Cứ như dân chuyên nghiệp vậy. Một năm học qua đi thật nhanh. Tôi về nghỉ hè mà chỉ mong sớm được trở lại trường. Hình như có một cảm giác nhớ trường nhớ lớp, nhớ trò thật nôn nao của năm dạy học đầu đời. Rất tiếc là sau này dù có mong trở lại trường trong những kì nghỉ hè nhưng cái cảm giác nao nao kia không trở lại nữa.
Sau kì nghỉ hè, thấy các trò lớn hơn và hình như cũng đằm tính hơn. Cái chất háo hức hơn hớn của năm trước đã bớt đi và cái chất e lệ nhiều hơn  ( nhất là các em nữ). Có lẽ ở thời kì này, các em nữ nhanh lớn hơn và cũng người lớn hơn các em nam thì phải. Vào đầu năm học, các em đề nghị tôi cho tổ chức một bữa liên hoan do các em tự nấu lấy. Tôi đồng ý ngay, một phần vì muốn lớp vui hơn, đoàn kết hơn, phần vì muốn thưởng thức tài nghệ nấu ăn của các trò. Quỹ lớp năm trước vẫn còn một ít, các em bảo nhau đóng thêm rồi làm một bữa liên hoan rất xôm. Tôi ấn tượng nhất với món chả cá ngần vàng rộm, có vị ngọt đặc trưng của cá, vị thơm của hạt tiêu, thì là mà chả cá mực ngày nay không thể nào sánh bằng. Nước chấm các em pha chế cũng miễn chê. Hài hòa về mầu sắc và đậm đà hương vị. Nhìn bát nước chấm nhỏ xinh, có màu vàng ong, điểm mấy lát tỏi trắng ngà, mấy lát ớt đỏ tươi đã thấy bắt mắt. Khi nếm vào mới thật mê. Bởi mùi thơm đặc trưng của nước mắm ngon quện với vị chua mát của chanh tươi, vị ngọt vừa phải của đường cát, vị cay của ớt, tỏi . Tất cả như vừa đủ để kích thích thị giác, khứu giác và vị giác của ta, khiến ta đã nếm một lần là nhớ mãi. Tôi thầm nghĩ, học sinh thị trấn Phả Lại có khác. Hôm đó, lớp có mời các giáo viên bộ môn và được các thầy cô tấm tắc khen tài tổ chức và tài nấu nướng của các em. Tôi có ý tự hào về các trò của mình lắm. Tuy vậy, tôi rất băn khoăn vì không biết các em làm thế nào mà mua được nhiều thịt vậy, lại toàn thịt ngon ơi là ngon. Tôi nêu băn khoăn đó của mình thì mới được biết rằng các em mua thịt ngoài chợ đen. Chả là, hồi đó, cánh giáo viên chúng tôi toàn mua thịt bằng tem phiếu, mỗi tháng được 0,5 kg . Một số giáo viên ra trường lâu năm, quen biết nhiều còn nhờ vả mua được thịt ngon, chứ lính mới tò te như tôi thì phải xếp hàng đến khổ mà chỉ mua được thịt bụng bèo nhèo thôi. Thịt ngoài chợ hồi đó không bán công khai và ê hề như bây giờ. Chúng tôi chẳng có tiền mua nhưng giả sử muốn mua cũng không biết tìm chỗ. Qua các trò, tôi mới biết những người bán thịt chui ngoài chợ họ đã mua thịt bằng nhiều cách rất tinh vi. Có khi là mua của người mổ lợn chui, khi thì mua của người ăn bớt được từ các bếp ăn tập thể hay cửa hàng ăn uống. Có khi họ mua bằng tem phiếu của người có tem phiếu bán ra nhưng họ móc ngoặc với cửa hàng thịt nên không phải xếp hàng mà mua được toàn thịt ngon thôi.
Một kỉ niệm đáng nhớ nữa là dịp cô trò tôi  đi phục vụ đoàn thi đấu thể thao của nhà trường do Ty giáo dục tổ chức ở thị xã Hải Dương( nay là thành phố Hải Dương). Biết rõ các trò  mua sắm đồ ăn rất sành và  nấu nướng cũng khéo nên tôi chỉ cần nêu thực đơn là chúng bảo nhau làm rất tinh tươm. Trớ trêu thay là cái ông tổ trưởng tổ văn năm trước, năm nay đã lên chức Hiệu phó và là người dẫn đoàn đi thi. Tôi vốn không có cảm tình với ông ấy từ hôm hướng dẫn soạn giáo án, lại tức thêm vì buổi bình giờ giảng ông ấy bảo tôi mới ra trường nên xếp loại khá để còn phấn đấu (trong khi cả tổ nhất trí xếp loại tốt). Cho nên tôi chẳng quan tâm hỏi han gì, chỉ lo cùng các trò làm tốt nhiệm vụ.  Mãi sau này, khi đã thân nhau, ông ấy mới bảo hồi đó chúng tôi làm tốt lắm và quý tôi từ dạo ấy.
Sau đợt đi phục vụ đoàn thi đấu thể thao về, cô trò chúng tôi đã thật sự thân thiết nhau như chị em. Các em nữ khi đi đâu thường đến mượn khăn hoặc áo của cô giáo.Chúng rất thích chiếc khăn len màu tím huế do tôi tự móc nên truyền nhau dùng. Tôi cũng không cho hẳn em nào mà để cô trò dùng chung luôn. Ngày ấy len hiếm lắm chứ nếu nhiều như bây giờ thì tôi đã móc tặng mỗi em một chiếc rồi. Tôi có được chiếc khăn len ấy cũng là do ông anh trai đi miền Nam ra, mua được cân len, nhờ tôi đan áo cho chị dâu và các cháu chỗ còn lại tôi mới được phép móc khăn cho mình
Không riêng gì trò nữ, các trò nam cũng rất gần gũi, đáng yêu. Có chuyện gì khó xử trong gia đình, chúng cũng nhờ tôi can thiệp, kể cả chuyện bố mẹ hay cãi vã nhau. Hồi đó tôi chưa có gia đình và thực sự là chẳng hiểu gì về những chuyện giải quyết mâu thuẫn chồng vợ. Nhưng trò đã tin tưởng mà tâm sự và nhờ cậy nên buộc phải tìm hiểu thôi. Bấy giờ, tài liệu nói về những vấn đề riêng tư cũng đâu có nhiều như bây giờ. Tôi lần tìm đọc ở những mục tâm sự trong báo Phụ nữ rồi cứ nghĩ từ cuộc sống của ba mẹ mình và suy luận thêm ra mà đánh bạo hay liều mạng thì đúng hơn, gặp gỡ phụ huynh của trò tâm sự. Nói là khuyên nhủ thì không đúng mà tôi chỉ chủ yếu nói với họ về nỗi buồn và những mong muốn của con họ khi nó thổ lộ với tôi( cố nhiên là có thêm mắm thêm muối vào). Vậy mà cũng có kết quả thật. Trò đến cám ơn tôi đã đành mà cả phụ huynh cũng cám ơn nữa mới oách chứ.
 Tuy vậy cũng có chuyện tôi làm không được phụ huynh tán đồng và cho đến tận bây giờ, nhiều lúc nhớ lại, tôi cũng thấy mình thật ấu trĩ. Đó là việc một trò, có ba là sĩ quan quân đội nên em cũng rất thích đi bộ đội. Hè năm đó có đợt tuyển quân, mà theo trò nói là “ tuyển đặc công nước hẳn hoi. Em thích lắm, ba em cũng đồng ý rồi, chỉ có mẹ em là kiên quyết phản đối. Cô nói giúp em với. Vào đó em vẫn học được mà. Nếu không được đi thì ở nhà em cũng không còn tâm trí nào mà học nữa”Nghe bùi tai, tôi cũng đến gặp phụ huynh và nói giúp trò. Bác ấy chỉ cười buồn và nói nhẹ nhàng thôi nhưng tôi rất thấm thía: “ Tôi tưởng cô giáo phải khuyên trò tiếp tục học tập chứ. Học xong rồi nhập ngũ cũng có muộn đâu. Nhưng học hành dở dang thì phải làm sao?” Tôi chỉ còn biết xin lỗi bác và về động viên trò học tiếp. Chuyến này, tôi phải nhờ các bạn nói thêm vào. Đặc biệt là nhờ một bạn nữ mà trò đó thân thiết nhất. Cuối cùng vấn đề cũng được giải quyết
.Tôi thở phào nhẹ nhõm và rút ra cho mình một bài học nhớ đời!
                                        Sao Đỏ:10-11-2012
                                                          Vũ Thị Song Thu


Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

BỎ QUÊN LỜI THỀ


           
(Họa nguyên vận bài: Gọi tên của Van ca li)
Tàn đêm nhung nhớ bóng hình ai
Dằng dặc buồn thương tháng tháng dài
Thỏa chí  người đi non nước biếc
Đau lòng kẻ ở dáng hình phai
Kể từ buổi ấy xa xa mãi
Mấy độ thu đông thổn thức hoài
Ai bỏ lời thề vào quá vãng
Để buồn nhuộm úa cả vườn mai
                        26-10-2012
                        Song Thu

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

ĐỌC THƠ XUÂN QUỲNH NHÂN DỊP 20-10-2012



            Xuân Quỳnh (1942-1988), tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê thành phố Hà Đông tỉnh Hà Tây. Chị sớm mồ côi mẹ nên ở với bà nội từ nhỏ. Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa Đoàn văn công nhân dân Trung ương, là biên tập viên báo Văn nghệ, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Nhưng, Xuân Quỳnh được mến mộ nhất với danh hiệu nhà thơ. Chị đã để lại nhiều tập thơ có giá trị như: Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng(1974), Lời ru trên mặt đất(1978), Tự hát(1984), Hoa cỏ may(1989)… Trong đó, rất nhiều bài thơ, câu thơ có sức neo đậu bền lâu trong lòng độc giả. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ giàu yêu thương, nhiều trắc ẩn vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Một số bài thơ về tình yêu lứa đôi của chị được phổ nhạc và được rất nhiều người yêu  thích.
            Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh và có ấn tượng với nhiều bài thơ của chị. Bài thơ : Mẹ của anh  là một trong những bài thơ tôi rất tâm đắc:
           
            Phải đâu mẹ của riêng anh
            Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
            Mẹ tuy không đẻ không nuôi
            Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
            Ngày xưa má mẹ cũng hồng
            Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
            Bây giờ tóc mẹ trắng phau
            Để cho mái tóc trên đầu anh đen
            Đâu con dốc nắng đường quen
            Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
            Thương anh thương cả bàn chân       
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Câu ca mẹ hát thủa nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp bài ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông vô bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

Từ xa xưa, người ta đã truyền nhau nhiều câu ca để nói về sự phức tạp trong quan hệ nàng dâu mẹ chồng. Nào là : Thật thà cũng thể lái trâu/ Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng ; nào là : Vôi nào vôi lại không nồng/ mấy đời mẹ chồng mà thương nàng dâu. Vì thế, dù rất nhiều thơ văn ngợi ca người mẹ, nhưng lại thật ít thơ văn ca ngợi mẹ chồng. Nhất là thơ văn do chính con dâu viết về mẹ chồng mình. Ấy vậy mà Xuân Quỳnh lại khẳng định dứt khoát tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của mình với mẹ chồng :
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Biết bao yêu thương trìu mến chứa đựng trong một câu thơ mộc mạc, giản dị này : « Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi » !
Từ tình yêu thương, lòng biết ơn với mẹ chồng, Xuân Quỳnh đã cảm nhận thật đầy đủ, những hi sinh hết mình vì con trai của mẹ :
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đồng thời chị còn thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả, tảo tần, những thương khó gian truân mà mẹ đã trải qua : « Đâu con dốc nắng đường quen/ Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần ».  Với Xuân Quỳnh, mẹ không chỉ cho con trai mình máu thịt để làm nên hình hài, không chỉ cho tình yêu thương sự chăm sóc lúc con đau ốm, hay cho con cơm ăn áo mặc hàng ngày bằng sự tảo tần của mẹ mà mẹ còn là hiện thân của nếp sống của văn hóa ngàn đời để nuôi dưỡng tâm hồn con, vun đắp tài năng cho con. Trong mỗi thành công của con đều có mẹ đóng góp, trong mỗi câu thơ lời văn của con đều thấp thoáng lời ru câu hát của mẹ thủa nào :
Câu ca mẹ hát thủa nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh

Vì thế, càng thương mẹ chồng bao nhiêu chị lại càng yêu thương chồng bấy nhiêu : «  Thương anh thương cả bàn chân / Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao » . Chị muốn ghé vai san sẻ với mẹ, muốn tiếp sức cùng mẹ để «  hát tiếp bài ca / Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn » ; muốn hòa tình yêu chồng vào tình yêu thương vô bờ với mẹ chồng : « Hát tình yêu của chúng mình/ nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa tình yêu mẹ mênh mông vô bờ ». Bởi vì chị hiểu thật sâu sắc rằng mẹ đã sinh ra anh, nuôi dưỡng anh, nâng niu chăm sóc anh, coi anh là báu vật vô giá của đời mình. Nhưng rồi mẹ đã tặng anh cho chị.
 Cho nên, hai câu kết trong bài thơ thực sự là một kết tinh đẹp đẽ vô cùng của tình yêu, lòng biết ơn mẹ chồng sâu sắc hòa với tình yêu chồng nồng nàn thiết tha của người thi sĩ tài hoa, người con dâu hiếu thuận, người vợ thảo hiền- Xuân Quỳnh :
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

Nhân dịp 20-10, đọc lại bài thơ trên của Xuân Quỳnh tôi cứ nghĩ mãi rằng nếu ai cũng có sự thấu hiểu sâu sắc về mẹ chồng như thi sĩ Xuân Quỳnh thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ tốt đẹp biết bao. Rồi lại cứ nghĩ rằng giá như kỉ niệm những ngày phụ nữ người ta hãy cho ngâm hoặc bình bài thơ này cặn kẽ thì hiệu quả biết chừng nào ! Liệu ý nghĩ đó của tôi có đúng không ?
                       
                                            20-10-2012
                                                                    Song Thu    














   

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

HƯƠNG VỊ ĐỒNG QUÊ


           
 Một chiều dạo mát đồng quê
Bao nhiêu mùi vị ùa về trong tôi
Mặn mòi là vị mồ hôi
Ướt đầm lưng áo bao người nông dân
Cái mùi thương khó tảo tần
Hòa vào đồng ruộng nên cân lúa vàng
Hòa vào trời đất mênh mang
Mà thành hương súng, hương sen ngát lừng
Thành hương cỏ mật thơm đằm
Thành vị đòng đòng ngọt suốt tuổi thơ
Thành niềm khắc khoải mong chờ
Người đi xa ngái vẫn mơ hương đồng
                        19-10-2012
                        Song Thu


Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG


            

Ngày ấy, “bà chúa thơ nôm” – Hồ Xuân Hương và ông Phạm Hổ* chơi thân với nhau lắm. Chẳng biết Phạm Hổ đã sàm sỡ nữ sĩ thế nào mà bị nữ sĩ giáng cho một đòn thơ đáo để. Thơ rằng:
            Anh đồ tỉnh, anh đồ say
            Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
            Này này chị bảo cho mà biết
            Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
           
            Ghê gớm thật. Đã gọi bằng “anh đồ” lại còn xưng “ chị” nữa mới khiếp chứ. Đã hết đâu. Biết người ta tên Hổ rồi còn cố tình ví von “ chốn ấy” là “hang hùm” mới thật hiểm .
            Phạm Hổ cũng chẳng vừa. Ông đã đáp lại bằng một bài thơ rất hóm. Đáp rằng:
            Ừ ông tỉnh, ừ ông say
            Ừ ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
            Hang hùm ví thử không ai mó
            Sao có hùm con bỗng trốc tay**
           
Không thèm chối tội đâu nhé. Phạm Hổ nhận tội ngay. Nhưng nhận tội một cách khá ngang ngạnh đấy chứ: “Ừ ông tỉnh, ừ ông say/ Ừ ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày”. Nhận tuốt mà lại còn xưng ông nữa mới cao tay. Nhưng cao tay hơn nữa là ở hai câu cuối “ Hang hùm ví thử không ai mó/ Sao có hùm con bỗng trốc tay”. Trời đất ông không chỉ “ghẹo nguyệt giữa ban ngày” đâu. Ông còn tiến xa hơn để có “hùm con bỗng trốc tay” ấy chứ.
 Đáo để như Xuân Hương cũng đành phải chào thua chứ biết làm sao!
                                    7-10-2012
                                    Vũ Thị Song Thu ( sưu tầm và giới thiệu)


 Chú thích:
* Phạm Hổ : Tức Phạm Đình Hổ, tục gọi Chiêu Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), làng Đan Loan huyện Đường An phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương ( nay thuộc huyện Bình Giang- Hải Dương). Tuy học rộng, đọc nhiều nhưng chỉ thi đỗ Tú Tài, vào cuối thời Lê Chiêu Thống.
Khi triều Lê- Trịnh sụp đổ, Tây Sơn lên cầm quyền, Phạm Hổ dạy học tại quê nhà.
Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử, Phạm Đình Hổ tham gia thi Hương ba lần nhưng đều không đỗ. Thời kì này, ông dạy học tại huyện Thọ Xương trong thanh Thăng Long. Ở đây, ông kết bạn với Xuân Hương nữ sĩ.
Năm Tân Tỵ (1821) vua Minh Mạng ra Bắc, vời Phạm Hổ tới hỏi về học vấn, thi cử và nhân tài đất Bắc, lại khuyên nếu có sách tiền triều, hoặc sách trước thuật.. nên đem tiến trình. Ông dâng vua những sách do mình biên soạn. Vua trọng thực tài ông nên vời vào Huế phong làm Hành Tẩu viện Hàn Lâm.
Năm Minh Mạng thứ 7(1826), ông được làm Thừa chỉ viện Hàn Lâm, rồi làm đến Tế Tửu Quốc Tử Giám
Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu. Đến năm Kỷ Hợi (1839) thì mất, hưởng thọ 71 tuổi
** Bỗng trốc tay: bồng bế trên tay

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

THU LY BIỆT


(Họa nguyên vận bài : “Hạ ca”của Lê Thiên Minh Khoa)

Lớp lớp lá rơi kín mặt đường
Nhớ hoài ngày ấy biệt người thương
Kẻ ôm cặp sách vào trong lớp
Người khoác ba lô tới chiến trường
Mòn mỏi đợi chờ phai sắc thắm
Mênh mông xa cách bợt thư hường
Người đi đi mãi không về nữa
Để nỗi lòng ai những vấn vương

Mình ai thơ thẩn bước trên đường
Tìm lại nơi nào gửi nhớ thương
Chẳng thấy bằng lăng hồng góc phố
Còn đâu phượng vĩ đỏ sân trường
Sấu già cô quạnh không cho quả
Cúc tím não nùng chẳng tỏa hương
Vắng bóng người thương nơi chốn cũ
Lòng ai dằng dặc nỗi buồn vương
                        6-10-2012
                        Vũ Thị Song Thu
Phụ  chép bài :Hạ ca

Chưa biết bờ môi ngọt lịm đường
Học trò đâu dám ngỏ lời thương
Ngại ngần ánh mắt hôm tìm lớp
Run rẩy bàn tay buổi bãi trường
Câu chữ nhập nhòa tình với bạn
Phấn son bối rối đỏ hay hường
Chỉ hay khẽ chạm vào dư ảnh
Lơ lửng một đời mái tóc vương

Còn không em hỡi những con đường
Hai đứa đếm hoài bước bước thương
Xao xuyến phượng hồng chiều xóm nhỏ
Ngẩn ngơ áo trắng buổi tan trường
Thư xanh đã ngả sang màu thẫm
Kỉ niệm còn nguyên vẹn sắc hương
Em có đi về trên phố cũ
Lặng nhìn phượng nở để sầu vương?
            Lê Thiên Minh Khoa

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

CÓ LÀM SAO


            
( Họa nguyên vận bài: Gửi Liên hiệp quốc của T.D)

Mặc cho trời động, sóng dâng trào
Nộ khí trần gian ngùn ngụt cao
Đủng Đỉnh con Giời vơ đẫy túi
Nhân tình ai oán có làm sao!
                        5-10-2012
                        Song Thu
Phụ chép bài:
            GỬI LIÊN HIỆP QUỐC
Đất động trời rung sóng biển trào
Con người xung sát máu phun cao
Hòa bình hạnh phúc treo đầu tóc
Nhân loại sang ngày tận số sao???
                        Thanh Dạ

THU


           
Lá vàng thảng thốt rơi rơi
Cánh chim lạc lõng cuối trời chao nghiêng
Heo may ngơ ngẩn bên thềm
Trời thu gợi chút niềm riêng lạnh lòng
                        5-10-2012
                        Song Thu

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tiếp theo về Hàn Mặc Tử



Bài II:             DÁU ẤN HÀN MẶC TỬ
                                    ( Lại Nguyên Ân)
        Khi phong trào thơ mới bùng nổ trong giới văn chương nước nhà, Hàn Mặc Tử đã nhận ra ý nghĩa giải phóng sức sáng tạo cá nhân đầy ưu thế của nó. Tập thơ Gái quê ra mắt cuối năm 1936, cho thấy Hàn Mặc Tử từ cung cách sáng tác trong phạm vi thi ca hậu cổ điển đã nhanh chóng bước sang lĩnh vực thơ mới lãng mạn và sớm ghi được thành tựu của mình ở đấy, mặc dù Hàn Mặc Tử không thuộc trong số những người cổ vũ cuồng nhiệt cho phong trào này, cũng không coi mình là “ tín đồ trung thành” của nó.
          Khác với những thi gia hàng đầu có thành tựu xuất sắc của thơ mới đã từng vô tình hay cố ý coi thơ mới ở giai đoạn lãng mạn duy lý như những quy phạm mẫu mực, “kinh điển” mới; Hàn Mặc Tử và một số nhà thơ khác- những thành viên hiếm hoi của “ Trường thơ loạn”, chỉ gồm Hàn Mặc Tử, Bích Khê và Chế Lan Viên- ngẫu nhiên chăng lại cùng sống và làm thơ hồi những năm 1930-1940 tại vùng Quy Nhơn – Bình Định- đã bước qua giai đoạn lãng mạn duy lý, đẩy thi ca tiếng Việt sang miền tượng trưng siêu thực, đưa thơ Việt, văn học Việt sáp lại gần giai đoạn hiện đại chủ nghĩa, giai đoạn mới nhất của văn học các nước phát triển tính đến thời gian đó.
           Như đã được các giới văn chương và khảo cứu chỉ ra, Hàn Mặc Tử vừa là người cổ vũ, là lý luận gia vừa là nhà sáng tạo có thành tựu nổi trội nhất của “ Trường thơ loạn” của thi ca tượng trưng siêu thực hiện đại chủ nghĩa tiếng Việt những năm 1930-1940. Biểu hiện tập trung, thành tựu nổi trội nhất của Hàn Mặc Tử trên hướng này chính là tập thơ Đau thương, cũng được gọi là Thơ điên
           Không ít người cho rằng, Hàn Mặc Tử sở dĩ bước được sang bến bờ tượng trưng, siêu thực trong sáng tác và cả trong quan niệm mỹ học, là bởi trạng thái đau bệnh, do ông mắc một trong số các chứng bệnh mà đương thời xem là “ tứ chứng nan y”, với những đau đớn vô cùng tận trong thể xác, những đau đớn bí mật bởi không thể chia sẻ với ai khác, không thể nối dây thần kinh người bệnh với dây thần kinh nhiều người khác để giảm thiểu cảm giác đau bệnh; chính những đau đớn ấy làm rối loạn thần trí, làm phát sinh những hoang tưởng quái dị, trong tình thế ấy, hoạt động văn chương, hoạt động thi ca, hoạt động ngôn từ vừa như là sự chuyển dạng vừa là sự giải thoát của con bệnh.
        Thế nhưng nếu đã có hàng ngàn, hàng vạn ca bệnh tương tự mà chỉ thấy hầu như một trường hợp Hàn Mặc Tử- “ con bệnh” hiếm hoi đã biết làm và làm được cái việc “ kể lại, tả lại” những trải nghiệm đau thương, những động loạn trong tâm trí, những huyễn tượng quái dị- cứ cho là hệ quả trực tiếp từ những cơn đau bệnh đi- thì chính điều đó đã đặt chúng ta không phải trước các trạng thái bệnh lý với “ bệnh phẩm” của chúng, mà là trước những trải nghiệm tâm lý, tinh thần của con người đã và đang sống cuộc sống thực tại với những khổ đau tuy lớn hơn ở những người khác nhưng không hề xa lạ những khổ đau của  người đời. Từ chỗ không thể san sẻ về thể chất, khi được  “kể lại, tả lại” bằng ngôn từ, bằng thi ca, những khổ đau của một con người trở nên có thể được sẻ chia bởi những người khác về mặt tinh thần. Việc “kể lại, tả lại” những trải nghiệm ấy, bằng ngôn từ- hơn nữa, ngôn từ của thi ca- hầu như không ai có thể làm được, nếu đó không phải là những thiên tài.
          Hàn Mặc Tử chính là con người hiếm hoi đó; ông là một thiên tài. Sự kết tụ tài năng vào một cá nhân đau bệnh như Hàn Mặc Tử là rất khó giải thích cặn kẽ, chỉ có thể nói đó là một sự kết tụ ngẫu nhiên biện chứng.
                                                      Vũ Thị Song Thu ( sưu tầm)
                                                      Nguồn: Báo Văn nghệ số 39,( 29-9-2012)