Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

BÃO

Bất chợt chiều nay bão đổ về
Khơi lên trong dạ nỗi đau tê
Thương cây gạo cội không còn lá
Xót khoảng sân xưa vắng bóng hòe
Một cuộc xoay vần tao tác quá
Muôn nhà biến động thảm thê ghê
Bão tràn từ cõi "Thời xa vắng"*
Đọng lại hồn ta mấy não nề
               Sao Đỏ 29-9-2011
               Vũ Thị Song Thu

Chú thích: "Thời xa vắng là tên một tác phẩm của nhà văn Lê Lựu

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

HỌA LẠI BÀI "ĐÃ THÀNH THÂN" CỦA SONG THU

Đi tìm cô giáo để cầu thân
Đến Cổ Thành thì thấy lão Tuân
Đứng ở một bên bồng súng gác
Co giò chạy thẳng suýt bong gân
                       Thanh Dạ

ĐÙA THANH DẠ
Chưa cầu thân, vốn đã thân
Can chi chạy suýt bong gân thiệt kì
Mình đi mình vác súng đi
Súng mà đầy đạn sợ gì súng Tuân
                       Vũ Thị Song Thu

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

PHƯỢNG HỒNG - truyện ngắn của Minh Hương



Vị chát ngọt của nước chè xanh làm tôi vơi đi nỗi bồn chồn. Bên quầy bán sách báo, tiếng hát từ băng catset lại cất lên.
"... Những chiếc gỏi xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám ..."
Bà chủ quán nước nói vọng sang :
- Hết bài hát rồi hay sao mà từ sáng đến giờ chú mở mãi có một bài thế?
Gã bán sách đang xếp lại mấy quyển sách cười hề hề:
- Bác ơi! Bác có thấy bọn trẻ đang túm tụm trong sân trường kia không? Chúng chuẩn bị chia tay nhau trước khi từ biệt trường phổ thông đấy. Trong đám các chàng trai ấy, khối anh đang ngơ ngẩn vì các nàng tiên từ cung trăng xuống đang lả lướt trong tà áo dài thướt tha kia kìa. Rồi vài hôm nữa thế nào cũng có mấy anh đến đây, khắc nỗi nhớ nhung của mình lên cây phượng vĩ già này. Ngày xưa cháu cũng đã từng ngẩn ngơ vì một nàng cùng lớp. Nhưng nàng quá vô tình để đến bây giờ "Cây si" ngồi đây bán sách, còn nàng làm bác sĩ, lấy chồng giáo sư ở tận trên thành phố. Thế nhưng, mỗi khi hè về, nhìn lũ trẻ líu ríu nhau là cháu lại thoáng nhớ về nàng. Có lúc còn nghĩ ông nhạc sĩ sáng tác bài hát này là để tặng riêng cho cháu đấy...
Gã lại cười hề hề, mắt nháy về phía tôi. Tôi cũng mỉm cười như muốn chia sẻ với gã nhưng trong lòng còn đang mãi ngược về những kỷ niệm của riêng mình...
Tôi hơn em hai tuổi, học trên em một lớp. Chúng tôi thân nhau vì cùng ở đội văn nghệ của trường. Tình bạn hồn nhiên giữa chúng tôi bỗng chuyển gam từ buổi tối biểu diễn hôm ấy... Tiết mục mở màn là vũ khúc "Bên đầm sen". Đèn sân khấu bật sáng. Chín cánh sen hồng từ từ hé nở. Em hoá thân làm nhụy, khoe hương sắc với đời. Khuôn mặt em bừng sáng lung linh, Tôi cảm thấy hương thơm của hoa sen đang lan toả quanh mình ... Tiếng vỗ tay vang dội, tốp múa ùa vào hậu trường. Tôi đón em ngay bậc lên xuống.
- Thật tuyệt vời, em là nàng tiên vàng...
Đang xúc động với thành công trong vai múa của mình, em thêm cảm kích trước lời khen của tôi. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau cùng ngỡ ngàng, lúng túng. Tôi ngập chìm trong cảm xúc kỳ diệu trước đó chưa có bao giờ. Chẳng biết chúng tôi sẽ còn đắm đuối bao lâu, nếu không phải nhường chỗ cho mọi người lên xuống.
Cảm xúc lạ với em đêm ấy làm tôi vơ vẩn hết mấy ngày. Tôi hay tìm cớ để gặp em. Còn em, hình như đã quên giây phút thần tiên ấy, có vẻ hơi buồn và thường tránh ánh mắt của tôi. Những buổi tập văn nghệ sau đó, em thường bắt tôi đàn để em hát bài "Mối tình câm". Bài hát nói về tình yêu đơn phương của một người lính. Lúc còn ở nhà, chàng thầm yêu một cô học sinh vẫn thường che nón đi học qua nhà chàng. Vì ngại ngùng mà chàng chưa một lần dám gặp nàng để tâm tình. Khi ra chiến trường nhớ về nàng, muốn viết thư về thổ lộ thì tiếc thay, chàng chưa hề biết tên nàng... Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy em mới mười bảy tuổi mà có thể cất lên giọng ca thống thiết đến thế khi hát bài hát này?
Rồi ngày lớp đàn anh chúng tôi ra trường đã đến. Đội văn nghệ tổ chức chia tay. Trò chơi trước khi ra về của chúng tôi là "Kết mũ tặng nhau". Trên sân trường ngập nắng, chúng tôi quây quần dưới gốc phượng, chia nhau từng cặp trai gái. Tôi quyết định sẽ nói với em điều thiêng liêng nhất. Em đội cho tôi chiếc mũ kết bằng lá phượng, màu xanh biếc tượng trưng cho mũ Hoàng tử, tôi nhẹ nhàng đặt lên đầu em chiếc mũ kết bằng hoa phượng thắm đỏ như vương miện của công chúa. Tôi nhìn sâu vào đáy mắt em thầm thì: "Anh muốn nói với em điều này.". "Gương mặt đang tươi như hoa của em bỗng u buồn khác lạ. Em lắc đầu van vỉ: "Anh hãy đứng nói gì...". Đôi mắt em ngấn lệ. Tôi sợ giọt nước mắt kia sẽ tràn qua bờ mi cong vút của em. Tôi muốn đặt lên mắt em nụ hôn đầu đời. Nhưng làm sao tôi có thể ...
Chia tay em, tôi đau khổ hụt hẫng, xong không có nhiều thời gian để chết chìm trong thất vọng. Tôi lao vào ôn thi đại học, nghĩ rằng em cũng như tôi còn quá trẻ. Trước mắt, em còn cả một năm cuối của tuổi học sinh bồng bột. Thi đại học xong, tôi đến nhà tìm em thì được biết, bố em đã chuyển trường gửi em lên thị xã học. Tôi hỏi thăm địa chỉ, bố em lắc đầu nói: "Em nó còn phải học".
Năm sau, từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi vui vẻ về quê nghỉ hè, hy vọng sẽ được cùng em vui chơi trong một tháng, nhưng em lại ở luôn trên thị xã để học thêm về vũ nhạc. Tôi buồn quá, thường ôm đàn hát một mình. Lúc này tôi mới thấm thía nỗi nhớ em. Hơn một năm qua, mải lo học hành thi cử, làm quen với môi trường mới, những gì xảy ra giữa tôi với em, tuy có làm tôi buồn khổ nhưng rồi nó cũng trượt đi không đến nỗi nặng nề. Trước khi trở lại trường, tôi muốn viết thư để lại cho em nhưng không làm sao viết nổi. Tôi vốn rất sợ nước mắt. Tôi sinh ra không biết mặt bố mình, ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại tôi ở vậy nuôi hai người con gái. Nhiều lúc đi học về, tôi bắt gặp bà và mẹ đang sụt sùi, mắt đỏ hoe. Thỉnh thoảng dì tôi lấy chồng xa về thăm nhà, những lúc ấy, tôi lại thấy bà, mẹ tôi và dì ôm nhau khóc... Sau đó dì tôi bồng bế ba đứa con nhỏ về ở luôn với bà ngoại và mẹ tôi. Chồng của dì, sau một lần say rượu đã đốt nhà rồi bỏ đi luôn ... Vì sống trong cảnh gia đình như thế nên tính tôi hay nhút nhát. Nước mắt đàn bà đối với tôi là những gì bí ẩn. Bởi vậy, cứ nhớ đến đôi mắt ngấn lệ của em trong lần chia tay ấy, tôi không đủ can đảm để viết cho em điều mà em đã xin tôi: "Anh hãy đừng nói gì..."
Mấy tháng sau, hỏi thăm bạn bè, tôi biết em đang học đại học sư phạm, tôi đến tìm em. Gặp tôi, em mừng rỡ, rối rít hỏi tôi đủ điều rồi như sực tỉnh điều gì, không để tôi hỏi lại, em mời tôi vào phòng, giới thiệu tôi với các bạn là anh họ đến thăm. Lúc ấy, tôi như người rơi xuống vực, chỉ ngồi một lúc tôi xin phép ra về. Em tiễn tôi với đôi mắt buồn thẳm. Tôi hỏi em tại sao giới thiệu tôi như vậy, em chỉ im lặng lắc đầu. Tôi biết mình không thể nói gì hơn nên hẹn em sẽ gặp lại... Nhưng chỉ ba ngày sau đó, tôi nhận được thư em. Thư viết có mấy dòng: "... Anh đừng đến gặp em nữa, vì em biết anh sẽ rất đau khổ. Bố em đã nhận lời dạm ngõ của nhà người ta. Học xong ra trường là em có chồng..." . Những dòng chữ có nhoè vết ố, tôi biết đó là nước mắt của em. Tôi chết lặng trước sự thật phũ phàng. Trong tiềm thức sâu xa, tôi nghĩ có uẩn khúc gì đó đối với em. Nhưng còn tôi? Trời ơi! Em đối với tôi thân thiết, gần gũi là thế mà rốt cục, tôi cũng chẳng hơn gì anh chàng trong bài hát "Mối tình câm". Tôi cũng biết em nào có vô tình, hơn tất cả mọi người, em hiểu rất rõ tiếng đàn của tôi nói gì, vậy mà hè về, tôi vẫn phải đến trường, khắc tên em lên cây phượng ngày nào chúng tôi từng bẻ lá, hái hoa kết mũ tặng nhau... Tôi xót xa cho bản thân mình, thề với lòng mình sẽ không bao giờ gặp lại em, dù biết không thể trách em. Giữa chúng tôi nào có hứa hẹn gì...
Tôi giật mình nghe bà chủ quán nước nhắc.
- Này anh! Hội đồng nhà trường họp xong rồi kìa.
Tôi đứng bật dậy, bước nhanh đến cổng trường. Em là người ra sau cùng. Trong chiếc áo dài màu vàng yến, em vẫn xinh đẹp lạ lùng. Không chú ý xung quanh, em định lên xe. Tôi vội chặn ngang lối.
- Phượng!
Em sững sờ
- Anh Lương!...
- Anh đợi em đã gần một tiếng đồng hồ, chỉ còn nữa giờ nữa anh phải đi, chúng mình quay vào trường nói chuyện...
Sân trường ngập nắng, vắng vẻ. Chúng tôi bước nhanh về dãy các phòng học ba tầng. Đó là nơi trước đây Trường hay dựng sân khấu để tổ chức văn nghệ hay các buổi sinh hoạt lớn. Kỷ niệm ùa về, tôi chưa biết bắt đầu thế nào thì em đã chủ động nói trước.
- Em vẫn hoài mong có một ngày được gặp lại anh. Vậy mà hôm nay em vẫn thật bất ngờ! Sau khi tốt nghiệp, em xin về trường cũ dạy. Lúc ấy anh đã chuyển cả gia đình về quê cũ. Qua bạn bè, em được biết mãi sau này anh mới lấy vợ, nhưng cô ấy đã bỏ anh theo gã chủ tiệm vàng, vì cho anh là "tẩm", suốt ngày cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Em nghĩ, thế là trời buộc em mang nợ với anh rồi...
 
·  - Thôi em, hãy quên chuyện của anh đi, cô ấy bỏ anh là tại anh... Ngày mai anh sẽ chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh hy vọng vào trong đó, cuộc sống sẽ đỡ khắc nghiệt với anh hơn. Song anh biết, nếu không gặp em trước khi đi xa, anh sẽ không sao thanh thản được, cũng như hơn mười năm qua, anh vẫn không hiểu vì sao ngày ấy...?
Em không nhìn tôi, tay vít cành phượng là đà sát lan can, ngắt một lá, bứt vụn thả cho chúng bay lả tả.
- Anh đã biết, bố em cảnh gà trống nuôi con. Em là con gái, ông để mắt từng ly, từng tý. Ngay sau buổi tối biểu diễn văn nghệ hôm ấy, ông gọi em đến ngồi trước bàn thờ mẹ em dạy: "Con là con gái, đã lớn, phải biết giữ mình, lo học hành. Chuyện trai gái bố cấm tuyệt đối. Mẹ con mất đi, đã gửi gắm con cho nhà bác Đạt, bố con mình phải làm theo để vong linh mẹ con được thanh thản. Thằng Lương là con nhà không có bố, như nhà không có nóc, phải biết nhìn xa con ạ...". Lời nói của bố như ngọn roi quất vào trái tim non nớt của em, nó đau đớn, quằn quại ... Em nhớ lại, có lần vợ chồng bác Đạt về thằm nhà em, bác gái đã buột miệng nói với em: "Con dâu của bác càng lớn đẹp quá". Lúc ấy, em nghĩ bác chỉ đùa nhận em cho Dũng con trai của bác. Nhưng bây giờ em biết đó là sự kết giao giữa hai gia đình từ trước. Em không tin bố em vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến đến thế, song đó là sự thật. Ông tìm mọi cách để tách em và anh, không cho em đi tập văn nghệ, em không chịu đòi nghỉ học... Ngày hè đó, ông bắt em chuyển trường lên thị xã và gữi em ở nhà bác Đạt. Dũng lúc này cũng đang học đại học xa nhà. Chuyện chồng con của em coi như đã được định đoạt. Vì vong linh của mẹ, thương bố lận đận cả đời cho con, em chỉ biết cúi đầu cam chịu. Nhưng em không thể dối lòng mình, em yêu anh và em biết anh cũng yêu em... Tuổi mười bảy dại khờ chẳng cứu được tình yêu của chúng mình. Em chỉ biết ước mình như cô gái trong bài hát "Mối tình câm" để được anh yêu thương mà không phải chối từ ... Nhưng rồi em vẫn phải viết thư cho anh sau lần gặp lại ấy...
Ôi! Phải chăng mỗi người có một số phận. Mẹ tôi cũng phải sống âm thầm lặng lẽ một đời. Bố tôi đã nhảy xuống sông từ tử vì không được gia đình chấp nhận cho lấy mẹ tôi, lý do vì nhà mẹ tôi nghèo. Hồi ấy, nếu không có bà ngoại thì mẹ tôi cũng đi đã theo bố tôi. Sau đó, bà ngoại lặng lẽ đưa mẹ tôi rời làng. Tôi đã sinh ra và lớùn lên ở cái thị trấn nhỏ này.
Tôi ngắm nhìn những ngón tay thon thon, nhỏ nhắn, trắng ngần của em đang tiếp tục thả lá. Bàn tay mềm mại kia trong điệu múa ngày ấy đã thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu thương nồng nàn ... Tôi đột ngột nắm chặt tay em nói gấp gáp:
 
·  - Đến giờ anh phải đi rồi, tạm biệt em. Vĩnh biệt tình yêu của anh ... Em gục đầu, áp mặt vào ngực tôi. Vòng tay tôi xiết nhẹ ôm sát em vào mình. Nước mắt em thấm vào ngực tôi nóng bỏng. Tôi thơm lên mái tóc thoảng mùi hoa bưởi, nhẹ nhành nâng khuôn mặt đẹp như vầng trăng của em lên, nhìn sâu vào đôi mắt hồ thu sâu thẳm của em. Đôi hàng mi đen mượt, cong vút từ từ khép lại...
Có tiếng còi xe ngoài cổng trường ... đợi em khuất vào lối rẽ, tôi mới lên xe của mình. Bên kia phía quầy sách vẫn vọng lại tiếng hát.
... Em chở mùa hè của tôi đi qua, còn tôi đứng lại
Nắng ngập sân trường một vạt áo ai bay...
Xe tôi lao vút đi giữa trưa hè nóng bỏng. Dường như dưới ánh nắng chói chang, hoa phượng bên đường càng rực rỡ, thắm hồng trên nền lá xanh biếc...
Nha Trang - 02/9/1996

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

MỘT THOÁNG TÔ HÀ



          May mắn làm sao, trong “xóm Tri ân” nhỏ bé mà ấm áp nghĩa tình của chúng ta lại có đến hai bóng giai nhân. Tôi đồ rằng, hai bóng giai nhân này dẫu chưa làm “thành xiêu, nước đổ” thì cũng làm điêu đứng bao đấng tu mi nam tử vì “Trộm nhớ thầm yêu” và biết đâu chẳng có kẻ si tình nào đó từng định trầm mình nơi vực sông, đáy biển khi hay tin giai nhân đã có chủ quyền. Chẳng thế thì sao người xưa lại có câu : “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (sắc đẹp không phải là sóng vẫn làm người chết đuối).Đến như tôi, dù cùng giới mà vẫn bị hớp hồn khi nhìn thấy họ kia mà. Không những thế, tôi còn tự nhủ với lòng mình rằng: dứt khoát phải viết một bài gì đó về họ. Rồi tôi đã viết một bài về giai nhân Cẩm Tú và hôm nay, lại viết về giai nhân Tô Hà đây. Liệu có ai đó nghĩ rằng tôi cứ thấy người đẹp là bắt quàng làm họ không? Dẫu sao mặc lòng. Yêu cái đẹp là quyền của con người và tôi thích viết về người đẹp là quyền của tôi. Tôi chỉ lo rằng, với sự hiểu biết ít ỏi, cách diễn tả vụng về và vốn ngôn ngữ nghèo nàn của mình,  rất có thể tôi sẽ làm hao gầy vẻ đẹp vốn có của giai nhân . Mong  giai nhân thông cảm và đừng truy cứu trách nhiệm.
          Tôi không có may mắn được chiêm ngưỡng Tô Hà khi em còn tuổi nụ, tuổi hoa, cái tuổi non tơ mơn mởn và phơi phới trong veo trong cuộc đời người con gái. Tôi gặp em lần đầu khi em đã ngót nghét 40 tuổi và từ đó đến nay có gặp thêm vài lần nữa nhưng “lần nào cũng vội” nên đâu có được ngắm nhìn cho mãn nhãn, càng không có thời gian tâm sự để hiểu rõ về em. Song dù chỉ thoáng qua thế thôi, em vẫn để lại trong tôi những cảm nhận thật đẹp. Hình như ở em toát lên một vẻ đẹp vừa phong phú, vừa biến ảo,một vẻ đẹp mà ta rất khó có thể miêu tả cho thật rõ ràng và càng không thể nhận ra hết sau một đôi lần gặp gỡ. Cho nên,mỗi lần gặp em tôi lại cảm nhận thấy một nét đẹp khác nhau. Nhớ lần đầu tôi gặp em vào năm 1993,em đi  với Hợp,  bạn học cùng em thời cấp 3. Lần đó em đem theo cả cậu con trai còn nhỏ.Lúc này,  tôi  thấy em đẹp, một vẻ đẹp  khỏe khoắn, tự tin, kiên nghị vừa đủ mạnh mẽ để vượt lên mọi khó khăn,thách thức vừa đủ nhân hậu để thương yêu đùm bọc, bao dung.Vào năm 2006 tôi gặp em lần hai nhân ngày hội trường cấp 3 Chí Linh.  Tôi và ông xã tôi đều bất ngờ,  khi em ôm chầm người thầy giáo già và khẽ thốt lên: Thầy! Thầy vỗ nhẹ vai trò và nói: “ Hà , Tô Hà đúng không, lần này em khác quá, đẹp ra nhiều thầy chưa kịp nhận ra đấy!” Tôi cũng ngỡ ngàng vì thấy lần này Hà đẹp một cách mềm mại, đằm thắm, rất yên bình thư thái rất nồng nàn ấm áp và lan tỏa khiến cho người ngồi bên em  như cũng thấy êm dịu, ngọt ngào.
          Thế rồi, đến năm 2010, trước khi nghỉ hưu, em dự thi người đẹp của Đài truyền hình và giành danh hiệu Á HẬU, tôi lại gặp em.Hôm đó chúng tôi được các em mời dùng bữa tại quán Lan Hương. Em đến sau, với chiếc áo trắng cổ tròn, quần đen, mái tóc mềm uốn sóng vừa phải, buông xõa ngang bờ vai tròn, bước đi tự nhiên. Tôi bỗng nhận ra em đẹp thật kiêu sa, quý phái, rất sang trọng nhưng lại không chút xa vời, thật nổi bật giữa mọi người mà vẫn cứ hòa đồng dung dị.Tôi có cảm giác bữa liên hoan đó sẽ thiếu hụt đến chừng nào nếu vắng bóng em.Một kỷ niệm khó quên trong dịp này là hôm sau nữa thì phải,các em quyết định đến thăm gia đình tôi. Theo ý ông xã tôi thì các em là con em trong nhà, đến với thầy là về nhà nên thích ăn gì thì cứ tùy ý, nấu lấy mà ăn.Tôi nghĩ là sau nhiều ngày các em tiệc tùng rồi nên chọn món dân dã để thay đổi khẩu vị . Thế là tôi chuẩn bị nguyên liệu cho bữa bún riêu cua, chả nem cùng với đậu phụ ,mắm tôm chanh ớt.Khi tôi đang làm cua thì em Quy cùng một số em khác đến. Quy đề nghị mời mọi người ra quán cho đỡ tốn thời gian nấu nướng. Tôi cũng không nhớ rõ, mình đã nói những gì để mong các em ở lại nhưng chỉ biết rằng tôi và cả ông xã nữa vẫn không thuyết phục được. Các em đang dồn mọi thứ tôi chuẩn bị lại, cất vào tủ lạnh. Đúng lúc đó thì Hà và một em nữa đến, các em nói lại quyết định trên với Hà. Hà chỉ nói đúng một câu: “Hà về chơi thăm thầy cô và chỉ ở ăn cơm với gia đình thầy cô thôi chứ dứt khoát không đi đâu nữa”Thế là mọi người đều đồng ý và cùng nhau xúm vào làm bữa. Nhìn em Quy, một Huyện trưởng Công an giã cua, Hà, một đương kim Á Hậu lại vừa đi thăm các bạn về dù rất mệt vẫn xăm xắn vào bếp làm chả nem; các em khác mỗi người mỗi việc tíu tít cả lên tôi bỗng thấy bừng dậy một cảm giác thật vui vẻ đầm ấm và lại nhận ra rằng Hà không chỉ đẹp mà còn rất có uy lực (Thời học phổ thông, cô  Cẩm Tú chọn em làm lớp trưởng là rất sáng suốt). Hôm đó thày trò chúng tôi được ăn một bữa riêu cua quên nêm muối mà  vẫn thật vui, thật thú vị. Nếu ăn quán chắc sẽ nhàn hơn, ngon hơn và thịnh soạn hơn, nhưng không thể nào có được cái cảm giác quây quần ấm cúng thân thiết như một đại gia đình ngày xum họp này.
          Cuối năm đó, tôi còn gặp Tô Hà một lần nữa. Nhìn em mặc đồ mùa đông, vai khoác hững hờ một chiếc khăn len màu lông gà con như tôn lên vẻ đẹp của làn da sáng, nét môi hồng, hàm răng trắng bóng, tất thảy hài hòa trong nét đẹp đằm thắm thật nữ tính.
Nhưng nếu Hà chỉ có nét đẹp hình thức đơn thuần thôi thì hẳn là em không thể được mọi người quý yêu đến thế. Riêng tôi, tôi có cảm mến em về vẻ đẹp trời phú đó nhưng tôi càng quý mến em hơn bởi cái đẹp đằm sâu trong nhân cách, trong tâm hồn người con gái ấy. Trước hết, tôi quý yêu nét tính cách khiêm tốn mà rất dí dỏm ở nơi em khi đọc lời tự giới thiệu trên blog:
                             Người thân thì gọi là sao
                             Riêng mình cứ thấy sao sao ấy mà
                             Dẫu sao thì cũng phải già
                             Nên đành tự nhận mình là hươu sao (sao hưu).
          Lại nhớ một hôm tôi đang về thăm bà nội các cháu thì nhận được điện của Tô Hà, em thông báo là đã chính thức nghỉ hưu và đọc mấy câu thơ:
                             Giờ thì em cũng như thày
                             Thành thường dân phó suốt ngày thảnh thơi
                             Hai vai đã nhẹ gánh đời
                             Ngày ngày còn mỗi việc ngồi nghỉ ngơi
                             Đêm đêm mơ tưởng xa xôi
                             Miên man những chuyện, những người ngày xưa
                             Thời gian dài rộng bây giờ
                             Xin giành để đếm nắng mưa cuộc đời
          Lúc đó tôi thấy thích em hơn bởi sự nhạy cảm và chút ưu buồn thật con gái vừa man mác vừa xao xuyến lạ lùng. Tôi thuộc và bị ám ảnh ngay cái câu thơ rất thật mà vẫn rất lạ và đầy tâm trạng này: “ Thời gian dài rộng bây giờ/ Xin giành để đếm nắng mưa cuộc đời”. Vào blog của Hà thấy hầu như em không đăng thơ. Không hiểu do em chưa viết hay viết rồi mà còn giấu. Nhưng tôi cứ nghĩ rằng với tấm lòng giàu yêu thương, với tâm hồn đa cảm của mình nếu em làm thơ chắc sẽ không kém phần thi vị. Tuy không làm thơ nhưng Tô Hà vẫn viết tản văn, đọc  những trang viết của em về ba, má, về bầu bạn tôi thấy, với ba má, em là người con cả hiếu thảo, có trách nhiệm; với các em, em là người chị cả gương mẫu biết dẫn dắt các em giữ nền nếp gia phong, với bạn bè, em là người biết yêu thương chia xẻ, biết trân trọng đón nhận. Ngay từ thời học phổ thông,tình bạn giữa em với Nguyễn Dịp và Phan Quang Tiến đã đẹp như tình bạn trong những bộ phim Hàn Quốc ngày nay. Đọc những trang viết của em về Phan Quang Tiến, đến đoạn em khóc trước di ảnh của bạn tôi bỗng thấy mắt mình nhòa lệ.
Em đẹp lại có chút vị thế trong xã hội,nếu em kết thân với các đại gia hay chính khách  cũng là lẽ thường tình. Nhưng tôi thấy em không thế. Em kết bạn với những người phụ nữ bình thường dung dị nhất; em quý yêu những người lính của ba em vì họ biết sống trọn nghĩa vẹn tình; em cảm động chân thành và trân trọng dứt mực trước người bạn học cũ vì biết vợ bạn qua đời đã mấy chục năm nay, bạn vẫn thủy chung son sắt ở vậy nuôi các con nên người ;em đến với bếp ăn tình thương Phú Yên, với những trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam bằng niềm cảm thông sâu sắc, sự chia sẻ chân thành mong muốn làm vơi bớt đi phần nào những thiệt thòi, những bất hạnh của các em nhỏ kia. Dù em chưa phải là đại gia và cuộc đời riêng của em cũng không hẳn đã thận buồm xuôi gió nhưng em luôn cảm thấy mình có nhiều may mắn và  nghiêng mình rất thấp để yêu thương san sẻ với những số phận thiệt thòi. Ta hãy nghe em dãi bày,tự sự: “Tôi thấy mình được ưu ái quá nhiều, được Trời Phật ban phát quá nhiều. Những gì đã làm tôi đau khổ chẳng nghĩa lý gì so với bất hạnh của những nạn nhân bị nhiễm chất điô xin. Tôi phải sống tốt hơn nữa và phải làm gì đó thiết thực hơn nữa cho đồng bào bất hạnh của tôi” ( Nỗi đau da cam). Có thể em chưa đem đến cho họ thật nhiều vật chất nhưng em đã đem đến cho họ một tấm lòng yêu thương tha thiết chân thành mà không vật chất nào có thể sánh được.Với em tình thương giành cho những người thua thiệt được thể hiện một cách tự nhiên, như nhiên chẳng cần ai biết đến làm chi. Tôi thiết nghĩ đó mới chính là thiện tâm vậy.Bằng tấm lòng lành đó,khi thưởng thức thơ văn em cũng cứ tự nhiên mà yêu thích những tác phẩm giàu tính nhân văn như “ Đám cưới một linh hồn” của  Vũ Bình Lục hay “ Thầm mong thăm lại Trường Sơn” và “Bốn mươi năm một chặng đường để nhớ” của Đỗ Văn Nghị.
 Tôi xin mượn lời một câu tục ngữ để nói về em:
                             Tốt gỗ tốt cả nước sơn
Đẹp người, đẹp nết ít ai hơn Tô Hà*
                                      Sao Đỏ 17- 9- 2011
                                      Vũ Thị Song Thu


Chú Thích: * nguyên văn câu tục ngữ là: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/xấu người, đẹp nết còn hơn đẹp người

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

XIN LÀM NGƯỜI CỘNG

                          Vào " xóm tri ân" nhỏ thật vui
                           Người NHÂN, người CỘNG giúp cho đời
                           Mình chưa vươn tới người NHÂN được
                           Vẫn quyết học làm người CỘNG thôi

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

XƯỚNG HỌA CÙNG THANH DẠ


Bài 1: cảm tác đọc THƠ HÀI CỦA ĐỖ ĐÌNH TUÂN

                   ĐỘC ĐỖ HÀI THI CẢM TÁC
                  (Tặng Tuân Thu và xóm tri ân)

                   Thân thì teo tóp với trơ gân
                   Ai bảo làm gì cũng cứ Tuân
                   Chỉ biết cười thôi không biết cắn
                   Người thì nể sợ; Kẻ yêu thân
                             Thanh Dạ

          Bài 2: GỬI NGƯỜÌ PHỐ HÙNG VƯƠNG
                       (tặng chồng cô Tặng)

                   Sử thế như người thật đáng yêu
                   Bao năm một mái vững tay chèo
                   Đưa bầy trẻ nhỏ qua bao bến
                   Vượt đỉnh non cao đã mấy keo
                   Vẫn nước da săn màu gió núi
                   Chỉ hồn hoa tím chốn mây đèo
                   Trên đời vọng phụ còn hơi hiếm
                   Thế Sử- gương này một tấm treo
                               Thanh Dạ
         

          Bài 1:           ĐÃ THÀNH THÂN?

                   Xem chừng Thanh Dạ vẫn chìm gân
                   Cái tóp, cái còm phải chịu Tuân
                   Riêng chút đa tình còn khắc khoải
                   Bệnh nhân, bác sĩ đã thành thân?
                                     Vũ Thị Song Thu



          Bài 2:           KHI CÓ TÌNH YÊU
                  
Hai người khi đã có tình yêu
                   Sóng cả gió to sẽ vững chèo
                   Đấu sức chung lưng bền tựa thạch
                   Lên rừng xuống biển dính  như keo
                   Kề vai vững bước qua muôn núi
                   Sát cánh đồng tâm vượt vạn đèo
                   Đưa chiếc thuyền tình neo bến mộng
                   Cùng nhau chung hưởng ánh trăng treo
                                         Vũ Thị Song Thu

NHẮN BẠN

(Họa thơ cụ Xanh)


                   Không dưng đa sự tiếng òm xòm
                   To nhỏ râm ran khắp mọi chòm
                   Này kẻ bẻ cong con chữ thẳng
                   Nọ người cúi gập tấm thân khom
                   Trời cao, biển rộng sao không ngó?
                   Khe nhỏ, hang nông lại khỏe nhòm
                   Nhắn bạn muốn vui cần biết chọn
                   Bẩn thì vứt bỏ, sạch thì gom
                                                Vũ Thị Song Thu