Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

DẠI ĐẮNG NGƯỜI!







     .
Hắn hơn Thị một số tuổi khơ khớ. Đã thế thân hình Hắn lại còm nhom và dáng vẻ thì lụ khụ như ông cụ gặp giời mưa. Còn Thị, tuy chẳng xinh xẻo gì nhưng cứ hơn hớn, phăm phăm ra chiều sung mãn lắm!
        Người đời vốn quen “ xem mặt mà bắt hình dong” nên thấy cảnh đó, các bà góa bảo nhau, ngữ kia thì chiều vợ chả đủ, xơ múi gì. Cứ thế chẳng ai bén mảng đến gần Hắn. Thậm chí những Mệ bạo mồm bạo miệng nhất cũng chẳng hề chòng ghẹo hắn một câu. Hắn sống âm thầm lặng lẽ và hết lòng phụng sự Thị. Thị càng hơn hớn thì hắn càng teo tóp đi! Nhiều Đấng tu mi cám cảnh ấy cũng có ý muốn đỡ Hắn một vai và ban ơn mưa móc cho Thị. Cố nhiên là Thị cũng thinh thích. Đàn bà mà! Ai chả thích có một Đấng nào đó khát khao, săn đón và ve vãn. Song là người có chút tự trọng lại thấm đẫm tư tưởng Khổng giáo nên Thị vẫn biết giữ mình cho trọn đạo phu thê. Thị  không đón nhận tình cảm của Đấng nào. Tuy chẳng băm bổ vào mặt ai nhưng bằng thái độ nhẹ nhàng , tinh tế mà dứt khoát thị khiến các Đấng không dám dấn thân. Và Thị vẫn giữ được tình cảm bạn bè với các Đấng . Thị tự thấy mình thành công trong ứng xử và rất hài lòng với hạnh phúc của mình. Càng ngày Thị càng yêu thương Hắn và Hắn cũng coi Thị là cô vợ “ chuẩn không cần chỉnh”. Hắn nói điều đó với bạn bè trong các bữa nhậu và cả trong những lúc mạn đàm về cuộc sống gia đình . Không những thế, Hắn còn viết thành văn thành thơ trong một số tác phẩm lưu hành nội bộ nữa kia! Thị sung sướng lắm! Tự hào lắm! Cái mặt càng vênh vênh hơn hớn hơn. Trông đến ghét!
         Một hôm, Hắn mời bạn cũ đến nhà chơi. Thị làm cơm tiếp đón bạn Hắn chu đáo lắm. Thị lại còn rất lễ phép với Hắn và bạn Hắn nữa. Được thể, Hắn vểnh râu lên và sai Thị đủ thứ. Chỉ thiếu việc bắt Thị hâm lại bát nước mắm nữa mà thôi. Thị vẫn nhẹ nhàng và tuân lệnh Hắn răm rắp. Các bạn Hắn ai cũng lác mắt hột và khen Hắn “ Thật là sang vì vợ”! Thị sung sướng lắm! Nhưng vẫn ra chiều sượng sùng và  khiêm tốn. Thị ỏn ẻn “ Các bác cứ quá khen chứ em vụng về khê sống lắm đấy ạ. Lại còn chậm chạp như sên nữa cơ”! Còn Hắn , Hắn bỗng thấy mình sang hẳn lên thật và Hắn tự hào ra trò. Hắn ăn hăng, uống hăng hơn và cũng lớn giọng chuyện trò hơn. Cuộc rượu vui như tết và kéo dài tưởng như không bao giờ dứt… Chỉ đến lúc mọi người chừng như không thể ăn được, uống được thêm vì cái dạ dày không chịu phình to hơn được nữa mới thôi. Một ông bạn của Hắn bỗng bóp mạnh vào bờ vai mảnh khảnh của Hắn và phán rằng: “ Ông sang vì vợ thật nhưng nếu béo hơn, phong độ hơn thì sang hơn. Còm quá cái sang nó cũng bớt đi nhiều”. Rồi ngó sang Thị ông  tiếp : “ Này em, cố chăm cho bạn anh béo khỏe lên và phải quảng bá hình ảnh của nó cho thế giới đàn bà nể phục nữa đấy nhé!” Thị vẫn vâng nhẹ nhàng nhưng lòng thấy kém vui.
         Những ngày sau đó, câu nói của bạn chồng cứ làm Thị băn khoăn day dứt mãi. Thị quyết định mở chiến dịch chăm sóc Hắn. Thôi thì rượu bổ, thuốc bổ đủ cả. Lại còn thực đơn ăn uống sao cho cân bằng dưỡng chất vân vân và vân vân cứ loạn hết cả lên. Rồi Thị còn bắt Hắn phải điều độ cả cái khoản kia nữa chứ ( chả là Thị nghe ai đó nói rằng cứ ham hố cái món ấy thì ăn gan giời trứng trâu cũng không lại đươc). Chưa hết, Thị còn đọc báo này, sách kia và thực hiện y như sách vậy. Ngày qua ngày Hắn đã đẫy đà hơn, phong độ hơn thật. Thị  nhìn Hắn tỏ vẻ mãn nguyện lắm. Rồi kéo Hắn đi cân. Lên gần chục kí lô chứ ít gì! Thị ngả vào vai hắn thỏ thẻ:  “Anh thấy em giỏi chưa? Thưởng gì đi nào?” Hắn cũng không ngờ là mình lại lên cân nhanh đến thế nên cảm động thật sự và  hào hứng nói: “Em thật là hoàn hảo”. Rồi hôn đánh chút một cái vào má Thị , Hắn bả lả: “ Tối nay anh sẽ đền” .Thị lườm Hắn và nói: “ Không được! phải điều độ chứ!” Rồi Thị  kéo Hắn đến trước gương để Hắn chiêm ngưỡng dung nhan của chính mình. Hắn ngỡ ngàng như nhìn thấy một người khác trong gương. Cái vẻ lờ đờ già nua của con người có nước da tai tái và đôi má hóp không còn nữa .Thay vào đó là khuôn mặt đầy đặn, đã có phần nào đó của vẻ mặt chữ điền thời Hắn còn trai trẻ. Làn da hồng hào tươi tắn và nhất là đôi mắt vốn lờ đờ như thiếu ngủ, như mệt mỏi của Hắn bỗng trở nên có thần khí . Hắn nghĩ thầm có lẽ mình trẻ lên đến mươi tuổi chứ chẳng chơi. Từ trong sâu thẳm Hắn thầm cám ơn Thị nên Hắn thốt ra lời đầy xúc động: “ Cám ơn em! Anh cám ơn em !”và ôm chầm lấy Thị bế bổng lên. Thị hơi bị bất ngờ nhưng cũng  sung sướng ngất ngây. Thị ôm vào cổ Hắn và hôn Hắn thật nồng nàn…
       Thị nghĩ, chồng mình đã ít nhiều lấy lại phong độ rồi, mình phải chăm sóc hơn và phải diện cho Hắn để khi hai vợ chồng đi đâu Thị cũng được tự hào về Hắn chứ. Ai bảo chỉ có đàn ông mới “sang vì vợ” Thị cũng thấy mình sang vì chồng chứ bộ! Nghĩ sao làm vậy. Thị mua sắm quần áo, giày mũ cho Hắn toàn đồ xịn và Thị cùng Hắn đi chơi bạn bè, du ngoạn những nơi gần gặn (vì Thị say xe và Hắn thì không biết đi xe máy ) nên chẳng thể đi đâu xa quá chục km. Đến đâu vợ chồng Thị cũng được khen là trẻ ra. Hạnh phúc thế! Đẹp đôi thật! Thị càng nở mũi và Hắn cũng sung sướng lâng lâng! Nhất là những buổi chiều Thị và Hắn đi bách bộ quanh hồ Mật Sơn thì càng lãng mạn tợn. Trên trời cao vi vút tiếng sáo diều. Trong quảng trường, cạnh hồ là bầy trẻ nhỏ cầm diều cánh bướm chạy, dưới hồ là cảnh trai gái thi nhau “ đạp vịt”. Đường quanh hồ là những gia đình có trẻ nhỏ đưa chúng đi chơi đạp xích lô. Tiếng cười nói ríu ran. Gió mát lồng lộng. Những ông bà già đi dạo quanh hồ, luận bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, trong nước quốc tế. Vợ chồng Thị diện đồ thể thao xịn hòa trong đoàn người vẫn có gì  nổi bật, sáng sủa, lãng mạn và tình tứ hơn những đôi khác. Mọi người bảo thế. Và chính Thị, Thị cũng cảm thấy thế! Những bà góa thấy cảnh đó thì có vẻ thòm thèm ghen tỵ. Song họ ghét Thị hơn. Dù Thị chẳng làm gì họ. Nhưng dưới con mắt họ thì: “ Thị cứ hơn hớn vênh vênh ra vẻ ta đây, trông mà lộn ruột!Thế mới biết sống ở đời cũng khó lắm thay. Kém người ta thì người ta khinh mà hơn người ta thì người ta lại ghét. Tuy vậy, hình như người ta chỉ ghét Thị thôi. Còn Hắn, Hắn phong độ lên thì các Mệ lại nhìn Hắn với nhiều thiện cảm. Lắm bà còn khen Hắn trẻ trung phong độ như trung niên vậy. Song cũng có ả lại nửa nạc nửa mỡ mà đong đưa rằng: “ Có khi lại tốt dây xấu củ chứ báu bở gì”. Có lần  thấy Hắn đi dạo một mình vì Thị bận việc chi đó,ả còn quả quyết: “ nếu còn phong độ thì phải sán vào gái chứ đằng này cứ nghiêm như cột điện thế kia là có vấn đề rồi bà con ạ”. Rồi ả  nháy mắt với mọi người và đưa đẩy bằng một câu ca đầy ngụ ý: “ Có đẹp mà chẳng có thơm/ Như hoa dâm bụt nên cơm cháo gì”. Vốn không quen giao tiếp kiểu đó, Hắn chỉ lẳng lặng nghe mà chẳng đối đáp gì. Tối đến Hắn kể lại chuyện đó với Thị. Thị tức lắm! Thị nghĩ họ dám coi thường chồng Thị đến thế kia ư?! Đã thế, Thị phải quảng bá hình ảnh Hắn cho bàn dân thiên hạ biết. Thị làm thơ ca ngợi bản lĩnh đàn ông, chất đàn ông và cả máu đàn ông của Hắn rồi tung lên mạng. Trò đời đã tức khí thì cứ nói quá lên. Thị cũng không ngoại lệ. Đọc thơ của Thị, người ta thấy Hắn thật là tuyệt trong mọi lĩnh vực. Các ả vào mạng ai cũng trầm trồ ca ngợi Hắn, tán dương Thị. Cố nhiên là Thị sung sướng rung rinh rồi. Khổ nỗi, các bà góa ở nơi Thị sống họ có lên mạng lên mẽo chi đâu. Cho nên cái nhìn của họ với Hắn cũng chẳng thay đổi gì. Thị thấy cần phải quảng bá tại chỗ mới được. Thế là trong các cuộc vui, Thị đọc thơ tụng ca Hắn. Ai cũng cười ồ lên vui ra phết! Không những vậy, cái loại văn vần tầm tầm têu tếu ấy lại được người ta thuộc khá nhanh và truyền tụng rộng rãi đáo để. Ban đầu Hắn có vẻ sượng sùng khi nghe Thị đọc hay ai đó nhắc lại. Nhưng vài lần sau, quen dần Hắn lại thấy hay hay và thậm chí Hắn còn nghĩ mình có những phẩm chất đàn ông như Thị đã tả thực.
         Hắn bắt đầu đưa đẩy, tán tỉnh với các nàng trên mạng. Lạy giời, thơ văn gợi tình của Hắn cũng có duyên. Nó hom hóm, lẳng lơ mà vẫn tao nhã nên nhiều nàng bị bỏ bùa cũng đong đưa với Hắn ra trò. Tất cả những điều đó không qua được mắt Thị. Nhưng Thị vẫn làm ngơ. Thị cho rằng tình tang trên mạng toàn những người xa lắc xa lơ ấy thì không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Tuy vậy không ít lần Thị đã điên đầu lên vì tội đang đêm, Hắn mò vào mạng chát chít với một em nào đó để Thị phải nằm lạnh lẽo một mình. Đã thế, ban ngày, nhiều lúc Hắn lại còn khoe thơ tán nàng này, ả nọ hoặc cười tủm tỉm một mình khi bất chợt tìm ra câu tán duyên duyên ngồ ngộ nữa làm Thị càng lộn ruột. Thị bắt đầu cằn nhằn với Hắn. Còn Hắn, Hắn chỉ thanh minh nhẹ nhàng: “ trêu đùa chút cho vui ấy mà”. Có lần Thị đã hét vào mặt Hắn “ Vui vẻ cái nỗi gì , ông đang ngoại tình trong tâm hồn đấy ông biết không!” Thét vậy thôi chứ Thị cũng nghĩ là  “còn xa ruột chán”! Đúng lúc đó, Thị bỗng dưng chột dạ: Ôi nhỡ ra Hắn lại túng tấng với mấy Mệ góa ở đây thì chết thật chứ chẳng chơi. Các Mệ ấy vốn cũng đang hơn hớn ra lại còn tù hãm lâu rồi. Nhất là có ả còn rất đong đưa lúng liếng và dạn trai lắm nữa cơ. Mình phải cảnh giác mới được. Đúng là đàn bà rất nhạy cảm. Điều Thị lo lắng đã xảy ra thật.
         Số là cái ả lúng liếng và bạo mồm bạo miệng kia đã tiếp cận được Hắn rồi. Chẳng rõ tình đầu như thế nào nhưng người ta đồn ầm lên là Hắn đã phải lòng ả ta . Mấy hôm Thị về quê, ngày nào mà ả chả đến. Lúc thì xin nắm lá lốt về ngâm chân, khi lại xin rau muống về cho gà hay nắm bồng khoai về nấu ốc. Anh ả chuyện trò với nhau tình tứ lả lơi lắm. Chuyện đến tai Thị. Thị tức lắm. Tức đến nổ ruột, nổ gan ra chứ chẳng vừa. Thị về tra hỏi Hắn. Cố nhiên là Hắn chối. Hắn bảo : “làm gì có chuyện đó. Em chỉ nghe thiên hạ đồn nhảm. Chắc họ thấy chúng mình hạnh phúc, họ ghen tỵ nên phá quấy thế thôi. Anh chỉ yêu mình em. Ả này ả nọ làm sao sánh với em được. Em ghen tuông làm gì cho nó nhỏ bé con người đi.” Rồi Hắn ôm ghì Thị vào lòng và ái ân mê đắm lắm. Cái trò đàn bà, nghe vài câu nịnh đã mát ruột lại được yêu đương nồng thắm thế là lập tức mọi nghi ngờ cũng xẹp đi ngay. Tuy nhiên Thị vẫn đe Hắn:  “Anh mà lằng nhằng là chết với em đấy!”Hắn giả lả:  “Thì em giết anh sao?” Thị gằn giọng: “ Em sẽ giết cả đôi” Hắn cười cười, một nụ cười đa nghĩa. Thị thấy thế. Thị bảo: “ Tốt nhất là từ nay anh cứ tránh xa ả ta ra, không có chuyện trò gì nữa” Nhưng Hắn tránh làm sao được khi mà ả cứ đong đưa lúng liếng đến chết người thế kia cơ chứ! Hắn chỉ kín đáo hơn thôi chứ có cơ hội là anh ả lại sán vào nhau. Và cơ hội ấy đã đến. Đó là lúc Thị phải đi trông cháu. Sau mấy tháng trời Thị về, thấy Hắn đã gầy xọp hẳn đi. Ban đầu Thị cứ ngỡ là do thiếu bàn tay chăm sóc của Thị nên mới vậy. Nhưng lạ lắm, cái ánh mắt nhìn của Hắn không còn đắm đuối, tự tin như trước nữa mà có gì đấy nửa như sợ sệt, ngượng ngùng, nửa như lơi lả ma quái…Thị đã sinh nghi. Đêm đến vợ chồng ân ái, Hắn có vẻ lành nghề hơn nhưng lại thiếu hẳn chất cuồng si mê đắm của ngày nào. Thị thầm nghĩ: Thế này thì có vấn đề thật rồi. Thị lục vấn. Hắn cứ tảng lờ như không. Thế là, lẽ ra chỉ hôm sau Thị lại phải lên bế cháu. Nhưng Thị quyết định ở lại dăm bữa để dò xét thực hư. Cái linh cảm của đàn bà nó nhạy lắm. Và chẳng mất nhiều thời gian, hai hôm sau Thị đã có hầu như đầy đủ thông tin về cuộc tình vụng trộm của anh ả. Thị nghiến răng ken két! Thị muốn chạy ngay đến nhà ả kia để cho một trận tơi bời. Nhưng không hiểu nguyên do gì Thị không làm thế mà Thị lại khóc lóc thảm thiết.Thị cứ ôm lấy Hắn mà khóc như cha chết! Nước mắt đàn bà quả là có một sức mạnh ghê gớm. Hắn bối rối. Hắn hoảng hốt. Hắn thương xót. Hắn cảm thấy mình tội lỗi vì đã làm khổ một người đàn bà  bao nhiêu năm cùng Hắn đầu gối má kề, cùng Hắn vượt qua nghèo khó khốn cùng đến bây giờ tuy chẳng giàu có gì nhưng cũng có bát ăn bát để, có cuộc sống thư thái thanh nhàn và nhất là có một gia đình với đầy đủ con trai con gái, cháu nội cháu ngoại. Một người đàn bà đã từng yêu Hắn biết bao nhiêu, đã coi Hắn quan trọng như thế nào . Thế mà Hắn đã phản bội, đã làm cho Thị phải ôm Hắn mà khóc khổ sở tội nghiệp thế này! Hắn thấy mình thật bỉ ổi. Chỉ vì ham hố chút của lạ mà có cơ làm tan nát một mối tình, một gia đình mà Hắn đã bao năm vun đắp. Từng giọt nước mắt, từng tiếng nấc nghẹn của Thị cứ cứa vào hồn Hắn đau buốt. Hắn ôm chặt Thị vào lòng. Không nói được điều gì. Hắn cũng khóc! Mãi sau, Hắn mới nói trong nước mắt: “ Anh…Anh có tội với em! Anh biết tội rồi! Em…em  hãy vì gia đình, vì tình yêu của chúng mình mà tha cho anh một lần đi em?!”
         Thị vẫn chưa thôi khóc, tuy nhiên tiếng khóc nhỏ dần và tiếng nức nở cũng thưa hơn, nhẹ hơn. Thị không vùng vằng rẫy ra khỏi vòng tay của Hắn. Song cũng không nép hẳn vào Hắn đầy tin cậy như mọi khi. Còn Hắn, Hắn vẫn ôm Thị, cái ôm nhẹ nhàng và nâng niu như yêu thương, như hối lỗi với những cái vỗ về nhè nhẹ và vẻ mặt rất đau khổ, rất thương cảm và rất ăn năn. Chẳng biết họ sẽ ngồi như thế bao lâu và trong đầu mỗi người diễn ra những suy nghĩ như thế nào. Chỉ biết rằng sau đó cả hai cùng thôi khóc. Có lẽ, nước mắt đã gột rửa tâm hồn họ. Cho nên nỗi ghen tuông, sự đớn đau phẫn uất vì bị chồng phản bội trong Thị đã vơi đi rất nhiều. Tuy chưa thể vui vẻ nồng nàn với Hắn ngay được nhưng Thị cũng đủ tỉnh táo để thấy rằng làm to chuyện cũng chẳng hay ho gì, xấu chàng hổ ai. Có khi cả giận mất khôn lại phá hỏng một gia đình thật chứ chẳng chơi. Thị điện lên cho các con.  Nhắc chúng cố gắng tự thu xếp cuộc sống riêng để bố mẹ có điều kiện chăm sóc nhau. Bố mẹ cần bên nhau khi tuổi xế chiều này. Các con Thị vốn hiếu nghĩa,lại hiểu rằng bố mẹ rất yêu nhau, không thể sống xa nhau nên đã nhanh chóng thuê người giúp việc để tự ổn định cuộc sống. Không những thế chúng còn điện về động viên rằng: “Bố mẹ cứ chăm sóc nhau cho tốt là đã giúp chúng con nhiều rồi”
       Thế là mỗi buổi chiều, quanh hồ Mật Sơn, vợ chồng Thị lại bên nhau dạo mát. Sau sóng gió ấy hình như họ gắn bó với nhau hơn, chăm sóc nhau hơn và mỗi lời nói giữa họ hình như cũng nồng nàn tha thiết hơn thì phải. Và cũng từ đó chẳng hiểu tại sao cái ả bạo mồm bạo miệng kia cũng không còn lả lơi cợt nhả cùng Hắn nữa

        Tôi ghi lại chuyện này theo lời kể của Thị với tôi vào một chiều mưa vợ chồng Thị không đi dạo được. Sau khi kể xong Thị cứ lẩm bẩm rằng: “ Đúng là chẳng cái dại nào bằng cái dại quảng bá chồng. Đắng hết cả người!”. Tôi đế thêm: “ Phải nói là chẳng cái dại nào bằng cái dại để một đấng chồng phong độ thế phải sống một mình chứ. Nếu cậu không đi vắng dài ngày thì làm gì đến nỗi?” Thị gật gù vẻ tán đồng. Tuy nhiên sau đó Thị lại nói: “Này tao chỉ kể chuyện này cho mỗi mình mày nghe thôi đấy nhé. Nghe xong nuốt xuống bụng chứ đừng có kể với ai đấy!” Giữ lời hứa với Thị, tôi không hề kể cho ai nghe đã bấy lâu nay. Giờ chuyện đã qua lâu rồi, tôi chỉ dám kể với bạn bè blog thôi. Mong mọi người đọc được chớ mang về phố tôi mà kể kẻo Thị lại trách tôi thì khốn!
                                   27-8-2015          
                                   Song Thu   

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

THÁNG NGÂU CẢM TÁC



Trải bao nhiêu xa cách
Vợ chồng Ngâu có già
Sao năm nay gặp mặt
Chẳng vui mừng thiết tha
Chắc tới lúc chia xa
Cũng không lưu luyến nữa
Vắng giọt Ngâu nức nở
Chợt thấy buồn bâng quơ
Phải chăng nơi thượng giới
Tình yêu đã đổi màu?
Trách chi trong thiên hạ
Người ta dễ phụ nhau!
         18-8-2015
          Song Thu

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

SÁU MƯƠI BA







                                           ( Hoa con gái mừng sinh nhật)

Năm nay mình đã sáu mươi ba
Ối thứ xem ra chẳng chịu già
Có kính không đeo còn đọc tốt
Thèm xài đặc sản, thích chơi hoa
            10-8-2015
             Song Thu





Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ: Bài 1: Giã từ nền văn hoá quỳ lạy ( Lê Phú Khải )

  Vào trang Văn Việt, Song Thu đọc được mấy bài của ông Lê Phú Khải bàn về vấn đề văn hóa, thấy đây là những bài đáng đọc, đáng suy ngẫm nên mới cóp về trang cá nhân mình đấy ạ

 















Có lần, Hán Cao Tổ Lưu Bang (202 trước Công nguyên) nói với Lục Giả: “Ta ngồi trên lưng ngựa mà có được thiên hạ thì cần gì phải học Thi, Thư…”. Nhưng rồi Hán Cao Tổ cũng nghe lời khuyên của Lục Giả trọng dụng kẻ sĩ, đề cao Nho giáo để củng cố ngai vàng. Đến đời Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) thì đạo Nho trở thành quốc giáo. Khổng Tử (sinh năm 551 trước Công nguyên, thọ 73 tuổi), người được xem là sáng lập ra Nho giáo được tôn lên bực thánh, trở thành Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời).


Điều cốt lõi của Khổng giáo là lý thuyết về người quân tử, tức kẻ cai trị đất nước (quân là cai trị, quân tử là người cai trị). Theo Khổng Tử thì người quân tử phải biết tu thân, phải có đạo đức và biết thi, thư, lễ, nhạc… Tu thân rồi, người quân tử phải dấn thân hành động: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ! Người quân tử phải chính danh để cai trị đất nước. Các triều đại phong kiến sau này đều triệt để khai thác Khổng giáo, họ biến đổi, “gia cố” Nho giáo thành một triết thuyết cực đoan có lợi cho giai cấp thống trị. Chữ đạo của Khổng Tử là những mối quan hệ phải có trong xã hội thời đó như đạo vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh-em, bạn hữu… sau này chỉ còn ba quan hệ vua-tôi, cha-con, chồng-vợ với cái logic phản động và phản dân chủ nhất: quân sử thần tử, thần bất tử bất trung (vua bảo chết, thần không chết là bất trung); phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu (cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu); với phụ nữ thì: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà thì phải theo cha, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết phải theo con).


Trong chế độ phong kiến, nhân dân đã tiếp thu những “đạo lý” đó như người khát nước uống thuốc độc để giải khát. Chế độ phong kiến tàn bạo và thối nát ở Trung Quốc đã nhờ triết thuyết của Khổng giáo mà tồn tại và kéo dài cho đến cách mạng Tân Hợi 1911.


Vì thế, nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) đã phê phán Nho giáo một cách triệt để: “Trên phương diện chính trị, Nho giáo chủ yếu là bảo thủ. Nó bỏ qua vấn đề pháp luật và thiết chế, từ chối mọi cải cách… Bảo vệ lễ nghi của các triều đại xưa là mối quan tâm hàng đầu của Khổng Tử. Trong chữ lễ, vương triều Trung Hoa cũng như Việt Nam đã tìm thấy biện pháp tốt nhất để duy trì sự ổn định của ngai vàng” (Bàn về đạo Nho – nguyên văn tiếng Pháp đăng trên tạp chí La Pensée số 10-1962 với đề là Confucianisme et Marxisme au Vietnam. Dịch sang tiếng Việt, in trong Bàn về Đạo Nho – 1993).


Với Khổng giáo, vua là Thiên tử (con Trời), thay Trời cai trị muôn dân. Vua với nước là một. Yêu nước là trung với Vua (trung quân ái quốc).


Điều nguy hiểm nhất của triết thuyết Khổng Tử là: Người quân tử nhờ tu thân mà có vai trò cai trị, nhưng khi quân tử – tức kẻ cai trị – không tu thân, trở thành những hôn quân bạo chúa thì dân chúng vẫn phải cam chịu, không được làm cách mạng lật đổ chúng. Vì thế Nguyễn Khắc Viện mới viết: Khổng Tử từ chối mọi cải cách!


Trong xã hội Khổng giáo mấy ngàn năm ở Trung Quốc, kẻ sĩ đi học là mong được làm quan. Làm quan để được quỳ lạy dưới ngai vàng. Cái văn hoá quỳ lạy ấy đã kìm hãm nước Trung Hoa trong vòng tăm tối mấy ngàn năm. Trong nền văn hoá quỳ lạy ấy, chỉ có kẻ trên đúng. Chỉ có vua đúng. Vua bảo chết là phải chết. Cha bảo chết thì con phải chết. Tóm lại là không có chân lý. Hay nói khác đi, không ai đi tìm chân lý cả. Chân lý đã có sẵn ở kẻ bề trên, ở triều đại chính thống, bất kể nó thế nào!


Điều trớ trêu là văn hoá quỳ lạy ấy còn tồn tại đến hôm nay ở nước Trung Hoa cộng sản. Tướng Lưu Á Châu, một nhà bình luận nổi tiếng ở Trung Quốc hiện nay kể rằng, khi ông đi học một lớp chính trị trong quân đội, thấy thầy giảng chướng quá, ông đứng lên thắc mắc. Ông thầy liền nói: Tại sao anh dám cãi lại tôi? Tướng Lưu Á Châu thất vọng, vì thầy đã không dám hỏi: “Vì sao anh lại nói như thế?”, rồi tranh luận để tìm ra chân lý. Thầy chỉ phán: “Vì sao anh dám cãi lại tôi?!”. Thầy luôn đúng. Trò không được cãi.


Nước Trung Hoa cộng sản hôm nay vẫn nguyên hình là một xã hội Khổng Mạnh trá hình mà thôi!


Trong khi đó thì ở phương Tây, cùng thời với Khổng Tử, Aristote (384-332 trước CN) đã tuyên bố: “Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!”. Cái văn hoá chân lý quý hơn thầy ấy đã dẫn dắt phương Tây trở thành một xã hội dân chủ và văn minh đến ngày hôm nay.


Việt Nam chúng ta từng một ngàn năm Bắc thuộc, lại luôn chịu ảnh hưởng của người láng giềng hủ bại Trung Hoa, nên tầng lớp có học của nước ta thấm đẫm thứ văn hoá quỳ lạy của Trung Hoa. Trí thức nước ta trong mấy ngàn năm lịch sử chỉ lo dùi mài kinh sử để mong đỗ đạt làm quan, để được quỳ lạy trước sân rồng. Có người già rồi còn đi thi, suốt đời ăn bám vợ con. Việc làm ra của cải vật chất đều do người phụ nữ và những người ít chữ gánh vác. Trí thức Việt Nam trong quá khứ không ai học để làm cách mạng, để thay đổi đất nước. Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau còn tồn tại đến hôm nay ở nông thôn miền Bắc là kết quả của tư duy làm quan, tư duy quỳ lạy. Báo chí của Việt Nam hôm nay hay ca ngợi một bà mẹ đi bán hàng rong mà nuôi được bốn năm người con học đại học. Học để mong kiếm một mảnh bằng vênh vang với làng xóm! Học để mong kiếm một cái chân trong cơ quan nhà nước, để trở thành một anh công chức, một anh nha lại, trên bảo dưới phải nghe.


Khi bàn về việc trọng dụng đội ngũ trí thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần nói, đại ý, xung quanh thủ tướng toàn là những người có bằng cấp cao, thạc sĩ, tiến sĩ… toàn là trí thức!


Thực ra các vị đó chỉ là những công chức, không phải trí thức. Mà đã là công chức thì trên bảo gì dưới phải nghe theo. Nếu không nghe thì “văng” ra khỏi bộ máy quyền lực ngay lập tức. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện lúc bình sinh có nói với người viết bài này: “Tư bản Pháp chỉ tuyển chọn vào bộ máy những người đỗ đạt cao. Vì thế, khi vào một cơ quan công quyền, người ta biết rõ những người ngồi đó đều là người tài giỏi, vì thế, họ vừa có quyền, lại vừa có uy. Thế mới gọi là uy quyền. Nhưng quyền uy mấy thì cũng là công chức. Nhân dân Pháp chỉ kính trọng những trí thức tự do, vì họ dám phản biện xã hội, bảo vệ lẽ phải. Nước Pháp có hàng trăm nghìn hội đoàn độc lập. Đó là một lực lượng dân chủ hùng mạnh để cân bằng với chính quyền của giai cấp tư bản”.


Buồn thay, bộ máy công quyền của Việt Nam hôm nay chỉ tuyển chọn những người “dễ bảo” hoặc biết “mua bán”. Vì thế nó ngày càng xuống cấp. Có lần, trong một cuộc gặp gỡ có nguyên Bộ trưởng L.H.N., phó giáo sư tiến sĩ V.T.K. và người viết bài này, trong lúc vui vẻ, phó giáo sư V.T.K. than phiền với Bộ trưởng L.H.N.: Mấy tay vụ trưởng đi theo anh chuyến này vô Nam, qua nói chuyện tôi thấy các vị đó dốt quá! Nguyên Bộ trưởng L.H.N. nói: Ngày xưa dốt là từ cấp thứ trưởng trở lên, cấp vụ nó giỏi lắm, nay nó dốt xuống đến cấp vụ rồi!!!


Từ nền văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy, đã hình thành một tâm lý xin-cho trong xã hội. Khi nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn soạn thảo bộ sách Học tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo hướng cải cách giáo dục, tôi đến chơi một người bạn cũ từng là một quan chức cao cấp, từng ở nước ngoài nhiều năm, có học thức cao… và tặng ông một trong các cuốn sách Học tiếng Việt đó. Cầm sách trong tay, ông nói ngay: Họ không cho lưu hành đâu anh ạ! Thì ra cái tâm lý xin-cho đã ngấm vào xương tuỷ giới trí thức nước ta. Trên phải cho thì dưới mới được làm! Dù chưa ai cấm đoán bao giờ!


Ít lâu sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến phải đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa cho học sinh phổ thông học. Thế là tôi viết giới thiệu bài tập đọc “Lễ thả thuyền ra Hoàng Sa…” đã có trong sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Buồm. Báo Người Lao động TP HCM đã đăng ngay bài đó trong tháng 1-2014 (vì… Thủ tướng đã… cho… nói về Hoàng Sa và Trường Sa!!!).


Ngày nay nước ta đã manh nha kinh tế thị trường, có bao nhiêu điều kiện và cơ hội để học làm người tự do, làm khoa học, làm chuyên môn, làm nghề… làm ra của cải cho một đất nước “đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên) thì trí thức nước ta cần mau chóng giã từ nền văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy có cội nguồn từ văn hoá Khổng Mạnh Trung Hoa để canh tân đất nước.


Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện về giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, ông sinh năm 1941 tại xã Điện Thắng Bắc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Hiện ông là một Việt kiều ở Bỉ, hoạt động trong lĩnh vực khoa học không gian. Ông là một nhà khoa học rất nổi tiếng, là “một trong 10 người làm thay đổi nước Bỉ” như cách nói của chính phủ Bỉ. Ông giảng dạy ở bậc đại học đã nhiều năm, từng là trưởng Khoa Cơ học phá huỷ thuộc Khoa Kỹ thuật không gian Đại học Liège. Một ngày kia, đồng nghiệp của ông “phát hiện” ra ông chỉ có bằng kỹ sư, chưa có bằng tiến sĩ như bao đồng nghiệp khác đang làm việc cùng ông. Người ta đề nghị giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm hồ sơ để thi tiến sĩ. Khi giáo sư Hưng tập hợp các công trình mình đã làm và đã được ứng dụng trong sản xuất để trình Hội đồng, chuẩn bị cho luận án tiến sĩ sẽ làm, thì Hội đồng nhất trí cao rằng ông xứng đáng là tiến sĩ từ lâu rồi, khỏi cần thi! Tại một quán càfê ở đường Phạm Ngọc Thạch Quận 1 TP HCM cuối năm 2013 vừa qua, giáo sư Hưng tâm sự với chúng tôi: Mải làm việc quá nên tôi… quên làm tiến sĩ.


Bao giờ cái văn hoá học để làm việc thay thế được văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy trong giới tinh hoa ở nước ta, thì Việt Nam mới mở mày mở mặt được.
                                 Tháng 6-2014
                                   L. P. K.
                                      4-8-2015
                                      Song Thu  ( sưu tầm)

THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ : Bài 2: Từ nền “văn hoá quỳ lạy” đến văn hoá “thảo dân” ( Lê Phú Khải)


Trong bài “Giã từ nền văn hoá quỳ lạy” tôi đã nói đến do ảnh hưởng của Khổng Mạnh, trí thức Việt Nam chỉ cốt đi học để làm quan. Để được quỳ lạy trước ngai vàng. Lý thuyết của họ là cúi đầu trước một người (Vua) để được cưỡi lên cổ trăm  người. Khi được làm quan rồi, họ tiếp tay vua để đàn áp nhân dân. Vì thế, một tâm lý khiếp sợ quyền lực đã hình thành trong xã hội. Người dân tự nhận mình là “thảo dân”. Thảo là cỏ. Thân phận người dân được chính họ tự nhận là cây cỏ, là “thảo dân”.
Từ chế độ phong kiến chuyển sang chế độ toàn trị, tâm lý thảo dân càng có “cơ sở” để phát triển do người dân bị không chế toàn diện cả về kinh tế lẫn chính trị. Nỗi sợ hãi bao trùm xã hội. Người dân sợ bị mất sổ gạo (sổ mua lương thực), sợ con bị đuổi học, sợ bị đi tù.

Từ nỗi sợ đó dẫn đến tâm lý vâng lời, nghe theo cấp trên để được yên thân. Và, điều tai hại lớn là sự vâng lời ấy dẫn đến sự bao cấp về tư tưởng. Tất cả đều đã có Trung ương, có Đảng lo. Nhân dân không phải suy nghĩ gì nữa. Đảng là đúng, cấp trên là đúng, như một chân lý.
Vì thế mới có câu cnuyện khôi hài dưới đây:
Khi có chuyện “giá lương tiền” rồi vụ đổi tiền vào sáng ngày 14/9/1985, cả xã hội náo loạn, dẫn đến khủng hoảng sâu… Gặp tôi, bác Nguyễn Khắc Viện nói: “Thật là may”. Nghe thế, tôi hỏi: “Vì sao lại thật là may?”. Bác Viện nói: “Như vậy là dân đã thấy Đảng cũng sai. Vậy từ nay mọi người phải suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Thấy cái gì sai phải nói, phải lên tiếng phản đối, không thể uỷ thác số phận của mình cho một nhóm người suy nghĩ và quyết định”.
Văn hoá thảo dân và sự bao cấp về tư tưởng không phải chỉ có ở dân, ngay cả nhà cầm quyền Việt Nam cũng bị bao cấp tư tưởng. Cái gì China làm, Việt Nam mới dám làm. China chưa làm thì Việt Nam chưa dám làm. Tôi nghe nói, khi sắp làm một việc gì lớn, có nhà lãnh đạo Việt Nam đã hỏi: Trung Quốc đã làm chưa? Việt Nam luôn đi sau Trung Quốc hàng thập kỷ vì tư duy bao cấp này.
Thoát Trung một cách mạnh mẽ nhất là thoát tư duy bao cấp.
Chưa thoát được tư duy bao cấp nên ở nước ta có tình trạng tư duy ngược. Tôi có một anh bạn là học sinh miền Nam đi tập kết, học chung trường thời sinh viên với tôi ở đại học ba năm liền. Ra trường anh làm một chức sắc nho nhỏ. Khi đất nước thống nhất, anh về Sài Gòn công tác. Một hôm, anh về quê thăm nhà ở huyện Cái Nước, Cà Mau. Anh than với má anh: “Nhà mình xa quá!”. Bà má anh đã nổi đoá rủa: “Mồ tổ mày, chỉ có mày đi xa chớ nhà mình đâu có xa!”.
Rõ ràng anh bạn tôi đã tư duy ngược!
Mà chẳng phải một vài người, đến ngay cả cơ quan ngôn luận lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam là báo Nhân Dân cũng tư duy ngược. Báo Nhân Dân có cả một chương mục: Đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống (!). Vậy nghị quyết Đảng từ trên trời rơi xuống à?
Đáng lý phải có mục “Đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng”, rồi sau đó mới có mục “Đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống”. Vì tư duy ngược như thế, nên chẳng cuộc sống nào thi hành nghị qyết cả! Chỉ khi Đảng thấy sai, sửa, thì nghị quyết mới vào cuộc sống như Khoán 100 của Ban Bí thư, Khoán 10 của Bộ Chính trị vào năm 1988.
Chính Lênin ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, trong tác phẩm “Nhận thức luận” đã từng dạy: “Qui luật của nhận thức là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”. Có nghĩa là: Lý luận nảy sinh từ thực tiễn, đúc kết thực tiễn thành lý luận. Và đến lượt mình, lý luận sẽ soi đường cho thực tiễn.
Đến bao giời dân tộc ta và cả Đảng Cộng sản Việt Nam mới thoát khỏi cảnh bao cấp tư tưởng và tư duy ngược? Nếu không phải là từ lúc này, lúc người anh em Bốn tốt đã lật kèo bằng cách đưa Giàn khoan khủng HD 981 vào xâm lược nước ta?
                              Song Thu ( Sưu tầm)