Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

XƯỚNG HOẠ VỚI BẠN THƠ




Gớm mình đã định thôi không ghép vần nữa vì vừa bận việc cháu con vừa cạn nguồn vần hứng mất rồi. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng cho ngừng, hôm qua, mấy người gửi thơ mời hoạ luôn. Không nhận lời thì bất nhã, nhận rồi đành hì hà hì hục chắp chắp, ghép ghép vậy thôi. Rặn mãi, cuối cùng cũng tòi ra được hai bài văn vần xin trình làng blog
( Tìm hoài chỉ có ảnh riêng của chị Thanh Tình chứ không có ảnh riêng của bác Phạm Sỹ Lục. Thế là lấy ảnh tập thể để minh hoạ vậy. Trong bức ảnh tập thể đó, bác Phạm Sỹ Lục ngồi thứ hai, mặc áo sáng màu, từ phải sang)


Bài 1: MỪNG THỌ BÁC LỤC
( Hoạ nguyên vận thơ Phạm Sỹ Lục)

Thu hết đông sang cứ chuyển vần
Tết này bác Lục tám mươi xuân
Xưa từng mực thước trong ngành giáo
Nay lại an hoà chốn thảo dân
Vợ đảm, dâu hiền tròn chữ đức
Trai tài, cháu hiếu vẹn lòng nhân
Đón ngày mừng thọ vui như hội
Kính chúc gia đình mãi mãi xuân



Bài 2: ĐƯỢC BAO NGƯỜI?

( Hoạ đảo vận thơ Thanh Tình mừng chị tròn 70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng)

Đã qua bảy chục cái xuân đời
Mà chị Thanh Tình vẫn thắm tươi
Mái tóc bồng bềnh chưa chịu bạc
Hàm răng ngà ngọc chẳng hề rơi
Giao lưu thơ phú tràn muôn nẻo
Tụ họp hát ca khắp mọi nơi
Vẹn cả nghề thầy tròn nghiệp Đảng
Nhân gian như thế được bao người?!


Sao Đỏ: 3-12-2018
Song Thu

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

TRI ÂN CUỘC ĐỜI GẶP MẶT TẠI VÂN ĐÌNH



                                        Chàng và Thị trong màn chào hỏi          
                                        Tất cả các thành viên trong buổi gặp mặt lần thứ 8
                                         Màn song ca ấn tượng

                              
                                         Tứ đại "mỹ nhân" vây quanh "mỹ nam'               
                              
                                             Vừa măm tiệc vừa nghe hát
                                          
                                          " Nối vòng tay lớn" chào nhau ra về
                                                       Vân Đình: 04-10-2018
                                                        Song Thu




Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

CHÙM THƠ VỊNH ẢNH

                                  EM VÀ HOA CẢI
               Cải vàng rực rỡ ven sông
                Em hồn nhiên giữa mênh mông hoa vàng
                Nuột nà trong sáng đoan trang
                Một lần chiêm ngưỡng mơ  màng quanh năm



                                                 ĐÀO TIÊN
                            Một cặp đào tiên  thật nõn nà
                     Phớt hồng, căng mọng, mỡ màng da
                     Núm đào mau mảu trông càng khoái
                     Chợt ghé ngang qua muốn hít hà


                                                                   9-7-2018
                                                                   Song thu

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

KHOE CÙNG MỌI NGƯỜI




                                                         Ông nội bế Sim Ba

                                                          Bà nội bế Sim Ba


Chị Sam bế Sim Ba
Bé Sim Ba tròn tháng tuổi
22-6-2018
Song Thu

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

DU LỊCH ĐẦM ĐA







Sân chùa Bà Đanh






Bên cầu Cấm Sơn
Đường vô động Suối Bạc
Cùng cháu bé bán hàng ngoài Chùa Tiên


04-5-2018
Song Thu

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

VÀI NÉT VỀ HAI BÀI THƠ CỦA HAI NGƯỜI BẠN THƠ QUÁ CỐ

( Tổ thơ xóm Núi)
( Ông Bùi Trác Trường và phu nhân)




                      ( Ông Vũ Bá Huyên)

               Tổ thơ khu phố Nguyễn Trãi 2 mà chúng tôi quen gọi là tổ thơ phố núi chỉ có vẻn vẹn hơn chục người thôi. Ai cũng nghỉ hưu từ lâu rồi. Vì về hưu mới có thì giờ mà thơ ca hò vè chứ. Ít người thì ít thật nhưng sinh hoạt đều đặn lắm và mỗi năm vẫn cho ra đời một tập thơ kia đấy. Tính đến năm 2017 vừa qua đã có đến 11 tập thơ chào đời rồi. Như thế là tổ thơ đã hoạt động được 11 năm. Vui vẻ, ấm cúng và nồng đậm nghĩa tình cũng là một nét đặc trưng tiêu biểu của tổ thơ này.
           Tuy vậy, năm vừa qua lại có tới hai thành viên đã về với tổ tiên. Dẫu biết rằng : “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ thường của cõi đời. Song ai trong tổ thơ chúng tôi cũng thấy buồn và trống vắng lắm. Mới hồi tháng 11 năm ngoái, sinh hoạt còn đủ mặt anh hào, thế mà lần sinh hoạt đầu năm nay đã vắng mất hai người rồi. Trước ngày sinh hoạt, Song Thu mới lần tìm những bài thơ của hai bậc tiền bối để đọc lại mà lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Bởi đọc thơ mà như thấy hai ông cứ hiện ra rõ mồn một, từ dáng hình đến điệu sinh hoạt và cốt khí của từng ông. Có câu: “ Văn là người” quả không sai vậy.
            Tôi xin chọn để giới thiệu một bài thơ của ông Vũ Bá Huyên, một ông già thon gọn, tầm thước vừa mau mồm mau miệng vừa nhanh nhẹn trong mỗi bước đi, một ông già hôm nào cũng dậy từ 4h sáng để tập thể dục đến khoảng hơn 5h là vào ăn sáng rồi lại đi bộ thăm bạn bè gần hoặc đạp xe đi thăm bạn bè xa hơn chút xíu. Ông hay làm thơ Đường luật thất ngôn bát cú về các con vật như con cua, con ếch, con cóc con cò hoặc con ốc con cá vv… Cũng có khi ông lại dùng thơ Đường để tự hoạ chân dung của chính bản thân mình. “Tuổi tám mươi” là một bài thơ như thế:
Tôi thọ năm nay tám chục tròn
Trông sau người bảo vẫn trai son
Là nhờ nhà nước tinh thần tốt
Lại được gia đình vật chất ngon
Thể dục năng rèn cơ chậm tóp
Dưỡng sinh siêng luyện cốt lâu giòn
Rượu chè, thuốc sái a lê tuốt
Nên tuổi tuy già dáng vẫn thon
2004
Vũ Bá Huyên
             Một bài thơ Đường rất chuẩn về niêm luật, rất chặt chẽ trong kết cấu nhưng không trang trọng cổ kính, gò bó khuôn sáo mà rất giản dị. Thậm chí là nôm na và mộc mạc trong từng câu từ và rõ ràng rành mạch trong ý tứ nhưng vẫn đủ sức cuốn hút người đọc. Nó đúng là một bản phác thảo thô mộc về bản thân nhưng không thô thiển mà pha chút cười cợt hom hóm nên đọc lên thấy vui vui và ý vị. Tôi thích cách dùng những cụm từ dân dã mà giàu sức gợi của tác giả như: trai son, tinh thần tốt, vật chất ngon, cơ chậm tóp, cốt lâu giòn và nhất là những từ trong câu 7: “ rượu chè thuốc sái a lê tuốt” thì thật là không còn có thể mộc mạc hơn. Nó như một khẩu ngữ thuần phác được bê nguyên vẹn vào một bài thơ cổ mà đọc lên không chút gợn. Ngược lại ta thấy một thái độ dứt khoát không dính líu đến những tệ nạn, những thứ độc hại của một ông già qua một bài thơ có giọng điệu vui vui, tưng tửng như cợt đùa chứ không hề lên gân lên cốt hoặc cao giọng giáo huấn răn dạy chi cả .Tôi lẩn mẩn làm một phép thử để thay những từ khác vào như thay từ “thuốc sái” bằng thuốc lá, rồi thay cụm từ “a lê tuốt” bằng cụm từ không màng tới, không dùng tuốt vv… thì đều thấy không ổn chút nào.Vì thay như thế, tuy ý thơ không có gì khác biệt đáng kể nhưng giọng điệu thơ và vị thơ thì đã mất hẳn rồi. Thế mới biết những khẩu ngữ được dùng đúng chỗ lại trở nên đắc địa và sinh động biết bao.
             Điều đặc biệt nữa là kết cấu của bài thơ cũng rất tự nhiên và chặt chẽ. Này nhé, câu phá đề,giới thiệu cụ thể về tuổi thọ của bản thân rất nghiêm túc và chuẩn xác: “ Tôi thọ năm nay tám chục tròn”. Đến câu thừa đề lại nói về độ trẻ trung của ông lão một cách rất khách quan: “ Trông sau người bảo vẫn trai son”. Nghĩa là, thực tình tôi đã tám mươi tuổi rồi nhưng người ta vẫn bảo tôi trẻ trung như trai son vậy. Thế rồi tất cả những câu sau lại lý giải tỷ mỷ vì sao tôi có được sự tươi trẻ ấy. Trước hết “là nhờ Nhà nước tinh thần tốt”. Câu này có vẻ như hơi sáo chăng? Không đâu. Chân thực lắm đấy. Đã nhiều lần ông tâm tình với tôi: “ Tôi tham gia phá kho thóc của Nhật rồi bỏ làng ra đi đến làng Thủ Chính làm thuê làm mướn kiếm ăn. Dân ngụ cư bị coi thường lắm. Đói rét, bệnh tật tôi đều đã trải qua rồi. May mà ơn Đảng ơn Bác ơn Nhà nước nên mới được như ngày hôm nay; Đã có hơn 40 năm tuổi Đảng, lại có lương hưu, có nhà đất đàng hoàng, tôi chả còn mong ước gì hơn”. Như thế là nhờ nhà nước mà tinh thần tốt là chính xác rồi. Kế đến là “ được gia đình vật chất ngon”. Nghĩa là được vợ con lo chu tất về miếng ăn miếng uống giúp tôi thấy ngon miệng lắm. “ vật chất ngon” là một cách nói là lạ và khá ấn tượng. “Ngon” chứ không phải sang hay nhiều đâu nhé. Từng sống gần ông mấy chục năm, tôi biết cái “ vật chất ngon” với ông thanh đạm và bình dị lắm. Chỉ mỗi bưa vài lưng cơm gạo quê, bát canh rau vườn nhà, chút thịt hoặc cá tép kho hay vài miếng đậu. Thế thôi chứ chẳng phải sơn hào hải vị gì nhưng ông cụ cảm thấy ngon miệng lắm. Điều quan trọng nhất để giữ được thân thể khoẻ trẻ dài theo năm tháng được tác giả nhấn mạnh là do bản thân chăm rèn luyện thể dục và tránh xa những thứ độc hại…
Thể dục năng rèn cơ chậm tóp
Dưỡng sinh siêng tập cốt lâu giòn
Rượu chè thuốc sái a lê tuốt
Từ đó tác giả kết luận một cách đầy tự tin rằng: “ Nên tuổi tuy già dáng vẫn thon”.
            Bài thơ cứ phô bày hết mọi nhẽ chứ không ẩn dụ, nói bóng nói gió gì; Đọc lên ai cũng hiểu, không cần phải giảng giải ;Nhưng ta không thấy nhạt bởi nó tải được cái hồn cốt thần thái của tác giả trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, một nếp sống thanh đạm, lành mạnh, vui vẻ. Nó cũng nêu lên một bài học thật quý giá được rút ra từ thực tế cụ thể sinh động trong cuộc sống của chính bản thân tác giả . Bởi thế mà không hô hào, vận động, không giảng giải lý lẽ hay khuyên răn dạy bảo ai, bài thơ, tự thân nó đã mang ý nghĩa giáo dục lớn. Đó chính là thơ có ích cho đời vậy.
Nếu ông Vũ Bá Huyên say mê viết thơ Đường luật thì ông Bùi Trác Trường lại thường làm thơ lục bát. Và thơ ông Trường phần lớn là lấy đề tài từ chính phu nhân của ông. Ông từng nói: “tôi sẽ phấn đấu để trở thành người làm thơ về vợ nhiều nhất Việt Nam” . Và thực tế đúng là như vậy. Tôi xin nhặt ra đây một bài thơ thuộc đề tài ấy của ông để mọi người chiêm ngưỡng:
MỪNG XUÂN CHO BÀ
Chín sáu con gái mừng bà
Áo chùng bà mặc đậm đà sắc xuân
Giao thừa đinh sửu đến gần
Năm nay tôi sẽ mừng xuân cho bà
Thời kì kháng chiến đã qua
Huân chương tôi lĩnh vài ba năm rồi.
Sáu mốt năm tuổi của tôi
Tham gia chống Mỹ hai mươi năm tròn
Thay chồng nuôi mẹ, dạy con
Năm tháng mỏi mòn bà vất vả thay
Tiền Nhà nước thưởng tôi đây
Đôi hoa mua sẵn xuân nay mừng bà
Nhìn về quá khứ xa xa
Ngày tôi yêu bà đã tặng gì đâu
Nay ngoài sáu chục tuổi đầu
Tặng hoa tuy muộn nhưng sâu ân tình
Lại thêm cái tết hoà bình
Tuy chưa nâng chén mà hình như say
Ngoài trời gió lộng mây bay
Hẳn là tiên nữ hôm nay xuống trần
Tiên nữ vui với táo quân
Còn tôi, tôi chỉ vui xuân cùng bà
Giao thừa 1997
Bùi Trác Trường
               Riêng đề tài về tặng quà cho vợ cũng được tác giả Bùi Trác Trường viết nhiều bài lắm. Nào là tặng quà nhân ngày mừng thọ, nào tặng quà nhân dịp 8-3. Quà tặng cũng khá đa dạng: Khi là nồi bún riêu cua, lúc là nồi nước tắm, kèm theo động tác kì lưng rất đa tình. Song có lẽ, bài “ Mừng xuân cho bà” là một bài tôi thấy xúc động hơn cả. Trừ những câu thuộc phần đầu có vẻ kể lể, dài dòng thì từ câu “ Thay chồng nuôi mẹ dạy con”đến cuối bài đã lắng đọng tâm tư, đậm chất trữ tình khiến người đọc rưng rưng rung cảm.Tác giả không chỉ cảm kích và đánh giá cao công lao nuôi mẹ, dạy con của vợ mà còn nhìn hình ảnh người vợ gầy guộc vất vả bằng con mắt đầy yêu thương trân trọng : “ Năm tháng mỏi mòn bà vất vả thay”. Tình cảm yêu thương ấy được đẩy lên bước nữa bằng hành động cụ thể và thiết thực mà tác giả dành cho vợ:
Tiền Nhà nước thưởng tôi đây
Đôi hoa mua sẵn xuân nay tặng bà”
Sau hành động mua đôi hoa tai tặng vợ này, tác giả không đi vào mô tả niềm vui sướng của vợ khi nhận quà như nhiều bài thơ khác trong đề tài này của ông mà bỗng dưng giọng điệu thơ chùng xuống, lắng lại trong miên man hoài niệm:
Nhìn về quá khứ xa xa
Ngày tôi yêu bà đã tặng gì đâu
Nay ngoài sáu chục tuổi đầu
Tặng hoa tuy muộn nhưng sâu ân tình .
              Tôi muốn nhìn nhận khổ thơ này bằng một nhãn quan: “cách cho hơn của mang cho”để thấy rõ hơn cái sức nặng trong tình cảm của tác giả với phu nhân. Đã đành, món quà đôi hoa tai không phải cái gì quá to tát nhưng cũng không phải thứ rẻ mạt hay phù phiếm mà nó vừa có giá trị như một món trang sức lại vừa có tính thiết thực như một chút của để giành. Đặc biệt là khi trao tặng món quà đó cho vợ, tác giả lại xót xa nghĩ về quá khứ xa xôi từ thuở yêu đến khi thành vợ chồng rồi có con có cháu tôi cũng chưa tặng được gì cho bà thì ta chợt hiểu rằng, tác giả thương và yêu vợ biết bao nhiêu. Ông không có quà tặng vợ không phải vì ông vô tâm, không nghĩ tới mà vì hoàn cảnh eo hẹp quá đấy thôi. Đọc tới đây tôi lại chợt nhớ đến những câu thơ ông viết về vợ mình trong ngày cưới:
Ngày nào tôi đến đón dâu
Thấy bà trong chiếc áo nâu vải dầy
Thế rồi năm tháng đánh Tây
Áo nâu vá víu càng dầy càng thâm
( Nét xuân về bà).
            Đúng là trải qua những năm tháng khốn khó vì nuôi mẹ dạy con, bà đã mỏi mòn, gầy guộc đi. Tấm áo nâu cũng ngày càng thêm thâm, thêm dầy lên vì nhiều mảnh vá. Nhưng không vì thế mà nghĩa phu thê nhạt nhoà, tình chồng vợ vơi bớt. Ngược lại, tình yêu thương của ông đối với bà ngày càng thêm đằm thắm đậm đà. Vừa nhận được chút tiền thưởng là ông nghĩ ngay đến vợ rồi mua quà tặng vợ. Cho nên: “ Tặng hoa tuy muộn nhưng sâu ân tình” và ông rưng rưng xúc động khi được trao tặng cho bà, được tri ân đối với bà, người đã từng cùng ông gánh vác chia sẻ mọi khó khăn gian khổ trong suốt bao năm tháng “ nuôi mẹ, dạy con”. Cho nên những câu thơ sau cứ tưởng như chuyển sang một mạch khác, tưởng như không ăn nhập gì với chuyện tặng quà mà lại thật đẹp, thật thắm thiết nghĩa tình
Lại thêm cái tết hoà bình
Tuy chưa nâng chén mà hình như say
Ngoài trời gió lộng mây bay
Hẳn là tiên nữ hôm nay xuống trần
Tiên nữ vui với táo quân
Còn tôi, tôi chỉ vui xuân cùng bà
              Ở đây, ngôn ngữ thơ đã mất đi cái vẻ thật thà kể lể, cái tính chân thực trần trụi mà trở nên ảo diệu, mơ hồ như thực như hư để diễn tả niềm yêu, lòng say của tác giả đối với vợ mình. Hình như tác giả bỗng thấy vợ mình đẹp lung linh như tiên nữ vậy. Mà với tác giả, giờ đây tiên nữ có xuống trần đi chăng nữa ông cũng chẳng thèm để mắt tới, ông chỉ vui xuân cùng bà, tiên nữ của riêng ông thôi.Bài thơ không hề có một từ yêu, từ thương hay từ đắm say tha thiết nào mà đọc lên ta vẫn cảm nhận đủ đầy tình yêu niềm thương và lòng say mê, trân trọng của tác giả với người vợ tao khang. Có lẽ đây chính là tình cảm chân thành nhất mà tác giả luôn giành cho vợ trong suốt bao năm chung sống, giờ đã được chắt ra thành thơ nên vì thế mà bài thơ cứ tự nhiên gieo vào lòng độc giả những cảm xúc rưng rưng.
             Trên đây là hai, trong nhiều bài thơ mà tôi thích của hai thi hữu xóm núi chúng tôi. Mỗi thi phẩm đều có một nét đẹp riêng, một phong cách sáng tác riêng.Tuy không bay bướm trong ngôn từ, không độc đáo trong cấu tứ nhưng cả hai thi phẩm đều tạo được dư ba trong lòng độc giả bởi cái mộc mạc, chân thật trong tình cảm và trong suy nghĩ của hai ông. Tôi viết vài cảm nhận của mình về hai tác phẩm đó coi như một nén tâm nhang bái biệt vong linh hai vị và nói với hai vị rằng thơ ca và tinh thần của các vị sẽ còn mãi trong lòng chúng tôi, những người bạn thơ thân thiết của các vị.

Sao Đỏ : 5-4-2018
Song Thu