Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

TRÓT DẠI




(Tình cờ, Song Thu nghe được tâm sự về cái sự " trót dại" của hai đấng tu mi nam tử, nên mới tức hứng viết ra bài thất ngôn tứ tuyệt này để thân tặng hai chàng quân tử đó và phô bày cùng anh chị em và bạn bè blog đấy ạ)
Của nhà trót dại vác đi cho
Nên nỗi hôm nay phải diễn trò
Trống đã mất dùi không thể gõ
Nàng càng hoan hỉ hắn càng lo

Song Thu

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

LẠI THI NHAU XƯỚNG HOẠ

  • Nghe nói giờ đây bác ở nhà
    Cho nên vườn nở rất nhiều hoa
    Mới hay cây cũng như người vậy
    Chẳng thích các ông chỉ thích bà
    Nguyễn Vũ Song Thu Hoạ vui cùng bác Xuan Ngoc Nguyen:
    Những hôm em vẫn ở xa nhà
    Vườn ấy đột nhiên lắm bướm, hoa
    Chấp chới đua chen khoe rực rỡ
    Hiến dâng ông chủ lúc không bà
    Khà...khà...khà...
    Xuan Ngoc Nguyen
    Mới biết ông Tuân giỏi nhất nhà

    Mát tay vườn trổ rất nhiều hoa
    Bướm nâu bướm trắng tha hồ ngắm

    Chẳng thấy cô đơn lúc vắng bà
  • Đỗ Đình Tuân Xuan Ngoc Nguyen
    Mình vốn xưa nay vưỡn ở nhà
    Trồng rau trồng chuối lại chăm hoa
    Hoa nhiều nên bướm thường bay đến
    Mải ngắm nên không thấy nhớ bà.

    Xuan Ngoc Nguyen
    Em sẽ sang thăm học bác nhà
    Cái nghề trồng chuối với chăm hoa
    May ra túm được vài nàng bướm
    Cho đỡ tủi thân cảnh thiếu bà

    Nguyễn Vũ Song Thu Xuan Ngoc Nguyen :
    Bác Ngọc thường xuyên vẫn ở nhà
    Không vườn trồng chuối với trồng hoa
    Chợ gần thêm nữa tiền luôn sẵn
    Hoa mượn, bướm mua chẳng thiết bà

  • Sao Đỏ:19-4-2020
    Song Thu

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

VUI CHƠI THỜI CÔ VÍT



  •           Gớm đúng dịp "giặc co ro na" lan tràn khắp toàn cầu,Việt Nam thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, ở nhà buồn thiu, các U6,7,8 mươi cũng nghĩ ra trò chơi ghép vần chắp vè vui đáo để. Thực hiện trò chơi này cảm thấy mọi khoảng cách xã hội bỗng gần lại đến lạ lùng. Không những thế nó còn góp phần làm nhanh nhạy tài ứng tác và rèn luyện trí não nữa chứ chẳng đùa.
             
              
    Tôi xin đơn cử một cuộc vui như thế trên Faceboook của chúng tôi nha. Chả là, nhân dịp nghỉ phòng dịch này, cô giáo, nhà văn xứ Nghệ Hồ Nhật Thành cư trú tận miền Quỳ Hợp xa xôi có viết một truyện dài kì : " Những mảnh rổ rá bung vành"; chàng Đỗ Đình Tuân sang đọc, mới có mấy lời ứng tác như sau:
    Cạp hộ rổ rá
    CHÀNG HỎI:
    Rổ rá bung vành cạp lại chưa
    Dùng đồ tuột cạp có gay go ?
    Gửi ra anh vót vài thanh trúc
    Mấy sợ mây vàng nức lại cho !

    12/04/2020
    Đỗ Đình Tuân
    Thế là nàng Nhật Thành đáo để mới đáp lại rằng:
    NÀNG ĐÁP:
    Bung vành rổ rá xể tòe loe
    Nức phía bên này tuột phía kia
    Thôi thì cứ để làm mê rổ
    Mai mốt xin vành anh nức nha ?
    12/04/2020
    Nhật Thành
    Bắt gặp quả tang cảnh này phu nhân chàng Đỗ mới ba máu sáu cơn nhảy vào phán xanh rờn:
    Nguyễn Vũ Song Thu
    Với Nhật Thành Và Đỗ Đình Tuân:
    Chừ ta bắt được quả tang
    Mang thanh trúc với mây vàng "nức" nhau
    Biết điều thì chạy cho mau
    Nếu không anh ả bươi đầu sứt tai
    Bấy giờ đừng có kêu Trời
    Đình Tuân với Nhật Thành ơi... nhớ hè
    Nếu cùng ta chắp vần vè
    Thả cho anh ả trở về bên nhau?

    Được lời như cởi tấm lòng, nàng Nhật Thành nhảy vô luôn

    • Nhật ThànhNghe lời anh Đỗ rung râu
      Phen này vợ đuổi ta mau thu vành
      Thung Mây gá với mê lành
      Mua mây nức lại là thành rổ thôi!
      He he...

  • Song Thu đành ngậm ngùi hạ bút:
    Một lời trót nói ra rồi
    Đành mang lễ vật tới nơi đón nàng
    Võng điều cùng với kiệu vàng
    Vượt qua Cô Vít rước nàng về dinh
    Ba ta cùng tính tang tình
    Thế là rổ rá bung vành lại ngon

  • Rồi cứ thế, cuộc nối vần kéo dài tưởng như không dứt và thêm ối người tham gia
  • Nhật Thành Nguyễn Vũ Song Thu
    Từ đây thêm cháu thêm con
    Bộ ba thơ rượu ta còn say sưa!
    Cho chàng đọc sách trồng hoa
    Hai nàng viết truyện bình thơ vui vầy!

  • Đỗ Đình Tuân Được lời như cởi dạ dày
    Thân này được đến thế này cực vui
    Biết thân thoát chẳng khỏi người
    Thôi thì chấp thuận kẻo trời đất ghen
    Tiếc thay da đã rửa phèn
    Để cho vàng lại phủ lên mấy lần
    Hồng Tuân với khách hồng tuần
    Đã xoay đến thế còn vần chưa tha
    Ha ha...ha ha...ha ha...

  • Nguyễn Vũ Song Thu Đỗ Đình Tuân :
    Một lời đã biết đến ta
    Thêm vài nường nữa cũng là có nhau
    Cửa nhà chị trước em sau
    So cung đàn ấy, sánh câu thơ này
    Tha hồ vui vẻ sum vầy
    Chỉ thương chàng Đỗ hao gầy đêm đêm
  • Nhật Thành Nguyễn Vũ Song Thu
    Nghe càng nóng, ngóng càng thèm
    Giá như rổ rá mua thêm cặp vành
    Dây mây anh vẫn để dành
    Người ngoài cười cợt trong mình vẫn yên!


    Chị Cả Gừng Bái phục các cụ " Làng văn" !
    Trân trọng tài đối đáp tuyệt vời của các anh các chị!


    Xuan Ngoc Nguyen
    Thợ “ rổ “ Quỳ Châu chẳng có nghề
    Cho nên rổ tốt cạp thành mê
    Chí Linh đất thánh nhiều tay giỏi
    Cạp lại cho em khỏi phải chê

    • Đỗ Đình TuânQuỳ Hợp thợ nan cũng rất nghề
      Bung vành rổ rá mới thanh mê
      Chí Linh qua thấy mê còn tốt
      Cạp lại cho nàng đẹp miễn c
  • Ngoi Ta Anh
    Nhiều cụ Chí Linh rất giỏi nghề
    Vót tre cạp hộ rổ bung mê
    Cạp xong ông lại mang dùng thử
    Dùng tốt các bà cấm có chê!
    • Đỗ Đình Tuân Cũng còn tùy thuộc vào bà chủ nữa chứ ông. Cũng có bà cạp xong thì họ cho dùng thử, cũng có bà thì vừa cạp xong họ cám ơn rối rít rồi vội mang về cho ông Ngôi vo thử.
      Song Thu cóp lại mang về đây mời bầu bạn blog đọc cho vui nhân ngày cuối tuần nha

      Sao Đỏ: 17-4-2020
      Song Thu

      

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

VỀ MỘT BÀI THƠ TRÊN Faceboook




Tôi yêu thơ, thích thơ và cũng thường tập tọng làm thơ. Nhưng dù có cố gắng thế nào tôi cũng chỉ trở thành người ghép vần thôi. Nghĩa là tôi chỉ diễn tả được những ý nghĩ của mình bằng những bài văn vần với đủ các thể loại: lục bát, ngũ ngôn, tứ tuyệt thậm chí cả thất ngôn bát cú Đường luật. Dẫu những bài tôi làm không vi phạm niêm luật cũng không thất vận bao giờ nhưng ngôn ngữ không mới lạ, không lấp lánh, lung linh ; cấu tứ chẳng có gì đặc biệt. Vì vậy bài viết chẳng có lớp nang ý nghĩa cần phải khám phá khai thác mà cứ thẳng tuồn tuột phơi bày hết ra khiến đọc xong là hết chẳng còn chút dư ba ý vị nào . Vì thế, hồi này tôi chẳng buồn viết thêm nữa, chỉ đi tìm thơ hay để đọc thôi. Nhưng không dễ chút nào khi tìm đọc thơ hay trên mạng. Nó giống như đãi cát tìm vàng ấy.
       Cho nên vớ được bài thơ hay thì cứ sướng âm ỉ mãi thôi.

Cách đây chừng hơn một tháng, tôi đọc được bài thơ này của Nguyễn Lục, em gái bạn tôi, tôi ấn tượng vô cùng và bài thơ cứ thế bám riết trong tâm trí tôi
Sáng nay hoa bưởi ướt đầm
Trắng rơi ướp lối, hương dầm mềm mưa
Chiều hoang thiền với hạt mưa
Tháng giêng ơi… những dại khờ còn xanh?
( Nguyễn Lục)
       Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa bưởi rụng trong mưa. Bởi lẽ thường,muốn miêu tả vẻ đẹp của hoa, người ta hay chọn hình ảnh những đoá hoa chớm nở, trong một ban mai trong sáng yên lành. Em tôi lại miêu tả hoa rụng trong mưa nhưng vẫn đẹp, một vẻ đẹp tinh khiết mà đằm thắm; não nùng mà quyến rũ và lan toả đến mê ly : “Sáng nay hoa bưởi ướt đầm/ Trắng rơi ướp lối, hương dầm mềm mưa”. Rõ ràng là cái vẻ não nùng của “hoa bưởi ướt đầm” trong mưa, vụt sáng láng, tinh khôi trong “ Trắng rơi ướp lối” và lan toả vào màn mưa làm cho mưa không não nề,khiến ta bí bách khó chịu mà trở nên mềm mại, dịu ngọt, duyên dáng đáng yêu: “hương dầm mềm mưa”. Mọi hình ảnh thơ đều đằm nặng, thấm vào, dày trĩu xuống rất ấn tượng. Hoa thì mưa làm cho "ướt đầm", cánh trắng rơi xuống thì "Ướp lối", hương không phảng phất, ngan ngát mà "dầm mềm mưa"Ngôn ngữ thơ thật thần diệu, có hồn. Đúng là một cảm quan nghệ thuật độc đáo.Nếu không có tâm hồn và con mắt nhìn của thi sĩ thì không thể viết ra được như thế. Ví thử cảnh trí này mà qua ngòi bút của tôi nó sẽ chỉ thành ra: Cánh rơi trắng lối hoặc hoa rơi trắng lối, hương thơm ngát vườn mà thôi chứ làm sao mà vẽ ra được hình ảnh:”Trắng rơi ướp lối, hương dầm mềm mưa” kia chứ! Vì thế, với tôi, cách diễn tả này của em mới lắm, lạ lắm mà lại cũng chân thực vô cùng. Bởi từ cái mới lạ trong ngôn ngữ thơ kia em đã khơi gợi được cái thần, cái hồn của cảnh vật và bộc lộ tự nhiên cảm xúc của mình trước cảnh trí. Đọc đến đây, tôi lại chợt nhớ tới bài thơ Hương bưởi của Trần Đăng Khoa rồi tự nhẩm lại xem Nguyễn Lục có lặp lại điều gì trong thi phẩm này không? Không! Trần Đăng Khoa mượn vẻ đẹp của hoa bưởi rụng xuống cho quả non trồi lên để kính tặng hương hồn liệt sĩ Mạc Thị Bưởi : 
" Hôm qua cái cánh rụng rồi
Sáng nay cái cuống đã trồi quả non
Hoa rơi trắng mảnh sân con
Ơi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương"
        Ở đây, Trần Đăng Khoa đã qua ngôn ngữ thơ của mình mà vẽ ra hình ảnh hoa bưởi rụng mà vẫn đẹp "Hoa rơi trắng mảnh sân con, vẫn thơm: "Ơi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương" và nhất là hoa rụng nhưng không hết mà rụng đi để cho quả non kia trồi lên, lớn dần rồi hứa hẹn đem đến cho đời những trái bưởi vàng ươm, thơm dịu, ngọt mát, ngon lành. Từ ý nghĩa tự nhiên của bài thơ như thế, tác giả gợi mở ra cho độc giả những liên tưởng về sự mất đi mà vẫn còn hữu ích cho đời, về những hy sinh cao quý của các anh hùng liệt sĩ quên mình vì Tổ quốc non sông ...
Nguyễn Lục thì khác, em chỉ khắc hoạ một vẻ đẹp và hương thơm của hoa bưởi rụng trong mưa bằng ngôn ngữ độc đáo, bằng cảm nhận tinh tế bằng tình yêu đằm thắm như đắm chìm hoà đồng vào cảnh vật của chính em để rồi tự nhiên hình ảnh thơ đó lưu lại dư ba không thể nào quên trong lòng độc giả và khơi gợi lòng yêu cái Đẹp trong con người. Như thế chẳng đáng quý lắm sao?!
Cái đặc sắc nữa của Nguyễn Lục nằm ở câu chuyển và câu kết trong bài lục bát tứ tuyệt này:
Chiều hoang thiền với hạt mưa
Tháng giêng ơi...những dại khờ còn xanh?
       Thời gian biến đổi từ"sáng" sang "chiều; không gian biến chuyển từ mưa dày hạt làm ướt đầm hoa bưởi sang mưa thưa hơn nhỏ hơn"hạt mưa" và nhân vật trữ tình cũng biến chuyển cả tư thế hoạt động đến tâm thế cảm xúc. Nếu sáng ra, tác giả chỉ say đắm ngắm nhìn, tha thiết mến yêu và thưởng thức vẻ đẹp, hương thơm của hoa bưởi trong mưa nơi lối nhỏ vườn nhà thì chiều đến tác giả lại đang ngồi "thiền với hạt mưa" trong chiều hoang vắng như thực như mơ. Để rồi trong tư thế ấy, tác giả vụt bật lên tiếng gọi rất thiết tha và câu hỏi rất bất ngờ: " Tháng giêng ơi...những dại khờ còn xanh?"
          Bằng vào ngôn ngữ thơ trong hai câu này, tôi hình dung ra tác giả đang ngồi thiền, nghĩa là đang ngồi thả lỏng hoàn toàn, tĩnh tâm tĩnh trí, cố gắng để không vướng bận với bất cứ điều gì nhưng những"dại khờ" trong cuộc đời của tác giả bỗng ùa về tươi nguyên, xanh nguyên, mới nguyên lại rất ngọt ngào nữa khiến tác giả thốt lên thành lời vừa như ngỡ ngàng chất vấn lại vừa như reo vui thích thú: "Tháng giêng ơi...những dại khờ còn xanh?" Những "dại khờ" là những điều chi mà đáng yêu đáng nhớ đến thế? Có thể là những trò chơi thưở ấu thơ của tác giả với chị em ,bạn bè trong vườn bưởi nhà mình khi đi nhặt những hoa bưởi rụng đem về ướp nước hoa rồi bôi đầy cả tóc nhau và "hí hửng bảo nhau thơm đấy chứ/ Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu" ( thơ Nguyễn Bính). Hay bọn họ đang thi nhau hái bưởi ăn bưởi vụng cũng chưa biết chừng? Cũng có thể đó là cái "dại khờ" trong sự vụng về ngu ngơ của tình yêu đầu đời mà nàng đã "Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay" ( thơ Phan Thị Thành Nhàn) định trao cho ai đó mà chưa dám trao để rồi đến giờ vẫn thương? Hoặc cũng có thể đó là những dại khờ trong vấp ngã giữa cuộc đời này chăng? Không thể đoán hết ra được nhưng chỉ biết rằng những dại khờ đó còn sống mãi trong lòng Nguyễn Lục và mỗi chúng ta ai lại chẳng có kỉ niệm với sự dại khờ của riêng mình. Bài thơ hàm súc là vì nó nói rất ít nhưng lại gợi liên tưởng thật nhiều. Bài thơ ấn tượng là bởi dù chỉ nói nỗi niềm riêng của thi nhân mà chạm tới miền kí ức của bao người. Bài thơ hấp dẫn bởi tác giả đã nói tất cả những điều đó bằng ngôn ngữ thơ thật thơ, độc đáo mới lạ, tưởng như bất hợp lý mà lại rất hợp lý vậy.
         Nhớ lại khi vừa đọc bài này, tôi đã comens với em rằng: Bài thơ rất lạ, rất ấn tượng nhưng có một chỗ trùng vần, đọc chưa khoái lắm: "Trắng rơi ướp lối hương dầm mềm mưa/ Chiều hoang thiền với hạt mưa". Em có thể đổi từ hạt mưa thành xa xưa được không? Em trả lời với tôi rằng  “ Hạt mưa “ vừa cụ thể , vừa hình tượng . Hạt mưa có hồn , có thần , có hình , có tình . Hạt mưa có thần giao cách cảm . Hạt mưa cô đơn , hạt mưa thật , hạt mưa hư ... Em thích từ “ hạt mưa “ , chị ơi "Bị bác lại, tôi có hơi cụt hứng nhưng chẳng hề tức giận chi em mà càng quý em hơn bởi một Nguyễn Lục cá tính, luôn thẳng thắn, bản lĩnh và có chính kiến riêng của mình cả ở ngoài đời và cả trong quan niệm văn thơ. Em đúng là con người: Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu"( Thơ Phùng Quán) như vậy đó. Tôi không tranh luận trực tiếp với em nữa nhưng tôi vẫn bảo vệ quan niệm của tôi rằng chỗ trùng vần trong bài thơ trên của em làm cho bài thơ chưa thật sự trọn vẹn.Nhưng ngọc còn có vết kia mà. Đồng thời tôi cũng ngộ ra rằng thay từ "hạt mưa" bằng từ xa xưa như gợi ý của tôi với em là không ổn.Bởi nó làm lộ trước cái ý thơ trong câu sau , làm mất luôn cả cái thi vị, kín đáo của thơ rồi. Khó thật! Có lẽ đây là sự trùng vần bất khả kháng chăng?
Sao Đỏ: 07-4-2020
Song Thu

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

XƯỚNG HOẠ VỚI CHÀNG TUÂN



Đầu xuân Canh Tý, chàng làm bài thơ Đường luật rồi mời mọi người hoạ, trong đó có cả mình. Đọc bài thơ lên thấy khá hay. Không chỉ bởi vì nó lung linh đa nghĩa qua hình ảnh lũ chuột mà động chạm đến những vấn đề thế sự đã, đang và sẽ diễn ra trong xã hội hiện thời. Mà còn bởi lối chơi chữ tài hoa đến thú vị. Này nhé, chỉ gọi tên loài chuột thôi mà chàng dùng rất nhiều từ khác nhau : Tý, Cống, Xù, Nhắt Thử…. Cả khi gọi tên hai ngôi chùa cũng ẩn giấu lối chơi chữ kín đáo ; và cái ý vị thì lấp lửng, gợi mở vô cùng ở hai câu kết bài : “Tam Chúc Ba Vàng năng cúng Phật / Thử xem vận số có may ra”
Tuy nhiên, mình cũng phát hiện ra trong bài có một câu bị thất niêm: “ Đục khoét năm nay hãy tà tà” . Định bụng nói lại điều này cùng chàng. Nhưng lắng lại một chút để suy nghĩ rồi thử đổi từ cho chuẩn niêm thì lại thấy không ổn chút nào. Ngồi một mình mà mình bỗng “à” lên một tiếng rồi gật gù...Đây là kiểu thất niêm bất khả khảng kiểu như câu thơ: “ Một đèo, một đèo lại một đèo” của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương chứ không phải lỗi thất niêm do sơ ý của người mới tập làm thơ Đường.
Biết là bài xướng hay thiệt rồi và tấp tửng muốn hoạ lại luôn thì thấy mình tài hèn, trí mọn lại chỉ quanh quẩn nơi góc nhà, xó bếp giỏi lắm cũng chỉ có thể viết được những bài văn vần về gia cảnh, chồng con, tình nghĩa xóm làng hoặc cây cỏ vườn nhà thôi. Biết chi đại sự mà luận bàn . Chàng giục đôi lần vẫn cứ ậm ừ cho xong. Nhưng rồi thấy nhiều người hoạ và có bài hoạ cũng khá hay bên trang của chàng, mình vào “bình loạn”, chàng lại hỏi: “ Sao nàng không hoạ đi?” Thế là máu sĩ nổi lên, mình hoạ ngay.
Bây giờ mình mang bài hoạ ấy về đây nè, mong anh chị em và bầu bạn đừng cười.


XUÂN CANH TÝ NHẮN CÙNG LŨ CHUỘT
( Hoạ nguyên vận bài LỜI XUÂN CANH TÝ của Đỗ Đình Tuân )
Dẫu nhiều chước quỷ lắm mưu ma
Đổi trắng thay đen chính lộn tà
Lũ Cống đừng mong ngày thoát tội
Bọn Xù khôn tránh buổi ra toà
Đốt lò, bác Tổng không khoan nhượng
Diệt chuột, muôn dân chẳng chịu tha
Tóm gọn ném vô lò rực lửa
 Thử xem bầy chuột có đường ra
Sao Đỏ: 14-02-2020
Song Thu

 
( Phụ chép bài LỜI XUÂN CANH TÝ)
Chuột rằng Canh Tý phải tinh ma
Đục khoét năm nay hãy tà tà
Mấy bác chuột Xù đang lĩnh án
Vài ông chuột Cống sắp hầu toà
Bọn mình chuột Nhắt hay ăn vặt
E lũ mèo con cũng chẳng tha
Tam Chúc, Ba Vàng năng cúng Phật
Thử xem vận số có may ra
Đỗ Đình Tuân

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

ĐÊM GIAO THỪA ĐẶC BIỆT




Canh Tý ngập ngừng trước ngõ ta
Cúc hồng khoe sắc thắm màu hoa
Cuồng phong, mưa đá ào ào tới
Dập nát tan tành đến xót xa


Hoa giấy buông mành đang thướt tha
Súp lơ chúm chím xanh la đà
Mưa quăng gió quật cho tơi tả
Chuối đổ ngổn ngang khắp vườn nhà


Chớp giật sấm rung mất điện rồi
Một màu thê thảm đêm ba mươi
Nước tràn lênh láng vô nhà cửa
Quét dọn lau chùi mệt đứt hơi


May mà gần phút giao thừa tới
Mưa tạnh, trời quang điện sáng bừng
Dân phố rộn ràng chào đón tết
Pháo hoa bung toả giữa mênh mông


Phải chăng điềm báo sang năm mới
Hoa nở, chim reo, nắng rạng ngời
Quét sạch mịt mùng và tăm tối
Cho đời muôn sự thắm màu tươi?!

Sao Đỏ : Mồng 5 tết Canh Tý
Song Thu

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

MẸ ƠI...



( Bài đọc trong lễ 49 ngày Mẹ mất )


Vẫn biết Mẹ đi đến cõi rồi
Niềm thương nhớ Mẹ chẳng hề vơi
Biết đến bao giờ con lại được
Nắm bàn tay Mẹ Mẹ hiền ơi...


Bao giờ con được nghe giọng nói
Ngắm Mẹ khi buồn với lúc vui
Bao giờ chúng con còn thấy Mẹ
Thấp thỏm không yên đứng lại ngồi
Ra ngóng vào trông rồi khẽ trách
Lâu ngày con cháu chẳng về chơi


Đâu rồi bóng dáng Mẹ hiền tôi
Cẫn mẫn xao chè, đẫm mồ hôi
Luôn gói dành riêng đôi ba lạng
Gửi cho chàng rể chốn xa xôi


Đâu rồi hình bóng Mẹ yêu ơi...
Lần tường từng bước mỏi rã rời
Vẫn tự lo toan cho mình được
Để cháu con đỡ mệt đó thôi


Thôi thế là thôi mất Mẹ rồi
Âm dương cách trở mãi đôi nơi
 Từ nay về quê con chỉ thấy
Di ảnh trên ban thờ Mẹ thôi...


Chắp tay con khấn Phật cầu Trời
Tiếp dẫn linh hồn Mẹ hiền tôi
Siêu thoát miền Tây phương cực lạc
Đằng vân giá vũ Mẹ thảnh thơi


Nếu như còn có kiếp luân hồi
Cúi xin ân huệ của Phật Trời
Chúng con lại làm con của Mẹ
Tận tâm phụng dưỡng Mẹ suốt đời

Sao Đỏ: 17-02-2020
Song Thu

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

HOA VƯỜN NHÀ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH




Giữa mùa đại dịch Cô Rô na
Vườn vẫn phô hoa đẹp ngọc ngà
Tươi thắm Huệ tây chào trước cửa
Đài trang Hạc vĩ* rủ bên nhà
Địa lan chớm nở vàng ngơ ngác
Cẩm tú** mãn khai tím thiết tha
Ngắm cảnh, ở nhà, siêng thể dục
Phòng ngừa Cô vít nó lan ra?!

Sao Đỏ : 01-4-2020
Song Thu

Chú thích:
* Hạc vĩ, gọi tắt loài phong lan thiên cung hạc vĩ
**Cẩm tú,gọi tắt loài hoa Cẩm tú cầu