Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

BỎ QUÊN LỜI THỀ


           
(Họa nguyên vận bài: Gọi tên của Van ca li)
Tàn đêm nhung nhớ bóng hình ai
Dằng dặc buồn thương tháng tháng dài
Thỏa chí  người đi non nước biếc
Đau lòng kẻ ở dáng hình phai
Kể từ buổi ấy xa xa mãi
Mấy độ thu đông thổn thức hoài
Ai bỏ lời thề vào quá vãng
Để buồn nhuộm úa cả vườn mai
                        26-10-2012
                        Song Thu

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

ĐỌC THƠ XUÂN QUỲNH NHÂN DỊP 20-10-2012



            Xuân Quỳnh (1942-1988), tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê thành phố Hà Đông tỉnh Hà Tây. Chị sớm mồ côi mẹ nên ở với bà nội từ nhỏ. Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa Đoàn văn công nhân dân Trung ương, là biên tập viên báo Văn nghệ, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Nhưng, Xuân Quỳnh được mến mộ nhất với danh hiệu nhà thơ. Chị đã để lại nhiều tập thơ có giá trị như: Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng(1974), Lời ru trên mặt đất(1978), Tự hát(1984), Hoa cỏ may(1989)… Trong đó, rất nhiều bài thơ, câu thơ có sức neo đậu bền lâu trong lòng độc giả. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ giàu yêu thương, nhiều trắc ẩn vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Một số bài thơ về tình yêu lứa đôi của chị được phổ nhạc và được rất nhiều người yêu  thích.
            Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh và có ấn tượng với nhiều bài thơ của chị. Bài thơ : Mẹ của anh  là một trong những bài thơ tôi rất tâm đắc:
           
            Phải đâu mẹ của riêng anh
            Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
            Mẹ tuy không đẻ không nuôi
            Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
            Ngày xưa má mẹ cũng hồng
            Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
            Bây giờ tóc mẹ trắng phau
            Để cho mái tóc trên đầu anh đen
            Đâu con dốc nắng đường quen
            Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
            Thương anh thương cả bàn chân       
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Câu ca mẹ hát thủa nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp bài ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông vô bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

Từ xa xưa, người ta đã truyền nhau nhiều câu ca để nói về sự phức tạp trong quan hệ nàng dâu mẹ chồng. Nào là : Thật thà cũng thể lái trâu/ Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng ; nào là : Vôi nào vôi lại không nồng/ mấy đời mẹ chồng mà thương nàng dâu. Vì thế, dù rất nhiều thơ văn ngợi ca người mẹ, nhưng lại thật ít thơ văn ca ngợi mẹ chồng. Nhất là thơ văn do chính con dâu viết về mẹ chồng mình. Ấy vậy mà Xuân Quỳnh lại khẳng định dứt khoát tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của mình với mẹ chồng :
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Biết bao yêu thương trìu mến chứa đựng trong một câu thơ mộc mạc, giản dị này : « Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi » !
Từ tình yêu thương, lòng biết ơn với mẹ chồng, Xuân Quỳnh đã cảm nhận thật đầy đủ, những hi sinh hết mình vì con trai của mẹ :
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đồng thời chị còn thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả, tảo tần, những thương khó gian truân mà mẹ đã trải qua : « Đâu con dốc nắng đường quen/ Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần ».  Với Xuân Quỳnh, mẹ không chỉ cho con trai mình máu thịt để làm nên hình hài, không chỉ cho tình yêu thương sự chăm sóc lúc con đau ốm, hay cho con cơm ăn áo mặc hàng ngày bằng sự tảo tần của mẹ mà mẹ còn là hiện thân của nếp sống của văn hóa ngàn đời để nuôi dưỡng tâm hồn con, vun đắp tài năng cho con. Trong mỗi thành công của con đều có mẹ đóng góp, trong mỗi câu thơ lời văn của con đều thấp thoáng lời ru câu hát của mẹ thủa nào :
Câu ca mẹ hát thủa nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh

Vì thế, càng thương mẹ chồng bao nhiêu chị lại càng yêu thương chồng bấy nhiêu : «  Thương anh thương cả bàn chân / Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao » . Chị muốn ghé vai san sẻ với mẹ, muốn tiếp sức cùng mẹ để «  hát tiếp bài ca / Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn » ; muốn hòa tình yêu chồng vào tình yêu thương vô bờ với mẹ chồng : « Hát tình yêu của chúng mình/ nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng/ Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/ Giữa tình yêu mẹ mênh mông vô bờ ». Bởi vì chị hiểu thật sâu sắc rằng mẹ đã sinh ra anh, nuôi dưỡng anh, nâng niu chăm sóc anh, coi anh là báu vật vô giá của đời mình. Nhưng rồi mẹ đã tặng anh cho chị.
 Cho nên, hai câu kết trong bài thơ thực sự là một kết tinh đẹp đẽ vô cùng của tình yêu, lòng biết ơn mẹ chồng sâu sắc hòa với tình yêu chồng nồng nàn thiết tha của người thi sĩ tài hoa, người con dâu hiếu thuận, người vợ thảo hiền- Xuân Quỳnh :
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em

Nhân dịp 20-10, đọc lại bài thơ trên của Xuân Quỳnh tôi cứ nghĩ mãi rằng nếu ai cũng có sự thấu hiểu sâu sắc về mẹ chồng như thi sĩ Xuân Quỳnh thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ tốt đẹp biết bao. Rồi lại cứ nghĩ rằng giá như kỉ niệm những ngày phụ nữ người ta hãy cho ngâm hoặc bình bài thơ này cặn kẽ thì hiệu quả biết chừng nào ! Liệu ý nghĩ đó của tôi có đúng không ?
                       
                                            20-10-2012
                                                                    Song Thu    














   

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

HƯƠNG VỊ ĐỒNG QUÊ


           
 Một chiều dạo mát đồng quê
Bao nhiêu mùi vị ùa về trong tôi
Mặn mòi là vị mồ hôi
Ướt đầm lưng áo bao người nông dân
Cái mùi thương khó tảo tần
Hòa vào đồng ruộng nên cân lúa vàng
Hòa vào trời đất mênh mang
Mà thành hương súng, hương sen ngát lừng
Thành hương cỏ mật thơm đằm
Thành vị đòng đòng ngọt suốt tuổi thơ
Thành niềm khắc khoải mong chờ
Người đi xa ngái vẫn mơ hương đồng
                        19-10-2012
                        Song Thu


Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG


            

Ngày ấy, “bà chúa thơ nôm” – Hồ Xuân Hương và ông Phạm Hổ* chơi thân với nhau lắm. Chẳng biết Phạm Hổ đã sàm sỡ nữ sĩ thế nào mà bị nữ sĩ giáng cho một đòn thơ đáo để. Thơ rằng:
            Anh đồ tỉnh, anh đồ say
            Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
            Này này chị bảo cho mà biết
            Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
           
            Ghê gớm thật. Đã gọi bằng “anh đồ” lại còn xưng “ chị” nữa mới khiếp chứ. Đã hết đâu. Biết người ta tên Hổ rồi còn cố tình ví von “ chốn ấy” là “hang hùm” mới thật hiểm .
            Phạm Hổ cũng chẳng vừa. Ông đã đáp lại bằng một bài thơ rất hóm. Đáp rằng:
            Ừ ông tỉnh, ừ ông say
            Ừ ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
            Hang hùm ví thử không ai mó
            Sao có hùm con bỗng trốc tay**
           
Không thèm chối tội đâu nhé. Phạm Hổ nhận tội ngay. Nhưng nhận tội một cách khá ngang ngạnh đấy chứ: “Ừ ông tỉnh, ừ ông say/ Ừ ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày”. Nhận tuốt mà lại còn xưng ông nữa mới cao tay. Nhưng cao tay hơn nữa là ở hai câu cuối “ Hang hùm ví thử không ai mó/ Sao có hùm con bỗng trốc tay”. Trời đất ông không chỉ “ghẹo nguyệt giữa ban ngày” đâu. Ông còn tiến xa hơn để có “hùm con bỗng trốc tay” ấy chứ.
 Đáo để như Xuân Hương cũng đành phải chào thua chứ biết làm sao!
                                    7-10-2012
                                    Vũ Thị Song Thu ( sưu tầm và giới thiệu)


 Chú thích:
* Phạm Hổ : Tức Phạm Đình Hổ, tục gọi Chiêu Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), làng Đan Loan huyện Đường An phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương ( nay thuộc huyện Bình Giang- Hải Dương). Tuy học rộng, đọc nhiều nhưng chỉ thi đỗ Tú Tài, vào cuối thời Lê Chiêu Thống.
Khi triều Lê- Trịnh sụp đổ, Tây Sơn lên cầm quyền, Phạm Hổ dạy học tại quê nhà.
Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử, Phạm Đình Hổ tham gia thi Hương ba lần nhưng đều không đỗ. Thời kì này, ông dạy học tại huyện Thọ Xương trong thanh Thăng Long. Ở đây, ông kết bạn với Xuân Hương nữ sĩ.
Năm Tân Tỵ (1821) vua Minh Mạng ra Bắc, vời Phạm Hổ tới hỏi về học vấn, thi cử và nhân tài đất Bắc, lại khuyên nếu có sách tiền triều, hoặc sách trước thuật.. nên đem tiến trình. Ông dâng vua những sách do mình biên soạn. Vua trọng thực tài ông nên vời vào Huế phong làm Hành Tẩu viện Hàn Lâm.
Năm Minh Mạng thứ 7(1826), ông được làm Thừa chỉ viện Hàn Lâm, rồi làm đến Tế Tửu Quốc Tử Giám
Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu. Đến năm Kỷ Hợi (1839) thì mất, hưởng thọ 71 tuổi
** Bỗng trốc tay: bồng bế trên tay

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

THU LY BIỆT


(Họa nguyên vận bài : “Hạ ca”của Lê Thiên Minh Khoa)

Lớp lớp lá rơi kín mặt đường
Nhớ hoài ngày ấy biệt người thương
Kẻ ôm cặp sách vào trong lớp
Người khoác ba lô tới chiến trường
Mòn mỏi đợi chờ phai sắc thắm
Mênh mông xa cách bợt thư hường
Người đi đi mãi không về nữa
Để nỗi lòng ai những vấn vương

Mình ai thơ thẩn bước trên đường
Tìm lại nơi nào gửi nhớ thương
Chẳng thấy bằng lăng hồng góc phố
Còn đâu phượng vĩ đỏ sân trường
Sấu già cô quạnh không cho quả
Cúc tím não nùng chẳng tỏa hương
Vắng bóng người thương nơi chốn cũ
Lòng ai dằng dặc nỗi buồn vương
                        6-10-2012
                        Vũ Thị Song Thu
Phụ  chép bài :Hạ ca

Chưa biết bờ môi ngọt lịm đường
Học trò đâu dám ngỏ lời thương
Ngại ngần ánh mắt hôm tìm lớp
Run rẩy bàn tay buổi bãi trường
Câu chữ nhập nhòa tình với bạn
Phấn son bối rối đỏ hay hường
Chỉ hay khẽ chạm vào dư ảnh
Lơ lửng một đời mái tóc vương

Còn không em hỡi những con đường
Hai đứa đếm hoài bước bước thương
Xao xuyến phượng hồng chiều xóm nhỏ
Ngẩn ngơ áo trắng buổi tan trường
Thư xanh đã ngả sang màu thẫm
Kỉ niệm còn nguyên vẹn sắc hương
Em có đi về trên phố cũ
Lặng nhìn phượng nở để sầu vương?
            Lê Thiên Minh Khoa

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

CÓ LÀM SAO


            
( Họa nguyên vận bài: Gửi Liên hiệp quốc của T.D)

Mặc cho trời động, sóng dâng trào
Nộ khí trần gian ngùn ngụt cao
Đủng Đỉnh con Giời vơ đẫy túi
Nhân tình ai oán có làm sao!
                        5-10-2012
                        Song Thu
Phụ chép bài:
            GỬI LIÊN HIỆP QUỐC
Đất động trời rung sóng biển trào
Con người xung sát máu phun cao
Hòa bình hạnh phúc treo đầu tóc
Nhân loại sang ngày tận số sao???
                        Thanh Dạ

THU


           
Lá vàng thảng thốt rơi rơi
Cánh chim lạc lõng cuối trời chao nghiêng
Heo may ngơ ngẩn bên thềm
Trời thu gợi chút niềm riêng lạnh lòng
                        5-10-2012
                        Song Thu

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tiếp theo về Hàn Mặc Tử



Bài II:             DÁU ẤN HÀN MẶC TỬ
                                    ( Lại Nguyên Ân)
        Khi phong trào thơ mới bùng nổ trong giới văn chương nước nhà, Hàn Mặc Tử đã nhận ra ý nghĩa giải phóng sức sáng tạo cá nhân đầy ưu thế của nó. Tập thơ Gái quê ra mắt cuối năm 1936, cho thấy Hàn Mặc Tử từ cung cách sáng tác trong phạm vi thi ca hậu cổ điển đã nhanh chóng bước sang lĩnh vực thơ mới lãng mạn và sớm ghi được thành tựu của mình ở đấy, mặc dù Hàn Mặc Tử không thuộc trong số những người cổ vũ cuồng nhiệt cho phong trào này, cũng không coi mình là “ tín đồ trung thành” của nó.
          Khác với những thi gia hàng đầu có thành tựu xuất sắc của thơ mới đã từng vô tình hay cố ý coi thơ mới ở giai đoạn lãng mạn duy lý như những quy phạm mẫu mực, “kinh điển” mới; Hàn Mặc Tử và một số nhà thơ khác- những thành viên hiếm hoi của “ Trường thơ loạn”, chỉ gồm Hàn Mặc Tử, Bích Khê và Chế Lan Viên- ngẫu nhiên chăng lại cùng sống và làm thơ hồi những năm 1930-1940 tại vùng Quy Nhơn – Bình Định- đã bước qua giai đoạn lãng mạn duy lý, đẩy thi ca tiếng Việt sang miền tượng trưng siêu thực, đưa thơ Việt, văn học Việt sáp lại gần giai đoạn hiện đại chủ nghĩa, giai đoạn mới nhất của văn học các nước phát triển tính đến thời gian đó.
           Như đã được các giới văn chương và khảo cứu chỉ ra, Hàn Mặc Tử vừa là người cổ vũ, là lý luận gia vừa là nhà sáng tạo có thành tựu nổi trội nhất của “ Trường thơ loạn” của thi ca tượng trưng siêu thực hiện đại chủ nghĩa tiếng Việt những năm 1930-1940. Biểu hiện tập trung, thành tựu nổi trội nhất của Hàn Mặc Tử trên hướng này chính là tập thơ Đau thương, cũng được gọi là Thơ điên
           Không ít người cho rằng, Hàn Mặc Tử sở dĩ bước được sang bến bờ tượng trưng, siêu thực trong sáng tác và cả trong quan niệm mỹ học, là bởi trạng thái đau bệnh, do ông mắc một trong số các chứng bệnh mà đương thời xem là “ tứ chứng nan y”, với những đau đớn vô cùng tận trong thể xác, những đau đớn bí mật bởi không thể chia sẻ với ai khác, không thể nối dây thần kinh người bệnh với dây thần kinh nhiều người khác để giảm thiểu cảm giác đau bệnh; chính những đau đớn ấy làm rối loạn thần trí, làm phát sinh những hoang tưởng quái dị, trong tình thế ấy, hoạt động văn chương, hoạt động thi ca, hoạt động ngôn từ vừa như là sự chuyển dạng vừa là sự giải thoát của con bệnh.
        Thế nhưng nếu đã có hàng ngàn, hàng vạn ca bệnh tương tự mà chỉ thấy hầu như một trường hợp Hàn Mặc Tử- “ con bệnh” hiếm hoi đã biết làm và làm được cái việc “ kể lại, tả lại” những trải nghiệm đau thương, những động loạn trong tâm trí, những huyễn tượng quái dị- cứ cho là hệ quả trực tiếp từ những cơn đau bệnh đi- thì chính điều đó đã đặt chúng ta không phải trước các trạng thái bệnh lý với “ bệnh phẩm” của chúng, mà là trước những trải nghiệm tâm lý, tinh thần của con người đã và đang sống cuộc sống thực tại với những khổ đau tuy lớn hơn ở những người khác nhưng không hề xa lạ những khổ đau của  người đời. Từ chỗ không thể san sẻ về thể chất, khi được  “kể lại, tả lại” bằng ngôn từ, bằng thi ca, những khổ đau của một con người trở nên có thể được sẻ chia bởi những người khác về mặt tinh thần. Việc “kể lại, tả lại” những trải nghiệm ấy, bằng ngôn từ- hơn nữa, ngôn từ của thi ca- hầu như không ai có thể làm được, nếu đó không phải là những thiên tài.
          Hàn Mặc Tử chính là con người hiếm hoi đó; ông là một thiên tài. Sự kết tụ tài năng vào một cá nhân đau bệnh như Hàn Mặc Tử là rất khó giải thích cặn kẽ, chỉ có thể nói đó là một sự kết tụ ngẫu nhiên biện chứng.
                                                      Vũ Thị Song Thu ( sưu tầm)
                                                      Nguồn: Báo Văn nghệ số 39,( 29-9-2012)