Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tiếp theo về Hàn Mặc Tử



Bài II:             DÁU ẤN HÀN MẶC TỬ
                                    ( Lại Nguyên Ân)
        Khi phong trào thơ mới bùng nổ trong giới văn chương nước nhà, Hàn Mặc Tử đã nhận ra ý nghĩa giải phóng sức sáng tạo cá nhân đầy ưu thế của nó. Tập thơ Gái quê ra mắt cuối năm 1936, cho thấy Hàn Mặc Tử từ cung cách sáng tác trong phạm vi thi ca hậu cổ điển đã nhanh chóng bước sang lĩnh vực thơ mới lãng mạn và sớm ghi được thành tựu của mình ở đấy, mặc dù Hàn Mặc Tử không thuộc trong số những người cổ vũ cuồng nhiệt cho phong trào này, cũng không coi mình là “ tín đồ trung thành” của nó.
          Khác với những thi gia hàng đầu có thành tựu xuất sắc của thơ mới đã từng vô tình hay cố ý coi thơ mới ở giai đoạn lãng mạn duy lý như những quy phạm mẫu mực, “kinh điển” mới; Hàn Mặc Tử và một số nhà thơ khác- những thành viên hiếm hoi của “ Trường thơ loạn”, chỉ gồm Hàn Mặc Tử, Bích Khê và Chế Lan Viên- ngẫu nhiên chăng lại cùng sống và làm thơ hồi những năm 1930-1940 tại vùng Quy Nhơn – Bình Định- đã bước qua giai đoạn lãng mạn duy lý, đẩy thi ca tiếng Việt sang miền tượng trưng siêu thực, đưa thơ Việt, văn học Việt sáp lại gần giai đoạn hiện đại chủ nghĩa, giai đoạn mới nhất của văn học các nước phát triển tính đến thời gian đó.
           Như đã được các giới văn chương và khảo cứu chỉ ra, Hàn Mặc Tử vừa là người cổ vũ, là lý luận gia vừa là nhà sáng tạo có thành tựu nổi trội nhất của “ Trường thơ loạn” của thi ca tượng trưng siêu thực hiện đại chủ nghĩa tiếng Việt những năm 1930-1940. Biểu hiện tập trung, thành tựu nổi trội nhất của Hàn Mặc Tử trên hướng này chính là tập thơ Đau thương, cũng được gọi là Thơ điên
           Không ít người cho rằng, Hàn Mặc Tử sở dĩ bước được sang bến bờ tượng trưng, siêu thực trong sáng tác và cả trong quan niệm mỹ học, là bởi trạng thái đau bệnh, do ông mắc một trong số các chứng bệnh mà đương thời xem là “ tứ chứng nan y”, với những đau đớn vô cùng tận trong thể xác, những đau đớn bí mật bởi không thể chia sẻ với ai khác, không thể nối dây thần kinh người bệnh với dây thần kinh nhiều người khác để giảm thiểu cảm giác đau bệnh; chính những đau đớn ấy làm rối loạn thần trí, làm phát sinh những hoang tưởng quái dị, trong tình thế ấy, hoạt động văn chương, hoạt động thi ca, hoạt động ngôn từ vừa như là sự chuyển dạng vừa là sự giải thoát của con bệnh.
        Thế nhưng nếu đã có hàng ngàn, hàng vạn ca bệnh tương tự mà chỉ thấy hầu như một trường hợp Hàn Mặc Tử- “ con bệnh” hiếm hoi đã biết làm và làm được cái việc “ kể lại, tả lại” những trải nghiệm đau thương, những động loạn trong tâm trí, những huyễn tượng quái dị- cứ cho là hệ quả trực tiếp từ những cơn đau bệnh đi- thì chính điều đó đã đặt chúng ta không phải trước các trạng thái bệnh lý với “ bệnh phẩm” của chúng, mà là trước những trải nghiệm tâm lý, tinh thần của con người đã và đang sống cuộc sống thực tại với những khổ đau tuy lớn hơn ở những người khác nhưng không hề xa lạ những khổ đau của  người đời. Từ chỗ không thể san sẻ về thể chất, khi được  “kể lại, tả lại” bằng ngôn từ, bằng thi ca, những khổ đau của một con người trở nên có thể được sẻ chia bởi những người khác về mặt tinh thần. Việc “kể lại, tả lại” những trải nghiệm ấy, bằng ngôn từ- hơn nữa, ngôn từ của thi ca- hầu như không ai có thể làm được, nếu đó không phải là những thiên tài.
          Hàn Mặc Tử chính là con người hiếm hoi đó; ông là một thiên tài. Sự kết tụ tài năng vào một cá nhân đau bệnh như Hàn Mặc Tử là rất khó giải thích cặn kẽ, chỉ có thể nói đó là một sự kết tụ ngẫu nhiên biện chứng.
                                                      Vũ Thị Song Thu ( sưu tầm)
                                                      Nguồn: Báo Văn nghệ số 39,( 29-9-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét