Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

SONG HỈ LÂM MÔN

Thầy Mạnh song hỉ lâm môn
Có ngôi nhà mới, có con dâu hiền
Nhóm Tri Ân được một phen
Cùng nhau chén bát say mềm thật vui




                 Sao Đỏ 18-12-2011
                  Vũ Thị Song Thu

LẠI DỰ ĐỐI VUI

MỜI ĐỐI:
1, Về làng Hóp, uống rượu Hóp, nhắm măng tre hóp, thở hí hóp
2, Qua bến tranh, bán tranh tết, mải uống nước chanh, người tranh nhau lấy hết
                                    Tạ Anh Ngôi (mời đối)
3, Phật thánh độ trì tâm thành kính
                                     Xuân Thảo (mời đối)

ĐỐI LẠI
1, Đến suối Mơ, xem hoa mơ, làm chén rượu mơ, say lơ mơ
2, Vào hàng chả,mua chả chìa, lần tìm tiền trả, tiền trả mãi vẫn còn
3,Tổ tiên phù trợ nghiệp hanh thông
                                         Vũ Thị Song Thu ( đối lại)

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

LẠI NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI

                      
            Gần đây, cư dân xóm Trian rộn ràng đối đáp câu đối và xướng họa thơ Đường . Tôi không giỏi về lĩnh vực này nên chỉ tham gia in ít thôi và vẫn thấy mình đối đáp còn ngô nghê, gượng gạo lắm . Tìm đọc câu đối của các bậc tiền nhân, tôi thấy nhiều câu đối rất thú vị. Xin sưu tầm, giới thiệu để những ai yêu thích món này cùng thưởng thức cho vui
Tương truyền rằng, Mạc Đĩnh Chi, người đỗ Trạng nguyên đời vua Trần Anh Tông và sau đó còn được vua Nguyên phong “Lưỡng quốc Trang nguyên” là một người có biệt tài ứng đối. Một lần đi sứ sang Trung quốc, gặp khi mưa to gió lớn nước ngập trắng băng cả một vùng châu thổ sông Hồng. Đoàn sứ thần đến cửa ải muộn, viên quan trấn giữ cửa ải không chịu mở cửa lại muốn thử tài của Mạc Đĩnh Chi bèn ra vế đối:
 “QUÁ QUAN TRÌ, QUAN QUAN BẾ, NGUYỆN QUÁ KHÁCH QUÁ QUAN”.(Qua cửa ải muộn, cửa ải đóng mời quá khách qua cửa ải). Cái hiểm hóc của vế đối không chỉ bởi việc sử dụng rất nhiều từ đồng âm khác nghĩa mà còn bởi cái cách không mở cửa nhưng vẫn mời quá khách qua cửa. Mạc Đĩnh Chi đã thoát hiểm bằng một vế đối lại không thể tuyệt vời hơn: “ XUẤT ĐỐI DỊ, ĐỐI ĐỐI NAN, THỈNH TIÊN SINH TIÊN ĐỐI”( Ra đối dễ, đối lại khó, mời tiên sinh đối trước). Cái tài trong vế đối này là không chỉ đối lại  rất chỉnh mà còn vừa đối lại rồi vừa thách đối. Phục tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi, viên quan trấn ải liền mở cửa để đoàn sứ thần đi qua.
Khi sang yết kiến vua Nguyên, nhà vua cậy thế nước lớn lại muốn áp đảo nước nhỏ và cũng là áp đảo tinh thần sứ giả đã ra đối : “NHẬT HỎA, VÂN YÊN, BẠCH ĐÁN THIÊU TÀN NGỌC THỎ”( Mặt trời là lửa, mây là khói, giữa ban ngày thiêu rụi mặt trăng). Mạc Đĩnh Chi đã ung dung đối lại:
“NGUYỆT CUNG, TINH ĐẠN, HOÀNG HÔN XẠ LẠC KIM Ô” ( Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời). Vế đối   lại  thật tuyệt ! Bởi nó vừa khắc họa thật đúng, thật sống động hiện tượng tự nhiên rất hùng tráng, mỹ lệ, vừa thể hiện khí phách tự tin, cứng cỏi, bất khuất,hào sảng của người đứng đối lại vừa thể hiện tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc khiến vua Nguyên và cả triều thần đều nể phục.
Lại kể chuyện cụ Tam nguyên Yên Đổ, Nguyễn Khuyến, một bậc học rộng tài cao (ba lần đỗ đầu trong các kì thi:thi hương, thi hội, thi đình) rồi ra làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược đầu hàng, cụ cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Cụ không chỉ là một ông quan thanh liêm giàu tình yêu quê hương đất nước mà còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của nước ta. Trong sự nghiệp thơ văn đó, phần câu đối của cụ cũng thật sự tài hoa và kì thú.
Đây là câu đối cụ làm khi cụ bà qua đời:
 “NHÀ CHỈN CŨNG NGHÈO THAY, MAY ĐƯỢC BÀ HAY LAM HAY LÀM THẮT LƯNG BÓ QUE,XẮN VÁY QUAI CỒNG, TẤT TƯỞI CHÂN ĐĂM ĐÁ CHÂN CHIÊU VÌ TỚ ĐỠ ĐẦN TRONG MỌI NỖI
BÀ ĐI ĐÂU VỘI MẤY, ĐỂ CHO LÃO VẤT VƠ, VẤT VƯỞNG, BÚI TÓC CỦ HÀNH, BUÔNG QUẦN LÁ TỌA GẬT GÙ TAY ĐŨA CHẠM TAY CHÉN, CÙNG AI KỂ LỂ CHUYỆN TRĂM NĂM”
Câu đối không chỉ hài hòa về thanh điệu ,chỉnh về ngôn từ mà còn giàu tính nghệ thuật và đậm tính nhân văn. Nó gợi rất sinh động hình ảnh một bà vợ lam lũ, tảo tần, xăm xắn, hay lam hay làm, hết lòng gánh vác mọi việc gia đinh, hết lòng vì chồng,con; Gợi hình ảnh một ông già góa vợ sống lay lắt vật vờ , chông chênh, trống trải, cô đơn, buồn thương đến tội nghiệp. Đó cũng chính là tình yêu thương, lòng tri ân, là tiếng khóc vợ chân tình cảm động vô cùng của cụ.Một ông quan viết câu đối khóc vợ bằng tình yêu thương , niềm trân trọng đến thế trong thời phong kiến thật là hiếm có nếu chưa dám nói là có một không hai.
Đây lại là những câu đối mà cụ Nguyễn Khuyến làm cho  bà vợ ông thợ nhuộm khi chồng bà qua đời:
 THIẾP TỪ KHI LÁ THẮM SE DUYÊN; KHI VẬN TÍA, LÚC CƠN ĐEN; ĐIỀU DẠI ĐIỀU KHÔN NHỜ BỐ ĐỎ
CHÀNG Ở DƯỚI SUỐI VÀNG NGHĨ CẢNH; VỢ MÁ HỒNG, CON RĂNG TRẮNG, TÍM GAN, TÍM RUỘT VỚI TRỜI XANH
Còn câu đối cho vợ người thợ rèn khóc chồng,cụ lại viết:
NHÀ CỬA ĐỂ LẦM THAN, CON THƠ DẠI LẤY AI RÈN CẶP
CƠ ĐỒ ĐÀNH BỎ BỄ, VỢ TRẺ TRUNG LẮM KẺ ĐE NOI.
Cái tài của các câu đối trên là ở chỗ, cụ Nguyễn Khuyến đã dùng toàn những từ chỉ màu sắc(Thắm,tía, đen điều,đỏ, vàng ,hồng, trắng, tím, xanh) để khóc ông thợ nhuộm và dùng toàn những từ chỉ các vật dụng của nghề rèn:(lầm than, bỏ bễ,rèn cặp, đe noi) để tỏ bày lòng tiếc thương cũng như gợi gia cảnh bác thợ rèn.
Lại được biết, vào năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, lúc đó Chủ tịch Mao Trạch Đông đã rất yếu không thể sang viếng được, ông đã gửi viếng đôi câu đối như sau:
CHÍ KHÍ TRÁNG SƠN HÀ, KIM CỔ ANH HÙNG DUY HỮU NHẤT
MINH TINH QUANG NHẬT NGUYỆT, Á ÂU HÀO KIỆT THỊ VÔ SONG.
Tạm dịch là: Chí khí trùm sông núi, xưa nay, anh hùng(như thế) chỉ có một
Ngôi sao sáng át cả mặt trời, mặt trăng, khắp Á, Âu, hào kiệt( thế này) hẳn không có hai.
Câu đối đã thể hiện sự tôn sùng, ngưỡng mộ dứt mực; sự khẳng định, đánh giá  cao của Mao Chủ Tịch với Bác Hồ bằng lời lẽ thật chắc nịch, hình ảnh tráng lệ đăng đối rất chỉnh. Đọc thật thích.!
Ngày nay, thú chơi câu đối không còn thịnh hành như xưa nữa. Tuy nhiên, mỗi dịp tết đến, xuân về, ta vẫn thấy trên các trang báo đều đăng khá nhiều câu đối.Trong đó có nhiều câu khá hay. Mặt khác, trong cuộc sống đời thường chốn dân gian cũng thường lưu truyền khá nhiều câu đối rất thú vị, vừa vui, vừa hóm và nhiều khi còn rất hóc búa và khá sâu sắc nữa. Trong quá trình lưu truyền những câu đối này, giáo giới chúng ta cũng góp phần đáng kể.
Tôi xin dẫn ra đây một vài ví dụ. Một lần , cách đây dăm bảy năm gì đó, một số giáo viên của hai trường THPT Chí Linh và Phả Lại, tụ tập ở nhà tôi. Trong lúc chuyện trò có đề cập đến câu đối. Một thầy giáo người miền trung nói: “Ở quê em, lưu truyền một vế đối NỎ CẦN CHI, CHỈ CẦN NO mà em vẫn chưa đối được. Mời các bác đối xem sao. Mỗi người mỗi vế đối lại. Tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ duy nhất một vế đối CÒ KHÔNG TIẾN, TIỀN KHÔNG CÓ. Lại một thầy khác sướng lên: trong vùng Củ Chi có vế đối hiểm lắm CÔ GÁI CỦ CHI, CHỈ CU HỎI CỦ CHI? Mọi người xúm vào đối. Vì ở vùng đất Chí Linh đã có dốc Ba Đèo lại có cả Đèo Trê, nên tôi nhớ được hai vế đối như sau: ÔNG LÃO BA ĐÈO, ĐEO BÀ VƯỢT BA ĐÈO và ÔNG GIÀ ĐÈO TRÊ,TRÈO ĐÊ BẢO ĐÈO TRÊ. Có lẽ vì đối ngay nên những vế đối lại này đều phạm luật bằng trắc. Nhưng lúc đó, rượu đã ngà ngà nên  chẳng ai băn bẻ gì. Thầy Ngô Quang Lắm, Hiệu trưởng trường THPT Chí Linh thì kể về một câu đối vẫn được lưu truyền trong ngành :
THÀY GIÁO TRỌNG NGỒI TRÊN CHÕNG ĐỂ QUAN TRỌNG RA NGOÀI
            CÔ GIÁO THƯỜNG NẰM GIỮA GIƯỜNG ÚP BÌNH THƯỜNG XUỐNG DƯỚI. Nghe xong mọi người đều cười ồ thoải mái. Lúc này, thầy Hạm, giáo viên văn trường Phả Lại mới thủ thỉ kể rằng: Hôm vừa rồi, tôi và thầy Hạ, giáo viên toán của trương ra thăm vịnh Hạ Long , tôi tức cảnh ra vế đối thế này, mời các thày đối lại:
ME SỪ HẠ XUỐNG VỊNH HẠ LONG THẤY CON RỒNG LỘN HOẢNG HỒN CO CẲNG THƯỢNG. Vì là cuối buổi nên vế đối đó chưa được ai đối lại. Mấy hôm sau, tôi có đối lại là :
MA ĐAM DƯƠNG, LÊN RỪNG BẠCH DƯƠNG GẶP CHÚ VOI CƯỜNG HÍ HỬNG VỚI TAY SỜ. Rất tiếc là tôi và mọi người chẳng bao giờ gặp lại thầy Hạm nữa để  mà đọc cho thầy nghe những vế đối của mình. Vì thầy đã đột ngột lìa xa thế giới này bởi một tai nạn giao thông trong một buổi chiều đi dạy về.
Nhìn chung các câu đối lưu truyền trong dân gian thường ngắn gọn, có tính hài hước,dí dỏm rất dễ nhớ. Vế ra thường rất hay, rất hiểm. Có rất nhiều vế đối lại nhưng có lẽ ít có vế đối nào ngang tầm với vế ra. Một đặc điểm nữa của loại câu đối này là thường có yếu tố tục. Nhưng tục mà không thô, tục vẫn thanh và vẫn hướng tới cái nhã, cái đẹp, cái văn hóa. Hoặc chí ít cũng là chỉ những câu như thế mới còn lại và được truyền tụng.
Có thể nói, chơi câu đối là một thú chơi ngôn ngữ rất công phu và cũng vô cùng thú vị. Dẫu là câu đối của các bậc túc nho hay câu đối dân gian; dẫu đối thơ(7 âm tiết trở xuống) hay đối phú( 7 âm tiết trở lên) thì ta thấy nó vẫn  rất chuẩn mực về luật đối.Nó không hề dễ dãi nhưng cũng không quá khó đến mức bất khả tri. Chỉ cần ta chịu đọc, chịu học hỏi thì mọi người trong xóm Trian nhà mình ai cũng có thể làm được những câu đối đúng luật. Còn có đạt đến độ hay, đến độ xuất sắc không thì không thể khẳng định được.Tuy nhiên do cư dân xóm mình chủ yếu là đang tập đối nên rất mong các vị ra đối chỉ ra khó vừa vừa thôi. Rồi dần dà nâng cao độ khó lên . Nếu ra khó quá ngay từ đầu thì ít người tham gia được. Hơn nữa là mong các bác ra đối có nhiều tính văn nghệ để cuộc đối đáp thêm rôm rả và lý thú hơn.
                                    Sao Đỏ 17-12-2011
                                    Vũ Thị Song Thu

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

LẠI DỰ ĐỐI VUI

Vế mời đối
        Tết tung tăng,xuân xúng xính hội hè...sum họp
Xin đối lại:
       1,Xuân xao xuyến, phố phởn phơ hớn hở...hát ca
        2,Xuân xao xuyến, hạ hẹn hò rạo rực...sóng đôi
                                 Sao Đỏ 16/12/2011
                                 Vũ Thị Song Thu

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

DỰ ĐỐI VUI

Vế mời đối:

Tết Thìn tới, trời trong trẻo thắm tươi, toàn tuổi trẻ tâm tình thủ thỉ

Vế đự đối:

Chồng chị chuồn, chị chán chường chua chát, các con còm cầu cứu kêu ca

Vế mời đối:

Tết  túng tiền tiêu tìm tớn tác

Vế dự đối:

1, Nhà nhiều nho nhũn nhá nhôi nhai
2,Đường đầy điếm đón đứng đong đưa

13/12/2011
Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

TẤM SỰ NÀNG THÚY VÂN

                       
            Nghĩ thương lời chị dặn dò
            Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
            Chị yêu lệ chảy đã đành
            Chứ em nước mắt đâu giành chàng Kim

            Ơ kìa sao chị ngồi im
            Máu còn biết chảy về tim để hồng
            Lấy người yêu chị làm chồng
            Đời em thể thắt một vòng oan khiên

            Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
            Chị thương kẻ mất đừng quên người còn
            Mấp mô số phận vuông tròn
            Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

            Là em nói vậy thôi Kiều
            Sánh sao đời chị bao chiều bão giông
             Con đò đời chị về không
            Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường

            Chị nhiều hờn giận yêu thương
            Vầng trăng còn lắm mùi hương hẹn hò
            Em chưa được thế bao giờ
            Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim

            Em thành vợ của chàng Kim
            Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
            Giấu đầy đêm nỗi khát khao
            Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu
                        ( Trương Nam Hương)
Bao đời nay, bàn luận về nỗi đau của Thúy Kiều thì dễ có mấy nghìn trang. Nhưng bàn luận về nỗi đau của Thúy Vân thì tôi mới chỉ gặp ở bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” của Trương Nam Hương
Bài thơ được viết theo thể lục bát tự sự, mang đậm âm hưởng của ngôn ngữ Truyện Kiều, đậm đặc tính trữ tình và có khá nhiều nhãn tự.
Mười lăm năm trời bặt vô âm tín. Ngờ đâu có ngày hội ngộ.Hai chị em được dịp tâm sự với nhau. Tác giả đã để cho Thúy Vân đối diện với chị và tự bộc bạch nỗi lòng của mình. “ Nghĩ thương lời chị dặn dò/Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh/ Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu giành chàng Kim…/ Lấy người yêu chị làm chồng/ Đời em thể thắt một vòng oan khiên”.
Chỉ có Thúy Vân mới hiểu được nỗi đau đó của mình. Nhưng nàng đã giấu kín điều đó “Giấu đầy đêm nỗi khát khao”. Giấu kín nỗi đau của mình cũng là để thực hiện trọn vẹn lời dặn dò của chị. Cho đến ngày sóng yên bể lặng mới nói ra. Nói ra không phải để kể công với chị mà là để mong được chị chia sẻ với mình. Chị đã biết thương Đạm Tiên, người đã nằm yên dưới mộ, lẽ nào lại không biết thương người đang sống. Em đau khổ vì em chưa được yêu. Mà sức mạnh tình yêu thì như chị biết đấy “Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu”.
Người đọc bỗng nhận ra một điều. Nỗi đau của Thúy Vân là nỗi đau của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một cuộc hôn nhân chỉ nhằm thực hiện một mục đích đạo lý.
Mà đúng thế thật! Từ khi Kim Trọng kết hôn với Thúy Vân, suốt 15 năm trời, người đọc đâu có được chứng kiến những giây phút âu yêm hạnh phúc của hai người. Trái lại, tâm tưởng Kim Trọng, lúc nào cũng nghĩ đến Thúy Kiều. Hình ảnh Thúy Kiều luôn ngự trị trong trái tim Kim Trọng. Có lúc như một sự đồng hiện vừa thực vừa mơ “Dường như trên nóc trước thềm/Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng/Bởi lòng tạc đá ghi vàng/ Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây”. Quả thật, trong trái tim Kim Trọng không có chỗ đứng cho Thúy Vân. Với chàng, Thúy Kiều là người yêu duy nhất. Thúy Vân nhận biết được điều đó, nên càng nghĩ, càng thấy chua chát, cô đơn, kể cả lúc đã con dắt, con bồng. Hóa ra mình chỉ là người thay chị làm vợ, thay chị sinh con, như một cái máy sinh học, chứ có tình cảm gì đâu. “Em thành vợ của chàng Kim/ Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao”. Thật là dễ sợ! Và cũng thật là xót xa cay đắng!
Ngồi kể khổ với chị nhưng lại sợ chị phật ý vì Vân biết, chị còn khổ hơn mình nhiều nên như đánh bài hòa: “Là em nói vậy thôi Kiều/Sánh sao đời chị bao chiều bão giông/Con đò đời chị về không/ Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường”. Mấy câu thơ thật hay, khái quát được số phận cay đắng của nàng Kiều.
Dẫu thế, chị vẫn có được niềm hạnh phúc mà em chưa hề có. Đó là tình yêu của chàng Kim đối với chị. Chị đã được yêu, được nhớ thương, hờn giận, được âu yếm, hẹn hò “Chị nhiều hờn giận yêu thương/Vầng trăng còn lắm mùi hương hẹn hò/Em chưa được thế bao giờ/Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim”
Một sự so sánh thật chí lý nhưng cũng thật chua xót. Chị quá khổ, nhưng em cũng có sướng gì đâu. Đến đây ta mới thật sự nhận ra một điều nữa. Thế là cái xã hội phong kiến mục nát ấy không chỉ làm cho Kiều khổ mà Vân cũng phải khổ lây. Có điều, nỗi khổ của Kiều thì xưa nay mọi người đều biết, còn nỗi khổ của Thúy Vân thì không phải ai cũng nhận ra, phải đợi đến Trương Nam Hương. Anh đã có một cách tiếp cận truyện Kiều thật độc đáo, một sự đồng sáng tạo cùng thi hào Nguyễn Du, một cách nhìn rất hiện đại về hạnh phúc và tình yêu. Anh đã phát hiện được một điều mới mẻ đầy thú vị.
Tâm sự nàng Thúy Vân, có thể coi như một đoạn thơ bổ sung cho truyện Kiều ở phần tái ngộ. Nó có một sự liên kết rất logic với nội dung truyện Kiều. Trong truyện Kiều, Thúy Vân rất ít bộc lộ tính cách của mình. Có người cho Thúy Vân là cô gái vô tư, đơn giản, kể cả khi Thúy Kiều nhờ thay chị kết duyên với Kim Trọng, một việc hệ trọng như vậy mà vẫn không thấy Vân nói gì. Thái độ im lặng lúc ấy là đúng, chị còn dám bán mình chuộc cha, hy sinh cả mối tình đầu, lẽ nào mình lại khước từ. Nhưng im lặng không có nghĩa là ưng thuận.
Phải đến ngày tái ngộ, Vân mới nói thực lòng mình: “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào cho em”. “Buộc vào” là áp đặt, chứ còn gì nữa. Và cũng chính vì áp đặt nên em phải “Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh”. Phải chi cụ Nguyễn Du sống lại, cụ cũng không thể không chia sẻ nỗi đau này.
Toàn bộ câu chữ của truyện Kiều như đã được thẩm thấu qua tâm hồn của Trương Nam Hương để anh có được những câu thơ như sinh ra từ truyện Kiều, như là hơi thở của Nguyễn Du.
Rồi  những “lệ”và “sụt sùi”; những “oan khiên” và “máu chảy”; những “số phận vuông tròn” … là những ngôn từ tạo nên sự liên kết giữa bài thơ và truyện Kiều một cách nhuần nhuyễn.
Chỉ có 12 cặp lục bát mà nói được tâm sự éo le của Thúy Vân,  một người phụ nữ đã đi được quá nửa cuộc đời mình mà vẫn còn khát khao: “Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu”. Chắc chắn Trương Nam Hương đã phải thai nghén bằng nỗi đau của Thúy Vân nên mới sinh thành được một đứa con tinh thần đầy ấn tượng như vậy
            Lời bình của Nguyễn Quang Tuyên.
                 Vũ Thị Song Thu (Sưu tầm)