Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chứ em nước mắt đâu giành chàng Kim
Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ mất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu
Là em nói vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị bao chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường
Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lắm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim
Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu
( Trương Nam Hương)
Bao đời nay, bàn luận về nỗi đau của Thúy Kiều thì dễ có mấy nghìn trang. Nhưng bàn luận về nỗi đau của Thúy Vân thì tôi mới chỉ gặp ở bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” của Trương Nam Hương
Bài thơ được viết theo thể lục bát tự sự, mang đậm âm hưởng của ngôn ngữ Truyện Kiều, đậm đặc tính trữ tình và có khá nhiều nhãn tự.
Mười lăm năm trời bặt vô âm tín. Ngờ đâu có ngày hội ngộ.Hai chị em được dịp tâm sự với nhau. Tác giả đã để cho Thúy Vân đối diện với chị và tự bộc bạch nỗi lòng của mình. “ Nghĩ thương lời chị dặn dò/Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh/ Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu giành chàng Kim…/ Lấy người yêu chị làm chồng/ Đời em thể thắt một vòng oan khiên”.
Chỉ có Thúy Vân mới hiểu được nỗi đau đó của mình. Nhưng nàng đã giấu kín điều đó “Giấu đầy đêm nỗi khát khao”. Giấu kín nỗi đau của mình cũng là để thực hiện trọn vẹn lời dặn dò của chị. Cho đến ngày sóng yên bể lặng mới nói ra. Nói ra không phải để kể công với chị mà là để mong được chị chia sẻ với mình. Chị đã biết thương Đạm Tiên, người đã nằm yên dưới mộ, lẽ nào lại không biết thương người đang sống. Em đau khổ vì em chưa được yêu. Mà sức mạnh tình yêu thì như chị biết đấy “Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu”.
Người đọc bỗng nhận ra một điều. Nỗi đau của Thúy Vân là nỗi đau của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một cuộc hôn nhân chỉ nhằm thực hiện một mục đích đạo lý.
Mà đúng thế thật! Từ khi Kim Trọng kết hôn với Thúy Vân, suốt 15 năm trời, người đọc đâu có được chứng kiến những giây phút âu yêm hạnh phúc của hai người. Trái lại, tâm tưởng Kim Trọng, lúc nào cũng nghĩ đến Thúy Kiều. Hình ảnh Thúy Kiều luôn ngự trị trong trái tim Kim Trọng. Có lúc như một sự đồng hiện vừa thực vừa mơ “Dường như trên nóc trước thềm/Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng/Bởi lòng tạc đá ghi vàng/ Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây”. Quả thật, trong trái tim Kim Trọng không có chỗ đứng cho Thúy Vân. Với chàng, Thúy Kiều là người yêu duy nhất. Thúy Vân nhận biết được điều đó, nên càng nghĩ, càng thấy chua chát, cô đơn, kể cả lúc đã con dắt, con bồng. Hóa ra mình chỉ là người thay chị làm vợ, thay chị sinh con, như một cái máy sinh học, chứ có tình cảm gì đâu. “Em thành vợ của chàng Kim/ Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao”. Thật là dễ sợ! Và cũng thật là xót xa cay đắng!
Ngồi kể khổ với chị nhưng lại sợ chị phật ý vì Vân biết, chị còn khổ hơn mình nhiều nên như đánh bài hòa: “Là em nói vậy thôi Kiều/Sánh sao đời chị bao chiều bão giông/Con đò đời chị về không/ Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường”. Mấy câu thơ thật hay, khái quát được số phận cay đắng của nàng Kiều.
Dẫu thế, chị vẫn có được niềm hạnh phúc mà em chưa hề có. Đó là tình yêu của chàng Kim đối với chị. Chị đã được yêu, được nhớ thương, hờn giận, được âu yếm, hẹn hò “Chị nhiều hờn giận yêu thương/Vầng trăng còn lắm mùi hương hẹn hò/Em chưa được thế bao giờ/Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim”
Một sự so sánh thật chí lý nhưng cũng thật chua xót. Chị quá khổ, nhưng em cũng có sướng gì đâu. Đến đây ta mới thật sự nhận ra một điều nữa. Thế là cái xã hội phong kiến mục nát ấy không chỉ làm cho Kiều khổ mà Vân cũng phải khổ lây. Có điều, nỗi khổ của Kiều thì xưa nay mọi người đều biết, còn nỗi khổ của Thúy Vân thì không phải ai cũng nhận ra, phải đợi đến Trương Nam Hương. Anh đã có một cách tiếp cận truyện Kiều thật độc đáo, một sự đồng sáng tạo cùng thi hào Nguyễn Du, một cách nhìn rất hiện đại về hạnh phúc và tình yêu. Anh đã phát hiện được một điều mới mẻ đầy thú vị.
Tâm sự nàng Thúy Vân, có thể coi như một đoạn thơ bổ sung cho truyện Kiều ở phần tái ngộ. Nó có một sự liên kết rất logic với nội dung truyện Kiều. Trong truyện Kiều, Thúy Vân rất ít bộc lộ tính cách của mình. Có người cho Thúy Vân là cô gái vô tư, đơn giản, kể cả khi Thúy Kiều nhờ thay chị kết duyên với Kim Trọng, một việc hệ trọng như vậy mà vẫn không thấy Vân nói gì. Thái độ im lặng lúc ấy là đúng, chị còn dám bán mình chuộc cha, hy sinh cả mối tình đầu, lẽ nào mình lại khước từ. Nhưng im lặng không có nghĩa là ưng thuận.
Phải đến ngày tái ngộ, Vân mới nói thực lòng mình: “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào cho em”. “Buộc vào” là áp đặt, chứ còn gì nữa. Và cũng chính vì áp đặt nên em phải “Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh”. Phải chi cụ Nguyễn Du sống lại, cụ cũng không thể không chia sẻ nỗi đau này.
Toàn bộ câu chữ của truyện Kiều như đã được thẩm thấu qua tâm hồn của Trương Nam Hương để anh có được những câu thơ như sinh ra từ truyện Kiều, như là hơi thở của Nguyễn Du.
Rồi những “lệ”và “sụt sùi”; những “oan khiên” và “máu chảy”; những “số phận vuông tròn” … là những ngôn từ tạo nên sự liên kết giữa bài thơ và truyện Kiều một cách nhuần nhuyễn.
Chỉ có 12 cặp lục bát mà nói được tâm sự éo le của Thúy Vân, một người phụ nữ đã đi được quá nửa cuộc đời mình mà vẫn còn khát khao: “Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu”. Chắc chắn Trương Nam Hương đã phải thai nghén bằng nỗi đau của Thúy Vân nên mới sinh thành được một đứa con tinh thần đầy ấn tượng như vậy
Lời bình của Nguyễn Quang Tuyên.
Vũ Thị Song Thu (Sưu tầm)
Vũ Thị Song Thu (Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét