Ngày ấy, “bà chúa thơ nôm” – Hồ Xuân Hương và ông Phạm Hổ* chơi thân với
nhau lắm. Chẳng biết Phạm Hổ đã sàm sỡ nữ sĩ thế nào mà bị nữ sĩ giáng cho một
đòn thơ đáo để. Thơ rằng:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
Ghê gớm thật. Đã gọi bằng “anh đồ”
lại còn xưng “ chị” nữa mới khiếp chứ. Đã hết đâu. Biết người ta tên Hổ rồi còn
cố tình ví von “ chốn ấy” là “hang hùm” mới thật hiểm .
Phạm Hổ cũng chẳng vừa. Ông đã đáp
lại bằng một bài thơ rất hóm. Đáp rằng:
Ừ ông tỉnh, ừ ông say
Ừ ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví thử không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay**
Không thèm chối tội đâu nhé. Phạm Hổ nhận tội ngay. Nhưng nhận tội một
cách khá ngang ngạnh đấy chứ: “Ừ ông tỉnh, ừ ông say/ Ừ ông ghẹo nguyệt giữa
ban ngày”. Nhận tuốt mà lại còn xưng ông nữa mới cao tay. Nhưng cao tay hơn nữa
là ở hai câu cuối “ Hang hùm ví thử không ai mó/ Sao có hùm con bỗng trốc tay”.
Trời đất ông không chỉ “ghẹo nguyệt giữa ban ngày” đâu. Ông còn tiến xa hơn
để có “hùm con bỗng trốc tay” ấy chứ.
Đáo để như Xuân Hương cũng đành
phải chào thua chứ biết làm sao!
7-10-2012
Vũ
Thị Song Thu ( sưu tầm và giới thiệu)
Chú thích:
* Phạm Hổ : Tức Phạm Đình Hổ, tục gọi Chiêu Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), làng Đan Loan huyện Đường An phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương ( nay thuộc huyện Bình Giang- Hải Dương). Tuy học rộng, đọc nhiều nhưng chỉ thi đỗ Tú Tài, vào cuối thời Lê Chiêu Thống.
Khi triều Lê- Trịnh sụp đổ, Tây Sơn lên cầm quyền, Phạm Hổ dạy học tại quê nhà.
Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử, Phạm Đình Hổ tham gia thi Hương ba lần nhưng đều không đỗ. Thời kì này, ông dạy học tại huyện Thọ Xương trong thanh Thăng Long. Ở đây, ông kết bạn với Xuân Hương nữ sĩ.
Năm Tân Tỵ (1821) vua Minh Mạng ra Bắc, vời Phạm Hổ tới hỏi về học vấn, thi cử và nhân tài đất Bắc, lại khuyên nếu có sách tiền triều, hoặc sách trước thuật.. nên đem tiến trình. Ông dâng vua những sách do mình biên soạn. Vua trọng thực tài ông nên vời vào Huế phong làm Hành Tẩu viện Hàn Lâm.
Năm Minh Mạng thứ 7(1826), ông được làm Thừa chỉ viện Hàn Lâm, rồi làm đến Tế Tửu Quốc Tử Giám
Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu. Đến năm Kỷ Hợi (1839) thì mất, hưởng thọ 71 tuổi
** Bỗng trốc tay: bồng bế trên tay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét