Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

TỪ NHÀ - RA PHỐ - LÊN CHÙA

(Chiều nay, ông xã về quê xây nhà thờ họ, một mình ở nhà, mở máy tính ra định viết cái gì đó. Chợt thấy bài viết này từ dịp lễ Vu lan, cách nay mấy tháng rồi. Chỉnh sửa lại một vài câu từ rồi đưa lên mạng. Coi như một minh chứng cho sự "cầm tinh cụ Kim Quy" của tôi đây.)


Tôi mắc một căn bệnh trầm kha là: yêu nhà tôi quá thể. Chẳng thế mà, tôi chả thích đi đâu bao giờ, chỉ thích quanh quẩn ở nhà thôi. Nếu có việc gì đó phải về bên nội hay bên ngoại, tôi chỉ muốn mau mau chóng chóng để trở về nhà mình. Xa nhà một vài hôm là tôi đã nhớ quay nhớ quắt, đến nỗi ăn không ngon ngủ không yên. Lần xa nhà lâu nhất của tôi là hơn một tháng lên trông cháu trên Hà Nội. Tôi buồn nhớ ngẩn ngơ và sút mất mấy kg luôn dù các con rất hiếu thuận và công việc chăm cháu cũng chẳng vất vả gì. Có lần con dâu nói với tôi: “ Bây giờ bố mẹ cao tuổi rồi hãy lên đây ở với chúng con để chúng con chăm sóc”. Tôi giẫy nảy lên ngay: “ Bố, mẹ chỉ thỉnh thoảng lên thăm các con thôi còn lên ở hẳn thì không đâu. Khi nào nằm liệt rồi thì các con muốn đưa đi đâu cũng được chứ còn tự phục vụ được thì bố mẹ chỉ ở nhà mình thôi” Tệ hại hơn nữa là vì yêu ngôi nhà và nơi ở hiện tại của mình mà tôi chẳng màng đến chuyện tham quan du lịch chi hết. Các con mời đi du lịch nơi đâu tôi cũng không đi. Trong thâm tâm tôi luôn cho rằng chẳng ở đâu bằng ở nhà mình.
Hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng : Nhà của tôi chắc đẹp lắm. Xin thưa rằng 100 lần không, 1000 lần không phải vậy. Nhà tôi không phải là biệt phủ cũng không phải cao ốc và càng không phải là một khuôn viên sang trọng gì. Nó nguyên vẹn là một căn nhà cấp bốn mái chảy, lợp ngói xi măng. Tuy cũng có sân gạch, vườn cây nhưng sân không quá rộng và cây cối cũng không có cây gì quý hiếm cả. Cách đây vài năm, tôi đã làm một bài văn vần tả về ngôi nhà của mình như sau:
Nhà ta nằm trong thị xã
Vẫn có tre xanh vườn ao
Sớm bắt ốc bươu thỏa thích
Chiều nghe chim hót xôn xao

Nhà ta nằm trong thị xã
Nhưng không cao ốc tầng tầng
Giản dị tường vôi mái chảy
Tiện nghi tạm đủ vừa dùng
Vài ba chậu hoa cây cảnh
Không hề uốn phụng tỉa long
Cứ để tự nhiên dân dã
Mà tươi tốt suốt năm ròng…
Ngoài “căn bệnh yêu nhà tôi quá thể”, tôi còn mắc một căn bệnh nữa cũng không kém phần trầm trọng, đó là: ẩn tinh cụ rùa. Vì thế mà chỉ có việc quét dọn nhà cửa sân ngõ với nấu ăn ba bữa cho hai vợ chồng thôi, tôi cũng hì hụi suốt ngày rồi, chẳng còn đi đến đâu được nữa. Thậm chí cả năm tôi cũng chẳng ra đến chợ to Sao Đỏ mấy khi. Dù chợ đó chỉ cách nhà tôi hơn 1km. Ngay cả cái chợ con gần nhà, tôi cũng hiếm khi lui tới. Tôi chỉ mua đồ ăn qua điện thoại là chính. Đến cái siêu thị cách nhà dăm bảy trăm mét mở hàng năm rồi, tôi cũng mới ghé qua một đôi lần gần đây. Con dâu chưa có ý kiến gì nhưng con gái thì bảo: “ Mẹ phải đi chợ, ra phố thường xuyên cho nó nhanh nhạy hơn chứ cứ ở nhà thế này thì trì trệ mất thôi”. Tôi nghe vậy và biết vậy chứ cũng không có ý định thay đổi nếp sống của mình.
Ấy thế mà, ba ngày nay, ngày nào tôi cũng đi từ sáng sớm đến tận trưa rặt ra mới về thì có lạ không kia chứ. Đến tôi còn thấy lạ về chính tôi nữa là. Nhưng thực ra, sự thay đổi nào cũng đều có lý do của nó cả chứ chẳng phải bỗng dưng bỗng deo gì. Chả là thế này: Có một ngôi đền thờ Liệt sỹ cách nhà tôi vài ba trăm mét, mới khánh thành cách đây mấy tháng, nghe mọi người nói là đẹp lắm, bề thế lắm. Tôi cũng lăm le định ra tham quan mấy lần rồi nhưng chưa đi được. Một hôm, ông xã về nói rằng bà bạn bên hàng xóm báo là mai có buổi cầu siêu cho các vong hồn liệt sĩ ở đền thờ. Nếu em đi cùng Hội “ Bát cháo cửa thiền” thì 7h sáng mai có mặt tại đó. Nếu không đi sớm được thì 8h ra cũng không sao. Gớm, “nhanh” như tôi mà đòi xong công việc buổi sáng để ra cùng hội có mà trời sập. Thôi tôi cứ cố gắng ra vào lúc 8 h vậy. Nhưng lại nghĩ, ra một mình vào lúc đó thì cũng dơ, tôi bèn điện thoại rủ cô bạn vong niên đi cùng. May quá, em ấy hưởng ứng nhiệt tình luôn. Thế là sáng hôm sau, cũng phải hơn 8h, tôi và em mới khởi hành.
Chúng tôi đến cổng đền thờ và thấy vắng hoe. Nghĩ rằng họ tổ chức bên cung văn hóa cạnh đấy nên rẽ sang. Gặp các bà trong Hội “ Bát cháo cửa thiền” đang lau dọn, quét tước thì ngại quá. Vì mình cứ nghĩ là đi dự lễ cầu siêu nên ăm mặc chỉnh tề lắm lại còn đi dép cao gót thời trang nữa chứ. Chúng tôi bèn đi thẳng vào hội trường, gặp ngay một cô học sinh cũ phụ trách phần lễ hội trong các di tích đang ỏ đó. Hỏi ra mới biết sáng nay mọi người đi dọn dẹp để chuẩn bị cho buổi chiều tổ chức lễ hội Phật giáo tại đây. May mà cô trò cũ của tôi cũng tế nhị để chữa thẹn cho chúng tôi, em nói: “ Mời cô và chị sang đền thờ Liệt sỹ thắp hương và chiều về đây dự lễ hội Phật giáo ạ". Chúng tôi bắt tay em rồi sang bên đền tham quan và thắp hương.
Ngôi đền tọa lạc ngay sát mặt đường 18, với một khuôn viên rộng chừng hơn mẫu Bắc bộ. Cửa đền quay ra phía quảng trường và hồ Mật Sơn rất thoáng đãng. Cổng đền cũng được kiến trúc mái cong rất đồng bộ với kiến trúc ngôi đền. Bước qua cổng đền là đến một khoảng đất khá rộng rồi lên tiếp mấy bậc nữa thì mới tới sân trước cửa đền. Bên trái sân là một ngôi nhà để khánh, bên phải tương xứng có một ngôi nhà để chuông, ngay cửa đền là một lư hương lớn. Dẫu mới khánh thành nhưng hai bên cạnh đền đã được trồng những cây đại khá lớn, nở hoa trắng muốt với nhụy vàng tươi . Xung quanh đền là hàng cây tường vi còn loáng thoáng mấy bông hoa màu hồng rất đẹp. Lại lên tiếp những bậc đá hoa nữa mới vào đến trong đền. Gian chính giữa là một hậu cung, có ban thờ lớn với đầy đủ đồ thờ bằng đồng sáng bóng. Trong cùng ban thờ là tượng Hồ Chủ tịch cũng bằng đồng, phía trên tượng Bác là câu nói của Người: “ KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠI ĐỘC LẬP TỰ DO”. Hai bên cạnh ban thờ là một dãy bia ghi danh sách các liệt sĩ của từng xã, phường. Nền bia bằng đá hoa cương màu đen xám và bóng. Họ tên, năm sinh và năm mất của từng liệt sĩ được ghi bằng màu vàng rất trang trọng và nổi bật. Tuy vậy tôi cứ thắc mắc mãi mà chưa hiểu vì sao khi ghi danh sách các liệt sĩ trên bia người ta lại phân ra thành các mục: Chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ Quốc. (Gia đình tôi cũng có hai liệt sĩ được ghi trong phần bảo vệ Tổ Quốc. Đó là chú em ruột của ông xã tôi và thằng cháu con ông anh họ. Cả hai đều hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1978 và 1979). Tôi nghĩ đã phân chia theo tiêu chí chống kẻ thù thì cứ chống kẻ thù nào là ghi rõ kẻ thù đó chứ phân chia thế này chẳng lẽ những người chống Pháp và chống Mỹ không phải là bảo vệ Tổ Quốc sao? Hay là những người hy sinh trong mục bảo vệ Tổ Quốc ấy chẳng chống lại kẻ thù cụ thể nào? Thật không sao lý giải nổi! Rõ là ngày đầu ra phố của tôi đã có cái để phải suy nghĩ rồi. Tối đó tôi đang mang những suy nghĩ của tôi ra kể với ông xã thì cô bạn vong niên gọi điện đến bảo rằng: “ Nhân dịp lễ Vu Lan này, ngày mai trong chùa Côn Sơn tổ chức làm lễ cầu siêu đấy, chị có đi thì em sẽ chở đi” . Tôi bằng lòng ngay. Vì từ bé đến giờ tôi chưa đi dự lễ cầu siêu bao giờ. Với lại, nhân dịp này tôi cũng muốn vô chùa thành tâm lễ Phật và cầu cho vong linh gia tiên tiền tổ.
Sáng hôm sau khoảng gần 8h, tôi với em lại lên đường. Chùa Côn Sơn, tức chùa Hun, cách nhà tôi chừng 6 km. Ngôi chùa tọa lạc ở vùng rừng núi Côn Sơn, nơi có hồ nước trong xanh, rộng mênh mông, lại có thông reo vi vút, suối chảy rì rầm, nơi Anh Hùng dân tộc, danh nhân Văn hóa, Nguyễn Trãi từng về ở ẩn thuở xưa. Đang từ nơi phố thị ồn ã, bụi bặm, vô tới đây cảm thấy yên lành thư thái lạ. Tôi hít căng lồng ngực bầu không khí của núi rừng và mở rộng tầm mắt để ngắm cảnh non xanh nước biếc mà thấy như mình đang trở về ngày xửa ngày xưa. Vào tới sát cổng chùa mới thấy những hàng quán cũng khá phong phú. Nào quán ăn, quán giải khát, hàng bán quần áo tạp hóa, lại còn có cả hàng bán sách nữa. Tuy nhiên các hàng quán cũng không ồn ào tấp nập như ở phố và người bán hàng cũng chỉ mời mọc khách mua rất nhẹ nhàng từ tốn chứ không chèo kéo gì. Tôi ghé vào mua một bộ quần áo dài màu gụ để mặc trong những dịp đi lễ bái đâu đó và một bộ quần trắng áo dài vàng in hoa sen cùng chiếc váy hoa đỏ về cho cô cháu nội ba tuổi, giá cả ở đây cũng rất phải chăng thậm chí là khá rẻ nữa.
Sau đó chúng tôi vào một khu nhà ngang của chùa để nộp tiền làm lễ cầu siêu. Một bà thu tiền, một cháu gái chừng dưới 30 tuổi, giúp chúng tôi ghi danh sách, ngày tháng năm mất của những vong linh trong gia đình. Rồi bà thu tiền bảo: Mai các bà vào dự lễ chứ? Chúng tôi cùng đáp: Vâng ạ. Tôi thấy rất nhiều bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo và mọi người đều tay dọn dẹp ai vào việc ấy rất nhịp nhàng lặng lẽ chứ không ồn ào xô bồ. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi cô bạn đi cùng:
- Sao ở đây cứ như chuẩn bị tiệc vậy em?
- Thì mai mời các phật tử cơm chay mà chị?
Thế rồi hai chị em tôi dạo một lượt để tham quan và chụp ảnh và trở về nhà. Qua bãi lấy xe, trở ra một đoạn nữa, tôi thấy một chiếc ô tô đậu sát barie và mấy chiếc xe máy nữa. Mọi người xuống mua vé vào cổng, mỗi vé 15000đồng. Có bao nhiêu hành khách trên ô tô hoặc trên xe máy thì phải mua bấy nhiêu vé. Ngạc nhiên quá, tôi lại hỏi cô bạn đi cùng:
-Sao hồi sáng chị em mình vào không phải mua vé nhỉ?
- Chị không nghe em nói với người gác cổng là chúng tôi vào nộp tiền làm lễ cầu siêu à?
- Có. Nhưng sao?
- Vì đi làm lễ thì không phải mua vé còn đến tham quan thì phải mua. Chị lạ lẫm vậy sao?
- Thế ở nơi tham quan nào cũng vậy ư?
- Không, em đi nhiều nơi rồi nhưng chỉ thấy ở đây bán vé vậy thôi.
Trên đường về tôi cứ miên man suy nghĩ mãi về vấn đề này mà quên cả ngắm bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của rừng Côn Sơn và đập rừng Sành, nơi mà ban sáng khi vưa tới đây tôi đã thấy khoan khoái biết bao nhiêu.
Tới cổng nhà, cô bạn bảo: “ Chị về nhé, em bận chút việc nên không vào chơi nữa đâu. Mai chuẩn bị sớm, khoảng 7h em đến đón đấy”. Tôi vô nhà, ngó đồng hồ đã thấy 12h30 rồi.Không biết do ông xã tôi vốn dễ tính hay tại tôi ít đi mà thấy tôi về muộn vậy chàng cũng chẳng khằn khò gì. Tôi bảo, “ muộn rồi, em không nấu cơm nữa, nấu mì ăn tạm nhé”. Chàng cũng chỉ gật đầu và nói: “Tùy em, anh thế nào cũng được”.
Y hẹn, hôm sau em lại đến đón tôi. Hôm nay chúng tôi mặc bộ đồ nhà chùa hẳn hoi. Khi chuẩn bị lên đường, ông xã còn bảo đứng bên cổng để ghi hình làm kỉ niệm. Lùng tùng mãi cũng phải khoảng 8h hơn chúng tôi mới xuất hành nên khi tới nơi thì lễ cầu siêu đã xong, chỉ còn dự lễ Vu Lan thôi. Nếu lễ cầu siêu làm ở trong chùa thì lễ Vu Lan lại tổ chức ở sân chùa, có trang trí phông nền, loa đài , bắc rạp và có ghế ngồi đàng hoàng. Lễ được tổ chức long trọng, có cả cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ quản lý các di tích trong vùng tới dự. Lại có cả các cháu thiếu nhi đến làm lễ dâng hoa và cả các ca sĩ đến hát những bài hát với nội dung của lễ Vu Lan báo hiếu. Người dự lễ đông lắm, phải đến năm,sáu trăm kia đấy. Một điều đặc biệt nữa là ai ai cũng trật tự, thành kính. Mỗi người tới dự đều được trao một bông hồng cài ngực, tùy theo cảnh ngộ của từng người mà họ tự chọn hoa cho phù hợp. Tôi lớ ngớ nên cô bạn đi cùng phải chọn giúp rồi giảng giải cho nghe, cài hoa trắng là sao, hoa đỏ là sao và hoa hồng nơ trắng là sao…Đúng là “ đi một ngày đàng học một sàng khôn” thật!
Sau những màn dạo đầu như giới thiệu đại biểu, lễ dâng hoa và ca hát là đến phần chính. Một vị sư thầy lên truyền giảng về ý nghĩa ngày lễ vu lan. Nội dung bài giảng khá phong phú và sâu sắc. Mọi người lặng phắc lắng nghe ra chiều tâm đắc lắm. Ấy vậy mà tôi thì lại cứ thất vọng mới lạ chứ. Chả là tôi luôn hình dung ra các nhà truyền giáo thường điềm đạm, sâu lắng; ngôn từ nhỏ nhẹ mà thấm thía, lời giảng bình dị mà cao siêu, cái nhìn hiền dịu mà xa xăm bao quát, dáng đi khoan thả mà đường hoàng từ tốn. Thế nhưng thầy giảng ở đây phong thái đi lại có gì đó như vội vã mạnh mẽ quá, giọng nói to và cứng đã thế phát âm lại ngọng giữa l và n rất trầm trọng nên tôi thấy thất vọng và buồn lắm . Chắc là tại tôi khó tính quá chăng? Kết thúc buổi lễ mà lòng cứ băn khoăn sao sao ấy. Nhìn đồng hồ đã 10h 30’rồi. Nhà chùa mời mọi người lưu lại dùng cơm chay vào lúc 11h. Phần vì hơi muộn, phần vì trời mưa nên tôi và em quyết định ở lại dùng bữa. Tôi gọi điện về để ông xã tự biên tự diễn. Chàng cũng vui vẻ bằng lòng ngay. Chúng tôi vào chùa thắp hương lễ Phật rồi ra trú mưa nơi một Phật Tử cho mọi người mượn mâm, đĩa đựng đồ thờ cúng và sắp lễ giúp họ. Có lần tôi nghe mọi người kể rằng những người sắp lễ ấy chặt chém đắt lắm. Nhưng hôm nay, tôi lại thấy bà này chẳng thu tiền của bất kì ai. Một số người sau khi thụ lễ xong mang trả mâm, đĩa có biếu bà gói bánh, kẹo hoặc chút hoa quả, bà đều xin và cám ơn rất nhẹ nhàng rồi để tất cả vào một cái thúng. Tôi nghĩ chắc hẳn bà sẽ đem lộc ấy về nhà để chia cho con cháu. Nhưng không, bà nộp hết lại nhà chùa để chia lộc cho mọi người. Bà kể, “ bà đã chấp pháp tại chùa này hơn hai chục năm rồi. Mùa lễ hội nào bà cũng vào đây dọn dẹp và cho khách thập phương mượn đồ đựng lễ. Tất cả các vật dụng này đều do bà tích cóp và sắm dần mỗi năm một ít”. Thấy tôi ngạc nhiên bà lại bảo: “Nhiều Phật tử cũng như vậy cả, mỗi người mỗi việc nên nhà chùa mới sạch đẹp như vầy đấy. Bác nhìn xem, những bà nấu cơm rửa bát kia cũng là tự nguyện cả mà”. Trời đất, thế mà tôi cứ nghĩ đó là những người nấu ăn thuê kia đấy. Vì họ làm việc khá thành thạo và chuyên nghiệp. Có đến hàng trăm mâm cơm chay chứ chẳng ít ỏi gì. Thế mà khoảng 11h là tươm tất cả. Mọi người lục tục tự bưng mâm ra ăn ( 6 người một mâm) không bàn ghế chi hết mà trải chiếu xung quanh sân, thềm nhà chùa.Ăn xong lại tự rửa ráy bát đĩa. Mọi việc cứ đâu vào đấy không chút ồn ã chen lấn xô bồ .
Hay thật đấy! Đúng là những con người có đạo nên sống hiền lương và tận tâm một cách tự nhiên, tự nguyện hơn.

Sao Đỏ : 14-7 năm Đinh Dậu ( 2017)
Song Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét