Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

ĐÂU RỒI " THẰNG KHỔ NHỚ QUÊ"?


                                    

Xuân Thảo xuất hiện trên trang blog Triancuocdoi không sớm nhưng anh đã kịp để lại rất nhiều ấn tượng với mọi người , được mọi người chia sẻ và đánh giá cao. Đặc biệt là anh được nhiều cư dân trong xóm Trian biết đến và quý mến từ thưở còn cắp sách đến trường nơi quê nhà yêu dấu. Riêng tôi, tuy chưa một lần gặp anh nhưng tôi cũng kịp biết anh từ khi anh chưa có bài và ảnh trên blog Trian nhờ tác phẩm “Chuyện bạn bè tôi” của Nguyễn Khắc Nguyệt. Trong đầu tôi luôn hình dung ra anh là một con người phong trần, từng trải khắc khổ và kiên nghị mặc dầu hình như trong truyện, Khắc Nguyệt cũng có lần phác họa hình ảnh anh vui vẻ vô tư khi gặp bạn bè nhưng vẫn không làm tôi hình dung khác đi được. Cho đến khi có ảnh Xuân Thảo trên blog thì tôi mới ngã người ra. Ôi con người tôi hình dung là khắc khổ kia lại có một phong thái thật thoải mái, một gương mặt thật tươi tắn trong trẻo và hình như rất vô tư như chưa hề có sự khổ hạnh nào chạm tới vậy. Nhất là khi ai đó đưa hình ảnh phái “ chân dài” nhà Xuân Thảo lên blog thì tôi càng ngạc nhiên hơn và cũng vui mừng hơn vì nghĩ rằng gia đình anh đã đến thời thái lai, hưng thịnh. Riêng về thơ văn của Xuân Thảo thì tôi có cảm xúc nhất với bài thơ : “ Thằng khổ nhớ quê” do anh viết vào ngày 27-12-2011. Nguyên văn bài thơ như sau:
Cuối năm mèo- vẫn hoàn mèo
Cuộc đời thằng khổ hết trèo lại xoay
Già rồi còn cứ loay hoay
Lo làm kinh tế cả ngày lẫn đêm
Những mong sớm được ấm êm
Gia đình hạnh phúc có thêm gạo tiền
Lại cày lại cuốc triền miên
Quên cả khó nhọc lẫn miền Tri ân
Mở ra mới thấy tinh thần
Của thầy của bạn nơi gần nơi xa
Rưng rưng nhớ đến quê nhà
Nhớ bờ đê nhớ gốc đa giếng làng
Xuân về lòng dạ xốn xang
Mừng mừng tủi tủi hai hàng lệ rơi
Kiếp sau có được làm người
Xin thề đói chết chẳng rời quê hương
Vâng! Quê hương là chùm khế ngọt, là nơi ta sinh ra và lớn lên, là nơi có cha mẹ, ông bà, bầu bạn, có biết bao kỷ niệm thân thương cho nên ai xa quê mà chả nhớ, chả thương. Nhớ từ con đường ta đi học, nhớ bờ tre gắn với tuổi thơ đánh chắt đánh chuyền, chơi khăng chơi đáo; Nhớ từ con ngõ nhỏ có hàng dâm bụt mấy anh chị em ngóng đợi mẹ về chợ để được chia nhau miếng bánh đa vừng, cái kẹo bột hay tấm mía de mà xuýt xoa ngon ngọt ngậy bùi. Nhớ gốc đa, giếng nước sân đình nơi gắn với hội hè đình đám, nơi in dấu những cuộc hẹn hò dưới trăng khuya hay chứng kiến những cuộc chia tay mong ngày gặp lại. Nỗi nhớ quê ấy nó không hề bị thời gian không gian hay tuổi tác làm lu mờ đi mà ngược lại, cùng với thời gian nó làm lòng người thêm khắc khoải da diết hơn. Tôi có quen một ông bạn già sống xa quê . Gia đình hiện tại của ông khá giả, con cháu đều phương trưởng thành đạt. Mặc dù bậc sinh thành ra ông đã về nơi chín suối, ông vẫn năng về thăm quê lắm. Vậy mà, cứ mỗi khi con cháu tụ họp hay có miếng ăn ngon ông lại rưng rưng nước mắt, lại sụt sùi vì thương nhớ quê nghèo , thương cha mẹ khổ cực chẳng được biết miếng ngon. May một tấm áo mới ông lại bảo ngày xưa mẹ tôi chỉ có một bộ cánh nâu rung rúc để mặc vào những ngày trọng thôi còn quanh năm quần chằng áo đụp, một nắng hai sương. Quê tôi nghèo lắm ai cũng khốn khó như thế cả chị ạ. Dưng mà sống thì tình nghĩa lắm. Có ấm nước chè với rổ khoai lang luộc là í ới mời gọi xóm làng đến chơi vui lắm cơ. Rồi ông lại khóc. Đấy, những người khấm khá như ông, có điều kiện về quê luôn mà còn nhớ quê đến thế thì những người hoàn cảnh eo hẹp ít có điều kiện thăm quê thì nỗi nhớ quê còn khắc khoải biết chừng nào? Cho nên, đọc bài thơ Thằng khổ nhớ quê của Xuân Thảo, tôi thực sự chia sẻ với anh nỗi niềm này.
 Trước hết ta gặp ở bài thơ một hình ảnh Xuân Thảo lăn lộn, xoay xỏa trong cuộc mưu sinh nhưng hình như vẫn chưa được thành công như anh mong đợi:
Cuối năm mèo -  vẫn hoàn mèo
Cuộc đời thằng khổ hết trèo lại xoay
Già rồi còn cứ loay hoay
            Lo làm kinh tế cả ngày lẫn đêm
Câu thơ mở đầu có cách chơi chữ khá hóm tạo nên một sự tinh tế và đa nghĩa. Nó vừa muốn chỉ một cái chung lớn lao hơn là hết năm  tân mão rồi vẫn không có gì khác biệt,  lại vừa ám chỉ cảnh ngộ riêng của tác giả, một con người luôn loay hoay để thay đổi cho cuộc sống khấm khá hơn mà vẫn chẳng thay đổi được gì. Mà cái mong ước của anh có quá to tát, quá lớn lao gì đâu. Nó chỉ bình thường, dung dị như mong ước ngàn đời nay của những người lao động một nắng hai sương thôi:
Những mong sớm được ấm êm
Gia đình hạnh phúc có thêm gạo tiền.
Và thực tình anh đã lao động quên mình vì cái mong ước ấy:
Lại lo cày cuốc triền miên
Quên cả khó nhọc lẫn miền Tri ân
Từng đọc “ Chuyện bạn bè tôi” của Nguyễn Khắc Nguyệt nên tôi hiểu, trước đây quê Xuân Thảo nghèo lắm và gia đình anh lại càng nghèo hơn. Cho nên sau giải phóng miền Nam và vừa thoát khỏi đời binh nghiệp, anh đã ba lô khăn gói vào Nam mong làm kinh tế để thoát ra khỏi cái nghèo đeo đẳng bấy lâu nay. Cũng từ đó, anh đã trải qua cuộc sống tha hương với năm chìm chín nổi và mười mấy cái lênh đênh cơ chứ không chỉ là ba chìm bảy nổi chín lênh đênh như nhiều người cơ khổ khác. Đến nay dù cuộc sống đã khá hơn nhiều rồi nhưng có lẽ do ám ảnh về cái nghèo thưở trước và do bản chất của con người cần cù chịu khó chịu thương nên anh vẫn không ngừng lao động, lao động đến không còn thời gian thư giãn. Nhưng rồi, một lúc nào đó, anh tự thưởng cho mình những phút giây thư thái, mở máy tính ra và vào blog Trian. Anh chợt nhận thấy các thầy cô rồi bầu bạn gần xa giành cho anh biết bao niềm thương mến:
            Mở ra mới thấy tinh thần
            Của thầy, của bạn nơi gần nơi xa
Thế là sống mũi cay cay, mắt rưng rưng lệ, Xuân Thảo nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ quê đến quặn lòng:
Rưng rưng nhớ đến quê nhà
Nhớ bờ đê nhớ gốc đa giếng làng
Xuân về lòng dạ xốn xang
Mừng mừng tủi tủi hai hàng lệ rơi
Kiếp sau có được làm người
Xin thề đói chết chẳng rời quê hương
Đọc những câu thơ trên, tôi thấy đó không còn là những con chữ, những lời thơ nữa mà đó chính là hình ảnh chàng Xuân Thảo đang đau đáu một niềm thương nỗi nhớ quê nhà. Anh muốn nói to lên, hét to lên để bảo với lòng mình và có thể là với cả vợ con rằng:kiếp sau, nếu còn được làm người thì dẫu đói chết  cũng không thể rời xa quê hương yêu dấu của mình.
Cả bài thơ, hầu như Xuân Thảo không sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, những cách thể hiện vẽ mây nẩy trăng hay kiến tạo tứ thơ mà anh chỉ miêu tả trực tiếp, bộc lộ trực tiếp mọi suy nghĩ và việc làm của mình. Vậy mà người đọc vẫn cứ rưng rưng. Có phải sức cảm hóa của bài thơ này chính bởi Xuân Thảo đã đi đến tận cùng cảm xúc của riêng mình và thể hiện nó một cách thành thực nhất, cụ thể nhất, chân mộc nhất cho nên cái cảm xúc của riêng anh ấy đã  chạm đến cảm xúc chung của nhiều người và tạo nên một hiệu ứng lan tỏa chăng? Nếu đúng vậy thì quả là sự rung động chân mộc, trung thực vẫn có sức cảm hóa hơn nhiều lân so với những màu mè, làm duyên trong câu chữ mà cảm xúc thì hời hợt thoáng qua.
Tôi viết bài này, một mặt muốn chia sẻ cảm xúc của mình với bài thơ “ Thằng khổ nhớ quê” của Xuân Thảo, một mặt muốn hỏi xem tại sao sau “ Thằng khổ nhớ quê”, Xuân Thảo đi đâu mà im lặng thế? Mong anh hãy giành nhiều thì giờ hơn nữa cho blog Trian để chia sẻ  buồn vui với mọi người và nhận từ mọi người sự sẻ chia cho vơi bớt nỗi nhớ quê. Đừng mải làm quá như vậy. Bây giờ đời sống thế là tạm ổn rồi. Hãy bằng lòng với những gì mình đang có thì cuộc sống sẽ thư thái hơn đúng không?
                                    Sao Đỏ: 5-6-2012
                                    Vũ Thị Song Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét