Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

THIÊN DIỄM TÌNH


 

          Lu-i-gi - Mô-kry-na tái ngộ sau sáu chục năm.

 

Trong dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng phát-xít 9-5-2013, tại công viên Ma-ri-in-xky ở trung tâm thủ đô Ki-ép (U-crai-na), tượng đài Thiên diễm tình đã được khánh thành. Tượng đài có nguyên mẫu một ông già người I-ta-li-a và một bà già người U-crai-na...


  
Ông là Lu-i-gi Pê-đút-tô, bà là Mô-kryna Yu-rơ-dúc. Cách đây đúng 70 năm, ở tuổi ngoài 20, chàng lính trẻ I-ta-li-a gặp nàng trong một trại tù binh ở Áo. Khi ấy, quân Đức chiếm đất của những nước gia nhập Liên Xô, bắt lao động trẻ "đi phu" sang Đức, Áo... Do Mô-kry-na đang mang thai nên cô được "làm phúc", chuyển công việc từ lao động cưỡng bức sang nhà máy tơ. Sinh con gái Na-đi-a trong trại tù binh, Mô-kry-na một mình xoay trở, vừa phải làm lụng vất vả, vừa phải chăm đứa trẻ sơ sinh và may mắn gặp được Lu-i-gi. Ngay cái nhìn đầu tiên đã bắc nhịp cầu giao cảm giữa hai thân phận, từ chỗ hoàn toàn không quen biết sẵn, hai người bắt đầu trò chuyện, không chung ngôn ngữ thì dùng cử chỉ âu yếm, rồi tay trong tay, bất chấp cảnh tù đày trong hai năm trời. Chính Lu-i-gi đã chủ động đến vỗ về an ủi hai mẹ con trong cảnh thân cô thế cô, đã bồng đã ru đứa trẻ bằng những khúc ca cổ xưa thương cảm.
Năm 1945, quân Đồng minh oanh tạc dữ dội nhà máy tơ, Lu-i-gi đã dìu mẹ con Mô-kry-na trốn thoát... Ba sinh mạng ẩn nấp ngoài cánh đồng, bới đất lấy khoai, vặt bắp ngô non độ nhật. Ngày ngày, chính người đàn ông đã kiếm ngô, khoai về nhai nhuyễn, mớm cho đứa trẻ sống qua mùa xuân.
Chiến tranh đã kéo hai thân phận vào một cặp tình nhân, ấy thế mà hòa bình lại khiến họ phải ly biệt. Hồng quân Liên Xô giải phóng nước Áo và trả lại ai về chỗ nấy: Lu-i-gi về I-tali- a, nhưng không được phép mang theo mẹ con Mô-kry-na! Khi người yêu ôm đứa con thơ nức nở lên tàu trở về U-crai-na, Lu-i-gi chỉ còn biết giữ kỹ lọn tóc của nàng mà chàng có lần lén cắt và mẩu giấy nàng ghi địa chỉ của mình, mong một ngày có vật làm tin để tìm lại người bạn đời lý tưởng. Song, suốt mấy chục năm, Lu-i-gi không có cơ hội đặt chân đến đất nước Liên Xô.
Trở về quê cũ Khơ-men-nhít-xca, nơi bị chiến tranh tàn phá tan hoang và chỉ còn đúng hai người đàn ông, Mô-kry-na cùng những người đàn bà khác lao vào làm lụng. Công việc đầu tắt mặt tối khiến cô phải gạt sang một bên mọi ý nghĩ về Lu-i-gi, không dám nuôi hy vọng sẽ có ngày người yêu tìm đến mình. Ít lâu sau, cô chuyển sang Kri-vôi Rô-gơ - một địa phương nhỏ đến nỗi không có tên trên bản đồ U-crai-na - làm việc trong một hầm mỏ và lấy chồng, sinh hạ thêm hai người con. Cách đây hai chục năm, người chồng qua đời, các con đã ra ở riêng, Mô-kry-na lại sống một mình vò võ.
Trong khi đó, ở I-ta-li-a, Lu-i-gi cũng nhiều lần gửi thư sang Liên Xô tìm kiếm Mô-kry-na mà chẳng lần nào nhận được hồi âm, nên đành lấy vợ, có được một người con trai, rồi góa vợ đã 15 năm... Lu-i-gi chìm trong nỗi ngậm ngùi số phận, chỉ biết trang trải nỗi niềm với rừng ô-liu, và, trong cơn tuyệt vọng, ông viết thư cầu may cho chương trình tìm kiếm thân nhân của truyền hình Nga. Cánh phóng viên của dự án này đã gấp rút lần tìm và sớm có kết quả: Mô-kry-na vẫn còn sống tại làng Go-nhi-ắc Đỏ thuộc vùng Đơ-nhép-prơ-pê-trốp-xky, dẫn tới cuộc phát sóng trực tiếp năm 2004, cặp tình nhân tái ngộ sau sáu chục năm trước sự chứng kiến của hơn hai triệu khán giả. Hoàn toàn rõ ràng: trải bấy nhiêu năm, ông già I-ta-li-a vẫn cứ là chàng Rô-mê-ô đang yêu, bất chấp mọi cách ngăn về không gian và tuổi tác.
Từ phòng quay truyền hình trở về, bà lão Mô-kry-na hào hứng tự tay sơn trắng lại toàn bộ ngôi nhà, dọn dẹp mọi ngóc ngách, sân sướng, mua sắm nhiều thực phẩm. Bà nói cười chạy nhảy hoạt bát như trẻ lại ba chục tuổi, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Ông Lu-i-gi đều đều sang Go-nhi-ắc Đỏ thăm người yêu: đáp máy bay xuống Ki-ép, rồi lên tàu hỏa và bám xe khách, để được tự tay dọn cỏ hoang và làm mọi việc như người chồng thực thụ trong nhà bà Mô-kry-na. Tối tối, ông soạn món mì ống với pho-mát đặc sản dân tộc I-ta-li-a, cùng người yêu vừa ăn vừa ngắm hoàng hôn U-craina, xong, thể nào cũng mở nhạc khiêu vũ... Đáp lại, bà cũng mang con gái lớn Na-đi-a sang Xan Lo-ren-xô thăm ông và biết: người tình của mình nhà cửa tiện nghi, hiện là chủ tịch hội cựu chiến binh, thuộc những người có ảnh hưởng lớn nhất ở địa phương. Ông tự tay lái xe đón đưa hai mẹ con trong ánh mắt ngưỡng mộ của già trẻ gái trai, khiến bà xúc động khóc òa như một cô bé. Lần đó, dưới tán lá ô-liu, ông chính thức cầu hôn và đề nghị bà chung sống với mình tại I-ta-li-a. Nhưng bà khước từ - bà không thể rời xa con cháu, vườn tược và bao thứ gắn bó hằng ngày với mình trong suốt chặng đời gian khó. Ông không nản, khuyên bà nghĩ lại, và hẹn hằng năm, cứ vào tháng tám là sang với bà. Trong khi đó, ở U-crai-na, dân tình xao xuyến bởi câu chuyện tình Lu-i-gi - Mô-kry-na và quyết định dựng tượng họ. Theo sáng kiến của kênh truyền hình "Inter", hai nhà tạc tượng A-lếch-xan-đrơ Mo-gát-xky và Gri-go-ri Kô- chiu-cốp đã hoàn thành tượng đài Thiên diễm tình khắc họa cuộc tái ngộ cảm động sau nhiều năm ly hợp giữa bà lão người U-crai-na với ông lão người I-ta-li-a. Hai nguyên mẫu được mời đến dự lễ khánh thành tượng đài tình yêu bất diệt, song, bà Mô-kry-na đang đau ốm nên đành vắng mặt, chỉ có ông Lu-i-gi. Ông cắt băng khánh thành và run giọng phát biểu: "Từ hồi học trò, tôi đã được thầy giáo dạy rằng: Nếu như trong cuộc sống có gặp những thời buổi nặng nề thì sau đó thể nào cũng được thưởng lại. Hôm nay tôi đã được nhận phần thưởng đó".
Theo hẹn, vào tháng tám thăm người yêu. Song, ông Lu-i-gi đã không giữ được lời hứa: ngày 10-8-2013, ông đã từ giã cõi đời... Bên cạnh giường ông, còn đó hai túi mì ống với pho-mát, còn đó tấm vé bay sang Ki-ép với hộp nhẫn cưới - hình như ông vẫn không hết hy vọng rồi bà sẽ nhận lời cầu hôn của mình.
Đến khi được con cháu cho hay tin dữ, bà Mô-kry-na yêu cầu các con đưa ngay đến tượng đài Thiên diễm tình, để khóc!
Từ ngày khánh thành đến nay, tượng đài Thiên diễm tình không ngày nào ngớt du khách và các cặp tân hôn. Người ta tin: chạm tay vào cặp tình nhân già đang ôm nhau thì mình chẳng bao giờ phải xa người yêu dấu! Đó là nguyên mẫu tượng đài Thiên diễm tình ở Ki-ép.

                                                                       Đăng Bẩy
                                                               
( Song Thu sưu tầm, nguồn báo Nhân Dân cuối tuần,số 6 (1306),9-2-2014 )

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét