Tôi
thích thơ Đỗ Trung Lai ngay từ khi đọc bài thơ: “ Tôi ru con gái tôi”
của ông. Thật tình là tôi đã thường xuyên mượn bài thơ ấy để ru con ru
cháu mình như người xưa vẫn ru bằng ca dao hoặc Truyện Kiều vậy. Tôi
cũng rất thích những bài thơ Đỗ Trung Lai viết tặng vợ. Bởi tôi tìm thấy
ở đó biết bao niềm yêu thương, thấu hiểu; sự trân trọng của thi nhân
với người vợ tao khang. Hình ảnh người vợ tần tảo, chắn vén, quạnh quẽ
trong công việc gia đình đã đi vào thơ ông thật tự nhiên chân thực mà
vẫn rất truyền cảm: " Sau giờ làm việc/em trở về nhà/xách trên tay cả
một phiên chợ cóc/với thịt, cá, rau, dưa, tôm, cua, ốc, ếch.../Rồi em
chế ra những món quê mùa/làm lu mờ mọi yến tiệc… Em là mảnh hồ cuối
cùng/sau khi người ta lấp hết hồ đi/để lấy đất xây nhà/Em là câu ca dao
cuối cùng/của nền quốc gia âm nhạc/Em là mảnh ruộng cuối cùng/sau đô thị
hóa/Em là bảo tàng dân tộc học nhà ta". Hoặc: " Vào những ngày nghỉ/em
quét sạch mọi chỗ/em giặt sạch mọi thứ/(Chỉ có anh, các con và con mèo
nhà mình là chưa bị em cho vào máy giặt!). Em là Nguyễn Đình
Chiểu của nhà ta - ghét bụi bặm như nhà nông ghét cỏ/Anh đã thấy nhiều
ngôi nhà hoang/vì thiếu bàn tay phụ nữ/Nhà mình giàu hơn người là nhờ có
em".
Đọc những câu thơ ấy và những câu thơ nhà thơ dặn con gái: “Ở nhà biết vá biết thêu/ Ra đường kẻ ghẹo người trêu mặc người/ À ơi thân gái ở đời/ Cổ kim đâu cũng quý người thủy chung”
thì tôi cứ bụng bảo dạ rằng: Đây đúng là mẫu đàn ông lý tưởng không lóa
mắt bởi những cái đẹp hình thức màu mè, luôn trân trọng những vẻ đẹp
truyền thống và hết lòng yêu vợ quý con. Thậm chí tôi còn cho rằng, với
ông, không thể có chút “xao lòng” nào trước phái đẹp, ngoài vợ mình ra.
Nhưng
ứ phải vậy đâu, người đàn ông dù yêu vợ đến cỡ nào thì vẻ đẹp của giai
nhân vẫn cứ hớp hồn họ như thường. Nhất là với các thi sĩ thì họ sẵn
sàng đánh đổi tất cả đấy. Và Đỗ Trung Lai không những không phải là
ngoại lệ mà còn là một điển hình trong lĩnh vực này nữa kia. Tôi khẳng
định điều này một cách chắc chắn như thế, vì sau khi đọc bài thơ “Ngũ Hồ
ở Bắc Ninh” của ông. Tôi xin phép không đưa cả bài thơ ấy ra đây vì
không có ý định bình toàn bài (dù cho đó là một trong những bài thơ hay
của ông). Bài thơ ấy ông ghi lại cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của người
thiếu nữ quan họ. Tôi chỉ xin nhặt ra đây hai cặp lục bát mà tôi sung
sướng đến run người khi đọc chúng và nó lập tức bám riết vào tâm trí tôi
đến độ tôi đã thuộc lòng ngay mà còn nghĩ rằng chẳng bao giờ mình quên
được nó nữa.
Cặp thứ nhất là:
Em ra ngoài bến lên thuyền
Thánh thần cũng muốn bỏ đền ra sông
Chẳng
biết có quá chủ quan, cảm tính không nhưng tôi cứ đinh ninh rằng đây là
hai câu thơ tả vẻ đẹp của người phụ nữ hay nhất từ trước đến nay (mặc
dầu tác giả không hề tả cụ thể một chút nào). Nhưng không ai đọc đến hai
câu thơ này mà lại không nghĩ rằng người phụ nữ này rất đẹp vậy. Và cứ
thế, tùy vào khả năng tưởng tượng của mỗi độc giả, vẻ đẹp ấy được hiện
ra với nhiều dáng vẻ cụ thể khác nhau. Với tôi, tôi mường tượng nàng đẹp
thướt tha, duyên dáng uyển chuyển với những bước đi nhẹ nhàng, với đôi
gót chân thon nhỏ trắng hồng, với những đường cong mềm mại nổi bật trong
cách trang phục mớ bảy mớ ba của liền chị quan họ, với khuôn mặt “búp
sen” , nét cười đằm thắm, ánh mắt hút hồn đến mê hoặc…không bút nào có
thể tả hết được. Có lẽ, nàng hội tụ cả vẻ đẹp của Tây Thi, Thúy Kiều… và
cả cái hồn của người quan họ, của những làn điệu dân ca làm say lòng
người nữa. .
Chẳng thế mà chỉ cần nàng ra bến lên thuyền cũng làm cho các bậc thánh
thần vốn siêu thoát yên vị nơi đền thiêng rồi cũng còn “ muốn bỏ đền ra
sông” kia mà! Thật tuyệt làm sao chỉ có một cặp lục bát thôi, lại không
có một từ đẹp nào, thậm chí không có một từ miêu tả những nét đẹp cụ thể
của cô gái quan họ mà cứ thế, vẻ đẹp của nàng hiện lên đến lung linh,
diễm kiều đầy mê đắm và cuốn hút.
Trước
vẻ đẹp diệu kì đó của nàng, chàng thi sĩ si tình đắm đuối, Đỗ Trung Lai
chỉ muốn biến con sông Cầu nước chảy lơ thơ của vùng Kinh Bắc thành Ngũ
Hồ để được tận tâm chiều chuộng phục vụ nàng. Hồ thì “dầm cái tương
tư”; hồ thì “giặt áo tứ thân” ; cái hồ hay có mây mưa thì chàng muốn
được “ giặt yếm nàng vừa cởi ra”; cái hồ nước đỏ như son thì chàng muốn
dùng nước đó cho nàng “tẩm chân”. Chiều chuộng chừng đó vẫn chưa thỏa
niềm yêu và sự trân trọng ngưỡng mộ của chàng với nàng. Chàng còn muốn
vứt bỏ cả sự nghiệp để trọn vẹn vì nàng:
Bao nhiêu sách viết thơ tình
Ta đem xé hết cho mình thấm Chân
Mê
đắm đến thế là cùng! Bởi vì, với một nhà thơ thì sự nghiệp thơ ca, nhất
là những áng thơ tình là những đứa con tinh thần được sinh ra từ những
thai nghén buồn vui những tâm huyết của đời thơ thật đáng quý xiết bao.
Vậy mà trước nàng, thi sĩ Đỗ Trung Lai sẵn sàng xé hết để cho nàng “
thấm chân” kia đấy. Từ “ thấm” trong câu thơ trên thật tuyệt vì nó gợi
ra một cử chỉ rất đỗi nhẹ nhàng, nâng niu chiều chuộng đến mức trân
trọng. Nếu ta thay từ thấm bằng các từ khác tương tự như: lau, chùi,
bao, chấm… chẳng hạn thì đều không còn đủ sức để diễn tả sắc thái tình
cảm yêu thương nâng niu rất gượng nhẹ và vô cùng trân trọng của thi sĩ
nữa. Mà ngược lại nó làm cho câu thơ trở nên thô, làm cho tình yêu mất
đi nét tinh tế mà vẫn hết mình, đắm say mà vẫn rất thánh thiện, nâng niu
mà không quỵ lụy…
Có
thể nói, Đỗ Trung Lai đã viết nên những câu thơ trên nói riêng và cả
bài thơ “Ngũ hồ ở Bắc Ninh” nói chung bằng một cảm xúc chân thành mãnh
liệt của lòng mình và bằng thứ ngôn ngữ thơ rất giản dị, rất truyền
thống chứ không hề cầu kì chút nào. Lời thơ và hơi thơ cứ trôi chảy một
cách tự nhiên nhưng không trôi tuột đi mà ngược lại nó neo đậu, ám ảnh
và khơi gợi sự liên tưởng trong ta và truyền đến ta những cảm xúc ngây
ngất không cùng. Tôi nghĩ rằng, phu nhân của Đỗ Trung Lai khi đọc bài
thơ này dẫu có tức điên lên vì phu quân của mình đã bị hớp hồn bởi một
bóng hồng quan họ thì cũng sẽ thể tất cho chàng vì bài thơ hay quá!
14-5-2015
Song Thu