Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016
AO ƯỚC!
Sau khi xem clip
Chàng cứ buồn ngẩn ngơ
Đi đứng như cài bóng
Mắt dõi tìm vu vơ
Hình như chàng khao khát
Có được cô gái Mường
Như ông Nguyễn Hữu Trọng
Cho cuộc đời lên hương
Nghĩ cũng thấy thương thương
Nàng khuyên chàng tìm kiếm
Chàng thở dài ngao ngán
Số anh không nõn nường
Chẳng cô nào yêu thương
Anh kiếm làm sao được
Nên anh chỉ ao ước
Cho vui thôi em à...
Nghe chàng nói như rứa
Nàng vui hay buồn ha???
25-3-2016
Song Thu
Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016
VIẾT TRONG ĐÊM XUÂN PHÂN
Giữa xuân cuốc đã kêu rồi
Tiếng kêu da diết gọi đôi tìm bầy
Đất trời chao đảo như say
Mù giăng kín ngõ nồm bay ướt nhà
Vời trông non nước xa xa
Hôm qua cầu sập nay đà nổ bom
Khách nước ngoài tới tham quan
Người nài mua bán kẻ toan cướp đồ
Chao ôi những cảnh xô bồ
Kể ra biết đến bao giờ hết đây
Vì đâu nên nỗi thế này
Đêm đêm tiếng cuốc gọi bầy càng thương
21-3-2016
Song Thu
Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016
VUI CUỐI TUẦN
I- ĐỐI ĐÁP
Chị vợ tình cờ gặp anh chồng đi với bồ bèn hỏi
- Anh chị đi sắm đồ tết đấy à?
Cô bồ đáp:
- Vâng, thế anh nhà chị đâu mà không đi cùng chị
Chị vợ cười:
- Lão ta bận dắt chó đi dạo
II- QUÊN…NHỚ…
Phụ nữ luôn lo lắng về những gì đàn ông quên
Đàn ông luôn lo sợ về những điều phụ nữ nhớ
20-3-2016
Song Thu sưu tầm
Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016
MỪNG CHÀNG TỪ CHỨC
Hôm nay trả chức xóm quan rồi
Chàng Đỗ nhà ta thả sức vui
Thoải mái chát tom cho tới bến
Tha hồ ứ hự đến tàn hơi
Chẳng lo thuế đất chưa thu đủ
Hết ngại họp dân chửa kịp mời
Chỉ khổ vài nường đương lẻ bóng
Không người sớm tối tỉ tê thôi
17-3-2016
Song Thu
Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016
MỪNG BÁC LÊN TUỔI BẠC
Song Thu có anh bạn đồng hương Hưng Yên trên facebook. Năm nay anh tròn bảy mươi tuổi rồi nhưng vẫn còn phong độ lắm. Các con của anh làm ăn bên Đức nên hai anh chị thường thay nhau sang đó giúp đỡ chúng. Dù học Đại học kinh tế kế hoạch và công tác cũng trong các ngành liên quan đến kinh tế tài chính nhưng anh lại có tâm hồn thơ văn nên dù ở Việt Nam hay ở Đức, anh vẫn luôn sáng tác thơ ca. Anh sáng lập hai câu lạc bộ thơ ở thành phố Magdebủgr và thành phố Leipzig trên nước Đức. Năm 2012 anh được bầu làm Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật TP Leipzig và các vùng phụ cận CHLB Đức. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng về thơ như: Giải ba ( không có giải nhất) cuộc thi thơ tứ tuyệt Việt Nam 2009, giải nhất Xướng họa thơ " Ngày đàn ông" ở Đức... Ngoài ra anh còn tham gia các câu lạc bộ đàn và hát dân ca cùng bầu bạn Việt Nam ở Đức. Tết vừa rồi, anh về Việt Nam, nhân lễ mừng thọ lên tuổi bạc, anh làm một bài Đường luật mời bạn bè facebook họa. Song Thu họa lại bài xướng đó của anh. Hôm nay xin trình lang blog đây
BẢY MƯƠI XUÂN
(Thân mời các bạn Họa thơ)
Bảy mươi tuổi lão vẫn đương xuân
Tuyết phủ sương giăng chẳng ngại ngần
Bách bộ dăm cây còn thấy ít
Cầu lông mấy séc vẫn săn gân
Đời vui có bạn thơ cùng phú
Tuổi tác mà chi chuyện chẳng cần
Mặc sức văn chương lời bát ngát
Trăm xuân mấy lúc phúc đầy sân!
Vũ Lập 10.3.2016
MỪNG BÁC LÊN TUỔI BẠC
( Họa nguyên vận bài BẢY MƯƠI XUÂN của anh Vũ Lập)
Vào tuổi bạc rồi bác vẫn xuân
Vẫn ham tụ tập hát trong ngần
Thường xuyên leo dốc chưa chùn gối
Liên tục trèo non chẳng dãn gân
Sang Đức về Nam đều hăng hái
Rày thơ mai nhạc vẫn chuyên cần
Dồi dào phúc lộc thân cường tráng
Bạn hữu hòa vui tới chật sân
14-3-2016
Song Thu
Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016
CHUYỆN TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI VÀ BÀI THƠ TÌNH HAY NHẤT THẾ KỈ XX
Trần Thu Hằng
Chàng
là một sinh viên Việt Nam tài hoa với rất nhiều tài lẻ, du học tại Rumani những
năm 60 cuả thế kỷ XX. Nàng là sinh viên người bản xứ, xinh đẹp, tóc vàng, mắt
biếc. Như duyên trời định, họ bất ngờ gặp và quen nhau trong một kỳ nghỉ hè bên
bờ Biển Đen. Và họ yêu nhau. Tình yêu nồng nàn đắm say của tuổi trẻ dạt dào như
sóng biển. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ quá khắc nghiệt, chàng
bị “tổ chức” bắt buộc phải chia tay nàng mà không được tiết lộ với người yêu
nguyên do… Bỗng dưng chàng biến mất, cô gái đã phát bệnh tâm thần và lang thang
đi tìm người yêu ở tất cả những nơi trước đây 2 người đã từng hò hẹn, từng chỉ
non thề biển… Chàng trai đau khổ đến tột cùng khi phải câm lặng chứng kiến nỗi
đớn đau vì bị phụ tình của cô gái trong trái tim mình, chàng đã bật lên những
lời thơ, mà lúc ấy chàng không hề nghĩ rằng nó đã lập tức trở thành một trong những áng
thơ tình bất hủ và sau này còn được bình chọn là một trong những bài thơ tình
hay nhất thế kỷ XX…
*Rụt rè… vụ kiện đòi nhận
bản quyền của “thi phẩm bất hủ”
Hơn 30 năm qua, các
thế hệ sinh viên VN, đặc biệt là SV miền Bắc và những người yêu thơ đã cực kỳ
yêu thích bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban- căng”, một bài thơ tình với
những lời thơ nồng nàn, da diết: “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng/ Tìm không thấy
chỉ thấy trời im lặng/ Một mình em trong màn đêm thanh vắng/ Tim bồi hồi chân
bước vội dưới trăng”. Chúng tôi đã thuộc, đã chép cho nhau, truyền
tay nhau những câu thơ tình bất hủ, mặc dù không biết tác giả là ai, nhưng ai
cũng nghĩ rằng đó là câu chuyện tình của những chàng trai cô gái châu Âu xa
xôi. Cho đến năm 1990, khi NXB Văn hoá cho ấn hành cuốn sách Almanach
Người mẹ và phái đẹp, trong mục “Những bài thơ tình hay của Việt
Nam và thế giới” đã tuyển chọn bài thơ này và ghi rất rõ tác giả là Onga Becgon
(một nữ thi sỹ nổi tiếng của nước Nga) thì chúng tôi càng hồn nhiên tin rằng đó
là một tác phẩm xuất sắc của thi ca châu Âu, mặc dù NXB không ghi rõ ai là dịch
giả.
Thật bất ngờ, cuối
năm 2004, trong một lần gặp gỡ bạn bè thân thiết ở TP Hồ Chí Minh ra công tác
Hà Nội, vô tình tôi được tiếp xúc với kỹ sư hóa học Khổng Văn Đương. Thấy chúng
tôi nói chuyện văn chương, Khổng tiên sinh rụt rè thổ lộ rằng thời trẻ ông cũng
từng làm thơ, ông có bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng”
được in trong cuốn Almanach, nhưng tiếc rằng NXB lại nhầm là của Onga Becgon.
Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng sau khi nghe ông kể lại toàn bộ câu chuyện
tình của ông khi còn là chàng SV Việt Nam trên đất Rumani với cô gái người bản
xứ tóc vàng, bi kịch bị ép buộc phải từ bỏ tình yêu của mình và bức thư oán
trách của cô gái đã là khởi nguồn cho bài thơ ra đời, thì chúng tôi đã thực sự
bàng hoàng kinh ngạc. Và chúng tôi càng kính trọng tác giả của bài thơ hơn khi
biết rằng suốt mấy chục năm qua, ông đã giữ im lặng hoàn toàn, cho dù hàng
triệu người yêu thơ cũng như rất nhiều nhà xuất bản nghiễm nhiên coi “đứa con
tinh thần” của ông là của người khác. Thấy chúng tôi chân thành khuyên ông nên
làm đơn gửi kèm các chứng cứ đến Trung tâm quyền tác giả văn học (thuộc Hội Nhà
văn VN) yêu cầu xác minh, chứng nhận bản quyền, Khổng Văn Đương rụt rè thổ lộ:
ngay sau khi cuốn Anmanach do NXB Văn hoá xuất bản, ông đã viết một bức thư
định gửi cho NXB yêu cầu đính chính, nhưng đắn đo mãi đến nay vẫn chưa gửi.
*Chuyện tình không biên giới của chàng
SV Việt
Khổng Văn Đương sinh năm 1945, tuổi ất Dậu, quê ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông không chỉ học rất giỏi mà còn làm thơ hay. Đến nay ông vẫn còn lưu giữ nhiều bài thơ trong số hơn 100 bài do ông sáng tác, từ sáng tác "đầu tay" khi còn là HS phổ thông cho đến khi ông phải "ngửa mặt lên trời than rằng "từ nay ta không làm thơ nữa" và bẻ gãy cây bút vào năm 1969 bởi nỗi lòng đau khổ vì yêu"- theo như ông tâm sự. Năm 1965 ông được Bộ Giáo dục chọn đi học Đại học Hoá học tại trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Số phận run rủi hay duyên kỳ ngộ khiến mùa hè năm 1966 khi đi nghỉ mát tại Biển Đen, Khổng Văn Đương đã gặp Valentina một cô gái Rumani tóc vàng hạt dẻ, mắt xanh, cô 17 tuổi học sinh lớp 12.
- Một năm sau, vào
dịp nghỉ hè năm 1967, Valentina lên nhà ông chú ở Bucarest chơi, ngay chỗ tôi
đang học. Nàng gọi điện cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội
vàng đi gặp nàng. Chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt kỳ nghỉ hè. Đó là một thời
gian tuyệt đẹp - Khổng tiên sinh bồi hồi nhớ lại. Tình yêu của hai chúng tôi
nảy nở tốt đẹp, chúng tôi yêu bằng cả trái tim chân thành và trong sáng. Tôi đã
cùng người bạn học thân thiết là anh Doanh về thăm nàng tại quê vào mùa đông
năm 1967. Hôm đó bão tuyết mịt mùng, khi thấy tôi, nàng mừng đến nỗi nhảy chồm
lên ôm lấy tôi, rồi nàng giới thiệu tôi với bố mẹ. Sau đó mỗi lần tôi đến chơi,
mẹ nàng lại cho lúc giỏ táo, lúc trứng gà, lúc rượu trái cây. Nhưng tiếc rằng
thời điểm đó chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang vào giai đoạn khốc liệt,
nên chuyện yêu đương của bất cứ một SV Việt Nam nào với người bản xứ đều không
được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức SV tại Rumani chấp nhận. Tôi bị tổ chức phát
hiện, bắt làm kiểm điểm và yêu cầu phải chấm dứt quan hệ. Thấy rõ nguy cơ nếu
tiếp tục duy trì tình yêu thì sẽ bị trục xuất về nước, lúc đó thì gia đình, họ
hàng dòng tộc chắc không ai thèm nhìn mặt tôi nữa, vả lại thâm tâm tôi cũng
thấy phần nào có lỗi với các chiến sỹ ta đang chiến đấu ở chiến trường khốc
liệt, do đó trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định
hai chúng tôi phải cắt đứt quan hệ mà không nói lý do thực. Tôi hoàn toàn không
ngờ việc đó đã gây ra một hậu quả rất đau buồn đối với nàng. Sau đó khoảng nửa
tháng, tôi nhận được một lá thư của Valentina với lời lẽ hết sức bi thiết
và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài
thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng" chỉ trong một
buổi chiều. Bài thơ đã phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của
Valentina thể hiện trong thư nàng và tâm hồn tôi lúc đó cũng vô cùng trơ trọi,
trống vắng. Một điều hết sức đau khổ nữa là sau cú sốc đó, đang là SV trường
Đại học Tổng hợp Bucarets, Valentina bị ngẩn ngơ đến nỗi phải nghỉ học mất một
năm. Còn tôi bị tổ chức tịch thu tập thơ (trong đó có khoảng 50 bài tôi viết
cho nàng), cả thư từ, ảnh chụp với nàng. Vì vậy tôi đã bẻ bút, thề không làm
thơ nữa… Và cho đến nay, 40 năm trôi qua, tôi quả thực không hề làm một câu thơ
nào nữa, nhưng tôi có thể sẽ công bố một số bài thơ sáng tác lúc còn… chưa bẻ
bút…
*Kết thúc có hậu chính từ tình yêu đẹp
trong cuộc sống
- Vậy thời gian sau đó ông có thông
tin gì về nàng không?
- Sau khi về
nước công tác, tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm và lo lắng cho nàng. Nhưng
thật may mắn, năm 1979, có dịp đi công tác tại Tiệp Khắc, tôi đã hồi hộp tìm
kiếm cơ may gặp lại nàng. Đến Tiệp Khắc, tôi liền điện thoại tìm nàng. Mấy hôm
sau nàng đã cùng chồng và một đứa con có mặt tại Tiệp Khắc thăm tôi. Lúc ấy
nàng đang làm việc tại Hội hữu nghị Rumani-Đức. Tôi thật vui mừng khôn xiết vì
nàng khoẻ mạnh, vẫn xinh đẹp và đã có hạnh phúc gia đình, không như tôi vẫn
canh cánh lo cho nàng…
Câu chuyện tình của
Khổng Văn Đương quả có một kết thúc có hậu, và câu chuyện về bài thơ bị thất
truyền của ông cũng đã kết thúc có hậu. Đó là sau khi nghe theo lời khuyên của
chúng tôi, ông gửi hồ sơ đến Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn VN, Trung tâm
đã xác minh, và bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-Căng” đã
được trả lại tên cho khổ chủ, Khổng Văn Đương được cấp giấy chứng nhận bản
quyền tác giả.
Nhưng còn một bất
ngờ nữa mà chàng thi sỹ từng “bẻ bút rồi ngửa mặt lên trời thề không làm thơ
nữa” này không hề ngờ tới, đó là khi câu chuyện về tác giả đi tìm lại bản quyền
thơ sau gần 40 năm của ông được chúng tôi đăng tải trên một tờ báo, lập tức có
hàng nghìn bạn đọc ở khắp nơi trong nước và nước ngoài đã gửi thư, điện thoại
liên hệ với ông và với toà soạn. Nhiều người bạn cùng học biết rõ về ông, về
hoàn cảnh và xuất xứ bài thơ thì vui mừng vì tìm lại được bạn cũ sau mấy chục
năm xa cách, còn những người khác là SV cùng thế hệ với ông tại Rumani, thuộc
bài thơ, yêu quý bài thơ nhưng không hề biết mặt tác giả, hoặc quên mất tên tác
giả, dù họ đều biết xuất xứ bài thơ là của một chàng SV Việt sáng tác tại
Rumani. Khổng tiên sinh vui vẻ khoe:
- Ông Lâm Quế-
nguyên là Bí thư thứ 2 Đại sứ quán VN tại Rumani phụ trách lưu học sinh thời
ấy, cũng vừa đến thăm và an ủi tôi "Khổng Văn Đương nên coi chuyện cũ là
một kỷ niệm...".
- Thế là nhà hóa học Khổng Văn Đương
bỗng nổi tiếng như cồn với tư cách một nhà thơ có tác phẩm bất hủ của thế kỷ?
Cuộc đời quả không
định trước. Tôi bỗng nhiên gặp các bạn, khiến "máu" văn chương nổi
lên, thế là đem câu chuyện gần 40 năm không ai biết ra kể. Thực ra cũng đã có
lúc tôi định gửi thư cho NXB Văn hoá sau khi họ in Amanách, nhưng tôi lại sợ
không ai tin mình chứ. Khi các bạn khuyên tôi nên gửi đơn đến Trung tâm bản
quyền, tôi cũng làm theo với suy nghĩ không nhằm đòi hỏi một quyền lợi gì về
vật chất mà chỉ mong bất kể ai cũng có thể sao chép vào những mục đích tuyên
truyền văn hoá lành mạnh, tôi chỉ muốn bài thơ thêm chút thi vị và những bạn
yêu thơ có quyền biết về nguồn gốc ra đời của tác phẩm…
Em đi tìm anh
trên bán đảo Ban-căng
Khổng Văn Đương
Em đi tìm anh trên bán đảo
Ban-căng
Tìm không thấy chỉ thấy
trời im lặng
Một mình em trong màn đêm
thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội
dưới trăng
Em trèo lên đỉnh núi cao
Các-pát
Nhìn theo anh mất hút biết
về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời
Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra
chua chát!
Em lại đến Biển Đen xưa
dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi
triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em
phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả
trăng hiền!
Ôi dòng xanh rầm rì sông
Đa- nuýp
Mây trời in lồng lộng giữa
dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi
một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết
thương lòng!
Hỡi trái đất rộng làm chi
bát ngát
Cho loài người chia biên
giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn
bão cát
Cho tình anh chưa bén đã
lụi tàn?
Em xin hỏi Trời cao và Đức
Phật
Cõi Niết Bàn có mãi mãi
mùa xuân
Đâu trời Tây, đâu xa gần
cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ
trầm luân?
Con lạy Chúa Jêsu ban phép
lạ
Cho nước Người hết ly
biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước
Người đa tạ
Xin hoà tan làm một, ngàn
đời!
Em cầu nguyện. Còn anh anh
chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh
thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã
hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng,
vẫn chờ...
Vẫn trèo lên đỉnh cao
Các-pat
Vẫn theo dòng Đa-nuýp
những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa
dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo
Ban-căng!
Bucarest, 19-3-1969
( Song Thu sưu tầm)
Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016
KHOE QUÀ 08-03
He...he...
08-3-2016
Song Thu
Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016
CHỜ ANH
Hôm trước sang facebook thấy các bạn sồn sồn thi nhau sáng tác thơ với chủ đề : Chờ anh..." rôm rả quá. Bỗng dưng Song Thu lại nghĩ ngay đến một cô bạn của mình. Cũng ở vào cái độ tuổi sồn sồn như rứa, Nàng đã vương phải lưới tình và si mê đến độ từ bỏ cả người từng đầu gối má kề ngót hai chục năm trời để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Dù cho bạn bè và người thân có khuyên bảo cỡ nào đi nữa cũng không làm thay đổi cái quyết định sắt đá của nàng. Nhưng than ôi, người tình của nàng chỉ nói là iu nàng thôi chứ không dám đánh đổi bất cứ một thứ gì vì nàng. Bởi thế, nàng cứ đợi chờ một sự đổi thay cho cuộc đời mình trong vô vọng. Nghĩ đến nàng, Song Thu chợt nảy ra mấy câu để diễn tả cái cảnh chờ đợi ấy.
Chờ anh gió mát trăng thanh
Chờ anh hương bưởi hương chanh gội đầu
Chờ hoài chẳng thấy anh đâu
Tóc hương chanh đã nhuốm màu tàn đông
05-03-2016
Song Thu
Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016
NHẮN VỚI " THỢ RÈN"
"Thợ rèn" bận rộn nơi đâu
Bỏ trang blog buồn rầu ngẩn ngơ
Xóm nhà vắng một cây thơ
Hình như ai cũng cứ ngơ ngẩn sầu
"Thợ rèn" ơi... hãy mau mau
Gửi vào blog những câu tâm tình
03-03-2016
Song Thu
LỜI GIÃI BÀY CỦA MỘT GIÁO SƯ*
Nhìn lại cuộc đời đối với Đảng Cộng sản
Nguyễn Đình Cống
ĐẶT VẤN ĐỀTôi sinh năm 1937. Nhìn lại cuộc đời 80 năm qua có liên quan đến cộng sản (CS) tôi tạm chia thành 5 giai đoạn. (1) Lúc còn nhỏ (trước 1945) thỉnh thoảng nghe nói về CS, được tiếp xúc với một số đảng viên bí mật đến vận động cha tôi làm cách mạng, tôi biết và có cảm tình với CS từ đó. (2) Từ 10 đến 30 tuổi, được nghe tuyên truyền, được học và hoàn toàn tin tưởng vào CS, vào Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML). (3) Từ 30 đến 50 tuổi, khi đã thấy nhiều, biết nhiều, đặc biệt là qua chiêm nghiệm thực tế tôi có một số nghi ngờ về sự đúng đắn của CNML và CS. (4) Từ 50 đến 70 tuổi tôi thấy sợ vì nhiều người bị bắt bớ tù đày, bị thủ tiêu chỉ vì nói ra cái sai của CNML, hoặc bị Đảng CS nghi ngờ, vu oan giá họa. (5) Từ 70 tuổi trở đi, dần dần tôi vượt qua sự sợ hãi và dám công bố một số nhận thức, vạch ra cái sai lầm, độc hại của CNML. Tóm tắt 5 giai đoạn là: BIẾT, TIN, NGHI, SỢ, VƯỢT.
Sau khi tuyên bố ra Đảng (tháng 2-2016) tôi nhận được nhiều bình luận, có đồng tình, ủng hộ, có phê phán, thắc mắc, có cả chửi rủa, mạt sát. Tạm bỏ qua những lời đồng tình, ủng hộ với sự thông cảm chân thành, quên đi những lời chửi rủa, mạt sát mang đầy vu khống. Tôi chỉ xin đề cập đến những lời phê phán, những thắc mắc. Những điều này mới nghe qua thì thấy có lý, chứng tỏ người viết có suy nghĩ. Tuy vậy nó có thể đúng với người này, trong trường hợp này nhưng lại không đúng với người khác, trong ttường hợp khác mà chỉ khi suy nghĩ sâu sắc, khi có chiêm nghiệm rộng rãi mới nhận ra được. Xin tóm tắt thành các vấn đề sau:
1- Lúc trẻ đã mất công phấn đấu để xin vào Đảng, đến già tại sao lại dở chứng? Mà muốn ra thì lặng lẽ xin ra, việc gì phải công khai, phải chăng là muốn nổi tiếng?
2- Khi vào Đảng đã thề trung thành trọn đời đối với Đảng, với CNML, nay quay lại phê phán CNML và từ bỏ Đảng, như vậy là phản bội lời thề.
3- Nhờ có công ơn Đảng mới được đi học, được phong giáo sư tiến sĩ, về nghỉ có lương hưu, từ bỏ Đảng là việc làm của kẻ ngu dốt, vô ơn. Mục tiêu của Đảng là xây dựng đất nước hòa bình, tự do, dân chủ, hạnh phúc, văn minh. Ra Đảng phải chăng là chống lại mục tiêu cao đẹp đó. Biết bao nhiêu người theo Đảng, hy sinh xương máu để đem lại độc lập, thống nhất, việc từ bỏ Đảng là phản bội lại ông cha, là không thực hiện “uống nước nhớ nguồn”.
4- Chủ nghĩa không sai, Đảng không sai, xã hội có một số tệ nạn chỉ là do một số cán bộ thoái hóa biến chất, tại sao không dám trực diện đấu tranh với họ mà lại làm một việc dại dột là chống Đảng?
5- Tự cho là một trí thức chân chính sao không cống hiến hết mình mà lại từ bỏ Đảng.Việc ra Đảng chỉ làm mất uy tín, bị nhiều người phỉ nhổ. Có giỏi thì lập ra tổ chức để đấu tranh, vận động và dẫn đầu biểu tình chứ chỉ “làm anh hùng bàn phím” thì là đồ mạt hạng.
6- Ông đã 80 tuổi, nên an hưởng tuổi già bên cháu chắt, vui với chim cá, cây cảnh, dây vào chính trị làm gì. Nếu không thích chế độ xã hội chủ nghĩa do ĐCS lãnh đạo thì cuốn xéo ra nước ngoài mà ở.
Tôi sẽ lần lượt kiểm điểm từng vấn đề, xem rằng đó là việc tự nhìn lại cuộc đời đối với Đảng CSVN. Nghĩ rằng khá nhiều bạn cùng hoàn cảnh cũng có quan điểm tương tự nên xin dùng chủ ngữ “ chúng tôi” trong một số chỗ, để ngụ ý có một số người cùng nghĩ và làm như vậy chứ không phải chỉ một mình tôi.
VẤN ĐỀ 1. Phấn đấu vào Đảng và thông báo ra Đảng
Ngược với nhiều đảng viên khác, chúng tôi vào Đảng không nhằm đạt được quyền lợi cá nhân nào đó và không có việc phấn đấu để vào Đảng. Chúng tôi phấn đấu với mục tiêu trở thành người yêu nước chân chính, có trình độ cao về nhiều mặt, có đạo đức, có lý tưởng tốt đẹp. Mục tiêu đó cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn đảng viên. Khi tổ chức Đảng thấy cần kết nạp chúng tôi thì kết nạp mà không thì thôi. Chính vì lẽ đó mà nhiều trí thức thế hệ chúng tôi vào Đảng lúc đã là U50. Thời gian trước 1980 (khoảng chừng) Đảng rất hạn chế kết nạp các trí thức trình độ cao, có dính dáng đến thành phần thù địch giai cấp. Việc đó làm cho lực lượng Đảng ở các trường đại học không tương xứng với đội ngũ cán bộ khoa học và nhiệm vụ lãnh đạo công tác đào tạo. Từ 1980 về sau Đảng mới quan tâm hơn đến việc thu hút trí thức, mở rộng việc kết nạp những người xuất thân từ các thành phần bậc cao (trong cải cách xã hội, ông bà, bố mẹ bị qui là địa chủ, phú nông, tư sản, quan lại). Khi vào Đảng mọi người làm đơn xin, đối với chúng tôi đó chỉ là một thủ tục, chứ không phải là xin một quyền lợi, một vinh dự. Chúng tôi vào Đảng là để làm việc tốt hơn chứ không phải để có quyền lợi nhiều hơn, không nhằm đạt danh vọng hoặc vinh dự cao hơn. Đó là điều khác biệt với một số đông đảng viên khác. Điều này người ngoài ít khi nhận thấy. Những kẻ cơ hội xin vào Đảng để tìm quyền lợi hoặc danh vọng cũng như những người quen với suy nghĩ nông cạn không thể hiểu được điều đơn giản có thật vừa trình bày.
Vào Đảng để được làm việc tốt hơn, đến khi thấy vai trò đảng viên không còn tác dụng cho công việc, lại thấy quan điểm của Đảng và của cá nhân khác nhau (kiên trì hay từ bỏ CNML) thì việc ra Đảng là chuyện bình thường, không vi phạm đạo đức, không phải là tội lỗi.
Đã có nhiều đảng viên khi nghỉ hưu đã lặng lẽ bỏ Đảng bằng nhiều cách. Đầu tiên tôi cũng định chọn cách lặng lẽ, nhưng thời gian vừa qua, khi tôi công bố một số bài phê phán CNML thì có nhiều bạn góp ý, cho rằng tôi chỉ là một thằng hèn khi một mặt phê phán CNML, mặt khác vẫn đeo bám Đảng, các bạn khuyên tôi nên từ bỏ càng sớm càng tốt. Trước đó chính tôi cũng tự thấy như vậy. Tôi công khai việc làm là có phần trả lời góp ý đó và tin là nhờ vậy mà các bài viết của tôi có tác dụng hơn. Tôi biết có nhiều đảng viên cũng đang phân vân giữa việc ở lại và ra vì chưa lường trước được hậu quả công việc. Tôi đã vượt qua sự đắn đo, sự sợ hãi, làm một phép thử để các bạn tham khảo. Tôi không làm đơn xin mà viết thông báo vì nghĩ rằng đơn xin là bị động, phải chờ đợi sự xét duyệt. Đã xin thì phải chịu sự lệ thuộc, có thể được cho hoặc không. Hơn nữa tôi không muốn làm mất thì giờ của một số cán bộ Đảng phải họp để thảo luận và xét. Thông báo chủ động hơn, tiết kiệm thời gian hơn, hiệu quả hơn. Còn muốn nổi tiếng ư? Không! Tôi biết trước rằng khi công khai việc này sẽ nhận được không ít sự bất đồng, trách móc, phê phán, chửi rủa. Tôi phải chiến thắng sự sợ hãi và tâm lý an phận mới dám làm.
VẤN ĐỀ 2- Lời thề khi vào Đảng
Trong lễ kết nạp, đảng viên mới phải tuyên thệ. Lời thề thường gồm 4 nội dung: 1- Trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng CS. 2- Học tập thấm nhuần, làm theo tư tưởng, đường lối của CNML, xem đó là kim chỉ nam. 3- Làm tốt mọi nhiệm vụ đảng viên. 4- Có liên hệ và công tác quần chúng tốt.
Đối với nhiều người khác thì lời thề ấy thường được soạn theo mẫu do Chi ủy hướng dẫn. Tôi biết trong nhiều trường hợp người ta đọc lời thề chỉ là làm cho đủ thủ tục hình thức, còn trong thâm tâm họ nghĩ khác. Khi vào Đảng tôi đã 48 tuổi và là phó giáo sư, tiến sĩ, trưởng bộ môn. Tôi không muốn làm kiểu sáo vẹt mà phải trung thực, vì vậy tôi tự soạn ra lời thề cũng gồm 4 nội dung, điều 3 và 4 gần gần như theo mẫu, còn điều 1 và 2 đã sửa theo cách khác. Xin chép lại: Điều 1- Xin thề tuyệt đối trung thành với lý tưởng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho đất nước hòa bình, độc lập thống nhất, xây dựng xã hội tự do dân chủ, công bằng, vì sự phát triển của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Điều 2- Xin thề không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt, nghiên cứu sâu sắc CNML, Chủ nhĩa cộng sản và con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Bây giờ xem lại tôi thấy đã không vi phạm, không phản bội lời thề ở chỗ nào hết. Tôi thề tuyệt đối trung thành với lý tưởng và sự nghiệp tốt đẹp chứ không thề trung thành với Đảng, bây giờ tôi vẫn trung thành với lý tưởng và sự nghiệp đó. Tôi thề nghiên cứu sâu sắc CNML, CNCS, con đường CNXH chứ không thề trung thành với những điều ấy. Chính nhờ nghiên cứu sâu sắc mà tôi phát hiện ra những sai lầm, những độc hại trong đó, thấy rồi tôi tìm cách nói lại với mọi người. Những ai cho rằng tôi đã phản bội lời thề vì họ tưởng nhầm tôi cũng đã đọc lời thề theo kiểu sáo vẹt như nhiều người khác. Mà nếu có ai đó khi được kết nạp có thề trung thành với Đảng, với CNML, bây giờ họ thấy đã bị nhầm, họ ra Đảng thì đồng thời họ có quyền xóa bỏ lời thề đã đọc, việc đó không có gì sai trái.
VẤN ĐỀ 3- Mục tiêu của Đảng, công ơn Đảng, uống nước nhớ nguồn
Đảng tuyên truyền rằng “Mục tiêu là xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, dân chủ, công bằng, giàu mạnh, văn minh”. Đối chiếu vào thực tế thì thấy đó là mong ước của nhiều đảng viên, cũng là một phần mục tiêu của Đảng khi mà quyền lợi của dân tộc và của Đảng là thống nhất. Mà oái oăm thay, quyền lợi của Đảng, đặc biệt là quyền lợi của các nhóm lợi ích bậc cao trong Đảng có nhiều khi mâu thuẩn với quyền lợi dân tộc. Mục tiêu cao hơn của Đảng, mục tiêu chủ yếu là bảo vệ Đảng bằng bất kỳ giá nào, là kiên trì CNML, là giữ vững nền độc tài toàn trị. Còn mục tiêu của nhiều cán bộ từ thấp đến cao là lo thu hồi vốn bỏ ra khi chạy chức chạy quyền và làm giàu cá nhân, là lo bảo vệ lợi ích nhóm. Như vậy mục tiêu xây dựng đất nước như trên chủ yếu là để tuyên truyền, lôi kéo nhân dân đi theo. Đảng cũng bắt buộc phải nêu khẩu hiệu “Đặt quyền lợi dân tộc lên trên”, nhưng đó chỉ là thủ đoạn tuyên truyền. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng “VN là đất nước không chịu phát triển”, rằng để phát triển đất nước thì việc đầu tiên là phải cải cách thể chế chính trị. Như vậy, việc chúng tôi vạch ra những sai lầm của CNML, của thể chế và ra khỏi Đảng không phải nhằm chống lại mục tiêu tốt đẹp xây dựng đất nước mà là chống lại những cản trở để thực hiện mục tiêu đó, chống lại sự tuyên truyền ngụy biện, chống lại sự nô dịch về tư tưởng và thông tin.
Về công ơn Đảng. Một thực tế của lịch sử là ĐCS đã độc quyền lãnh đạo và quản lý đất nước trong thời gian qua, nhưng dân tộc được hay bị cái sự ấy thì xin tạm gác lại. Chỉ xin bàn đến vấn đề đối với từng cá nhân. Rõ ràng là có một số người nhờ có Đảng mà đã thoát cảnh lầm than, trở nên ông này bà nọ. Nhưng không phải toàn bộ dân VN đều như thế. Rõ ràng là Đảng đã lãnh đạo để có chiến thắng 30 tháng 4, nhưng nói về nó Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có câu để đời: “Triệu người vui và triệu người buồn”. Trong cải cách ruộng đất, nhiều bần cố nông vui mừng được chia quả thực, họ rất nhớ công ơn Đảng. Trong khi có hàng vạn phú nông, địa chủ, nhân sĩ trí thức, kể cả nhiều người có công với cách mạng và kháng chiến chống Pháp bị sát hại, bị “đạp đầu xuống bùn đen vạn kiếp”. Những nhà tư sản bị tịch thu tài sản, bị đuổi đến vùng kinh tế mới, những thuyền nhân mà không ít bỏ xác giữa biển, những người của Việt Nam Cộng Hòa bị bắt vào các trại cải tạo, những dân oan… Những người vừa kể không bao giờ nhờ công ơn Đảng. Mà tất cả họ đều là người Việt.
Về các giáo sư tiến sĩ (GSTS). Có rất nhiều người Việt trở thành GSTS, kể cả nhà khoa học lớn mà không nhờ gì đến công ơn ĐCSVN, thậm chí một số còn tích cực chống lại chủ thuyết CS, họ đang làm việc có hiệu quả khắp nơi trên thế giới. Một số trí thức lớn như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, v.v. đã phục vụ đắc lực cho ĐCS thì cũng không phải nhờ Đảng họ mới có tri thức và khả năng cần thiết.
Có khá nhiều GSTS được đào tạo từ dưới chính thể của ĐCSVN. Loại trừ một số GSTS dổm, chạy được học vị, học hàm nhờ vào mưu mô, thế lực hoặc tiền bạc thì cũng có một số trở thành GSTS thứ thiệt, có trình độ là nhờ công ơn Đảng. Số người này nếu không có Đảng nâng đỡ thì chưa chắc đã học xong phổ thông chứ nói gì đến GSTS. Nhưng một số khác thì không phải như vậy.
Đảng bắt đầu mở rộng đào tạo trí thức bậc cao vào khoảng từ 1960 trở đi bằng cách gửi người sang các nước XHCN. Bắt đầu chỉ chọn các đảng viên hoặc người xuất thân từ công nông, nhưng không đủ, bắt buộc phải mở rộng cho các thành phần khác. Khi cử người đi học thì mục tiêu của Đảng không phải là ban ơn cho một ai đó mà là đào tạo cán bộ để phục vụ Đảng. Trước khi ra nước ngoài chúng tôi được học chính trị, được chỉnh huấn, được cán bộ Đảng căn dặn rất kỹ càng là đi học cũng là một nhiệm vụ quan trọng do Đảng giao, phải học tốt để về phục vụ Đảng. Như vậy việc được đi học không phải là chịu sự ban ơn, đành rằng mỗi chúng tôi đều biết ơn trong việc cụ thể này. Việc được phong giáo sư cũng chủ yếu không phải là nhờ sự ban ơn của Đảng, mà chủ yếu là do sự nổ lực hoạt động khoa học của cá nhân, ai đã từng nhận danh hiệu này một cách chính đáng đều biết rõ như vậy.
Kể cả khi bạn thực sự nhờ công ơn Đảng mới có được học vị, học hàm xứng đáng thì đức tính trung thực và lòng tự trọng không cho phép bạn làm ngơ trước những sai lầm của CNML, không cho phép bạn tự biến mình thành kẻ chỉ biết phục tùng, cúi đầu phụ họa, chỉ biết ca ngợi một chiều để giữ được miếng cơm manh áo và sự yên ổn tạm thời cho bản thân và gia đình.
Về “uống nước nhớ nguồn” tôi đã viết và công bố bài “Những ai đã phản bội ông cha” chứng minh rằng chính một số ông cha chúng ta đã chọn sai con đường theo CNML, nay chúng ta phải sửa sai, và bọn người thực sự phản bội sự hy sinh xương máu của ông cha chính là những kẻ đang củng cố sự độc quyền toàn trị và bọn lợi ích nhóm đang cố duy trì chế độ lỗi thời để tham nhũng, để vinh thân phì gia. Về đóng góp xương máu thì gia đình tôi có 5 liệt sĩ là cha tôi và 4 người con cháu của ông. Gần đây tôi đã xây dựng được nhà thờ để thờ tự các liệt sĩ và tổ tiên. Nói rằng việc làm của chúng tôi là sự phản bội ông cha, không thực hiện việc uống nước nhớ nguồn là không đúng, là vu cáo.
VẤN ĐỀ 4- Đảng không sai, chỉ có cá nhân sai
Một số người cho rằng CNML luôn đúng, Đảng không sai, chỉ có một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm sai. Thì đấy, ngay như chuyện tham nhũng hoặc mất dân chủ, Đảng luôn kêu gọi chống lại, thế mà nó vẫn phát triển, chỉ là do cán bộ không thực hiện mà thôi. Những người nghĩ và tin như vậy thực ra đã được nghe tuyên truyền chỉ từ một nguồn, đã bị nhồi sọ bởi những lập luận ngụy biện. Chúng tôi hồi trẻ vẫn tin như thế, nhưng rồi dần dần, được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau và đặc biệt chiêm nghiệm từ cuộc sống thực tế, tự suy nghĩ sâu sắc một cách khoa học mới nhận ra không phải như vậy. Phần lớn những điều tốt đẹp mà Đảng nói tới chủ yếu chỉ là tuyên truyền ngụy biện, còn sự toàn trị của Đảng hàng ngày hàng giờ sinh ra và nuôi dưỡng các tệ nạn đủ thứ. Câu nói “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi xanh tươi” hoặc “Chớ cả tin vào lời người ta nói, hãy xét xem việc họ làm” đã được lịch sử nhân loại kiểm nghiệm, đúng cho mọi lý thuyết, cho mọi người, mọi tổ chức, không riêng gì cho CS.
Về các bài viết và việc làm của tôi, một số người cho là tôi cố ý chống lại ai đó (lãnh đạo chẳng hạn), chống Đảng , chống CNML. Tự trong thâm tâm tôi không muốn chống ai cả mà chủ yếu là muốn cung cấp thông tin nhằm thức tỉnh những ai muốn tìm hiểu các quan điểm khác nhau. Còn đối với những người chỉ biết tin theo một nguồn, chỉ cố giữ chặt một quan điểm thì làm sao lay chuyển họ được! Kể ra tìm cho kỹ thì cũng có lúc tôi chống đối nhưng không chống ai cả mà là chống lại những quan điểm, những việc làm mà tôi cho là sai quy luật, là có hại cho dân tộc và nhân loại.
VẤN ĐỀ 5- Bàn về cống hiến
Đối với mỗi người cống hiến quan trọng nhất là trong việc phát triển đất nước và nhân loại. Tùy hoàn cảnh, tùy thời gian mà việc cống hiến này sẽ là tốt hơn khi ta ở trong hoặc ngoài Đảng. Trước đây thấy rằng vào Đảng sẽ có khả năng công tác tốt hơn nên chúng tôi gia nhập khi Đảng yêu cầu. Bây giờ thấy sự ra khỏi Đảng sẽ có tác dụng tốt hơn cho sự phát triển nền dân chủ của đất nước nên chúng tôi ra. Như vậy việc ra Đảng đã không làm giảm mà về khía cạnh nào đó còn làm tăng sự cống hiến, tất nhiên đó là cống hiến cho dân tộc chứ không phải là cống hiến, là hy sinh để bảo vệ những sai lầm của Đảng.
Riêng bản thân tôi, tự kiểm điểm trong cả cuộc đời cho đến bây giờ tôi đã làm việc hết sức mình để đóng góp vào sự phát triển của đất nước và đạt nhiều thành tích đáng kể, bạn bè, học trò của tôi, lãnh đạo những đơn vị và địa phương quản lý tôi đều biết rõ, tôi xin không kể ra vì đây không phải là nơi báo cáo thành tích.
Trong việc đấu tranh cho nền dân chủ, mỗi người tùy hoàn cảnh mà chọn cho mình công việc thích hợp. Việc lập tổ chức này khác, việc dẫn đầu biểu tình hoặc đi vận động việc nọ việc kia đã có nhiều người thich hợp hơn. Tôi, một giáo sư 80 tuổi, tôi chọn công việc thích hợp và không kém phần quan trọng là viết bài để thức tỉnh những ai còn ngộ nhận, những ai muốn tìm hiểu sự thật. Để làm việc đó cần trí tuệ và lòng dũng cảm, công việc cũng khá khó khăn, và làm được sẽ có lợi cho phong trào. Nếu làm như vậy mà có bị ai đó chê bai, trách móc, coi thường thì tôi cũng chấp nhận mà không có gì phải tự ái, không việc gì phải xấu hổ.
VẤN ĐỀ 6- Tuổi già và sự an nhàn
Tuổi già muốn được an nhàn, đó là tâm lý chung cần được tôn trọng. Nhưng có một số người già vẫn còn sức lực và trí tuệ, đặc biệt là vẫn còn nhiệt tình hoạt động giúp ích cho đời . Trong hoạt động vì độc lập tự do của đất nước, vì dân chủ và hạnh phúc của nhân dân nhiều chiến sĩ cách mạng thề phấn đấu đến hơi thở cuối cùng, nguyện trọn đời phục vụ nhân dân. Những người già như vậy càng nên được tôn trọng hơn chứ không nên tìm cách dè bỉu hoặc ngăn cản. Hồ Chí Minh có một số câu thơ, năm 1947 Người viết tặng 3 cụ ở Cao Bằng: Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm giết giặc ào ào gió thu… Năm 1960 Người viết: Càng già càng dẻo lại càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai…
Tôi xin cám ơn những lời khuyên nên giữ an nhàn, đừng dây vào chính trị. Trong những lời khuyên đó có những tấm lòng tốt, lo cho sức khỏe và sự an nguy của tôi. Nhưng tôi không theo được vì tôi chưa muốn, chưa thể dẹp bỏ nguồn trí tuệ tìm kiếm chân lý, chưa dập tắt được ngọn lửa nhiệt tình muốn cống hiến cho xã hội tốt đẹp hơn. Tôi cũng nhận thấy trong một số lời khuyên có ẩn nấp sự sợ hãi. Ngoài những thứ sợ thông thường của kiếp người như sợ chết, sợ ốm đau, bệnh tật, tai nạn, sợ đói khổ, chia ly, v.v. thì Đảng CS đã tạo ra và duy trì được nhiều nỗi sợ nữa cho nhân dân, cho đảng viên, cho cả các cán bộ cao cấp. Người ta sợ bị sát hại, bị đàn áp, tù đầy, sợ bị mang tiến phản bội, phản động, mang tội chống Đảng, chống chế độ, sợ bị vi phạm kỷ luật và những điều cấm, sợ bị mọi người xa lánh, sợ bị mất miếng cơm manh áo, sợ bị ảnh hưởng đến lý lịch và đời sống của con cháu… Sợ quá làm cho người ta trở nên hèn kém, mang nặng tâm lý nô lệ. Sợ quá làm người ta trở thành kẻ dối trá. Tôi đã sợ hãi như thế trong hơn 20 năm, một thời gian quá dài, nay đã phần nào vượt qua được.
Một số bạn xui tôi ra nước ngoài mà ở. Sao lại xui dại nhau thế, hay đấy là lời thách thức, một ý muốn xua đuổi. Tôi biết nhiều ngoại ngữ, lại có nhiều con cháu đang định cư tại nước ngoài, việc ra đó để sống nốt quảng đời còn lại đối với tôi là không có gì khó nhưng tôi không muốn. Tôi muốn và cần ở lại trong nước vì nhiều lý do chứ không chỉ cầu mong sự an nhàn của tuổi già.
LỜI KẾT
Tôi viết là nhằm trao đổi với những người bạn có thiện chí, muốn thực tâm tìm hiểu sự việc chứ không phải để tranh luận với những người chỉ biết mạt sát, chửi rủa một cách vô căn cứ. Kể ra để giải đáp được rõ hơn một vài thắc mắc thì cần viết mỗi vấn đề thành một tiểu luận với chứng minh chặt chẽ và nhiều dẫn chứng sinh động, tôi cũng có thể làm việc đó, nhưng xét ra cũng đã có nhiều người làm. Bài đã quá dài, xin tạm dừng, mong được thông cảm.
N.Đ.C.
( Song Thu sưu tầm. Nguồn Bauxite.Việt Nam)
Chú thích: * Song Thu đặt tiêu đề cho bài sưu tầm của mình
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)