Nhiều người trước khi cưới nhau thường đi coi thầy để xem cưới nhau
có hạp hay không, nhưng từ nay mọi người khỏi cần phải đi coi thầy nhé,
chỉ cần biết năm sinh là đủ. Tuy nhiên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, quan trọng vẫn là
yếu tố con người. Nếu sống đúng như lời ông bà ta thường dạy: “Chồng
giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê” thì đôi lứa dễ đi
đến bến bờ hạnh phúc.
Mọi người dò năm sinh của mình rồi
nhìn sang cột nam/nữ để có cung mệnh. Sau đó đối chiếu kết quả của vợ
chồng với nhau, mọi người sẽ được kết quả:
( Chị Thúy Ngoan mặc áo đỏ, đứng thứ tư từ trái sang. Đây là ảnh chị đăng cùng với bài thơ trên facebook)
Nonkhongquai HP là nick của Nguyễn Thị Thúy Ngoan Hải Phòng trên Facebook.
Chị là hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi chưa hề diện kiến chị, chỉ được đọc thơ chị trên Facebook. Thế rồi
chính những vần thơ ấy đã làm tôi thích thú và tôi chủ động làm quen,
giao lưu cùng chị qua trang mạng này. Càng giao lưu, tôi càng cảm mến
chị hơn vì chất nữ tính sâu đằm mà chân thành mãnh liệt của người thiếu
phụ không may mắn trong đời tư nhưng lại mạnh mẽ trước cuộc đời và phong
phú, tinh tế trong nội tâm cũng như trong thi ca. Nhất là mảng thơ chị
viết về đề tài nỗi lòng người góa phụ. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy
ai viết nhiều, viết hay và làm xúc động lòng người về vấn đề này như
chị. Tôi đã có ý định viết đôi dòng cảm nhận về những thi phẩm đó song
chưa làm được. Hôm nay, đọc được bài: “ Năm em đội nón không quai”
trên trang Facebook của chị, thế là tôi nổi hứng viết luôn. Chẳng phải
đây là bài thơ xuất sắc nhất của chị về đề tài “ Nón không quai”. Nhưng
tôi lại rất hứng thú với cái cảnh ngộ éo le và bản lĩnh sống của những
người góa phụ qua một bài thơ vừa như cười cợt, vui vui, hom hóm mà vẫn
trĩu nặng nỗi niềm. Theo lời phi lộ của chị khi viết bài thơ này là :
các chị đi dự Câu lạc bộ thơ Lục Bát của thành phố Cảng, có 5 nữ sĩ thì
cả 5 chị đều là góa phụ. Trước khi đọc thơ, tôi cứ nghĩ chắc sẽ là
những vần thơ than thân trách phận và buồn não nuột đây. Nhưng không!
Bài thơ đã thể hiện một cách cụ thể, chân thực và sinh động về hoàn
cảnh, thần thái, cốt cách, tinh thần và nghị lực sống của các chị, những
“chiếc nón không quai “ thời hiện đại. Điều này đã được thể hiện khá rõ
ngay từ mấy câu mở đầu của bài thơ: Gặp nhau lục bát Vân Tra Năm em xinh xỉnh như hoa cuối mùa Kệ đời nắng héo ruột dưa Cứ son, cứ phấn mặc mưa chòng chành
Dẫu các chị chẳng phải là những tuyệt thế giai nhân mà chỉ là: “ Năm em
xinh xỉnh như hoa cuối mùa” và lại còn phải sống trong cảnh góa bụa, cô
đơn với biết bao buồn đau, hiu hắt đến héo hon cuộc đời như “ nắng héo
ruột dưa”, nhưng có hề gì, các chị vẫn rất chủ động tự tin và tự chủ
trong cuộc sống của mình: “ Cứ son, cứ phấn mặc mưa chòng chành”
Những từ miêu tả thái độ sống như: “ kệ”, “ mặc” và “ cứ” trong khổ thơ
trên được tác giả sử dụng rất đắc địa đã thể hiện thật xuất sắc ý thức
sống tích cực và mạnh mẽ của người phụ nữ hiện đại. Họ không chịu cúi
đầu trước số phận mà vượt lên số phận để sống thật đàng hoàng. Đâu
chỉ có những khổ đau từ chính cảnh ngộ góa bụa thiệt thòi, những “ chiếc
nón không quai” ấy còn chịu bao khổ đau vì thói xấu của người đời vô
tình hoặc hữu ý gây nên: Đời cong hùa gió vít cành Con thuyền không bến mong manh kiếp người Cạn ngày tóc bạc xuân phơi Nón không quai lội giữa đời như không
Hai khổ thơ cùng diễn tả nỗi khổ đau của người quả phụ nhưng lại gợi ra
những đau khổ khác nhau. Khổ một là nỗi khổ tự thân cảnh ngộ góa bụa.
Đó là nỗi khổ đau của nội tâm, của tinh thần vì thiếu vắng người bạn
đời, thiếu vắng một bờ vai nương tựa nên nó héo hắt đơn côi cô quạnh (
nắng héo ruột dưa). Khổ hai lại diễn tả cái khổ do ngoại cảnh tác động
vào. Nó như sự vùi dập , đổ thêm nỗi khổ lên người ta khiến cho cuộc đời
những góa phụ như oằn xuống trĩu nặng khó mà ngóc đầu lên được : “ Đời
cong hùa gió vít cành”. Vậy mà trong cảnh ngộ ấy, các chị lại hiên
ngang, bình thản vượt qua: “ Nón không quai lội giữa đời như không”. Tôi
rất thích từ “lội” trong câu thơ này vì nó miêu tả thật đúng hình ảnh
những góa phụ dám ngẩng cao đầu để sống, dám đạp lên muôn vàn định kiến
hay đố kị của cuộc đời mà bình thản vượt qua thật tự tin và cũng vô cùng
quyết liệt vậy. Hai khổ thơ cùng diễn tả nỗi khổ và sự vượt qua mọi khổ
đau của người góa phụ nhưng lại không hề trùng lặp thì khéo thật và
cũng công phu thật trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ của thi sĩ Thúy
Ngoan. Chị đã làm ta hình dung cụ thể hơn và cũng thấm thía hơn nỗi khổ
đau mà những góa phụ phải trải qua và vượt lên trong cuộc sống của mình
. Một cô bạn góa bụa đã than phiền với tôi rằng: “ Thân góa bụa khổ
trăm bề chị ạ. Nuôi con một mình, lo toan một mình đã đủ khổ rồi. Nhất
là những đêm đông lạnh lẽo mưa gió thì nỗi khổ càng nhân lên bội phần.
Chẳng ai thấu hiểu sẻ chia đâu mà chỉ thấy gia đình nhà chồng và hàng
xóm láng giềng để ý từng tý một. Nếu mình ăn mặc tươm tất lại có người
đàn ông nào đến chơi nữa thì họ đã xì xèo bàn tán này nọ rồi.Thậm chí vợ
chồng người bạn thân lâu ngày của em nhưng từ khi em góa bụa cũng có
phần lảng tránh nữa mới buồn chứ. Anh chồng ngại tiếp xúc với riêng em
đã đành, vợ anh ấy cũng dè chừng em, hình như sợ em có tình ý gì với
chồng chị thì phải. Cứ nghĩ đến chuyện này em lại chảy nước mắt một
mình. Thế đã xong đâu , không ít người đàn ông còn quan niệm “ gái góa
vợ chạ thiên hạ” nên họ cứ bờm xơm ve vãn rất vô duyên. Hình như họ nghĩ
chúng em thiếu thốn tình cảm nên thích được tán tỉnh vuốt ve và họ thể
hiện điều đó như một sự ban ơn, chứ không hề thật lòng, hay có ý thức
trách nhiệm gì với tình cảm của mình đâu. Cũng có lúc em bi quan chán
nản lắm, nhưng rồi lại nghĩ, mình phải sống thật đàng hoàng để nuôi con
khôn lớn và để những người kia không thể xem nhẹ mình như thế được. Có
lẽ chị Thúy Ngoan cũng từng phải nếm trải những cảnh ngộ như vậy chăng?
hay do sự thấu hiểu nông nổi từ cuộc đời mà chị đã khái quát tình cảnh
ấy bằng những khổ thơ thấm đẫm chất đời và làm lay động lòng người đến
thế! Một điều đặc biệt nữa của những góa phụ trong thi phẩm này là
các chị không chỉ tự tin , chủ động vượt qua mọi khó khăn của cảnh ngộ
mà còn ngạo nghễ bày tỏ những khát vọng của lòng mình, những ao ước của
chính mình rất chân thành thẳng thắn : “ Ước bây giờ đũa có đôi Ước mâm có bát, ước tôi có chàng” Và phớt lờ những định kiến trói buộc con người, các chị mạnh mẽ vẫy gọi: “ Nào ai dám xé rào ngang Gai hồng cào xước đa mang ai nào Đời em như hạt mưa rào Có ai làm nón quai thao một ngày Ừ thì hạnh phúc đi vay Khế chua sung chát đắng cay quen rồi Năm em gái góa giữa đời Vắt nghiêng câu lục xin mời bát gieo…
Không hiểu sao, đọc những câu thơ này, tôi luôn cảm nhận được rất nhiều
ý nghĩa khác nhau. Vừa thấy ẩn sau sự mạnh mẽ tưởng chừng như ngang
tàng, ngạo nghễ và thách thức trước cuộc đời ấy là một sự yếu mềm, một
thương thân tủi phận , một khát khao nương tựa, một mong mỏi cảm thông,
một ước mơ yên ổn từ sâu thẳm cõi lòng của những “ chiếc nón không
quai”, những “con thuyền không bến” vốn rất nhiều chìm nổi chòng chành.
Lại như thấy ẩn trong điều vẫy gọi kia là thấp thoáng một ánh mắt và nụ
cười tinh quái của những góa phụ trải đời như ngầm nói với các đấng mày
râu rằng: chúng tôi thừa hiểu sẽ chẳng mấy ai dám “ xé rào ngang” dám
“đa mang” đâu, nhưng chúng tôi vẫn cứ sống đường hoàng và bản lĩnh, dẫu
cuộc đời chẳng thiếu những đắng cay. Xin các người đừng ve vãn, đùa cợt
với nỗi niềm của chúng tôi! Dẫu chúng tôi cần lắm một bờ vai, một sự
chung đôi thì đó cũng phải là một bờ vai đủ để tin yêu trân trọng chứ
không phải là một cuộc chơi. Phải chăng những câu hỏi tu từ: ( nào ai,
ai nào, có ai) kết hợp với những từ ngữ biểu cảm: ( hạnh phúc đi vay,
khế chua sung chát đắng cay quen rồi) vừa như lời cật vấn vẫy gọi táo
bạo lại vừa như tiếng than thật chua chát, tất cả tạo ra sự đa thanh, đa
nghĩa cho đoạn thơ này ? Mở đầu bài thơ là hình ảnh : “ Năm em
xinh xỉnh như hoa cuối mùa/ Mặc đời nắng héo ruột dưa/ Cứ son cứ phấn
mặc mưa chòng chành” và kết thúc lại là hình ảnh: “ Năm em gái góa giữa
đời/ Vắt nghiêng câu lục xin mời bát gieo” đã tạo nên chất hài hài hom
hóm rất có hồn và rất đáng yêu. Ta như nhìn thấy lấp lánh trong những
câu thơ đó là nụ cười của các góa phụ tự tin, tự chủ trong cuộc sống của
chính mình. Và xuyên suốt bài thơ vẫn là một tinh thần ấy. Có thể
nói, bài thơ là sự trải lòng của những người góa phụ trước cuộc đời. Sự
trải lòng ấy được chị Thúy Ngoan viết ra bằng thể thơ lục bát vốn nhịp
nhàng, mềm mại, giàu nhạc điệu dễ đi vào lòng người, kết hợp với việc sử
dụng rất nhiều thành ngữ giàu sức khơi gợi:( Nón không quai, nắng héo
ruột dưa, hùa gió vít cành, thuyền không bến, tóc bạc xuân phơi, đũa có
đôi, mâm có bát, khế chua sung chát…) , cùng với nhịp thơ linh hoạt,
giọng điệu tưng tửng và các động từ mạnh như: ( kệ, mặc, cứ, lội,
ước,nào, ừ thì) …, nhiều khi những từ ngữ ấy còn được lặp đi lặp lại làm
cho bài thơ mạnh mẽ hơn để thể hiện thái độ của nhân vật trữ tình trong
thơ cũng dứt khoát hơn, quyết đoán hơn. Tất cả, tạo nên một thi tứ đậm
chất liệu dân gian vừa rất quen thuộc mà cũng rất mới lạ đã diễn tả thật
sâu sắc cái cảnh ngộ éo le, cái nỗi niềm chua chát cũng như sự mạnh mẽ
vươn lên dù rất khó khăn nhưng vô cùng quyết liệt và tự tin để trụ vững
trước cuộc đời của những người góa phụ vốn rất mong manh . Vì thế mà nó
tạo nên một tiếng thương cảm sâu xa, một sự thức tỉnh với những ai đó
còn vô tình hay hữu ý làm tổn thương những người cô lẻ thiệt thòi. Để
rồi từ đó, mỗi người tự biết cảm thông chia sẻ, biết nâng niu trân trọng
và nhất là biết tinh tế nhẹ nhàng hơn trong ứng xử với nhau. NĂM EM ĐỘI NÓN KHÔNG QUAI (Nguyễn Thị Thúy Ngoan) Gặp nhau lục bát Vân Tra Năm em xinh xỉnh như hoa cuối mùa Kệ đời nắng héo ruột dưa Cứ son, cứ phấn mặc mưa chòng chành Đời cong hùa gió vít cành Con thuyền không bến mong manh kiếp người Cạn ngày tóc bạc xuân phơi Nón không quai lội giữa đời như không Năm em, năm bến, chẳng chồng Mỗi người một cảnh bão giông sóng dồi Ước bây giờ đũa có đôi Ước mâm có bát ước tôi có chàng Nào ai dám xé rào ngang Gai hồng cào xước đa mang - ai nào? Đời em như hạt mưa rào Có ai làm nón quai thao một ngày Ừ thì hạnh phúc đi vay Khế chua, sung chát, đắng cay quen rồi Năm em gái góa giữa đời Vắt nghiêng câu lục xin mời bát gieo...
Sao Đỏ 03-7-2016
Song Thu
“Bắc kim thang cà lang bí rợ” có
thể được coi là câu hát cửa miệng của tất cả chúng ta thời thơ ấu, thế
nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó, thậm chí tôi dám cam đoan
đến hơn 90% chúng ta hát sai câu hát này.
Trước khi tìm hiểu thế nào là “bắc kim
thang, cà lang bí rợ”, tôi xin kể lại một câu chuyện cổ tích mà mình
nghe được trong chuyến đi công việc tại Long Xuyên khoảng 5 năm trước.
Người kể câu chuyện này là một cụ bà khoảng gần 80 tuổi, tụ tập cháu
chắt lại rồi vừa ngồi bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện.
Chắc hẳn rằng nghe xong mọi người sẽ hiểu thêm về việc mà chúng ta đang bàn tới ở đây:
“Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nọ,
có hai người bạn làm nghề buôn bán cùng nhau. Một người đi soi đèn bắt
ếch về đêm, còn anh kia thì chuyên đi bán dầu thắp đèn vào rạng sáng.
Nhà họ dựng trên một cù lao nhỏ ven sông, tách biệt với làng xóm, muốn
đi vào chợ làng phải đi ngang một cây cầu khỉ vắt vẻo. Do hoàn cảnh đơn
chiếc, nên hai anh cũng thân thiết với nhau. Có lần vì mẹ già của anh
bán ếch bệnh mà không có tiền chạy chữa nên qua đời, anh bán dầu liền bỏ
tiền ra giúp đỡ ma chay mà không hề tính toán, vì thế mà anh bắt ếch
càng quý trọng tình bạn của anh bán dầu.
Một đêm nọ, trong lúc đi làm việc, anh
bắt ếch nghe tiếng kêu thảm thiết phát ra từ một cái bẫy trên đồng. Tính
tò mò, anh lại mở ra coi thì phát hiện ra hai con chim le le và bìm bịp
nằm trong bẫy, do chúng giành ăn với nhau mới bất cẩn rơi vào bẫy của
con người. Hai con chim ra sức năn nỉ anh bắt ếch mở bẫy tha cho mình,
rồi hứa sẽ đền ơn báo đáp. Vốn là người có tính nhân từ, anh bắt ếch
cũng xuôi lòng rồi giải thoát cho chúng.
Vài ngày sau, hai con chim cùng bay đến
nhà anh bắt ếch để cảnh báo cho anh biết tai ương sắp đến. Chúng nghe
được hai con ma da ở sông bàn với nhau rằng sẽ kéo chân anh bán dầu và
anh bắt ếch, cho hai anh chết, thế mạng cho chúng để chúng được đầu
thai.
Vì hai con ma này chết đã lâu, nếu trong
7 ngày không bắt được người thay thế sẽ bị hồn xiêu phách lạc, không
được đầu thai nữa. Thêm vào đó, ma da cũng chỉ có thể bắt hai anh khi
trời vừa rạng sáng, lúc anh bán dầu ra chợ và lúc anh bắt ếch về nhà,
bởi vì khi mặt trời lên thì chúng không còn ma phép.
Ban đầu anh bắt ếch đem cớ sự nói anh
cho bán dầu nghe, khuyên anh nên ở nhà, nghỉ bán một tuần lễ, nhưng anh
bán dầu lại không tin, cho rằng đấy là mê tín vớ vẩn, trên đời làm gì có
ma, quỷ.
Theo lời le le và bìm bịp, anh bắt ếch
viện cớ đến ngày cúng mẹ, gọi anh bán dầu qua nhà tiệc tùng ăn nhậu,
chuốc cho anh say mèm đến mức sáng hôm sau không ra chợ bán được. Ngày
kia lại lấy cớ sang nhà cảm ơn anh bán dầu đã giúp đỡ, lại bày tiệc ăn
uống no say, trì hoãn việc đi ngang cây cầu kia.
Hôm ấy là ngày cuối cùng của thời hạn 7
ngày ma da bắt hồn, do say xỉn nhiều ngày liền nên anh bắt ếch ngủ quên.
Anh bán dầu sực tỉnh vào sáng sớm, nhận ra mình đã bỏ buôn bán mấy ngày
liền bèn nhanh chóng quẩy hàng ra chợ. Do bước vội vàng qua cầu khỉ
cheo leo, lại bị bọn ma da biến phép cho cầu trơn trượt nên sẩy chân rơi
xuống nước mà chết.
Anh bắt ếch vì tiếc thương bạn nhưng do
còn sợ bọn ma da nên phải đợi hết một ngày sau mới dám vớt xác bạn lên
mà làm ma chay. Thấy ân nhân của mình đau lòng, le le và bìm bịp cũng
bay đến, cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma để tiễn
biệt một người chết oan”.
Đọc hết truyện cổ tích này thì có lẽ mọi người đều sáng tỏ vì sao trong bài đồng dao “Bắc kim thang” có 4 câu cuối là:
“Chú bán dầu, qua cầu mà té
Chú bán ếch, ở lại làm chi
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te“
Thực chất là để diễn tả lại câu chuyện cổ tích đề cao tình bạn và tính chất cứu vật vật trả ơn của người xưa.
Thế nên vấn đề còn lại nằm ở hai câu:
“Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo, là kèo qua cột“
Ở câu đầu tiên, “cà, lang, bí rợ” là để
chỉ cho 3 loại củ, quả có cùng một đặc tính là thuộc họ dây leo, trái
cà, khoai lang và bí rợ. Đặc biệt với từ bí rợ, là một từ thuần chất của
miền Nam, cũng đã nói lên xuất xứ của bài đồng dao này là từ miền Tây
Nam bộ.
Nói đến “bắc kim thang” thì phải hiểu
hơi “hàn lâm” một chút, là từ kim thang ở đây hiểu cho đúng phải là cái
thang hình chữ KIM -金- tức là hình tam giác cân. Từ “kim tự tháp” cũng
là bắt nguồn từ chữ “kim” này mà có, do chỉ hình dạng cái tháp của người
Ai Cập cổ là hình tam giác cân.
Còn cái “kim thang” của con nít ngày xưa
là do người lớn dùng hai thanh tre dài, bắt chéo vào nhau tạo thành một
hình tam giác cân rồi cắm trên mặt đất, cách vài mét lại đặt một cái
như vậy, tạo thành một hàng dài. Bản thân của cái kim thang này trở
thành một cái cột (do không có cây cột dựng đứng giữa nên hai thanh tre
chéo vào trở thành cột luôn). Những cái kim thang được nối vào nhau bởi
cái “vì kèo” là những thanh tre chạy dọc theo giàn, cứ như thế tạo thành
một giàn cốt là để cho cà, lang, bí rợ leo lên mà sinh sôi, phát triển.
Vậy “cột qua kèo, kèo qua cột” là chỉ
mối quan hệ gắn bó vào nhau của hai vật thể. Cả câu “bắc kim thang, cà
lang bí rợ, cột qua kèo, là kèo qua cột” cốt để miêu tả mối quan hệ keo
sơn, quấn quít, gắn bó vào nhau của anh bán dầu và anh bán ếch ở bốn câu
sau.
Cả bài đồng dao này được viết lại dựa
trên câu chuyện cổ tích kia, nên cách lý giải cũng vì thế mà nên hiểu
cho đúng. Tuy nhiên trải qua thời gian dài, người lớn không còn kiên
nhẫn để giải thích cho con trẻ hiểu về truyện cổ tích kia, thế nên bài
đồng dao “bắc kim thang” cứ thế mà lưu truyền, gây ra sự hoang mang, khó
hiểu cho người nghe.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều lời bàn,
tranh cãi xung quanh việc lý giải ý nghĩa cho bài đồng dao này. Điển
hình là ông Nguyễn Hữu Hiệp ở An Giang đã phát biểu trong hội thảo khoa
học tại trường Đại học Cần Thơ năm 2003, rằng hiểu cho đúng thì bài đồng
dao này phải được hát là:
|Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột quai chèo, chèo qua chèo lại
Bắt ngựa ô, chạy vô vườn mít
Hái lá mít, chùi đít ngựa ô”
Tuy nhiên cách giải thích này lại khập
khiễng và vô cùng tối nghĩa, khó hiểu. Vậy nên tôi mới mạn phép truy tìm
nguồn gốc, đọc và thẩm định rồi giải thích để mọi người hiểu hơn về bài
đồng dao này. Nếu mọi người thấy cách lý giải này là hợp lý thì nhớ
đặng mà con cháu có hỏi, thì ta biết trả lời rằng vì sao trẻ con hay
hát: Bắc kim thang, cà lang bí rợ, Cột qua kèo, là kèo qua cột…
(Ngẫm ra, trên cõi đời này, chẳng ai hoàn hảo cả. Biết rõ điều đó , tôi biết trân trọng những ưu điểm của bạn bè, người thân nói riêng và mọi người trong xã hội nói chung đồng thời cũng biết bao dung hơn, cảm thông hơn với nhược điểm của họ. Hôm nay sang trang blog của Châu Thanh Thủy thấy nàng tản mạn ghi lại những điều rất thành thật với lòng mình, tôi thích nên xin nàng mang về đây, mời mọi người đọc ạ)
Nếu buộc phải rời xa
những kỉ niệm ngày xưa từng vun đắp cuộc sống của tôi trong những tháng năm đầy
đau khổ, thì xin hãy cho tôi giữ lại một chút thôi, những khoảnh khắc thật yên
tĩnh của tâm hồn, khi tôi không phải lo nghĩ và suy đoán, tưởng tượng vẩn vơ về
những cơn ác mộng.
Nếu buộc tôi phải quên đi quá khứ, như rũ bỏ một đau buồn,
thì xin hãy cho tôi giữ lại một chút thôi những đau buồn ấy, để tôi không có gì
phải nuối tiếc.
Nếu buộc tôi phải đồng hành suốt chặng đường đời còn lại với sự
lẻ loi thì hãy cho tôi giữ lại một chút thôi, cảm giác hạnh phúc khi trong tay
tôi là một bàn tay khác, ấm nóng và mạnh mẽ.
Nếu buộc tôi phải luôn nở nụ cười
tươi để giấu thật kĩ những lúc tôi âu sầu thì xin hãy cho tôi giữ lại một chút
thôi, sự đau nhói trong tim khi bắt gặp nụ cười của người ấy đang đọc tin nhắn
của người khác.
Nếu buộc tôi phải nói lời chia tay thì xin hãy cho tôi giữ lại
một chút thôi, hơi thở hắt ra nhẹ nhõm nén sâu từ trong lồng ngực khi nghe
người ấy nói: Ta hãy tiếp tục bên nhau.
Nếu buộc tôi phải giải thích một điều
gì đó về tình cảm thì xin hãy cho tôi giữ lại một chút thôi, sự kiêu kì và ngạo
nghễ của một kẻ luôn mong mình chiến thắng.
Nếu buộc tôi phải trở thành người
cao thượng và chỉ luôn biết hi sinh thì xin hãy cho tôi giữ lại một chút thôi,
cái tầm thường của một con người bình thường, biết ghen tuông và luôn đố kị.
Nếu buộc tôi phải cho đi tất cả những gì tôi có thì xin hãy cho tôi giữ lại một
chút thôi, sự đòi hỏi và ước muốn được tận hưởng.
Nếu buộc tôi phải thay đổi
chính mình thì xin hãy để cho tôi: Vẫn Cứ Mãi Là Tôi.
Chúc mừng sinh nhật chồng iu Tuổi càng cao lại càng nhiều sức xuân Giao lưu bầu bạn xa gần Thơ văn đàn hát trong ngần thiết tha Hết bồ gần đến cót xa Gừng cay rồi lại Hồng Nga, Hương Ngàn Thung Mây, phủ Khoái rộn ràng Nhớ về Sao Đỏ ríu ran với tình
11-7-2016
Song Thu
( Viết sau khi đọc bài thơ: GIẤC MƠ của Nguyễn Minh Tư) Xin nàng cứ ở trong mơ Cho tươi giấc mộng cho thơ hồn Người Đừng ra cõi thực nàng ơi Tình thơ hết thắm tình đời hết xanh 01-7-2016 Song Thu
Chúc mừng sinh nhật Tô Quang Bồ kia cót nọ cứ đan tơi bời Xin đừng quên một khoảng trời Yên Mô, Lê Lợi là nơi đi về
" Nắng làng Mo"* mãi say mê Ấm nồng một tấm tình quê ngọt lành
01-7-2016
Song Thu
Chú thích: * " Nắng làng Mo" là tên một thi phẩm khá hay của Nguyễn Tô Quang viết về quê hương thuộc thôn Yên Mô xã Lê Lợi .( Nhân dân thường gọi là làng Mo)