29-8-1988 ngày định mệnh và tang lễ vô cùng cảm động
Ngô Thảo
04:22' CH - Thứ hai, 29/08/2016
Cuối
buổi chiều, sân 51 Trần Hưng Đạo - Trụ sở của 6, 7 Hội Văn học Nghệ
thuật xôn xao, ồn ào rồi bàng hoàng khi nhận được tin: Cả nhà Lưu Quang
Vũ chết hết rồi (do một tai nạn giao thông khi ôtô qua cầu Phú Lương).
12
giờ đêm, xe của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đưa được thi hài 3 người
từ Bệnh viện Hải Dương về đến Hà Nội. Ở cổng Bệnh viện Việt - Đức mấy
trăm nghệ sĩ hơn chục đoàn sân khấu Hà Nội và bạn hữu đã khóc rầm rĩ
suốt phố Phủ Doãn. Đêm hè, trời oi ngột, nhà xác bệnh viện Việt Đức
trống trải khó chịu đựng được mấy ngày. Nhờ đạo diễn Đình Quang - Thứ
trưởng Bộ Văn hóa liên hệ, 3 quan tài được chuyển về nhà xác Bệnh viện
Hữu nghị Việt - Xô - nơi duy nhất có nhà lạnh chứa, ở đó họ có 3 ngày
cuối cùng bên nhau nơi dương thế!
Thay quan tài là việc theo
phong tục rất kiêng kỵ. Nhưng đạo diễn Hoàng Quân Tạo của Nhà hát kịch
Hà Nội đại diện nhiều nghệ sĩ dứt khoát bằng giá nào cũng phải thay quan
tài mới tử tế hơn.
Lại phát sinh vấn đề về thủ tục hành chính:
Nơi an táng 3 người ba tiêu chuẩn: nhà thơ Xuân Quỳnh, Ủy viên Ban chấp
hành Hội Nhà văn - được an táng Khu A Văn Điển. Còn Vũ chỉ mới cá sự ba.
Và cháu Quỳnh Thơ có khu giành cho tuổi nhỏ.
May có mấy ngày chờ
đợi, cả giới Sân Khấu đã cùng nhau chạy để cuối cùng đồng chí Trần Độ,
Ủy viên TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn TƯ quyết định để ba người có một
suất mộ chung ở Khu A nghĩa trang Văn Điển. Có lẽ đến giờ, đây vẫn là
khu mộ gia đình duy nhất ở nghĩa trang này.
Tang
lễ 3 người tổ chức ở Trụ sở Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật 51 Trần Hưng Đạo, không chỉ có các văn nghệ sĩ tất cả các hội đang
có ở Hà Nội, nghệ sĩ các đơn vị sân khấu, các đoàn ở miền Bắc từ Đà
Nẵng - quê Vũ trở ra, mà còn rất đông công chúng yêu mến, hâm mộ Lưu
Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Hai hội Nhà văn và Sân khấu đã phối hợp tổ chức
một tang lễ trang nghiêm, xúc động và... hoành tráng!
Tổng thư ký
Hội nhà văn Vũ Tú Nam đọc điếu văn cho Ủy viên Ban chấp hành Xuân
Quỳnh. Nhưng Vũ chỉ là cán sự ba! Không chút phân vân, Nghệ sĩ nhân dân
Dương Ngọc Đức chuẩn bị điếu văn cho Lưu Quang Vũ. Xử sự theo quy định
hành chính thông thường chắc không ai dám chắc. Nhưng Tổng thư ký Dương
Ngọc Đức là người lão thực. Ông hiểu tình cảm của giới Sân khấu, hiểu vị
trí Lưu Quang Vũ trong sân khấu việt Nam. Bài điếu văn của Hội đã thể
hiện sự đánh giá tức thời mà chuẩn xác về vị trí, đóng góp của Lưu Quang
Vũ, không vì xúc động mà đề cao quá đáng, cũng không vì ấn tượng quá
khứ, mà không thấy thành quả và tầm vóc thực sự của người vừa nằm xuống.
"Lưu
Quang Vũ là người lao động lực lưỡng gồng trên đôi vai rộng khỏe của
mình chương trình tiết mục hàng bốn năm mươi đơn vị nghệ thuật trên cả
nước..." - hai mươi năm qua, những lời điếu văn viết vội ấy vẫn nguyên giá trị.
Hàng
ngàn người Hà Nội đã tham dự tang lễ gia đình Quỳnh - Vũ. Có vòng hoa
bạn bè cả nước và quốc tế. Theo phong tục, xe đưa quan tài qua nhà 96
Phố Huế đối diện chợ Hôm. Một cuộc tập hợp bất ngời của đông đảo tầng
lớp công chúng với những tiếng gào thét tiếc thương làm tắc cả một quãng
đường Phố Huế - Trần Nhân Tông. Chặng đường từ đó về Văn Điển đông
nghẹt người đưa. Cho đến nay, đó vẫn là một đám tang lớn và xúc động ít
thấy ở Hà Nội...
(Theo "Nhớ về Lưu Quang Vũ - những khoảnh khắc chợt hiện", Ngô Thảo)
Sau đây là 2 bài thơ cuối cùng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh viết trong mùa hè năm 1988
THƯ VIẾT CHO QUỲNH TRÊN MÁY BAY
(Lưu Quang Vũ)
Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
Cô gái bướng bỉnh
Cô gái hay cười ngày xưa
Mẹ của các con anh
Một tháng nay nằm viện
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng
Một mình em với giấc ngủ chập chờn
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật
Vẫn là gã trai nông nổi của em
Người chồng đoảng của em
15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài
Người yêu ơi
Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?
Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền
Rồi em sẽ khoẻ lên
Em phải khoẻ lên
Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi
Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới
Mùa hè náo động dưới kia
Tiếng ve trong vườn nắng
Và sau đê sông Hồng nước lớn
Đỏ phập phồng như một trái tim đau
Từ nơi xa anh vội về với em
Chiếc máy bay dọc sông Hồng
Hà Nội sau những đám mây
Anh dõi tìm: đâu giữa chấm xanh nào
Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?
Trái tim anh trong ngực em rồi đó
Hãy giữ gìn cho anh
Đêm hãy mơ những giấc mớ lành
Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên
Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc
Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát
Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh...
(7/5/1988)
THỜI GIAN TRẮNG
(Xuân Quỳnh)
Cửa bệnh viện, ngoài kia là quá khứ
Những vui buồn khao khát đã từng qua
Nào chỉ đâu những chuyện ngày thơ
Con đường gạch ao bèo hoa tím ngát
Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát
Những mùa hè chân đất, tóc râu ngô
Quá khứ em không chỉ ngày xưa
Mà ngay cả hôm nay là quá khứ
Quá khứ của em ngoài cánh cửa
Gương mặt anh, gương mặt các con yêu...
Em ở đây không sớm không chiều
Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng
Trái tim buồn sau lần áo mỏng
Từng đập vì anh vì những trang thơ
Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho em mình em đau đớn
Trái tim này chẳng còn có ích
Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè
Khi cuộc đời trôi chảy ngoài kia
Thời gian trắng vẫn ngừng trong bệnh viện
Chăn màn trắng, nỗi lo và cái chết
Ngày với đêm có phân biệt gì đâu
Gương mặt người nhợt nhạt như nhau
Và quần áo một màu xanh ố cũ
Người ta khuyên “lúc này đừng suy nghĩ
Mà cũng đừng xúc động, lo âu”
Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu
Dường trong suốt một màu vô tận trắng
Muốn gánh đỡ cho em phần mệt nhọc
Tới thăm em, rồi anh lại ra đi
Đôi mắt lo âu, lời âu yếm xẻ chia
Lúc anh đến, anh đi thành quá khứ
Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa
Của con đường, trang viết, câu thơ
Mùa vải thiều lại tới mùa dưa
Mùa hoa phượng chắc rơi hồng mái phố
Đường cuốn bụi bờ đê tràn ngập gió
Những phố phường lầm lụi với lo toan.
Dù cùng một thời gian, cùng một không gian
Ngoài cánh cửa với em là quá khứ
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu.(6/1988)
Song Thu sưu tầm