Bài viết nhân 20 năm ngày mất của thi sĩ Xuân Quỳnh và nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ,
29/8/1988 - 29/8/2008.
Đoan Trang
20
năm trôi qua không đủ để xóa hết nỗi đau trong lòng những người ở lại
mỗi khi nhớ về đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh Xuân Quỳnh - Lưu
Quang Vũ. Điều ấy càng hằn rõ với hai người con Lưu Tuấn Anh và Lưu Minh
Vũ.Lâu nay, cả Tuấn Anh và Minh Vũ đều không muốn nhắc lại chuyện của
20 năm về trước. Nhưng trong những ngày này, hai anh đã mở lòng để kể
lại cho chúng tôi nghe về ký ức của “một thời rất đẹp”, trước ngày định
mệnh 29 tháng 8 năm 1988.
Lưu
Tuấn Anh là con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh và người chồng trước của bà
- nghệ sĩ violin Lưu Tuấn. Anh sinh năm 1966, lớn tuổi nhất trong ba
người con trai của gia đình. Hiện anh là giám đốc kinh doanh của một
công ty thiết kế đồ họa - in ấn - quảng cáo ở Hà Nội.
Lưu Minh Vũ
(sinh năm 1970) có phần nổi tiếng hơn, anh là biên tập viên của kênh
VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, cũng là MC chương trình Hãy chọn giá
đúng. Minh Vũ là con của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ và người vợ trước -
diễn viên Tố Uyên.Thời thơ ấu, họ cùng sống ở 96A phố Huế (Hà Nội), tập
thể của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Minh Vũ ở cùng mẹ và bố dượng
tại tầng hai. Tuấn Anh và bố ở tầng bốn. Còn Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ và
con trai chung của hai người - Lưu Quỳnh Thơ (sinh năm 1975) - thì ở
tầng ba. Tuy nhiên, ba anh em cực kỳ thân thiết, không khác nào anh em
ruột thịt. Như Lưu Minh Vũ có nói, thời gian anh sống với “má Quỳnh”
nhiều hơn thời gian anh sống với "mẹ Uyên". Nói về thời thơ ấu, anh có
nhiều kỷ niệm với má Quỳnh hơn là với mẹ. Do nghệ sĩ Tố Uyên thường phải
đi xa, bận bịu với công việc diễn xuất, việc chăm sóc Minh Vũ gần như
do Xuân Quỳnh đảm nhận.
Ký ức thời thơ ấu của cả Tuấn Anh và Minh
Vũ đều tràn ngập hình ảnh một gia đình hạnh phúc: Lưu Quang Vũ - Xuân
Quỳnh và ba con trai. Cả ba anh em cũng đã là khuôn mẫu ngoài đời cho
rất nhiều nhân vật trong các truyện ngắn dành cho thiếu nhi của nhà thơ
Xuân Quỳnh.
* * *
Lưu Minh Vũ:
“Tại sao cuộc sống ngày ấy có thể thanh bình đến thế?”
Hồi
ấy chúng tôi ở chung một tập thể với nhiều văn nghệ sĩ, như Nguyễn Văn
Tý, Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh… Ba anh em không cùng cha mẹ, đúng là một
trường hợp điển hình “con anh, con tôi, con chúng ta” đấy, nhưng chúng
tôi thân nhau như anh em ruột, do được dạy dỗ rất kỹ. Bố và má luôn giáo
dục các con phải nhường nhịn, không được đánh nhau.
Ngày ấy cả
xã hội đều nghèo, văn nghệ sĩ cũng vậy, vất vả lắm. Cũng phải tem phiếu,
xếp hàng như ai. Bố tôi làm phóng viên cho tạp chí Sân Khấu, do không
có bằng cấp gì nên xét theo bậc thì lương của ông chỉ hơn lao công. Thời
gian đầu, ông còn không có lương, chỉ có nhuận bút. Sống bằng nhuận bút
thì cực lắm, vì có phải lúc nào cũng viết ra bài đều chằn chặn như đan
rổ đâu. Nhưng cũng thời gian làm phóng viên ấy khiến ông quen nhiều nghệ
sĩ sân khấu và hiểu họ, hiểu tính cách, điệu bộ, kỹ thuật diễn và nói
chung là cái “chất” của họ. Sau này, khi viết kịch, có những vở ông viết
theo đơn đặt hàng, và các nhân vật gần như được ông thiết kế dành riêng
cho một diễn viên nào đấy. Tôi lấy ví dụ như vai ông Quých trong "Tôi
và chúng ta", ông viết gần như chỉ để cho diễn viên Trần Kiếm đóng. Sau
này, không diễn viên nào thể hiện được cái chất Quých ấy nữa, vai đó đã
được đo ni đóng giày cho Trần Kiếm rồi.
Nói riêng về vật chất thì
chúng tôi đã sống một thời kỳ khó khăn, trong cái khó khăn chung của
đất nước. Bữa cơm thường có những món rất “kinh điển” như lạc, nhộng. Có
thịt thì quý lắm lắm. Về sau, bố tôi bắt đầu sáng tác kịch và nổi
tiếng, cuộc sống khá hẳn lên. Thỉnh thoảng cả gia đình lại đưa nhau đi
ăn tươi.
Bố tôi tính rộng rãi, thoáng đạt, thậm chí bốc đồng.
Nhiều khi má nấu cơm rồi, thức ăn có rồi, nhưng ông lại hứng chí đi mua
ít thịt gà cho con. Nhìn các con ăn là bố thấy hạnh phúc. Tôi nhớ mãi
cái ngày ba anh em được đưa ra bến Phà Đen chơi. Hôm đó bố tôi vừa lĩnh
một khoản nhuận bút lớn, khao cả nhà một bữa thịt chó ở phố Lê Quý Đôn.
Tôi cầm nguyên cái đùi mà ăn, sung sướng lắm. Cả ba đứa đều sung sướng.
Chi tiết xuống bến Phà Đen chơi được má tôi đưa vào truyện ngắn nổi
tiếng của bà, “Bến tàu trong thành phố”. Nhân vật Trung Hà và Hưng là
anh Tuấn Anh và tôi.
Bố má tôi thương con vô cùng, không bao giờ
đánh con dù chỉ một lần. Bác Tuấn (nghệ sĩ violin Lưu Tuấn, bố đẻ Tuấn
Anh - NV) cũng yêu quý thằng Mí (tên thân mật của Lưu Quỳnh Thơ - NV),
coi nó như con ruột.
Bây giờ nghĩ lại, đó là khoảng thời gian đẹp
nhất cuộc đời tôi. Tại sao ngày ấy cuộc sống lại có thể thanh bình đến
thế? Yên ấm, đầy đủ, rất đầy đủ, không phải về vật chất mà là về tình
cảm. Đùng một cái, việc dữ xảy ra. Bố má tôi và Mí đi chơi xa… rồi không
bao giờ trở về nữa.
Tôi còn nhớ mấy ngày ấy trời Hà Nội cũng mưa
nhiều. Tôi vừa có tin đỗ đại học (Minh Vũ học chuyên ngành quay phim,
Đại học Sân khấu Điện ảnh - NV) với tổng điểm cao nhất trường, có chỉ
tiêu du học. Bố, má và em đi chơi, tôi ở Hà Nội cũng đi chơi suốt ngày,
vui lắm.
Tin báo về, tôi không hề biết vì lúc đó có ở nhà đâu.
Buổi chiều tôi đi bộ ngang qua nhà diễn viên Kim Oanh ở phố Trần Nhân
Tông, thấy cô Oanh chạy ra hốt hoảng hỏi: “Bố có bị làm sao không
cháu?”. “Không, cháu chả biết”. Một cái gì đó như linh tính nổi lên, tôi
ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Nghe loáng thoáng có tiếng người bên
đường bảo: “Thằng Kít (tên thân mật của Minh Vũ - NV) nó về rồi kia
kìa”.
Tới nhà, tôi được báo tin bố má và em bị tai nạn, mà cũng
chưa biết là cả ba đã mất. Tôi đòi xuống Hải Dương thăm, người nhà giữ
lại không cho đi, ấn tôi ngồi xuống, bảo: “Kít ngồi đây. Không đi đâu
cả!”. Lúc đó tôi mang máng hiểu. Từ phút ấy, tôi không nhớ gì nữa. Cả
một cơn mê. Một cơn ác mộng.
Cuộc đời tôi thay đổi từ đó. Sau cái
tang lớn, cả tôi và anh Tuấn Anh đều sa vào khủng hoảng. Ai cũng khuyên
bảo tôi cố gắng lên, vực dậy đi, vươn lên mà sống, nhưng nghĩ lại, lúc
đó tôi biết vươn lên kiểu gì? Cú sốc quá lớn.
Trước ngày ấy, cuộc
sống của tôi như thể thiên đường. 18 tuổi, chuẩn bị đi học nước ngoài,
bao nhiêu ước mơ sắp thực hiện – du học, trở thành nhà quay phim. Đời
đẹp lắm. Thế rồi hẫng một cái. Tôi vẫn đi Nga, rồi sang Đức học, nhưng
bị cảm giác chán chường đè nặng. Chán đến không chịu nổi. Được bốn năm,
tức là đến năm 1993, tôi bỏ dở, quay về Việt Nam. Tôi không theo nghề
quay phim nữa, chuyển sang học báo chí. Năm 1997, tôi ra trường và vào
công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam cho đến nay.
Nếu không có
sự cố đó, chắc chắn cuộc đời tôi đã khác rất nhiều. Biết đâu tôi có thể ở
lại nước ngoài chẳng hạn? Hay là tôi sẽ làm nghề khác chứ không làm MC
và biên tập viên truyền hình. Điều chắc chắn là từ sau cú sốc ấy, tôi
thay đổi nhiều về tính cách. Tôi không còn hồn nhiên và yêu đời được như
xưa.
Đồng nghiệp có người bảo tôi lên hình trông buồn, ít cười
quá. Không hiểu có phải mặt tôi đã buồn từ hồi bố má và em mất không.
Cũng có thể do tôi không thích vừa nói vừa cười khi dẫn chương trình. Có
lý do gì để cười nhỉ? Phụ nữ cười để cho xinh, chứ mình cười thì làm
gì?
Bây giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng mơ tới những ngày thơ ấu. Tôi
mơ thấy bố, má tôi, thấy ngôi nhà 96A phố Huế. Tôi đã lấy vợ, sinh con,
chuyển đến nhà mới 10 năm rồi, nhưng không một lần mơ thấy nhà mới. Tôi
chỉ mơ thấy tập thể 96A phố Huế và ký ức thời xa xưa của tôi, lẫn lộn,
mơ hồ, như một đám mây.
Lưu Tuấn Anh: “Mẹ mãi là người phụ nữ tuyệt vời nhất
Tuổi
thơ của tôi không thể gọi là yên bình vì tôi đã nghe tiếng bom gầm ở Hà
Nội năm 1972, phải đi sơ tán và rồi chứng kiến bố mẹ tôi chia ly. Nhưng
tôi lại không phải xa mẹ chút nào. Ngược lại, tôi có một gia đình thứ
hai - gia đình mẹ và bố dượng tôi.
Tôi đã có những ngày thật đầm
ấm bên mẹ, chú Vũ và các em. Tôi vẫn nhớ như in cái không khí của một
gia đình tràn đầy tình yêu thương và nghệ thuật. Tôi nhớ ánh mắt mẹ và
chú Vũ trìu mến khi thấy các con sum vầy. Tôi nhớ căn phòng của mẹ và bố
dượng đầy sách, các bản thảo và các bức vẽ trên tường. Những bữa ăn có
đủ cả nhà thì chẳng bao giờ thiếu chuyện, dẫu chỉ là cơm rau.
Còn
những buổi tối cả nhà đi xem kịch của chú Vũ nữa, sao mà vui thế. Anh
em chúng tôi luôn ríu rít bên nhau mặc dù không cùng cha cùng mẹ. Minh
Vũ hồi đó béo tròn và rất thích chơi những trò tai quái. Tôi cũng nghịch
ngợm chẳng kém, nhưng ít nói và lầm lì hơn.
Em trai út Lưu Quỳnh
Thơ có tên ở nhà là Mí. Mí dễ thương lắm; da trắng, môi đỏ, mắt to mà
tóc để dài như con gái. Mí rất thông minh, học cái gì cũng giỏi và nhanh
tới mức kinh ngạc. Ở trường, nó thường ở trong nhóm 5 học sinh đứng đầu
lớp.
Mí có năng khiếu bẩm sinh về hội họa. Trẻ ba tuổi thường
cầm bút chưa vững, thế mà Mí đã vẽ thành thạo bằng cả bút chì lẫn màu
nước. Ba tuổi rưỡi, nó được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi vẽ
quốc tế do UNESCO tổ chức với chủ đề “Năm 2000 em sống như thế nào”. Nó
vẽ một cậu bé cưỡi ngựa đang bồng bềnh trong một vườn hoa trông như cái
hồ sen. Bức tranh ấy bây giờ Minh Vũ vẫn giữ. Trong số các cuốn thơ “Bầu
trời trong quả trứng” của mẹ từng xuất bản, có một cuốn do Mí tự minh
họa.
Mí ít tuổi như vậy nhưng nó sống tình cảm và và rất biết
quan tâm tới bố mẹ và các anh. Hồi đó nhà tập thể tôi chỉ có nước máy ở
tầng một. Tôi và Minh Vũ có nhiệm vụ xách nước lên tầng ba cho mẹ nấu
cơm và rửa bát. Mí mới 10 tuổi không phải làm việc nặng nhưng lại tự
xung phong xách nước cho mẹ. Nó thương mẹ, sợ mẹ phải xách nước khi các
anh mải chơi mà không làm. Nghĩ lại cảnh Mí nhỏ vậy mà cố xách hai cái
bình nước bằng nhựa lớn đi lên cầu thang là tôi lại xót xa.
Hồi
đó, tôi còn trẻ con, rất vô tư, ham chơi và chẳng nghĩ gì nhiều về gia
đình. Tôi thấy mọi người khen mẹ làm thơ hay nhưng chẳng bao giờ đọc kỹ
một bài thơ của mẹ. Điều quan trọng nhất với tôi là được mẹ thương yêu,
còn thơ của mẹ ra sao thì chẳng phải chuyện tôi quan tâm. Tôi được bao
bọc trong tình thương của mẹ và gia đình.
Với niềm tin của một
đứa trẻ, tôi cứ nghĩ những ngày đầm ấm đó sẽ kéo dài mãi. Thế rồi cái
ngày 29 tháng 8 định mệnh đó đến, thế giới quanh tôi sụp đổ hoàn toàn.
Bỗng chốc tôi không còn mẹ, không còn bố dượng và không còn đứa em út.
Lúc đó tôi mới hiểu rằng chẳng có điều gì trên đời này là vĩnh cửu, kể
cả người thân và những niềm hạnh phúc.
Tôi khi đó đã tốt nghiệp
đại học và đang làm biên tập viên cho Thông tấn xã Việt Nam. Mang tiếng
là người lớn và đã đi làm, nhưng tôi vẫn còn quá trẻ con để chịu đựng
một sự mất mát nghiệt ngã như vậy. Sau cái ngày đó, tôi ốm và suy sụp
hoàn toàn. Tôi thay đổi hẳn và không còn là tôi trước đó nữa. Sự vô tư
trong con người tôi biến mất, thay vào đó là sự suy tư và bất cần. Mọi
thứ với tôi đều trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Lần đầu tiên trong đời,
tôi đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người.
Tôi ngơ
ngác tự hỏi: “Cuộc sống tại sao lại bất công như vậy? Tại sao những
người, tài năng, nhân hậu và có ích cho đời lại phải chết? Vậy thì ta
phấn đấu vì những điều tốt đẹp để làm gì? Mất bao nhiêu năm tháng để một
ngày lại ra đi vô lý như thế ư? Em Mí của tôi chỉ là một đứa trẻ. Nó có
tội tình gì? Nó ngoan hiền thế mà trời nỡ lòng nào bắt nó đi?”.
Mất
nhiều tháng sau, tôi sống trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh với những ý
nghĩ luẩn quẩn và bi quan. Tôi nghỉ làm, ở nhà giở thơ của mẹ và bố
dượng và đọc từng bài. Đọc bằng hết, điều trước đây tôi chưa từng làm.
Lúc đó tôi mới thực hiểu mẹ hiểu bố dượng và sự lớn lao trong tâm hồn
của cả hai người. Mỗi lần đọc thơ là một lần tôi khóc. Tôi trách mình vô
tâm với mẹ và chú Vũ quá và thật khó để tự tha thứ. Rồi sau bao dằn
vặt, cũng đến lúc tôi tự nhủ mình: “Nếu mẹ, chú Vũ và em Mí còn sống,
chắc chắn không ai muốn thấy mình chán nản và mất niềm tin như thế này”.
Vậy
là tôi bắt đầu dùng lý trí để lấy lại thăng bằng. Tôi cố gắng sống vì
mẹ tôi, bố dượng tôi, và em Mí. Tôi cố gắng sống vì những người thân yêu
còn lại của tôi, trong đó có Minh Vũ - người bây giờ với tôi còn hơn em
ruột. Tôi phục hồi dần dần.
Trong con mắt tôi, mẹ là một người
phụ nữ vẹn toàn. Ngoài tài năng thơ, cho tới giờ mẹ tôi luôn là một hình
mẫu sống cho tôi về lòng nhân ái và các giá trị làm người. Ngay từ
những năm tôi còn rất bé, tôi đã nghe mẹ nói về trách nhiệm của người
viết văn đối với xã hội. Mẹ nói với tôi rằng cuộc sống có cái thiện và
cũng có nhiều cái ác. Nhưng mẹ chỉ viết về cái thiện mà tránh nói nhiều
tới những điều xấu xa của cuộc sống.
Mẹ bảo tôi, một tác phẩm tốt
phải khiến người đọc yêu và trân trọng cuộc sống hơn, hướng thiện hơn.
Nếu đề cập quá nhiều tới những điều tiêu cực, kể cả đó là sự thật, nhà
văn có thể làm người đọc mất niềm tin và nhìn đời một cách méo mó. Những
truyện thiếu nhi của mẹ tôi thường có bóng dáng của ba anh em, như “Quà
tặng chú hề” là về cu Mí đấy. Truyện nào cũng hướng tới giáo dục cho
thiếu nhi tình yêu thương, bắt đầu từ yêu thương những người gần gũi
nhất của các em trong gia đình là ông bà, bố mẹ hay anh em rồi tới bạn
bè, hàng xóm, thầy cô giáo.
Thơ của mẹ tôi cũng phản ánh con
người bà. Nó trong sáng, dung dị và chan chứa tình thương, tình yêu
thiên nhiên, con người. Các bài thơ của mẹ có thể buồn nhưng không u ám,
không bao giờ cay đắng và oán trách. Mẹ tôi là thế, hy sinh nhiều, chịu
thiệt thòi rất nhiều nhưng tấm lòng vẫn luôn rộng mở và bao dung. Bởi
bà có một niềm tin đặc biệt mãnh liệt vào những điều tốt đẹp trong cuộc
sống và trong mỗi con người.
Thú thật, tôi không để ý nhiều tới
ngôn từ trong các tác phẩm của mẹ hay số lượng tác phẩm. Tôi nghĩ cái
quý giá hơn cả là những giá trị nhân văn mà mẹ tôi để lại trong các tác
phẩm đó. Chưa nói tới tác động xã hội, mà những gì mẹ tôi viết ra có tác
động ngay trong gia đình chúng tôi. Đọc truyện "Bến tàu trong thành
phố", tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tôi bắt đầu có ý thức làm anh rõ ràng hơn
với các em và biết nhường nhịn các em hơn. Tôi hiểu qua câu chuyện ấy,
mẹ tôi muốn anh em chúng tôi yêu mến và gắn bó với nhau.
Nói về
chú Vũ thì phần nhiều công chúng biết chú ấy qua các vở kịch với tư cách
là người viết kịch. Nhưng không phải ai cũng biết chú ấy là một nhà thơ
tầm cỡ. Có một số người trong giới văn đánh giá chú là tài năng thơ lớn
và thuộc loại hiếm. Tôi cho rằng họ nói như vậy là rất có cơ sở chứ
không phóng đại. Vấn đề là thơ của chú Vũ kén độc giả và không phải ai
đọc cũng hiểu. Có thể vì vậy mà nó không mang tính đại chúng cao. Để cảm
nhận được thơ của chú ấy thì độc giả phải là người có nội tâm khá đặc
biệt.
Tôi thích thơ của chú Vũ vì cái tính lạ lùng vừa phóng
khoáng vừa sâu thẳm của nó. Bài thơ khiến tôi xúc động nhất và cũng ám
ảnh tôi nhiều nhất là “Bài hát ấy vẫn còn là dang dở”. Đọc đi đọc lại,
tôi có cảm giác nó dường như là linh cảm của chú Vũ về ngày từ biệt. Nó
vừa da diết luyến tiếc cuộc sống quá ngắn ngủi vừa mang sự mãn nguyện
của một người đã làm xong nhiều việc lớn.
"Nắng đã tắt dần trên lá im
Chiều đã xẫm màu xanh trong mắt tối
Đường đã hết trước biển cao vời vợi
Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn
Gió đã dừng nơi cuối chót không gian
Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm
Người đã sống hết tận cùng năm tháng
Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên..."
Chú
Vũ ra đi khi đang sung sức sáng tác nhưng cũng đã kịp hoàn thành rất
nhiều tác phẩm. Chú ấy đi trong mãn nguyện sau khi để lại cho đời rất
nhiều, đúng như câu kết của bài thơ vậy: “Buồm đã tới và lúa đồng đã
gặt”.
20 năm qua rồi. Tất cả những gì gợi nhớ chuyện ngày ấy đều
làm cho tôi buồn. Tôi tránh đọc thơ và không muốn xem kịch, vì sợ những
kỷ niệm ngày xưa quay về. Tôi không theo nghề báo mà đi làm công tác
nhân đạo rồi chuyển sang kinh doanh. Cái thế giới thực tế của kinh doanh
phần nào giúp tôi vượt qua cảm xúc của mình và vững vàng trong thực
tại.
Tôi cũng đã có có gia đình yên ấm riêng của mình với nhiều
niềm vui mới. Mỗi lần gia đình tôi và gia đình Minh Vũ tới thăm nhau,
anh em tôi ngồi ngắm lũ trẻ chơi đùa trong cái cảm giác được chia sẻ và
bù đắp. Nhưng sự thật là dù 20 năm có trôi qua và tôi đã có quá nhiều
thay đổi, nỗi đau vẫn không mất đi. Mãi mãi không mất.
*Xin cảm ơn Nhà báo Đoan Trang đã vui lòng cho phép Tễu-Blog đăng tải bài viết này.
-------------