Cây cối cũng giống như con người vậy, nếu chịu khó quan sát và tìm hiểu kĩ lưỡng về chúng, ta sẽ thấy mỗi cây đều có những đặc điểm riêng rất thú vị. Chẳng nói đâu xa, chỉ loanh quanh trong vườn hoa cây cảnh nhà mình thôi, Thị cũng thấy nhiều cái lý thú lắm. Này nhé, nhỏ nhoi khiêm nhường như dừa cạn mà quanh năm trổ hoa tươi thắm, bừng sáng cả khoảng trời; mảnh mai như những nhành phong lan, chỉ ăn gió uống sương mà mỗi độ xuân về, hay thu tới đều bung lụa muôn màu muôn vẻ. Bông thì vàng óng như tơ lại giống hệt thiếu nữ mặc đầm đang múa, đẹp mê ly. Có bông giống như một đàn hồng hạc đang bay, ngắm nhìn mê mải cả ngày không biết chán…Lại còn mùi hương tỏa ra từ các loài hoa cũng đặc biệt vô cùng. Có hương thơm thoang thoảng mà phải lắng lại ta mới thấy như hương hoa tường vi, hoa đại tướng quân; có loài lại ngan ngát và dịu ngọt như hương hoa cau, hoa mộc hương, hoa bưởi; lại có loài tỏa hương nồng nàn khi chiều xuống, lúc đêm về như thiết mộc lan hay dạ hương ... Đâu chỉ có hoa mà thân, lá, mỗi loại cây cũng thật nhiều màu vẻ càng ngắm càng đắm say.Nhưng có lẽ độc đáo nhất trong vườn nhà Thị là cây móc.
Nhớ hồi cách đây khoảng ngót nghét hai chục năm, khi đi dự đám cưới con chú em, vợ chồng Thị nhìn thấy cây này đã cùng trầm trồ thốt lên:” Cây gì đây mà lạ và đẹp thế?” Người ta nói đó là cây móc. Với Thị, cây móc đặc biệt ngay từ cái tên của nó. Thị thắc mắc và được gia chủ giải thích rằng, gọi như vậy vì thuở xưa, người ta thường dùng những sợi tơ mầu đen trên tầu móc để khâu nón. Thân cây móc cũng khá độc đáo. Lúc mới mọc lên nó mềm mại như thân cỏ nhưng khi đã trưởng thành, thì cao vút, thẳng tắp, vững chãi có đốt như cau nhưng đốt thưa và thân to gấp đôi cây cau. Lá móc cũng xòe ra từ bẹ nhưng vươn dài chia thùy nên trông thanh thoát, thưa thoáng, mềm mại chứ không nặng nề như lá cau. Tuy thưa thoáng vậy nhưng những người đi đánh chim thì thích dùng loại lá này lắm. Họ bảo rằng cứ để tàu lá này trước mặt rồi di chuyển đến sát gần nơi chim đậu chúng cũng không phát hiện ra. Một điều lạ nữa của tàu lá móc là nó không hề rụng xuống, tách ra cùng bẹ như tàu cau mà bẹ nó cứ bám chắc vào thân, lá có khô héo quắt lại cũng vẫn cứ ở nguyên trên cây như vậy, nếu ta không cắt đi.
Cách đơm hoa, kết quả của cây móc cũng thật lạ lùng. Có lẽ trên đời này hiếm có cây nào như thế. Khi cao lớn vút lên tầm ba, bốn mét thì cây bắt đầu trổ bông. Nó đơm bông từ ngọn trước. Cụ thể là ở đốt trên cùng nhú ra một cái cuống to cỡ cườm tay người trung bình. Cái cuống đó vươn ra và quắp xuống, tựa như cái móc câu. ( Vì thế tôi cho rằng có lẽ người ta đặt tên cây móc là dựa vào hình dáng này chăng?) Thế rồi cái móc câu ấy, đẫy đà dần lên và bung xòa ra một chùm nhành hoa xõa xuống rất mềm mại, xanh màu nõn chuối. Theo thời gian, chúng dần sẫm lại thành màu xanh lá cây. Và trên từng nhành của buồng hoa lại nhú ra những chiếc nụ bé tí xếp san sát nhau. Nụ lớn dần, căng mọng. Màu sắc chuyển từ xanh sang nâu nhạt cũng chính là lúc nụ sắp sửa khai hoa. Hàng nghìn chiếc nụ của chùm đó, bất chợt bung nở trong một buổi sớm mai, khoe màu vàng sẫm, không sặc sỡ mà đằm thắm,phồn thực, sung mãn và lan tỏa một mùi thơm phảng phất rất dịu nhẹ. Nếu lắng lại, và thật yên tĩnh ta sẽ không chỉ thưởng thức được hương thơm kín đáo của hoa mà còn nghe rõ tiếng tí tách nứt vỏ của từng chiếc nụ khi khai hoa nữa. Những chú ong ở tận đẩu đâu bay đến bu kín mít trên các đóa hoa tạo nên một sự sống động, rộn ràng thật sự. Nhưng chỉ đến chiều là hoa trút hết, cánh hoa cứng và đằm nên không để gió cuốn đi, bay lả tả mà tụ lại một đám ngay phía dưới buồng hoa thành một lớp dày. Lúc này lũ ong bay đi gần hết, chỉ còn vài con lượn lờ như lưu luyến, tiếc nuối chút phấn hoa sót lại.
Cả buồng hoa lúc này nhẹ bẫng đi và có phần xơ xác. Nhưng chỉ vài ba ngày sau, ta sẽ nhìn rõ hơn những quả non bé xíu như hạt tấm và chúng cứ thế lớn dần lên, màu sắc cũng chuyển dần từ xanh nhạt sang xanh thẫm, rồi hồng nhạt, hồng thẫm và đến lúc tím đen như những trái nho hoặc trái sim chín mọng. Chùm quả này từ lúc có màu xanh thẫm đến lúc chín mọng luôn giữ được vẻ đẹp sung túc, viên mãn,phồn thịnh, ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ! Thời gian hoàn tất quá trình ra hoa kết trái của một chùm kéo dài hàng năm. Trong suốt thời gian đó, các đốt tiếp theo của cây móc lại lần lượt thực hiện thiên chức ra hoa kết quả của mình y hệt chùm đầu tiên. Cứ tuần tự từ trên ngọn xuống gốc, mỗi đốt một buồng hoa buông tỏa, buông tỏa như những mái tóc xõa ra của người phụ nữ trông quyến rũ vô cùng. Khi quả móc chín đen rồi khô quắt lại và rụng xuống từ từ từng trái, từng trái cho đến hết cũng là lúc cái khung của mỗi chùm dần khô quắt lại nhưng nó vẫn đeo đẳng trên cây. Loài quả này, người không ăn được, vì nó gây ngứa miệng. Nhưng làm mồi câu cá thì tuyệt vời, vì thế những người đi câu thích lắm. Cây móc thường có khoảng vài ba chục buồng hoa, quả trĩu trịt. Chỉ khi nào cái chùm hoa gốc, sát mặt đất thực hiện xong thiên chức rồi khô quắt đi, thì cây móc mới hoàn tất một quá trình trưởng thành, sinh nở và nuôi dưỡng hoa trái của mình. Lúc đó, cành, lá và thân cây mới dần dần khô lại, chết đi trong tư thế đứng sừng sững, vững chãi chờ chủ vườn hóa kiếp cho nó.
Một vòng đời khoảng trên dưới chục năm, từ lúc nảy mầm, xòe ra hai chiếc là bé xíu mềm như lá cỏ cho đến lúc kết thúc, cây móc chỉ “ ăn của đất, uống của trời” mà dâng hiến hết mình để tạo nên một thân thể cường tráng, những chùm hoa, trái lúc lỉu đẹp mãn nhãn dâng hiến cho đời. Rồi nó ra đi thật bình dị thanh thản và oai phong. Theo dõi quá trình đó của cây móc, Thị thấy mình ngộ ra nhiều điều trong cõi nhân sinh.
Sao Đỏ : 14-11-2021
Song Thu