Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

BIẾT BAO LẦN

        (Họa nguyên vận bài THA THIẾT TÌNH AI- Tạ Anh Ngôi)
    Tri ân mở cửa đón thi nhân
     Nam, Bắc chung vui tới họa vần
    Gom nắng dệt vàng bao tháng hạ
    Góp hoa tô thắm những ngày xuân
     Niềm thương xao xuyến miền duyên hải
    Nỗi nhớ thẫn thờ áng bạch vân
    Xin gửi cả vào thơ với nhạc
     Làm nên tha thiết biết bao lần
                Sao Đỏ 30-11-2011
                     Vũ Thị Song Thu

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Phát sốt với cây sanh "mâm xôi con gà" giá hàng chục tỷ đồng



Đây được cho là cây sanh “mâm xôi con gà” tự nhiên đẹp nhất Việt Nam. Hiện đang có rất nhiều đại gia cây cảnh có tiếng ‘lăm le’ bỏ hàng chục tỷ đồng tìm mọi cách để sở hữu “tác phẩm tuyệt mỹ” này.
Chúng tôi đã có một ngày băng rừng, vượt suối để tìm đến xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), tận mắt chứng kiến một “tác phẩm” tự nhiên hàng ngàn năm tuổi và 'có một không hai' giữa núi rừng hùng vĩ.


Toàn cảnh khối đá, thân cây, ngọn cây sanh bao bọc nằm uy nghi giữa núi rừng. 

Chúng tôi đã nhờ anh Dần, một người dân bản địa sành đường đi nước bước dẫn đường. Cây xanh đứng hiên ngang, bao bọc cánh đồng mía bạt ngàn.

Cây sanh toả bóng ôm tròn lên 2 khối đá quý, một tảng đá lớn ở phía dưới nứt làm đôi và một khối đá hình tròn phía trên có hàng trăm rễ cây bao bọc chằng chịt.

Đứng ngắm mấy phút, anh Dần liền leo lên tảng đá bám từ rễ cây, không hết lời trầm trồ: “Tui ở Tân Kỳ mấy chục năm rồi mà không nghĩ là ở vùng đất này lại có cây sanh đẹp như thế. Không trách gì dân chơi cây cảnh đang muốn bỏ tiền tỷ ra để sở hữu. Cây này mà đưa được ra ngoài thị trấn chắc là vô giá…”.


Năm tháng lớn lên trong sự già nua của thân và rễ cây sanh ngàn tuổi 

Cũng theo anh Dần, là một người làm xây dựng và cũng thường xuyên đi ‘săn’ cây cảnh về trồng, anh đánh giá cây sanh này phải đến hàng ngàn năm tuổi và khối đá bao bọc xung quanh là đá hoa cương (garanít) hạt nhỏ.

Khối đá phía dưới được tách ra làm 2 tảng lớn, ước chừng nặng khoảng 160 tấn và hòn đá trên giống như viên ngọc có trọng lượng khoảng 25 tấn. Chiều rộng tán lá của cây khoảng 40m và chiều cao của thân cây khoảng 38m.

Theo anh Dần thì đặc thù cây sanh bao giờ tán lá cũng toả dài hơn độ cao của thân cây.

Ngoài thân cây chính bao bọc lấy hòn “đá ngọc”, xung quanh có hàng trăm rễ lớn bao bọc, tạo nên sự vững chắc cho toàn thân cây. Rễ và đá bám chặt lấy nhau, cuộn tròn như một “con rồng đang ngậm ngọc”, tua tủa từ gốc lên ngọn cây như “phượng múa rồng bay”.

Quanh thân cây bám lấy khối đá hoa cương còn có 4 rễ lớn chùng từ trên ngọn cây cao vút xuống mặt đất, giống như chiếc ghế 4 chống trụ xung quanh tảng đá và thân cây lớn.



Quan sát khu vực xung quanh cây sanh, trong bán kính 100m có hàng trăm hòn đá hoa cương to, nhỏ nằm rãi rác bao quanh. Không những thế, dưới chân cây sanh không xa, một dòng suối nhỏ chảy hiền hoà, nước trong veo và mát lạnh.

Những kết cấu đặc biệt này khiến cây sanh càng trở nên huyền bí và lạ lẫm, cuốn hút nhiều người đến xem.

Được biết, hiện nay có rất nhiều đại gia cây cảnh do chưa mua được cây sanh “độc nhất vô nhị” này nên đang có ý định mua cả khu đất bao quanh để làm sở hữu riêng.

Mang những thông tin trên lên hỏi Phòng văn hoá huyện Tân Kỳ thì họ không hề hay biết và còn rất ngạc nhiên là trên địa bàn xã Giai Xuân lại có một cây sanh cổ thụ và quý giá.

Trông bức ảnh, anh Đinh Xuân Công, cán bộ văn hoá huyện Tân Kỳ ngạc nhiên nói: “Khi xem những hình ảnh này thì không thể tin được là có cây sanh đẹp đến vậy. So với cây sanh “mâm xôi con gà” hay “con gà mâm xôi” của ông Nguyễn Trung Thành mà báo chí đăng tải nhiều lần thì phải gọi cây này là bằng... cụ. Cây sanh này mới gọi là “mâm xôi con gà thật”.

Cây sanh quý nằm trên hòn đá ngọc hoa cương, một tài sản vô giá của thiên nhiên ban tặng đang được rất nhiều đại gia cây cảnh dòm ngó.

Trước khi nó trở thành của riêng một ai đó, các cơ quan chức năng nên có biện pháp bảo vệ, gìn giữ...

Những hình ảnh tuyệt đẹp về cây sanh độc nhất vô nhị:





Theo Quốc Huy

BÁC HỒ ĐỐI ĐÁP CÂU ĐỐI VÀ HỌA THƠ


         

       Vào khoảng tháng 12 năm 1943, Hồ Chí Minh tham dự bữa tiệc do Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Cục chính trị Đệ tứ chiến khu chiêu đãi. Tại bữa tiệc này,Nguyễn Hải Thần , vốn tự phụ về vốn Hán học của mình nên vừa có ý tự đắc vừa muốn lấy lòng quan trên  đã buông ra một vế đối ngụ ý so sánh Hầu Chí Minh với Hồ Chí Minh để thách đối:
 “Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, nhị vị đông chí , chí giai minh”(Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị là đồng chí, chí đều sáng)
          Mọi người trong bữa tiệc còn đang suy nghĩ tìm cách đối  thì Hồ Chí Minh đã ung dung đối lại như sau:
          “Nhĩ cách mạng, ngã cách mạng, đại gia cách mạng, mạng tất cách”(Ông cách mạng, tôi cách mạng, tất cả đều cách mạng thì cách mạng tất thành công).
          Vế đối của Bác rất chỉnh cả về ý tứ lẫn ngôn từ lại có tầm tư tưởng cao, có tính cách mạng triệt để. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Hầu Chí Minh không ngớt lời ca ngợi : “Đối hay lắm, hay lắm”. Nguyễn Hải Thần cũng cung kính nói: “Hồ Chí Minh tài trí mẫn tiệp. Bội phục! Bội phục!”.
          Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Hải Thần cùng một số người Việt Nam nữa như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh theo đoàn quân Tiêu Văn của Tưởng Giới Thạch về nước. Để thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng, nhằm tập trung lực lượng kháng chiến ở Nam bộ, ngày 01/01/1946 Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó được bổ sung vào Quốc hội (không qua bầu cử) đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Liên hiệp chính thức. Nhân dịp này, Nguyễn Hải Thần đã làm thơ gửi Hồ Chủ tịch:
                   “Gánh vác việc đời ông với tôi
                   Con đường gai góc sẻ làm đôi
                   Cùng chung đất nước chung bờ cõi
                   Cũng một ông cha, một giống nòi
                   Đành chịu nước cờ thua nửa ngựa
                   Còn hơn miệng thế chế mười voi
                   Mấy lời nhắn nhủ cùng ông biết
                   Nước ngược buông câu phải lựa mồi”
          Thâm ý của Nguyễn Hải Thần là muốn khuyên Hồ Chủ tịch đành chịu phần thua, lựa chiều lòng Trung Hoa Quốc dân đảng. Biết rõ ý đồ ấy, Hồ Chủ tịch đã họa lại như sau:
                   “Ông biết phần ông, tôi biết tôi
                   Quyết giành thắng lợi chẳng chia đôi
                   Đã sinh đầu óc, sinh tai mắt
                   Nỡ bỏ ông cha, bỏ giống nòi
                   Họ trót sa chân vào miệng cọp
                   Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi
                   Cờ tàn mới biết tay cao thấp
                   Há phải như ai cá đớp mồi”
          Bài thơ họa lại, lời lẽ thật đanh thép, vừa thể hiện tinh thần quyết vượt mọi khó khăn, hiểm nguy giành thắng lợi vừa phê phán mạnh mẽ thái độ hèn hạ của bọn người cam tâm làm tay sai ôm chân Quốc dân đảng Trung Hoa, bỏ ông cha, bỏ giống nòi.
          Bài họa thật sắc sảo, tài tình!
                                      Vũ thị Song thu (sưu tầm)
                                      Nguồn Báo Sức khỏe và Đời sống  

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

HỌA THƠ THANH DẠ


          SỐ NHÀN
(Họa bài:Cứ ngỡ về hưu...của Thanh Dạ)

Số hắn sinh ra gặp chữ nhàn
Công to việc nhỏ có người toan
Tiền tiêu rủng rỉnh không cần hỏi
Rượu nhắm tì tì chẳng phải han
Quả ngọt rau xanh ơn đất phát
Con ngoan cháu thảo lộc trời ban
Bốn mùa đủng đỉnh thơ và nhạc
Mặc kệ mưa dầm với nắng chan
          Sao Đỏ :22-11-2011
          Vũ Thị Song Thu

VỀ HƯU


         

Xa rồi phấn trắng bảng đen
Ta về vui thú điền viên cùng người
Thảnh thơi sống đoạn cuối đời
Ngoài vòng danh lợi, ngoài lời thị phi
Vàng thoi, bạc tỷ màng gì
Vườn rau, ao cá mình thì cứ vui
Gà ngon, rau sạch, quả tươi
Mùa nào thức ấy tứ thời phong lưu
Cháu con ríu rít sớm chiều
Thành công, hiếu nghĩa là điều ta mong
Trò xưa, bạn cũ đồng lòng
Câu thơ, chén rượu ta cùng sẻ chia
Làng trên, xóm dưới đi về
Tắt đèn, tối lửa mọi bề có nhau
Họ hàng nội ngoại trước sau
Buồn vui ấm lạnh bên nhau tận tình
Vợ chồng duyên nợ ba sinh
Càng già càng  vẹn nghĩa tình mình ơi
Khi nao trời gọi lên trời
Chúng mình vẫn cứ là đôi vợ chồng
                   Sao Đỏ 22-11-2011
                   Vũ Thị Song Thu

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

NGHE TIẾNG CUỐC KÊU

Cuối thu nghe tiếng cuốc kêu
Tiếng kêu gọi bạn hay kêu lạc bầy
Mà sao ai oán thế này
Khi da diết nhớ khi ngầy ngật thương
Khi như nức nở đoạn trường
Không nơi trú ngụ không đường sinh nhai
Bờ tre đống ốc hết rồi
Góc ao nhỏ cũng bị người lấn sang
Đêm đêm tiếng cuốc mênh mang
Hỏi trời cao có bàng hoàng hay không?
              Sao Đỏ: 4-11-2011
             Vũ Thị Song Thu

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

VUI VỚI TRI ÂN


                           

Mấy hôm vừa rồi tham gia làm vườn cùng ông chủ, mệt quá, khi giải lao mở blog trian ra đọc, gặp được mấy bài thơ vui, cứ sướng âm ỉ mãi. Nhiều lúc nhẩm đọc lại rồi cười một mình ra chiều thú vị lắm. Cái niềm sung sướng ấy đã định bụng giữ cho riêng mình tận hưởng chứ quyết không chia sẻ cùng ai. Nhưng đến hôm nay thì không giữ nổi nữa rồi vì nó đã bật ra thành bài viết này đây, xin chiềng ra để cả xóm cùng rung rinh cho vui.
          Gớm cứ úp úp mở mở mãi làm mọi người tưởng điều gì to tát hay bí mật lắm. Thực tình đó là bài thơ : “ Hỏi em-Cô gái hái trầu” của bác Thanh Dạ và một vài ý kiến nhận xét ý mà. Có thể với mọi người nó chẳng đến nỗi làm cho sung sướng rung rinh, âm ỉ đến thế. Nhưng với tôi thì tôi rất khoái. Có lẽ tại cái tạng của tôi cứ thích những cái gì vui vui hom hóm chăng? Chẳng thế mà ngay từ thưở mới ra trường, lần đầu tiên thao giảng trong tổ văn, tôi cũng chọn giảng truyện cười : Tam đại con gà và Đến chết vẫn hà tiện. Tôi nhớ chị Lan cùng tổ khuyên tôi : “Em chọn bài khác đi, con gái giảng truyện cười khó hay lắm” Tôi cám ơn chị nhưng vẫn làm theo ý mình. Trời xui đất khiến thế nào mà bài giảng đó của tôi được mọi người trong tổ thích lắm và nhất trí bình loại giỏi.Duy có một ông tổ trưởng chẳng hiểu vì lý do gì mà hôm tôi giảng không đi dự được nhưng đến khi bình xét thì lại phán: “ đồng chí mới ra trường nên xếp loại khá để còn phấn đấu vươn lên hơn nữa”. Thế là cả tổ nhất trí thông qua. Tôi ấm ức lắm nhưng chẳng dám nói gì (vì lính mới tò te mà lại). Tuy vậy trong lòng thì  cứ nghĩ rằng cái ông tổ trưởng này gàn thế mà lại có uy tín với tổ vậy sao? Ấy cái ông gàn đó bây giờ đã “đồng tịch đồng sàng” với tôi gần 30 năm rồi đấy và tôi thấy ông ấy càng ngày càng gàn hơn thì phải. Nhưng tôi đã ăn phải bùa rồi nên vẫn thích cái gàn gàn, ngang ngang đó. Thế thì có sướng thân tôi không cơ chứ? Rõ là, cái sướng cái khổ với mỗi người mỗi khác thật. Cũng như bài thơ  của bác Thanh Dạ  mà tôi thú lắm ấy, nguyên văn nó thế này:
                             Nhìn tay em hái trầu không
                             Tự dưng anh thấy trong lòng nhói đau
                             Trầu này em định bán đâu
                             Cho anh gửi một buồng cau bán cùng
                             Hay là hãy để lại dùng
                             Biết đâu mai có việc chung hai nhà
                             Xin cho anh hỏi thật thà
                             Trầu này trầu có hay là trầu không?!
 Quả là bác Thanh Dạ nhà ta đa cảm thật. Mới thấy con nhà người ta hái trầu không mà đã “Tự dưng anh thấy trong lòng nhói đau”. Rồi lại còn đa tình nữa chứ. Cho nên mới lân la làm quen và ỡm ờ ướm hỏi: “Trầu này em định bán đâu” rồi thủ thỉ gửi gắm “Cho anh gửi một buồng cau bán cùng” rồi lại băn khoăn gợi mở:”Hay là hãy để lại dùng/ Biết đâu mai có việc chung hai nhà” và cuối cùng là thật thà nhưng cũng rất tế nhị ngỏ lời rằng: “Trầu này trầu có hay là trầu không”. Gớm vòng vo Tam quốc mãi thì ra là bác ấy muốn “tỉnh tò” với cô gái hái trầu kia, mà “tỉnh tò” kín đáo tinh tế và văn hóa ra phết đấy chứ. Có lẽ bác ý đã vận dụng thật nhuần nhuyễn cách ngỏ lời của văn học dân gian Việt Nam để biến thành cách ngỏ lời rất hóm , rất Thanh Dạ, một cách ngỏ lời khiến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Và đây rồi, có những con kiến ở tận đâu chắc là xa lắm và lại có cái bút danh cũng lạ lắm đã phải lòng bác Thanh Dạ nhà ta mà trả lời rằng:
                             Trầu em em ứ bán đâu
                             Lá đang bánh tẻ còn lâu mới già
                             Cau anh vỏ đã chớm ngà
                             Đem phơi lấy hạt âu là còn may
                             Thương anh em nói câu này
                             Hai cau đổi lá trầu này chịu không?
     ( Những thành viên của CLB Vòng tay trianserco)
Cũng là một tay đáo để ra phết cho nên lời thơ rất quyết đoán và đầy tự tin về bản thân mình nhưng lại không thô cứng mà rất nũng nịu rất nữ tính: “Trầu em em ứ bán đâu/ Lá đang bánh tẻ còn lâu mới già”. Có lẽ chính từ “Ứ” và từ “CÒN LÂU” đã tạo nên nét duyên dáng mà cao giá trong lời thơ chăng? Chưa hết, cái cô gái đáo để này còn thẳng thừng bóc mẽ bác Thanh Dạ, mà lại bóc mẽ trúng phóc nữa mới gớm chứ: “Cau anh vỏ đã chớm ngà/ Đem phơi lấy hạt âu là còn may”. Đọc đến câu này, tôi cứ ngậm ngùi thương bác Thanh Dạ vì nghĩ rằng điệu này thì lời ngỏ ý của bác dứt khoát bị chối từ rồi. Thật tội thân ông lão đa tình. Nhưng không, con người đáo để kia đã hạ giọng thế này: “Thương anh em nói câu này/Hai cau đổi lá trầu này chịu không?” Thật tình tứ, thật dí dỏm và vì thế mà thật thú vị!
           “Đựoc lời như cởi tấm lòng”, bác Thanh Dạ nhà ta mới gật đầu cái rụp mà thốt lên rằng: “Hai cau đổi lấy một trầu/ Thế là ngang giá-Còn cầu gì hơn”
          Thưa xóm Tri ân, tôi đã trình bày xong nỗi niềm sung sướng rung rinh của tôi với xóm chẳng biết có được ai đó trong xóm chia sẻ không? Qua xóm tôi gửi lời cám ơn bác Thanh Dạ và người làm thơ trả lời bác, người mà tôi lờ mờ đoán rằng “có tâm hồn trẻ nhất làng” chẳng biết có đúng không? Mong các bác viết thêm thật nhiều bài thơ vui và đẹp như thế này để mọi người lãm thưởng.
                                      Sao Đỏ 2-11-2011
                                      Vũ Thị Song Thu