Mấy hôm vừa rồi tham gia làm vườn cùng ông chủ, mệt quá, khi giải lao mở blog trian ra đọc, gặp được mấy bài thơ vui, cứ sướng âm ỉ mãi. Nhiều lúc nhẩm đọc lại rồi cười một mình ra chiều thú vị lắm. Cái niềm sung sướng ấy đã định bụng giữ cho riêng mình tận hưởng chứ quyết không chia sẻ cùng ai. Nhưng đến hôm nay thì không giữ nổi nữa rồi vì nó đã bật ra thành bài viết này đây, xin chiềng ra để cả xóm cùng rung rinh cho vui.
Gớm cứ úp úp mở mở mãi làm mọi người tưởng điều gì to tát hay bí mật lắm. Thực tình đó là bài thơ : “ Hỏi em-Cô gái hái trầu” của bác Thanh Dạ và một vài ý kiến nhận xét ý mà. Có thể với mọi người nó chẳng đến nỗi làm cho sung sướng rung rinh, âm ỉ đến thế. Nhưng với tôi thì tôi rất khoái. Có lẽ tại cái tạng của tôi cứ thích những cái gì vui vui hom hóm chăng? Chẳng thế mà ngay từ thưở mới ra trường, lần đầu tiên thao giảng trong tổ văn, tôi cũng chọn giảng truyện cười : Tam đại con gà và Đến chết vẫn hà tiện. Tôi nhớ chị Lan cùng tổ khuyên tôi : “Em chọn bài khác đi, con gái giảng truyện cười khó hay lắm” Tôi cám ơn chị nhưng vẫn làm theo ý mình. Trời xui đất khiến thế nào mà bài giảng đó của tôi được mọi người trong tổ thích lắm và nhất trí bình loại giỏi.Duy có một ông tổ trưởng chẳng hiểu vì lý do gì mà hôm tôi giảng không đi dự được nhưng đến khi bình xét thì lại phán: “ đồng chí mới ra trường nên xếp loại khá để còn phấn đấu vươn lên hơn nữa”. Thế là cả tổ nhất trí thông qua. Tôi ấm ức lắm nhưng chẳng dám nói gì (vì lính mới tò te mà lại). Tuy vậy trong lòng thì cứ nghĩ rằng cái ông tổ trưởng này gàn thế mà lại có uy tín với tổ vậy sao? Ấy cái ông gàn đó bây giờ đã “đồng tịch đồng sàng” với tôi gần 30 năm rồi đấy và tôi thấy ông ấy càng ngày càng gàn hơn thì phải. Nhưng tôi đã ăn phải bùa rồi nên vẫn thích cái gàn gàn, ngang ngang đó. Thế thì có sướng thân tôi không cơ chứ? Rõ là, cái sướng cái khổ với mỗi người mỗi khác thật. Cũng như bài thơ của bác Thanh Dạ mà tôi thú lắm ấy, nguyên văn nó thế này:
Nhìn tay em hái trầu không
Tự dưng anh thấy trong lòng nhói đau
Trầu này em định bán đâu
Cho anh gửi một buồng cau bán cùng
Hay là hãy để lại dùng
Biết đâu mai có việc chung hai nhà
Xin cho anh hỏi thật thà
Trầu này trầu có hay là trầu không?!
Quả là bác Thanh Dạ nhà ta đa cảm thật. Mới thấy con nhà người ta hái trầu không mà đã “Tự dưng anh thấy trong lòng nhói đau”. Rồi lại còn đa tình nữa chứ. Cho nên mới lân la làm quen và ỡm ờ ướm hỏi: “Trầu này em định bán đâu” rồi thủ thỉ gửi gắm “Cho anh gửi một buồng cau bán cùng” rồi lại băn khoăn gợi mở:”Hay là hãy để lại dùng/ Biết đâu mai có việc chung hai nhà” và cuối cùng là thật thà nhưng cũng rất tế nhị ngỏ lời rằng: “Trầu này trầu có hay là trầu không”. Gớm vòng vo Tam quốc mãi thì ra là bác ấy muốn “tỉnh tò” với cô gái hái trầu kia, mà “tỉnh tò” kín đáo tinh tế và văn hóa ra phết đấy chứ. Có lẽ bác ý đã vận dụng thật nhuần nhuyễn cách ngỏ lời của văn học dân gian Việt Nam để biến thành cách ngỏ lời rất hóm , rất Thanh Dạ, một cách ngỏ lời khiến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Và đây rồi, có những con kiến ở tận đâu chắc là xa lắm và lại có cái bút danh cũng lạ lắm đã phải lòng bác Thanh Dạ nhà ta mà trả lời rằng:
Trầu em em ứ bán đâu
Lá đang bánh tẻ còn lâu mới già
Cau anh vỏ đã chớm ngà
Đem phơi lấy hạt âu là còn may
Thương anh em nói câu này
Hai cau đổi lá trầu này chịu không?
( Những thành viên của CLB Vòng tay trianserco)
Cũng là một tay đáo để ra phết cho nên lời thơ rất quyết đoán và đầy tự tin về bản thân mình nhưng lại không thô cứng mà rất nũng nịu rất nữ tính: “Trầu em em ứ bán đâu/ Lá đang bánh tẻ còn lâu mới già”. Có lẽ chính từ “Ứ” và từ “CÒN LÂU” đã tạo nên nét duyên dáng mà cao giá trong lời thơ chăng? Chưa hết, cái cô gái đáo để này còn thẳng thừng bóc mẽ bác Thanh Dạ, mà lại bóc mẽ trúng phóc nữa mới gớm chứ: “Cau anh vỏ đã chớm ngà/ Đem phơi lấy hạt âu là còn may”. Đọc đến câu này, tôi cứ ngậm ngùi thương bác Thanh Dạ vì nghĩ rằng điệu này thì lời ngỏ ý của bác dứt khoát bị chối từ rồi. Thật tội thân ông lão đa tình. Nhưng không, con người đáo để kia đã hạ giọng thế này: “Thương anh em nói câu này/Hai cau đổi lá trầu này chịu không?” Thật tình tứ, thật dí dỏm và vì thế mà thật thú vị!
“Đựoc lời như cởi tấm lòng”, bác Thanh Dạ nhà ta mới gật đầu cái rụp mà thốt lên rằng: “Hai cau đổi lấy một trầu/ Thế là ngang giá-Còn cầu gì hơn”
Thưa xóm Tri ân, tôi đã trình bày xong nỗi niềm sung sướng rung rinh của tôi với xóm chẳng biết có được ai đó trong xóm chia sẻ không? Qua xóm tôi gửi lời cám ơn bác Thanh Dạ và người làm thơ trả lời bác, người mà tôi lờ mờ đoán rằng “có tâm hồn trẻ nhất làng” chẳng biết có đúng không? Mong các bác viết thêm thật nhiều bài thơ vui và đẹp như thế này để mọi người lãm thưởng.
Sao Đỏ 2-11-2011
Vũ Thị Song Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét