Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

TỪ BÀI THƠ : “ TÂM SỰ VỚI CHỒNG” NGHĨ VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ NÔNG THÔN VIỆT NAM


                         

( Ảnh tác giả bài thơ: TÂM SỰ VỚI CHỒNG, chụp khi đi lễ đền Hùng hồi đầu năm 2014 đấy ạ)




Gia đình tôi thân thiết với A. N đã nhiều năm nay. A. N và Anh Đào  lại là bạn thân của nhau. Tôi quen Anh Đào là nhờ mối quan hệ bắc cầu ấy. Tuy vậy, tôi cũng mới biết Anh Đào mấy tháng gần đây và chỉ gặp nàng có hai lần thôi.

Lần đầu thấy A. N đèo nàng vào nhà chơi, tôi đã nháy mắt với chàng và hỏi: “Nặc Danh đấy đúng không?”( Chả là có một nàng Nặc Danh nào đó mến tài thơ của A. N và yêu quý luôn cả tác giả thơ nữa. Họ vào mạng chia sẻ, cho số điện thoại rồi hò hẹn với nhau ra chiều ăn ý lắm. Cứ như họ sắp sửa có nhau đến nơi rồi vậy). A N vội vã thanh minh :” Không phải đâu bà ơi. Đây là cô bạn trong tổ thơ với tôi bên quê đấy”. Ngồi chơi uống nước và trò chuyện cùng nhau, tôi mới được biết, cuộc đời Anh Đào cũng lắm nỗi niềm. Là gái quê chính hiệu nhưng nàng có nước da trắng trẻo, cái miệng duyên, thân hình cân đối, lẳn chắc nên trông trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 57 của nàng. Thực tình nếu không hỏi cụ thể thì tôi chỉ đoán nàng gân 50 tuổi là cùng. Con gái tôi còn bảo: “ Mẹ ơi con chỉ nghĩ là cô ấy khoảng 45 tuổi thôi cơ”. Liệu có phải do có tâm hồn thơ văn lại có máu ca hát nữa nên nàng trẻ lâu chăng?



       Nàng lập gia đình khá sớm và sinh hạ được bốn người con ( ba trai một gái). Nhưng không may, một cháu trai mới mấy tuổi đầu đã bị bệnh rồi bỏ mất; một cháu trai nữa lại bị tai nạn và ra đi vĩnh viễn, khi mới 22 tuổi đầu. Nỗi đau mất con còn đang đè nặng trong lòng nàng thì cách đây dăm tháng chồng nàng lại bị bệnh hiểm nghèo bỏ lại vợ con mà đi. Thật là chua xót. Nàng buồn rầu đến héo cả ruột gan. Các bạn thơ muốn rủ nàng đi giao lưu thơ phú cho vơi bớt nỗi niềm.( Thì khi chồng còn khỏe mạnh, nàng vẫn tham gia tổ thơ, tổ văn nghệ của xóm mà lại) Tuy đã qua trăm ngày chồng rồi, nàng mới dè dặt tham gia. Nhưng nàng vẫn phải giữ ý giữ tứ lắm, chẳng dám đọc thơ hay hò hát đơn ca bao giờ, chỉ lặng lẽ ngồi nghe và đứng vào hát tập thể cho đẹp đội hình ( như lời các bạn vẫn nói vậy). Những tưởng như thế là yên thân. Nào ngờ, xứ quê vốn hay xét nét, rồi lời ra tiếng vào ì xèo cả. Con cái ở xa chẳng hiểu mô tê gì, về làng nghe người ta bàn tán nên lại trách cứ mẹ. Nàng giải thích chúng cũng chẳng hiểu cho. Bởi thế, nàng mới làm bài thơ “ Tâm sự với chồng” Nguyên văn bài thơ như sau: 

 TÂM SỰ VỚI CHỒNG

                    Nguyễn Thị Anh Đào


Mấy gian nhà trống anh ơi

Vắng anh tạnh cả tiếng cười của anh

Các con giờ đã trưởng thành

Trai lên Hà Nội tập tành mưu sinh

Hồng Nhung –Con của chúng mình

Làm nghề chụp ảnh ghi hình khắp nơi

Hết xuống biển lại lên đồi

Hết ra bãi Một lại ngồi bãi Hai

Suốt ngày xuôi ngược rạc rài

Chăm lo cuộc sống ngày mai quê người

Cháu con xa tít mù khơi

Mình em đơn độc cuộc đời chông chênh

Đêm nằm trống trải không anh

Chiếu chăn nhiều lúc mốc xanh thiếu người

Nhiều khi em gắng hát cười

Lại nghe xóm láng nói lời vào ra

Lòng em trăm nỗi xót xa

Anh ơi!Anh có biết là em đau!

Tuổi cao em đã già đâu

Trái tim thổn thức nói câu... thập thình!

Gái trai con của chúng mình

Chúng không thông cảm sự tình của em

Còn luôn phiền trách em thêm

Để ngày em xót để đêm em buồn

Khôn thiêng anh hãy về luôn

Để em giải hết nỗi buồn trong…mơ !



 Bài thơ không hề hoa mỹ, cầu kì và thậm chí là gần như không chút trau chuốt ngôn từ; Không có những “ nhãn tự” hay những câu thơ tài hoa đọc tới làm ta giật mình hoặc trầm trồ thán phục. Nó cứ mộc mạc, giản dị, chân thật như tấm lòng người phụ nữ nông thôn, quen chân lấm tay bùn, quanh năm “ bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” đang giãi bày cảnh ngộ của mình, đang trải lòng mình với người chồng quá cố. Ấy thế mà đọc lên sống mũi ta bỗng cay cay và mắt rưng rưng lệ.

       Nếu nửa đầu bài thơ chỉ là những là những lời kể lại cảnh nhà trống vắng vì thiếu anh; vì các con đã ăn tây ở riêng và lập nghiệp nơi xa cả rồi thì đến phần sau, bài thơ mới bộc lộ rõ hơn tâm trạng của nàng trong cảnh ngộ đó:

Cháu con xa tít mù khơi

Mình em đơn độc cuộc đời chông chênh

Đêm nằm trống trải không anh

Chiếu chăn nhiều lúc mốc xanh thiếu người

Chẳng bóng bẩy, ẩn dụ hay so sánh chi cả, nàng cứ nói hết, nói một cách cụ thể và trần trụi cái cảm giác  “đơn độc”, “chông chênh”, “trống trải” của mình khi không còn chàng nữa. Đâu chỉ có hồn nàng trống vắng đơn côi mà mọi vật dụng thiếu vắng hơi chàng cũng trở nên hoang lạnh vô cùng: “ Chiếu chăn nhiều lúc mốc xanh thiếu người”. Nhưng nàng đã vượt lên trên cảnh ngộ đó bằng cách của riêng nàng:

“Nhiều khi em gắng hát cười

Lại nghe xóm láng nói lời vào ra”

Từ “gắng” trong câu thơ trên rất thật mà vẫn rất hay. Bởi lẽ nó đã diễn tả đúng tâm tư tình cảm của nàng khi đó. Nàng có hát cười vì thích thú, vì vui vẻ gì đâu mà chỉ vì gắng gượng mà hát cười để quên đi nỗi đau riêng trong cảnh ngộ cô đơn buồn tủi của mình thôi.

       Thế mà, làng xóm có ai hiểu cho nàng nông nỗi ấy. Họ xì xèo bàn tán. Chắc họ cho rằng nàng không xót thương chồng, không buồn đau khi mồ chồng chưa xanh cỏ mà lại còn thơ phú hát hò. Họ đâu có hiểu cái cách bộc lộ buồn vui của mỗi người mỗi khác. Buồn mà khóc được có khi còn nhẹ lòng hơn là hát cười ấy chứ. Đã từng có câu: “ Sao em không khóc cho lòng nhẹ nhàng hơn” đấy thôi. Không lẽ lúc nào nàng cũng phải khoác bộ mặt như đưa đám mới là đau là buồn? Ở chốn thị thành chẳng mấy ai để ý đến ai thì không nói làm gì, còn ở xứ quê, những lời dè bỉu, nói ra nói vào ấy quả là khó chịu lắm. Nhưng nếu chỉ có thế nàng còn chịu đựng được.Đằng này lại còn chính những đứa con nàng dứt ruột đẻ ra, dày công nuôi dưỡng,lo dựng vợ gả chồng rồi lo cho chúng có cơ ngơi riêng yên ấm thế mà chúng chẳng thấu hiểu lòng nàng, chia sẻ cùng nàng. Ngược lại, thấy xóm láng lời ra tiếng vào, chúng còn phiền trách nàng thêm thì nàng chịu sao cho thấu. Nàng chỉ biết ôm nỗi niềm ấy để tâm sự với người chồng quá cố thôi chứ biết bày tỏ cùng ai được bây giờ. Ai có thể san sẻ với nàng đây?

Gái trai con của chúng mình

Chúng không thông cảm sự tình của em

Còn luôn phiền trách em thêm

Để ngày em xót để đêm em buồn

        Nếu tất cả những phiền trách kia chỉ vì nàng “ gắng hát cười” thì cùng lắm cũng chỉ làm nàng buồn thôi. Nhưng hình như hàng xóm và cả các con nàng nữa còn bàn tán nàng vì những chuyện này kia lắm thứ nữa làm cho nàng không chỉ buồn mà còn đau. Cho nên nàng mới phải thốt lên rằng:

Anh ơi anh có biết là em đau

Tuổi cao em đã già đâu

Trái tim thổn thức nói câu…thập thình

Theo tôi, cả bài thơ có lẽ câu “ Trái tim thổn thức nói câu… thập thình” là một câu thơ hay nhất, thơ nhất. Không phải bởi sự hoa mỹ cầu kì mà chính bởi sự tận cùng của lòng chân thật. Nàng không giấu giếm chồng chuyện nàng còn trẻ trung, còn xao xuyến khát khao. Và nàng đã nói lên điều đó bằng cả một nỗi niềm ngập ngừng, tinh tế mà rất thành thật. Tôi rất thú vị khi nhìn thấy cái dấu ba chấm giữa dòng thơ và càng thú vị hơn khi đọc cả dòng thơ: “ Trái tim thổn thức nói câu… thập thình”. Câu thơ không chỉ diễn tả sự ngập ngừng, e thẹn của nàng khi phải nói ra cái điều khó nói với chồng mà còn diễn tả cả cái nhịp đập run rẩy mà mãnh liệt của một tâm hồn góa phụ vẫn còn nhiều tha thiết yêu thương và luôn khao khát được yêu.

Khôn thiêng anh hãy về luôn

Để em giải hết nỗi buồn trong…mơ !

Cứ nghĩ đến hình ảnh một góa phụ chịu bao ấm ức chỉ mong đêm đến trong mơ gặp được chồng mà trải lòng ta mới thấy nàng thật cô đơn và đáng thương làm sao! Tuy nhiên, trong buồn đau nhất, cô đơn nhất và cả khao khát nhất nàng vẫn tin tưởng chồng sẽ hiểu và chia sẻ được với mình, thông cảm cho mình. Âu đó cũng là niềm an ủi đối với nàng chăng? 

       Đọc bài thơ và ngẫm ngợi lan man tôi thấy sao mà “người phụ nữ xứ ta lại khổ sở nhiều bề thế, nhất là người phụ nữ nông thôn. Họ khổ từ lúc mới sinh ra. Bởi một thói quen thâm căn cố đế của cái tập tục trọng nam khinh nữ. Tiếng là sau bao nhiêu năm phấn đấu vì bình đẳng giới, nhưng ở nông thôn, đa số vẫn cho rằng: “ Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Vì thế từ lúc mới chào đời, con gái đã không được sự đón nhận trong vui mừng nồng hậu như con trai. Lớn hơn một chút thì con gái đã phải đảm nhận những việc vặt trong nhà, trong khi con trai thì tha hồ chơi bời lêu lổng. Đến tuổi trưởng thành, bước chân về nhà chồng, nàng dâu mới bao giờ cũng phải hứng chịu những xét nét của gia đình nhà chồng. Khi vợ chồng có rơi vào cảnh “ cơm không lành, canh không ngọt” thì ai ai cũng chỉ biết trách cứ người vợ. Nhẹ nhất cũng là khuyên nhủ người vợ nên nhẫn nhịn “ một điều nhịn chín điều lành”; đàn bà thì phải biết nhịn đi chứ; hay “chồng giận thì vợ bớt lời/ cơm sôi nhỏ lửa không đời nào khê”. Chẳng ai chịu phân tích xem cái giận của chồng có đúng không. Và cũng chẳng ai nghĩ rằng phụ nữ cũng là con người, sức chịu đựng, nhẫn nhịn cũng có giới hạn thôi chứ. Chịu mãi làm sao được? Bản tính chung của phụ nữ là yêu gia đình, chồng con, thích yên ấm. Cùng bất đắc dĩ họ mới phải quyết định từ bỏ. Ấy vậy mà khi họ từ bỏ thì nhiều người ở quê vẫn nhìn nhận họ bằng con mắt:

“Con này chẳng phải thiện nhân

Không phường trốn chúa cũng quân lộn chồng”

Ngược lại, nếu người phụ nữ bị chồng bỏ (dù có  khi chỉ do chồng say nắng một ả nào đó) thì vẫn bị cho rằng:

 Nứa trôi sông không giập thì gãy

Gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia

Còn không may, mình lìa đời sớm thì chồng ngang nhiên tìm vợ mới khi mồ vợ chưa xanh cỏ. Nhưng nếu chồng ra đi trước thì vợ phải chịu đựng những lời gièm pha bai bẻ của mọi người như nàng Anh Đào trong bài thơ trên đó thôi.

Ở phố xá hay ở cơ quan, chồng giặt giũ, nấu cơm thay vợ khi vợ bận hoặc cùng làm với vợ là chuyện bình thường. Nhưng ở quê thì không bình thường chút nào. Người ta sẽ bỉ bai anh chồng là hèn, là đụt, là sợ vợ…Chính vì cái tập tục ấy mà nhiều chàng chẳng mó vào những "công việc của đàn bà". Mặc dù các công việc đồng áng khác thì người đàn bà vẫn phải làm như đàn ông vậy. Thậm chí, nhiều ông chồng còn cho rằng quát nạt được vợ thậm chí đánh vợ là oai, là iêng hùng nữa cơ đấy.

Chao ôi nếu kể về nỗi khổ của người phụ nữ nông thôn Việt Nam thì còn nhiều lắm, kể sao cho thấu. Biết bao giờ họ mới thực sự được bình đẳng đây?
             30-7-2014
             Song Thu







                         

    

38 nhận xét:

  1. Nỗi đau của người phụ nữ ấy rồi sẽ nguôi ngoai khi chị nói ra được những điều khó nói nhất, dù là chị nói với người quá cố xong đó cũng là điều chị nhủ với mình."Trái tim thổn thức nói câu…thập thình". Cám ơn chị đã nói hộ lòng người phụ nữ ấy! bài thơ và bài viết chân thật mộc mạc nên làm cho người đọc thấu hiểu và cảm thông. Em thăm chị và chúc chị vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tem vàng cho em nè XS ơi. Cám ơn em đã sang thăm và chia sẻ cùng chị. Chị viết chậm và khó khăn chứ không nhanh và sung sức như em đâu. Nhưng hồi này bận bịu chi mà lâu rồi không thấy em lên bài? Hay lại chuẩn bị cho ra đời một tác phẩm lớn?

      Chúc em vui và sáng tác ngày càng hay nha em

      Xóa
  2. .Làm sao tả hết khổ đau
    Của người phụ nữ nhuần sâu nếp nhà .............

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là phụ nữ xứ ta
      Còn nhiều nỗi khổ ai đà thấu cho?

      Cám ơn bạn đã đọc bài và chia sẻ với mình nha

      Xóa
  3. Trả lời
    1. Cám ơn Phó Tổng biên tập báo Đăk lắc đã động viên ạ. Nếu như em chuyển vô trỏng mà xin làm cộng tác viên với báo của quý ngài, chắc quý ngài sẽ từ chối chứ nỏ nhận mô đúng không.
      Dù sao được anh HC khen ST cũng thích mê ly luôn hè. Khéo không lại phải đi băng bó mũi thì khổ

      Xóa
  4. Bài cảm nhận tự vẽ lên chân dung tác giả: con người giàu lòng đồng cảm, sẻ chia, nghĩ suy sâu sắc! Sang thăm chị, chúc đêm an lành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn người bạn mới đã ghé thăm, đọc bài và chia sẻ ạ Nếu không lầm thì hình như đã có lần mình vô nhà bạn đọc những dòng thơ bạn nối lời cùng anh QT và thấy rằng thơ bạn thật hóm, thật vui.
      Chúc bạn thường an

      Xóa
  5. Mấy hôm nay sk bữa đực bữ cái nên đến thăm em chậm chỉ biết lục đục ở nhà thôi. Hôm nay sang thăm đọc bài thơ khá hay và rất chân tình .Cũng như em anh xin chia sẻ những thiệt thòi của chị em phụ nữ VN chúng ta nói chung và nông thô nói riêng . Nhưng theo anh nghĩ ở đâu cũng vậy đều có cái khổ riêng theo đặc thù của nó em ạ . Thêm nữa hình như trời cũng đã đặt chị em phải có cái đức chịu đựng , hy sinh vì chồng con.... có phải ko em nhỉ

    Chúc em an vui sk hp nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc là tại thời tiết giao mùa nên làm anh mệt đúng không. Gắng chăm sóc và giữ gìn sức khỏe nha anh.
      Em đồng ý với anh là : " trời cũng đã đặt chị em phải có cái đức chịu đựng , hy sinh vì chồng con...." Nhưng mọi người vẫn cần lắm thay phải trân trọng phụ nữ hơn bằng những hành động cụ thể thiết thực chứ không thể chỉ là những lời nói suông. Nhất là đừng có vì phụ nữ vốn có đức hy sinh chịu đựng mà cho rằng thế nào họ cũng phải chịu

      Xóa
  6. Thơ hay và lời bình thì quá sâu sắc. Qua lời bình đã vẽ lên những hình ảnh khiến cho người đọc hiểu hết nỗi niềm mà tg muốn thở lộ qua thơ...
    Thăm ST ngày mới, chúc ST luôn an vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn banglangtim tím nhiều nhiều nha. Được bạn động viên khích lệ mình sung sướng rung rinh zùi nè.
      Gửi bạn những lời chúc tốt lành nhất

      Xóa
  7. http://phudoanlagi.blogspot.com/


    Chúc bạn ngày mới vui tràn trề nhé!

    http://img1.123tagged.com/en/thursday/13.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Phu Đoan. Nhưng anh ơi, ST chẳng mở được những đường linhk mà anh gởi đâu ạ. Vì ST chẳng rành lắm về khoản này mà

      Xóa
  8. Trả lời
    1. Cám ơn bạn NHAMY thân yêu. Mong được đọc nhiều bài thơ Đường luật của bạn và mong muốn được góp vui cùng nhóm thơ Đường bên đó nha

      Xóa
  9. Bài thơ đã bộc bạch chân thành nỗi niềm.Bài bình của chị được viết ra từ nỗi lòng trắc ẩn,cảm thông và thấu hiểu những uẩn khúc đang từng ngày âm thầm day dứt trong tâm khảm của người phụ nữ phải chịu đựng trước bất công được tạo dựng bởi lề thói,tập tục đã từ lâu làm lệch lạc,thiên vị trong nhận thức và suy nghĩ của người VN.Với bài bình của chị thật sự hữu ích góp phần thay đổi những trì trệ trong nhận thức của xã hội còn cố chấp cũ kỹ.
    Chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe,niềm vui và hạnh phúc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã đọc bài và chia sẻ cùng chị bằng những lời rất chân thành Q nhé.
      Chúc em hằng vui

      Xóa
  10. Phần bình thơ rất cảm động. Nhưng em thích phần sau khi chị khái quát nỗi khổ của người phụ nữ thôn quê. Đây mới là phần chính, điều chị muốn nói. Chuyện người bạn, chuyện bài thơ chỉ là cái cớ để dẫn dắt, để khơi sâu, để tỏ bày những nỗi ấm ức của chị về thân phận, về kiếp người phụ nữ.
    Em thật sự đồng cảm với chị khi đọc bài viết này.
    (vì lí do rất chi là...lí do, em tạm đóng blog chị ạ, nhưng em sẽ vẫn vào thăm chị và mọi người nếu có thời gian)
    Luôn vui chị nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lý do vì rất lý do
      Cho nên em Nhật Thành Hồ cấm cung
      Hay là chuốt lại CÔNG DUNG
      Để cho NGÔN HẠNH thơm lừng nay mai ?

      Xóa
    2. "Khóa xuân" hai tiếng mỉa mai
      Khi xưa cụ Nguyễn nói rồi đó anh
      Lầu cao rợn ngợp, vắng tanh
      Thúy Kiều khóa kín tuổi xuân...kén chồng?
      Trăm lần không! Vạn lần không!
      Ta đang tự khóa nỗi lòng riêng ta!

      Xóa
  11. Ôi trời. Mấy lần vào nhà em không được chị đang buồn nẫu ruột nẫu gan đây. Nhanh mở lại đi em. Dầu vì bất cứ lý do gì cũng đừng đóng cửa thế em ơi.
    Cám ơn em đã đọc và chia sẻ cùng chị nhé. Thực ra mình cũng mới chỉ điểm ra một vài trong muôn vàn nỗi khổ mà người phụ nữ nông thôn phải hứng chịu thôi em. Còn rất nhiều điều ví như: xinh đẹp hơn người, ăn mặc diện hơn người, giao tiếp linh hoạt hơn người... lẽ ra phải được khen ngợi thì họ lại bị đố kị, dè bỉu...Buồn ghê cơ!
    Khỏe vui nhiều nha em và nhất là hãy nhanh chóng mở cửa blog ra đấy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi nào hết chập cheng thì em lại mở ra thôi chị ơi.

      Xóa
    2. Ừ chị chờ đón đọc những tác phẩm tuyệt vời sau khoảng lặng đó nha

      Xóa
    3. Tuyệt vời khó lắm chị ơi
      Hôm nay mở cửa nói lời trái tim!
      Chị sang chia sẻ vài dòng...

      Xóa
    4. Ôi thế thì lại vui rồi. Chị sẽ sang đọc ngay đây em ơi

      Xóa
  12. Người lên tiếng đòi giải phóng đời sống bản năng và tình cảm cho người phụ nữ một cách mạnh mẽ chính là Hồ Xuân Hương. Bà đem cái HOA của giới mình so sánh với cả những nơi tôn nghiêm cao cao quý như ĐỘNG HƯƠNG TÍCH, HANG THÁNH HÓA...Bà sẵn sàng mang cái HOA ẤY mà che lên đầu, mà phẩy vào mặt các "Hiền nhân quân tử".. Bà nguyền rủa cái “chế độ đa thê”, Bà bênh vực “gái chửa hoang”: “Không có như mà có mới ngoan”. Nếu đem so sánh với Hồ Xuân Hương, thì "Tâm sự với chồng" của Nguyễn Thị Anh Đào chỉ là một tiếng nói yếu ớt tiếp tục đòi hỏi ấy của người phụ nữ mà thôi. Hai câu thơ hay nhất của bài thơ "Tuổi cao em đã già đâu / Trái tim thổn thức nói câu...thập thình". Sở dĩ nó hay là vì nó đã động đến cái vấn đề tế nhị và đầy tính nhân văn ấy. Nhưng đọc bài thơ ta xúc động và nảy sinh nhiều thương cảm có lẽ là vì người phụ nữ trong bài thơ này cô độc quá. Nàng chẳng có ai để bấu víu sẻ chia cả, chỉ còn có mỗi cách là cầu cứu vong linh của người chồng quá cố "Khôn thiêng anh hãy về luôn / Để em giải hết nỗi buồn...trong mơ". Nhưng đó cũng chỉ là một lời cầu mong vô vọng. Nỗi bất hạnh của người phụ nữ góa chồng vẫn nguyên vẹn đó. Bài bình của Nguyễn Vũ Song Thu là một lời chia sẻ đáng trân trọng. Nhưng bài bình cũng chưa nói được cái hơn của Nguyễn Thị Anh Đào so với thơ của nhiều "gái hóa" khác là ở chỗ: nàng không né tránh cái nhu cầu bản năng có thật của mình. Nàng còn biết trình bày nó một cách rất ý tứ và tế nhị. Càng hơn khi nàng không dùng bất cứ một thứ lý lẽ nào để vùi nó xuống, dập nó đi...

    Trả lờiXóa
  13. Cám ơn mình đã có những góp ý thật tận tâm và vô cùng sâu sắc. Thực ra, chiều qua khi em đưa bài này lên rồi lại lên bài cho trang trian xong thì đã khá muộn. Em phải đi nấu ăn rồi tắm rửa. Trong lúc tắm em đã chợt nghĩ ra: phải chỉ rõ cái vị trí bài thơ này của Anh Đào so với nhiều thơ của góa phụ khác. Và em cũng nghĩ tuy là gái quê nhưng Anh Đào đã dám vượt lên trên dư luận, đã dám bày tỏ thành thật mà tế nhị cái đời sống bản năng của mình chứ không vì những quy phạm của nho giáo ngàn đời mà vùi dập nó đi, không vì những sĩ diện hão huyền mà giết chết nó để tỏ ra ta là người thủ tiết trọn vẹn.... Tối qua vì bận xem phim nên em chưa thêm ý này vào. Sáng nay khi định vào mạng viết thêm thì lại đọc được nhận xét này của mình trên trang trian. Vì thế em quyết định thôi không viết thêm nữa.
    Đúng là những tư tưởng vừa vừa cũng có chỗ gặp nhau đó nha.
    Một lần nữa cám ơn mình rất nhiều

    Trả lờiXóa
  14. Hì...theo anh Tuân thì phải nổi loạn cơ, bùng nổ cơ. Nhẹ nhàng, dịu dàng, kín đáo thì chán phèo!

    Trả lờiXóa
  15. Không nổi loạn, theo tự nhiên, trở về với đạo trời. Những gì mà trời đất đã ban cho con người thì không được cướp đi của nó. Sở dĩ con người phải nổi loạn là vì nó bị đè nén, nó bị cướp đi. Vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  16. Ghé thăm bạn , đọc bài thơ và lời bình thật hay.cảm ơn bạn vì đã nói hộ những người phụ nữ vốn đa đoan.
    Chuac bạn luôn vui vẻ , an lành !

    Trả lờiXóa
  17. Cám ơn người bạn mới
    Đã ghé thăm nhà tôi
    Và động viên khích lệ
    Làm tôi tỉnh cả người

    ST rất vui vì bạn ghé thăm. Nếu tìm ra nhà bạn, ST sẽ sang giao lưu cho vui nha bạn.
    Chúc bạn ngày cuối tuần vui thiệt là vui

    Trả lờiXóa
  18. Bọt bèo thân phận nổi trôi
    Muôn đời là thế chẳng rời khổ đau....
    ----
    Tím thăm chị ST, mấy nay Tím bận việc đi xa, nay mới vào blog. Đọc bài thơ ngôn từ giản dị mộc mạc mà đằm sâu nỗi niềm của người phụ nữ nông thôn, cộng thêm lời bình chia sẻ dạt dào cảm xúc, rất chân tình và đồng cảm, rất hay ! Chúc chị ST một tối an lành, ngủ ngon !

    Trả lờiXóa
  19. Tím ghé thăm chị ST rất vui. Cám ơn Tím đã chia sẻ, động viên chị nha

    Trả lờiXóa
  20. Đỗ Tuân lên Hà Nội
    Vẫn "để mắt"trông nhà
    Cửa nhà dù không khóa
    Đố anh nào vào ra !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai bảo lão N thế
      ĐT chẳng cần trông
      Nhưng T vô duyên quá
      Chẳng chàng nào ghé thăm
      Nay Tuân Đỗ về rồi
      Sao không thấy Ngôi Dự
      Ghé qua nhà mình chơi?

      Xóa
  21. Song Thu à. dịp em đăng bài cảm nhận về bài thơ TÂM SỰ VỚI CHỒNG của tác giả Anh Đào trên đây là anh đi vắng và bận nên hôm nay mới lục ra đọc lại được. Bài bình và bài viết thật hay. Song Thu cũng đã nêu bật được cái khắt khe, bất công và thị phi của người đời đối với phụ nữ góa chồng. Trong bài, em cũng đã phân tích được hai câu thơ hay và thật nỗi niềm:
    Tuổi cao em đã già đâu
    Trái tim thổn thức nói câu... thập thình!
    Theo anh cảm nhận, người góa phụ đã không giấu diếm nỗi khát khao bản năng của mình không chỉ là để trải lòng, để thanh minh mong chồng hiểu cho những đố kị dích dắc của người đời ở phần đầu bài thơ. Tâm hồn nàng vẫn còn nhiều tha thiết yêu thương và luôn khao khát được yêu dù là trong mộng ảo:
    Khôn thiêng anh hãy về luôn
    Để em giải hết nỗi buồn trong…mơ !
    "Giải hết nỗi buồn trong mơ" ko chỉ là giải những đàm tiếu thị phi của thói đời mà giải nỗi khát khao run rẩy nồng nàn được đáp ứng, được yêu thương cả tâm hồn và thể xác với chồng!... Vâng. Khi người ta yêu nhau, hai tâm hồn luôn đồng điệu thì trong mơ, trong hai cõi âm dương, trong thế giới ảo vẫn mang lại cho nhau sự thỏa mãn, hạnh phúc...Và bằng tình yêu chung thủy của nàng, người chồng bạc mệnh luôn giúp nàng thủ tiết, là niềm an ủi đối với nàng những khi nàng cần ủi an chia sẻ vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh đã góp một nét cảm nhận mới về bài thơ để làm cho ý nghĩa của nó thêm phong phú ạ.
      Xưa nay người đọc luôn là người đồng sáng tạo với tác giả mà

      Xóa