Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

LỤC BÁT EM VÀ ANH

      
  

 Sau khi tôi đăng bài thơ NGẪU HỨNG LỤC BÁT lên blog mấy hôm, ông xã tôi mới vào đọc và phán một câu xanh rờn rằng: " Lại học đòi theo Nguyễn Thị Mai". Tôi hốt hoảng: " Anh bảo sao? Nguyễn Thị Mai cũng làm bài Ngẫu hứng lục bát à? và ý anh là em bắt chước hay đạo thơ của nhà thơ ư?" Chàng thủng thẳng: " Anh không nói vậy. Anh nghĩ là em đã bắt chước theo lối cấu tứ của Nguyễn thị Mai nhưng thơ của nàng Mai ám ảnh và nặng tình chứ thơ  em thì chẳng để lại ấn tượng gì".Tôi tái mào! Nhưng thề có trời đất tôi chưa hề đọc bài thơ đó của Nguyễn Thị Mai . Tôi mới hỏi chàng: " Bài thơ ấy thế nào, anh đọc cho em nghe đi". Chàng vào mạng tìm rồi đọc cho tôi nghe. Thực tình là sau khi được nghe bài thơ đó, tôi thấy xấu hổ vô cùng. Bởi vì đặt bài của tôi bên cạnh bài của nhà thơ thật chẳng khác nào cú đứng bên tiên. Tôi muốn xóa ngay bài của mình đi. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ: mình có phải nhà thơ đâu, hứng lên thì ghép vần. Cốt là để có chốn giao lưu, bày tỏ cùng bầu bạn thôi mà. Vả lại, bài của tôi đã đưa lên blog  và bầu bạn cũng đã comens chia sẻ rồi, tôi không thể xóa đi được. Vì thế, hôm nay tôi đưa bài của nhà thơ Nguyễn Thị Mai lên đây để mọi người lãm thưởng đây ạ

LỤC BÁT EM VÀ ANH

Như câu lục bát lệch vần
Kê bằng được ý thì vênh mất lời
Như câu lục bát đánh rơi
Hai dòng vương vãi hai nơi mịt mùng
Lại như lục bát quay lưng
Thiết tha câu ngắn dửng dưng câu dài

Là anh em đó chớ ai
Cặp kè lục bát mà hai nẻo tình
Em thì tất tả mưu sinh
Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ
Anh chẳng sớm nắng muộn mưa
Muối tiêu mái tóc mà chưa xuân thì

Thơ còn lạc vận có khi
Em còn so lệch cũng vì thương anh
           Nguyễn Thị Mai

20 nhận xét:

  1. Nhờ nương câu lục gieo vần
    Mà nên câu bát có thần trong thơ
    Để riêng câu bát chơ vơ
    Thì e câu bát cũng phờ phạc thôi !

    Chúc chị và gia đình an vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy hôm trước trả lời rồi
      Chắc quên xuất bản than ôi thiệt buồn
      Hôm nay ngó thấy thiếu luôn
      Giận mình giống kẻ mất hồn thế ni
      Mong Quỳnh thông cảm cho nhe

      Cám ơn Quỳnh đã sang thăm chị đầu tiên và tặng bốn câu thơ thật hay

      Xóa
  2. Em thấy cả hai bài thơ đều hay. Bài của chị là nụ cười hạnh phúc trong sự hòa hợp của hai tâm hồn, còn bài của Nguyễn Thị Mai là tiếng thở dài vì sự lệch nhịp trong cuộc sống lứa đôi.
    Nói"thơ của nàng Mai ám ảnh và nặng tình chứ thơ em thì chẳng để lại ấn tượng gì" là cái kiểu khắt khe, khó tính để thể hiện tình thương mến với vợ đấy thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lại được Nhật Thành khen thế này thì thích quá đi. Đúng là bài của mình là lục bát thuận chiều, tình duyên hòa hợp còn bài của thi sĩ là sự lệch nhịp của duyên tình. Song dù sao mình làm sau mà vẫn có lối cấu tứ giống của thi sĩ không những thế nó lại còn không nhuần nhị tự nhiên trong mạch thơ nữa nên không thể nói là hay được đúng không?
      Còn ông xã mình không bao giờ nói để động viên hoặc này nọ đâu. Khen chê cứ thẳng băng nên mình nghĩ là chàng chê thiệt đó
      Mấy hôm rồi em bận nên nghỉ giao lưu blog làm mình có cảm giác cuộc chơi blog trống vắng vô cùng và buồn lặng hẳn đi NT ạ. Từ nay đừng nghỉ nữa nhé

      Xóa
    2. Bất đắc dĩ mà phải nghỉ thôi chị. Không giao lưu với bạn bè blog cũng buồn lắm.

      Xóa
    3. Ừa. Em trở lại là vui rồi.
      Hôm qua chị đã sang đọc bài mới của em nhưng chưa kịp còm.

      Xóa
  3. Tiên thì đẹp rồi nhưng không có thật, cú so với công còn được vì cùng là chim, đưa cú so với người đã không xuôi, bạn lại so sánh cú với tiên thì khập khiểng quá. Khiêm tốn là một đức tính cần thiết, nhưng cái gì cũng không nên quá. Quá nó sẽ không còn là nó nữa.
    “Lục bát em và anh” thể hiện tính chuyên nghiệp, nhưng chưa hẳn đã là tiên “Là anh em đó chớ ai” là tác giả đang giải thích
    một cách không cần thiết, ai đọc lục bát mà không nghĩ rằng câu sáu và câu tám là anh em. Người ít chuyên nghiệp hơn trong “Ngẫu hứng lục bát” dẫu sao không có hiện tượng này.
    “Cặp kè lục bát mà hai nẻo tình” cho đến hết bài có cái gì thái quá trong sự trách móc, cho dù là trách yêu. Bu nói ra điểu này có lẽ do cụm từ “hai nẻo tình” ám ảnh. Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng, hai nẻo tình là hai hướng mất rồi. Nhà thơ Mai nặng về suy tư, tạm gọi là duy lý, Song Thu thiên về duy cảm, cho nên lục bát của bạn không hai nẻo mà từ đầu cho tới cuối nó xoắn xuýt nhau, cái nọ như được sinh ra từ cái kia “như là lý nhân duyên của nhà Phật vậy”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được anh động viên thế này quả thật là em cũng đỡ tủi thân anh ạ.
      Em cũng có cảm nhận về bài thơ của nhà thơ giống như anh ở câu tác giả giải thích đó khiến cho người đọc có cảm giác là không cần thiết chăng? Lại nữa đọc thơ của thi sĩ cảm thấy sự lệch nhịp trong quan hệ dường như đã là quá thể nên từ "thương anh" ở câu cuối có vẻ như chưa ổn lắm. Bởi lẽ đã lệch đến như thế thì một bên phải chịu đựng để giữ gia đình, để vì con cái hơn là vì "thương anh" sẽ hợp lý hơn chăng?
      Anh ơi quê em người ta hay nói: bì cú với tiên, hoặc: Trông xa cứ ngỡ là tiên/ Đến gần cú đậu một bên cạnh sườn. Chắc là do đó nên em mới nảy ra cách so sánh vậy đấy ạ. Được anh chỉ rõ em thấy mình cũng cần chú trọng hơn khi làm phép so sánh. Tuy nhiên xưa nay em luôn nghĩ là mình chỉ ghép vần thôi chứ chưa bao giờ dám nhận mình làm thơ đâu ạ. Cho nên giữa bài của em với bài của Nguyễn Thị Mai thì em vẫn nghĩ là một trời một vực thật đó chứ không phải là em "khiêm tốn quá" đâu anh

      Xóa
    2. Người ta vẫn dùng thành ngữ: "mẹ cú con tiên" đấy thôi. Cú và tiên kể ra để trong một bình diện để tạo phép đối lập thì hơi khập khiễng, nhưng nó đã tồn tại trong lời ăn tiếng nói của nhân dân và được chấp nhận.

      Xóa
    3. Có lẽ đúng như vậy đó em iu

      Xóa
  4. Mỗi lần sang nhà chị thì phải quá giang qua nhà NT , mấy hôm bà Sui nghỉ Blog thì không sang được . Salam cũng đọc bài thơ " Ngẫu hứng lục bát " của chị và bài thở của bà Mai nên có mấy nhận xét như sau :
    Anh Tuân nói đúng đó , tại ảnh không giải thích kỹ thôi , tại sao như vậy ?
    Thể thơ lục bát xuất phát từ dân gian , càng dễ nhớ dễ thuộc thì nó mới trường tồn với thời gian , càng đơn giản thì mới đi vào lòng người độc giả , câu chữ ca từ cần mộc mạc , cách gieo vần cũng vậy ví dụ

    Trên trời mây trắng như bông
    Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
    Mấy cô má đỏ hây hây
    Đội bông như thể đội mây về làng

    Không phải ngẫu nhiên mà cha ông mình dù mù chữ nhưng chuyện Kiều cả mấy ngàn câu mà cũng rất nhiều người thuộc . Bởi vì sự đơn giản và cách gieo vần dễ nhớ dễ thuộc . Quay trở lại hai bài thơ của chị và bà Mai , đọc xong chả nhớ gì hết , cứ như đánh đố nhau qua con chữ dzậy , có nhiều sự trùng lắp , đơn điệu
    Thơ lục bát nhìn thì thấy dễ làm nhưng đi sâu vào nghiên cứu thì không dễ chút nào vì sự đơn giản của nó , gửi Chị một bài thơ " Thuận nghịch lục bát " để Chị tham khảo thêm

    CHIỀU LY BIỆT.

    ( Đọc thuận )

    Hiu hiu ngọn cỏ buồn thương
    Chiều buông ngiêng nắng sẫm đường chia ly
    Triền xuôi trở gót mà đi
    Miên man lòng muốn khép mi tuôn trào
    Chong chong mãi đợi lời chào
    Hồng tươi ai nhớ ước ao qua rồi
    Mai nay tuổi lặng buồn trôi
    Vay duyên còn hỏi đoạn đời yêu thương
    Mong trông sải cánh ngàn phương
    Hồn xa hương cố dặm đường xuân thu
    Vương vương nhạc khúc buồn ru

    ( Đọc nghịch )

    Ru buồn khúc nhạc vương vương
    Thũnuaan đường dặm cố hương xa hồn
    Phương ngàn sải cánh trông mong
    Thương yêu đời đoạn hỏi còn duyên vay
    Trôi guồn lặng tuổi nay mai
    Rồi qua ao ước nhớ ai tươi hồng
    Chào lời mãi đợi chong chong
    Trào tuôn mi khép nối lòng man miên
    Đi mà trở gót xuôi triền
    Ly chia đường sẫm nắng nghiêng buông chiều
    Thương buồn cỏ ngọn hiu hiu

    P/ s : Bài thơ này còn có mấy chỗ còn ép câu ép từ nhưng đại loại thế nghen Chị

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn SaLam đã có những nhận xét rất thẳng thắn. Mình biết là ông xã mình chê thiệt mà. Nhưng thơ (nói chung) làm được hay thì khó vô cùng chứ riêng gì lục bát làm được hay mới khó đâu? Nếu nói rộng ra thì trong mọi lĩnh vực muốn giỏi, hay, vượt trội đều khó cả.
      Song Thu chỉ ghép vần thôi chứ chưa dám nhận là làm thơ đâu SaLam ơi

      Xóa
  5. Anh và em chẳng giống nhau
    Như thơ Lục Bát ép câu lệch vần
    Nhưng vì tình nghĩa tương thân
    Lựa chiều thêm bớt... thuận nhuần lứa đôi...

    Hiii... Thơ của nữ thi sỹ Nguyễn Thị Mai thật đằm và đầy nỗi niềm trăn trở về cuộc sống lứa đôi... Quang Thứ không họa theo được mà chỉ viết mấy câu so sánh giữa Lục Bát và Nhân Duyên để ép nó vào khuôn cho vui thôi.
    Chúc Song Thu, anh Đỗ Tuân và mọi người cùng vui vẻ nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lục gì anh bát gì tôi
      Vì chung một giỏ khó rời xa nhau
      Nỗi niềm càng nghĩ càng đau
      Nên câu lục bát nát nhàu như dưa

      Hồi rày anh bận chi mà ít xuất hiện thế anh?
      Cám ơn anh đã sang thawmem ạ. Chúc anh và gia đình khỏe vui và hạnh phúc

      Xóa
  6. Còn thơ Gìa Dũng nghênh ngang
    Câu lục câu bát chàng nàng khó nghe....hi hi hi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuổi cao thơ vẫn mê ly
      Tình tang vẫn cứ vu vi đất trời
      Là anh Ngọc Dũng đó thôi
      Trẻ trung dễ đã mấy ai sánh tày?

      Xóa
  7. Thời Yahoo , lão có chiết xuất 2 câu tự sự của nhà thơ Ng. Thị Mai viết bài : BẾN THƠ.
    Sau khi viết đăng lên blog , một bloger đã liên hệ và mời chị Mai vào đọc . Chuyện này lão không hề hay biết. Một hôm nhận được tin nhắn từ chị Mai, chị cảm động vì một người đàn ông đã có sự đồng cảm và manh dạn đổi từ MƠ sang từ THƠ...
    Bài ấy đây - mới chị tham khảo.
    http://tan262.blogspot.com/2013/01/ben-tho.html#more

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình đã sang đọc bài đó của lão zùi. Công nhận là lão có những cảm nhận thật sâu sắc và cũng rất táo bạo khi dám thay từ của nhà thơ. Tuy nhiên ở phần này mình lại thích từ mơ hơn lão ạ. Thứ nhất là nó tạo ra một tiểu đối rất lý thú của câu thơ. Hơn thế nó làm cho câu thơ ảo hơn, nhòe mờ hơn và vì thế cũng giàu sức khơi gợi hơn. Nói bến mơ người ta vẫn hiểu là bến thơ và còn hiểu cả cái mơ mộng trong tâm hồn thi sĩ nữa.

      Xóa
  8. lạ đời tóc đã muối tiêu
    xuân thì chẳng có là điều khó tin/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trên đời chắc cũng không ít người bạc đầu và vẫn chưa thành người lớn đó em

      Xóa