Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

CHUYỆN TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI VÀ BÀI THƠ TÌNH HAY NHẤT THẾ KỈ XX

                                              Trần Thu Hằng
                                                                     

      Chàng là một sinh viên Việt Nam tài hoa với rất nhiều tài lẻ, du học tại Rumani những năm 60 cuả thế kỷ XX. Nàng là sinh viên người bản xứ, xinh đẹp, tóc vàng, mắt biếc. Như duyên trời định, họ bất ngờ gặp và quen nhau trong một kỳ nghỉ hè bên bờ Biển Đen. Và họ yêu nhau. Tình yêu nồng nàn đắm say của tuổi trẻ dạt dào như sóng biển. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ quá khắc nghiệt, chàng bị “tổ chức” bắt buộc phải chia tay nàng mà không được tiết lộ với người yêu nguyên do… Bỗng dưng chàng biến mất, cô gái đã phát bệnh tâm thần và lang thang đi tìm người yêu ở tất cả những nơi trước đây 2 người đã từng hò hẹn, từng chỉ non thề biển… Chàng trai đau khổ đến tột cùng khi phải câm lặng chứng kiến nỗi đớn đau vì bị phụ tình của cô gái trong trái tim mình, chàng đã bật lên những lời thơ, mà lúc ấy chàng không hề nghĩ rằng nó đã lập tức trở thành một trong những áng thơ tình bất hủ và sau này còn được bình chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX…



*Rụt rè… vụ kiện đòi nhận bản quyền của “thi phẩm bất hủ”

        Hơn 30 năm qua, các thế hệ sinh viên VN, đặc biệt là SV miền Bắc và những người yêu thơ đã cực kỳ yêu thích bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban- căng”, một bài thơ tình với những lời thơ nồng nàn, da diết: “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng/ Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng/ Một mình em trong màn đêm thanh vắng/ Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng”. Chúng tôi đã thuộc, đã chép cho nhau, truyền tay nhau những câu thơ tình bất hủ, mặc dù không biết tác giả là ai, nhưng ai cũng nghĩ rằng đó là câu chuyện tình của những chàng trai cô gái châu Âu xa xôi. Cho đến năm 1990, khi NXB Văn hoá cho ấn hành cuốn sách Almanach Người mẹ và phái đẹp, trong mục “Những bài thơ tình hay của Việt Nam và thế giới” đã tuyển chọn bài thơ này và ghi rất rõ tác giả là Onga Becgon (một nữ thi sỹ nổi tiếng của nước Nga) thì chúng tôi càng hồn nhiên tin rằng đó là một tác phẩm xuất sắc của thi ca châu Âu, mặc dù NXB không ghi rõ ai là dịch giả.

      Thật bất ngờ, cuối năm 2004, trong một lần gặp gỡ bạn bè thân thiết ở TP Hồ Chí Minh ra công tác Hà Nội, vô tình tôi được tiếp xúc với kỹ sư hóa học Khổng Văn Đương. Thấy chúng tôi nói chuyện văn chương, Khổng tiên sinh rụt rè thổ lộ rằng thời trẻ ông cũng từng làm thơ, ông có bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng” được in trong cuốn Almanach, nhưng tiếc rằng NXB lại nhầm là của Onga Becgon. Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng sau khi nghe ông kể lại toàn bộ câu chuyện tình của ông khi còn là chàng SV Việt Nam trên đất Rumani với cô gái người bản xứ tóc vàng, bi kịch bị ép buộc phải từ bỏ tình yêu của mình và bức thư oán trách của cô gái đã là khởi nguồn cho bài thơ ra đời, thì chúng tôi đã thực sự bàng hoàng kinh ngạc. Và chúng tôi càng kính trọng tác giả của bài thơ hơn khi biết rằng suốt mấy chục năm qua, ông đã giữ im lặng hoàn toàn, cho dù hàng triệu người yêu thơ cũng như rất nhiều nhà xuất bản nghiễm nhiên coi “đứa con tinh thần” của ông là của người khác. Thấy chúng tôi chân thành khuyên ông nên làm đơn gửi kèm các chứng cứ đến Trung tâm quyền tác giả văn học (thuộc Hội Nhà văn VN) yêu cầu xác minh, chứng nhận bản quyền, Khổng Văn Đương rụt rè thổ lộ: ngay sau khi cuốn Anmanach do NXB Văn hoá xuất bản, ông đã viết một bức thư định gửi cho NXB yêu cầu đính chính, nhưng đắn đo mãi đến nay vẫn chưa gửi.

           

*Chuyện tình không biên giới của chàng SV Việt

 
        Khổng Văn Đương sinh năm 1945, tuổi ất Dậu, quê ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông không chỉ học rất giỏi mà còn làm thơ hay. Đến nay ông vẫn còn lưu giữ nhiều bài thơ trong số hơn 100 bài do ông sáng tác, từ sáng tác "đầu tay" khi còn là HS phổ thông cho đến khi ông phải "ngửa mặt lên trời than rằng "từ nay ta không làm thơ nữa" và bẻ gãy cây bút vào năm 1969 bởi nỗi lòng đau khổ vì yêu"- theo như ông tâm sự. Năm 1965 ông được Bộ Giáo dục chọn đi học Đại học Hoá học tại trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Số phận run rủi hay duyên kỳ ngộ khiến mùa hè năm 1966 khi đi nghỉ mát tại Biển Đen, Khổng Văn Đương đã gặp Valentina một cô gái Rumani tóc vàng hạt dẻ, mắt xanh, cô 17 tuổi học sinh lớp 12.

    - Một năm sau, vào dịp nghỉ hè năm 1967, Valentina lên nhà ông chú ở Bucarest chơi, ngay chỗ tôi đang học. Nàng gọi điện cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội vàng đi gặp nàng. Chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt kỳ nghỉ hè. Đó là một thời gian tuyệt đẹp - Khổng tiên sinh bồi hồi nhớ lại. Tình yêu của hai chúng tôi nảy nở tốt đẹp, chúng tôi yêu bằng cả trái tim chân thành và trong sáng. Tôi đã cùng người bạn học thân thiết là anh Doanh về thăm nàng tại quê vào mùa đông năm 1967. Hôm đó bão tuyết mịt mùng, khi thấy tôi, nàng mừng đến nỗi nhảy chồm lên ôm lấy tôi, rồi nàng giới thiệu tôi với bố mẹ. Sau đó mỗi lần tôi đến chơi, mẹ nàng lại cho lúc giỏ táo, lúc trứng gà, lúc rượu trái cây. Nhưng tiếc rằng thời điểm đó chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang vào giai đoạn khốc liệt, nên chuyện yêu đương của bất cứ một SV Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức SV tại Rumani chấp nhận. Tôi bị tổ chức phát hiện, bắt làm kiểm điểm và yêu cầu phải chấm dứt quan hệ. Thấy rõ nguy cơ nếu tiếp tục duy trì tình yêu thì sẽ bị trục xuất về nước, lúc đó thì gia đình, họ hàng dòng tộc chắc không ai thèm nhìn mặt tôi nữa, vả lại thâm tâm tôi cũng thấy phần nào có lỗi với các chiến sỹ ta đang chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, do đó trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai chúng tôi phải cắt đứt quan hệ mà không nói lý do thực. Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây ra một hậu quả rất đau buồn đối với nàng. Sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư  của Valentina với lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng" chỉ trong một buổi chiều. Bài thơ đã phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong thư nàng và tâm hồn tôi lúc đó cũng vô cùng trơ trọi, trống vắng. Một điều hết sức đau khổ nữa là sau cú sốc đó, đang là SV trường Đại học Tổng hợp Bucarets, Valentina bị ngẩn ngơ đến nỗi phải nghỉ học mất một năm. Còn tôi bị tổ chức tịch thu tập thơ (trong đó có khoảng 50 bài tôi viết cho nàng), cả thư từ, ảnh chụp với nàng. Vì vậy tôi đã bẻ bút, thề không làm thơ nữa… Và cho đến nay, 40 năm trôi qua, tôi quả thực không hề làm một câu thơ nào nữa, nhưng tôi có thể sẽ công bố một số bài thơ sáng tác lúc còn… chưa bẻ bút…



*Kết thúc có hậu chính từ tình yêu đẹp trong cuộc sống

  - Vậy thời gian sau đó ông có thông tin gì về nàng không?
  - Sau khi về nước công tác, tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm và lo lắng cho nàng. Nhưng thật may mắn, năm 1979, có dịp đi công tác tại Tiệp Khắc, tôi đã hồi hộp tìm kiếm cơ may gặp lại nàng. Đến Tiệp Khắc, tôi liền điện thoại tìm nàng. Mấy hôm sau nàng đã cùng chồng và một đứa con có mặt tại Tiệp Khắc thăm tôi. Lúc ấy nàng đang làm việc tại Hội hữu nghị Rumani-Đức. Tôi thật vui mừng khôn xiết vì nàng khoẻ mạnh, vẫn xinh đẹp và đã có hạnh phúc gia đình, không như tôi vẫn canh cánh lo cho nàng…

        Câu chuyện tình của Khổng Văn Đương quả có một kết thúc có hậu, và câu chuyện về bài thơ bị thất truyền của ông cũng đã kết thúc có hậu. Đó là sau khi nghe theo lời khuyên của chúng tôi, ông gửi hồ sơ đến Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn VN, Trung tâm đã xác minh, và bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-Căng” đã được trả lại tên cho khổ chủ, Khổng Văn Đương được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả.
        Nhưng còn một bất ngờ nữa mà chàng thi sỹ từng “bẻ bút rồi ngửa mặt lên trời thề không làm thơ nữa” này không hề ngờ tới, đó là khi câu chuyện về tác giả đi tìm lại bản quyền thơ sau gần 40 năm của ông được chúng tôi đăng tải trên một tờ báo, lập tức có hàng nghìn bạn đọc ở khắp nơi trong nước và nước ngoài đã gửi thư, điện thoại liên hệ với ông và với toà soạn. Nhiều người bạn cùng học biết rõ về ông, về hoàn cảnh và xuất xứ bài thơ thì vui mừng vì tìm lại được bạn cũ sau mấy chục năm xa cách, còn những người khác là SV cùng thế hệ với ông tại Rumani, thuộc bài thơ, yêu quý bài thơ nhưng không hề biết mặt tác giả, hoặc quên mất tên tác giả, dù họ đều biết xuất xứ bài thơ là của một chàng SV Việt sáng tác tại Rumani. Khổng tiên sinh vui vẻ khoe:
      - Ông Lâm Quế- nguyên là Bí thư thứ 2 Đại sứ quán VN tại Rumani phụ trách lưu học sinh thời ấy, cũng vừa đến thăm và an ủi tôi "Khổng Văn Đương nên coi chuyện cũ là một kỷ niệm...".
      - Thế là nhà hóa học Khổng Văn Đương bỗng nổi tiếng như cồn với tư cách một nhà thơ có tác phẩm bất hủ của thế kỷ?
        Cuộc đời quả không định trước. Tôi bỗng nhiên gặp các bạn, khiến "máu" văn chương nổi lên, thế là đem câu chuyện gần 40 năm không ai biết ra kể. Thực ra cũng đã có lúc tôi định gửi thư cho NXB Văn hoá sau khi họ in Amanách, nhưng tôi lại sợ không ai tin mình chứ. Khi các bạn khuyên tôi nên gửi đơn đến Trung tâm bản quyền, tôi cũng làm theo với suy nghĩ không nhằm đòi hỏi một quyền lợi gì về vật chất mà chỉ mong bất kể ai cũng có thể sao chép vào những mục đích tuyên truyền văn hoá lành mạnh, tôi chỉ muốn bài thơ thêm chút thi vị và những bạn yêu thơ có quyền biết về nguồn gốc ra đời của tác phẩm…


Em đi tìm anh
trên bán đảo Ban-căng
                                                Khổng Văn Đương

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng

Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!

Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa- nuýp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!

Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?

Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
Cõi Niết Bàn có mãi mãi mùa xuân
Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?

Con lạy Chúa Jêsu ban phép lạ
Cho nước Người hết ly biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hoà tan làm một, ngàn đời!

Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ...

Vẫn trèo lên đỉnh cao Các-pat
Vẫn theo dòng Đa-nuýp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng!

                             Bucarest, 19-3-1969
                              
                            ( Song Thu sưu tầm)

10 nhận xét:

  1. Câu chuyện thật xúc động!
    Một vết cắt của lịch sử vào số phận con người.
    Cảm ơn chị đã sưu tầm và giới thiệu!
    Chúc chị an vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừa chị cũng có cảm nhận giống như em rằng đây là một câu chuyện tình vô cùng cảm động. Nó ghi dấu cho tình yêu khác quốc gia trong một giai đoạn lịch sử còn rất hạn hẹp tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tuy nhiên để đánh giá rằng đây là một bài thơ tình hay nhất thế kỉ XX thì mình lại thấy chưa có sức thuyết phục lắm

      Xóa
  2. Câu chuyện tình, bài thơ và những lưu lạc...tất cả đều kỳ diệu, sự kỳ diệu của tình yêu muôn đời!

    Trả lờiXóa
  3. bản chất của tình yêu là yêu không giới hạn gì cả. chúc chị và gia đình buổi tối thật an vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ có những luật lệ hà khắc trói buộc và cản trở tình yêu thôi đúng không em.
      Cám ơn em đã thăm, đọc bài và chia sẻ cùng chị

      Xóa
  4. 1- Bài thơ tình được Trần Thu Hằng gọi là hay nhất thế kỉ?? Có lẽ do câu chuyện cảm động quá, mùi mẩn quá mà bà nói ra thế chớ đã có hội đồng thơ thế giới nào xác nhận đâu. Một dạo, bài thơ hai câu của cậu bé Châu Phi
    “Nếu quả đất vuông tôi sẽ chơi trốn tìm
    Nhưng quả đất tròn không biết trốn vào đâu được”
    Cũng được người ta gọi là hay nhất thế giới. Đọc thế thì biết thế.
    2- Mối tình giữa cô gái Ru ma ni Va len ti na với chàng trai Việt Khổng Văn Đương quá đẹp nhưng là cái đẹp của bông hoa không hương, thiếu chiều sâu, thiếu sự nổ lực của chính hai đương sự. Nàng đi lấy chồng còn chàng thì xuôi tay về nước.
    3- Bu nói thế vì so sánh với mối tình của chàng trai Việt Phạm Ngọc Cảnh với cô gái bắc Triều Tiên tên là Ry Ong Hui. Cảnh sinh 1945, năm 18 tuổi sang Triều Tiên học Đại Học hóa chất ở thành phố Hàm Hưng. Năm 21 tuổi Cảnh gặp Ry Ong Hui làm ở phòng thí nghiệm. Bốn mắt nhìn nhau và lửa chớp, sét nổ, người nọ thấy người kia là của riêng mình, trời sinh ra chỉ để cho mình. Hai người lén lút yêu nhau trong khổ đau và nước mắt. Với những nước cộng sản thời đó tình yêu là một thứ quốc cấm. Lộ ra, chưa đến nỗi đưa ra bắn ở pháp rường nhưng cũng chết dần do nhớ thương, do bị đuổi việc, do xã hội lãng quên. Cảnh về nước tuyệt đối tin tưởng người yêu, bỏ ngoài tai những đồn đoán Ry lấy chồng, Ry ốm chết... Anh bỏ ngành hóa, xoay xở đổi việc, để làm sao có dính dáng đến Triều Tiên như phiên dịch…dần dà anh trở thành ủy viên thường trực Hội hữu nghị Việt Triều. Cảnh đánh liều nhờ bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đưa thư cho Ry, bác vui vẻ nhận lời. Câu chuyện của Phạm Ngọc Cảnh và Ry Ong Hui đã động đến “Ngọc hoàng thượng đế”của hai nước cộng sản Việt Nam Triều Tiên. Cuối cùng: “Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh, công dân Việt Nam với Ri Yong Hui, công dân Triều Tiên ngày 14-8-2002. Sau khi kết hôn, việc họ sống ở đâu là theo nguyện vọng của họ. Nếu cô Ri Yong Hui cư trú và sống ở Việt Nam thì cô ấy trở thành công dân Triều Tiên ở nước ngoài” - những dòng thông báo này của Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên gửi tới Bộ Ngoại giao Việt Nam chính là đoạn kết đẹp của một chuyện tình cảm động kéo dài suốt 31 năm”.
    3- Lúc cưới nhau chàng 57 nàng 54, nay chàng 71 nàng 68 hai người vẫn dắt nhau ra chợ mua rau cải và gia vị về làm món Kim chi để tưởng nhớ Triều Tiên.



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu biết nhiều chuyện thú vị thiệt. Em vẫn phải nói lại rằng được quen và giao lưu với bác thật là tốt vì sẽ được mở mang tầm hiểu biết của mình trên nhiều phương diện. Đúng là chuyện tình giữa Cảnh và nàng có chiều sâu của sự vì nhau đến cùng hơn nên họ đã được sống cùng nhau. Dẫu rằng muộn mằn và có lẽ họ không có một đứa con cho kết quả của cuộc tình tuyệt vời này. Âu đó cũng là một bi kịch vậy
      Còn chuyện tình của chàng Khổng với nàng valentina lại là bi kịch của một tình yêu dang dở. Mặc dù cả hai sau này đều có hạnh phúc riêng nhưng mối tình giữa họ vẫn còn mãi mãi trong nhau. Truyện tình này cảm động lòng người có lẽ ở chính cái bi kịch đó bác ạ.
      Còn bài thơ tình trên thì em cũng có quan niệm giống bác. Thứ nhất bà Trần Thu Hằng nói rằng đây là bài thơ tình được bình chọn là hay nhất thế kỉ nhưng lại không nói rõ cuộc bình chọn đó do cơ sở nào tổ chức và diễn ra trong thời gian nào nên không đủ độ tin cậy. Thứ hai là bản thân em đọc thì em cũng chưa cảm nhận được đó là bài thơ tình hay vì hình như nó dàn trải quá và bày ra hết cả mà thiếu cái nét lung linh, khơi gợi trong vẻ đẹp của thơ.Với em thì đó là một bài thơ tình đọc được và có một vài câu thơ khá ấn tượng thôi ạ.
      Cố nhiên thơ có thể mỗi người có cách thẩm khác nhau, mình thấy chưa hay nhưng vẫn có nhiều người khác thấy rất hay cũng là sự thường thôi đúng không bác Bu?

      Xóa
    2. Tôi cũng đồng ý rằng câu chuyện tình bi kịch của bác Đương và Valentina gây xúc động nên dễ để cảm xúc lan sang bài thơ. Thơ , chỉ xét riêng khía cạnh thơ thì chưa phải là bài thơ tình hay nhất thế kỷ được. Tôi chỉ cảm nhận thơ hay không chỉ cốt truyện chân thực mà còn phải lãng mạn, bay bổng, ẩn dụ....đại loại thế ...thì bài thơ này hơi thiếu vế sau...

      Một vài cảm nhận cá nhân.

      Xóa
    3. Cám ơn bạn đã đọc và chia sẻ cảm nhận của mình. Tôi lần theo đường ninhk sang trang của bạn nhưng chưa thấy bạn có bài gì nên chưa thể giaolưu cùng bạn bên trang đó được

      Xóa