Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

BẮT TAY CON TRẺ!



        Đã quá lâu tớ ko viết gì, hôm nay lại ngồi viết 1 chút ít về giáo dục trẻ, cả nhà nhé.
        Các cha mẹ kính mến, hẳn nhiều vị đã từng nhìn thấy bức ảnh Tổng thống Pu tin ngồi xuống nói chuyện với 1 đứa trẻ. Với tôi, hình ảnh đó đã quá quen thuộc vì khi sống ở NN, tôi thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh thú vị như vậy.
        Giáo sư của tôi, một vị giáo sư đáng kính có tiếng tăm trên thế giới với những đóng góp lớn dành cho khoa học đã làm cho tôi bất ngờ khi ông ấy gặp con gái của tôi.
         Con gái tôi mới chỉ 4 tuổi khi đó. Cháu vừa ở VN sang được ít lâu, tiếng Đức còn rất rất kém. Một ngày nọ, trường học của con có chút việc mà tôi lại bận việc nên phải mang cháu theo đến trường.
Ngồi trong phòng làm việc, tôi run run nghĩ đến cảnh ai đó phát hiện ra cháu đang nghịch phá, không cho mẹ làm việc. (Tôi đã tìm đủ mọi cách mà cháu vẫn rất phá phách).
          Bỗng có tiếng gõ cửa nhẹ, giáo sư của tôi bước vào khi tôi cất tiếng mời. Hốt hoảng, lo lắng là cảm giác của tôi lúc đó. Nhưng giáo sư ko để ý đến tôi. Ông nhìn ngay thấy cô con gái tôi đang ngồi bệt xuống sàn (trải thảm) sát chân tôi. Ông bèn bước tới, ngồi xuống và đưa tay ra nói:
- Xin chào, tôi là Achim Schulte. Rất vui được gặp bạn.
Con gái tôi nhìn ông tây to lớn và nhoẻn miệng cười rồi đưa tay ra nắm lấy tay của ông và trả lời.
- Chào ông, tôi là Anh Thư, là con của mẹ Hương.
Hai người líu lo nói chuyện với nhau rất lâu. Ông giáo sư vẫn nắm tay cô bé 4 tuổi một cách nhẹ nhàng và hỏi thăm mọi chuyện ở lớp, ở trường. Ông ấy khoe:
- Tôi có 1 cô con gái nhỏ hơn bạn 1 tuổi. Bé rất thích các cầu thủ đẹp trai.
- Ồ, tôi cũng thích cầu thủ đẹp trai nhưng bố mẹ tôi không thích xem bóng đá, họ hay bật tivi ca nhạc và tôi cũng thích các cô chú hát rất hay.
…..
Phải mất hơn 10 phút thì cuộc nói chuyện thân mật và đầy tôn trọng đó mới ngừng lại với lời của giáo sư:
- Xin lỗi bạn, giờ tôi có một chút việc cần nói chuyện với mẹ bạn. Bạn có thể vui lòng ra chỗ góc kia chơi một mình được không.
- À, ok.
        Nói rồi, cô con gái của tôi vui vẻ đứng dậy, đi ra góc xa xa để ngồi chơi và hoàn toàn không có chút tò mò gì hay đòi hỏi gì. Cả ngày hôm đó, con gái tôi đã rất ngoan, rất biết ý nên tôi có thể làm việc mà không bị cháu quấy rầy chút nào.
         Câu chuyện này đã xảy ra cách đây 10 năm nhưng nó còn nguyên trong tâm trí tôi. Đó là một bài học lớn dành cho tôi trong khi giáo dục con gái mình. Tôi chợt hiểu: “nếu chúng ta coi con trẻ là thứ phá phách, không đáng tin cậy, một dạng người dưới, cần giáo dục và quản lý thì đứa trẻ sẽ là như vậy và chúng ta sẽ rất mệt mỏi để giáo dục chúng”
       Nhưng nếu chúng ta tôn trọng trẻ, coi chúng như một thành viên đáng kính (y như người lớn) thì chúng sẽ nhanh chóng nắm bắt được điều này và sẽ cư xử đàng hoàng và đĩnh đạc ngay lập tức mà không có một hành vi phá phách hay đòi hỏi nào.
        Hình ảnh 1 người lớn ngồi xuống bắt tay đứa trẻ một cách kính cẩn và tôn trọng là hình ảnh mà tôi thường thấy trong khi ngao du ở trời Âu. Chỉ một hành vi đó thôi cũng nói lên được sự tôn trọng mà đám người lớn Âu đó dành cho lũ trẻ. Và đó cũng là câu trả lời tại sao lũ trẻ Âu thường có thái độ tự tin, thoải mái và đĩnh đạc đến thế.
        Dạy con, đó là một quá trình thật sự thú vị, một trải nghiệm tuyệt vời. Trong quá trình này, những câu chuyện nho nhỏ dễ thương kia có khi trở thành bài học thật sâu sắc cho những người làm cha làm mẹ chúng ta.
Rất mong các bậc cha mẹ tìm thấy điều bổ ích trong câu chuyện nho nhỏ của con gái tôi.
Trời xuân mát mẻ dễ chịu, chúc cả nhà một buổi tối an lành.

                              Vũ Thu Hương
       ( Song Thu sưu tầm. Nguồn Facebook Hương Vu Thu)

2 nhận xét:

  1. Em cảm ơn chị đã sưu tầm một bài viết rất hay, rất quan trọng và cực kỳ ý nghĩa! Người Việt mình hầu như hiếm có thói quen tôn trọng trẻ như một người bạn,coi trẻ như người lớn, ít ai chịu ngồi xuống bên trẻ để cao bằng trẻ để an ủi, động viên , dỗ dành trẻ, chúng ta hay đứng vẻ uy quyền bắt buộc trẻ phải làm thế này ,phải như thế kia,...khiến trẻ trở nên thụ động, nhút nhát, không tự tin, thiếu năng động, sáng tạo. Đã đến lúc nên thay đổi cách giáo dục con trẻ thời bây giờ vì thế hệ trẻ nhỏ thời nay khác trẻ thời trước và sự tiến bộ của xã hội cũng thay đổi nữa. Với bản thân em thì em luôn coi học trò của mình như người bạn, tôn trọng trẻ như người lớn, lắng nghe các em nói và chia sẻ nhẹ nhàng, thủ thỉ,... trẻ dễ hiểu và nhớ dai, làm theo rất tốt. Bắt tay với trẻ không làm hạ thấp địa vị của người lớn mà còn làm cho mối quan hệ giữa người lớn và trẻ nhỏ có sự thân thiện, gần gũi, cảm thông, dễ chia sẻ hơn.
    Một câu chuyện là lời khuyên thật đáng quý dành cho các bậc cha mẹ, thầy cô, người lớn biết cách cư xử với trẻ nhỏ!
    Em chúc chị luôn an vui nha!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn em đã đồng cảm với chị nha! Đúng là người Việt mình hay lấy quyền uy của người lớn đối với trẻ nhỏ chứ chưa thật sự là bạn của trẻ. Vì thế mà trẻ nhỏ cũng cảm thấy xa cách hoặc sợ sệt hơn là tin tưởng thổ lộ.
    Các thầy cô giáo cũng hay đứng trên học trò để dạy dỗ truyền thụ chứ chưa hòa đồng cùng trò để cùng khám phá và giải quyết vấn đề. Có lẽ vì thế mà khả năng chủ động khám phá sáng tạo của trò chưa cao. Chắc chắn em là một cô giáo tốt vì em đã làm bạn với các trò của mình.
    Chúc em thành công tốt đẹp trong sự nghiệp trồng người nha em

    Trả lờiXóa