Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

ĐẾN VỚI BÀI THƠ: “ NĂM EM ĐỘI NÓN KHÔNG QUAI”

( Chị Thúy Ngoan mặc áo đỏ, đứng thứ tư từ trái sang. Đây là ảnh chị đăng cùng với bài thơ trên facebook)


Nonkhongquai HP là nick của Nguyễn Thị Thúy Ngoan Hải Phòng trên Facebook. Chị là hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi chưa hề diện kiến chị, chỉ được đọc thơ chị trên Facebook. Thế rồi chính những vần thơ ấy đã làm tôi thích thú và tôi chủ động làm quen, giao lưu cùng chị qua trang mạng này. Càng giao lưu, tôi càng cảm mến chị hơn vì chất nữ tính sâu đằm mà chân thành mãnh liệt của người thiếu phụ không may mắn trong đời tư nhưng lại mạnh mẽ trước cuộc đời và phong phú, tinh tế trong nội tâm cũng như trong thi ca. Nhất là mảng thơ chị viết về đề tài nỗi lòng người góa phụ. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy ai viết nhiều, viết hay và làm xúc động lòng người về vấn đề này như chị. Tôi đã có ý định viết đôi dòng cảm nhận về những thi phẩm đó song chưa làm được.
Hôm nay, đọc được bài: “ Năm em đội nón không quai” trên trang Facebook của chị, thế là tôi nổi hứng viết luôn. Chẳng phải đây là bài thơ xuất sắc nhất của chị về đề tài “ Nón không quai”. Nhưng tôi lại rất hứng thú với cái cảnh ngộ éo le và bản lĩnh sống của những người góa phụ qua một bài thơ vừa như cười cợt, vui vui, hom hóm mà vẫn trĩu nặng nỗi niềm.
Theo lời phi lộ của chị khi viết bài thơ này là : các chị đi dự Câu lạc bộ thơ Lục Bát của thành phố Cảng, có 5 nữ sĩ thì cả 5 chị đều là góa phụ. Trước khi đọc thơ, tôi cứ nghĩ chắc sẽ là những vần thơ than thân trách phận và buồn não nuột đây. Nhưng không! Bài thơ đã thể hiện một cách cụ thể, chân thực và sinh động về hoàn cảnh, thần thái, cốt cách, tinh thần và nghị lực sống của các chị, những “chiếc nón không quai “ thời hiện đại. Điều này đã được thể hiện khá rõ ngay từ mấy câu mở đầu của bài thơ:
Gặp nhau lục bát Vân Tra
Năm em xinh xỉnh như hoa cuối mùa
Kệ đời nắng héo ruột dưa
Cứ son, cứ phấn mặc mưa chòng chành
Dẫu các chị chẳng phải là những tuyệt thế giai nhân mà chỉ là: “ Năm em xinh xỉnh như hoa cuối mùa” và lại còn phải sống trong cảnh góa bụa, cô đơn với biết bao buồn đau, hiu hắt đến héo hon cuộc đời như “ nắng héo ruột dưa”, nhưng có hề gì, các chị vẫn rất chủ động tự tin và tự chủ trong cuộc sống của mình: “ Cứ son, cứ phấn mặc mưa chòng chành”
Những từ miêu tả thái độ sống như: “ kệ”, “ mặc” và “ cứ” trong khổ thơ trên được tác giả sử dụng rất đắc địa đã thể hiện thật xuất sắc ý thức sống tích cực và mạnh mẽ của người phụ nữ hiện đại. Họ không chịu cúi đầu trước số phận mà vượt lên số phận để sống thật đàng hoàng.
Đâu chỉ có những khổ đau từ chính cảnh ngộ góa bụa thiệt thòi, những “ chiếc nón không quai” ấy còn chịu bao khổ đau vì thói xấu của người đời vô tình hoặc hữu ý gây nên:
Đời cong hùa gió vít cành
Con thuyền không bến mong manh kiếp người
Cạn ngày tóc bạc xuân phơi
Nón không quai lội giữa đời như không
Hai khổ thơ cùng diễn tả nỗi khổ đau của người quả phụ nhưng lại gợi ra những đau khổ khác nhau. Khổ một là nỗi khổ tự thân cảnh ngộ góa bụa. Đó là nỗi khổ đau của nội tâm, của tinh thần vì thiếu vắng người bạn đời, thiếu vắng một bờ vai nương tựa nên nó héo hắt đơn côi cô quạnh ( nắng héo ruột dưa). Khổ hai lại diễn tả cái khổ do ngoại cảnh tác động vào. Nó như sự vùi dập , đổ thêm nỗi khổ lên người ta khiến cho cuộc đời những góa phụ như oằn xuống trĩu nặng khó mà ngóc đầu lên được : “ Đời cong hùa gió vít cành”. Vậy mà trong cảnh ngộ ấy, các chị lại hiên ngang, bình thản vượt qua: “ Nón không quai lội giữa đời như không”. Tôi rất thích từ “lội” trong câu thơ này vì nó miêu tả thật đúng hình ảnh những góa phụ dám ngẩng cao đầu để sống, dám đạp lên muôn vàn định kiến hay đố kị của cuộc đời mà bình thản vượt qua thật tự tin và cũng vô cùng quyết liệt vậy. Hai khổ thơ cùng diễn tả nỗi khổ và sự vượt qua mọi khổ đau của người góa phụ nhưng lại không hề trùng lặp thì khéo thật và cũng công phu thật trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ của thi sĩ Thúy Ngoan. Chị đã làm ta hình dung cụ thể hơn và cũng thấm thía hơn nỗi khổ đau mà những góa phụ phải trải qua và vượt lên trong cuộc sống của mình
. Một cô bạn góa bụa đã than phiền với tôi rằng: “ Thân góa bụa khổ trăm bề chị ạ. Nuôi con một mình, lo toan một mình đã đủ khổ rồi. Nhất là những đêm đông lạnh lẽo mưa gió thì nỗi khổ càng nhân lên bội phần. Chẳng ai thấu hiểu sẻ chia đâu mà chỉ thấy gia đình nhà chồng và hàng xóm láng giềng để ý từng tý một. Nếu mình ăn mặc tươm tất lại có người đàn ông nào đến chơi nữa thì họ đã xì xèo bàn tán này nọ rồi.Thậm chí vợ chồng người bạn thân lâu ngày của em nhưng từ khi em góa bụa cũng có phần lảng tránh nữa mới buồn chứ. Anh chồng ngại tiếp xúc với riêng em đã đành, vợ anh ấy cũng dè chừng em, hình như sợ em có tình ý gì với chồng chị thì phải. Cứ nghĩ đến chuyện này em lại chảy nước mắt một mình. Thế đã xong đâu , không ít người đàn ông còn quan niệm “ gái góa vợ chạ thiên hạ” nên họ cứ bờm xơm ve vãn rất vô duyên. Hình như họ nghĩ chúng em thiếu thốn tình cảm nên thích được tán tỉnh vuốt ve và họ thể hiện điều đó như một sự ban ơn, chứ không hề thật lòng, hay có ý thức trách nhiệm gì với tình cảm của mình đâu. Cũng có lúc em bi quan chán nản lắm, nhưng rồi lại nghĩ, mình phải sống thật đàng hoàng để nuôi con khôn lớn và để những người kia không thể xem nhẹ mình như thế được. Có lẽ chị Thúy Ngoan cũng từng phải nếm trải những cảnh ngộ như vậy chăng? hay do sự thấu hiểu nông nổi từ cuộc đời mà chị đã khái quát tình cảnh ấy bằng những khổ thơ thấm đẫm chất đời và làm lay động lòng người đến thế!
Một điều đặc biệt nữa của những góa phụ trong thi phẩm này là các chị không chỉ tự tin , chủ động vượt qua mọi khó khăn của cảnh ngộ mà còn ngạo nghễ bày tỏ những khát vọng của lòng mình, những ao ước của chính mình rất chân thành thẳng thắn :
“ Ước bây giờ đũa có đôi
Ước mâm có bát, ước tôi có chàng”
Và phớt lờ những định kiến trói buộc con người, các chị mạnh mẽ vẫy gọi:
“ Nào ai dám xé rào ngang
Gai hồng cào xước đa mang ai nào
Đời em như hạt mưa rào
Có ai làm nón quai thao một ngày
Ừ thì hạnh phúc đi vay
Khế chua sung chát đắng cay quen rồi
Năm em gái góa giữa đời
Vắt nghiêng câu lục xin mời bát gieo…
Không hiểu sao, đọc những câu thơ này, tôi luôn cảm nhận được rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Vừa thấy ẩn sau sự mạnh mẽ tưởng chừng như ngang tàng, ngạo nghễ và thách thức trước cuộc đời ấy là một sự yếu mềm, một thương thân tủi phận , một khát khao nương tựa, một mong mỏi cảm thông, một ước mơ yên ổn từ sâu thẳm cõi lòng của những “ chiếc nón không quai”, những “con thuyền không bến” vốn rất nhiều chìm nổi chòng chành. Lại như thấy ẩn trong điều vẫy gọi kia là thấp thoáng một ánh mắt và nụ cười tinh quái của những góa phụ trải đời như ngầm nói với các đấng mày râu rằng: chúng tôi thừa hiểu sẽ chẳng mấy ai dám “ xé rào ngang” dám “đa mang” đâu, nhưng chúng tôi vẫn cứ sống đường hoàng và bản lĩnh, dẫu cuộc đời chẳng thiếu những đắng cay. Xin các người đừng ve vãn, đùa cợt với nỗi niềm của chúng tôi! Dẫu chúng tôi cần lắm một bờ vai, một sự chung đôi thì đó cũng phải là một bờ vai đủ để tin yêu trân trọng chứ không phải là một cuộc chơi. Phải chăng những câu hỏi tu từ: ( nào ai, ai nào, có ai) kết hợp với những từ ngữ biểu cảm: ( hạnh phúc đi vay, khế chua sung chát đắng cay quen rồi) vừa như lời cật vấn vẫy gọi táo bạo lại vừa như tiếng than thật chua chát, tất cả tạo ra sự đa thanh, đa nghĩa cho đoạn thơ này ?
Mở đầu bài thơ là hình ảnh : “ Năm em xinh xỉnh như hoa cuối mùa/ Mặc đời nắng héo ruột dưa/ Cứ son cứ phấn mặc mưa chòng chành” và kết thúc lại là hình ảnh: “ Năm em gái góa giữa đời/ Vắt nghiêng câu lục xin mời bát gieo” đã tạo nên chất hài hài hom hóm rất có hồn và rất đáng yêu. Ta như nhìn thấy lấp lánh trong những câu thơ đó là nụ cười của các góa phụ tự tin, tự chủ trong cuộc sống của chính mình. Và xuyên suốt bài thơ vẫn là một tinh thần ấy.
Có thể nói, bài thơ là sự trải lòng của những người góa phụ trước cuộc đời. Sự trải lòng ấy được chị Thúy Ngoan viết ra bằng thể thơ lục bát vốn nhịp nhàng, mềm mại, giàu nhạc điệu dễ đi vào lòng người, kết hợp với việc sử dụng rất nhiều thành ngữ giàu sức khơi gợi:( Nón không quai, nắng héo ruột dưa, hùa gió vít cành, thuyền không bến, tóc bạc xuân phơi, đũa có đôi, mâm có bát, khế chua sung chát…) , cùng với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu tưng tửng và các động từ mạnh như: ( kệ, mặc, cứ, lội, ước,nào, ừ thì) …, nhiều khi những từ ngữ ấy còn được lặp đi lặp lại làm cho bài thơ mạnh mẽ hơn để thể hiện thái độ của nhân vật trữ tình trong thơ cũng dứt khoát hơn, quyết đoán hơn. Tất cả, tạo nên một thi tứ đậm chất liệu dân gian vừa rất quen thuộc mà cũng rất mới lạ đã diễn tả thật sâu sắc cái cảnh ngộ éo le, cái nỗi niềm chua chát cũng như sự mạnh mẽ vươn lên dù rất khó khăn nhưng vô cùng quyết liệt và tự tin để trụ vững trước cuộc đời của những người góa phụ vốn rất mong manh . Vì thế mà nó tạo nên một tiếng thương cảm sâu xa, một sự thức tỉnh với những ai đó còn vô tình hay hữu ý làm tổn thương những người cô lẻ thiệt thòi. Để rồi từ đó, mỗi người tự biết cảm thông chia sẻ, biết nâng niu trân trọng và nhất là biết tinh tế nhẹ nhàng hơn trong ứng xử với nhau.

NĂM EM ĐỘI NÓN KHÔNG QUAI
            (Nguyễn Thị Thúy Ngoan)

Gặp nhau lục bát Vân Tra
Năm em xinh xỉnh như hoa cuối mùa
Kệ đời nắng héo ruột dưa
Cứ son, cứ phấn mặc mưa chòng chành
Đời cong hùa gió vít cành
Con thuyền không bến mong manh kiếp người
Cạn ngày tóc bạc xuân phơi
Nón không quai lội giữa đời như không
Năm em, năm bến, chẳng chồng
Mỗi người một cảnh bão giông sóng dồi
Ước bây giờ đũa có đôi
Ước mâm có bát ước tôi có chàng
Nào ai dám xé rào ngang
Gai hồng cào xước đa mang - ai nào?
Đời em như hạt mưa rào
Có ai làm nón quai thao một ngày
Ừ thì hạnh phúc đi vay
Khế chua, sung chát, đắng cay quen rồi
Năm em gái góa giữa đời
Vắt nghiêng câu lục xin mời bát gieo..
.
Sao Đỏ 03-7-2016
Song Thu

2 nhận xét:

  1. Bài thơ thật thấm thía.Ai đọc cũng cảm nhận được nỗi lòng cùng cảnh ngộ người phụ nữ góa chồng.Với qua bài cảm nhận của chị,người đọc càng lắng sâu hơn,càng thấu đáo hơn các thủ pháp của nhà thơ.
    Cảm ơn chi,chúc hai tác giả luôn an lành trong cuộc sống !

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn em đã đồng cảm và động viên

    Trả lờiXóa