Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

GIẤU ANH VÀO NỖI NHỚ CỦA EM

( Một bạn nào đó đã gửi cho Song Thu bài thơ này. Song Thu thấy hay, nên mang về đây. Rất tiếc là bạn ý cũng không biết tác giả thi phẩm này là ai. Nếu ai biết xin mách giùm Song Thu nhé)

Có một ngày anh thôi đi về phía em
Ánh mắt, bờ môi không còn da diết cháy
Em sẽ không trách anh đâu. Anh hãy tin là vậy
Chỉ xin một điều được giấu anh vào nỗi nhớ của em.
Chỉ xin một điều được giấu anh vào nỗi nhớ của em
Khi cơn mưa nửa đêm chợt ào qua ngõ
Khoé mắt em cay cay nỗi niềm vô cớ
Con dế trở mình run rẩy gọi người thương.
Sẽ giấu anh vào trăm ngả vấn vương
Rằng gừng cay sao vẫn còn muối mặn
Nơi hạnh phúc bỗng mọc nhành cay đắng
Những ngậm ngùi lại khe khẽ cất lên.
Giấu anh vào khắc khoải trái tim em
Thoảng một cái tên cũng giật mình thổn thức
Nghe tiếng cười quen đã nhói đau lồng ngực
Giấu anh vào nơi không thể nguôi quên,
Cho anh chạm vào thăm thẳm của đêm
Lạnh giá của băng. Cháy lòng của lửa
Buốt nhói sương khuya. Mịt mù giấc ngủ
Cho anh chạm vào nức nở gió mùa đông.
Có những con thuyền không cùng neo đậu một dòng sông
Những hàng cây không chung mùa lá rụng
Những chiếc giường không cùng chung giấc mộng
Chẳng thể chạm vào da diết cõi lòng nhau.
Chẳng thể chạm vào. Nên lặng lẽ mà đau
Xin được giấu anh vào tận cùng nỗi nhớ.
Em vẫn cứ yêu anh dù chỉ còn một hơi thở,
Nhắc suốt đời này cũng chỉ bấy nhiêu thôi...
(Sưu tầm, không rõ tên tác giả)



Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

XƯỚNG HỌA VỚI PHẠM KHẮC UYÊN

 



Trên mạng, nhiều người thích làm thơ Đường luật dạng ngũ độ thanh, bát vận đồng âm. Tôi vốn không thích loại thơ gò bó này nên ít làm. Vì vậy đọc thấy thể loại này thì ngơ ngác lắm. Suy nghĩ mãi chỉ lý giải được bát vận đồng âm, nghĩa là tám từ cuối của 8 câu thơ trong bài đều cùng âm với nhau. Còn ngũ độ thanh là gì thì nghĩ mãi chẳng ra. Bèn đi hỏi bác google và được biết nó là thế này đây:
" Luật riêng của thơ ĐL Ngũ độ thanh như sau:
1) Chỉ viết CHÍNH LUẬT không viết THỨ LUẬT
2) Hai chữ liền kề luôn khác dấu nhau
- Trong mỗi câu (7 chữ) phải chứa ít nhất 5 dấu thanh. Những thanh trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng) không được lặp lại dấu.
- Những thanh bằng liền kề nhau không lặp lại dấu.
1 câu thơ thất ngôn bát cú có 4 thanh bằng 3 thanh trắc hoặc 4 trắc 3 bằng, trong đó:
+ 1 câu thất ngôn bát cú 4 thanh bằng 3 thanh trắc: thì 2 thanh bằng có cùng dấu (không dấu hoặc dấu huyền) không được đứng liền kề nhau, 3 thanh trắc thì tùy nghi mà sắp xếp Sắc – Hỏi – Ngã – Nặng sao cho phù hợp với câu thơ.
+ 1 câu thất ngôn bát cú 4 thanh trắc 3 thanh bằng: thì câu thơ đó phải đầy đủ 4 thanh Sắc – Hỏi – Ngã – Nặng, 3 thanh bằng thì 2 thanh Không hoặc thanh Huyền không được đứng liền kề nhau.
Tóm lại là Ngũ độ thanh đặc biệt chú trọng đảo thanh trong từng câu thơ."
(Thấy bài xướng của
Khac Uyen Pham
làm theo dạng này và nhiều người họa lắm, Song Thu mới nhẩm đọc rồi đối chiếu với luật trên và ngộ ra rằng: bài xướng đúng luật nhưng đa số các bài họa lại không đúng luật. Thế là Song Thu nổi hứng lên thử họa xem sao.
Chao ôi, sau bao nhiêu gạch, gạch, xóa xóa, cuối cùng thì bài họa cũng hình thành. Dung nhan nó đây, mời mọi người xem giúp. Vì lần đầu làm loại bài này, nếu có dở cũng mong độc giả châm chước)
Bài xướng: THẾ THÁI NHÂN TÌNH
(Pham Khắc Uyên )
Quán trọ trần gian huyễn ảo đời
Giăng mù khói tỏa tận trùng khơi
Tiền duyên thổn thức mòn trông đợi
Nghiệp chướng trầm luân mãi chẳng rời
Rải nghĩa chìm tan vào vạn giới
Gieo tình trải rộng đến ngàn nơi
Thu về cảnh vật thay màu mới
Tỏ ngộ hòa không giữa đất trời
Bài họa: TA SỐNG
(
Nguyễn Vũ Song Thu
họa đảo vận bài THẾ THÁI NHÂN TÌNH của Phạm Khắc Uyên)
Ta sống điềm nhiên ở mọi nơi
Vẫy vùng tung sóng biển ngoài khơi
Giao tình tứ hải hằng mong đợi
Kết bạn cùng quê chẳng nỡ rời
Trải vạn nồng cay còn giữ giới
Qua ngàn mặn chát nỏ than trời
Bao người ham thích tu miền Phật
Ta hứng hòa ca tại cõi đời Sao Đỏ :10-10-2020 Song Thu



Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

KHÁNH THÀNH LĂNG MỘ



                            



                              

Cách đây khoảng trên dưới hai chục năm, anh chị em chúng tôi đã cùng nhau xây dựng khu lăng mộ của chi khá bài bản. Nhưng vì đường làng ngày một tôn tạo, nâng cao, cho nên đến nay, khu lăng mộ ấy lại thành ra quá thấp. Mỗi lần mưa gió là ngập. Con cháu muốn vào thắp hương các cụ cũng rất khó khăn. Lớp người xây dựng lăng mộ ngày ấy, nay đã nhiều người về với tiên tổ rồi. Số người còn lại thì tuổi cao, sức yếu, lực bất tòng tâm nên dẫu nhìn ra điều bất cập ấy nhưng không làm sao được. May mà có lớp con cháu kế tiếp, nhất là cháu đích tôn Nguyễn Minh Hoằng đã biết noi theo cha chú đứng ra tập hợp, kêu gọi mọi người tôn tạo lại lăng mộ để đến hôm nay, ngày 18-7-2020, khu lăng mộ của chi 2, ngành 2 dòng họ Nguyễn thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ của gia tộc chúng tôi đã được hoàn thành trong sự vui mừng khôn xiết của tất cả mọi người trong dòng tộc.
Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào ngày giỗ bà nội tôi. Tôi về dự, đứng trước khu lăng mộ không quá hoành tráng phô trương nhưng cũng không hề đơn giản mà toát ra nét đẹp hài hòa tinh tế, vừa gọn gàng tao nhã vừa thành kính trang nghiêm thấy thật hài lòng. Vốn là phận gái lấy chồng xa lại còn bị say xe và sức khỏe cũng không tốt lắm nên tôi thật ít khi về quê để quét dọn cũng như thắp hương ông bà , cha mẹ trên mộ phần nên thấy các con cháu của mình xây dựng được khu lăng mộ trang nghiêm như thế này thì xúc động lắm. Từ tân đáy lòng tôi chỉ biết cám ơn các cháu đã dùng cả công sức, tiền bạc, thời gian và trí tuệ để xây dựng cho tổ tiên có mồ yên mả ấm. Tôi vui mừng hơn nữa vì trong suốt cả quá trình xây dựng, các cháu đã biết bảo ban nhau, đoàn kết một lòng cùng với tốp thợ để hoàn thành công trình đúng theo tiến độ và sát với mức hoạch định chi phí. Đây là công việc tâm linh, là công trình tri ân tiên tổ, nếu quá trình thi công mà xảy ra điều nọ tiếng kia thì thật là “kính chẳng bõ phiền” Người xưa nói: “ Phúc đức khán nhi tôn” ( tạm dịch là : muốn biết gia đình hay dòng tộc đó có phúc hay không hãy nhìn vào con cháu họ). Cho đến giờ phút này, nhìn vào con cháu mình tôi thấy tuy chúng không trở thành “ông nọ bà kia” cũng chưa có ai là đại gia, tỷ phú. Nhưng chúng đều trở thành những con người tử tế, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau và đặc biệt là luôn biết cách tri ân tiên tổ. Tôi thật sự tự hào về các con, các cháu của mình và thầm tạ ơn Trời Phật cũng như tiên tổ anh linh đã phù hộ độ trì để các con cháu của dòng họ Nguyễn chi 2, ngành 2 của chúng tôi được như ngày hôm nay.
Về quê, đứng chắp tay thành kính trước mộ phần cụ tổ, mộ phần cha và mẹ già của tôi cũng như phần mộ ông chú, bà bác và các anh chị em mà tôi thấy lòng mình bình yên và ấm áp lạ lùng. Vì tôi tin tưởng rằng dù tôi không về đây thường xuyên được thì các cháu tôi vẫn chu tất vẹn toàn
Sao Đỏ: 17-9-2020
Nguyễn Vũ Song Thu






Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

 

NUÔI DẠY CON 4.0
Chắc ai làm cha làm mẹ cũng đều mong muốn con mình Bình An, Hạnh Phúc và Thành Công.
Có lẽ ai làm cha mẹ cũng có lúc cảm thấy áp lực vì con ương bướng, nói không nghe lời, làm ngược lại lời cha mẹ, ăn vạ…
Có những cha mẹ cảm giác hoang mang style không biết m hành xử với con trong những trường hợp con như vậy có đúng hay không, đã tốt hay chưa, có hiệu quả không chứ chưa được hưởng niềm vui hạnh phúc làm cha mẹ của mình.
Và Chi cũng không phải ngoại lệ. Chính vì vậy mà khi biết được thông tin lớp học nuôi dạy con 4.0 Chi đã đăng ký tham gia.
Lớp học thì dạy nhiều lắm như: 5 vai trò của bố mẹ, nguyên tắc trong việc nuôi dạy con, các giai đoạn phát triển của con để ứng dụng nuôi dạy với từng giai đoạn, các giai đoạn vàng của con để phát triển thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ…
Vì Chi mới có 1 bạn bé 02 tuổi nên Chi quan tâm và ghi nhớ những vấn đề lien quan đến nuôi dạy con giai đoạn 1-3 tuổi nhiều nhất và qua 02 ngày học Chi thấy tâm đắc nhất được những điều đã học được như sau:
1. Giai đoạn trẻ từ 1-3 tuổi là giai đoạn mà khả năng vận động và ngôn ngữ của trẻ được hoàn thiện, giai đoạn này cái tôi được hình thành chính vì vậy mà trẻ có các biểu hiện: bướng bỉnh, ngang ngạnh, tự tiện (vô lễ, chống đối, chuyên quyền) chính vì vậy, giai đoạn này là giai đoạn bố mẹ chú ý phát triển vốn từ cho trẻ, phát triển về vận động cho trẻ, thừa nhận cảm xúc của trẻ như 1 phần tự nhiên và dạy trẻ biết cảm nhận cảm xúc của người khác.

Quan trọng nhất ở giai đoạn này bố mẹ cần phải hiểu con trẻ - hiểu được tại sao con lại làm như vậy, hiểu được kênh tiếp thu thông tin của con là kênh nào (kênh thị giác, kênh thính giác hay kênh vận động). Ví dụ con là người tiếp thu qua kênh vận động thì cần ôm ấp con, con tiếp thu qua kênh thính giác thì nói yêu thương con và giải thích cho con…

2. Một điều tâm đắc nữa Chi học được từ khóa học đó là bố mẹ hãy nói chuyện với con lúc con rơi vào trạng thái thôi mien (lúc con mơ màng chuẩn bị rơi vào giấc ngủ): lúc này cha mẹ nếu ban ngày trót đánh con thì có thể xin lỗi và nêu lý do vì sao cha mẹ lại làm vậy, lần sau con cần làm gì để ba mẹ không đánh con nữa, hoặc nếu muốn con thay đổi điều gì đó và có thể dạy con những điều gì m muốn dạy con. Điều này cần được làm thường xuyên liên tục và lặp lại ít nhất 21 ngày

Chi đã áp dụng những điều được dạy để thực hành với con, có hành động đã thu được kết quả luôn nhưng có những thứ cần có thời gian mới có kết quả.

Chi viết “bài thu hoạch” như một lời cám ơn đến thầy #Ngô Thái Hà và cô #Thanh Thanh Lê vì đã rất nhiệt tình, tâm huyết chia sẻ những kiến thức bổ ích.
P/s: cô học trò có Wd và nhạy bén thính giác nên lượng kiến thức thu nạp chưa hết được những điều thầy cô đã truyền dạy, khi nào có lớp học này học trò lại tham gia tiếp tục.

Sinh nhật chàng lần thứ 79


 



   Chúc mừng sinh nhật chồng yêu
   Bước sang tuổi mới thêm nhiều niềm vui
   Say mê dọc đất ngang trời 
   Chớ quên Sao Đỏ là nơi đi về

    Sao Đỏ: 11-7-2020
    Song Thu

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

LÒNG GIÀ QUA MỘT CHUYẾN ĐI

 Hình ảnh có thể có: 7 người, bao gồm Đỗ Nguyên Lượng, Diem Dinh, Đỗ Thương Chi, Nguyễn Vũ Song Thu và Ruby Nguyen, mọi người đang đứng và ngoài trời

























Chuẩn bị kết thúc một nhiệm kì trông cháu (vì bé đã đi mẫu giáo) con gái nói với mẹ : “ Đợt này gia đình con và gia đình em Lượng tổ chức đi tắm khoáng nóng Kim Bôi hai ngày, mời mẹ đi cùng cho vui”. Thị giãy nảy lên: “Vui thú cái nỗi gì, nắng nôi này,đi về say xe rồi ốm à. Mẹ chả đi. Các con cứ đi thôi, mẹ sẽ về quê luôn”. Con gái còn cố nói thêm : “ Đây lên đó gần thôi, Lượng nó lái xe cẩn thận lắm mẹ không say đâu. Sao chưa đi mẹ đã sợ thế? Mẹ cứ nghĩ là lên đó được vui cùng con cháu và được tắm nước khoáng rất khoan khoái, khỏe người có phải sẽ tích cực và có động lực hơn không?”
Thị vẫn nhất định là không đi
Nhưng rồi mấy bà bạn cùng lên trông cháu bảo:” Đi đi cho các con nó vui”. Rồi con trai lại gọi điện hỏi:” Hay là mẹ giận gì con gái, con rể mà không đi” . Thế là Thị lại quyết định đi.
Khoảng trên dưới tám giờ sáng chủ nhật thì mẹ con, bà cháu lên đường.Phải nói là đường từ Hà Đông đến Lương Sơn rất đẹp, không khí trong lành, xe chạy êm ru Thị cảm thấy khoan khoái ra trò chứ không mệt mỏi gì. Tuy nhiên càng đi lên thì đường càng ngoắt ngoéo hơn, nhiều đoạn quơ tay áo lắm. Nhưng vì con trai lái rất cẩn thận với lại Thị đã uống thuốc chống say rồi nên vẫn ok. Chưa tới mười giờ đã lên đến Kim Bôi, Thị và các con cháu đều khỏe re. Thế là các con quyết định đi thăm thác Tú Sơn luôn.Bọn trẻ hào hứng lắm, ra khỏi xe chúng leo dốc băng băng. Vào con thác đầu tiên, chúng lội ào xuống khe, khoát nước, đầy khoái trí. Thị bỗng vui lây niềm vui con trẻ, cùng các cháu té nước như mưa.
Lên những con thác sau thì dốc cao hơn và thời gian muộn rồi, Thị thấy đói và thấm mệt, dù các con cháu vẫn tiếp tục hành trình, Thị đã định bỏ cuộc nhưng không muốn con cháu mất vui Thị cố leo lên.Do đi lần đầu, các con Thị chưa có kinh nghiệm nên chẳng mang đồ ăn theo mà để hết trong xe. Vì thế trông thấy các đoàn khác nướng chả hay dựng lều bạt bày đồ ăn tại trận, bọn trẻ con có vẻ thèm thuồng lắm và đòi mua. Khốn nỗi ở đây chẳng có hàng quán chi hết, chỉ có núi rừng nguyên sơ, trong lành, mát mẻ với những thác nước không hùng vĩ mà nhẹ nhàng thơ mộng ẩn mình trong rừng xanh, thả dòng nước bạc mềm mại như suối tóc của các thôn nữ xứ Mường hay các tiên nữ nơi núi rừng thôi . Làm cách nào để mua được đồ ăn giữa chốn này. Thật bí với sự háu ăn của bọn trẻ đây. Đang chưa biết tính cách nào thì may thay, các cô bác thấy vậy bèn cho mỗi đứa trẻ một chiếc xúc xích. Bố mẹ chúng cũng không dám khách sáo nữa mà cám ơn và nhận luôn. Các cháu chén ngon lành. Nhất là Sim Ba ăn nhanh chỉ trong một nốt nhạc, Cu Bin ăn kém hơn nên nhường Sim Ba một nửa. Bé Sam ỏn ẻn nữ nhi cũng ăn hết phần của mình một cách đầy thú vị. Sau đó chúng lại lội nước, ngắm thác và tạo dáng chụp hình ra vẻ lắm.
Tú Sơn gồm chín con thác tất cả nhưng có lẽ do dạ dày biểu tình hay gối mỏi chân chồn chi đó, đoàn nhà Thị chỉ ngắm ba con thác thôi là quay đầu liền. Lúc xuống đi nhanh hơn. Và việc đầu tiên khi ra tới thị trấn Kim Bôi là vô nhà hàng đánh chén . Mấy món đặc sản núi rừng: thịt trâu nấu lá nồm, gà đồi...xem chừng hấp dẫn đáo để.Không gian quán ăn lại thoáng đãng rộng rãi chứ không chen chúc gò bó như Hà Nội nên các cháu nhỏ thích lắm. Trước khi ăn chúng nhảy nhót tưng bừng. Khi đồ ăn bày ra thì ai cũng ăn uống nhiệt tình và đầy hứng khởi . Nhìn các con cháu ăn uống thích thú,vui vẻ, lòng Thị rưng rưng. Các con của Thị không chỉ biết chăm sóc bọn trẻ mà còn rất quan tâm mẹ già. Chúng luôn hỏi Mẹ có mệt không, thức ăn có hợp với Mẹ không và chọn những miếng ngon gắp cho Mẹ. Ồ thì ra khi ở nhà, mải mê bận rôn với công việc các con ít để ý đến mẹ cha nhưng khi có điều kiện là chúng nâng niu mình lắm đấy chứ. Chỉ những quan tâm nho nhỏ vậy thôi, Thị cũng cảm động lắm và lòng Thị rung rinh một niềm vui lan tỏa và mắt Thị bỗng rưng rưng... Thị nghĩ, không đi chuyến này thật phí!
Đánh chén xong, quay vô nhận phòng khách sạn là vừa đúng giờ. Đoàn nhà Thị ở biệt thự Hoa Mộc Lan, một biệt thự gần với vườn thú và khu vui chơi của trẻ em. Trước khi đi, con dâu Thị đã tìm hiểu và lựa chọn như vậy. Đây là một lựa chọn đúng đắn vì phù hợp với bọn nhỏ mà. Hai phòng nghỉ sát nhau cho hai gia đình bọn chúng. Thị ở với gia đình con gái. Đó là một phòng lớn tách đôi gồm hai giường cá nhân và một giường to. Gia đình con trai ở phòng cạnh đó. Giường đệm trắng muốt thơm tho, nhà tắm và nhà vệ sinh cũng rộng rãi sạch sẽ, thật là tiện nghi chẳng khác chi ở nhà riêng mình vậy. Bọn trẻ con khoái trí lắm chúng cứ nhún nhảy trên đệm và cười nói bi bô. Bố mẹ chúng phải thiết quân luật mới lập lại được trật tự để chúng đi vào giấc ngủ trưa bình an và êm ái.
Sau một giấc ngủ trưa khoan khoái, cả nhà đi tắm. Trước khi đi Thị cứ ngỡ là tắm ở một suối nước khoáng kia đấy. Nhưng đến đây rồi mới biết không phải vậy. Ở đây có hai bể bơi: một ngoài trời và một trong nhà. Bể bơi ngoài trời rộng rãi và phong quang hơn. Nhưng nhìn bao quát thì cả hai bể bơi này đều giống như trăm ngàn bể bơi khác ta thường gặp.Vì vậy Thị hơi thất vọng. Thị nghĩ: thế này thì việc gì phải đến tận đây để đi tắm bể bơi kia chứ. Nhưng rồi người lái xe điện đã giải thích cho Thị hiểu rằng nước trong bể bơi ở đây là nước khoáng chính hiệu được bơm lên từ giếng khoan. Thị gật gù: Ra vậy. Hôm nay trời mưa nên gia đình Thị không được tắm bể bơi ngoài trời mà phải tắm bể bơi trong nhà . Vì là chiều chủ nhật, mọi người đi nghỉ mát nơi đây đã trả phòng để lên đường về nhà chuẩn bị cho ngày thư hai đi làm việc rồi nên bể bơi cũng chẳng đông người gì, chỉ duy nhất có gia đình Thị và hai ông bà cao tuổi khác thôi. Nước bể bơi trong veo và ấm áp. Chỗ sâu nhất cũng 1,6m còn lại nông hơn, xung quanh thì rất nông, bọn trẻ bốn, năm tuổi là có thể lội được bình thường.Cu Bin được bố cho đi tắm bể bơi nhiều lần rồi thì hào hứng té nước, ngụp người và cười khanh khách. Còn Sam và Sim Ba chưa quen nên lúc đầu có vẻ dè dặt và sợ sệt chứ không thoải mái lắm. Nhưng rồi sau đó quen dần chúng đã bạo dạn hơn. Riêng bé Sam thì có vẻ thích bộ đồ bơi nên thỉnh thoảng lại ngắm mình ra chiều khoái chí.
Tắm xong, về phòng nghỉ ngơi chút đỉnh rồi lại đi ăn tối. Ăn xong các con Thị bàn nhau đi mát sa theo tiêu chuẩn được hưởng của tua du lịch này. Nhưng hỏi ra mới biết vì vẫn chưa qua dịch cô vít nên dịch vụ này phải ngừng hoạt động. Thế là bọn chúng lại đề nghị chú lái xe điện chở cả gia đình đi vòng quanh toàn bộ khu nhà nghỉ ở nơi đây. Người lái xe khá tận tình, vừa đi vừa thuyết minh cặn kẽ từng ngôi biệt thự. Thị nghe không chăm chú lắm với lại vì trời tối nên chỉ loáng toáng biết rằng biệt thự Hoa Mai là cao cấp nhất ở đây dù trông bề ngoài cũng không khác biệt lắm so với các biệt thự khác nhưng thiết kế bên trong thì hiện đại hơn.
Tối đó ai cũng ngủ ngon lành say sưa. Có lẽ do không khí trong lành yên tĩnh ở nơi đây hoặc do một ngày với nhiều trải nghiệm mới mẻ,vui vẻ, êm đềm nữa chăng? Sáng hôm sau, như thường lệ, Thị vẫn thức giấc sớm, không muốn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con cháu, Thị khẽ khàng mở cửa rồi bật ô bước ra ngoài khuôn viên. Trời mưa nhỏ, những hạt mưa nhẹ nhàng lưa thưa đủ làm cho không khí mát lành. Buổi sớm ở nơi đây thật yên ả. Cả một khuôn viên cây xanh rộng chừng vài ha với những ngôi biệt thự nhỏ xinh ẩn hiện cùng những ngôi nhà sàn xinh xắn mang đặc trưng kiến trúc xứ Mường gợi ra một cảnh trí êm đềm, hoang sơ mà dịu ngọt đến mơ màng. Thị đi ngắm khu vườn thú. Gọi là vườn thú thôi chứ nó cũng đơn giản lắm. Giữa một bãi đất rộng cạnh khuôn viên cây xanh và biệt thự là khu vườn thú và chim muông.Bắt đầu, Thị nhìn thấy một đàn hươu,chừng hơn chục con cả lớn bé. Chúng ngơ ngác như những chú nai vàng trong thơ Lưu Trọng Lư, dương cặp sừng , nghếch nhìn xung quanh. Thị tiến tới gần hơn, chúng vẫn bình yên như vậy. Hình như cái bản năng tự vệ của chúng đã không còn nhạy bén như những chú hươu sống hoang dã nơi núi rừng nữa rồi. Chắc với ai đó sẽ cho là chúng thân thiện với con người hơn nhưng Thị lại thấy thương cảm những chú hươu sống ở nơi này. Ngắm chúng một lúc , Thị lại đến thăm mấy con công. Có dăm bảy con chim công , ở trong một chiếc chuồng chừng vài chục mét vuông . Những chú chim công đực có cái đuôi dài tha thướt và lấp lánh ánh xanh dương thật đẹp. Nhưng chúng không xòe cánh, khoe đuôi múa gọi bạn tình mà cứ đậu như vậy để buông mặc những chiếc đuôi dài một cách lười nhác khiến Thị có cảm giác đó là những chú công đang buồn ủ dột. Thị hỏi người chăm chúng, họ bảo: “phải nắng lên chúng mới múa. Mưa này chúng chỉ đứng yên vậy thôi bà ạ”. Thế là Thị lại thấy buồn và thương mấy chú chim công đến nao lòng.Rồi Thị lan man nghĩ tới bài thơ Nhớ Rừng của Nhà thơ Thế Lữ. Thị nhẩm đọc lại, hình ảnh chú Hổ tù túng nơi vườn bách thú và hình ảnh vị chúa sơn lâm chốn rừng già huyền bí thâm u qua lời thơ hiện ra rất ngang tàng, phóng khoáng, đầy uy lực oai phong khiến Thị bất chợt thốt lên một mình: “ Cụ Thế Lữ thánh thật! "Cứ trong cảm xúc ấy, Thị lầm lũi bước đi và lòng thêm thương những chú hươu và chim công ở chốn này . Chỉ tiếc là Thị không có tài để làm thơ về chúng.
Đi thêm một đoạn nữa là đến chỗ chuồng gà. Bọn này có vẻ nhanh nhẹn, lanh lợi hơn, chúng chạy lăng xăng, gọi nhau và tất bật mổ thức ăn khi cô chủ vãi ra.Những chú gà nhiều màu sắc, kích cỡ rộn ràng trông thật vui mắt. Ở đây có nhiều loại gà khác nhau nhưng chúng sống chung khá thân thiện. Đi hết một vòng, Thị quay về phòng thì con gái và cháu ngoại đã dậy. Bên phòng con giai bé Sam cũng đã chạy ra ngoài ngóng rồi. Thị lại đi cùng chúng một lần nữa. Bọn trẻ con thích các con vật lắm, chúng cứ tròn mắt ngắm nhìn rất say mê và thích thú. Chúng nhoài người, với tay như muốn được vuốt ve, vui đùa với các chú chim công xinh đẹp. Nhưng do cách hàng rào không chạm tới được nên chúng tiếc nuối lắm. Bé Sam bảo “ Công ơi bạn múa đi nào” rồi lại hỏi bà: ‘Sao cháu bảo bạn ấy múa bạn ấy lại không múa thế hả bà?”Thị lại phải mượn lời cô chăn nuôi ở nơi đây để giải thích: “ Vì trời mưa nên công không múa, phải nắng lên chúng mới múa cháu ạ”.
Mấy mẹ con bà cháu ngắm muông thú xong quay về nhà nghỉ thì con giai, con dâu, con rể và bé Sim Ba mới dậy. Đánh răng rửa mặt xong chúng lại gọi xe điện đến chở đi ăn sáng ở nhà hàng Hương Núi của khu Resoot này. Đây là bữa ăn được khuyến mại theo tiêu chuẩn đặt phòng. Ăn uống đều tự chọn: Có phở, bún, miến,bánh mỳ chấm sữa; Uống thì có sữa nóng, cà phê, nước chanh, nước cam...ai thích gì thì gọi nên ăn uống rất nhẹ nhàng mà hợp khẩu vị.
Khi cái dạ dày đã được nạp đủ năng lượng, bọn trẻ bắt đầu chạy nhảy tung tăng quanh khu nhà ăn, say sưa ngắm nhìn những chú ếch xanh, những cô gà mái ấp trứng nhân tạo rồi bọn chúng cứ thế mà nhảy nhót, hát múa rất hồn nhiên.
Sau đó, cả nhà vào bể sục khoáng nóng để tắm và thư giãn. Khu bể sục này cũng ở trong nhà. Nó nhỏ gọn và nước thì trong vắt lại có các cuộn nước sủi ùng ục do bơm trực tiếp từ giếng khoáng có độ sâu 175,5m lên. Thả mình trong bể sục đó được những cuộn nước nóng (chừng 35, 36 độ) đấm vào lưng, vào vai hay vào gan bàn chân thì thật là thú vị. Toàn thân như được thư giãn rất khoan khoái. Thị cảm thấy được tiếp thêm năng lượng sống tích cực và tinh thần phấn chấn hẳn lên. Với tinh thần ấy, cả nhà Thị ăn vận tươm tất để chụp ảnh. Những bức ảnh chứa đựng niềm vui sảng khoái của mỗi người nên khá ấn tượng.
Mưa ngớt dần và tạnh hẳn. Bầu trời cao hơn, cả rừng cây bạt ngàn của khu resoot cũng sáng láng hơn và những cây quất hồng bì trĩu quả cũng mỡ màng, mọng mà hơn. Thị với một chùm quả, chọn vài trái chín thẫm màu bồ hóng nếm thử thấy vị ngọt hơi chua rất đậm đà, khác hẳn giống quả này vẫn trồng dưới đồng bằng. Thị đưa cho bé Sam và con dâu, chúng hào hứng đón nhận vừa ăn vừa khen : Ngon quá!.
Nhìn vào khu vui chơi, bé Sam reo lên: " Đu quay kìa, mẹ ơi, ra chơi đi..."
"Được rồi, mẹ sẽ cho các con vào chơi"
Thế là bọn trẻ chạy ùa vào. Chúng ngồi trên tàu hỏa,máy bay hoặc ô tô rồi các cô chú phụ trách bấm nút cho nó quay vòng tròn tít mù. Sam và Sim Ba khoái trò chơi này lắm, chúng dang rộng hai tay và hét hò ầm ĩ. Riêng cu Bin thì lại sợ nên ấm ích khó chịu, mặc dù đã được ngồi trong lòng bố hoặc mẹ rồi mà cu cậu vẫn đòi xuống. Thị đứng ngoài cổ vũ các cháu và thấy lòng già chộn rộn một niềm vui rất trẻ thơ. Bỗng dưng Thị ứa nước mắt vì nghĩ tới ngày xưa, các con trai con gái của Thị sinh ra trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn nên chẳng hề có những cuộc vui chơi như thế này bao giờ. Nhớ cả những đêm trung thu, khi đưa các con đi rước đèn thì cũng chẳng có một chiếc đèn ông sao tử tế. Bố chúng phải lấy cái hộp xà phòng kem đã hết rồi, đục hai cái lỗ, buộc dây và treo lên một cái gậy nhỏ chừng non một m, trong hộp gắn một cây nến nhỏ thắp sáng lên để Nguyên Lượng cầm đi hòa vào dòng người rước đèn, (cũng đa phần là những chiếc đèn tự tạo từ ống bơ hay bất cứ một vật dụng nào có thể dùng được), thỉnh thoảng mới có một chiếc đèn ông sao dán giấy bóng kính xanh đỏ đã được coi là sang trọng lắm. Thị mua cho các con những chiếc mặt nạ xinh xắn hình Tôn Ngộ Không hoặc Đường Tăng, chúng đeo vào và hí hửng lắm. Nhất là Nguyên Lượng, đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không một tay rước đèn, một tay rủ xuống theo kiểu Tôn Hành giả , miệng cũng khù khù bước đi thoăn thoắt, nhẹ nhõm trông rất nhắng thật chẳng khác gì động tác của Lục Tiểu Linh Đồng trong phim Tây Du Kí lúc bấy giờ đang rất thịnh hành. Rồi Thị lại thương các con Thị lúc đó đi qua những hàng quán bán bánh kẹo, hoa quả hay đồ chơi mà chúng tuyệt đối không dám đòi bố mẹ mua cho bao giờ. Nghĩ tới đó, Thị càng thương con hơn. Rồi nước mắt Thị ứa ra. Thị phải lén quay đi lau vội vàng.
Trưa hôm đó lại ăn trong nhà hàng Hương Núi. Thịt gà và rau ở đây rất ngon. Nhưng Thị ấn tượng nhất là món xôi trắng. Nó dẻo, mềm, thơm một cách lạ lùng. Càng nhẩn nha nhai kĩ càng thấy nó không hề bị pha trộn chút béo, ngậy hay thơm tho của bất cứ một loại gia vị nào mà chỉ mộc mạc vị ngon ngọt, dịu mát, thơm tho của hạt nếp được kết tinh từ hương đất hương rừng của núi rừng Tây Bắc quyện vào thôi. Thú vị lắm. Cả nhà Thị ai cũng thích món này. Thị gọi thêm một đĩa nữa, Ăn còn một ít, Thị gói lại mang về. Đến chiều tối, lấy ra ăn vẫn còn nguyên cái thơm ngon, dẻo mềm tinh khiết ấy.
Kết thúc chuyến du lịch hai ngày một đêm, gia đình Thị lại lên xe trở về Hà Nội. Khi trở về, đi đường khác, dốc núi quanh co lắt léo hơn nhưng gần hơn. Đường thoáng đãng, ít xe qua lại nên đi nhanh. Lần này Thị không những không say xe mà còn rất phấn khởi như được tiếp thêm năng lượng. Thị ngắm nhìn quang cảnh hai bên đường. Hình ảnh núi non hùng vĩ và xanh thẫm cứ loang loáng vút qua. Thị thấy,loài cây được trồng nhiều nhất ở lề đường hay các vườn gần đường của nơi này là quất hồng bì. Những cây quất hồng bì trĩu quả đang vào độ chín, màu vàng nâu căng mọng rủ xuống như mời gọi, như vẫy chào du khách đến với Hòa Bình, miền Tây Bắc tổ quốc, nơi còn lưu giữ được nhiều nét đẹp hoang sơ, yên bình, nơi có những đồng bào dân tộc Mường thuần phác, nhân hậu và mến khách. Thỉnh thoảng Thị còn bắt gặp một vườn cam lá xanh biếc hòa chung với màu xanh của quả non sai chíu chít. Do có ít thời gian, Thị chưa đi được nhiều cũng như chưa tìm hiểu kĩ lưỡng mọi cảnh trí của khu du lịch Kim Bôi. Thị thấy nơi đây không có những danh thắng độc đáo, mỹ lệ; Thác nước ở đây cũng không hùng vĩ như nhiều con thác khác trên đất nước ta; núi rừng cũng không thật là hoang vu hiểm trở mà nó chỉ vừa đủ độ hoang sơ an lành thoáng đãng để ta có thể thư giãn và cảm thấy khoan khoái. Có lẽ khu du lịch này sẽ không thích hợp với những ai ưa mạo hiểm hay thú đi tìm cảm giác mạnh, tìm những cảnh trí độc đáo, những danh thắng nổi tiếng mà nó thích hợp với những người đến để nghỉ ngơi, thư giãn sau những mệt mỏi vì áp lực công việc, những ô nhiễm của khói bụi những chen chúc xô bồ ,phồn tạp chốn đô hội nhằm nạp thêm cho mình nguyên khí trong lành của đất trời Tây Bắc, tiếp thêm năng lượng tích cực cho bản thân mình để tiếp tục sống và làm việc tốt hơn.
Sao Đỏ: 9-7-2020
Song Thu



Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

VƯỠN




( Họa nguyên vận bài VÁI của Đỗ Đình Tuân)
Ông lão kia ơi khéo vẽ vời
Mồm rằng chốn ấy mỗ đành ngơi
Khốn thay mực cạn còn ham viết

Thương nỗi thuổng cùn vẫn cố khơi
Phở lạ xa xôi nào đợi gọi
Cơm quen kề cận chả cần mời
Xuân gần tám chục không quên bữa
Vưỡn chén ngon lành, vưỡn thú chơi

Sao Đỏ : 25-6-2020
Song Thu

( Phụ chép bài VÁI của Đỗ Đình Tuân)
Vái…!
Lão Tạ già Lê có ý vời ?
Nhưng vì miền ấy mỗ tôi ngơi

Bút bi mực hết không còn viết
Mai thuổng lưỡi cùn chả dám khơi
Bát phở thơm ngon còn bỏ ế
Nồi cơm nóng hổi cũng thôi mời
Biết là thua thiệt nhưng đành vái…!
Các lão tinh thần hãy cứ chơi.


23/06/2020
Đỗ Đình Tuân


Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

TRÓT DẠI




(Tình cờ, Song Thu nghe được tâm sự về cái sự " trót dại" của hai đấng tu mi nam tử, nên mới tức hứng viết ra bài thất ngôn tứ tuyệt này để thân tặng hai chàng quân tử đó và phô bày cùng anh chị em và bạn bè blog đấy ạ)
Của nhà trót dại vác đi cho
Nên nỗi hôm nay phải diễn trò
Trống đã mất dùi không thể gõ
Nàng càng hoan hỉ hắn càng lo

Song Thu

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

LẠI THI NHAU XƯỚNG HOẠ

  • Nghe nói giờ đây bác ở nhà
    Cho nên vườn nở rất nhiều hoa
    Mới hay cây cũng như người vậy
    Chẳng thích các ông chỉ thích bà
    Nguyễn Vũ Song Thu Hoạ vui cùng bác Xuan Ngoc Nguyen:
    Những hôm em vẫn ở xa nhà
    Vườn ấy đột nhiên lắm bướm, hoa
    Chấp chới đua chen khoe rực rỡ
    Hiến dâng ông chủ lúc không bà
    Khà...khà...khà...
    Xuan Ngoc Nguyen
    Mới biết ông Tuân giỏi nhất nhà

    Mát tay vườn trổ rất nhiều hoa
    Bướm nâu bướm trắng tha hồ ngắm

    Chẳng thấy cô đơn lúc vắng bà
  • Đỗ Đình Tuân Xuan Ngoc Nguyen
    Mình vốn xưa nay vưỡn ở nhà
    Trồng rau trồng chuối lại chăm hoa
    Hoa nhiều nên bướm thường bay đến
    Mải ngắm nên không thấy nhớ bà.

    Xuan Ngoc Nguyen
    Em sẽ sang thăm học bác nhà
    Cái nghề trồng chuối với chăm hoa
    May ra túm được vài nàng bướm
    Cho đỡ tủi thân cảnh thiếu bà

    Nguyễn Vũ Song Thu Xuan Ngoc Nguyen :
    Bác Ngọc thường xuyên vẫn ở nhà
    Không vườn trồng chuối với trồng hoa
    Chợ gần thêm nữa tiền luôn sẵn
    Hoa mượn, bướm mua chẳng thiết bà

  • Sao Đỏ:19-4-2020
    Song Thu