Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

XUÂN ĐẾN NHÀ TA

 




Xuân về gõ cửa nhà ta
Hai bồn Dạ Yến nở xòa trước hiên
Xuân đi những bước êm đềm
Giục cây tách vỏ bung mềm chồi tơ
Chim chuyền cành hót líu lo
Chiều xuân giăng mắc mờ mờ mưa bay
Hình như có chút men say
Lòng xuân dìu dịu dâng đầy tình xuân

Sao Đỏ: 09-02-2021
Song Thu

LÃO BA VỪA



Tôi đây vốn "giỏi" nấu ăn
Quanh năm mặn, nhạt nhì nhằng thế thôi
May sao vớ được một người
Suốt đời lại cứ khen tôi, nấu vừa
Tôi cười gọi: " lão Ba Vưa "( Vừa)
Gật gù lão bảo: " Tớ ưa tên này"
Sự đời càng ngẫm càng hay
Ngọt bùi
mặn nhạt
cũng tại lòng này mà ra
Sao Đỏ: 7-02-2021

Song Thu 

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

NỖI LÒNG NGƯỜI VÙNG DỊCH

 


           Những ngày giáp tết Tân Sửu này, vùng Chí Linh của chúng tôi bị phong tỏa vì dịch Cô vít hoành hành nên không khí tết thật trầm lắng. Đường phố vắng vẻ, chợ búa im ắng. Chẳng thấy những gian hàng đào, mai, hoa, quất tưng bừng khởi sắc như mọi năm. Càng không thấy người người tấp nập đi sắm tết, sao mà buồn đến vậy hả giời?
           Thỉnh thoảng có việc cần kíp phải ra đường mua thuốc men hay lương thực, thực phẩm, tôi chỉ thấy ở cổng bệnh viện đa khoa thành phố có những người mặc bộ quần áo chống dịch kín mít, di chuyển lặng lẽ mỗi khi nhận hàng tiếp tế từ người nhà bệnh nhân Cô vít; hoặc những người cũng với trang phục trên đang phun thuốc khử trùng chống dịch, hay những anh bộ đội vai khoác ba lô đi sơ tán vào rừng xa để nhường doanh trại cho những người F1 tới cách ly tập trung . Nhà nhà đóng kín cổng chẳng ai giao lưu với ai. Cái im lìm, nặng nề đè xuống chốn này làm lòng tôi tự nhiên trĩu nặng  một cảm giác khó tả, vừa như buồn lặng âu lo, vừa như hoang mang, trống trải đến não nề.
            Quẩn quanh trong nhà, chỉ có hai ông bà già với ngày mấy bữa ăn, lại nghĩ tết này,con gái cả thì bị cách ly tập trung do trước khi dich bùng phát, có đi dự đám cưới ở nhà hàng Việt Tiên Sơn, mà sau này mới phát hiện ra trong đám cưới đó có vài người đã dương tính với vi rút cô rô na. Con trai thứ về thăm nhà trước dịch, khi đến cơ quan, phải cách ly tại phòng riêng tận Phú Quốc xa xôi chẳng biết thế nào. Lại còn gia đình con gái thứ cũng về thăm nhà, lên Hà Nội công tác lại phải cách ly tại gia. Thương nhất là thằng cháu ngoại mới hai tuổi rưỡi, đang đi mẫu giáo, vui vẻ cùng cô cùng bạn với bao nhiêu trò chơi, bài học lý thú cuốn hút tuổi ấu thơ; về đến nhà là chạy nhảy, hoặc đạp chiếc xe bé tí xíu đi dọc hành lang vào hết nhà nọ đến nhà kia trong tầng của khu chung cư để chơi đùa, hò hét cùng các bạn; giờ bị nhốt ở trong căn phòng mấy chục mét vuông, chỉ hí húi với vài trò chơi xếp hình hoặc chiếc ô tô, hay quả bóng mà đá vào đâu cũng chạm phải đồ đạc trong nhà. Mỗi lần bố mẹ  gọi điện về, cho nói chuyện với ông bà chỉ biết khoe cháu có ô tô, có quả bóng rồi lại bảo ; bà ơi…cháu nhớ bà lắm. Thế là nước mắt bà lại ứa ra. Rồi lại thương gia đình thằng út, tết này là tết đầu tiên phải ăn tết xa nhà. Hai cháu nội đáng yêu không được về quê để ríu rít bên ông bà, tung tăng quần áo đẹp, háo hức xem gói bánh chưng, chờ bắn pháo hoa, đón giao thừa và nhận tiền mừng tuổi. Cứ nghĩ đến thế mà nẫu hết cả ruột gan, bần thần cả người, chẳng còn thiết làm ăn với tết nhất gì nữa. Lần nào con cháu gọi điện về cũng rơm rớm nước mắt. Mà cứ gì các con gọi về mới thế; dẫu là anh em, bầu bạn hay trò cũ gần xa, gọi điện tới hỏi thăm, an ủi động viên, dù cũng cảm động và ấm lòng thật đấy nhưng vẫn rưng rưng buồn tủi trĩu lòng tưởng như chẳng thể nào mà thoát ra khỏi nỗi buồn thời cô vít này.
             Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, thấy mình thật chẳng ra làm sao cả. Tuy sống trong vùng dịch , dẫu con cháu có người phải cách ly, có người không phải cách ly vẫn không được về ăn tết cùng gia đình thật nhưng vẫn còn may mắn chán vì mọi người vẫn an toàn. Mình thì già rồi,lại có lương hưu, không phải bươn chải kiếm sống nữa. Cứ việc đóng cổng ở nhà cách ly, yên tâm mà sống thôi, có gì mà buồn não buồn nề như thế? Ngoài kia còn bao nhiêu người lao động trồng cây cảnh, rau quả...phục vụ tết ;những người buôn bán,đã đặt cọc mua hàng, mua chỗ bán hàng tết mà nay không bán được vì dịch biết làm sao mà kiếm kế sinh nhai ? Lại còn  những người đang nhiễm cô vít phải điều trị chưa biết sống chết ra sao; những người phải cách ly vì đại dịch, trong đó có cả những học sinh mầm non, tiểu học chưa một lần phải rời vòng tay chăm bẵm của cha, mẹ, ông, bà nay cũng phải đi sống tập trung kia kìa.  Hay những y, bác sĩ phải trực tết điều trị cho bệnh nhân cô vít, không những không thể về ăn tết với gia đình mà còn nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào kia  thì họ phải làm sao? Còn bao nhiêu bộ đội biên phòng phải chịu rét mướt, gió mưa, ngày đêm tuần tra canh phòng để ngăn chặn những trường hợp vượt biên trái phép nhằm tránh lây nhiễm cô vít cho mọi người kia, họ cũng có được về vui tết với gia đình đâu, họ mà cũng cứ lo lắng, bồn chồn, buồn đau ủ rũ như mình thì đất nước này sẽ ra sao? Khi mở rộng tầm mắt để nhìn và nghĩ tới mọi người như vậy, tôi thấy mình bình tâm và tin tưởng hơn hẳn trong công cuộc chống chọi với đại dịch này.
            Tôi tìm hiểu và lắng nghe để biết rõ rằng mọi người đã chung tay chống dịch ra sao. Từ các cấp chính quyền trong thành phố Chí Linh đến các cán bộ chủ chốt của tỉnh Hải Dương đều vào cuộc chống dịch. Họ tổ chức thực hiện  truy quét, khoanh vùng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng xác định các trường hợp F0 để đưa đi điều trị ngay tức khắc; rà soát các đối tượng F1, F2, F3, F4 để lấy mẫu xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung hay yêu cầu tự cách ly tại chỗ. Mọi việc  được tiến hành thật khẩn trương mau lẹ. Từ việc lập các chốt phong tỏa, phun thuốc sát trùng  đến việc tuyên truyền hướng dẫn nhân dân giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người đều làm rất bài bản  giúp cho mọi người vừa không chủ quan lơ là phòng chống dịch vừa không rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng loạn, âu lo quá đáng. Đâu chỉ có các cán bộ địa phương, mà cả nước cùng chung tay với Chí Linh chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tận nơi chỉ đạo cán bộ các cấp các ngành vào cuộc. Các bác sĩ đầu ngành của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện nhiệt đới trung ương, các sinh viên ngành y được điều về; các bệnh viện dã chiến được xây dựng cấp tốc; các trang thiết bị y tế như máy thở, thuốc men đều được huy động khẩn trương phục vụ cho vùng dịch.
           Tôi càng cảm động hơn khi chứng kiến những tấm lòng thiện nguyện của mọi người dân Chí Linh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với vùng dịch chúng tôi. Bao nhiêu chiếc chăn ấm, những bịch khẩu trang y tế, găng tay, đồ ăn, nước uống, tiền mặt và thuốc men được gửi về cho những người bị cách ly, những gia đình có người nhiễm cô vít. Trong đó phải kể đến các nhóm, các lớp cựu  học sinh cấp 3 Chí Linh, các doanh nhân và nhất là Hội Những người Chí Linh tại Thủ Đô, họ đã không chỉ quyên góp vật chất mà còn thường xuyên đưa tin, đăng bài để chia sẻ tình yêu, niềm quan tâm tới những người dân quê hương đang gồng mình chống dịch. Tất cả những tình cảm nồng nàn đó làm chúng tôi thêm ấm lòng và tăng nghị lực để kiên cường chống dịch
            Chúng tôi tin rằng, dịch cô vít sẽ bị dập tắt sớm nhất có thể bởi sự đồng tâm hiệp lực của mọi người. Chí Linh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ chiến thắng đại dịch bằng tinh thần khí phách và tình cảm yêu thương đùm bọc vốn có của người Việt Nam. Cuộc sống an lành và thịnh vượng sẽ đến với chúng ta!Tết năm nay nhiều nhà không được đón tết hoan hỉ sum vầy vì đại dịch, nhưng trong lòng chúng ta vẫn có tết. Bởi cái tết cổ truyền này đã gắn bó từ bao đời nay với dân ta. Tôi xin đưa bài thơ XUÂN NGÀY ẤY của thi sĩ Trần Đoàn Lâm lên để mọi người đọc và thưởng thức cái tết nguyên đán như thưởng thức một nét đẹp trong truyền thống văn hóa tết của nước mình

Xuân ngày ấy

Trần Đoàn Lâm

Xuân ơi, Tết cũ có còn không?

Ngày ấy, lung linh bếp lửa hồng

Mẹ gói bánh chưng xanh mướt lá

Bố trông nồi bánh đến hừng đông


Ngày ấy xuân về mưa bụi bay

Mẹ ngồi sên mứt vị gừng cay

Có người hàng xóm sang xin nước

Nhấp chén rượu đào chấp chới say


Ngày ấy xuân về phố chợ đông

Đào phai ươm nụ sắc tươi hồng

Cúc vàng thắp sáng ban thờ Phật

Vương vấn mùi nhang tịnh cõi lòng


Ngày ấy xuân về tiếng pháo thưa

Giao thừa mẹ dắt cháu ra chùa

Hái nhành lộc biếc về treo Tết

Mẹ bảo "Năm nay sẽ được mùa"


Lũ trẻ xông xênh quần áo mới

Đợi quà mừng tuổi sớm đầu năm

Giấy hồng xếp nếp chờ khai bút

Mẹ nhủ con ngoan gắng học chăm


Rong ruổi đời con lấm bụi trần

Tha hương chẳng biết mấy mùa xuân

Mẹ không còn nữa xuân hiu hắt

Xuân lỗi hẹn người chậm bước chân


Nhưng khi xuân tới con hằng mong

Khắc khoải giao thừa phút ngóng trông

Quê mẹ ngày nào ran tiếng pháo

Xuân ơi Tết cũ có về không?

Tháng 1 năm 2018.

T.Đ.L

Sao Đỏ: 04/02/2021
Song Thu