Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

 MỘT CHUYẾN ĐI THÚ VỊ

                                  
            


                                     

Ngót nửa thế kỉ chia xa, vài năm gần đây, nhóm nữ sinh 4 D, Khoa Văn, trường ĐHSP Hà Nội 1, K23 chúng tôi ngày ấy, nhờ mạng xã hội mới tìm lại được nhau để chia sẻ nỗi niềm rồi hò hẹn tụ tập. Đa phần chị em đều có máu ngao du, thích chụp ảnh lại rất thân tình và quý mến nhau. Cho nên : “xa là nhớ, gần nhau là cười”. Vì thế, lúc nào có cơ hội là chúng tôi lại tụ tập cùng nhau. Lần này cũng vậy, từ hồi trong tết chúng tôi đã nhấm nhỉ nhau rồi. Nhưng vì dịch cô vít nên không thực hiện được, ai cũng buồn so.Mới cách đây mươi tuần, con trai một bạn là em út của lớp làm được nhà lớn, cả bọn đã gặp gỡ chúc mừng và chụp ảnh tưng bừng lắm. Bữa đó, tôi không có mặt vì Chí Linh quê tôi là vùng tâm dịch, vẫn đang bị phong tỏa. Nhìn các bạn tung ảnh lên phây, lòng tôi buồn rười rượi và tiếc hùi hụi. Thế rồi tỉnh tôi đã được xóa bỏ giãn cách, người dân vỡ òa niềm vui khôn tả. Kể cả những người đã 5, 6 chục  tuổi rồi vẫn còn muốn được mặc quần trắng, áo đỏ xuống đường “đi bão” với bọn trẻ ấy chứ.Thế là bọn chúng tôi lại nhắn tin, gọi điện, hẹn nhau đi chơi. Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định mồng 10 tháng tư sẽ lên đường. Không may, mấy ngày giáp hẹn đó đều mưa tầm tã, có bạn băn khoăn, mưa thế này, liệu có đi được không? Tất cả nhao nhao lên: đi chứ, mưa không tham quan chụp ảnh được thì tụ tập để nói chuyện với nhau cũng sướng mà.
         Y hẹn, khoảng 12h30, chúng tôi, từ Thái bình,Hải Dương, Hà Nội đã có mặt tại nhà anh chị Thông, Dung ở Sóc Sơn. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng vui như tết. Sau ít phút hàn huyên, dù trời mưa lâm thâm, cả nhóm vẫn kéo nhau ra thung lũng hoa để chụp ảnh. Chúng tôi định lững thững tản bộ, vì từ nhà anh chị ra đó rất gần chỉ độ non cây số. Nhưng anh Thông, vốn xem chúng tôi, những người bạn đồng môn của vợ mình như em ún trong nhà, lại cưng chiều chúng tôi như trứng mỏng nên nhất định bảo: “Các em, lên xe anh chở đi”. Thế là cả bọn leo lên ngay. Đến thung lũng hoa, anh còn ân cần dặn dò, mấy chị em cứ vui chơi, chụp ảnh cho thỏa thích, khi nào về nhớ gọi điện để anh ra đón. Giờ anh về họp BGH nhà trường đã ( chả là anh chị mở trường THPT tư thục, Mạc Đĩnh Chi, do chính anh làm Hiệu trưởng. Đây là một ngôi trường tư thục đầu tiên ở nơi này, trường đã thành lập được hơn hai chục năm rồi, kiến trúc khang trang, bề thế, lại có nhiều thành tích nổi bật về giáo dục đức, trí, thể, mỹ nên học sinh đăng kí học tại đây rất đông. Nhiều con em của địa phương đã trưởng thành từ ngôi trường này).
         Vừa chào tạm biệt anh xong là chúng tôi ùa ra ngắm hoa, chụp ảnh. Gớm toàn các nàng U70 cả rồi mà cứ ríu ra ríu rít  áo dài đỏ, áo dài hồng thướt tha, nói cười rộn ràng, khi nghiêng người tạo dáng, khi vòng tay như ôm ấp cả ngàn hoa, lúc lại nhẹ nhàng nâng nhành hoa lên mà chụp ảnh, làm cho cả thung lũng hoa bừng sáng và sống động hẳn lên. Thoắng cái đã gần hết buổi chiều, anh lại lái xe ra đón chúng tôi về.Vì có tôi và một bạn nữa chưa biết nhà anh ở quê, anh quyết định đưa tất cả chúng tôi về thăm. Quê anh, cách đó độ non chục km, đường đi rất đẹp nên vèo một cái, chúng tôi đã về tới nơi. Tôi sững sờ trước một cơ ngơi sang trọng mà thấm đẫm chất văn hóa của một gia đình nề nếp. Trong không gian vừa phải, có một căn nhà vườn xinh xắn, một ngôi từ đường trầm mặc, một nhà chòi cất nổi trên ao tự tạo, có nước vào ra luôn trong veo để khách ngồi chơi xơi nước và ngắm nhìn từng đàn cá vàng bơi lội tung tăng tầng nổi cùng  những chú trắm đen hàng chục kg lượn lờ tầng chìm thật thú vị.Quanh sân ngôi từ đường trồng rất nhiều hoa, lại có cả những cây cổ thụ tỏa bóng mát, được trang trí đèn sáng như công viên. Khu tường bao quanh khuôn viên được trang trí nhiều bức tranh rất đẹp và giàu ý nghĩa khiến người chiêm ngưỡng mê mải ngắm nhìn không biết chán. Muộn rồi, anh lại đưa chúng tôi về trường. Vừa rửa ráy, nghỉ ngơi được một lát là có bữa tối thịnh soạn bày lên với các món ăn được chế biến rất công phu từ cá lăng, cá tầm. Chúng tôi đánh chén thật nhiệt tình, ngon miệng và vui vẻ như bữa cơm họp mặt của một gia đình đầm ấm thân thương.
         Đêm đó, chúng tôi vô nhà nghỉ. Chị đặt cho chúng tôi hai phòng sát nhau. Nhưng chúng tôi không thích thế nên yêu cầu cho kê hai giường to giáp vào để tập trung tại một phòng cho vui. Cả đêm, không ngủ, chúng tôi hàn huyên đủ thứ chuyện. Nào là ôn lại thời sinh viên rồi chuyện chồng con, công việc…Mỗi người một cảnh ngộ chẳng ai giống ai. Có người được đi đó đi đây nhờ đức phu quân công thành danh toại; có người chỉ quẩn quanh với mái trường bên trang giáo án ; có người bỏ nghề, bươn bả kiếm kế mưu sinh trong thời bao cấp xiết mấy gian nan… Song  rất mừng vì đến nay,tất cả chúng tôi, dẫu không ai giỏi giang nổi bật gì nhưng đều là những người phụ nữ hết lòng vì chồng vì con và ai cũng  có một gia đình yên ấm với đức lang quân thủy chung, hiểu biết, tốt tính; các con hiếu đễ, sớm tự lập và trưởng thành; các cháu khỏe, ngoan . Chúng tôi bằng lòng với điều đó và tự thấy mình may mắn, hạnh phúc nên chẳng mong ước gì hơn chỉ muốn sống vui khỏe những năm tháng cuối đời để đỡ phiền con cháu thôi.
          Sáng hôm sau, anh chị cùng các con lại đón chúng tôi đi ăn phở tại một quán ngon nổi tiếng trong vùng rồi đưa cả nhóm đi tham quan Đại Lải. Anh chị có 3 người con, một trai, hai gái, cháu nào cũng thành đạt. Cậu con trai công tác xa nhà, nên không có mặt trong dịp này. Hai cô con gái của anh chị thật giỏi giang, tháo vát, nhiệt tình. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan lại vừa làm nhiếp ảnh gia rất tích cực. Chỗ nào có hoa nhiều, cảnh đẹp chúng đều dừng xe để mẹ và các cô chụp ảnh. Thương chúng vất vả, bọn tôi bảo nhau chụp ít thôi nhưng hai chị em đều nói: “ Mẹ và các cô mấy khi gặp nhau, cứ vui vẻ chụp thoải mái đi. Chúng con chỉ mong các mẹ vui là thích rồi. Chúng con chẳng mệt đâu”. Không chỉ chụp ảnh, vì biết khu trong này ăn đắt mà không hợp với khẩu vị các mẹ nên chúng chuẩn bị đồ ăn sẵn từ nhà mang đi, rồi ủ kiểu gì đó mà đến trưa chúng tôi ăn vẫn ấm nóng. Bữa ăn giữa rừng thông Đại Lải mà vẫn có cả bàn ghế đàng hoàng mới oách chứ. Nhìn chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui sướng, chị Dung bảo: “Có con gái thích thế đấy. Từ tuần trước chị đã thông báo với hai cháu là có các cô lên chơi và yêu cầu chúng thiết kế cho một chuyến tham quan Đại Lải  thế là chúng tự lo liệu thôi. Tối qua, chúng trình bày kế hoạch cụ thể bảo mẹ đưa ra cho các cô duyệt, chị nói, không cần đâu. Mẹ và các cô sẽ để tùy các con”
         Cơm nước xong xuôi, nghỉ ngơi giữa rừng thông vi vu gió, tận hưởng không khí trong lành, mát rượi của rừng cây, hồ nước mà cảm thấy thư thái đến lạ kì. Chẳng biết mọi người thế nào. Riêng tôi cứ thấy mình như được trở về với tuổi thơ, hòa mình giữa thiên nhiên hoang sơ mà quyến rũ,  vừa rất thân thuộc mà cũng nhiều kì bí đến vô cùng. Sau đó, hai cháu còn đưa chúng tôi đi tắm khoáng nóng và xông hơi nữa. Cám ơn hai cháu Hương Hà đã giúp cho các cô có một ngày với thật nhiều trải nghiệm thú vị không thể nào quên.  Tạm biệt Đại Lải, tạm biệt Sóc Sơn cùng ngôi trường Mạc Đĩnh Chi và gia đình anh chị Thông Dung, chúng tôi không chỉ vui sướng rung rinh vì được gặp nhau, được tham quan nhiều cảnh đẹp, được chụp ảnh tưng bừng mà còn rưng rưng cảm động vì sự đón tiếp thật nồng nàn thân thiết của gia đình anh chị Thông Dung.
         Qua bài viết nhỏ này, chúng em xin cám ơn anh Thông rất nhiều vì anh đã coi chúng em như những người em ruột thịt của mình; đã đi cùng chúng em suốt một ngày chủ nhật, ngắm chúng em vui chơi chụp ảnh thật bình yên vui vẻ. Chúng em cứ nói với nhau rằng nếu không rất trân trọng phu nhân của mình và không thật sự quý mến chúng em hẳn anh không thể làm mọi việc cho bọn em một cách thoải mái , tự nhiên đến như vậy.
       Sao Đỏ: 17-4-2021
       Song Thu





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét