Nhà hắn ở thị xã, có tên phố hẳn hoi . Tuy nhiên, dân ở cả
thị xã này không bao giờ gọi đúng tên phố nơi hắn cư trú như các con
phố khác mà cứ gọi là phố Bèo. Lý do cũng thật đơn giản . Bởi
cạnh con phố có một cái hồ lớn nhưng nước không trong xanh leo lẻo mà
quanh năm chật ních và xanh mướt mát màu xanh của bèo tây. Vào mùa
hoa bèo thì cả khu hồ lại khoác trên mình một màu tím biếc đẹp vô
cùng. Hắn mê hoa bèo lắm. Đã nhiều lần hắn viết những bài thơ về
hoa bèo khá hay, được nhiều người thích thú. Có người còn tốn nhiều
giấy mực phẩm bình một trong những bài thơ “ Bèo” đó của hắn ấy
chứ. Hắn có vẻ phổng mũi tợn và càng yêu quý hồ bèo hơn bất cứ ai
ở xứ này.
Ấy vậy mà vừa rồi, hắn lại gặp phiền toái to vì cái hồ bèo mới tội chứ. Nguyên do là
thế này. Năm nay thời tiết không thuận nên rau cỏ đắt đỏ lắm. Theo đó
rau lợn, rau gà cũng đắt lên. Dân ở thị xã miền núi này có không
gian nhà đất khá rộng rãi chứ không chen chúc chật chội như các phố
thị khác. Vì thế hầu như nhà nào cũng thả ít gà vừa để tiết kiệm
chi tiêu trong thời bão giá vừa yên tâm vì được ăn gà sạch. Rau đắt,
đi mua rau chăn gà thì xót ruột lắm. Thế là dân chăn gà rủ nhau đi
lấy bèo. Mỗi khi chiều xuống, quanh hồ bèo lại chật ních tiếng nói
tiếng cười cứ vui như tết! Ban đầu
hắn cũng thích thú cảnh tượng tấp nập này lắm. Cho nên hắn mới làm
bài thơ “Phố Bèo” để ca ngợi. Thơ rằng:
Gái sề quanh khắp xóm đồi
Thường khi xuống cạnh nhà tôi vớt bèo
Tiếng cười tiếng nói đem theo
Nhà tôi bỗng hóa “Phố Bèo” đông vui
Của đáng tội là những người đến đây lấy bèo cũng rất đa
dạng: có những ông bà về hưu, lại có
cả những cặp vợ chồng viên chức tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ đi vớt bèo về chăn nuôi nhằm tăng thu
nhập khi mà đồng lương còn chưa đủ chi tiêu. Nhưng đông đúc nhất vẫn
là các bà sồn sồn với nhiều hoàn cảnh đặc biệt: người thì chồng
mất sớm, người quá lứa lỡ thì, người thì chồng đi làm ăn xa tít mù
khơi tận trong Nam hay nước ngoài gì gì đó. Những bà sồn sồn này
lại thường hẹn hò nhau đi cùng, nên
mỗi khi họ đến lấy bèo thì cứ gọi là rôm phải biết. Thôi thì đủ
các thứ chuyện. Từ chuyện cửa nhà, gà qué , quần áo,giầy dép, đến
chuyện chàng nọ ả kia cứ tíu tít cả lên . Chưa hết, họ còn giở trò trêu trọc nữa chứ. Bất kể đấng mày râu nào trung trung tuổi đi
ngang qua đây cũng đều bị họ trêu cho đến khổ. Nhiều ông thường xuống
nhà hắn phàn nàn về chuyện này. Vì thế, trước kia, mỗi khi chiều buông bảng lảng hắn thường có thói quen
đi dạo trên bờ đập ngắm hồ bèo rồi miên man thi tứ. Nhưng từ lúc nghe người ta kể vậy hắn có ý
né tránh và từ bỏ luôn thói quen đó mà cứ ngồi nhà ôm máy vi tính,
đọc đọc, viết viết suốt. Khốn nỗi, hắn lại mới được thăng chức quan
xóm nên muốn tránh mà chẳng tránh được. Những chiều có việc phải đi
ngang qua đây, hắn chủ tâm cắm đầu đi, không để ý chung quanh chi cả.
Thế mà có yên đâu! Một hôm vừa thấy hắn xuất hiện, một ả sồn sồn
đã dóng dả hỏi:
-Anh đi đâu mà vội thế, xuống
vớt bèo cùng tụi em cho vui!.
Hắn đáp nhỏ nhẹ :
-Tôi đi có chút việc các cô
vớt bèo chăn gà hả?
Thế là các mụ xúm vào mỗi
người một câu. Ả này thì bảo:
- Gà đang bỏ không, chưa có người chăn đây.
Ả kia tiếp lời:
- Anh mà chăn giúp thì gà mập phải biết. Có
ả lém luốc hơn thì lại loa lên rằng:
- Anh ơi đừng có dại mà chăn gà hộ các bà ấy toàn gà rù
thôi. Chán chết!. Lại đây đá bèo vui hơn.
Đến nước này thì hắn chẳng còn mồm miệng đâu mà đối đáp cho
kịp. Vả lại xưa nay hắn vốn không quen kiểu nói năng bỗ bã, sát sàn
sạt đó nên tai và mặt hắn thi nhau đỏ lựng lên. Hắn cắm đầu đi thẳng
không đối đáp lại câu nào nữa. Thế mà các mụ có buông tha cho hắn
đâu. Một mụ còn nói với theo rằng:
- Anh không đá bèo thì cho
chúng em mượn gậy vớt bèo vậy.
Mụ khác bĩu môi, dài giọng nói:
-
Trời
ơi, gậy của anh ấy làm gì có mấu mà mượn…
Rồi cứ
thế họ cười ồ lên. Những tiếng cười loang khắp khu hồ rộng và đuổi
theo cái dáng đi cun cút xa dần và khuất hẳn của hắn.
Chứng kiến toàn bộ cảnh tượng
trên, tôi vừa thấy thú vị lại vừa thấy thương hắn lạ lùng. Rồi tôi
cứ thầm nghĩ rằng các mụ sồn sồn này mà gặp tay T.D ; T.A.N thì
phải biết. Còn nếu vào tay: X.H hay M. T thì có mà ra bã ngay ấy chứ
chẳng chơi.
Sao Đỏ:
20-2-2013
Song Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét