Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

BỐ SAM DẠY BÉ ĐỌC SÁCH

          Chiều nay, bà nội đang nhớ Sam ghê lắm thì may mắn làm sao bố Sam lại gửi ảnh Sam về qua mail . Mừng thì mừng thật vì được nhìn thấy cháu sau mấy tuần xa cách rồi mà. Nhưng càng nhìn càng nhớ cháu hơn, chỉ muốn lên ngay Hà Nội thăm cháu. Mai Lượng về chơi rồi chắc chắn ông hoặc bà sẽ theo xe lên chơi với Sam thôi.
          Hôm nay cứ đăng ảnh cháu lên đây để khoe cùng bầu bạn blog đã.





 

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

DẶN MÌNH




( Xướng họa cùng  bạn blog. Họa đảo vận )

Bao phen vật đổi với sao dời
Cái lẽ trần gian đã thấy rồi
Dâu bể cuộc đời dâu bể cả
Sắc không cõi Phật sắc không thôi
Chớ nên mê mải  mà vơ vét
Hãy gắng hân hoan để tặng mời
Ba vạn sáu ngàn ngày mấy chốc
Đừng lưu tiếng xấu ở trên đời
             27-7-2015
             Song Thu

( Phụ chép bài xướng )

LẼ DỊCH TRÊN ĐỜI

Lẽ dịch ngàn xưa hẳn rõ rồi
 Luôn luôn hai mặt ở trên đời 
Có lên ắt xuống, khôn ngăn cản
Đã hợp thì tan, khó níu mời 
Đừng trách lòng người luôn biến đổi 
Chớ than vạn vật mãi di dời
Thân ta hiện hữu trong trời đất 
Cũng sẽ đến ngày tan rã thôi !                        
                               Sông Thu

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

SUÝT...


  ( Thân tặng A. N và X. H)
 "Lẳng lặng mà nghe" họ dọa nhau
 "No đòn" no điếc rất chi ngầu
Chung quy chỉ tại con bươm bướm
Làm đấng tu mi suýt vỡ đầu
            23-7-2015
            Song Thu

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

..tổ quốc của tôi, ông là ai?



Trung Quốc, giấc mơ trung hoa,

 

 

 

 

 

 

 

Đọc & Suy ngẫm

Bài diễn văn của một nữ sinh 17 tuổi “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?”, có lẽ sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về “giấc mơ Trung Hoa".

Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”.
 Dưới đây là toàn bộ nội dung bài diễn văn của nữ sinh. Có thể nói bài diễn văn này đã thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?

Kính thưa các thầy cô,bạn bè thân mến: Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai ?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy.
Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?
Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao?
Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu .
Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.
Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới. Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.
Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị. Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế. Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.
Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi  sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền quý hống hách lộng hành, giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có  bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì. Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.
Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.
Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ, và ngày ấy nhất định sẽ đến”.

Tiểu Thiện, dịch từ NTDTV
 Song Thu sưu tầm

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

MỪNG CHÀNG SANG TUỔI BẢY TƯ





( Họa đảo vận bài TỨC SỰ TRƯỚC NGÀY SINH của Đỗ Đình Tuân)

Cái máu trăng hoa chẳng giảm dần
Dẫu không chắc thịt với săn gân
Gái tơ đi dạo còn căng mắt
Bà góa vô chơi muốn kết vần
Thơ phú gợi tình đưa với đẩy
Ún em xa ngái cũng nên gần
Bảy tư nhưng vẫn hăng ra phết
So với thời trai kém mấy phân? !
                 11-07-2015
                         Song Thu

( Phụ chép bài Tức sự trước ngày sinh)

Tức sự trước ngày sinh





“Phong độ” xem ra đã khá dần
Đâu còn tóp thịt với trơ gân
Nôm nôm hán hán thường tra cứu
Thẩn thẩn thơ thơ vẫn ghép vần
Vui cảnh vườn cây xanh biếc lộc
Kinh mùi chuồng lợn nức hương phân
Chỉ mong thằng lớn mau dư giả
Khỏi phải nuôi heo để cứt gần.
10/07/2015
Đỗ Đình Tuân