Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ: Bài 1: Giã từ nền văn hoá quỳ lạy ( Lê Phú Khải )

  Vào trang Văn Việt, Song Thu đọc được mấy bài của ông Lê Phú Khải bàn về vấn đề văn hóa, thấy đây là những bài đáng đọc, đáng suy ngẫm nên mới cóp về trang cá nhân mình đấy ạ

 















Có lần, Hán Cao Tổ Lưu Bang (202 trước Công nguyên) nói với Lục Giả: “Ta ngồi trên lưng ngựa mà có được thiên hạ thì cần gì phải học Thi, Thư…”. Nhưng rồi Hán Cao Tổ cũng nghe lời khuyên của Lục Giả trọng dụng kẻ sĩ, đề cao Nho giáo để củng cố ngai vàng. Đến đời Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) thì đạo Nho trở thành quốc giáo. Khổng Tử (sinh năm 551 trước Công nguyên, thọ 73 tuổi), người được xem là sáng lập ra Nho giáo được tôn lên bực thánh, trở thành Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời).


Điều cốt lõi của Khổng giáo là lý thuyết về người quân tử, tức kẻ cai trị đất nước (quân là cai trị, quân tử là người cai trị). Theo Khổng Tử thì người quân tử phải biết tu thân, phải có đạo đức và biết thi, thư, lễ, nhạc… Tu thân rồi, người quân tử phải dấn thân hành động: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ! Người quân tử phải chính danh để cai trị đất nước. Các triều đại phong kiến sau này đều triệt để khai thác Khổng giáo, họ biến đổi, “gia cố” Nho giáo thành một triết thuyết cực đoan có lợi cho giai cấp thống trị. Chữ đạo của Khổng Tử là những mối quan hệ phải có trong xã hội thời đó như đạo vua-tôi, cha-con, chồng-vợ, anh-em, bạn hữu… sau này chỉ còn ba quan hệ vua-tôi, cha-con, chồng-vợ với cái logic phản động và phản dân chủ nhất: quân sử thần tử, thần bất tử bất trung (vua bảo chết, thần không chết là bất trung); phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu (cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu); với phụ nữ thì: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà thì phải theo cha, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết phải theo con).


Trong chế độ phong kiến, nhân dân đã tiếp thu những “đạo lý” đó như người khát nước uống thuốc độc để giải khát. Chế độ phong kiến tàn bạo và thối nát ở Trung Quốc đã nhờ triết thuyết của Khổng giáo mà tồn tại và kéo dài cho đến cách mạng Tân Hợi 1911.


Vì thế, nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) đã phê phán Nho giáo một cách triệt để: “Trên phương diện chính trị, Nho giáo chủ yếu là bảo thủ. Nó bỏ qua vấn đề pháp luật và thiết chế, từ chối mọi cải cách… Bảo vệ lễ nghi của các triều đại xưa là mối quan tâm hàng đầu của Khổng Tử. Trong chữ lễ, vương triều Trung Hoa cũng như Việt Nam đã tìm thấy biện pháp tốt nhất để duy trì sự ổn định của ngai vàng” (Bàn về đạo Nho – nguyên văn tiếng Pháp đăng trên tạp chí La Pensée số 10-1962 với đề là Confucianisme et Marxisme au Vietnam. Dịch sang tiếng Việt, in trong Bàn về Đạo Nho – 1993).


Với Khổng giáo, vua là Thiên tử (con Trời), thay Trời cai trị muôn dân. Vua với nước là một. Yêu nước là trung với Vua (trung quân ái quốc).


Điều nguy hiểm nhất của triết thuyết Khổng Tử là: Người quân tử nhờ tu thân mà có vai trò cai trị, nhưng khi quân tử – tức kẻ cai trị – không tu thân, trở thành những hôn quân bạo chúa thì dân chúng vẫn phải cam chịu, không được làm cách mạng lật đổ chúng. Vì thế Nguyễn Khắc Viện mới viết: Khổng Tử từ chối mọi cải cách!


Trong xã hội Khổng giáo mấy ngàn năm ở Trung Quốc, kẻ sĩ đi học là mong được làm quan. Làm quan để được quỳ lạy dưới ngai vàng. Cái văn hoá quỳ lạy ấy đã kìm hãm nước Trung Hoa trong vòng tăm tối mấy ngàn năm. Trong nền văn hoá quỳ lạy ấy, chỉ có kẻ trên đúng. Chỉ có vua đúng. Vua bảo chết là phải chết. Cha bảo chết thì con phải chết. Tóm lại là không có chân lý. Hay nói khác đi, không ai đi tìm chân lý cả. Chân lý đã có sẵn ở kẻ bề trên, ở triều đại chính thống, bất kể nó thế nào!


Điều trớ trêu là văn hoá quỳ lạy ấy còn tồn tại đến hôm nay ở nước Trung Hoa cộng sản. Tướng Lưu Á Châu, một nhà bình luận nổi tiếng ở Trung Quốc hiện nay kể rằng, khi ông đi học một lớp chính trị trong quân đội, thấy thầy giảng chướng quá, ông đứng lên thắc mắc. Ông thầy liền nói: Tại sao anh dám cãi lại tôi? Tướng Lưu Á Châu thất vọng, vì thầy đã không dám hỏi: “Vì sao anh lại nói như thế?”, rồi tranh luận để tìm ra chân lý. Thầy chỉ phán: “Vì sao anh dám cãi lại tôi?!”. Thầy luôn đúng. Trò không được cãi.


Nước Trung Hoa cộng sản hôm nay vẫn nguyên hình là một xã hội Khổng Mạnh trá hình mà thôi!


Trong khi đó thì ở phương Tây, cùng thời với Khổng Tử, Aristote (384-332 trước CN) đã tuyên bố: “Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!”. Cái văn hoá chân lý quý hơn thầy ấy đã dẫn dắt phương Tây trở thành một xã hội dân chủ và văn minh đến ngày hôm nay.


Việt Nam chúng ta từng một ngàn năm Bắc thuộc, lại luôn chịu ảnh hưởng của người láng giềng hủ bại Trung Hoa, nên tầng lớp có học của nước ta thấm đẫm thứ văn hoá quỳ lạy của Trung Hoa. Trí thức nước ta trong mấy ngàn năm lịch sử chỉ lo dùi mài kinh sử để mong đỗ đạt làm quan, để được quỳ lạy trước sân rồng. Có người già rồi còn đi thi, suốt đời ăn bám vợ con. Việc làm ra của cải vật chất đều do người phụ nữ và những người ít chữ gánh vác. Trí thức Việt Nam trong quá khứ không ai học để làm cách mạng, để thay đổi đất nước. Hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau còn tồn tại đến hôm nay ở nông thôn miền Bắc là kết quả của tư duy làm quan, tư duy quỳ lạy. Báo chí của Việt Nam hôm nay hay ca ngợi một bà mẹ đi bán hàng rong mà nuôi được bốn năm người con học đại học. Học để mong kiếm một mảnh bằng vênh vang với làng xóm! Học để mong kiếm một cái chân trong cơ quan nhà nước, để trở thành một anh công chức, một anh nha lại, trên bảo dưới phải nghe.


Khi bàn về việc trọng dụng đội ngũ trí thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần nói, đại ý, xung quanh thủ tướng toàn là những người có bằng cấp cao, thạc sĩ, tiến sĩ… toàn là trí thức!


Thực ra các vị đó chỉ là những công chức, không phải trí thức. Mà đã là công chức thì trên bảo gì dưới phải nghe theo. Nếu không nghe thì “văng” ra khỏi bộ máy quyền lực ngay lập tức. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện lúc bình sinh có nói với người viết bài này: “Tư bản Pháp chỉ tuyển chọn vào bộ máy những người đỗ đạt cao. Vì thế, khi vào một cơ quan công quyền, người ta biết rõ những người ngồi đó đều là người tài giỏi, vì thế, họ vừa có quyền, lại vừa có uy. Thế mới gọi là uy quyền. Nhưng quyền uy mấy thì cũng là công chức. Nhân dân Pháp chỉ kính trọng những trí thức tự do, vì họ dám phản biện xã hội, bảo vệ lẽ phải. Nước Pháp có hàng trăm nghìn hội đoàn độc lập. Đó là một lực lượng dân chủ hùng mạnh để cân bằng với chính quyền của giai cấp tư bản”.


Buồn thay, bộ máy công quyền của Việt Nam hôm nay chỉ tuyển chọn những người “dễ bảo” hoặc biết “mua bán”. Vì thế nó ngày càng xuống cấp. Có lần, trong một cuộc gặp gỡ có nguyên Bộ trưởng L.H.N., phó giáo sư tiến sĩ V.T.K. và người viết bài này, trong lúc vui vẻ, phó giáo sư V.T.K. than phiền với Bộ trưởng L.H.N.: Mấy tay vụ trưởng đi theo anh chuyến này vô Nam, qua nói chuyện tôi thấy các vị đó dốt quá! Nguyên Bộ trưởng L.H.N. nói: Ngày xưa dốt là từ cấp thứ trưởng trở lên, cấp vụ nó giỏi lắm, nay nó dốt xuống đến cấp vụ rồi!!!


Từ nền văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy, đã hình thành một tâm lý xin-cho trong xã hội. Khi nhóm Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn soạn thảo bộ sách Học tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo hướng cải cách giáo dục, tôi đến chơi một người bạn cũ từng là một quan chức cao cấp, từng ở nước ngoài nhiều năm, có học thức cao… và tặng ông một trong các cuốn sách Học tiếng Việt đó. Cầm sách trong tay, ông nói ngay: Họ không cho lưu hành đâu anh ạ! Thì ra cái tâm lý xin-cho đã ngấm vào xương tuỷ giới trí thức nước ta. Trên phải cho thì dưới mới được làm! Dù chưa ai cấm đoán bao giờ!


Ít lâu sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến phải đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa cho học sinh phổ thông học. Thế là tôi viết giới thiệu bài tập đọc “Lễ thả thuyền ra Hoàng Sa…” đã có trong sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Buồm. Báo Người Lao động TP HCM đã đăng ngay bài đó trong tháng 1-2014 (vì… Thủ tướng đã… cho… nói về Hoàng Sa và Trường Sa!!!).


Ngày nay nước ta đã manh nha kinh tế thị trường, có bao nhiêu điều kiện và cơ hội để học làm người tự do, làm khoa học, làm chuyên môn, làm nghề… làm ra của cải cho một đất nước “đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên) thì trí thức nước ta cần mau chóng giã từ nền văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy có cội nguồn từ văn hoá Khổng Mạnh Trung Hoa để canh tân đất nước.


Để kết thúc bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện về giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, ông sinh năm 1941 tại xã Điện Thắng Bắc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Hiện ông là một Việt kiều ở Bỉ, hoạt động trong lĩnh vực khoa học không gian. Ông là một nhà khoa học rất nổi tiếng, là “một trong 10 người làm thay đổi nước Bỉ” như cách nói của chính phủ Bỉ. Ông giảng dạy ở bậc đại học đã nhiều năm, từng là trưởng Khoa Cơ học phá huỷ thuộc Khoa Kỹ thuật không gian Đại học Liège. Một ngày kia, đồng nghiệp của ông “phát hiện” ra ông chỉ có bằng kỹ sư, chưa có bằng tiến sĩ như bao đồng nghiệp khác đang làm việc cùng ông. Người ta đề nghị giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm hồ sơ để thi tiến sĩ. Khi giáo sư Hưng tập hợp các công trình mình đã làm và đã được ứng dụng trong sản xuất để trình Hội đồng, chuẩn bị cho luận án tiến sĩ sẽ làm, thì Hội đồng nhất trí cao rằng ông xứng đáng là tiến sĩ từ lâu rồi, khỏi cần thi! Tại một quán càfê ở đường Phạm Ngọc Thạch Quận 1 TP HCM cuối năm 2013 vừa qua, giáo sư Hưng tâm sự với chúng tôi: Mải làm việc quá nên tôi… quên làm tiến sĩ.


Bao giờ cái văn hoá học để làm việc thay thế được văn hoá làm quan, văn hoá quỳ lạy trong giới tinh hoa ở nước ta, thì Việt Nam mới mở mày mở mặt được.
                                 Tháng 6-2014
                                   L. P. K.
                                      4-8-2015
                                      Song Thu  ( sưu tầm)

26 nhận xét:

  1. Đọc bài này rõ ràng là mở mang được vấn đề " Văn hóa cúi lạy " từ gốc rễ. Và không khỏi cảm thấy buồn.
    Lão xin đặt dép ngồi hóng chuyện để mở mang - kỳ thực ngoài cái kiến thức bông phèng vốn có , lão không biết nói gì với chủ đề này. Vả lại , cứ có dính vô mấy cái chính trị thì y như đầu óc lão lung bung,lung tung như muốn điên vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tui cũng giống lão thôi. Chẳng dám động vô mấy thứ chính trị, chính em mần chi. Vì mình tự lượng sức mình chẳng có thể làm gì được đó mà. Nhưng mình thích vào trang Văn Việt vì đọc truyện , kí hay thơ phú ở đó cũng có nhiều cái mới cái lạ và thấy hứng thú lắm. Hôm vừa rồi mới ghé đọc các bài này thấy có nhiều cái đáng suy ngẫm để có thể sống đường hoàng hơn nên mang về đây vậy thôi.
      cám ơn lão đã sang đọc và bày tỏ quan điểm nha!

      Xóa
  2. Mình đã đọc 2 bài st của bạn cũng là chuyện đáng suy gẫm…
    Chúc bạn và gia đình luôn vui khỏe

    Trả lờiXóa
  3. Cái này thì em không dám...bỏ mồm!
    Hiện em đang phải quì lạy cả con các quan nữa cơ. Khi con quan ngồi trong lớp, mỗi lần nói gì với nó là phải nghĩ rằng: Mình đang nói với quan đấy, coi chừng cái lưỡi.
    Chợt nhớ đến THƯỢNG KINH KÍ SỰ của Lê Hữu Trác, danh y vào bắt mạch, khám bệnh cho thế tử Trịnh Cán mới 5 - 6 tuổi, phải lạy 4 lạy khi vào khám, lạy 4 lạy khi khám xong và đi lui trở ra. Thế tử khen: "Ông này lạy khéo"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là cô giáo văn và nhà văn có khác. Nhận xét ngắn mà vẫn đáng yêu ghê. Hai từ " bỏ mồm" dùng rất ấn tượng!
      Có lẽ trong xã hội này còn rất nhiều người vì cái cần câu cơm mà luôn luôn phải chú ý giữ mồm giữ miệng đó em.

      Xóa
  4. Hè hè hè ! Lão Tân giới thiệu bài viết nên qua đọc
    Salam nhớ nhiều câu nói của Khổng Tử , nay trích mấy câu mà mình tâm đắc cho cả nhà nghe chơi
    1 - Nhân nhi vô tín , bất tri kỳ khả dĩ
    Người không có chữ tín , chẳng làm nên việc gì
    2 - Tri giả bất hoặc , nhân giả bất ưu , dũng dả bất cụ
    Có kiến thức thì không nghi ngờ , có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi
    3 - Kỷ sở bất dục , vật thi ư nhân , tại bang vô oán, tại gia vô oán
    Điều mình không thích thì đừng là cho người khác , nơi quê hương gia đình mình thì tránh gây thù chuốc oán
    4 - Qua nhi bất cải , thi vị quá hỉ
    Biết lỗi mà không sửa , đó chính là tội
    5 - Ôn cổ nhi tri tân , khả dĩ vi sư hỉ
    Ngẫm nghĩ việc xưa , để hiểu việc nay
    6 - Tri chi vi tri chi , bất tri vi bất trị , thị tri dã
    Biết thì nói hết , không biết thì nói là không biết , vậy thời thật là biết

    Nói về nền văn hoá quì lạy thì ta sẽ đi ngược về lịch sử một chút nghen
    Thời Tần Thuỷ Hoàng học thức cũng không được coi trọng cho lắm , bằng chứng là việc đốt sách và chôn sống các nho sĩ
    Đọc lịch sử về đời Hán , Hán Vũ đế xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn , ít học , suốt ngày rượu chè cờ bạc . Nhờ có các sĩ phu , nhất là có Hàn Tín phò tá nên đã tiêu diệt được Hạng Võ . Nhưng sau đó thì sao ? Tất cả những người trung thành đưa Ông lên ngôi đều bị giết , kể cả Hàn Tín cũng chịu chung một số phận như vậy . Điều đó nói lên một điều , một khi một kẻ ít học , bất tài mà lên nắm quyền bính thì sẽ tai hại cho xã tắc biết nhường nào
    Bình sinh Khổng Tử trải qua 3 việc , là đi thuyết khách , làm chính sách và dạy học . Thời buổi tao loạn của nhà Chu , Ngài đi thuyết khách là để xây dựng lại trật tự xã hội . Nhiều nước cũng chẳng thèm nghe ông , sau này có Lỗ Vương nghe Ngài nhưng chỉ một thời gian ngắn ngủi Ngài phải quay về làm nghề dạy học . Đáy là thành công duy nhats của Ngài mà được đời tôn là " vạn thế sư biểu "
    Học thuyết của KT có nhiều điều còn cần bàn cãi , chẳng qua là lớp hậu sinh chỉ mượn danh KT , trưng những câu nói , học thuyết thực ra chỉ để củng cố chế độ chuyên chế sống dai nhất trong trong lịch sử nhân loại . Tuy nhiên xét kỹ thì đạo ( Nho giáo ) của KT lại nặng về " Thế Quyền " thay vì " Thần quyền " vừa là công cụ của ý thức hệ , vừa làm ngu dân .. Đó cũng là do bộn hậu sinh mà ra
    Thiệt tình mà nói Học Thuyết của KT cũng học và tiếp thu từ Chu Công và những người vô danh tập hợp lại . Rồi nho sĩ thời sau góp vào , cải biên theo nhu cầu của thời thế . Bắt đầu từ Đổng Trọng Thư là người đã theo chính sách của Hán Vũ Đế , đưa học thuyết KT trở thành độc tôn ở Hoa Hạ
    Thời hiện nay Lỗ Tấn là người mạnh miệng kết tội kT và đạo nho đã kìm hãm Trung Hoa vào vòng nghèo nàn lạc hậu . Điều đó là không khác quan , tại sao nước Nhật cũng học theo Nho Giáo à vẫn phát triển như vậy ?
    Trong thời " Cách mạng văn hoá " ở TQ 1949 người ta đã hạ bệ KT cũng chỉ là cái cớ cho đấu tranh phe phái mà thôi . Tưởng rằng KT dfax được xếp vào ngủ chung cùng lịch sử , ai dè ngày nay người ta lại lôi dậy còn đưa lên một tầm cao hơn . Người đời phê phán KT cũng vì học thuyết " Tôn Quân " nhưng vì cách đây 2500 năm thì nó phải thế .
    Theo Salam thì một học thuyết ra đời thì nó có thể đúng trong không gian và thời điểm nó được sinh ra , nhưng một khi đã sang một không gian và thời gian khác thì nó có thể bị sai . Vì thế cũng không thể dùng suy nghĩ của thế kỷ 21 để xét lại một học thuyết đã có cách đây 2500 năm
    ( Còn nữa )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Sa Lam đã ghé thăm tệ xá và có những lời bàn luận về vấn đề này. Song Thu tôi xin rửa tai đón nghe đây ạ. Thực ra về vấn đề này tôi cũng tơ lơ mơ lắm cho nên chỉ sưu tầm về đây để đọc và suy ngẫm thôi. Được bác nhiệt tình đàm luận tôi thấy thú vị lắm ạ. Mong được mở mang đầu óc hơn qua những lời bàn này

      Xóa
  5. Đọc bài cũng ông Lê Phú Khải,với kiến thức sơ đẳng của em về nho giáo,em không dám lạm bàn.
    Riêng về tư tưởng của Khổng Tử,có rất nhiều điều em thật sự tâm đắc.Tất nhiên,vẫn tiếp nhận có chọn lọc,vì có những giá trị muôn thuở,cũng có những giá trị nhất thời.
    Từ tư tưởng đi vào thực tiễn đời sống còn phục thuộc vào các phương thức và các biến tướng do quá trình thực thi.
    Những thiết chế xã hội và nền pháp lý,luôn được điều chỉnh và hoàn thiện theo thời gian.
    Một nền văn hóa của dân tộc sống động và phát triển,tất yếu phải biết tiếp nhận những tinh hao của nhân loại,không phân biệt đông tây kim cổ.Chất và lượng tùy thuộc vào bản lĩnh của dân tộc và các định chế xã hội mà đất nước ấy đang hiện hành.Văn hóa và giáo dục luôn song hành trong cái khung của xã hội ấy....
    Cảm ơn chị đã giới thiệu.Chúc chị an vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy Q nhỉ. Ta cứ tiếp thu những điều tốt đẹp của mọi nền văn hóa để làm phong phú cho nền văn hóa của mình.
      Nhưng chị thiết nghĩ càng cần thiết hơn khi phải tìm ra những mặt hạn chế của nó để mà tránh. Nói tóm lại là tiếp thu có chọn lọc và biết phản biện nữa đúng không em. Trong cuộc sống thường nhật của mỗi người cũng vậy mà. Biết phản biện và biết tiếp nhận những ý kiến trái chiều với mình để soi tỏ thêm quan niệm của mình có thể sẽ tiến bộ hơn chăng?

      Xóa
  6. Bàn về văn hoá quỳ lạy ( tiếp )
    Thời Xuân Thu chiến Quốc nước Trung Hoa có rất nhiều những thiên tài về tư tưởng và học thuật ví dụ như : Lão Đam , Trang Chu , Dương Chu , Mặc Địch , Hàn Phi vvv trong đó có nhiều người xuất sắc hơn KT nhưng không thích hợp với các vương triều hồi đó nên không được trọng dụng . Chỉ có học thuyết của KT mới thích hợp cho chế độ chuyên chế mà thôi
    Học thuyết của KT đã đeo ám Salam từ nhỏ tới giờ , nhưng cũng phải thừa nhận trong đó có nhiều cái không hợp với thời điểm hiện tại , nhưng vẫn còn nhiều điều đến giờ vẫn nguyên giá trị
    Theo Salam KT là người gác ngôi đền thiêng của văn học trong đất nước Trung Hoa cổ đại , trong hàng vạn vạn tác phẩm văn học Ông chỉ chọn ra 305 bài theo tiêu chí " Tư vô tả " , tức là trong các tác phẩm đó không có gì sai trái , lệch lạc , đồi truỵ , còn những bản khác có " Tà " thì Ông cương quyết vứt bỏ . Trong tư tưởng của KT lấy Ngôn chí , Tài đạo làm gốc có sự thống nhất giữa Mĩ và Thiện , chấp nhận thi ca có thể Hứng , Quan , Quần , Oán - Cho đến nay 305 tác phẩm mà Ông thẩm định vẫn còn nguyên giá trị
    Palaton ( Người Hy Lạp 427 - 327 )' sống sau KT 100 năm , cũng là một người gác đền văn chương . Nhưng khác với KT Palaton quá cực đoan , Ông coi thi ca ( văn học ) đều là " Ôn dịch " nên Ông tống khứ tất cả ra khỏi đats nước Hy Lạp cộng hoà lý tưởng của Ông
    ( Còn nữa )
    P / s. : Tính Salam hay lan man mong bác Thu và mọi người khi đọc còm thông cảm nghen .. Hì hì hì

    Trả lờiXóa
  7. Hôm chị còm ở bài Ton sur ton , lão có cóp cho chị bài CẦN THƠ để chi đọc. Hôm nay thử paste theo đường này nhưng không được mới biết là mình cho chị đường đi lỗi , y như lần trước . Lão cóp lai cho chi bài này. Vì đọc bài này thì dễ vẽ chân dung về lão và dễ hiểu hơn những bài sau này viết theo thể Nhật ký.
    http://tan262.blogspot.com/2013/01/can-tho-0442-26-thg-10-2010-ca-nhan-62.html#more

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất định mình sẽ tìm đọc bài này ngay bây chừ.
      Nhưng lạ lắm lão Tan ạ cái tính mình đã mặc định trong đầu về người nào thì khó thay đổi lắm. Dù đã đọc bài: Ton sur ton của lão rồi, mình vẫn nghĩ lão là người nổi tiếng. Có lẽ cái linh cảm của mình là đúng chăng?

      Xóa
  8. Trong bài viết ( Hôm qua chó nhà tang , hôm nay chó gác cửa , bàn về cơn sốt Khổng Tử .. của Lưu Hiểu Ba " giải Noben hoà bình " )
    LHB cho rằng " Giáo huấn của KT chỉ là trí thông minh nhỏ , không chứa đựng trí tuệ lớn . Tệ sùng bái Thánh nhân ở Trung Quốc là công trình văn hoá giả tạo cực lớn , do các đời Vua Chúa cùng bọn văn nhân cung đình phối hợp tạo nên và người ta đã sản sinh ra món hàng giả vô cùng nguy hiểm , qua đó ta có thể nhận ra nỗi oan khiên của KT . Nếu chẳng may mà người ta lợi dụng Ông thành công , trong muôn một , thì tên tuổi của KT và đạo của Ông không chừng sẽ gắn với trang bi thảm của nhân loại . Mặc dù hình tượng " chó gác cửa đáng gây mủi lòng - Lưu hiển Ba
    Ở nước Việt mình đạo nho của đức KT cũng theo các quan quân đô hộ phương Bắc xâm nhập vào từ 2000 năm trước , nhưng phải đến nhà hậu Lê về sau mới trở thành độc tôn chi phối tư tưởng , đạo đức cả về mặt chính trị lẫn xã hội . Tình trạng trên bắt đầu rạn nứt từ đầu thế kỷ 20 do ảnh hưởng văn minh Táy Âu . Cách mạng tháng 8 thành công ở Việt Nam thì đạo KT đã bị xoá bỏ năm 1945
    Theo Salam dù bất cứ học thuyết nào đi chăng nữa , đã tồn tại hàng ngàn năm mà đã được người đời đón nhận thì dù muốn dù không nó vẫn có khía cạnh tốt trong đó . Khi đón nhận một học thuyết của tiền nhân để lại , chúng ta phải biết sàng lọc lấy những tinh tuý trong đó rồi phát triển theo mạch đã có , chứ không phải bê nguyên xi vào
    Đạo nho cũng có nhiều mặt tốt , chúng ta đã loại bỏ nên bây giờ đã bị trả giá , xã hội xuống cấp , đạo đức suy đồi nên hiện nay khôi phục lại thì đã quá muộn ( có còn hơn không ) . Con đường phát triển của bất cứ xã hội nào cũng chông gai trắc trở . Vì thế cần xây dựng một nền văn hoá đủ mạnh thì việc phát triển của đất nước không có gì khó
    ( Còn nữa )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác SALAM bàn luận hệt như một nhà hiền triết vậy. Răng bác không mở trang blog cá nhân để mọi người qua đọc cho có thêm những điều bổ ích. Tôi đã theo đường nick trên để tìm đến nhà bác nhưng nỏ thấy có bài chi bác ơi.

      Xóa
  9. Đọc bài viết của ông Lê Phú Khải do Song Thu dẫn về đây, anh thấy có nhiều điều thật hay và sâu sắc... Nhưng cũng chỉ biết đọc và lắng nghe mọi người bình luận rồi suy ngẫm vậy thôi chứ mình chẳng biết nói gì. Chỉ biết chúc ST và gđ luôn khỏe vui thôi. Hì hì...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh cứ sang thăm và đọc bài là em vui rồi nhà thơ ạ

      Xóa
  10. học để làm việc chứ không phải học để làm quan, quá hay nhưng khổ nổi ngày xưa học rồi thi để làm quan vẫn tốt hơn bây giờ làm quan rồi mới học(bổ túc+chuyên tu) rồi sau cùng là thi thì sắp về hưu. sang chúc chị buổi chiều thật vui chị nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừa! Mình nhớ cách đây mấy năm, có một giáo viên của tỉnh Hải Dương này đã làm một bài thơ:
      Ngày xưa thi rồi mới cử
      Bây giờ cử rồi mới thi
      Trí thức như manh chiếu rách
      Nông choèn đáy đĩa tư duy

      Sau đó anh ấy bị kiểm điểm rồi bị kỉ luật nữa đó Mẫn ạ. Ngẫm về thế sự thì thấy nhiều điều bất cập lắm. Nhưng phận con ong cái kiến thì biết làm sao bây giờ?!
      Cám ơn em đã ghé thăm. Biết em có bài mới rồi. Lát nữa chị sẽ qua đọc nha em.

      Xóa
    2. biết rồi đây em có bị "kỷ luật" hay không nửa!!. mình không được nói những gì mình muốn thì tức quá hả chị.

      Xóa
    3. Là chị nói chuyện hồi xưa thôi. Bây chừ tuy vẫn còn nhiều phong tỏa nhưng nếu viết như chàng thi sĩ nọ thì cũng ứ mần răng mô. Huống hồ chị em mình chỉ chơi trên blog cá nhân bé xíu nè ai dám cản ngăn chi

      Xóa
  11. Cách mạng thành công , xoá bỏ tàn tích phong kiến cũ , xoá bỏ đạo Nho Giáo , thay vào đó là Học Thuyết Vô Thần . Dù Nho Giáo không hẳn là toàn mỹ , nhưng trong đó cho ta thấy nhiều mặt tích cực như niềm tin vào thế giới tâm linh , có thiên đường và địa ngục để răn dạy con người . Khi một người định làm điều ác nghĩ đến luật nhân quả thì sẽ một phần nào chùn tay lại
    Về vấn đề lễ nghi gia giáo cũng vậy , có trên có dưới tôn sư trọng đạo " Nhất tự vi sư , bán tự vi sư " chứ không phải như bây giờ con cái hành hạ , chửi bới cha mẹ , ông bà . Học sinh thì cãi lại thậm chí còn đánh cả thầy cô
    Nền văn hoá quỳ lạy của đạo Nho mà mọi người hay lên án không mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi . Mãi mãi vẫn vậy nếu như cứ mang mãi tư tưởng của văn minh lúa nước
    Còn về chuyện chạy chọt , quyền lực , văn hoá phong bì thì mọi người đã nói nhiều nên không bàn đến . Ở đây Salam chỉ nói đến tôn ti trong cuộc sống . Nếu như trong một công ty kể cả nước ngoài liệu người lãnh đạo nào chấp nhận những nhân viên dưới quyền luôn chống lại mệnh lệnh của mình hay không ? Đơn giản nhất là khi các Bác bỏ tiền thuê Osin , liệu có thể chấp nhận một Osin suốt ngày chửi chủ như hát lại còn đi nói xấu chủ lung tung ? Ví dụ như bác Thu chăm bẵm thằng cháu nội như vậy , đến khi về già bỗng một ngày đẹp trời thằng Sam nó bảo " Bà già rồi ăn gì mà lắm thế " liệu lúc ấy Bác có đau lòng ?
    Hiện tại bây giờ mọi người cứ hay đổ thừa cho xã hội , điều đó chỉ đúng một phần , mà không nghĩ rằng gia đình là điều cần nhất để rèn luyện nên nhân cách của trẻ nhỏ . Khi nhìn vào cách cư sử của trẻ nhỏ thì người ta sẽ biết cha mẹ , ông bà của những đứa trẻ đó là người như thế nào
    Hồi xưa chưa mở cửa chỉ có quanh quẩn mấy công ty của VN , nay bây giờ mở cửa rồi , rất nhiều công ty của nước ngoài , điều yêu cầu của họ là bắt buộc trình độ của anh / chị phải giỏi , đáp ứng được yêu cầu của họ . Những người bất tài vô dụng , những kẻ cơ hội không có chỗ đứng ở đây . Vì thế văn hoá quỳ lạy , văn hoá phong bì không có đất sống ở đây . Văn hoá quỳ lạy sẽ mất đi khi cơ chế tuyển dụng làm được như các công ty lớn của nước ngoài , còn không thì vẫn mãi như thế mà thôi , thậm chí còn trầm trọng hơn
    P / s : Salam không thích mở Blog , chỉ thích lang thang mấy nhà quen " Tám " cho vui thôi bác Thu à

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cố nhiên là không một người lãnh đạo nào lại thích một cấp dưới luôn luôn chống đối lại mệnh lệnh của mình rồi . Và càng cố nhiên là không một bậc ông bà, cha mẹ nào lại không đau lòng khi thấy con cái, cháu chắt cãi lại mình một cách hỗn hào như những ví dụ mà Salam nêu ra.
      Nhưng tôi thiết nghĩ những nhà lãnh đạo xuất sắc phải là những người biết lắng nghe mọi ý kiến cả thuận chiều và trái chiều rồi suy ngẫm, phân tích để tìm ra một hướng đi có lợi cho toàn cục khiến người ta phải tâm phục khẩu phục. Chứ không thể chỉ chấp nhận những người chỉ biết nịnh nọt hoặc cúi đầu tuân lệnh chứ hoàn toàn không có chính kiến gì và trù dập những người phản biện lại ý kiến của mình khi ý kiến phản biện đó là đúng. Tôi cho rằng những người dám có ý kiến khác một cách công khai, minh bạch là những người có suy nghĩ, có trăn trở và trung thực, dũng cảm nữa Salam ạ
      Trong quan hệ gia đình cũng thế thôi. Con cái có quyền phản đối lại ý kiến của cha mẹ, nếu thấy ý kiến đó là sai. Cố nhiên là cách phản đối dù ở gia đình hay xã hội cũng phải là cách nói có phép tắc, đúng mực chứ không thể là cách nói hỗn hào xấc láo kiểu cá mè một lứa được.
      Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Salam là chỉ khi nào tuyển dụng công khai minh bạch, chọn đúng thực tài thì mới không có tệ nạn phong bì khi đi xin việc. Nhưng cũng muốn nói thêm rằng ở Việt Nam mình có nhiều việc phải đưa phong bì đút lót lắm chứ không phải chỉ xin việc đâu. Đó là một tệ nạn nhưng không biết đến khi nào mới bỏ được đây?

      Xóa
  12. Bác Thu nói rất đúng , người lãnh đạo giỏi là biết lắng nghe những ý kiến trái chiều , những ý kiến phản biện gai góc , qua đó lựa chọn những điều tốt áp dụng vào sự phát triển của Công ty mình . Những người mà chỉ thích nghe những lời nịnh bợ thì sớm muộn cũng phá sản mà thôi . Cuộc sống đã có nhiều minh chứng cho điều này . Tại sao các công ty nước ngoài vào mình họ đều ăn nên là ra ? Đó là cách họ tuyển dụng và trả lương xứng đáng với công sức mà nhân viên bỏ ra . Vì thế mọi người đều cố gắng giúp công ty ngày càng phát triển . Con cháu của SL làm trong các CT của nước ngoài nhiều , nên biết rõ điều này . Hồi xưa SL cũng là một công chức nhà nước , muốn tiến thân thì phải luồn trên đạp dưới , bản thân lại không thích như vậy nên về nhà làm kinh doanh , tự do tự tại khỏi phải quỳ lạy một ai
    P / s : Bàn sâu về vấn đề này thì ít nhiều đụng chạm , đó là điều SL cố tránh ,

    Trả lờiXóa
  13. Chúc Salam kinh doanh phát tài nha!
    Cám ơn Salam đã bàn luận nhiệt tình và thấu đáo

    Trả lờiXóa