Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

MẸ VÀ CON

Nón Không Quai là bút danh của chị Nguyễn Thúy Ngoan, Hải Phòng. Chị là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hải Phong, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Chị đã xuất bản 5 tập thơ. Tôi quen chị trên Faceboook và rất ái mộ thơ chị, nhất là những bài thơ viết về thân phận góa phụ. Nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập QĐND VN (22-12) chị đăng bài thơ: MẸ VÀ CON trên facebook, tôi thích bài thơ này nên xin chị mang về đây mời mọi người cùng đọc để thấm thía thêm nỗi đau chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn trong nhiều gia đình trên mảnh đất hình chữ S này.


Một tuần chưa kịp bén hơi
Em thành trăng khuyết cả đời bến sông
Giếng mùa đông buốt giá đồng
Tàn canh em dội, lửa lòng vẫn sôi

Hàng cau chênh chếch trăng soi
Đất vườn em cuốc cho vơi đêm dài
Tiếng gà xơ xác ban mai
Nén đau cơn khát đôi vai rã rời…

Lửa rơm bếp bập bùng sôi
Bên nồi cám lợn mẹ cời tro than
Em thương mẹ - mẹ thương em
Chồng con - chồng mẹ khói nhang nhạt nhòa

Trọn đời “nụ chẳng thành hoa”
Em mừng thọ với mẹ già chín mươi
Điện Biên ban nở trắng trời
Trường Sơn bom cũng ngừng rơi đại ngàn

Cầu Hiền Lương nối thênh thang
Mẹ và em mảnh trăng vàng một đôi
Hai Tô Thị sống giữa đời
Tựa nhau hóa đá giữa trời hoang liêu…

                     10/2015
                    Nón không quai HP
                     ( Song Thu sưu tầm)
ThíchBình luận

24 nhận xét:

  1. trọn đời nụ chẳng thành hoa. thật buồn hả chị, chúc chị và gia đình mùa giáng sinh thật ấm áp nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừa! Bài thơ thấm đẫm nỗi buồn thân phận và sâu nặng tình Người em nhỉ?
      Cám ơn em đã mở hàng cho entry này nha

      Xóa
  2. "Điện Biên ban nở trắng trời
    Trường Sơn bom cũng ngừng rơi đại ngàn
    Cầu Hiền Lương nối thênh thang
    Mẹ và em mảnh trăng vàng một đôi
    Hai Tô Thị sống giữa đời
    Tựa nhau hóa đá giữa trời hoang liêu…"

    Cái kết của bài thơ cũng là cái kết của hai cuộc chiến.Nghe mà xót!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ta vẫn tự hào vì dân tộc ta đã anh dũng thắng hai đế quốc lớn. Có nước người ta chỉ tự hào vì bao nhiêu năm qua họ không có chiến tranh thôi em ạ.
      Chị nghĩ bất cứ vì mục đích gì thì chiến tranh cũng gắn liền với mất mát đau thương không gì bù đắp nổi và người đau khổ nhiều nhất trong mọi cuộc chiến chính là người phụ nữ.
      Cho nên nếu bỏ đi được cái mộng xưng bá xưng hùng thì hay biết bao nhiêu!

      Xóa
  3. Hai chữ "hoang liêu" thật hay, thật gợi. Chính nó đã đưa tâm trạng của hai người đàn bà góa (một mẹ và một con)đến chỗ tận cùng của sự cô đơn và trống vắng. Thì ra trên đời này có những sự mất mát không thể gì bù đắp được.NKQ là nhà thơ rất giỏi khai thác những mất mát này trong thân phận con người bằng những câu thơ hiền lành mà thấm thía.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng rất thích hai từ đó anh ạ. Cám ơn anh đã có lời bình thơ thật ngắn gọn mà chí lý.

      Xóa
  4. Có lẽ ở nước Nam ta Tô thị nhiều nhất thế giới.
    Loạn lạc can qua liên miên là nỗi đau cho cả dân tộc trong đó đau nhất, xót xa nhất vẫn là người phụ nữ. Mẹ ngoài 90 đang có con, còn con gái mẹ thì "trọn đời nụ chẳng thành hoa". Câu thơ làm nhói lòng người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nỗi đau lớn nhất trong đời người phụ nữ là nỗi đau không được làm mẹ anh ạ. Cho nên nhận xét của anh thật tinh tế và sắc sảo: " Mẹ ngoài 90 đang có con, còn con gái mẹ thì "trọn đời nụ chẳng thành hoa". Câu thơ làm nhói lòng người."
      Em ý à nếu không có chồng em cũng nhất quyết phải có con chứ ứ chịu " trọn đời nụ chẳng thành hoa" đâu nha

      Xóa
  5. Nếu không "buông tay bịt mắt nhau ra" mà quay lại, cứ tiếp tục bịt mắt nhau mà "đi về nơi hoang dã" thì chẳng bao giờ "nụ nở thành hoa" được.

    Trả lờiXóa
  6. Bài thơ hay thì hay thật. Nỗi lòng thương thì thương thật. Nhưng em vẫn băn khoăn tự hỏi: Người phụ nữ trẻ chấp nhận một đời cô đơn để chỉ thờ chồng cho trọn đạo, có nên không? Thơ văn ta ca ngợi quá nhiều cái hình ảnh nàng Tô Thị, nhiều người xem đó như là biểu tượng đẹp của lòng chung thủy. Theo em, con người ta rất cần chung thủy với nhau, nhưng là chung thủy với người cơ. Còn chung thủy với ma, liệu có nên? Em xót xa cho sự chung thủy ấy. sao lại phải chấp nhận nụ chẳng thành hoa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào em - Người bạn thơ tri kỷ của thơ anh. Có gì phải băn khoăn đâu em ? Đây có phải là một bài thơ ca ngợi lòng chung thủy, kiểu "Tiết hạnh khả phong" thời phong kiến đâu? Đây chỉ là bài thơ cảm thông và chia sẻ trước nỗi đau của thân phận con người thôi. Một điểm nữa cũng cần phải hiểu là "mặt tiền của nàng Tô Thị, hoặc vọng phu" cũng không phải là lòng chung thủy. Mặt tiền của nó lại là lòng nhớ mong chồng kia. Nói cách khác là tình yêu chồng. Lòng chung thủy, sự hy sinh... nếu có, cũng chỉ là những thuộc tính tất nhiên của tình yêu thôi.

      Xóa
    2. Với Nhật Thành: Chị cũng tán đồng quan điểm của em không nên chung thủy với ma. Nhưng cũng muốn nói thêm rằng có khi người phụ nữ trong bài thơ này đã chờ đợi chồng sau bao năm chinh chiến nên đến lúc không thể làm cho " nụ thành hoa" được nữa chăng?
      Với lại ở bài thơ này, chị Thúy Ngoan không ca ngợi lòng thủy chung mà chỉ là đồng cảm, xót xa, chia sẻ với nỗi đau của hai mẹ con góa phụ thôi em ạ

      Xóa
    3. Em đồng ý với chị hoàn toàn. Thế nên dù câu cuối rất ám ảnh, em vẫn không thích đưa hình anh nàng Tô Thị vào. Vì Tô Thị sở dĩ chờ chồng hóa đá là vì trong lòng vẫn nuôi hi vọng chồng trở về. Mà con người ta khi còn có hi vọng thì còn đủ sức vượt qua tất cả. Đằng này người vợ có hi vọng nữa không? Không! Vậy thì chờ ai mà hóa đá khi mà "Chồng con - chồng mẹ khói nhang nhạt nhòa"?
      Hì...em của chị cá tính thế đấy.

      Xóa
  7. Chưa ai tổng kết tỷ lệ văn thơ ca ngợi lòng chung thủy kiểu chồng chết ở vậy thờ chồng. Cứ cho là nhiều, nhưng ca ngơi không có nghĩa là khuyến khích, mà khuyến kích cũng chẳng được vì đây là câu chuyện trái tim. Thực tế rất nhiều người vợ liệt sĩ đi bước nữa, có người vừa ra đi thì chồng cũ mang ba lô trở về, do tổ chức báo tử nhầm !!! . Đấy là chuyện thường ngày không có gì đặc biệt để văn thơ ngợi ca.
    Hình ảnh nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng không chỉ có ở Lạng Sơn mà nhiều tỉnh ở miền trung, miền nam đều có, nó nói lên rằng dân tộc này đã chịu quá nhiều can qua tao loạn, trong đó khổ đau nhất là phụ nữ. Bài thơ Mẹ con của Thúy Ngoan nói lên cảm xúc của tác giả với một số phận cụ thể nào đó mà nhà thơ thẩm thấu được. Có thể đấy là ngoại lệ, là hiếm có, nhưng cũng là thân phận con người. Mà nói về nỗi niềm con người vốn là công việc của nhà thơ.

    Trả lờiXóa
  8. Thúy Ngoan chỉ chung sống với chồng được có 7 năm. Bản thân nàng đã là một "gái góa", và hình như nàng còn tổ chức được cả một "Tổ gái góa" để nương tựa và chia sẻ cùng nhau. Nhưng ở Nón Không quai thì thơ nàng mới giãi bày chính cái "thân phận nàng". Thì đến bài Mẹ con này nàng đã bắt đầu tịnh tiến sang "thân phận người" và gắn nó vào với một hoàn cảnh lịch sử nên ý nghĩa xã hội của bài thơ được mở rộng và đào sâu thêm rất nhiều.Câu thơ Thúy Ngoan rất hiền lành cam chịu nhưng vẫn cho người đọc thấy một sự thật: Chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất nhưng hạnh phúc của con người thì vẫn là không...?

    Trả lờiXóa
  9. Hì...đang lúc blog ngày càng vắng vẻ, đưa ra một đề tài tranh luận kể cũng hay!
    Bác Bu bảo rằng "ca ngợi không có nghĩa là khuyến khích" theo em là không ổn rồi. Văn thơ hướng con người ta đến cái tốt, cái đẹp. Vậy thì việc ca ngợi ấy chính là định hướng vậy. Nói nôm na, việc mọi người khen thì ta nên theo, việc người ta chê thì ta nên tránh. Em có nói, nàng Tô Thị thường được người đời ngợi ca về lòng chung thủy đến hóa đá. Và các chị, các mẹ ơi, hãy thủy chung son sắt dù chồng đã đi về nơi cực lạc nhé.
    Những vần thơ bắt nguồn từ nỗi niềm cảm xúc rất riêng, nhưng khi trở thành tác phẩm văn chương thì nó đã mang một ý nghĩa xã hội, mang một tầm khái quát vấn đề cuộc sống. "Mẹ và con" một lần nữa nhắc nhở mọi người về nỗi đau do chiến tranh. Nó hiện hữu dai dẳng trong từng phận người, trong từng ngóc ngách của cuộc sống. Sự mất mát này kéo theo những mất mát khác. Nhưng, nếu như ta có điều kiện để giảm đi những nỗi buồn đau kéo dài thì tại sao không? Cũng có thể khi chiến tranh qua đi, người vợ trẻ đã quá lứa lỡ thì, việc xây dựng một tổ ấm cho mình là khó khăn. Còn nếu chỉ vì chờ chồng để
    "Hai Tô Thị sống giữa đời
    Tựa nhau hóa đá giữa trời hoang liêu…"
    thì ...
    Hì hì...nói thế để nghe tiếp ý kiến của bác Bu và anh Tuân!

    Trả lờiXóa
  10. Thông thường đối với những người "đứt gánh giữa đường" thì ai thường cũng câu mong cho họ "gương vỡ lại lành" hoặc ít ra cũng là "rổ rá cạp lại".Nhưng không phải ai "đứt gánh giữa đường" cũng có thể "tái cơ câu" lại được hạnh phúc của mình. Cho nên "nương tựa vào nhau", tìm cách bù đắp một phần nào...cũng là tự nhiên thôi. Chưa kể trong bài thơ của Thúy Ngoan họ là "Mẹ và con". Chính cái "nỗi đâu truyền kiếp" này làm cho thơ càng xót xa hơn...

    Trả lờiXóa
  11. Úi trời! Thật là may mắn khi trang blog của Song Thu lại được các anh chị em bàn luận rôm rả thế này.
    Cám ơn mọi người thật nhiều!
    Em Nhật Thành quả là có khả năng " bùng nổ" đó nha!

    Trả lờiXóa
  12. Ngoài lới bình như "moi trong ruột gan người ta ra" của chàng Đỗ, em đang chờ ý kiến của hòa thượng Bulukhin đây chị.

    Trả lờiXóa
  13. Bạn NT lưu ý cho “ca ngợi không có nghĩa là khuyến khích” là bu tui nói về lập luận của NT khi bạn viết. “Thơ văn ta ca ngợi quá nhiều cái hình ảnh nàng Tô Thị”. Câu bu nói sẽ không đúng cho mọi trường hợp khác. Hai chữ “ca ngợi” vốn của NT, bu tui chỉ chép lại mà thôi. Thực ra, bài thơ “Mẹ con” không có câu chữ nào ca ngợi hình ảnh nàng tô Tô thị, mà như bác Tuân nói: “Đây có phải là một bài thơ ca ngợi lòng chung thủy, kiểu "Tiết hạnh khả phong" thời phong kiến đâu? Đây chỉ là bài thơ cảm thông và chia sẻ trước nỗi đau của thân phận con người thôi”.
    Khi viết câu “ca ngợi không phải là khuyến khích” bu tui nhớ tới hai trường hợp cụ thể. Bà xã bu có một cô bạn tên là Mẫn ở ngân hàng Huế. Ba Mẫn qua đời khi mẹ cô mới 20 tuổi, bà ở vậy nuôi con. Bu lại có cậu bạn học cùng lớp hồi đại học tên là Lê Văn Đại quê Thanh Hóa. Bố Đại mất khi mẹ Đại chưa đến 25 tuổi, cũng ở vậy nuôi con. Mẹ Mẫn và mẹ Đại được bà con nội ngoại hết lời khen ngợi về sự thủy chung theo cái thuyết “phu tử tùng tử”. Gia đình nhà chồng hai bà đã vận động hai bà đi bước nữa, nhưng hai bà kiên quyết từ chối. Mẹ Đại đã ngoài 90, mẹ Mẫn mới ngoài 80, không hiểu các cụ còn thượng tại hay đã ra người thiên cổ. Đây là hai trường hợp ngợi ca nhưng không khuyến khích người phụ nữ thủy chung theo kiểu cổ, mà là khuyến khích … ngược, tức vận động các bà đi lấy chồng.
    Từ văn bản bài thơ Mẹ con, NT nói rộng ra văn thơ …để sinh ra tranh luận. Mất chút út ít thì giờ, lại ồn sào nhà bạn Song Thu, nhưng không phải là vô ích cho chúng ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vui và hữu ích mà bác Bu. Em thích được nghe tranh luận bác ạ.

      Xóa
  14. Sang thăm chị, chúc chị Giáng sinh vui vẻ nhé!
    http://hinhanhdep.pro/content/uploads/2014/11/hinh-anh-giang-sinh-2015-dep-moi-nhat-686-1.jpg

    Trả lờiXóa
  15. Cám ơn em đã thăm chị và tặng quà giáng sinh nha

    Trả lờiXóa