Tôi
yêu thơ, thích thơ và cũng thường tập tọng làm thơ.
Nhưng dù có cố gắng thế nào tôi cũng chỉ trở thành
người ghép vần thôi. Nghĩa là tôi chỉ diễn tả được
những ý nghĩ của mình bằng những bài văn vần với đủ
các thể loại: lục bát, ngũ ngôn, tứ tuyệt thậm chí
cả thất ngôn bát cú Đường luật. Dẫu những bài tôi
làm không vi phạm niêm luật cũng không thất vận bao giờ
nhưng ngôn ngữ không mới lạ, không lấp lánh, lung linh ;
cấu tứ chẳng có gì đặc biệt. Vì vậy bài viết chẳng
có lớp nang ý nghĩa cần phải khám phá khai thác mà cứ
thẳng tuồn tuột phơi bày hết ra khiến đọc xong là hết
chẳng còn chút dư ba ý vị nào . Vì thế, hồi này tôi
chẳng buồn viết thêm nữa, chỉ đi tìm thơ hay để đọc
thôi. Nhưng không dễ chút nào khi tìm đọc thơ hay trên
mạng. Nó giống như đãi cát tìm vàng ấy.
Cho nên vớ
được bài thơ hay thì cứ sướng âm ỉ mãi thôi.
Cách
đây chừng hơn một tháng, tôi đọc được bài thơ này
của Nguyễn Lục, em gái bạn tôi, tôi ấn tượng vô cùng
và bài thơ cứ thế bám riết trong tâm trí tôi
Sáng
nay hoa bưởi ướt đầm
Trắng rơi ướp lối, hương
dầm mềm mưa
Chiều hoang thiền với hạt mưa
Tháng
giêng ơi… những dại khờ còn xanh?
( Nguyễn Lục)
Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa bưởi rụng trong mưa. Bởi lẽ
thường,muốn miêu tả vẻ đẹp của hoa, người ta hay
chọn hình ảnh những đoá hoa chớm nở, trong một ban mai
trong sáng yên lành. Em tôi lại miêu tả hoa rụng trong mưa
nhưng vẫn đẹp, một vẻ đẹp tinh khiết mà đằm thắm;
não nùng mà quyến rũ và lan toả đến mê ly : “Sáng nay
hoa bưởi ướt đầm/ Trắng rơi ướp lối, hương dầm
mềm mưa”. Rõ ràng là cái vẻ não nùng của “hoa bưởi
ướt đầm” trong mưa, vụt sáng láng, tinh khôi trong “
Trắng rơi ướp lối” và lan toả vào màn mưa làm cho
mưa không não nề,khiến ta bí bách khó chịu mà trở nên mềm mại, dịu ngọt, duyên dáng đáng yêu: “hương
dầm mềm mưa”. Mọi hình ảnh thơ đều đằm nặng, thấm vào, dày trĩu xuống rất ấn tượng. Hoa thì mưa làm cho "ướt đầm", cánh trắng rơi xuống thì "Ướp lối", hương không phảng phất, ngan ngát mà "dầm mềm mưa"Ngôn ngữ thơ thật thần diệu, có hồn. Đúng là một cảm quan nghệ thuật độc đáo.Nếu không có tâm hồn và con mắt
nhìn của thi sĩ thì không thể viết ra được như thế.
Ví thử cảnh trí này mà qua ngòi bút của tôi nó sẽ
chỉ thành ra: Cánh rơi trắng lối hoặc hoa rơi trắng
lối, hương thơm ngát vườn mà thôi chứ làm sao mà vẽ
ra được hình ảnh:”Trắng rơi ướp lối, hương dầm
mềm mưa” kia chứ! Vì thế, với tôi, cách diễn tả này
của em mới lắm, lạ lắm mà lại cũng chân thực vô
cùng. Bởi từ cái mới lạ trong ngôn ngữ thơ kia em đã
khơi gợi được cái thần, cái hồn của cảnh vật và
bộc lộ tự nhiên cảm xúc của mình trước cảnh trí.
Đọc đến đây, tôi lại chợt nhớ tới bài thơ Hương
bưởi của Trần Đăng Khoa rồi tự nhẩm lại xem Nguyễn
Lục có lặp lại điều gì trong thi phẩm này không?
Không! Trần Đăng Khoa mượn vẻ đẹp của hoa bưởi rụng
xuống cho quả non trồi lên để kính tặng hương hồn
liệt sĩ Mạc Thị Bưởi :
" Hôm qua cái cánh rụng rồi
Sáng nay cái cuống đã trồi quả non
Hoa rơi trắng mảnh sân con
Ơi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương"
Ở đây, Trần Đăng Khoa đã qua ngôn ngữ thơ của mình mà vẽ ra hình ảnh hoa bưởi rụng mà vẫn đẹp "Hoa rơi trắng mảnh sân con, vẫn thơm: "Ơi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương" và nhất là hoa rụng nhưng không hết mà rụng đi để cho quả non kia trồi lên, lớn dần rồi hứa hẹn đem đến cho đời những trái bưởi vàng ươm, thơm dịu, ngọt mát, ngon lành. Từ ý nghĩa tự nhiên của bài thơ như thế, tác giả gợi mở ra cho độc giả những liên tưởng về sự mất đi mà vẫn còn hữu ích cho đời, về những hy sinh cao quý của các anh hùng liệt sĩ quên mình vì Tổ quốc non sông ...
Nguyễn Lục thì khác, em chỉ khắc hoạ một vẻ đẹp và hương thơm của hoa bưởi rụng trong mưa bằng ngôn ngữ độc đáo, bằng cảm nhận tinh tế bằng tình yêu đằm thắm như đắm chìm hoà đồng vào cảnh vật của chính em để rồi tự nhiên hình ảnh thơ đó lưu lại dư ba không thể nào quên trong lòng độc giả và khơi gợi lòng yêu cái Đẹp trong con người. Như thế chẳng đáng quý lắm sao?!
Cái đặc sắc nữa của Nguyễn Lục nằm ở câu chuyển và câu kết trong bài lục bát tứ tuyệt này:
Chiều hoang thiền với hạt mưa
Tháng giêng ơi...những dại khờ còn xanh?
Thời gian biến đổi từ"sáng" sang "chiều; không gian biến chuyển từ mưa dày hạt làm ướt đầm hoa bưởi sang mưa thưa hơn nhỏ hơn"hạt mưa" và nhân vật trữ tình cũng biến chuyển cả tư thế hoạt động đến tâm thế cảm xúc. Nếu sáng ra, tác giả chỉ say đắm ngắm nhìn, tha thiết mến yêu và thưởng thức vẻ đẹp, hương thơm của hoa bưởi trong mưa nơi lối nhỏ vườn nhà thì chiều đến tác giả lại đang ngồi "thiền với hạt mưa" trong chiều hoang vắng như thực như mơ. Để rồi trong tư thế ấy, tác giả vụt bật lên tiếng gọi rất thiết tha và câu hỏi rất bất ngờ: " Tháng giêng ơi...những dại khờ còn xanh?"
Bằng vào ngôn ngữ thơ trong hai câu này, tôi hình dung ra tác giả đang ngồi thiền, nghĩa là đang ngồi thả lỏng hoàn toàn, tĩnh tâm tĩnh trí, cố gắng để không vướng bận với bất cứ điều gì nhưng những"dại khờ" trong cuộc đời của tác giả bỗng ùa về tươi nguyên, xanh nguyên, mới nguyên lại rất ngọt ngào nữa khiến tác giả thốt lên thành lời vừa như ngỡ ngàng chất vấn lại vừa như reo vui thích thú: "Tháng giêng ơi...những dại khờ còn xanh?" Những "dại khờ" là những điều chi mà đáng yêu đáng nhớ đến thế? Có thể là những trò chơi thưở ấu thơ của tác giả với chị em ,bạn bè trong vườn bưởi nhà mình khi đi nhặt những hoa bưởi rụng đem về ướp nước hoa rồi bôi đầy cả tóc nhau và "hí hửng bảo nhau thơm đấy chứ/ Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu" ( thơ Nguyễn Bính). Hay bọn họ đang thi nhau hái bưởi ăn bưởi vụng cũng chưa biết chừng? Cũng có thể đó là cái "dại khờ" trong sự vụng về ngu ngơ của tình yêu đầu đời mà nàng đã "Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay" ( thơ Phan Thị Thành Nhàn) định trao cho ai đó mà chưa dám trao để rồi đến giờ vẫn thương? Hoặc cũng có thể đó là những dại khờ trong vấp ngã giữa cuộc đời này chăng? Không thể đoán hết ra được nhưng chỉ biết rằng những dại khờ đó còn sống mãi trong lòng Nguyễn Lục và mỗi chúng ta ai lại chẳng có kỉ niệm với sự dại khờ của riêng mình. Bài thơ hàm súc là vì nó nói rất ít nhưng lại gợi liên tưởng thật nhiều. Bài thơ ấn tượng là bởi dù chỉ nói nỗi niềm riêng của thi nhân mà chạm tới miền kí ức của bao người. Bài thơ hấp dẫn bởi tác giả đã nói tất cả những điều đó bằng ngôn ngữ thơ thật thơ, độc đáo mới lạ, tưởng như bất hợp lý mà lại rất hợp lý vậy.
Nhớ lại khi vừa đọc bài này, tôi đã comens với em rằng: Bài thơ rất lạ, rất ấn tượng nhưng có một chỗ trùng vần, đọc chưa khoái lắm: "Trắng rơi ướp lối hương dầm mềm mưa/ Chiều hoang thiền với hạt mưa". Em có thể đổi từ hạt mưa thành xa xưa được không? Em trả lời với tôi rằng
“ Hạt mưa “ vừa cụ thể , vừa hình tượng . Hạt mưa có hồn , có thần , có
hình , có tình . Hạt mưa có thần giao cách cảm . Hạt mưa cô đơn , hạt
mưa thật , hạt mưa hư ... Em thích từ “ hạt mưa “ , chị ơi "Bị bác lại, tôi có hơi cụt hứng nhưng chẳng hề tức giận chi em mà càng quý em hơn bởi một Nguyễn Lục cá tính, luôn thẳng thắn, bản lĩnh và có chính kiến riêng của mình cả ở ngoài đời và cả trong quan niệm văn thơ. Em đúng là con người: Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu"( Thơ Phùng Quán) như vậy đó. Tôi không tranh luận trực tiếp với em nữa nhưng tôi vẫn bảo vệ quan niệm của tôi rằng chỗ trùng vần trong bài thơ trên của em làm cho bài thơ chưa thật
sự trọn vẹn.Nhưng ngọc còn có vết kia mà. Đồng thời tôi cũng ngộ ra
rằng thay từ "hạt mưa" bằng từ xa xưa như gợi ý của tôi với em là không
ổn.Bởi nó làm lộ trước cái ý thơ trong câu sau , làm mất luôn cả cái thi
vị, kín đáo của thơ rồi. Khó thật! Có lẽ đây là sự trùng vần bất khả
kháng chăng?
Sao Đỏ: 07-4-2020
Song Thu