Mình không thể trở thành nhà báo được. Thị tự nói với mình như thế. Bởi Thị biết, làm nhà báo là phải nhanh nhạy, cập nhật tình hình, bút lực sắc sảo và phải ham thích đi đó đi đây, thậm chí là phải dám đương đầu với cả hiểm nguy nữa. Đằng này, Thị nhát như thỏ đế. Đến chồng quát còn chả dám cãi lại một câu thì dũng khí đâu mà dấn thân vào “nghề nguy hiểm”. Đã thế,Thị còn bị say xe nên việc đi đó đi đây coi như đầy ải vậy. Thế thì lấy đâu ra tư liệu mà làm báo, viết văn? Chưa hết, Thị lại cầm tinh cụ Rùa lúc nào cũng “ trưa không vội, tối không cần” cứ suốt đời lấy việc đi sau thiên hạ làm tôn chỉ cho cuộc sống. Vậy thì Thị làm báo, viết văn sao được? Nhưng mà nghề nghiệp của Thị lại dính với văn chương chút xíu. Cho nên nhiều lúc Thị cũng muốn tý táy viết cái lọ cái chai. Ví như, hôm quét dọn ngoài ngõ, Thị vô tình nghe thấy mấy bà đi bộ ven hồ hớn hở kháo nhau rằng; “sắp dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì dịch cô vít rồi”.Một bà khác tiếp luôn: “Thế thì vui như tháo cũi sổ lồng nhỉ? Gớm, cứ cách ly mãi, buồn muốn chết” Thị đã nghĩ ngay, chuyến này mình phải viết cái kí sự về việc “tháo cũi sổ lồng này” mới được.
Nghĩ vậy nên Thị cũng có để tâm đến việc quan sát sự thay đổi của thành phố, những biểu hiện cụ thể của người dân và kiểm nghiệm thực tế tâm trạng của bản thân, cùng với những người trong gia đình Thị nữa để có tư liệu mà viết chứ. Thị ghi chép cẩn thận những điều mình quan sát được và Thị đinh ninh rằng mình sẽ viết ngay sáng mai thôi. Nhưng “trăm đường tránh chẳng khỏi nết”. Cái nết “trưa không vội, tối không cần” lại phản bội dự định của Thị. Sáng ra, Thị dưỡn dẹo thể dục, nấu ăn, quét dọn nhà cửa cổng ngõ, lượn lờ ngó nơi này một tý, nơi kia một tẹo thế là đã đến giờ chuẩn bị bữa trưa rồi. Thị chép miệng “thôi để chiều”. Chiều,vừa mở máy tính ra lại có khách đến chơi. Thế là tèo luôn! Nói chung là có trăm ngàn lý do làm trì hoãn kế hoạch của Thị. Vì thế mà đến tận hôm nay, Thị mới ngồi gõ những dòng này. Nhưng số Thị cũng có âm phù, dương trợ sao đó, cho nên hôm nay lại đúng vào ngày toàn tỉnh được lệnh xóa bỏ giãn cách xã hội. Nghĩa là mọi hoạt động trở lại bình thường: học sinh các cấp được đến trường, không phải học qua mạng nữa. Các hàng quán và khu vui chơi được mở cửa.
Khỏi phải nói, người dân vùng quê Thị vui sướng thế nào. Nếu thời kì bị phong tỏa, phố xá vắng tanh vắng ngắt, thảng hoặc mới có người đi xe máy hay xe đạp ngoài đường và ai cũng vội vội vàng vàng, dẫu gặp người quen cũng chỉ gật đầu chào rồi vút qua tìm mua đúng thứ mình cần và mau mải trở về. Hôm nay, phố xá đã khởi sắc. Các hàng quán mở cửa trở lại. Chợ lại nhộn nhịp đông vui. Tuy ai cũng đeo khẩu trang nhưng niềm vui cứ ngời lên trên từng ánh mắt lấp lánh sáng . Tiếng chuyện trò chào hỏi rộn ràng. Có cảm giác cả người bán lẫn người mua đều hồ hởi, không ai quan tâm mấy đến giá cả mà chỉ quan tâm đến sức khỏe của nhau, đến những món hàng tươi ngon và đến cả cái không gian của phố, của chợ. Những người bán hàng tiêu dùng và quán ăn dẫu biết rằng ngày đầu chưa đông khách nhưng vẫn mở cửa thật sớm, dọn dẹp sạch sẽ, bài trí đẹp đẽ trong một niềm tin ngày mai, ngày kia sẽ khá hơn.
Vui nhất là bọn trẻ. Sau bao ngày học onle với cái góc học tập ở nhà cùng màn hình điện thoại hoặc laptop bé tý và lúc nào cũng có bố mẹ hay anh chị kè kè ở bên nhắc nhở thì làm sao sánh được với lớp học khang trang, bảng sơn rộng lớn, bầu bạn đông vui; cho nên vừa nghe tin được đi học trở lại, chúng đã chạy khắp nơi, tíu tít khoe: “bà ơi, mai con được đến trường học rồi!” Thấy hết cháu nhà mình lại cháu hàng xóm tới khoe Thị hỏi bọn trẻ: “bà tưởng được học ở nhà thích hơn chứ” Chúng nhao nhao: “ học ở nhà chán chết đến lớp vui hơn nhiều”. Sáng hôm sau, Thị đi chợ, gặp cháu nào được cha mẹ đưa đi học, chúng cũng vẫy tay và chào bà rõ to đầy hân hoan, thích thú. Chiều về, chúng kể đủ thứ chuyện vui của bạn bè, thầy cô bằng khuôn mặt rạng ngời, ánh mắt long lanh kèm theo cả những tiếng cười đầy thích thú. Các cháu còn tíu tít kể chuyện về cây cối, hoa lá trong trường, về những lọ nước sát khuẩn, về việc đeo khẩu trang và ngồi cách xa nhau như thế nào trong lớp học…Thị nghĩ thầm cuộc sống thực sự đã trở về với bọn trẻ rồi!
Thế nhưng các cháu mẫu giáo thì lại khác. Do ở nhà với bố mẹ hoặc ông bà được cưng chiều nên ngại đi học trở lại. Chúng ấm ích khóc hoặc phản đối mạnh mẽ: “con không đi học đâu”. Chỉ có bố mẹ chúng là vui không tả xiết. Một bà mẹ trẻ, có hai con học mẫu giáo kể với Thị: “Nếu dịch kéo dài thêm nữa có khi con phát điên mất bà ạ” Thị ngờ vực: “ Bác cứ nói quá lên thế chứ đâu đến nỗi?”. “Thật đấy bà ơi… hai cháu bà ở nhà nghịch ngợm, bày biện đồ đạc khắp nơi, chí chóe, đánh nhau, khóc mếu khiếu kiện đã đủ điên đầu lại còn cho chúng ăn uống, tắm giặt nữa mệt đứt hơi… Đã thế lại chẳng kiếm ra đồng nào, bí bách lắm, không điên cũng dồ bà ạ. Hôm nay, đưa chúng đi học xong, về đi làm mà nhẹ bẫng cả người đấy bà”
Còn cánh già, cứ tưởng họ đã an phận rồi thì giãn cách với không giãn cách cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng không, các cụ cũng nhiều cung bậc bức xúc trong việc giãn cách lắm. Có những cụ, mất đi nửa kia, sống một mình vốn chỉ lấy việc giao tiếp bạn bè, câu chuyện, câu trò, câu kinh, lời kệ làm vui, nay quanh quẩn vào ra, một mình thui thủi càng tủi càng sầu. Nên khi xóa bỏ giãn cách thì vui như tháo cũi sổ lồng chạy đến hết bầu nọ bạn kia, tâm tình thủ thỉ. Có cụ còn đủ đôi nhưng già rồi trái nết, chẳng thể nói chuyện cùng nhau lâu được. Đến sở thích xem ti vi cũng khác nhau nên ở nhà lâu cùng nhau chỉ thêm bực mình, bức xúc. Vì thế mà xóa bỏ phong tỏa cũng mừng rơn. Lại tha hồ đi hát hò, nhảy múa, hay cờ tướng , tổ tôm, thơ phú rộn ràng, hoạt bát như trẻ ra mấy tuổi. Có những cụ vốn tính cả nghĩ, vướng vào dịch như này, suốt ngày lo lắng con cháu ở xa có dính dịch bệnh không, chúng làm gì mà ăn trong thời dịch bệnh này nên cứ bồn chồn, thấp thỏm không yên đến sọm cả người. Giờ xóa bỏ giãn cách cũng thở phào nhẹ nhõm, tươi tỉnh hẳn.
Khu quảng trường bao ngày vắng lặng im lìm vì dịch. Nay bắt đầu rộn ràng trở lại. Những chiếc ô tô , xe đạp tí hon lại tíu tít người thuê. Những con diều bướm lại tung bay cùng bọn trẻ, những hàng bán kẹo bông, bóng bay lại phấp phới xanh đỏ trắng vàng trông thật vui mắt. Lạ thế, khi chưa có dịch, mọi hoạt động này vẫn diễn ra hàng ngày Thị thấy thật bình thường và không hề để ý đến làm gì. Bỗng dưng dịch xảy ra, thiếu vắng những cảnh ấy mới thấy nó ủ dột biết bao. Nay, mọi hoạt động trở lại thì niềm vui cứ dâng trào dào dạt lạ. Đến cả cảnh những người già đi bộ, tập dưỡng sinh; những trung niên đi xe đạp quanh quảng trường cũng tạo ra một sự sống tràn trề.
Thế mới biết, phải sống bất bình thường trong dịch cô vít, chúng ta mới thấy cuộc sống trong những ngày bình thường đáng quý biết bao nhiêu.
Sao Đỏ : 20-4-2021
Song Thu